Bản PDF tại đây


Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Hải quân Trung Quốc xua đuổi máy bay Mỹ trên Biển Đông. Hải quân Trung Quốc hôm 20/5 đã 8 lần đưa ra tín hiệu cảnh báo, yêu cầu chiếc P-8A Poseidon của Mỹ rời đi khi chiếc máy bay tuần tra săn ngầm này bay gần các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng trái phép ở Trường Sa. Nhiệm vụ lần này của chiếc P-8A Poseidon là giám sát hoạt động của Trung Quốc trên ba đảo nhân tạo nhiều tháng trước còn là bãi đá chìm mà nay đã trở thành những công trường xây dựng khổng lồ. “Đây là hải quân Trung Quốc... Đây là hải quân Trung Quốc... Xin hãy rời đi để tránh gây hiểu lầm”, một giọng nói bằng tiếng Anh liên lạc với chiếc P-8A Poseidon thông qua sóng radio khi máy bay chuẩn bị đến gần một đảo nhân tạo. Trong tổng cộng 8 lần Trung Quốc yêu cầu chiêc P-8A rời đi, các phi công Mỹ đều đáp lại rằng họ đang bay trên không phận quốc tế. Ngoài ra, Trung Quốc còn gửi tín hiệu can thiệp tới những máy bay thương mại đi qua khu vực.

Trung Quốc biện bạch về lệnh cấm đánh bắt cá tại Biển Đông. Người phát ngôn  Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 20/5 ngang nhiên tuyên bố: “Lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Giới chức có thẩm quyền của Trung Quốc hàng năm vẫn áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá vào mùa hè ở Biển Đông. Đây là hoạt động quản lý bình thường để bảo vệ các nguồn tài nguyên sinh vật biển và hoạt động thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc.”

Trung Quốc phản ứng vì bị Indonesia đánh chìm tàu cá. Trong cuộc họp báo ngày 21/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho hay, “Chúng tôi đang xác minh điều gì đã xảy ra và yêu cầu phía Indonesia làm rõ về vấn đề này. Hợp tác Nghề cá là nội dung quan trọng trong hợp tác song phương giữa Trung Quốc và Indonesia. Trung Quốc yêu cầu Indonesia thúc đẩy hoạt động hợp tác này trên tinh thần xây dựng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp và lợi ích của các doanh nghiệp Trung Quốc.”

Trung Quốc phản đối máy bay trinh sát của Mỹ bay gần các đảo nhân tạo. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 22/5 tuyên bố: “Phải nói rằng hoạt động do thám của máy bay quân sự Mỹ là mối đe dọa tiềm tàng về an ninh đối với các đảo của Trung Quốc, có thể dẫn đến các tính toán sai lầm, hoặc các vụ việc ngoài ý muốn trên không và trên biển. Trung Quốc yêu cầu Mỹ hành động theo đúng luật pháp quốc tế, không có hành động nguy hiểm và khiêu khích. Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình và có các biện pháp đối phó phù hợp trước bất kỳ mối đe dọa an ninh nào.”

+ Việt Nam:

Việt Nam theo dõi sát hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981. Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 21/5, về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông và biện pháp bảo vệ ngư dân của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ: “Vùng biển Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam từ bao đời nay. Việt Nam sẽ tăng cường quản lý và giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân Việt Nam tại các vùng biển Việt Nam để giải quyết các vụ việc phát sinh trên biển.” Người phát ngôn cũng cho biết hiện nay các cơ quan chức năng của Việt Nam đang theo dõi sát sao các hoạt động của các bên trên Biển Đông. Trả lời câu hỏi về việc hãng CNN công bố video máy bay Mỹ bị tàu hải quân Trung Quốc xua đuổi nhiều lần ở vùng biển quốc tế trên Biển Đông, ông Lê Hải Bình cho biết, “Khu vực Biển Đông là nơi có tuyến đường biển và hành lang hàng không quốc tế rất quan trọng. Việt Nam kêu gọi các nước liên quan có đóng góp trách nhiệm và tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; đồng thời tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển; không làm phức tạp thêm tình hình.”

