+ Trung Quốc:

Trung Quốc không muốn đàm phán với khối ASEAN về Biển Đông. Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 5/4, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố: “Mục đích của DOC là để bảo vệ hòa bình và ổn định trên khu vực Biển Đông. DOC không phải dùng để giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và tranh chấp quyền lợi biển. ASEAN cũng nhiều lần bày tỏ, là một tổ chức khu vực, ASEAN không có lập trường với các vấn đề tranh chấp, chủ trương các nước đòi chủ quyền giải quyết các tranh chấp có liên quan thông qua biện pháp đàm phán, hòa bình. Để thực hiện DOC, Trung Quốc và các nước ASEAN đã triển khai thảo luận và các dự án hợp tác liên quan, COC là một bộ phận trong tiến trình thực hiện DOC, phải do phía Trung Quốc và các nước ASEAN bàn bạc trực tiếp.”

Các dự án ở Biển Đông “rủi ro đối với Ấn Độ”. Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc cho rằng Ấn Độ sẽ phải đối mặt với những “rủi ro về kinh tế và chính trị” nếu các công ty Ấn Độ tiếp tục thăm dò tại các lô dầu ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Theo ông này, sự tham gia của tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC trong các dự án thăm dò tại hai lô dầu khí sẽ làm cho tranh chấp trở nên “phức tạp hơn”.

Bắc Kinh kêu gọi “một môi trường khu vực hòa bình”. Trước sự kiện đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đầu tiên đến Úc, hôm 05/04/2012 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã tuyên bố: “Điều mong muốn nhất trong khu vực là một môi trường hòa bình. Chúng tôi hy vọng các nước liên quan sẽ có những nỗ lực mang tính xây dựng để làm nên một khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa hợp và hòa bình”.

Hải Nam xây dựng khu thí điểm đảo du lịch. Tại buổi họp báo khai mạc Diễn đàn Bác Ngao, Trưởng ban Tuyên truyền, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Hải Nam, Trung Quốc Đàm Lực lần đầu tiên tiết lộ tiến triển xây dựng khu thí điểm đảo du lịch quốc tế Hải Nam. Ông này cho biết, khu thí điểm có diện tích tổng thể là 65 km2 sẽ được đặt tại khu Lăng Thủy Lê An, trong đó diện tịch khai thác là 39,6 km2, chủ yếu bao gồm mua sắm miễn thuế, sổ số thể thao, du lịch Hoàng Sa, Trường Sa, dịch vụ tầu du lịch... dự kiến trong 3 năm sẽ đầu tư hơn 25 tỷ NDT[2].

+ Việt Nam:

Thủ tướng Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 20. Ngày 2/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam rời Hà Nội, tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 20 tổ chức tại Phnom Penh, Campuchia từ ngày 3-4/4 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hunsen.

PetroVietnam liên doanh khai thác khí đốt với Gazprom. Dự án sẽ khai thác khí đốt ở hai lô số 05.2 và 05.3 tại khu vực thềm lục địa Việt Nam, theo đó “Đại gia” dầu lửa Nga Gazprom sẽ nắm 49% cổ phần. Thỏa thuận được hai bên ký tại Hà Nội nhân dịp CEO Alexey Miller của Gazprom dẫn đầu một đoàn công tác sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Tại hai lô số 05.2 và 05.3, Việt Nam đã phát hiện thấy hai mỏ khí ngưng tụ là Mộc Tinh ở lô số 05.3 và Hải Thạch thuộc cả lô 05.2 và 05.3, cùng một mỏ dầu có tên Kim Cương Tây thuộc lô 05.2. Ước tính, tổng trữ lượng khí đốt của hai mỏ trên là 55,6 tỷ mét khối, cộng thêm 25,1 triệu tấn khí ngưng tụ.

+ Philíppin:

Philippines kêu gọi ASEAN thống nhất trong vấn đề Biển Đông. Tại phiên họp kín của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 20 ở Phnom Penh-Campuchia, Tổng thống Benigno Aquino III khẳng định Philippines coi giải pháp giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển là quan trọng nhất và nhấn mạnh COC cần là một bước tiến thực sự về chất, nên bao gồm không chỉ quy định về hoạt động hợp tác mà quan trọng hơn là các điều khoản về giải quyết tranh chấp, làm rõ và tách biệt các khu vực có tranh chấp và không có tranh chấp. Ông Aquino kêu gọi ASEAN phải củng cố lập trường thống nhất về dự thảo COC trước khi đàm phán với Trung Quốc.

