Bản PDFtại đây

 

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) hôm 15/7 cho biết đã hoàn thành công tác khoan và thăm dò ở vùng biển gần đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và giàn khoan Hải Dương-981 được rút về địa điểm Lăng Thủy ở đảo Hải Nam. Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, từ 21 giờ 3 phút ngày 15/7, giàn khoan HD-981 dịch chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc về phía đảo Hải Nam, Trung Quốc. Tính đến 18 giờ 30 ngày 16/7, giàn khoan HD-981 đã dịch chuyển khỏi vị trí cũ 41 hải lý, cách đảo Hải Nam khoảng 163 hải lý về phía Nam, ra ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Trung Quốc đề nghị Mỹ đứng ngoài tranh chấp Biển Đông. Về việc Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ ông Michael Fuchs ngày 11/7 kêu gọi các bên tranh chấp ở Biển Đông ngừng hoạt động xây dựng, cải tạo đất hay thiết lập thêm các tiền đồn mới làm thay đổi nguyên trạng các đảo, đá tranh chấp, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 15/7, người phát ngôn Hồng Lỗi tuyên bố: “Đáng tiếc là trong những năm gần đây một số quốc gia đã gia tăng sự hiện diện thông qua hoạt động xây dựng và tăng cường quân sự, xâm phạm chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc. Trung Quốc yêu cầu các nước này lập tức rút nhân sự và thiết bị ra khỏi các đảo của Trung Quốc. Trung Quốc hy vọng các quốc gia bên ngoài khu duy trì thái độ trung lập, phân biệt đúng sai và tôn trọng nỗ lực chung của các quốc gia trong khu vực nhằm duy trì hòa bình và ổn định.” Ngày 16/7, ông Hồng Lỗi cho biết: “Ngày 15/7, giàn khoan HD-981 đã hoàn thành hoạt động khoan thăm dò tại vùng biển ngoài khơi đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và chuyển địa điểm đến Lăng Thủy, Hải Nam theo như kế hoạch. Thời gian tới, doanh nghiệp liên quan sẽ xây dựng phương án hoạt động tiếp theo trên cơ sở phân tích và đánh giá các dữ liệu địa chất thu được trong hoạt động lần này”. Về việc ngày 16/7 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ hoan nghênh Trung Quốc rút giàn khoan, ông Hồng Lỗi hôm 17/7 tuyên bố: “Việc chuyển địa điểm của giàn khoan không liên quan đến bất kỳ nhân tố bên ngoài nào. Trung Quốc hy vọng các bên liên quan có lập trường khách quan và công bằng về các vấn đề.”

Trung Quốc dự tính xây dựng nhà máy nổi sản xuất khí hóa lỏng trên biển. Tập đoàn Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đang nghiên cứu khả năng xây dựng một nhà máy khí hóa lỏng nổi trị giá hàng tỷ USD để khai thác khí đốt ở vùng biển sâu của khu vực Biển Đông. Theo các quan chức của CNOOC, tập đoàn chưa có thông báo chính thức, nhưng họ đang tiến hành nghiên cứu tính khả thi và thảo luận với các công ty nước ngoài về khả năng tham gia thiết kế nhà máy nổi. Các nhà máy nổi này có thể hút khí đốt lên và chuyển thành khí hóa lỏng và đưa sang các tàu để vận chuyển. Đây là công nghệ hiện chưa có nước nào sử dụng, thay thế cho các đường ống dẫn khí dưới đáy biển, để khai thác các mỏ khí nằm xa bờ hoặc quá nhỏ.

+ Việt Nam:

Ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ đang trên đường về nước. Ngày 15/7, trả lời câu hỏi liên quan đến hai tàu cá Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ vừa qua, Trợ lý Cục trưởng Cục Lãnh sự, Trưởng phòng bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Quảng cho biết: “Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, phía Trung Quốc đã thả 13 ngư dân Việt Nam bao gồm bảy ngư dân thuộc tàu cá Quảng Bình mang số hiệu QB 93256 TS cùng sáu ngư dân thuộc tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 94912 TS. Hiện số ngư dân nói trên đang trên đường về nước trên tàu cá Quảng Bình mang số hiệu QB 93256 TS.” Phía Trung Quốc đã tịch thu tàu cá Quảng Ngãi số hiệu QNg 94912 TS và toàn bộ ngư cụ của hai tàu cá nói trên.  

