I. Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Báo chí Trung Quốc lên án hợp tác năng lượng Việt Nam-Ấn Độ. Hôm  22/09/2011, Bắc Kinh chính thức có phản ứng về việc Việt Nam và Ấn Độ hợp tác thăm dò khai thác dầu khí tại Biển Đông. Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc, được Reuters trích dẫn, tố cáo dự án thăm dò dầu khí giữa hai tập đoàn của Nhà nước Ấn Độ và Việt Nam là ONGC và Petrovietnam, ở phía tây quần đảo Trường Sa, có nguy cơ tác động xấu đến quan hệ với Trung Quốc, đối tác kinh tế, thương mại quan trọng của cả Việt Nam và Ấn Độ. Theo tờ báo, thì cả hai khu vực nằm trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc và đó là một sự vi phạm đối với chủ quyền Trung Quốc [1]

Việc thăm dò dầu khí ở Biển Đông là bất hợp pháp. Trung Quốc lại một lần nữa lên tiếng phản đối các hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông của Công ty ONGC Videsh Ltd. của Ấn Độ và nói rằng nếu không có sự chấp thuận của Trung Quốc thì những dự án như vậy là bất hợp pháp và vô giá trị. Không nêu đích danh Ấn Độ, nhưng người phát ngôn Hồng Lỗi của Trung Quốc hối thúc “các nước liên quan” kiềm chế không thực hiện những hành động đơn phương có thể “làm phức tạp và thổi phồng” thêm vụ tranh chấp hiện tại giữa Bắc Kinh và chính phủ Việt Nam[2].

Bắc Kinh ra kế hoạch khai thác đáy Ấn Độ Dương. Giữa lúc xảy ra những tranh cãi ngoại giao với Ấn Độ về việc nước này dự kiến khai thác dầu khí ở Biển Đông, Trung Quốc đã tuyên bố kế hoạch mở rộng thăm dò các khoáng sản đáy biển tại Ấn Độ Dương. Cơ quan Tình báo hải quân Ấn Độ (DNI) cảnh báo, sự kiện này có thể dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng đối với Ấn Độ, bởi “Trung Quốc có thể đưa ra những lý do để duy trì sự hiện diện liên tục trong vùng đại dương này”. Theo DNI, “nó sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc thu thập các dữ liệu hải dương học và thủy học một cách hợp pháp. Hơn nữa, còn có thể tạo cớ cho Trung Quốc triển khai tàu chiến trong khu vực” [3]

“Ấn Độ đang toan tính điều gì?” của Triệu Cán Thành, Viện Nghiên cứu Các vấn đề quốc tế Thượng Hải. Chính phủ Ấn Độ đã không đếm xỉa tới lời cảnh cáo của phía Trung Quốc, mặc nhiên để cho công ty dầu khí quốc gia của họ tham dự vào hoạt động khai thác dầu mỏ tại khu vực tranh chấp do Việt Nam lĩnh xướng, thậm chí Ấn Độ còn tuyên bố hành vi này là “hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế”. Sau khi tranh chấp Biển Đông leo thang, một số chiến lược gia Ấn Độ, bao gồm cả những học giả thuộc phe “diều hâu”, đã tích cực viết bài trên các tờ báo lớn, kêu gọi Ấn Độ cần nắm bắt cơ hội, kịp thời cử chiến hạm tới vùng biển tranh chấp, mau chóng xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ với tất cả những nước có tranh chấp với Trung Quốc, để triển khai sự hiện diện lâu dài, thậm chí là vĩnh cửu của Ấn Độ tại Biển Đông[4].

Vì sao Ấn Độ tăng cường hiện diện tại Biển Đông?” của tác giả Bành Hải Văn. Do Trung Quốc kiên định ủng hộ Pakixtan, làm cho Ấn Độ rơi vào tình trạng dù chiếm thế thượng phong trong các cuộc chiến tranh với Pakixtan, nhưng vẫn không thể nào giành được thắng lợi cuối cùng. Đồng thời, cuộc chạy đua vũ trang với Pakixtan, đã gây hệ lụy xấu tới sự nghiệp phát triển kinh tế của Ấn Độ. Do vậy, trong mắt của Niu Đêli, Trung Quốc  là kẻ thù lớn nhất đối với việc xưng bá ở khu vực Nam Á của Ấn Độ. Tranh chấp Biển Đông được Ấn Độ cho là một cơ hội tốt để đối phó với Trung Quốc. Chính vì thế mấy năm gần đây, Ấn Độ nhanh chóng mở rộng quan hệ quân sự với Việt Nam[5].

Biển Đông sẽ trở thành tuyến đầu quân sự của Trung Quốc”. Biển Đông hiện nay trở thành tiêu điểm chiến lược quan trọng của Á-Âu. Các nước Châu Á lo ngại cùng với sức mạnh quân sự gia tăng nhanh chóng, Trung Quốc không những muốn khống chế Biển Đông giàu tài nguyên dầu khí mà còn muốn khống chế tuyến đường biển quốc tế là huyết mạch kinh tế tại khu vực này. Đáp lại việc Trung Quốc đưa chủ quyền Biển đảo (Biển Đông) vào “lợi ích cốt lõi”, Mỹ đã đề xuất Mỹ ủng hộ xây dựng một cơ chế quốc tế để điều phối yêu cầu chủ quyền giữa các nước Trung Quốc, Đài Loan, Philíppin, Việt Nam, Indonexia, Malaysia. Các nước khu vực đã ủng hộ quan điểm này của Mỹ mà không phải lập trường song phương của Trung Quốc đưa ra[6].

Đọc toàn bộ Bản tin tại đây



[1]http://af.reuters.com/article/commoditiesNews/idAFL3E7KM04420110922?pageNumber=2&virtualBrandChannel=0

[2]http://www.hindustantimes.com/China-steps-up-offensive-says-oil-hunt-illegal/Article1-747838.aspx, http://www.indianexpress.com/news/do-not-to-infringe-sovereignty-in-s-china-sea-china-to-india/848905/

[3]http://isikkim.com/2011-09-after-south-china-sea-row-beijing-plans-seabed-mining-in-indian-ocean-181/

[4] Mạng “Đông phương buổi sáng” (Thượng Hải) ngày 21/9/2011

[5] Báo "Thái Dương" (Hồng Công) ngày 20/9

[6] Mạng Tân Hoa ngày 20/9/2011