Bản PDF tại đây

 

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc phát hiện mỏ khí đốt lớn ở Biển Đông. Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) hôm 15/9 cho hay giàn khoan Hải Dương 981 đã phát hiện một mỏ khí đốt nước sâu ở Biển Đông. Mỏ khí đốt – có tên là Linh Thủy 17-2, được phát hiện ngày 18/8 ở độ sâu 1.500m, nằm cách đảo Hải Nam, Trung Quốc 150km về phía nam. Theo một quan chức của CNOOC, có thể khai thác tới 56,5 triệu m3 khí đốt/ngày, tương đương khoảng 9.400 thùng ở mỏ khí này.

Trung Quốc phản đối thỏa thuận dầu khí Việt-Ấn ở Biển Đông. Trung Quốc ngày 16/9 ngang nhiên tuyên bố sẽ phản đối thỏa thuận hợp tác dầu khí giữa Việt Nam với Ấn Độ cho phép Ấn Độ khai thác thêm 2 giếng dầu ở Biển Đông, nếu 2 địa điểm này nằm trong khu vực Bắc Kinh quản lý. Theo Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, Bắc Kinh không phản đối các thỏa thuận chính đáng và hợp pháp giữa Việt Nam với một nước thứ ba, nhưng sẽ không ủng hộ các thỏa thuận đó nếu chúng liên quan đến các vùng biển do Trung Quốc quản lý hay các dự án hợp tác không được nhà nước Trung Quốc chấp thuận.

Trung Quốc hạ thủy tàu tuần tra mới. Nhà máy đóng tàu Hoàng Phố của Trung Quốc tối 18/9 đã hạ thủy tàu Hải cảnh 3308 để phục vụ cho tuần tra Biển Đông. Tàu Hải cảnh này mang số hiệu “3308”, có nghĩa là tàu này sẽ là tàu Hải Cảnh loại 3.000 tấn thứ 08 được biên chế cho Hạm đội Nam Hải, hoạt động tại khu vực Biển Đông. Hải Cảnh 3308 dài 98 m, rộng 15,5m, cao 7,2 m, tốc độ tối đa 18 hải lý/h, trong khi hành trình liên tục đạt 10.000 hải lý.

Trung Quốc do thám hải quân Mỹ ở đảo Guam. Chuẩn Đô đốc Mỹ Mark Montgomery hôm 20/9 cho hay tàu do thám lớp Đông Điệu của Trung Quốc đã xuất hiện trong vùng biển gần khu vực của cuộc tập trận  “Lá chắn quả cảm 2014” diễn ra hôm 15-16/9.  Ông Montgomery cũng cho biết thêm rằng tàu Trung Quốc và tàu Mỹ đã hành xử chuyên nghiệp theo quy tắc ứng xử quốc tế khi vụ việc xảy ra, “Chúng tôi tôn trọng quyền của một quốc gia khi họ bảo đảm được việc điều khiển tàu an toàn và trách nhiệm.” Trung Quốc từng gửi tàu AGI giám sát tàu hải quân nước ngoài hoạt động gần vùng biển nước mình nhưng việc điều tàu do thám đến tận đảo Guam là điều hiếm thấy.

+ Philippines:

Tổng thống Philippines: ‘Trung Quốc sẽ không tấn công Philippines vì tranh chấp biển.’ Phát biểu này tại diễn đàn do Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế Pháp tổ chức hôm 18/9, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III cho rằng nếu Trung Quốc theo đuổi yêu sách chủ quyền ở Biển Đông dựa vào cái gọi là “bằng chứng lịch sử” thì ít có khả năng nước này sẽ tấn công “các đảo của Philippines”, “Nếu sự thịnh vượng của Trung Quốc được xây dựng dựa trên mối liên kết với thế giới thì tình huống tồi tệ nhất - chiến tranh sẽ cản trở Bắc Kinh giao dịch với thế giới bên ngoài.” Trong khi đó nhu cầu cải thiện đời sống của người dân Trung Quốc lại đang ngày càng cấp bách. Ông Aquino cho hay, trong lần gặp gỡ với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào năm 2011, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng tranh chấp Biển Đông không phải toàn bộ mối quan hệ giữa Trung Quốc với Philippines.

