I. Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông. Cục Quản lý Ngư nghiệp Trung Quốc thông báo trong thời gian hai tháng rưỡi (từ ngày 16/5 đến 1/8), Trung Quốc sẽ cấm đánh cá ở khu vực phía bắc Biển Đông. Lệnh cấm được áp dụng tại các khu vực ở 12 độ vĩ Bắc, bao gồm cả bãi cạn Scarborough. Lý lẽ của Cục Quản lý Ngư nghiệp Trung Quốc là nhằm bảo vệ hệ sinh thái biển và nguồn tài nguyên biển. Theo thông báo, Trung Quốc sẽ tịch thu tàu thuyền, số cá đánh bắt được và thiết bị đánh bắt của các ngư dân vi phạm. Riêng ngư dân Trung Quốc sẽ bị phạt 50.000 nhân dân tệ và bị thu hồi giấy phép đánh bắt cá.

Trung Quốc ‘cấm đánh bắt là việc bình thường’.Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 14/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định lệnh cấm đánh bắt mà nước này áp đặt trên Biển Đông là ‘một biện pháp quản lý hành chánh đã được áp dụng trong nhiều năm’. Ông Hồng bác bỏ có sự liên hệ giữa lệnh đánh bắt này với cuộc căng thẳng hiện nay giữa Trung Quốc với Philippines tại bãi cạn Scarborough, đồng thời nhấn mạnh: “Trung Quốc yêu cầu Philippines nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc và kiềm chế không có hành động mở rộng và làm phức tạp thêm tình hình.”

Trung Quốc đưa tàu cần trục lớn ra biển Đông. Tổng Công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) ngày 15/5 thông báo sẽ đưa một tàu cần trục mới đóng ra Biển Đông để tiến hành các hoạt động lắp đặt đường ống ở vùng nước sâu. Theo Tổng Giám đốc CNOOC Dương Hoa, tàu cần trục CNOOC-201 có thể lắp 3.000m ống dưới nước và cẩu được 4.000 tấn. CNOOC-201 sẽ thực hiện hoạt động lắp ống thí điểm ở Biển Đông và chính thức đặt đường ống ở vùng nước sâu tại mỏ khí đốt Lệ Loan 3-1 (Liwan3-1) ở lưu vực cửa Châu Giang phía đông Biển Đông.

Đới Bỉnh Quốc ‘Philippines ăn hiếp Trung Quốc.’ Trong bài phát biểu tại Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc sáng 15/5, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bình Quốc nói rằng: “Trung Quốc là một nước lớn lại đang trong quá trình phát triển nên phải biết khiêm nhường, không làm các nước khác cảm thấy bị đe dọa. Khiêm nhường, thận trọng không có nghĩa là sự yếu đuối. Nước nhỏ cũng không được ăn hiếp nước lớn, Philippines là một ví dụ.”

Trung Quốc kêu gọi Philippines ‘phát đi những thông điệp rõ ràng, nhất quán.’Ngày 17/5, tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết Trung Quốc đã chú ý động thái tích cực, coi trọng quan hệ song phương của Philippines, hy vọng Philippines phát đi thông điệp rõ ràng và thống nhất về giải quyết ngoại giao vụ việc Scarborough.

Trung Quốc đặt tình trạng báo động cao ở bãi cạn Scarborough. Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 18/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tiếp tục khẳng định, "đảo Hoàng Nham (Scarborough) là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ vẫn được đặt trong tình trạng báo động cao ở khu vực đảo Hoàng Nham nhằm ngăn chặn bất kỳ hành động khiêu khích nào xảy ra. Chúng tôi cũng hy vọng, phía Philippines sẽ chấm dứt ngay những phát biểu vô trách nhiệm và những hành động cực đoan, quay trở lại con đường đúng đắn là tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho vấn đề.”

