Động thái các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc triển khai tàu cứu hộ đến Đá Chữ Thập. Tàu cứu hộ Nam Hải 115 trực thuộc Bộ giao thông vận tải Trung Quốc xuất phát từ Thành phố Tam Á ngày 10/1, đến Đá Chữ Thập ngày 18/2. Từ đó đến nay, tàu Nam Hải Cứu 115 tuần tra quanh Đá Chữ Thập và neo đậu tại bến cảng ở Đá Chữ Thập lần cuối vào ngày 28/2. Tháng 1/2019, Trung Quốc đã ngang nhiên thành lập Trung tâm Cứu hộ Hàng hải ở Đá Chữ Thập. Chưa rõ lý do Trung Quốc đưa tàu Nam Hải Cứu 115 đến Đá Chữ Thập vì từ tháng 7/2018, căn cứ của tàu này được đặt tại trung tâm cứu hộ ở Đá Xu Bi, cách Đá Chữ Thập 110 hải lý.

Trung Quốc triển khai 136 tàu áp sát Thị Tứ từ đầu năm 2020. Tờ Inquirer hôm 2/3 dẫn lời Phó đô đốc Rene Medina, tư lệnh Bộ chỉ huy miền Tây của quân đội Philippines (Wescom) cho hay 136 tàu Trung Quốc hiện diện gần đảo Thị Tứ từ ngày 1/1 đến 25/2. Theo Phó đô đốc Medina, “Ngày 7/2 đánh dấu số lượng tàu cá Trung Quốc tập trung đông đảo nhất, với 76 tàu hiện diện ở doi cát rìa tây.” Wescom cũng phát hiện hai tàu hải cảnh của Trung Quốc trong giai đoạn này và một tàu của hải quân Trung Quốc hồi tháng 2.

Trung Quốc cáo buộc máy bay tuần tra Mỹ hành động khiêu khích. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường hôm 7/3 cho hay, “Thông tin phía Mỹ không phản ánh thực tế. Máy bay P-8A Mỹ do thám nhiều vòng ở tầm thấp, bất chấp cảnh báo liên tiếp từ phía Trung Quốc. Hành động của phi cơ Mỹ không thân thiện và thiếu chuyên nghiệp, đe dọa nghiêm trọng an toàn của binh sĩ và khí tài hai bên. Trung Quốc kiên quyết phản đối và yêu cầu Mỹ dừng các hành động khiêu khích và nguy hiểm.”

+ Philippines:

Philippines gửi 45 công hàm phản đối Trung Quốc ở Biển Đông từ năm 2016. Điều này được hé lộ trong tài liệu của Bộ Ngoại Giao tại buổi điều trần trước Hạ viện của Lực lượng Vũ trang (NTF) Biển Tây Philippines. Theo đó, Philippines phản đối tàu hải quân, cảnh sát biển Trung Quốc quấy rối ngư dân Philippines, việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo, phát tín hiệu cảnh báo khi tàu Philippines đi qua các thực thể này, lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, ngư dân Trung Quốc đánh bắt hủy diệt tài nguyên biển... Bộ Ngoại giao Philippines cho hay các công hàm dựa trên báo cáo sự việc và thông tin tình báo của lực lượng NTF và các cơ quan an ninh Philippines.

Philippines bác bỏ yêu sách Biển Đông của Trung Quốc. Trong công hàm gửi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Gutteres ngày 6/3, Phái đoàn Philippines tại Liên Hợp Quốc khẳng định, “Chính phủ Philippines coi lập trường của Trung quốc là không phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, xác định toàn diện những quyền trên biển của các Quốc gia. Tòa Trọng tài năm 2016 khẳng định các yêu sách về quyền lịch sử, các quyền chủ quyền và quyền tài phán khác, vượt quá giới hạn địa lý và thực tế của các quyền lợi biển do UNCLOS quy định, đều không có giá trị pháp lý.” Trong công hàm riêng cùng ngày, Philippines cũng phản bác yêu sách của Malaysia bởi chồng lấn với yêu sách Philippines ở Nhóm Kalayaan và các phần phía Bắc Borneo.