Nga hoàn tất chế tạo 2 tàu khu trục cho Hải quân Việt Nam. Hãng RIA Novosti đưa tin nhà máy Zelenodolsk ở Tatarstan đã hoàn thành đơn đặt hàng chế tạo 2 tàu khu trục thuộc dự án 3.9 “Gapard” (Dự án 11.661) cho Hải quân Việt Nam. RIA dẫn lời đại diện chính thức của nhà máy, ông Rafis Fatykhov cho biết: “Hiện nay, việc đóng tàu đã được hoàn tất, chỉ còn bước lắp đặt các loại vũ khí.”

+ Singapore:

Singapore cảnh báo nguy cơ xung đột ở Biển Đông. Phát biểu trước các Tư lệnh Hải quân và người đứng đầu lực lượng Cảnh sát Biển khu vực và quốc tế nhân dịp khai mạc Triển lãm và Hội nghị Quốc phòng biển hôm 19/5, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen kêu gọi ASEAN và Trung Quốc nhanh chóng ký kết Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông nhằm giảm bớt những căng thẳng tại khu vực này. Theo ông Ng Eng Hen, “những tranh chấp lãnh thổ có nguy cơ làm gián đoạn các tuyến thương mại trên biển, ảnh hưởng không chỉ tới Singapore mà còn cả nền kinh tế toàn cầu. Nạn cướp biển ở eo Malacca đã được kiềm chế thành công, do đó các quốc gia khu vực giờ đây cần tập trung nỗ lực vào những điểm nóng khác ở Biển Đông.”

+ Indonesia:

Indonesia lần đầu đánh chìm tàu cá của Trung Quốc. Indonesia hôm 20/5 đã đánh chìm 41 tàu cá nước ngoài bị cáo buộc đánh bắt cá trái phép trong vùng biển nước này. Bộ trưởng Ngư nghiệp và các vấn đề biển của Indonesia bà Susi Pudjiastuti cho biết, trong số này, một tàu cá Trung Quốc tải trọng 300 tấn đã bị phá hủy bằng thuốc nổ ở bờ biển Tây Kalimantan, “Đây không phải là cuộc biểu dương lực lượng. Chúng tôi chỉ đơn thuần thực thi pháp luật nước mình.” Ngoài tàu Gui Xei Yu của Trung Quốc, 40 tàu bị đánh chìm còn lại là năm tàu Việt Nam, hai tàu Thái Lan, 11 tàu Philippines.

+ Mỹ:

Đô đốc Mỹ yêu cầu Bắc Kinh giải thích về việc bồi đắp đảo ở Biển Đông. Phát biểu tại Triển lãm Phòng vệ biển Quốc tế lần thứ 10 tổ chức ở Singapore hôm 19/5, Phó tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Michelle Howard tuyên bố: “Tôi cho giờ là lúc Trung Quốc cần nói rõ mục đích hoạt động cải tạo đất của họ là gì. Theo quan điểm của tôi, không ai tin rằng họ đang xây dựng một khu nghỉ mát ở đó. Do vậy Trung Quốc cần giải thích họ đang xây dựng cái gì ở ngoài đó.” Theo Đô đốc Mỹ Michelle Howard, “Nếu các nước ASEAN muốn đoàn kết và làm một điều gì đó để thể hiện mục tiêu chung của mình, chúng tôi sẽ ủng hộ điều đó.”

Mỹ: ‘Hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc gây bất ổn.’ Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Jakarta hôm 20/5, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken tuyên bố, “Khi Trung Quốc tìm cách khẳng định chủ quyền bằng các lâu đài cát và vẽ lại ranh giới trên biển, nước này đang làm xói mòn lòng tin trong khu vực và sự tin tưởng của nhà đầu tư. Hành vi của nước này có nguy cơ tạo một tiền lệ mới, ở đó các nước lớn có thể thoải mái hăm dọa các nước nhỏ, và điều đó gây căng thẳng, mất ổn định và có thể dẫn tới xung đột.” Theo ông Blinken, “Mỹ giữ lập trường là không đứng về bên nào nhưng cực lực phản đối các hành động thúc đẩy yêu sách bằng vũ lực hay hăm dọa. Mỹ khuyến khích tất cả các bên yêu sách giải quyết bất đồng theo những nguyên tắc quốc tế.”

