Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc tổ chức họp báo về Sáng kiến “Một vành đai, một con đường”. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 18/4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Diễn đàn Hợp tác quốc tế “Một vành đai, một con đường” sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 14 - 15/5. Hiện có 28 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước xác nhận sẽ tham dự Diễn đàn. Lễ Khai mạc sẽ diễn ra vào sáng ngày 14/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự và có bài phát biểu chỉ đạo, sau Lễ khai mạc là Hội nghị cấp cao. Theo ông Vương, “Sáng kiến Vành đai, Con đường” nhằm tăng cường hợp tác quốc tế dựa trên các nguyên tắc cơ bản: cùng thảo luận, cùng xây dựng và cùng chia sẻ. Diễn đàn lần này hướng tới các kết quả trên bốn phương diện: tập trung nhận thức chung, tóm tắt kinh nghiệm thành công, làm rõ ràng phương hướng hợp tác, và hoàn thiện hệ thống hỗ trợ.

Trung Quốc phản ứng quan chức quốc phòng Philippines thăm đảo Thị Tứ. Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 21/4, về thông tin Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana và Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines thăm đảo Thị Tứ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói: “Chúng tôi cần xác minh thông tin cụ thể. Kể từ chuyến thăm Trung Quốc năm ngoái của Tổng thống Duterte, hai bên duy trì đối thoại về việc kiểm soát và giải quyết những vấn đề trên biển. Trung Quốc hy vọng cùng hợp tác cùng Philippines duy trì cục diện hòa bình ổn định của khu vực và đà phát triển tốt đẹp quan hệ Trung Quốc - Philippines.” Đến cuối ngày 21/4, Người Phát ngôn Lục Khảng tuyên bố: “Hành động thăm đảo của các quan chức Philippines là không phù hợp với nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước về việc giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển. Bắc Kinh hết sức quan ngại và không hài lòng về chuyến thăm, và đã trao công hàm phản đối với phía Philiipines. Chúng tôi hy vọng Philippines tiếp tục giữ vững đà phát triển cho mối quan hệ song phương, tuân thủ đúng những đồng thuận mà lãnh đạo hai bên đã đạt được”. Về việc Philippines nói có tàu nước ngoài “không rõ danh tính” quấy nhiễu tàu cá Philippines ở Đá Ga Ven, ông Lục cho biết: “Tôi không nắm rõ về thông tin này. Nhưng lập trường của Trung Quốc về Biển Đông là nhất quán và rõ ràng. Chúng tôi mong muốn tiếp tục cùng phía Philippines giải quyết thỏa đáng những vấn đề liên quan trên quan biển, tạo môi trường phát triển lành mạnh ổn định cho quan hệ hai nước.”

+ Việt Nam:

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh công du Trung Quốc. Nhận lời mời của Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, từ ngày 16-18/4, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam sang Bắc Kinh, Trung Quốc tiến hành cuộc họp Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung lần thứ 10. Tại cuộc họp hôm 17/4, hai bên đã trao đổi thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”; thúc đẩy các cơ chế đàm phán về các vấn đề trên biển đạt kết quả thực chất; thực hiện toàn diện, hiệu quả DOC ở Biển Đông, sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử COC; kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp. Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã hội kiến với Chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc Du Chính Thanh tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Trong cuộc gặp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh kiểm soát tốt bất đồng, giải quyết hòa bình tranh chấp trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế là phù hợp với lợi ích căn bản, lâu dài của hai nước và nhân dân hai nước. Về phần mình, Chủ tịch Du Chính Thanh khẳng định Trung Quốc hết sức coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với Việt Nam. Sáng 18/4, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Phó Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục phát huy vai trò cơ quan thường trực của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương; mở rộng và nâng cao hiệu quả các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước; thúc đẩy các cơ chế đàm phán về biên giới lãnh thổ đạt tiến triển thực chất, cùng nhau duy trì hoà bình, ổn định ở Biển Đông. Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đánh giá cao và tán thành ý kiến của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình; đồng thời khẳng định sẵn sàng thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung không ngừng phát triển.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm chính thức Mỹ. Trong chuyến thăm Mỹ từ 20-21/4, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Rex Tillerson và Cố vấn Hội đồng An ninh quốc gia Herbert Raymond McMaster. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá quan hệ hai nước còn nhiều tiềm năng, cơ hội hợp tác trên cả ba bình diện song phương, khu vực và quốc tế. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã trực tiếp trao thư và chuyển lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang mời Tổng thống Donald Trump tham dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 và thăm chính thức Việt Nam. Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Cố vấn An ninhMcMaster khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông, ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, dựa trên các tiến trình ngoại giao và luật pháp nhất là UNCLOS 1982.