+ Ấn Độ:

Ấn Độ lên tiếng việc Trung Quốc phản đối Việt-Ấn hợp tác dầu khí. Tổng thống Pranab Mukherjee hôm 17/9 đã khẳng định các hoạt động hợp tác thăm dò dầu khí giữa Ấn Độ với Việt Nam từ năm 1988 hoàn toàn thuần túy là thương mại và không nên bị lôi kéo vào chuyện chính trị. Ông Mukherjee cũng nhấn mạnh, chính sách đối ngoại của Ấn Độ không bao giờ nhìn bất kỳ quốc gia nào qua lăng kính của một nước thứ 3, chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông không có liên hệ nào đến chuyến công du New Delhi của người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ấn Độ không coi Trung Quốc là mối đe dọa. Ngày 21/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc trả lời phỏng vấn đài CNN trước thềm chuyến công du tới nước Mỹ diễn ra trong tuần này. Ông Narendra Modi cho rằng, ông không xem Trung Quốc là mối đe dọa với Ấn Độ, thay vào đó là một đối tác tiềm năng. Khi được hỏi về sự trỗi dậy của Trung Quốc và yêu sách của nước này ở Biển Đông và Hoa Đông, ông Modi trả lời rằng quan điểm của Ấn Độ hơi khác biệt, “Chúng tôi không thể điều hành đất nước của mình nếu chúng tôi lo lắng về mọi điều nhỏ nhặt. Đồng thời chúng tôi cũng không thể nhắm mắt cho qua mọi vấn đề. Chúng ta không phải sống ở thế kỷ 18. Đây là kỷ nguyên của sự hợp tác. Tất cả các nước sẽ phải tìm kiếm và mở rộng sự giúp đỡ lẫn nhau. Trung Quốc đã tập trung vào phát triển kinh tế và chúng ta cần phải có niềm tin vào sự hiểu biết của Trung Quốc, tin rằng họ sẽ chấp nhận luật pháp toàn cầu và đóng vai trò quan trọng trong hợp tác và tiến bộ.”

+ Mỹ:

Mỹ bác đề nghị của Trung Quốc về việc ngừng chuyến bay do thám. Nhà Trắng vừa tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay trinh sát ở vùng biển gần Trung Quốc, bất chấp việc nước này vừa gây sức ép với cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice trong chuyến thăm Bắc Kinh. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Patrick Ventrell khẳng định, “Chúng tôi đã làm rõ rằng các chuyến bay của Mỹ hoàn toàn phù hợp luật pháp quốc tế và chúng tôi không có kế hoạch thay đổi do sức ép của Trung Quốc.” Ông Ventrell nêu rõ, Mỹ hết sức lo ngại về các vụ ngăn chặn thiếu chuyên nghiệp và không an toàn của Trung Quốc, không phù hợp với luật pháp quốc tế và có nguy cơ tổn hại đến sự phát triển mối quan hệ quân sự Mỹ-Trung.

Quan hệ các nước

Việt Nam-Ấn Độ: Tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược. Ngày 15/9, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Ấn Độ tới Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hội đàm với Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee. Hai bên nhất trí tăng cường và làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược với trọng tâm là hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học và kỹ thuật, dầu khí. Hai bên nhất trí rằng hợp tác an ninh quốc phòng là một trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước; bày tỏ hài lòng về hợp tác hiện nay trong lĩnh vực này, cũng như việc ký kết Bản Ghi nhớ về hạn mức tín dụng trị giá 100 triệu USD mà Ấn Độ dành cho Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp ở khu vực này bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, thực hiện DOC và sớm hoàn tất đàm phán về COC.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc. Bên lề CAEXPO và CABIS lần thứ 11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ ngày 15/9. Về vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị hai bên cần kiểm soát tốt tình hình trên biển, không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình, thúc đẩy các cơ chế đàm phán tiến triển, nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc; tôn trọng luật pháp quốc tế, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Đức ủng hộ Philippines giải quyết hòa bình tranh chấp biển. Tranh chấp biển giữa Philippines - Trung Quốc tiếp tục nằm trong chương trình nghị sự của hội đàm giữa Tổng thống Philippines Benigno Aquino với Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 20/9 tại thủ đô Berlin, Đức. Phát biểu trong một cuộc họp báo chung ngay sau khi Tổng thống Philippines đến Đức, bà Merkel đã kêu gọi Trung Quốc giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Philippines và các bên khác thông qua các cơ chế đã được luật pháp quốc tế quy định và “một cách tiếp cận hòa bình và ngoại giao luôn luôn là phương thức được ưu tiên… Đó là con đường mà chúng ta cần phải lựa chọn.” Về phần mình, Tổng thống Aquino cho biết ông và bà Merkel “chia sẻ niềm tin” là tranh chấp “phải được giải quyết một cách hòa bình và phải dựa trên luật pháp quốc tế”. Trước Đức, Tổng thống Philippines cũng đã tranh thủ được sự ủng hộ của EU, Tây Ban NhaPháp trong vấn đề Biển Đông.