Nghị sĩ Mỹ kêu gọi trừng phạt Trung Quốc vì hành động quyết đoán trên biển. Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jack Reed hôm 21/5 đã gửi thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, đề nghị Lầu Năm Góc hủy lời mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) vào năm 2016, “Chúng tôi cho rằng lời mời này là sai lầm. Do hành vi khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, chính phủ cần xem xét các lựa chọn chính sách để trừng phạt các hành xử gây bất ổn này.” Hai Thượng nghị sĩ nhấn mạnh Bắc Kinh “đang tìm cách kiểm soát Biển Đông và Biển Hoa Đông bằng nhiều biện pháp cưỡng ép khác nhau.”

Máy bay Mỹ vẫn giữ khoảng cách với các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông. Phát biểu với các phóng viên hôm 21/5, Người phát ngôn Lầu Năm Góc Đại tá Steven Warren cho biết máy bay do thám P-8 và các tàu hải quân Mỹ vẫn chưa tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc nhưng đây rất có thể sẽ là “bước đi tiếp theo.” Khi được hỏi liệu quân đội Mỹ sẽ có động thái nào trong khu vực nhạy cảm này hay không, ông Warren nêu rõ: “Chúng tôi không thông báo về bất kỳ động thái nào tiếp theo nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành những chuyến bay như thường lệ.”

Mỹ tiếp tục tuần tra Biển Đông bất chấp Trung Quốc ngăn cản. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington hôm 21/5, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á ông Daniel Russel tuyên bố chuyến bay trinh sát của Mỹ gần đây ở Biển Đông là “hoàn toàn phù hợp,” hải quân và máy bay quân sự nước này sẽ “tiếp tục thực hiện đầy đủ” quyền hoạt động ở các vùng biển và không phận quốc tế. Ông Russel cho rằng Mỹ sẽ “hành động nhiều hơn” để bảo đảm khả năng tất cả các nước có thể đi lại ở các vùng biển và không phận quốc tế, “Chẳng ai có lý trí mà lại đi ngăn chặn hoạt động của Hải quân Mỹ, đó không phải là bước đi sáng suốt.”

Phó Tổng thống Mỹ chỉ trích yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Phát biểu tại lễ tốt nghiệp của học viện hải quân ở thành phố Anapolis, bang Maryland hôm 22/5, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, “Đối với những vùng tranh chấp ở Biển Đông, Mỹ không thiên vị yêu sách chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào, nhưng chúng ta ủng hộ giải pháp hòa bình, công bằng cho các tranh chấp và quyền tự do hàng hải. Nhưng hiện nay những nguyên tắc này đang bị thách thức bởi các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Họ đang xây đường băng, triển khai giàn khoan, áp đặt lệnh đánh bắt cá đơn phương ở các khu vực tranh chấp, cải tạo đất.” Ông Biden nhấn mạnh: “Chính sách ngoại giao tái cân bằng của Mỹ đang hướng tới tiềm năng to lớn ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đó là lý do 60% lực lượng hải quân Mỹ sẽ hiện diện ở Châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2020.”

Quan hệ các nước

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc thăm chính thức Việt Nam. Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22-23/5. Trong buổi hội kiến chiều 22/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao những đóng góp của Tổng Thư ký cho hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới. Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng, tích cực, chủ động cùng Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế chung tay thực hiện hiệu quả các cam kết, chương trình hành động cho vì sự phát triển bền vững của khu vực và thế giới. Tổng thư ký Ban Ki-moon cho biết Liên Hợp Quốc nỗ lực và mong muốn xây dựng một thế giới phát triển mà tất cả người dân sống trong một môi trường tốt đẹp. Về vấn đề Biển Đông, Tổng thư ký Ban Ki-moon cho biết Liên Hợp Quốc và cá nhân Tổng thư ký đang theo dõi hết sức sát sao diễn biến ở Biển Đông. Với tư cách Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Ban Ki-moon cho biết ông luôn khuyến nghị các bên kiềm chế các hành động gây căng thẳng có thể làm tình hình đi xa hơn. Tổng thư ký cũng chia sẻ quan điểm, sự quan ngại sâu sắc của Việt Nam, ASEAN, các nước G7 về việc tiếp tục có các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng quy mô lớn làm thay đổi nguyên trạng các cấu trúc đảo, đá ở Biển Đông.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh thăm hữu nghị Ấn Độ. Nhận lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar, đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu thăm hữu nghị chính thức Ấn Độ từ ngày 23-26/5. Chuyến thăm lần này của đoàn nhằm trao đổi quan điểm về các vấn đề an ninh quốc tế, khu vực của mỗi nước, đồng thời bàn các biện pháp nhằm đưa quan hệ quốc phòng song phương thời gian tới lên bước phát triển mới, toàn diện và hiệu quả hơn.