+ Philippines:

Trả lời phỏng vấn tờ Hoàn cầu của Đại sứ Philippines tại Trung Quốc. Về việc Tổng thống Philippines gần đây tuyên bố đưa quân đội chiếm đóng đảo ở Biển Đông và tăng cường xây dựng trên đảo, Đại sứ Philippines tại Trung Quốc ông Jose Satiago L. Sta. Romana ngày 16/4 cho biết, trên thực tế những đảo đó Philippines đã chiếm đóng từ những thập niên 1970, 1980 của thế kỷ trước. Chính quyền Tổng thống Duterte chỉ muốn cải thiện đời sống của binh sĩ trên đảo. Tổng thống Duterte quyết định Philippines sẽ không chiếm đóng mới hoặc can thiệp vào những đảo nước khác đã chiếm đóng. Về quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc và Mỹ, Đại sứ Romana cho hay Philippines không muốn liên minh với bất kỳ bên nào, lựa chọn con đường chính sách ngoại giao độc lập, xuất phát từ lợi ích căn bản của nhân dân Philippines. Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế dựa vào nhau thì khó có thể nói đến việc độc lập hoặc hoàn toàn tự chủ, điều Philippines kỳ vọng là giữ mối quan hệ tốt với mọi quốc gia quan trọng. Về quan hệ Trung Quốc - Philippines, Romana cho rằng có một thực tế tại Philippines là nhiều người Philippines không tin tưởng Trung Quốc. Để thay đổi điều này cần thời gian, điều quan trọng là thông qua thảo luận, đối thoại để thực sự làm dịu đi tình hình, cũng mang lại lợi ích cho cả hai nước. Đại sứ Romana cho rằng trước đây, Philippines được định vị là đồng minh truyền thống của Mỹ và gần như đẩy tới mức đối địch Trung Quốc. Hiện Philippines đang dần tách khỏi con đường này, vì chính sách ngoại giao của Philippines cần xuất phát từ lợi ích quốc gia. Philippines đang thúc đẩy hài hòa lợi ích giữa các quốc gia về phát luật, tăng cường hợp tác. Cách thức lựa chọn của Philippines cũng tương đồng với điều các nước thành viên ASEAN khác đang làm.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines thăm đảo Thị Tứ. Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines ngày 21/04 đã có chuyến thị sát đảo Thị Tứ bằng máy bay vận tải C-130. Tháp tùng ông Delfin Lorenzana có Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines Tướng Eduardo Ano, nhiều sĩ quan cao cấp và khoảng 40 nhà báo. Theo lời ông Lorezana, khi hai máy bay chở phái đoàn Philippines chuẩn bị đáp xuống đường băng trên đảo Thị Tứ, phi công Philippines đã nhận được thông điệp cảnh cáo của lực lượng Trung Quốc đóng ở đá Subi, cách đó khoảng 30 - 40 hải lý. Phi công Philippines đáp lại rằng máy bay của họ chỉ đang bay trong không phận Philippines. Sau đó không có sự cố nào xảy ra.

Philippines điều tra việc tàu tuần duyên Trung Quốc bắn tàu cá Philippines. Giới chức Philippines ngày 21/4 cho biết họ đang tiến hành điều tra những thông tin do một nhóm ngư dân cung cấp liên quan tới vụ tấn công nhằm vào tàu cá Princess Johann hôm 27/3, “Tàu Princess Johann bị tàu tuần duyên cao tốc Trung Quốc bắn 7 lần”. Tàu cao tốc của tuần duyên Trung Quốc với 7 nhân viên đã tiến về phía tàu cá của ngư dân Philippines khi con tàu này thả neo ở vị trí cách cụm Sinh Tồn khoảng 2 hải lý. Các thủy thủ Philippines thậm chí phải ẩn nấp, sau đó cắt dây mỏ neo và rời khỏi vùng biển đó. Tuy nhiên không xảy ra thương vong trong vụ việc trên. Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc ở Philippines hiện chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về vụ việc này.

Tổng thống Philippines thăm tàu tuần dương Nga. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cùng Quyền Ngoại trưởng Enrique Manalo và Cố vấn An ninh quốc gia Hermogenes Esperon chiều ngày 21/4 đã có chuyến tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Varyag của Nga khi tàu này cập cảng Manila. Khi chụp ảnh với các quan chức Nga trên tàu Varyag, Tổng thống Duterte tuyên bố: “Người Nga đứng về phía chúng tôi, vì thế chúng tôi không cần lo sợ gì”. Trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày tới Philippines, Varyag và các tàu hộ tống sẽ tham gia cuộc diễn tập chung với hải quân nước chủ nhà.