Trung Quốc nên ‘cảnh giác với tham vọng của Việt Nam.Trong khuôn khổ mục ‘Focus Today’ ngày 14/5, chương trình bình luận thời sự 30 phút phát hằng ngày trên kênh tiếng Anh CCTV4, các phân tích gia Trung Quốc đã bình luận về việc Việt Nam xây dựng sức mạnh hải quân để đối đầu với Trung Quốc trong tranh chấp ở quần đảo Trường Sa. Theo Mạnh Tường Thanh, giáo sư tại Học viện Quốc phòng quốc gia, Việt Nam đang chuyển trọng tâm xây dựng sức mạnh quân sự từ bộ binh sang hải quân kể từ khi bước sang thế kỷ mới. Trong khi đó Dương Khê Ngư, nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu quốc tế đánh giá: ‘Việc Việt Nam đặt mục tiêu tăng cường lực lượng hải quân là để ‘giành lấy Trường Sa trước năm 2050.’

“Tòa án Quốc tế không phải là giải pháp cho căng thẳng tại biển Đông.” Cựu Đại sứ Philippines tại Hy Lạp trên trang mạng Philippine Daily Inquirer đã có bài báo nhận định Tổng thống và các quan chức Philippines đang muốn cho thế giới thấy việc Trung Quốc từ chối giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án Quốc tế theo Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS). Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là khi thông qua Hiệp ước UNCLOS năm 1984, Manila đã tuyên bố rõ hiệp ước này không áp dụng đối với các tranh chấp chủ quyền của PLP. Theo học giả Yi Ping, Khoa Luật trường Đại học Bắc Kinh, đầu năm 2006, chính phủ Trung Quốc đã đệ trình tuyên bố gửi LHQ trong đó nói rõ Trung Quốc không chấp nhận tòa án quốc tế “như đã được viết trong mục 2, phần XV của UNCLOS về tranh chấp liên quan tới phân định biển, lãnh thổ và các hoạt động quân sự. Tại thời điểm đó, Trung Quốc đã khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với đảo Hoàng Nham tại biển Đông. Điều này có nghĩa nếu Philippines có đưa vụ việc này ra ITLOS thì Trung Quốc cũng không có nghĩa vụ phải tham gia phiên tòa.

Việt Nam xây dựng “Hạm đội Biển Đông”. Mới đây, Việt Nam đưa ra kế hoạch xây dựng “Hạm đội Biển Đông”, một “hạm đội hiện đại hóa có sức chiến đấu trong khu vực”, nhằm tranh giành quyền khống chế Trường Sa với hạm đội hàng không mẫu hạm của Trung Quốc. Việt Nam coi đây là một phần quan trọng trong chính sách “kiềm chế Trung Quốc.” Để thực hiện mục tiêu này, Hải quân Việt Nam tập trung tăng cường năng lực tác chiến tổng hợp chứ không phải chỉ tập trung vào phần trang bị. Ngoài tầu ngầm và tầu hộ vệ, Việt Nam còn nỗ lực phát triển tầu tuần tra, tầu tên lửa và hệ thông tên lửa bảo vệ bờ biển cơ động. Hải quân Việt Nam cho rằng khi đối diện với hạm đội Trung Quốc trên biển, “Hạm đội Biển Đông” không phải là không có cơ hội, “thậm chí nếu không tranh chấp được quyền khống chế trên biển thì cũng có khả năng gây tổn thất lớn cho hải quân Trung Quốc.”[1]

“Chiến lược phi đối xứng của Philippines là suy nghĩ chủ quan” của Tô Khiết, Giáo sư Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quản lý xung đột Học viện Ngoại Giao Trung Quốc. Có ý kiến học giả Philippines cho rằng Trung Quốc đang có nhiều khó khăn như phải tập trung giải quyết mất cân bằng trong phát triển, giữ ổn định xã hội, sức ép từ sự quay lại châu Á của Mỹ… do đó kiến nghị Philippines có thể vận dụng chiến lược không đối xứng đối phó với Trung Quốc. Tư duy này rõ ràng đã ảnh hưởng đến chiến lược Biển Đông của Chính phủ Philippines, họ muốn hình thành ưu thế trên biển cục bộ tại vùng biển đảo Hoàng Nham, dùng biện pháp phi đối xứng về vũ lực để phá hỏng khả năng của Trung Quốc tại Biển Đông, sau khi xảy ra xung đột lại tiếp tục quấy nhiễu, kéo dài thời gian để chờ sự thay đổi. Philippines cần từ bỏ chiến lược này, làm một thành viên ASEAN có trách nhiệm.[2]