+ Mỹ:

Thủy quân lục chiến Mỹ đến Darwin. Khoảng 200 thủy quân lục chiến đầu tiên của Mỹ đã có mặt ở căn cứ Darwin, Úc, trong một phần chiến lược gia tăng quân sự mà Wasington đề ra ở châu Á - Thái Bình Dương. Dự kiến đến năm 2017, sẽ có tổng cộng 2500 lính Mỹ được điều tới miền bắc nước Úc trên cơ sở luân phiên sáu tháng. Australia nhấn mạnh rằng sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ sẽ chỉ có tính cách tạm thời, và không có kế hoạch nào cho các căn cứ vĩnh viễn của Hoa Kỳ trên lãnh thổ Úc.

Mỹ dự tính triển khai bốn tàu tuần duyên tại Singapore. Trong một bản thông cáo sau cuộc hội đàm giữa hai bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Singapore tại Washington hôm 04/04, Lầu Năm Góc cho biết là hai nước đã nhấn mạnh “một sự hiện diện hùng hậu của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ củng cố tình hình ổn định và an ninh trong khu vực”. Trên cơ sở nhận định chung đó, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã gợi lên với đồng nhiệm Singapore Ng Eng Hen đề nghị của Mỹ về việc “triển khai tối đa là bốn tàu khu trục chiến đấu vùng cận duyên tại Singapore”. Các chiến hạm Mỹ sẽ không đặt căn cứ cố định tại Singapore, mà theo cơ sở luân phiên.

+ Ấn Độ:

Ngoại trưởng Ấn Độ: Biển Đông là tài sản của thế giới. Phát biểu trước báo giới tại New Delhi, Ngoại trưởng Ấn Độ S. M. Krishna nói: "Ấn Độ coi Biển Đông là tài sản của thế giới. Tôi nghĩ những con đường thương mại đó phải được giải phóng khỏi bất kỳ sự can thiệp của quốc gia nào". Bất chấp khuyến cáo của Trung Quốc, ông Krishna nói rằng khu vực Biển Đông phải được sử dụng để tăng cường các hoạt động liên quan đến thương mại giữa các quốc gia trong phạm vi bờ biển.

Hải quân Ấn Độ biên chế tàu ngầm hạt nhân của Nga. Tàu ngầm Nga trị giá 1 tỷ đôla được hải quân Ấn Độ thuê với thời hạn 10 năm sẽ được bàn giao cho phía Ấn Độ tại miền Đông nước Nga vào tháng 1/2012. Trên thế giới, chỉ có Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh và Pháp là có tàu ngầm nguyên tử. Chiếc tàu ngầm K-152 Nerpa lớp Akula II, tải trọng 8.140 tấn với thủy thủ đoàn 80 người được hải quân Ấn Độ đổi tên thành INS Chakra II. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ AK Antony đã giao tàu này cho hải quân tại một buổi lễ tổ chức ở Vishakhapatnam, phía đông Vịnh Bengal.

+ Nhật Bản:

Nhật Bản cân nhắc cấp tàu tuần tra cho Philippines. Chính phủ Nhật Bản ngày 2/4 bắt đầu thảo luận về việc sử dụng viện trợ phát triển chính thức (ODA) để cung cấp các tàu tuần tra biển và hệ thống thông tin liên lạc giữa tàu và đất liền cho Philippines nhằm đảm bảo an ninh cho tuyến đường biển quan trọng mà tàu thuyền của Nhật Bản thường qua lại. Ngoài đối phó với nạn hải tặc, mục đích của việc cung cấp tàu tuần tra này là hỗ trợ tăng cường năng lực cảnh giới trên biển của Philippines. Nhật Bản sẽ cung cấp tàu tuần tra bằng các khoản vay ODA và cung cấp hệ thống thông tin liên lạc bằng viện trợ không hoàn lại.