Philippines lên tiếng về chuyến thăm đảo Thị Tứ ở Biển Đông. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines ông Ernesto Abella hôm 23/4, “Philippines lâu nay vẫn thực hiện các hoạt động tuần tra hàng hải và hàng không thường nhật ở Biển Đông. Đây là hoạt động hợp pháp căn cứ theo luật pháp quốc tế. Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana và giới chức quân sự cấp cao tới đảo Thị Tứ là một phần trong nỗ lực nâng cao an toàn, phúc lợi và đời sống của cư dân, binh lính Philippines đang sống trên đảo.”

+ Indonesia:

Indonesia sẽ phê chuẩn hiệp định vùng đặc quyền kinh tế với Philippines. Chính phủ và Hạ viện Indonesia sẽ phê chuẩn thỏa thuận phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) với Philippines nhằm bảo đảm an ninh vùng biển của hai nước. Thỏa thuận trên, được ký vào năm 2014 sau 20 năm đàm phán, xác định đường ranh giới trong vùng EEZ chồng lấn giữa hai nước ở Biển Mindanao và Biển Celebes. Trong phiên điều trần với đại diện của Bộ Tư pháp, Bộ Điều phối Chính trị, Pháp lý và An ninh, Bộ Luật và Nhân quyền, Bộ Ngoại giao và Hải quân Indonesia ngày 18/4, các nhà lập pháp của Hạ viện thuộc Ủy ban I về giám sát quốc phòng và đối ngoại đã đồng ý thông qua hiệp định trên.

Hải quân Indonesia bắt giữ tàu nạo vét của Trung Quốc. Ngày 20/4, một tàu nạo vét mang cờ Trung Quốc bị hải quân Indonesia bắt giữ khi đang tìm kiếm các vật dụng giá trị của một tàu đắm trong vùng biển của Indonesia. Tàu bị bắt là MV Chuan Hong 68, trọng tải 8.352 tấn, dài 122 m, rộng 32 m. Qua khám xét sơ bộ, lực lượng hải quân phát hiện và bắt giữ 20 thủy thủ, gồm 16 công dân Trung Quốc, 3 người Ấn Độ và 1 người Malaysia. Trả lời báo chí ngày 22/4, phó Đô đốc hải quân Indonesia Achmad cho biết, do lực lượng rất mỏng, tàu chấp pháp Indonesia tập trung đưa 20 thủ thủ bị bắt về nơi giam giữ, chỉ để lại một người canh gác trên một tàu cá của ngư dân gần đó. Khi tàu chiến hỗ trợ của Indonesia quay lại hiện trường, chiếc tàu bị bắt đã chạy thoát.

+ Singapore:

Singapore sẽ tham dự hội nghị “Con đường tơ lụa” ở Trung Quốc. Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia kiêm Bộ trưởng Tài chính thứ hai của Singapore ông Lawrence Wong sẽ dẫn đầu đoàn Singapore tham dự Diễn đàn Hợp tác Quốc tế “Một Vành đai, Một Con đường” tại Trung Quốc từ ngày 14 - 15/5. Hội nghị thượng đỉnh nhằm kêu gọi sự ủng hộ quốc tế đối với sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, có 28 lãnh đạo và nguyên thủ quốc gia tham dự. Dự án Trùng Khánh là ưu tiên đầu tư của Singapore đối với sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường”. Sáng kiến thành phố Kết nối Trùng Khánh được Thủ tướng Lý Hiển Long và Chủ tịch Tập Cận Bình khởi động tháng 11/2015.

+ Mỹ:

Mỹ tái khẳng định bảo vệ tự trật tự luật pháp ở Biển Đông. Ngày 19/4, phát biểu trong chuyến thăm tàu sân bay USS Ronald Reagan tại căn cứ hải quân Yokosuka trên vịnh Tokyo, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố: “Mỹ sát cánh cùng các đồng minh, đối tác trong khu vực giúp duy trì hòa bình, thịnh vượng và các giá trị chung. Chúng ta cùng nhau bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp, điều này là nền tảng cho sự phát triển của khu vực. Chúng ta sẽ bảo vệ tự do hàng hải và hàng không, quyền sử dụng hợp pháp biển cả, tại Biển Đông cũng như bất kỳ nơi nào khác. Chúng ta sẽ bảo vệ các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy đối thoại để giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế.”