Mỹ ủng hộ giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình. Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Mỹ ông Antony Blinken đã có cuộc gặp xã giao với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ngày 18/5. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh tái khẳng định quyết tâm của Việt Nam đối với TPP và mong phía Quốc hội Mỹ sớm trao thẩm quyền đàm phán nhanh cho Tổng thống Mỹ để quá trình đàm phán diễn ra thuận lợi và sớm kết thúc theo đúng lộ trình đề ra. Ông Antony Blinken nhấn mạnh Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với phía Việt Nam để triển khai hợp tác hiệu quả trên chín lĩnh vực nêu trong Tuyên bố chung giữa hai nước năm 2013. Thứ trưởng Antony Blinken khẳng định Mỹ ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình, thông qua các kênh ngoại giao, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và các chuẩn mực chung, bao gồm UNCLOS 1982 và DOC.

Phân tích và đánh giá

“Mỹ sẽ có lập trường cứng rắn hơn tại Biển Đông?” của Euan Graham

Qua phóng sự mà CNN  đã thực hiện hôm 21/5, chúng ta có thể thấy được một vài thông điệp mà chính phủ Mỹ đã gửi đi.

Việc lần đầu tiên cho phép giới truyền thông tiếp cận hình ảnh trên thực địa cũng như những đoạn đối thoại trực tiếp trên máy bay P-8 cho thấy Mỹ đang cố gắng giành quyền kiểm soát công luận trong vấn đề Biển Đông. Washington ngày càng lo sợ rằng Biển Đông có thể rơi vào tay Trung Quốc nếu Bắc Kinh giành được ưu thế trong cuộc chiến thông tin, không chỉ vậy, chính sách đối ngoại của Mỹ còn bị phân tán bởi những cuộc khủng hoảng khác.

Một cách trực tiếp hơn, bước đi này là cách để các quan chức Mỹ giúp công luận của họ sẵn sàng đón nhận một lập trường cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông. Cụ thể, phóng sự của CNN dự đoán rằng tàu chiến của Mỹ, cũng như máy bay quân sự, có thể sẽ sớm tham gia vào nhiệm vụ khẳng định tự do hàng hải tại Biển Đông, đây sẽ là hành động cho thấy ý chí không khoan nhượng của Washington đối với Bắc Kinh.

Giúp cho công luận có được cái nhìn cụ thể về hoạt động giám sát của Mỹ đối với chương trình cải tạo đảo của Trung Quốc cũng phù hợp với ưu tiên của nước này trong việc thúc đẩy sự minh bạch tại Biển Đông. Đây là nhiệm vụ mà Mỹ có thể sử dụng ưu thế về tình báo, giám sát và trinh sát của mình.

Mặc dù suy cho cùng thì các đảo nhỏ luôn luôn có điểm yếu phòng thủ, nhưng những nhà hoạch định chính sách của Mỹ vẫn buộc phải xem xét lại các lựa chọn chính sách của mình bởi Trung Quốc đang dần giành ưu thế trong cuộc chiến tâm lý tại đây trước các bên yêu sách khác. Có thể trong thời gian tới, chính sách của Mỹ đối với tự do hàng hải và tự do hàng không sẽ cứng rắn hơn và sẽ sử dụng nhiều hơn tới sức mạnh quân sự.

“Hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc hủy hoại môi trường ở Biển Đông” của Siddhartha Mahanta

Hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc ở Biển Đông đang hủy hoại hệ sinh thái san hô đa dạng bậc nhất trên thế giới. Cụ thể, quần đảo Trường Sa là mái nhà của 571 loài san hô khác nhau, cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho các loài cá cư trú dưới đại dương và từ đó giúp cho các ngư dân kiếm kế sinh nhai dễ dàng hơn.

Tiến sĩ Alan Freidlander, nhà sinh vật học tại Đại học Hawaii và là một chuyên gia về sinh thái rạn san hô chia sẻ quan điểm về vấn đề này như sau: "Việc nạo vét và cải tạo đảo trên các rạn san hô ở Biển Đông đang gây ra những thiệt hại không thể khắc phục được tới một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất trên thế giới".