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan trở lại. Về việc Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan HD-981, ngày 16/7 Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Hoạt động của giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống của Trung Quốc trong hơn 2 tháng qua là hoàn toàn bất hợp pháp, vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Nhằm tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan HD-981 quay trở lại hoặc đưa bất cứ giàn khoan nào khác vào hoạt động ở khu vực lô dầu khí 143 của Việt Nam hoặc bất kỳ khu vực nào khác thuộc vùng biển của Việt Nam được quy định bởi UNCLOS 1982, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.”

+ Philippines:

Philippines đề xuất cuộc gặp bốn nước có tranh chấp trong ASEAN. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario ngày 18/7 tuyên bố Manila muốn tổ chức một hội nghị giữa của 4 nước trong ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông (gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei) trước một loạt hội nghị của ASEAN tại Myanmar vào đầu tháng tới. Tại cuộc họp báo chung với quyền Ngoại trưởng Thái Lan Sihasak Phuangketkeow, ông Rosario nói: “Chúng tôi đang cố gắng để điều đó diễn ra. Chúng tôi vẫn chưa ấn định ngày cụ thể song công việc đang được tiến hành.”  Theo ông Rosario, sáng kiến của Philippines là một “đề nghị mang tính xây dựng” đối với 4 nước cùng có yêu sách ở Biển Đông, để đi đến một lập trường chung về cách thức giải quyết những căng thẳng tại đây. Về phần mình, quyền Ngoại trưởng  Sihasak Phuangketkeow cho biết: “Chúng tôi thực sự quan ngại với tình hình hiện nay. Chúng tôi muốn thấy các bên tích cực thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, tăng cường hợp tác bất cứ khi nào có thể, đồng thời cần có hành động kiềm chế. Trước đó hôm 15/7, Ngoại trưởng Philippines Albert Rosario đã có chuyến thăm Jakarta và gặp người đồng cấp Marty Natalegawa. Về vấn đề Biển Đông, hai ngoại trưởng khẳng định cam kết cùng nhau thực thi DOC và hướng đến việc sớm hoàn tất COC giúp giảm bớt căng thẳng ở Biển Đông.

+ Mỹ:

Mỹ hoan nghênh Trung Quốc di dời giàn khoan Hải Dương-981. Trong cuộc họp báo ngày 16/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết Washington hoan nghênh việc Trung Quốc di dời giàn khoan HD-981, đồng thời nhấn mạnh “Vụ việc càng nêu bật yêu cầu các bên yêu sách phải làm rõ các tuyên bố chủ quyền của mình theo luật pháp quốc tế nhằm đạt được nhận thức chung về cách hành xử và các hành vi thích hợp tại các khu vực tranh chấp.” Bà Psaki cho biết Mỹ mong muốn vấn đề tranh chấp này được giải quyết bằng con đường ngoại giao và Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông phải là văn kiện định hướng cho vấn đề này. Mỹ ủng hộ các bên liên quan “đóng băng” các hành động khiêu khích đơn phương.

Quan hệ các nước

Việt Nam - Singapore tiến hành tham vấn chính trị lần thứ 8. Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh dẫn đầu đoàn đại biểu Bộ Ngoại giao Việt Nam tiến hành Tham vấn Chính trị lần thứ 8 và giao lưu lần thứ tư với Bộ Ngoại giao Singapore trong hai ngày 10-11/7. Tại cuộc Tham vấn Chính trị, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp, tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng - an ninh và các lĩnh vực khác. Hai bên cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình phức tạp hiện nay ở Biển Đông và một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và DOC, trong đó có các nguyên tắc về thực hiện kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, nỗ lực để sớm đạt COC.

Mỹ-Trung nhất trí giải quyết bất đồng gia tăng. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 14/7 đã nhất trí giải quyết mang tính xây dựng những bất đồng đang ngày càng gia tăng giữa hai nước trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở khu vực Thái Bình Dương. Cuộc điện đàm này diễn ra sau khi quan chức cấp cao hai nước đã kết thúc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ thường niên tại thủ đô Bắc Kinh hồi tuần trước.Trong cuộc đối thoại, hai bên đã tỏ ra bất đồng về cách thức giải quyết những căng thẳng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, song Nhà Trắng khẳng định rằng "cuộc đối thoại đã đạt được tiến bộ quan trọng".