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence công du Indonesia. Trong chuyến thăm hai ngày, Phó Tổng thống Mỹ Michael Pence​ đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo​ hôm 20/4. Phát biểu sau cuộc gặp, Phó Tổng thống Pence nhấn mạnh, “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Indonesia để bảo vệ hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp, nền tảng cơ bản của hoà bình và thịnh vượng tại Đông Nam Á. Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông cũng như Thái Bình Dương; đảm bảo hoạt động lưu thông thương mại hợp pháp trên biển không bị cản trở; và đẩy mạnh các đối thoại ngoại giao hoà bình để giải quyết các vấn đề”. Cũng trong hôm 20/4, Phó Tổng thống Pence đã thăm Ban Thư ký ASEAN. Ông Pence khẳng định, “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với ASEAN để thúc đẩy hoà bình và ổn định trên Biển Đông thông qua việc ủng hộ trật tự dựa trên luật pháp. Trong suốt 40 năm, Mỹ đã hợp tác chặt chẽ với ASEAN để thúc đẩy hoà bình và thịnh vượng trên biển và đất liền”.

Quan hệ các nước

Philippines - Mỹ chuẩn bị tập trận thường niên Balikatan. Quân đội Philippines ngày 16/4 cho biết sẽ tiến hành cuộc tập trận Balikatan với Quân đội Mỹ vào tháng 5 tới. Cuộc diễn tập kéo dài 10 ngày sẽ tập trung vào các nỗ lực đối phó với thiên tai, chống khủng bố. Theo Người Phát ngôn của quân đội Thiếu tá Celeste Frank Sayson, cuộc diễn tập sẽ dựa trên các kịch bản như có một cơn bão lớn ập vào Philippines hoặc có nguy cơ xảy ra khủng bố nhưng sẽ không tổ chức bắn đạn thật. Đa số các hoạt động diễn tập sẽ diễn ra tại khu vực Thủ đô Manila và các khu vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ chỉ huy miền Trung Philippines và Bộ chỉ huy Bắc Luzon.

Cảnh sát biển Việt - Trung kiểm tra liên hợp nghề cá trên biển. Tham gia chuyến kiểm tra liên hợp từ ngày 18 - 20/4, phía Việt Nam có biên đội tàu CSB 8004 và CSB 8003. Về phía Trung Quốc có biên đội tàu Cảnh sát biển 3301 và 3304. Đây là chuyến kiểm tra liên hợp lần thứ 13 kể từ khi hai nước Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp định hợp tác nghề cá trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc bộ. Phạm vi của chuyến kiểm tra liên hợp trải dài trên 9 điểm từ Đông Nam đảo Bạch Long Vĩ đến Đông Bắc đảo Cồn Cỏ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, giám sát tàu thuyền của ngư dân hai nước đang khai thác thủy, hải sản trong vùng đánh cá chung, góp phần vào việc bảo tồn và khai thác bền vững nguồn tài nguyên, sinh vật biển.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - New Zealand hội đàm. Chiều 24/4 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Murray McCully đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ song phương và bày tỏ mong muốn tiếp tục củng cố đà phát triển nhằm đưa quan hệ lên tầm cao mới; tăng cường sự tin cậy chính trị. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp quốc tế, trong đó có tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm việc tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; thực hiện đầy đủ DOC và sớm đạt COC ở Biển Đông.

Tổng thống Philippines thăm Nhật Bản vào tháng 6. Báo NHK dẫn lời các quan chức Philippines cho biết nhận lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe, Tổng thống Duterte sẽ thăm chính thức Nhật Bản vào cuối tháng 6/2017. Theo dự kiến lịch trình chuyến thăm Nhật Bản lần này, Tổng thống Duterte sẽ hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe đồng thời sẽ có bài phát biểu tại Tokyo. Đây là chuyến thăm thứ hai tới Nhật Bản kể từ khi nhậm chức Tổng thống của Duterte. Nhiều khả năng, vấn đề Biển Đông sẽ trở thành chủ đề chính được hai bên đưa ra thảo luận. Chuyến thăm tới Nhật Bản của ông Duterte dự kiến sẽ diễn ra sau chuyến thăm Trung Quốc và tham dự Diễn đàn hợp tác quốc tế “Một vành đai một con đường” vào giữa tháng 5.