+ Indonesia:

Indonesia bắt giữ 5 tàu cá nước ngoài ở Natuna. Bộ trưởng Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia ông Edhy Brabowo hôm 4/3 cho hay: "Năm tàu cá bị Indonesia bắt giữ hôm 1/3 đều sử dụng lưới kéo mắt nhỏ Indonesia cấm sử dụng. Những tàu cá trái phép này giả dạng là tàu cá của Malaysia. Họ không treo quốc kỳ trên tàu mà sử dụng mã C2 trên thân tàu, mã của tàu cá Malaysia hoạt động trong vùng EEZ.” Lực lượng chức năng Indonesia xác định 68 thuyền viên trên các tàu là người Việt Nam. Năm tàu cá trên được phát hiện tại EEZ của Indonesia, phía Tây Nam đảo Tarempa, giáp ranh với vùng chồng lấn giữa Indonesia và Malaysia.

+ Mỹ:

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kêu gọi PLA hành xử an toàn trên biển. Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hôm 3/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ông Mark T. Esper bày tỏ quan ngại về việc tàu khu trục 181 của PLA chiếu tia laser vào máy bay tuần tra P-8A Poseidon của Mỹ ở vùng biển quốc tế hôm 17/2. Ông Esper kêu gọi PLA hành xử an toàn và chuyên nghiệp phù hợp với các thỏa thuận song phương và các quy chuẩn quốc tế về an toàn trên biển.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện ngày 4/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định, “Với mục tiêu thao túng trật tự quốc tế tự do, rộng mở theo hướng có lợi cho mình, Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông, đe dọa tự lưu thông và dòng chảy thương mại ở khu vực. Thông qua BRI, Trung Quốc tăng cường quan hệ kinh tế và chính trị ở khắp châu Á, châu Âu, Nam Mỹ và Châu Phi, trong khi ít công khai về mục tiêu mở rộng ảnh hưởng của PLA.” Theo ông Esper, Trung Quốc là mối ưu tiên hàng đầu bởi Chính phủ Trung Quốc tiếp tục sử dụng sức mạnh ngoại giao, kinh tế và quân sự để thay đổi cục diện quyền lực, tái định hình lại thế giới theo hướng có lợi cho Bắc Kinh”.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt thăm cảng Việt Nam. Trưa 5/3, nhóm tàu sân bay của Hải quân Mỹ gồm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, 1 tuần dương hạm và tàu khu trục đã vào vịnh Đà Nẵng. Trong chuyến thăm 5 ngày thăm từ ngày 5- 9/3, Chỉ huy và thủy thủ đoàn sẽ tham dự các hoạt động lễ tân, trao đổi chuyên môn ky thuật, giao lưu, tham gia hoạt động cộng đồng  tại thành phố Đà Nẵng. Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mỹ. Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt là tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz thứ tư của Hải quân Mỹ được đặt theo tên Tổng thống thứ 26 của Mỹ.

+ Nga:

Nga ủng hộ giải quyết tranh chấp Biển Đông theo luật pháp quốc tế. Ngày 6/3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Vladimir Titov đồng chủ trì Đối thoại chiến lược Ngoại giao - Quốc phòng - An ninh Việt Nam và Nga. Hai bên trao đổi ý kiến sâu rộng về các biện pháp tăng cường quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Hai bên khẳng định ủng hộ giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982, DOC và hướng tới xây dựng COC ở Biển Đông hiệu quả.

+ Đức:

Nhà xuất bản Đức phát hành cuốn sách đặc biệt về Biển Đông. Nhà xuất bản quốc tế Peter Lang tại Đức đã xuất bản cuốn sách nhan đề “Tranh chấp Biển Đông sau phán quyết trọng tài ngày 12/7/2016: Phân tích và Viễn cảnh” do Giáo sư, Tiến sỹ Thomas Engelbert, Đại học Hamburg làm chủ biên. Cuốn sách tập hợp 12 bài nghiên cứu của 11 tác giả là những nhà nghiên cứu, có uy tín hàng đầu trong giới nghiên cứu về Biển Đông tại Đức và các nước châu Âu. Theo giáo sư Engelbert, cuốn sách là ấn phẩm nghiên cứu đầu tiên được phát hành tại Đức phân tích những khía cạnh liên quan đến tranh chấp Biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực PCA./.

Thực hiện: Đinh Anh