Họp Tham khảo Chính trị Việt Nam-Thái Lan lần thứ 4. Ngày 17/7, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã cùng Quyền Bộ trưởng, Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow đồng chủ trì cuộc họp Tham khảo Chính trị thường niên lần thứ 4 tại Bangkok, Thái Lan. Hai bên nhất trí xem xét Chương trình công tác cho thời gian tới để triển khai vào thời điểm thích hợp các chuyến thăm cấp cao; cũng như thúc đẩy các cơ chế hợp tác song phương. Trao đổi về Biển Đông, hai bên chia sẻ quan ngại về tình hình phức tạp; đề cao vai trò và các nguyên tắc của ASEAN như đã được khẳng định tại Tuyên bố 6 điểm và Tuyên bố ngày 10/5/2014 của ASEAN về vấn đề Biển Đông; nhất trí cùng các nước ASEAN khác tăng cường trao đổi để thực thi đầy đủ DOC; nỗ lực thúc đẩy để sớm đạt được COC; xây dựng lòng tin; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Phân tích và đánh giá

“Những lý lẽ biện hộ vụng về cho đường 10 đoạn của Trung Quốc” của Nguyễn Lan Anh. Vào ngày 23/6/2014, Nhà xuất bản Vũ Hán đã xuất bản bản đồ Trung Quốc khổ dọc. Nằm ở trung tâm bản đồ này là "đường lưỡi bò" bao trọn phần lớn Biển Đông và được gia tăng số đoạn từ 9 lên 10. Để biện minh cho bản đồ mới này, Wang Junming, giáo sư về luật quốc tế và hàng hải tại Trường Đảng của Trung Quốc đã đưa ra những lập luận thiếu lô-gích, đi ngược lại các quy định của luật quốc tế trong đó có Luật Biển quốc tế hiện hành, để bảo vệ cho cái gọi là “quyền chủ quyền và quyền đánh cá truyền thống” của Trung Quốc tại Biển Đông. Trong lập luận đầu tiên, giáo sư Wang cho rằng, Trung Quốc có quyền nhóm toàn bộ các thực thể tại Hoàng Sa của Việt Nam lại để vẽ đường cơ sở thẳng cho cả quần đảo, và từ đường cơ sở phi lý này, Trung Quốc có quyền yêu sách các vùng biển cho Hoàng Sa. Lập luận của ông Wang có nhiều điểm thiếu cơ sở pháp lý. Thứ nhất, Việt Nam có đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa. Vào năm 1956, Trung Quốc đã lợi dụng bối cảnh Pháp rút khỏi Đông Dương để chiếm nhóm đảo phía Đông của Hoàng Sa. Vào năm 1974, Trung Quốc một lần nữa sử dụng vũ lực để chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và duy trì sự chiếm đóng bất hợp pháp từ đó cho tới nay. Thứ hai, nếu không tính đến vấn đề chủ quyền, đường cơ sở hiện nay Trung Quốc áp dụng tại Hoàng Sa cũng không phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế. Theo quy định của UNCLOS 1982, chỉ các quốc gia quần đảo, tức là các quốc gia có lãnh thổ tạo thành chỉ bởi quần đảo, mới có quyền xác định đường cơ sở quần đảo từ việc nối các thực thể nhô ra xa nhất của các quần đảo. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều là các quốc gia lục địa, vì vậy, không thể áp dụng phương pháp đường cơ sở quần đảo đối với Hoàng Sa. Trung Quốc trên thực tế đang áp dụng phương pháp đường cơ sở quần đảo tại Hoàng Sa nhưng giáo sư Wang đã cố tình hay vô ý tạo ra sự “nhầm lẫn” về khái niệm khi lập luận về đường cơ sở thẳng để biện minh cho việc áp dụng đường cơ sở phi pháp của Trung Quốc tại Hoàng Sa. Lập luận thứ hai, giáo sư Wang một lần nữa áp dụng tùy tiện quy định về quyền đánh cá truyền thống, quy định mà UNCLOS 1982 chỉ áp dụng rất hạn chế cho vùng nước quần đảo, nhằm đòi hỏi quyền đánh cá truyền thống cho Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển trên Biển Đông. Đây là sự lạm dụng các quy định pháp luật vì UNCLOS 1982 không hề thừa nhận quyền đánh cá truyền thống cho một quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia khác. Quyền đánh cá truyền thống theo quy định của UNCLOS 1982 chỉ áp dụng đối với quốc gia quần đảo. Khi trao cho các quốc gia quần đảo một quy chế đặc biệt với quyền xác định đường cơ sở quần đảo và chủ quyền đối với vùng nước quần đảo nằm bên trong đường cơ sở đó, Công ước đồng thời áp đặt nghĩa vụ cho các quốc gia quần đảo phải tôn trọng quyền đánh cá truyền thống hoặc các quyền hợp pháp khác của các quốc gia láng giềng trong vùng nước quần đảo nếu các quyền này đã tồn tại dựa trên các thỏa thuận từ trước khi Công ước có hiệu lực. Như vậy, nếu Trung Quốc cho rằng mình có quyền đánh cá truyền thống, theo quy định của UNCLOS 1982, Trung Quốc chỉ có thể yêu sách quyền này trong vùng nước quần đảo của hai quốc gia quần đảo “láng giềng” là Philippines và cùng lắm là In-đô-nê-xi-a. Trung Quốc không thể tùy tiện yêu sách quyền đánh cá truyền thống tại bất kỳ vùng biển nào tại Biển Đông nếu vùng biển đó thuộc vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển, bởi vì đơn giản là theo UNCLOS 1982, quyền đánh cá truyền thống không tồn tại trong vùng đặc quyền kinh tế. Cố tình áp dụng những khái niệm và quy định không có liên quan của UNCLOS 1982 cũng không thể tạo ra cơ sở pháp lý để biện minh cho "đường lưỡi bò". Việc xuất bản bản đồ mới trong đó thể hiện "đường lưỡi bò" ở vị trí trung tâm với ký hiệu như biên giới quốc gia và đưa ra những lý lẽ biện hộ một cách vụng về chỉ càng làm cho thế giới nhận rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông bằng mọi giá nhằm hiện thực hóa Chiến lược trở thành cường quốc biển vào thế kỷ thứ 21 của Trung Quốc. Động thái mới này cũng cho thấy, Trung Quốc đã sẵn sàng bất chấp và xuyên tạc luật pháp quốc tế để hiện thực hóa giấc mộng của mình.