Phân tích và đánh giá

Ngụy tạo thực tế trên Biển Đông: Kế hoạch thành lập thành phố ‘Tam Sa’ của Trung Quốc của Shinji Yamaguchi

Mặc dù nhiều phân tích tập trung vào các công trình quân sự mà Trung Quốc xây dựng trên đảo Phú Lâm, việc đánh giá các công trình phi quân sự cũng rất quan trọng. Trung Quốc có một kế hoạch toàn diện phát triển một chính quyền cấp địa phương có thẩm quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, bãi cạn Scarborough và Bãi Macclesfield, với trụ sở đặt trên đảo Phú Lâm.

Xây dựng thành phố “Tam Sa”

Các biện pháp phi quân sự có ảnh hưởng quan trọng đến các tranh chấp trên biển tại châu Á và được sử dụng để thay đổi nguyên trạng tại khu vực này. Bằng cách khuếch trương ảnh hưởng trong khu vực đối với các vấn đề vốn được cho là công việc nội bộ, một quốc gia có thể bình thường hóa thẩm quyền của mình đối với khu vực này. Cùng với đó, các biện pháp này thường liên quan chặt chẽ đến các biện pháp quân sự, kết hợp sử dụng lực lượng chấp pháp và lực lượng bán quân sự nhằm đạt được mục tiêu của mình.

Một trong những biện pháp phi quân sự ít được chú ý chính là việc thành lập thành phố “Tam Sa”. Trong chuyến thăm đảo Hải Nam tháng 4/2016, Tập Cận Bình chỉ đạo tỉnh phải phát triển chính quyền “Tam Sa” thực hiện tốt chức năng, đáp ứng được 4 mục tiêu trên Biển Đông: bảo vệ quyền lợi, bảo vệ sự ổn định, bảo tồn môi trường biển và phát triển. Để đạt được các mục tiêu này, chính quyền “Tam Sa” sẽ theo đuổi 3 hoạt động cụ thể:

- Thúc đẩy cái gọi là “Phối hợp Quân sự-Dân sự-Cảnh sát” và thành lập trung tâm phối hợp của 3 lực lượng này nhằm theo đuổi một loạt các biện pháp hỗ trợ cho việc thực thi pháp luật trên biển. Củng cố thẩm quyền thực thi pháp luật trên quần đảo Hoàng Sa bằng cách thực hiện tuần tra và tập trận, bao gồm cả các cuộc tập trận chung giữa ba lực lượng nêu trên. Thành phố cũng thành lập Cục Chấp pháp chung có nhiệm vụ thống nhất các hoạt động thực thi pháp luật.

- Hải Nam và “Tam Sa” đang hợp tác xây dựng các mạng lưới giám sát và thu thập thông tin trên Biển Đông. Các mạng lưới giám sát sẽ sử dụng trang thiết bị đặt trên các thực thể Trung Quốc đang chiếm giữ trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để đảm bảo sự cảnh giác trên các vùng biển xung quanh và hỗ trợ bất cứ chiến dịch quân sự nào trong khu vực. Các báo cáo cho biết hơn 50.000 tàu cá Trung Quốc có hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu bằng trợ cấp của chính phủ Trung Quốc, điều này cho thấy khả năng bắt tay giữa chính quyền và các tàu cá trong việc thu thập thông tin.

- Thành phố “Tam Sa” nỗ lực nâng cao mức sống cho cư dân trên đảo. Các công trình gần đây bao gồm 1 bệnh viện, 1 trường học cho con em lực lượng quân sự, 1 nhà máy lọc nước và nhiều công trình giải trí khác. Bằng cách này, thành phố có thể giữ vững được dân số, ngày càng tang cường tuyên bố chiếm hữu hữu hiệu đối với các đảo.

Ý nghĩa

Hành vi của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa rất quan trọng trong việc phân tích vì bản thân nó chính là bước thử nghiệm cho những bước tiến trên quần đảo Trường Sa. Kế hoạch của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa có thể sẽ toàn diện, nhắm đến sự xác lập một thực thể hoàn thiện cả về chính trị, kinh tế, xã hội và quân sự.

Tàu chiến Nga ở Philippines khiến quan hệ quân sự được chú ý của Prashanth Parameswaran

Ngày thứ Năm vừa rồi, 2 tàu hải quân từ Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã cập bến Manila trong chuyến thăm hữu nghị 4 ngày, kéo dài đến tận ngày 23/4. Chuyến thăm của tàu tên lửa hành trình Varyag và tàu Pechenga, đang có nhiệm vụ ở Thái Bình Dương, đã một lần nữa thu hút sự chú ý đối với quan hệ quốc phòng đang ấm dần lên giữa Nga và Philippines dưới thời Duterte.