Phân tích và đánh giá

“Nhận diện 4 chiêu bài mới của Trung Quốc ở Biển Đông” của Jiye Kim. Trong chuyến thăm mới đây tới Australia, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đề xuất 4 nguyên tắc trong cuộc tranh chấp trên Biển Đông. Giới chuyên gia nhận định, đó có thể là sự chuẩn bị của phía Bắc Kinh dành cho chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 11 năm nay. Đầu tiên, Ngoại trưởng Vương nói rằng, tranh chấp chủ quyền các bãi đá trên quần đảo Trường Sa là vấn đề còn sót lại của lịch sử. Vị lãnh đạo Trung Quốc còn cho rằng các vấn đề tồn đọng của lịch sử nên được giải quyết trước tiên trong cuộc tranh chấp vốn kéo dài khá lâu này. Thứ hai, Ngoại trưởng Vương đề nghị các nước khác tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Quốc tế Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982). Thứ ba, các cuộc đối thoại và tham vấn trực tiếp giữa các quốc gia liên quan tới tranh chấp này nên được tôn trọng. Và cuối cùng, ông đề nghị, các bên nên tôn trọng nỗ lực mà Trung Quốc và ASEAN thực hiện nhằm duy trì và ổn định trong khu vực. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra những nguyên tắc trên. Chúng đã được các nhà ngoại giao Trung Quốc đề cập thường xuyên trong những năm qua. Năm 2012, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì đã đặt những nguyên tắc này là những ưu tiên hàng đầu trong các cuộc đối thoại về tranh chấp Biển Đông trong suốt Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. Ông Dương nói rằng: “Các quốc gia liên quan trước tiên nên giải quyết cuộc tranh chấp lãnh thổ của mình ở quần đảo Trường Sa. Trên cơ sở đó, các bên mới tiếp tục giải quyết vấn đề phân định biển ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế, bao gồm có cả UNCLOS”. Tuy nhiên, trong một cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào tháng 2/2014, chính ông Dương (lúc này trên cương vị Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc) lại đưa ra một quan điểm có phần lợi cho mình khi khẳng định “chủ quyền của Trung Quốc ở các đảo trên Biển Đông và các vùng biển liền kề”. Vì vậy, miễn là các đảo ở Trường Sa và các vùng biển liền kề được xem xét là thuộc lãnh thổ Trung Quốc, Bắc Kinh sẵn sàng thảo luận việc phân định lãnh hải thể theo UNCLOS. Nhìn chung, các nguyên tắc mà Trung Quốc áp dụng trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông là thất thường. Tuy nhiên, chúng ngày càng trở nên rõ ràng hơn khi hiện trạng khu vực bị đe dọa không ngừng bởi những hành động ngang ngược, khiêu khích của Bắc Kinh.