“Mỹ - Trung và những toan tính chiến lược” Trên Thái Bình dương, hai cuộc tập trận do Mỹ dẫn đầu đang cùng diễn ra với ý nghĩa hoàn toàn trái ngược. Một tượng trưng cho hy vọng Trung Quốc trỗi dậy hòa bình; và một là sự đề phòng, là kế hoạch B nếu mọi thứ đi trệch hướng. Về phía đông, ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Hawaii, các tàu Trung Quốc đang tham gia cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC do Mỹ tổ chức. RIMPAC 2014, kết thúc vào ngày 1/8, là cuộc tập trận hải quân đa quốc gia lớn nhất thế giới và đây là lần đầu tiên Trung Quốc góp mặt. Về phía tây, cách nơi diễn ra RIMPAC hơn 8.000 km, cuộc tập trận Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển (CARAT) ở ngoài khơi quốc đảo Philippines lại phát đi một thông điệp rất khác biệt. Các binh sĩ Mỹ và Philippines đã tham gia các bài tập bắn đạn thật ở ngoài khơi vịnh Subic, nơi từng là căn cứ hải quân lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài. Mỗi biện pháp quân sự sẽ làm phát sinh một biện pháp quân sự để đối phó, cứ thế trong vòng xoáy bất tận. Các chuyên gia quan hệ quốc tế gọi đây là sự "bế tắc an ninh". Đó cũng chính là tình trạng Mỹ và Trung Quốc đang vướng phải. Để đạt được điều này, Trung Quốc đang tích lũy nhiều vũ khí tinh vi, như tên lửa dẫn đường có độ chính xác cao và có thể nhắm tới các căn cứ cùng tàu của Mỹ trong khu vực, tàu ngầm siêu êm, khả năng tác chiến qua mạng cũng như trong không gian. Trong khi đó, Mỹ không thể chấp nhận được cảm giác bị đẩy ra khỏi cuộc chơi. Do đó, Washington đang tăng cường các kế hoạch có thể được sử dụng để đối phó với nỗ lực của Trung Quốc. Một trong số này, được gọi là khái niệm Chiến tranh Hải - Không, cho phép tấn công tàn phá các mục tiêu ở ngay giai đoạn đầu chiến sự để loại bỏ hệ thống phóng tên lửa, trung tâm chỉ huy và kiểm soát. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cho biết Chiến tranh Hải - Không không nhằm đến một quốc gia cụ thể nào cả. Và mọi thứ sẽ tiếp diễn như vậy. Đối với các chiến lược gia quân sự hai bên, đó chỉ là những bước nhảy ngắn từ các kịch bản như trên tới một cuộc chiến tranh hạt nhân thực sự. Cuộc tranh đua cực kỳ nguy hiểm này không bao giờ được chính thức nói ra. Mỹ cố hết sức để tránh mô tả Trung Quốc như một mối đe dọa về quân sự, mà muốn Trung Quốc đảm nhận vai trò lớn hơn và "có trách nhiệm' trong các vấn đề toàn cầu. Còn Trung Quốc, về mặt lý thuyết, vẫn hoan nghênh sự hiện diện của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Chuẩn đô đốc Hải quân Mỹ Mark C. Montgomery phát biểu tuần trước trên hàng không mẫu hạm USS George Washington cho rằng mối quan hệ quân sự với Trung Quốc trong những năm qua được cải thiện một cách "khiêm tốn". Sự lạc quan nhưng thận trọng này đã được ông Daniel Russel, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương phản ảnh trong phiên điều trần của Quốc hội Mỹ vài ngày trước đó. Ông Russel bác bỏ quan điểm cho rằng Mỹ và Trung Quốc đang trong một cuộc Chiến tranh Lạnh và kết thúc trong một cuộc xung đột, “Các nhà lãnh đạo hai bên có đầy đủ nhận thức về nguy cơ đối đầu chiến lược không mong muốn giữa một thế lực mới nổi và một thế lực sẵn có." Có thể là như vậy. Cái nguy hiểm của sự tích tụ quyền lực là nó có vòng đời và logic riêng của nó. Hy vọng hòa bình có thể đang tăng ở Hawaii nhưng tiếng súng tập trận từ Vịnh Subic dội lại lại thể hiện một thực tế đáng lo ngại.