+ Cộng Hòa Czech:

Cộng Hòa Czech muốn bán vũ khí cho Việt Nam. Trong chuyến thăm chính thức hai ngày tới Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Cộng Hòa Czech Alexandr Vondra đã đề xuất việc bán vũ khí, nhất là loại công nghệ cao, cho Việt Nam. Thông cáo của Bộ Quốc phòng Czech dẫn lời ông Vondra nói Cộng Hòa Czech có thể cung cấp cho Việt Nam công nghệ tiên tiến và "không có trở ngại nào" trong quá trình này. Trong số các loại vũ khí chào hàng, có cả hệ thống radar phòng không Vera đặc biệt hiện đại, hệ thống này được cho là thiết bị radar duy nhất trên thế giới trong thời điểm hiện tại có thể phát hiện phi cơ tàng hình.

II. Quan hệ các nước

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. Ngày 2/4, tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia đã diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM), Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC) và Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC). Về tình hình Biển Đông, các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS), thực hiện đầy đủ DOC, sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Các Bộ trưởng cũng hoan nghênh kết quả của Nhóm Công tác của SOM ASEAN về xây dựng các thành tố của COC, làm cơ sở để trao đổi giữa ASEAN với Trung Quốc.

ASEAN thảo luận COC trước khi đàm phán với Trung Quốc. Tại hội nghị cấp cao lần thứ 20 của ASEAN ở Campuchia bế mạc hôm 4/4, ASEAN đạt được sự nhất trí hoàn thành dự thảo các thành tố của Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trước khi thảo luận cùng Trung Quốc. Tuyên bố Phnom Penh của Cấp cao ASEAN 20 nhấn mạnh ASEAN tiếp tục đề cao những cam kết chung đã được quy định trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và khẳng định sẽ tiến tới bộ quy tắc ứng xử ở khu vực (COC).

Hội đàm thủ tướng Việt Nam và Singapore. Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 20 được tổ chức tại thủ đô Phnom Penh-Campuchia, chiều 3/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Hai Thủ tướng khẳng định cần củng cố lập trường chung về Biển Đông, nhất là trong thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở khu vực, giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Hội nghị Cấp cao ASEAN 20 ra Tuyên bố Phnom Penh. Kết thúc Phiên họp toàn thể của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Phnom Penh về “ASEAN: Một Cộng đồng, một Vận mệnh,” Nghị sự Phnom Penh về xây dựng Cộng đồng ASEAN và Tuyên bố về ASEAN không ma túy vào năm 2015. Tuyên bố Phnom Penh nhấn mạnh ASEAN tiếp tục đề cao những cam kết chung đã được quy định trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), và khẳng định sẽ tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trung – Nga tập trận chung.Ngày 3/4, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga cho biết, tàu tuần dương trang bị tên lửa Varyag và 3 tàu khu trục chống tàu ngầm sẽ tham gia tập trận với một hạm đội hỗn hợp của Trung Quốc trên biển Hoàng Hải từ ngày 22-29/4. Tổng cộng, Nga và Trung Quốc sẽ cử hơn 20 tàu chiến và tàu hộ tống tham gia. Kể từ năm 2005, Trung Quốc và Nga đã nhiều lần tập trận chung theo khuôn khổ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Ngoài Nga và Trung Quốc, SCO còn bao gồm một số quốc gia Trung Á khác như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan với mục tiêu đẩy mạnh hợp tác trong khu vực.

III. Phân tích và đánh giá

Mỹ tăng cường sự hiện diện ở Đông Nam Á. Mỹ có kế hoạch củng cố quân đội ở Đông Nam Á khi mà chiến tranh ở Iraq và Afghanistan đã lắng dần; đồng thời muốn làm đối trọng với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Kế hoạch này đòi hỏi phải có sự ưu tiên về chính sách, Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện bằng cách dồn lực vào tập trận chung, luân phiên triển khai lính đến khu vực, đóng quân, và giảm bớt các thỏa ước để tránh việc phải lập ra nhiều căn cứ tốn kém. Các điều ước ký với Úc và Singapore là mẫu hình cho vị thế mới của Mỹ ở khu vực. Tuy trọng tâm của Mỹ trong khu vực từ lâu vẫn là Đông Bắc Á, nhưng hướng nhìn của Mỹ giờ đây đang phần nào chuyển dần sang Đông Nam Á. Các ưu tiên chiến lược mới, gồm cả việc cân bằng lực lượng trước sự nổi lên của Trung Quốc và an ninh trên những vùng biển quan trọng sống còn như Biển Đông, đã thúc đẩy Mỹ tập trung trở lại vào Đông Nam Á. Trong khi nhiều nước Đông Nam Á phàn nàn là bị Mỹ “xao nhãng” trong những năm 2000, giờ đây các cuộc thảo luận đang nhanh chóng chuyển theo hướng xem xét liệu sự trở lại của Mỹ cuối cùng sẽ đưa đến bình yên hay xung đột trong khu vực.