“Tập Cận Bình: Nhân tố thay đổi cuộc chơi của Trung Quốc” của Richard Javad Heydarian. Kể từ thời điểm nhậm chức, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc đẩy nhiều sáng kiến nhằm cải thiện hệ thống hành chính phụ trách về các vấn đề trên biển của Trung Quốc. Một mặt, ông thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia (State Security Committee – SSC), để có thể giám sát và sắp xếp các vấn đề liên quan tới chính sách an ninh trong và ngoài nước của Trung Quốc, của lực lượng quân sự và dân sự. SSC có thể đóng vai trò như một cơ quan quản lý khủng hoảng, đặc biệt là khi các tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng, căng thẳng địa chính trị giữa Bắc Kinh và Washington đang gia tăng. Ngoài ra, ông cũng tìm cách sắp xếp lại các cơ quan chấp pháp trên biển của Trung Quốc bằng việc chỉ định Cơ quan Quản lý Đại dương Quốc gia (National Oceanic Administration - NOA) là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ bờ biển của Trung Quốc tại Biển Đông. NOA hiện cũng chịu trách nhiệm cho việc tuần tra hoạt động nghề cá của Bộ Nông Nghiệp, việc tuần tra bảo vệ bờ biển của Bộ Công An và hoạt động chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan. Nhìn chung, Trung Quốc đang đi theo hướng thiết lập một hệ thống cơ quan quản lý bờ biển đa năng hơn để quản lý các vấn đề về lãnh thổ của nước này tại các vùng biển lân cận. Cho đến thời điểm hiện tại, ông Tập Cận Bình vẫn chưa có bất cứ sự nhượng bộ nào về các tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc. Ông tập trung hơn vào các chương trình cải cách trong nước, bởi tham vọng cải cách đó có thể gây ra những bất ổn chính trị, ảnh hưởng nghiêm trọng tới từ các nhóm lợi ích và các nhân vật chính trị có liên quan. Tuy nhiên, một khi ông Tập củng cố hoàn toàn được vị thế trong nước và có được uy tín chính trị, ông sẽ có điều kiện tốt hơn để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ là liệu ông Tập có chấp nhận nhượng bộ hay không; tuy nhiên, chí ít thì vẫn có những tín hiệu tích cực dành cho các quốc gia láng giềng của Trung Quốc bởi giờ đây chính sách biển của Trung Quốc đã có hệ thống và đã được tập trung dưới sự giám sát của ông Tập.

“Tầm quan trọng chiến lược việc Tổng thống Ấn Độ thăm Việt Nam” của Subhash Kapila. Chuyến thăm gần đây của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee tới Việt Nam cho thấy nhiều hàm ý quan trọng: Thứ nhất, quan hệ đối tác chiến lược Ấn-Việt được nâng tầm chính trị. Thứ hai, phản ánh tầm quan trọng về chính trị và chiến lược của Việt Nam trong con mắt của Ấn Độ, và New Dehli coi Hà Nội như một "đối tác trụ cột" trong khu vực Đông Nam Á và có vai trò cân bằng tiềm lực an ninh tại châu Á. Thứ ba, Ấn Độ muốn hành động như một "người chơi có trách nhiệm" tại khu vực Đông Nam Á và Biển Đông. Về mặt chiến lược, Ấn Độ và Việt Nam có chung những quan ngại về Trung Quốc. Trung Quốc không ngừng leo thang xung đột với Việt Nam tại Biển Đông và thực hiện các hành động khiêu khích, xâm nhập vào biên giới Ấn Độ tại các khu vực giáp Tây Tạng. Do đó, dễ hiểu khi Ấn Độ và Việt Nam có nhiều lợi ích chiến lược tương đồng trong mối quan hệ của mình. Về phần Ấn Độ, trong thời gian tới, dưới sự lãnh đạo quyết đoán của Thủ tướng Modi, nước này nhiều khả năng sẽ đóng vai trò lớn hơn tại Ấn Độ Dương và Châu Á-Thái Bình Dương. Và "hòn đá tảng" trong cấu trúc an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của New Delhi chính là bộ ba chiến lược Ấn Độ-Nhật Bản-Việt Nam. Với vị trí địa chiến lược quan trọng, Việt Nam có thể đóng vai trò then chốt trong tam giác chiến lược này. Thủ tướng Ấn Độ có thể tới thăm Việt Nam vào năm tới, và đây sẽ là bước đi quan trọng trong Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ.