“Chiếc hộp Pandora nguy hiểm tại Biển Đông” của Andrew Erickson Austin Strange. Gần đây, Trung Quốc đang tiến hành một dự án cải tạo lớn trên bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Tại đây, họ đã tiến hành nạo vét đáy biển và sau đó đưa xuống các đường ống dẫn và xà lan. Không chỉ vậy, Trung Quốc cũng xây dựng trạm thông tin liên lạc, các trạm ra-đa, lắp đặt các thiết bị thông tin liên lạc vệ tinh… trên đảo Gạc Ma. Trên thực tế, các hoạt động xây dựng của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở  Gạc Ma, mà còn được thực hiện với quy mô nhỏ hơn ở những nơi khác thuộc quần đảo Trường Sa. Việc Trung Quốc xây dựng các công trình quy mô lớn ở Trường Sa sẽ có những tác động ra sao? Một số nhà quan sát quốc tế tin rằng hành động của Trung Quốc là nhằm  yêu sách vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý đối với các điểm được cải tạo. Tuy nhiên, điều này khó có thể trở thành hiện thực bởi điều 60 của UNCLOS 1982 quy định rõ ràng các cấu trúc xây dựng nhân tạo không mang lại quy chế đảo và sự tồn tại của các công trình này không ảnh hưởng tới việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Tuy nhiên, nhiều khả năng, hoạt động cải tạo này sẽ giúp Trung Quốc hỗ trợ các cơ sở hạ tầng dân sự, quân sự cố định và đa dạng hóa chiến lược yêu sách chủ quyền ở Trường Sa. Mối quan ngại khác đối với hành động của Trung Quốc đó là việc thay đổi hiện trạng trên Biển Đông có thể thúc đẩy Trung Quốc công bố một hoặc nhiều hơn Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Tuy nhiên, nếu đó là mục tiêu tham vọng của Trung Quốc, thì có rất nhiều lý do để nước này nên kiềm chế. Thứ nhất, động thái này sẽ "chọc giận" nhiều nước láng giềng và các nước thành viên ASEAN, điều có thể khiến Trung Quốc phải trả cái giá đắt hơn so với việc gây hấn với một mình Nhật Bản (với việc thiết lập ADIZ tại Biển Hoa Đông vào năm ngoái). Thứ hai, việc tuyên bố ADIZ trên toàn bộ vùng yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông có thể buộc Trung Quốc lần đầu tiên phải xác định các tọa độ địa lý chính xác của “Đường lưỡi bò”, hoặc ít nhất cũng phải đưa ra những giải thích rõ ràng hơn. Trung Quốc cũng sẽ phải chịu nhiều áp lực hơn trước đòi hỏi phải nói rõ những cơ sở cho những yêu sách của mình mà nước này vẫn từ chối đưa ra, có lẽ cũng vì chẳng có cơ sở pháp lý nào phù hợp để giải thích cho những yêu sách này. Ngoài ra, việc tuyên bố ADIZ sẽ phơi bày khả năng hạn chế của Bắc Kinh trong việc giám sát phần cực Nam trong yêu sách của mình, nơi vượt xa tầm với của hệ thống ra-đa và sân bay lớn của Trung Quốc trong đất liền. Cuối cùng, cũng là điều gây tranh cãi và đáng lo ngại nhất đó là dù ban đầu Trung Quốc có thể không muốn bật nắp “chiếc hộp Pandora”, nhưng hoạt động xây dựng quy mô lớn của Trung Quốc ở Biển Đông có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang ở vùng biển vốn sẵn tính nhạy cảm này. Trước nguy cơ bất ổn ở khu vực, cộng đồng quốc tế  phải xem xét các tác động của việc Trung Quốc xây dựng các đảo theo Luật Hàng hải quốc tế. Chiến lược của Bắc Kinh dù là nhằm tăng cường một phần sự hiện diện của mình hay thúc đẩy các yêu sách đều có thể gây ra những hệ lụy khó lường. Việc này có nguy cơ làm suy yếu vai trò điều tiết của các chuẩn mực và thỏa thuận quốc tế đang có hiện nay như Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.