Chuyến thăm này thường xuyên diễn ra giữa một vài đối tác khác của Philippines, và các tàu của Nga đã thả neo ở Manila vài lần trước khi Duterte nhậm chức hồi tháng 6 vừa rồi. Nhưng những tương tác như thế này được chú ý nhiều hơn trong quá khứ vì Duterte đang tìm các đa dạng hóa quan hệ của Philippines, bao gồm Bắc Kinh và Moscow trong khi tách dần ra khỏi Mỹ.

Đây là lần thứ 2 các tàu chiến của Nga cập bến Philippines thời Duterte, sau chuyến thăm 5 ngày của tàu chống ngầm Admiral Tributs và tàu Boris Butoma đầu tháng 1. Chuyến thăm này sẽ làm nổi bật một vài tương tác giữa Nga với các đối tác Philippines, cùng với chuyến thăm tàu Varyag vào cuối tuần và một buổi hòa nhạc ở công viên.

Chuyến thăm diễn ra trước chuyến thăm của Duterte đến Moscow, dự kiến vào ngày 25/5. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ chú trọng trao đổi về quốc phòng, bao gồm cả việc ký kết một thỏa thuận quốc phòng song phương. Dù cho Moscow và Manila trước đây có ít trao đổi bao nhiêu cũng như tuyên bố gần đây về khả năng tăng cường quan hệ hai bên, chuyến thăm của Duterte sẽ được theo dõi sát sao. Trước đó, đại sứ Nga tại Philippines Anatolyevich Khovaev nói rằng Nga sẵn lòng chia sẽ “kinh nghiệm, vũ khí khí tài và các trang thiết bị cần thiết khác” cũng như huấn luyện và tập trận trung để giúp Philippines đối phó với các nguy cơ như khủng bố, cướp biển và buôn lậu ma túy.

Đây mới chỉ là những ngày đầu và vẫn còn những hạn chế rõ ràng từ quá khứ trong việc tăng cường quan hệ quốc phòng. Do đó, ít nhất, những tuyên bố này thường khoa trương hơn thực tế. Tuy nhiên, như giới quan sát đã nhận định, trong bối cảnh hai bên đều có động lực thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương,  điều đó sớm muộn cũng sẽ thay đổi.

Một số vấn đề chính trị Mỹ hiện naycủa Joseph Nye

 Nhìn vào tình hình chính trị Mỹ hiện nay, có thể thấy một số điểm quan trọng sau:

Thứ nhất, sau cuộc bầu cử năm 2016, hệ thống chính trị của nước Mỹ chưa hẳn bị tác động mạnh bởi chủ nghĩa dân túy. Thực tế, nước Mỹ có lịch sử dài đấu tranh chống lại lợi ích của giới tinh hoa. Tuy nhiên, thực tế Donald Trump đã thua trong cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu với gần 3 triệu số phiếu. Chiến thắng của Trump có được là do kháng cáo lại kết quả bỏ phiếu trước đó ở các bang Michigan, Pennsylvania và Wisconsin vốn có lợi cho đảng Dân chủ. Do đó, có thể thấy chiến thắng của Trump có được là nhờ vấn đề ngày càng nhức nhối liên quan tới bất bình đẳng vùng và xã hội tại Mỹ. Nhóm cử tri đảng dân chủ bị mất việc đã tin vào lời hứa của Trump mang lại việc làm cho họ. Tuy nhiên, khi Trump làm Tổng thống, thực tế việc Trump muốn xóa bỏ hệ thống Obamacare lại khiến cho đời sống của họ khó khăn.

Thứ hai, đừng đánh giá thấp kỹ năng đàm phán của Trump. Nhiều người bị dị ứng bởi các dòng tweet của Trump, nhưng cần thấy Trump có kinh nghiệm dầy dặn trong việc làm thế nào để thu hút sự quan tâm của dân chúng, kể cả bằng cách thông qua các phát biểu cực đoan. Thông qua Twitter, Trump đã tạo ra “chương trình nghị sự” của riêng mình và làm loãng các lời chỉ trích khi tranh cử. Tuy nhiên, khi thành Tổng thống, việc sử dụng Twitter lại là con dao hai lưỡi khiến Trump gặp khó trong việc huy động các đồng minh trong hệ thống chính trị.

Thứ ba, không nên đánh giá thấp sức mạnh của thể chế chính trị Mỹ. Mặc dù Trump có nhiều chính sách cực đoan, nhưng hệ thống chính trị của Mỹ vốn được thiết kế theo hình thức kiềm chế sức mạnh lẫn nhau khiến cho việc lạm quyền là rất khó. Cho tới nay, hệ thống tòa án, Quốc hội và chính quyền các bang đã phát huy sức mạnh kiềm chế các hành động của chính quyền Trung ương.