Chiến tranh quy mô nhỏ ở Biển Đông: Trung Quốc không mất nhiều? của Jens Kastner. Trên báo chí của Trung Quốc, nhất là tờ Hoàn cầu thời báo, khái niệm về ‘tiểu chiến’ đã được tuyên truyền nhiều kể từ năm 2011. Hồi đầu tháng Ba, thủ tướng nước này Ôn Gia Bảo phát biểu trong cuộc họp Quốc hội rằng Quân đội giải phóng nhân dân nên chuẩn bị sẵn sàng cho các ‘cuộc chiến cục bộ’. Ông Steve Tsang, giám đốc Viện chính sách Trung Quốc của Đại học Nottingham, nhận định “Mặc dù Trung Quốc hiển nhiên không thể dễ dàng thắng Việt Nam và dù một cuộc chiến như thế sẽ gây xáo trộn rất lớn cho khu vực Đông Nam Á và phần còn lại của Đông Á, nhưng vẫn có thể kiểm soát được. Nếu cuộc xung đột này không kéo dài và ở mức độ hạn chế thì tác động tức thời sẽ không lớn lắm.” Ông này cũng nhận định hiệp ước phòng vệ lẫn nhau giữa Philippines và Hoa Kỳ có thể cũng không giúp cho nước này ‘miễn nhiễm’ trước một hành động quân sự chớp nhoáng của Trung Quốc. James Holmes, một học giả về chiến lược tại Trường Hải chiến Hoa Kỳ, nhận xét Bắc Kinh có thể dễ dàng không gặp vấn đề gì nếu họ tấn công Philippines hay Việt Nam.“Bắc Kinh có thể cố gắng làm cho các cuộc tiểu chiến đó ở quy mô càng nhỏ và càng ít được chú ý càng tốt.” Theo những học giả này, hậu quả của các cuộc phiêu lưu quân sự như thế đối với Bắc Kinh là có thể chấp nhận được.

“Lôgic Thái Bình Dương của Mỹ” của Robert D. Kaplan. Thách thức mới hiện nay Mỹ phải đối mặt là: một Trung Quốc đang trỗi dậy được thể hiện bằng toàn bộ sức mạnh – với sự gần kề về mặt địa lý đối với Biển Đông và các vùng lân cận; tầm ảnh hưởng về kinh tế khiến nước này trở thành đối tác thương mại lớn nhất của gần như tất cả quốc gia ven biển; việc mở rộng hạm đội tàu ngầm. Trung Quốc đang đầu tư vào tàu ngầm, tên lửa đạn đạo và chiến tranh trên mạng và không gian như một phần trong kế hoạch xây dựng quốc phòng tổng thể. Trung Quốc không có ý định đi đến một cuộc chiến với Mỹ nhưng đang nỗ lực ngăn chặn nguy cơ về khả năng tiếp cận quân sự của Mỹ đối với Biển Đông và phần còn lại của khu vực hàng hải Châu Á. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuật ngữ “Phần lan hóa” ở Đông Nam Á mà Trung Quốc, thông qua việc kết hợp giữa sức mạnh kinh tế và quân sự, sẽ làm suy yếu chủ quyền của các quốc gia như Việt Nam, Malaysia, Philippines và Singapore, tất cả nước này là đồng minh chính chức hay không chính thức của Mỹ. Việt Nam là mục tiêu lớn nhất của Trung Quốc bởi dải bờ biển tạo thành khung sườn phía Tây của Biển Đông cùng với sự năng động về kinh tế khiến Việt Nam có thể trở thành một cường quốc bậc trung giống như Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Trung Quốc có thể “Phần lan hóa” Việt Nam, nước này có thể thâu tóm Biển Đông. Điều này giải thích vì sao Washington đang ngày càng thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.