Còn Viện trưởng Viện Luật biển và các vấn đề biển thuộc Đại học Philippines, ông Jay L. Batongbacal cho biết, hoạt động này cũng gây tác động tiêu cực tới các khu vực quanh những rạn san hô đó. Cho tới nay, chừng 311 ha san hô ở khu vực này đã biến mất, dẫn tới khoản thiệt hại kinh tế hàng năm ước tính 110 triệu USD đối với Philippines.

Về phản ứng của Trung Quốc, trong lần trao đổi với 15 phóng viên nước ngoài vào hôm 11/5, Giám đốc Vụ Hợp tác Quốc tế thuộc Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc (SOA), ông Trương Văn Hải nói rằng, mục tiêu cuối cùng của nước này ở Biển Đông là "phát triển bền vững kinh tế biển”. Tuy nhiên, lập trường của SOA đối với hoạt động xây dựng ở Biển Đông dường như mâu thuẫn với trách nhiệm về môi trường của họ. Ông Trương lặp đi lặp lại về kế hoạch bảo vệ, khôi phục các rạn san hô cũng như bảo tồn hệ sinh thái tổng thể của Biển Đông. Tuy vậy, ông lại từ chối đưa ra câu trả lời trực tiếp đối với câu hỏi về mâu thuẫn rõ ràng trong việc hoạt động cải tạo đảo của họ đang hủy hoại hệ sinh thái ở Biển Đông – về lý thuyết thì nhiệm vụ của SOA chính là bảo vệ hệ thống này.

Trên thực tế, SOA khẳng định rằng họ đã thực hiện hoạt động giám sát quy mô lớn và quản lý sát sao hoạt động cải tạo đảo. Theo ông Trương, hoạt động cải tạo đảo tuân thủ theo một quy trình hết sức cụ thể, được SOA “xem xét chặt chẽ” và “theo dõi nghiêm ngặt”.

Tuy nhiên, chúng ta khó có thể tin được phát ngôn này của ông Trương. Năm 2012, một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện ra rằng diện tích của một rạn san hô trù phú tại Biển Đông, nằm dọc theo bờ biển Trung Quốc, đã bị thu hẹp lại khoảng 80% trong vòng 30 năm. Cũng theo các nhà khoa học này, xa hơn nữa về phía nam, diện tích san hô bao phủ các đảo san hô vòng và quần đảo đã giảm từ trung bình 60% xuống 20% trong vòng từ 10-15 năm qua, bởi các lý do ô nhiễm, tốc độ phát triển của khu vực ven biển, những hoạt động đánh bắt cá không bền vững.

Đặt vấn đề chính trị sang một bên, có một điều mà chúng ta có thể chắc chắn: tham vọng khẳng định chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ khiến thiên nhiên phải trả những cái giá quá lớn, và nhiều khả năng sẽ không thể đảo ngược.

“Đã đến lúc Mỹ lãnh đạo ngoại giao ở Biển Đông” của Dan Blumenthal

Đoạn video đáng chú ý của CNN vào ngày 21/05 về hoạt động cải tạo đảo của Bắc Kinh cho phép người xem có được một cảm nhận tốt hơn về cuộc đua tranh dữ dội tại vùng biển quan trọng này.

Có thể Mỹ đã không phải đẩy mạnh hoạt động giám sát quân sự của mình nếu như Trung Quốc nghiêm túc xem xét các phát biểu của Ngoại trưởng Clinton và Bộ trưởng Gates năm 2010 về lợi ích sống còn của Mỹ ở Biển Đông. Theo lý thuyết về chính trị quốc tế, đối với một cuộc xung đột tiềm tàng về lợi ích, nếu muốn tránh ở vào thế bị động và phải leo thang căng thẳng sau này, thì phải cần một cách tiếp cận nghiêm túc và cứng rắn ngay từ ban đầu. Hiện tại, Mỹ không có nhiều lựa chọn so với thời điểm Trung Quốc bắt đầu có chính sách hung hăng tại Biển Đông. Một khi Mỹ đã tuyên bố rằng việc có thể đi lại tự do ở các vùng biển là lợi ích sống còn thì Washington nên làm mọi thứ có thể làm để bảo vệ lợi ích đó.

