Động thái các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc bác chỉ trích của quan chức Mỹ tại Diễn đàn An Ninh Munich. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 17/2, Người phát ngôn Cảnh Sảng khẳng định: “Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh hợp pháp và lợi ích phát triển. Hồng Công và Đài Loan hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Trung Quốc có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với Quần đảo Nansha và vùng biển phụ cận. Trung Quốc thông qua đối thoại hiệp thương để giải quyết bất đồng với quốc gia liên quan trực tiếp. Những điều Ngoại trưởng Pompeo và người khác nói mập mờ trắng đen, nói không đúng sự thật nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, cản trở sự ổn định và phát triển của Trung Quốc. Nỗ lực này chắc chắn sẽ thất bại”.

Phản ứng của Trung Quốc về việc Philippine chấm dứt VFA với Mỹ. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 18/2, Người phát ngôn Cảnh Sảng cho hay, “Mọi quốc gia có quyền theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập tự chủ, phát triển quan hệ đối ngoại dựa trên các lợi ích quốc gia. Trung Quốc luôn chủ trương việc giao lưu hợp tác giữa các nước không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân quốc gia đó, còn giúp ích cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Về ảnh hưởng của động thái này đến Biển Đông, nhờ nỗ lực  chung của Trung Quốc và ASEAN, tình hình Biển Đông cơ bản ổn định. Trung Quốc sẵn sàng cùng với các nước trong khu vực duy trì ổn định ở Biển Đông, xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển của hòa bình, hữu nghị và hợp tác.”

+ Việt Nam:

Việt Nam khẳng định cần giải quyết hòa bình tranh chấp biển. Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Lan Thương lần thứ 5 và Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc về hợp tác ứng phó dịch bệnh COVID - 19 tổ chức tại Lào, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp song phương với Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 19/2. Về vấn đề trên biển, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu lập trường của Việt Nam rằng hai bên cần nỗ lực tìm kiếm giải pháp xử lý thỏa đáng vấn đề, tiếp tục phát huy các cơ chế hiện có; khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp cùng Trung Quốc và các nước tìm kiếm biện pháp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông, tạo thuận lợi để đàm phán COC sớm đạt kết quả thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế.

+ Philippines:

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines xác nhận tàu Trung Quốc hiện diện gần Thị Tứ. Trong một văn bản trả lời báo giới hôm 20/2, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho hay, “Tàu Trung Quốc  hiện diện gần Thị Tứ, tuy nhiên không liên tục và số lượng tàu cũng khác nhau.” Trước đó, chuyên gia Greg Poling của AMTI cho hay Trung Quốc duy trì sự hiện diện của lực lượng dân quân biển và cảnh sát biển ở Thị Tứ trong 424 ngày. Theo ông Lorenzana, “Chúng tôi không để bất kỳ ai, đặc biệt những chủ thể bên ngoài, can thiệp vào cách thức chúng tôi xử lý vấn đề. Chúng tôi không hành động chỉ dựa trên thông tin trên mạng.”

+ Indonesia:

Indonesia tăng cường đảm bảo an ninh ở Natuna. Ngày 21/2, Indonesia giao Cơ quan An ninh Biển (Bakamla) đảm bảo an ninh ở Biển Bắc Natuna trong bối cảnh gần đây nhiều tàu đánh cá được tàu Cảnh sát biển Trung Quốc hộ tống xâm lấn vùng biển Indonesia. Bakamla sẽ đứng đầu 13 cơ quan liên quan phụ trách an ninh ở Biển Bắc Natuna, bao gồm Hải quân. Tân Giám đốc Bakamla, Phó Đô đốc Hải quân Aan Kurnia cho biết đây là một trong những biện pháp nhằm khắc phục vấn đề an ninh và thực thi quyền chủ quyền trong Vùng Đặc quyền kinh tế. Phó Đô đốc Aan cũng đã ký một Biên bản ghi nhớ hợp tác với các cơ quan liên quan khác, bao gồm Bộ Luật pháp và Nhân quyền, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Môi trường và Lâm nghiệp, Bộ Biển và Nghề cá, Quân đội Indonesia (TNI) và Cảnh sát Quốc gia.

+ Mỹ:

Mỹ cần sẵn sàng trong kịch bản đối đầu quân sự với Trung Quốc. Phát biểu trước Ủy ban đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ - Trung ngày 20/2,  Phó trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách về Trung Quốc Chad Sbragia cho hay Washington phải sẵn sàng cho khả năng đụng độ quân sự với Bắc Kinh khi nuowccs này đang mở rộng sự hiện diện quân sự, nâng cao năng lực chiến đấu, “Thách thức từ xung đột với Trung Quốc là rất ghê gớm. Đây là một tiến trình lâu dài và Mỹ phải nhanh chóng và khôn khéo.” Theo ông Sbragia, Mỹ cần xây dựng lực lượng thiện chiến, với khí tài mạnh như vũ khí siêu thanh, trí tuệ nhân tạo, robot và vũ khí laser, đồng thời củng cố quan hệ với đồng minh, đối tác.

Mỹ tổ chức khóa huấn luyện cho cảnh sát biển Philippines. Sứ quán Mỹ ở Manilia cho hay Lực lượng Cảnh sát biển Mỹ tổ chức một khóa đào tạo quy mô nhỏ cho Lực lượng tuần duyên Philippines (PCG) để tăng cường năng lực chấp pháp trên biển. Khóa học thuyền nhỏ, diễn ra từ ngày 24/2-6/3, là hoạt động đầu tiên trong một chuỗi khóa huấn luyện. Khóa đào tạo có sự tham gia của tám thành viên PCG, với các mục lập kế hoạch trước nhiệm vụ, quản lý rủi ro, đỗ, kéo và điều hướng. PCG đã hợp tác với Lực lượng CSB Mỹ từ năm 2014 để tăng cường năng lực, xây dựng các chương trình đào tạo.

+ Anh:

Tàu Hải quân Anh thăm Việt Nam. Sáng 19/2, tàu HMS Enterprise của Hải quân Hoàng gia Anh đã cập cảng Tân Vũ (thành phố Hải Phòng), bắt đầu chuyến thăm kéo dài 1 tuần tại Việt Nam. Trong khuôn khổ chuyến thăn, thuyền trưởng và thủy thủ đoàn tàu HMS Enterprise sẽ chào xã giao Lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân, thăm Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam tại Hải Phòng, tham quan Hà Nội và Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Hoạt động này nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, trong đó an ninh - quốc phòng là lĩnh vực hợp tác quan trọng.

Thực hiện: Đinh Anh