“Đằng sau phát hiện khí đốt khủng của giàn khoan Hải Dương 981 ở Biển Đông” của Shannon Tiezzi. Hơn 1 tháng sau khi rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, giàn khoan Hải Dương 981 của Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đã có phát hiện khí đốt đầu tiên ở Biển Đông. Theo giới chuyên gia, hiện chưa rõ phát hiện trên có khả thi về mặt thương mại hay không nhưng phát hiện này cho thấy Trung Quốc đã có bước tiến đáng kể trong việc thăm dò, tìm kiếm các nguồn tài nguyên dưới lòng Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc phát hiện khí đốt ở vùng biển nước sâu mà không cần sự tham gia của các đối tác nước ngoài như Chevron và BP. Mặt khác, mỏ khí này được phát hiện ở độ sâu 1.500m – một độ sâu kỷ lục của những mỏ dầu khí nước sâu trên thế giới (vốn chỉ từ 400 – 1.500m). Trong một dấu hiệu khác cho thấy CNOOC muốn đẩy mạnh hoạt động thăm dò dầu khí tại Biển Đông, tờ Wall Street Journal tiết lộ rằng gần đây CNOOC đã mời chào các công ty nước ngoài “đấu thầu một số lượng lớn chưa từng có các lô dầu khí ngoài khơi bờ biển Trung Quốc”. CNOOC thông báo rằng họ đã mời thầu tổng cộng 33 lô dầu khí ngoài khơi trong năm nay, tăng so với con số 25 của năm ngoái. Tất cả những dấu hiệu này cho thấy Trung Quốc đăng ngày càng quan tâm tới hoạt động khoan dầu ở các vùng nước sâu. Bên cạnh giàn khoan Hải Dương 981 – giàn khoan nước sâu của Trung Quốc – CNOOC cũng đang đóng mới 3 giàn khoan có kích cỡ tương đương. Theo tờ Wall Street Journal, giàn khoan Hải Dương 982 dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2016. Việc Trung Quốc ngày càng quan tâm tới hoạt động khoan dầu tại các vùng nước sâu cho thấy sự hội tụ của 2 lợi ích chiến lược lớn của Trung Quốc: bảo vệ yêu sách chủ quyền bao trọn hầu hết khu vực Biển Đông và cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu. Việc thăm dò các nguồn dự trữ dầu khí ở các vùng nước sâu vừa giúp Trung Quốc thể hiện quyền kiểm soát tại các vùng tranh chấp ở Biển Đông, vừa giúp họ khám phá (và cuối cùng là khai thác) các nguồn năng lượng mà họ đang khao khát hơn bao giờ hết.

“Trung Quốc có thể dùng Gạc Ma làm bàn đạp tấn công” của James HardySean O'Connor. Các hình ảnh vệ tinh từ Tổ chức Quốc phòng và Không gian Airbus cho thấy tiến độ đáng kinh ngạc trong việc xây dựng của Trung Quốc trên Đá Gạc Ma ở Trường Sa. Truyền thông Trung Quốc ngày 13/9 cũng cho, Bắc Kinh đang xây dựng công trình tương tự tại đá Châu Viên, bao gồm công trình khử muối, cần trục, máy khoan, cùng với vật liệu xây dựng. Hồi tháng 6, hệ thống theo dõi tự động AISLive của IHS Jane's cũng ghi nhận tàu Ting Jing Hao, một tàu thực hiện nạo vét hầu hết công trình khai hoang của Trung Quốc ở Trường Sa, đã đến đá Châu Viên ba lần kể từ tháng 9 năm ngoái, lần gần nhất là ngày 10/4 và ngày 22/5 vừa qua. Ting Jing Hao cũng đến Đá Ga Ven, ở trung tâm của Trường Sa và gần tới Đảo Ba Bình. Các hình ảnh do Chính phủ Philippines công bố tháng trước cho thấy Trung Quốc xây dựng khá quy mô ở đá Ken Nan, nằm trong cụm Sinh Tồn. Từ những trường hợp kể trên, chúng ta có thể thấy Trung Quốc đang xây dựng các đảo xung quanh nền bê tông đã được xây dựng từ thập niên 1980 và 1990. Chương trình mở rộng khai hoang ở Trường Sa cho thấy Bắc Kinh đang phớt lờ Tuyên bố DOC năm 2002 mà Trung Quốc ký với ASEAN, trong đó các nước có liên quan cam kết không làm phức tạp tình hình. Các hoạt động của Bắc Kinh ở Trường Sa trong 12 tháng qua là thách thức nghiêm trọng đối với hiện trạng tại Biển Đông khi họ thiết lập nên các căn cứ có khả năng hỗ trợ binh lính đồn trú ở các khu vực rất gần với các điểm mà các nước khác chiếm giữ ở Trường Sa. Các sự kiện trong lịch sử xung đột ở Biển Đông cho thấy những căn cứ như vậy có thể được dùng làm điểm xuất phát cho các cuộc tấn công vào các thực thể gần đó, mặc dù cho đến nay, Trung Quốc vẫn khẳng định yêu sách của mình thông qua các tàu bán quân sự và hành động phong tỏa./.