Bây giờ Mỹ đang bị thách thức ở nơi được cho là mặt trận trung tâm của cuộc tranh đua với Trung Quốc. Khả năng để Washington có thể hoạt động tự do trong các tuyến đường biển huyết mạch, để có thể bảo vệ bạn bè khỏi bị đàn áp, và để có thể răn đe và ngăn cản sự hung hăng của Trung Quốc đang ngày càng mong manh. Quân đội Mỹ đang hành động đúng đắn. Bay trên các vùng lãnh thổ mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền một cách không có cơ sở là cách thể hiện rằng Mỹ sẽ không thừa nhận các hành động đơn phương của Trung Quốc.

Nhưng vẫn còn nhiều việc cần phải làm. Mỹ thừa sẵn sàng để tiêu tốn thời gian trong các hội nghị và các chương trình ngoại giao con thoi ở Trung Đông. Nhưng bây giờ đã đến lúc Mỹ thực hiện một nỗ lực ngoại giao quy mô lớn tại Đông Nam Á. Mỹ cần giữ vai trò lãnh đạo, trước hết là giúp các bên tranh chấp ở Đông Nam Á tự thỏa hiệp với nhau. Sau đó có thể làm rõ rằng trong những trường hợp nào Mỹ sẽ sẵn sàng hỗ trợ quân sự. Trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc sẽ là bên thua cuộc vì sự hung hăng của họ. Chỉ khi nào họ sẵn sàng giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp thông qua đàm phán chính trị thì con đường ngoại giao mới mở ra cho Bắc Kinh.

“Vì sao Indonesia đánh chìm tàu cá Trung Quốc? của Prashanth Parameswaran

Indonesia hôm 20/5 đánh chìm một tàu cá lớn của Trung Quốc và 40 tàu nước ngoài bị cáo buộc đánh bắt cá trái phép trong vùng biển nước này. Chính quyền khẳng định động thái trên hoàn toàn tuân thủ luật pháp Indonesia đồng thời chỉ nhằm mục đích bảo vệ nguồn tài nguyên biển và quyền lợi của ngư dân.

Nhưng đây là lần đầu tiên Indonesia thực thi hành động cứng rắn với một tàu cá Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Jokowi Widodo ra lệnh mạnh tay với các tàu nước ngoài đánh bắt cá bất hợp pháp. Thực tế này khiến giới chuyên gia đặt câu hỏi về nguyên nhân sâu xa của hành động này là gì?

Thứ nhất, với việc quyết định phá hủy tàu Trung Quốc, Jakarta dường như đang phát đi tín hiệu rằng họ không những sẵn sàng áp dụng chính sách "đánh chìm tàu" mà còn muốn kiên quyết hơn nữa trong việc ngăn chặn hành vi đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển nước này. Sau hành động đánh đắm tàu cá, bà Susi Pudjiastuti, Bộ trưởng Thủy sản và Hàng hải Indonesia, nói rằng chính phủ Indonesia từ trước đến nay đã quá khoan dung với hành động đánh bắt cá trái phép. Bà cũng nói thêm rằng Jakarta đã cân nhắc cả việc bắn chìm tàu đánh bắt cá bất hợp pháp "ngay tại chỗ", chỉ cần giấy phép của tòa án thay vì chờ đợi hoàn thiện các thủ tục pháp lý.

Thứ hai, khó có thể dám chắc rằng hành động đánh đắm tàu cá lần này của Indonesia chỉ là bởi lý do pháp lý đơn thuần. Theo tờ Jakarta Post, con tàu cá Trung Quốc bị đánh đắm – tàu Gui Xie Yu 12661 – đã bị bắt giữ 6 năm trước vào ngày 20/6/2009 vì đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia. Manh mối này giúp chúng ta suy đoán rằng đây là con tàu xuất hiện trong vụ căng thẳng giữa Trung Quốc-Indonesia 6 năm trước, khi mà 8 tàu cá với 75 ngư dân Trung Quốc đã bị bắt vì xâm phạm vào vùng EEZ của Jakarta. Mặc dù sau đó hai nước đã đạt được thỏa thuận, nhưng việc đây là con tàu Trung Quốc đầu tiên bị đánh đắm dưới thời của Tổng thống Jokowi cũng gợi cho chúng ta nhiều suy ngẫm thú vị. Đặt trong bối cảnh chính quyền Indonesia luôn nhạy cảm trước vấn đề chủ quyền cũng như mối lo ngại ngày càng lớn của Jakarta về yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông, các nhà quan sát có lý do để nhìn nhận định hành động lần này không hẳn chỉ là một hành động ngẫu nhiên.