Cuối cùng, tất cả những vấn đề này tác động như thế nào đến chính sách đối ngoại và trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo? Điều này chưa thể đoán định nhưng sự trỗi dậy của Trump đáng quan ngại hơn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mặc dù có nhiều vấn đề trong trật tự do Mỹ lãnh đạo nhưng trật tự đó đã mang lại một thế giới thịnh vượng và xóa đói nghèo. Mỹ sẽ cần hợp tác với Trung Quốc, Châu Âu, Nhật Bản và các đối tác để xử lý các vấn đề. Hơn hết, trên thực tế sức mạnh cứng và mềm của Mỹ có được chủ yếu là nhờ một hệ thống với 60 đồng minh (trong khi Trung Quốc chỉ có một vài đồng minh).

Rex Tillerson ‘trở lại’ Biển Đông của Mike Danello

Trung Quốc không phải là một “cái gì” mới đối với Ngoại trưởng Mỹ, cựu Giám đốc điều hành tập đoàn ExxonMobil, Rex Tillerson, cũng như các đối thủ của ông. 

Năm 2006, giới lãnh đạo tập đoàn dầu khí Chevron tin là họ đã có được một “cơ hội vàng” để mở rộng hoạt động tại châu Á. Tuy nhiên, khi Chevron đặt bút ký thỏa thuận và bắt đầu quá trình thăm dò, dù đã rất thận trọng, song vẫn phải đối mặt với một điều mà họ chưa từng trải qua: phản ứng quá mức tiêu cực của một Trung Quốc nuôi tham vọng bá quyền và thao túng ngày càng lớn. Dù Chevron tiến hành thăm dò trong phạm vi EEZ của Malaysia, song Bắc Kinh đã phản đối mạnh mẽ các hoạt động của Chevron, cáo buộc đó là các hành vi xâm phạm chủ quyền và đe dọa trả đũa. Chevron đã quyết định tránh mạo hiểm và tới 2007 chính thức hủy bỏ dự án này.

Đó chỉ là một trong những vụ việc tiêu biểu trong số những trở ngại mà nhiều doanh nghiệp khai thác năng lượng nước ngoài gặp phải khi hoạt động ở Biển Đông. Tính đến nay, mới chỉ có duy nhất một doanh nghiệp dầu khí lớn của Mỹ vượt qua được các thách thức này, đó chính là ExxonMobil. 

Dưới sự lãnh đạo của cựu Giám đốc điều hành Rex Tillerson, ExxonMobil đã thúc đẩy một dự án chung với Chính phủ Việt Nam với tên gọi “Cá voi Xanh”. Các cuộc đàm phán kéo dài trong nhiều năm, và một tuần trước khi ông Trump bước vào nhiệm sở, ExxonMobil đã ký một hợp đồng với doanh nghiệp dầu khí quốc doanh PetroVietnam để cùng tiến hành khai thác mỏ khí đốt trị giá hàng tỷ USD từ năm 2023. Exxon đặc biệt hơn các đối thủ của mình, và điều này cho phép tập đoàn này có thể tránh áp lực từ phía Trung Quốc. Trong khi các doanh nghiệp khác, như BP và Chevron, có nhiều dự án triển khai tại Trung Quốc thì Exxon lại không như vậy.

Không chỉ tại khu vực châu Á, tập đoàn ExxonMobil cũng được xem là một “kẻ cứng đầu” hiếm có ở những nơi khác. Ông Tillerson khi còn là CEO của Exxon đã đàm phán một thỏa thuận với người Kurd để khai thác dầu mỏ. Khi tờ Thời báo Hoàn cầu đe dọa rằng nước này sẽ tấn công bằng vòi rồng nếu Exxon tiếp tục dự án của mình, ông Tillerson vẫn không chùn bước. Thay vào đó, ông bay tới Bắc Kinh để gặp gỡ các quan chức cấp cao thuộc CNOOC và tìm kiếm giải pháp cho những khúc mắc liên quan. 

Những thành công từng có được trong vấn đề liên quan tới Biển Đông có thể sẽ khích lệ ông Tillerson rằng cách tốt nhất để đối phó với Trung Quốc là đương đầu. Tuy vai trò điều hành Exxon và Ngoại trưởng Mỹ hoàn toàn khác nhau, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng có thể sẽ vận dụng một số chiến lược cũ và các chính sách đối ngoại của ông chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều bởi phong cách mà ông từng có khi còn là CEO của Exxon. 