Sách lược của Mỹ và các đồng minh trước một Trung Quốc trỗi dậy. Nhóm lính thủy đánh bộ Mỹ đầu tiên đã tới Australia, theo một thỏa thuận tháng 11 giữa lãnh đạo hai nước. Singapore đang xúc tiến kế hoạch triển khai tàu tuần duyên (LCS) của Mỹ trong khi Philippines cũng đang thương thảo với Washington về khả năng tăng cường các cuộc diễn tập chung. Mỹ đang sắp xếp lại lực lượng ở tây Thái Bình Dương nhằm tập trung nhiều hơn vào việc duy trì ổn định ở Đông Nam Á và bảo vệ các tuyến đường vận chuyển hàng hóa cũng như năng lượng thông qua Ấn Độ Dương tới các nền kinh tế Đông Á. Những mảnh của một ống kính vạn hoa chiến lược mới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương bắt đầu sắp xếp thành hàng khi các đồng minh và đối tác an ninh của Mỹ nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực nhằm đạt được các mục tiêu mở rộng của mình, đặc biệt là ở Biển Đông.

Mỹ đánh giá thấp tiềm năng quân sự của Trung Quốc. Theo Báo cáo của Uỷ ban Xem xét An ninh và Kinh Tế Mỹ - Trung, Mỹ có những thông tin trái ngược nhau về các loại vũ khí mới của cường quốc đang trỗi dậy này, bao gồm cả việc "quên" tính tới sự xuất hiện của ngày càng nhiều các tàu ngầm hiện đại. Các chuyên gia Mỹ giả định vào cuối những năm 1990 rằng, Trung Quốc sẽ không bao giờ bắt kịp về mặt quân sự với Mỹ và điều này sẽ đặt ra ưu tiên thấp trong ngành công nghiệp quốc phòng so với những phần khác của nền kinh tế. “Trong một thập niên, giờ đây đã rõ ràng rằng, rất nhiều kiến thức phổ thông về Trung Quốc đưa ra từ hồi đầu thế kỷ đã chứng minh sai lầm trầm trọng". Báo cáo kết luận “Để tránh mất cảnh giác vào năm 2022, các nhà phân tích Mỹ nên cẩn thận xem xét lại rất nhiều dự đoán đã có của họ về chính phủ và mục tiêu chính sách của Trung Quốc".

Biển Đông: Khuynh hướng ngoại giao mạnh mẽ. Dường như Trung Quốc cũng dần làm rõ những yêu sách của nước này ở Biển Đông, một bước đi quan trọng nếu những tranh chấp lãnh thổ hiện tại có thể được giải quyết. Trung Quốc hiện tập trung yêu sách chủ quyền đối với những hòn đảo khác nhau cùng vùng biển bao quanh, do đó thay đổi quan điểm của nước này từ khẳng định yêu sách ‘quyền lịch sử’ sang sự điều chỉnh sát hơn với luật pháp quốc tế. Các chuyên gia pháp lý nhìn nhận điều này như một bước đi ban đầu, nhưng cũng lập luận rằng Trung Quốc cần rõ ràng hơn về những đảo và đá mà nước này yêu sách. Những nỗ lực ngoại giao hiện nay dường như gắn liền với cuộc gặp định kỳ hằng năm của ASEAN, người ta cho rằng Trung Quốc sẽ “cư xử ít gây chú ý” trong thời điểm sắp diễn ra thượng đỉnh ASEAN và các cuộc gặp liên quan được tổ chức sau đó trong năm. Hai bên có thể nỗ lực hình thành một Bộ Quy tắc Ứng xử sau những hội nghị này với hy vọng công bố vào tháng 11 ở Phnom Penh. Văn kiện này sẽ là bước đột phá quan trọng nếu có thể đạt được, khi vòng ngoại giao Trung Quốc – ASEAN hiện nay về thực thi các biện pháp xây dựng lòng tin theo DOC sẽ không giải quyết các tranh chấp chủ quyền – Bộ Quy tắc Ứng xử sẽ khuyến khích sự điều tiết trong cách hành xử của Trung Quốc và làm giảm bớt những căng thẳng.

Bản PDF tại đây



[2] Theo Văn hối Hồng Kông ngày 2/4