“Ba tình huống có thể dẫn đến chiến tranh Mỹ-Trung ở Biển Đông” của Michael Auslin

1. Xuất phát từ tai nạn

Hải quân Mỹ được cho đang cân nhắc điều tàu áp sát các đảo nhân tạo của Trung Quốc trong phạm vi bán kính 12 hải lý, tức là tiến vào giới hạn mang tính "chủ quyền" mà Trung Quốc thiết lập cho các đảo này. Washington muốn thể hiện rằng Mỹ không công nhận đây là lãnh thổ của Trung Quốc. Với việc tàu hải quân và tàu tuần duyên Trung Quốc có mặt tại khu vực đó, hành động dọa nạt hoặc quấy rối tàu Mỹ của phía Trung Quốc có thể dẫn đến một vụ va chạm. Không chỉ vậy, một khi đường băng trên đảo nhân tạo hoàn thành, quân đội Trung Quốc sẽ sớm có thể cho máy bay tuần tra khu vực.

2. Tính toán của Bắc Kinh

Bắc Kinh đã đặt cược uy tín tại khu vực của mình vào các yêu sách chủ quyền tại Biển Đông và giờ là vào hoạt động xây dựng đảo với tổng diện tích hơn 8 km2 tại đây. Trừ phi họ chịu nhượng bộ và chấp nhận mất tầm ảnh hưởng tại Châu Á, nếu không thì lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ quyết định ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ ngay từ sớm bởi với họ, đấy sẽ là cơ hội tốt nhất để khiến Washington nhận thấy mình đang đối mặt với các rủi ro quá lớn.

Một khi máy bay Trung Quốc có thể đồn trú tại các đảo nhân tạo, họ có thể giám sát máy bay Mỹ và ngăn không cho chúng bay vào vùng trời “cấm”, buộc Mỹ phải tính toán xem liệu họ có thể đáp trả đến mức độ nào. Do vậy, có khả năng Trung Quốc sẽ buộc Mỹ phải đối đầu nhằm ép chính quyền Obama nhượng bộ và không can thiệp vào một cuộc xung đột quân sự khác ngoài Trung Đông và Ukraine.

3. Xuất phát từ xung đột giữa Trung Quốc và các nước láng giềng

Nếu Bắc Kinh thấy rằng đối đầu trực diện với tàu và máy bay Mỹ là quá mạo hiểm, họ vẫn có thể thể hiện vị thế của mình qua việc ngăn chặn, xua đuổi tàu thuyền, máy bay của các quốc gia khác, chẳng hạn như những gì họ đã từng làm với máy bay tuần tra biển của Philippines mới đây. Trung Quốc có thể sẽ ngăn tàu thuyền nước ngoài băng ngang các đảo nhân tạo ở Biển Đông, hoặc xua đuổi máy bay nước ngoài kém hiện đại hơn ra khỏi vùng trời bên trên các hòn đảo.

Một cuộc xung đột trực tiếp giữa Trung Quốc với bất kỳ quốc gia láng giềng nào vào thời điểm hiện tại cũng đều có khả năng sẽ khiến Mỹ, với lý do bảo vệ luật pháp quốc tế (hoặc lý do bảo vệ đồng minh, trong trường hợp Trung Quốc có xung đột với Philippines), phải can dự.

giữa hai nước vẫn chưa có cơ chế giảm căng thẳng leo thang, cộng với mối nghi kị thâm sâu, nên Trung Quốc càng cố bảo vệ các yêu sách chủ quyền của mình bao nhiêu, thì càng có nguy cơ Mỹ sẽ thách thức các tuyên bố này bấy nhiêu.

Đó là lý do vì sao mỗi nước đều muốn đi trước nước kia một bước trong việc tạo ra các ranh giới và đề ra các khuôn mẫu ứng xử. Lối tư duy này có lẽ sẽ chưa dẫn đến đối đầu quân sự, nhưng chắc chắn sẽ làm gia tăng nguy cơ của một cuộc đối đầu như vậy./.