“Hãy trả lại bình yên cho Biển Đông” của Đại sứ Phạm Sanh Châu. Ngày 28/6/2014, Đại sứ Trung Quốc tại Liên minh Châu Âu, ông Dương Yến Di đã có bài viết trên tờ New Europe về vụ “giàn khoan” ở Biển Đông và về luật pháp quốc tế liên quan để giải quyết tranh chấp. Trong đó, Đại sứ Dương đã cố biện hộ cho hành động hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc bằng hai luận điểm: Trung Quốc có “chủ quyền không thể chối cãi” đối với quần đảo “Tây Sa” và “vùng nước không có tranh chấp của quần đảo Tây Sa.” Với tất cả sự tôn trọng, tôi xin khẳng định cả hai lập luận trên của Đại sứ Dương đều sai sự thật. Thứ nhất, theo quy định của luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, việc các cá nhân khai phá một vùng lãnh thổ là chưa đủ để hình thành quyền sở hữu của một quốc gia đối với lãnh thổ đó. Ngay cả việc phát hiện lãnh thổ trên danh nghĩa quốc gia cũng chỉ tạo ra “danh nghĩa chủ quyền ban đầu” (inchoate title), muốn thiết lập chủ quyền với vùng lãnh thổ này, chính quốc gia đó cần có những hành động chiếm hữu, quản lý liên tục và hiệu quả. Cái gọi là quần đảo Tây Sa thực chất là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (tiếng Anh là Paracels) đã được Nhà nước Việt Nam quan tâm, nỗ lực xác lập và thực thi chủ quyền ít nhất là từ thế kỷ 17. Điều này được ghi rõ trong các tài liệu lịch sử chính thức của Việt Nam và của các quốc gia khác. Đại sứ Dương có thể tham khảo bộ sưu tập bản đồ trong cuốn Bản đồ Thế giới (World Atlases) của nhà địa lý nổi tiếng người Bỉ Philippe Vandermaelen, trong đó ấn bản năm 1827 đã thể hiện rất rõ Hoàng Sa thuộc đế chế An Nam (Việt Nam) trong phần bản đồ về Nam Kỳ (Cochinchine). Thứ hai, bài viết của Đại sứ Dương có đề cập rằng trước năm 1974, Việt Nam chưa bao giờ chất vấn về “chủ quyền của Trung Quốc” đối với Hoàng Sa, và các tuyên bố chính thức của Việt Nam đều công nhận Hoàng Sa là một phần của lãnh thổ Trung Quốc. Điều này là hoàn toàn vô căn cứ và là sự cố tình hiểu sai lịch sử. Tại Hội nghị San Francisco năm 1951, Trưởng đoàn Việt Nam, Thủ tướng quốc gia Việt Nam Cộng hòa lúc đó Trần Văn Hữu đã tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp phải sự phản đối của bất kỳ quốc gia nào. Trong khi đó, đề xuất của Liên Xô đề nghị công nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với hai quần đảo này đã bị 46 trên 51 nước tham gia hội nghị bác bỏ. Ba năm sau đó, Hiệp định Geneva 1954 về Đông Dương được ký kết đã ghi nhận toàn bộ lãnh thổ Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở xuống, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa, giao cho Việt Nam Cộng hòa quản lý, và điều này được duy trì cho tới khi đất nước Việt Nam thống nhất vào năm 1975. Thứ ba, Đại sứ Dương đã sai khi cáo buộc Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế và gây tổn hại đến an toàn, tự do hàng hải trong khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan. Chính Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan thăm dò dầu khí và triển khai lực lượng bảo vệ giàn khoan gồm cả tàu quân sự như tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh, tàu săn ngầm, tàu đổ bộ và nhiều máy bay chiến đấu. Hành động này đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Việt Nam cũng như sự quan ngại từ các nước trên thế giới. Để chứng minh cho thế giới thấy Trung Quốc có thiện chí muốn “trả lại bình yên” ở Biển Đông và để minh chứng cho việc làm của Trung Quốc luôn đi đôi với lời nói, Trung Quốc cần chấm dứt ngay các hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước láng giềng, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982. Trung Quốc cần không bao giờ tái diễn việc hạ đặt giàn khoan và đưa lực lượng hộ tống vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Các công ty dầu khí nước ngoài sẽ tiếp tục hiện diện ở Biển Đông” Các lãnh đạo của Talisman Energy Inc, một trong những tập đoàn dầu khí lớn nhất Canada đang rất hào hứng về triển vọng đầy hứa hẹn của dự án dầu khí ngoài khơi bờ biển của Việt Nam, và hiện đang tăng tốc để thực hiện hai giếng khoan thăm dò trong năm nay. Dù vậy, có một vấn đề đó là, nếu tiếp tục dự án khoan thăm dò, Talisman có thể sẽ gặp khó khăn với Trung Quốc, nước tuyên bố cũng sở hữu một vài trong số các lô thăm dò này. Từ nhiều năm qua, việc tiếp cận tiềm năng phong phú của Biển Đông đã khiến nhiều công ty dầu khí toàn cầu bị cuốn vào cuộc tranh cãi, giữa Việt Nam và Trung Quốc về việc nước nào sở hữu nguồn tài nguyên này. Đến nay, các công ty rơi vào hoàn cảnh này có Exxon Mobil, Chevron, ConocoPhillips và BP. Cả Talisman cũng như công ty Harvest Natural Resources tại Mỹ, vốn đã được cấp phép khoan thăm dò tại một khu vực các khu vực điểm nóng, đều chưa bắt đầu công việc của mình. Quy mô của thị trường năng lượng Trung Quốc và sự lớn mạnh không ngừng trên phạm vi toàn cầu của các công ty của nước này đem đến cho Bắc Kinh sức mạnh rất lớn trong việc gây áp lực lên các công ty dầu khí quốc tế. Dù vậy, vẫn có những công ty không hề e ngại. Năm 2009, tập đoàn Exxon đã giành được quyền thăm dò trên một diện tích hơn 52.000 km2 ngoài khơi bờ biển Việt Nam, trong một khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển, cho dù Trung Quốc cũng đã phản đối. Và “đại gia” dầu khí của Mỹ, cùng với đối tác là tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam - Petro Việt Nam, đã khoan thành công hai giếng trong các năm 2011 và 2012 trên Biển Đông. Tháng 3 vừa qua, Exxon khẳng định có thể khoan thêm một giếng nữa trong năm nay. Murphy Oil Corp có trụ sở tại Arkansas, Mỹ, vốn không có hoạt động nào tại Trung Quốc, cũng đã khẳng định sẽ tiếp tục hoạt động thăm dò trên vùng biển ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Chevron, một công ty của Mỹ khác từng bỏ dở một dự án năm 2006 trên vùng Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam sau khi bị Trung Quốc dọa nạt, nay đang theo đuổi một dự án khoan thăm dò tại Việt Nam trên một vùng biển khác. Dự án mà họ bỏ dở năm 2006 giờ đang được một công ty dầu mỏ của Ý là Eni ENI SpA ký thỏa thuận hợp tác khai thác – chia sẻ sản phẩm với Petro Việt Nam./.