Tuy nhiên, chỉ một mình ông Tillerson cũng không thể quyết định chính sách đối ngoại của Mỹ tại Biển Đông. Người ta cho rằng khó có thể biết được xem liệu ông Tillerson có bao nhiêu ảnh hưởng hay liệu ông có đủ thời gian để thực hiện các mục tiêu đối ngoại của mình hay không khi ông luôn là người phải “dọn dẹp” mớ bòng bong mà Trump gây ra. Với những gì ông đã làm, có thể kỳ vọng rằng Tillerson trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ sẽ không dễ dàng từ bỏ các mục tiêu của mình, và thậm chí còn có thể coi vấn đề Biển Đông là cơ hội để ông thành công, trong khi những người khác đã thất bại.

Biển Đông: Một thảm họa môi trường tiềm tàngcủa Anthony Bergin

Hầu hết sự tập trung chú ý về Biển Đông đều xoay quanh các hành động quân sự của Trung Quốc. Tuy nhiên, thảm họa tự nhiên đang âm thầm diễn ra trong khu vực cũng là một vấn đề gây quan ngại nghiêm trọng.

Phán quyết của PCA về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc nhấn mạnh rằng việc Trung Quốc xây dựng 7 hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa đã vi phạm các nghĩa vụ về bảo vệ môi trường trong UNCLOS. Việc cải tạo địa hình có thể đang khiến địa hình và môi trường tự nhiên tại các khu vực này bị phá hủy tới mức không thể khôi phục được. Không chỉ xây đảo nhân tạo tại các đảo đá và rạn san hô có tranh chấp chủ quyền với các quốc gia khác, Trung Quốc còn cải tạo và phá hủy môi trường tại nhiều rạn san hô vòng, với tổng diện tích lên tới gần 60km2.

Việc nạo vét và xây dựng trên các rạn san hô ở Biển Đông đang hủy hoại nghiêm trọng một trong những hệ sinh thái có sự đa dạng vào bậc nhất trên Trái Đất. Những rạn san hô đã chết sẽ bị chôn vùi dưới cát, sau đó kết thành khối và không thể tái sinh. Điều mà nhiều chuyên gia liên tục lưu ý là khi tiến hành các hoạt động cải tạo và xây dựng ở Biển Đông, Trung Quốc cần xem xét và tôn trọng UNCLOS. UNCLOS cũng yêu cầu các quốc gia phải tiến hành những đánh giá cần thiết trong trường hợp các hoạt động mà họ dự định tiến hành có thể có những tác động đáng kể vượt ra ngoài đường biên giới của mình. 

Đã đến lúc các cộng đồng an ninh và môi trường truyền thống ở Biển Đông cần có sự kết nối và hợp tác sâu sắc hơn. Các quốc gia ở Thái Bình Dương cần phải hiểu rõ các vấn đề liên quan tới cả khía cạnh quân sự và môi trường. Không thể phủ nhận một thực tế là Mỹ đang có những đóng góp hữu ích cho việc tăng cường công tác quản lý hoạt động đánh bắt cá ở Đông Nam Á. 

Các quốc gia khu vực cũng có thể hợp tác với các tổ chức môi trường, song khi vấn đề liên quan tới việc lên án các hoạt động cải tạo ở rạn san hô, người ta thường đối mặt với một sự “im lặng”. Nguyên nhân có thể là bởi việc bảo tồn các rạn san hô hiện không được dư luận quan tâm nhiều như những vấn đề môi trường khác, chẳng hạn như năng lượng sạch. Hơn thế nữa, nhiều quốc gia khu vực cũng khá dè dặt trong việc hợp tác với Mỹ do lo ngại điều này có thể khiến họ trở thành “tay sai” của Washington. Nhận thức của dư luận đối với nguy cơ mà các rạn san hô đang phải đối mặt không cao cũng là bởi sự vắng mặt của truyền thông.

Cho dù lý do là gì đi chăng nữa thì thảm họa môi trường tại Biển Đông cũng cần nhiều sự quan tâm hơn nữa. Điều này cần tới sự phối hợp chặt chẽ hơn trên khía cạnh môi trường và quân sự, đòi hỏi sự vào cuộc của các chuyên gia ở cả hai lĩnh vực này, ngay cả khi điều đó có thể khiến Trung Quốc cho là vấn đề môi trường đã bị các nước láng giềng và khu vực “chính trị hóa” hoặc “thù địch hóa”./.