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông.Việc Trung Quốc đơn phương thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm cho tình hình Biển Đông phức tạp thêm. Việt Nam phản đối quyết định đơn phương này của Trung Quốc và coi quyết định này là không có giá trị.

Hội nghề cá Việt Nam phản đối cấm đánh cá ở biển Đông. Theo Hội nghề cá Việt Nam, lệnh cấm đánh bắt cá do Trung Quốc ban hành tại khu vực biển Đông có những khu vực biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việc làm trên của phía Trung Quốc đã lặp lại nhiều lần trong nhiều năm, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, khai thác đánh bắt cá và đời sống của ngư dân, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Việt Nam tiếp nhận lô máy bay Su-30MK2 mới. Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport và công ty sản xuất máy bay Sukhoi của Nga vừa bàn giao 3 chiến đấu cơ đời mới Su-30MK2 cho Việt Nam. Su-30MK2 là máy bay tiêm kích tầm xa, có thể hoạt động trên biển trong mọi điều kiện thời tiết và thường được so sánh với loại máy bay F15-E do Mỹ sản xuất. Nó có thể mang đến 8 tấn vũ khí, bao gồm tên lửa đối không và đối hạm, Su-30MK2 dễ dàng chiếm ưu thế trên không và tấn công nhanh mọi mục tiêu trên đất liền và trên biển.

Việt Nam thành lập 2 trung đội dân quân biển. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa vừa thành lập 2 trung đội dân quân biển tại phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang và phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa. Đây là 2 phường có số lượng lớn tàu thuyền đánh bắt xa bờ trên vùng biển Trường Sa. Việc thành lập 2 trung đội dân quân biển nhằm bảo vệ trật tự an toàn trên biển và thực hiện chủ trương vươn ra biển để khai thác nguồn tài nguyên làm giàu cho đất nước, kết hợp với việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

+ Phi-líp-pin:

Philippines bác bỏ lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm 14/5 tuyên bố không công nhận lệnh cấm đánh cá trong vòng hai tháng rưỡi do Trung Quốc đơn phương áp đặt, “Chúng tôi không công nhận lệnh cấm đánh bắt này bởi nó xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Tuy nhiên, tổng thống chúng tôi thấy rằng với việc sụt giảm nhanh chóng nguồn lợi thủy sản, chúng tôi cũng cần thiết ban hành lệnh cấm đánh bắt trong một thời gian để phục hồi đàn cá.”

Philippines ban hành lệnh cấm đánh bắt gần bãi cạn Scarborough. Ngày 16/5, nước này đã đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá kéo dài hai tháng gần khu vực bãi cạn tranh chấp với Trung Quốc sau khi tuyên bố không công nhận lệnh đánh bắt cá của Trung Quốc. Ông Asis Perez, Giám đốc Cục Ngư nghiệp và Tài nguyên nước Philippines, cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện mùa ngừng đánh bắt của riêng mình. Lệnh này được ban hành trên cơ sở các báo cáo cho biết có quá nhiều ngư dân trong khu vực, do đó cần phải đóng cửa một phần vùng biển để bãi cạn được yên tĩnh một thời gian."

Tổng thống Philippines ‘Trung-Phi tiến gần hơn đến việc giải quyết vụ đối đầu ở Scarborough.’Ngày 14/5, Tổng thống Benigno Aquino bày tỏ tin tưởng tình hình căng thẳng tại bãi Scarborough sẽ nhanh chóng được giải quyết, “Những cuộc thảo luận giữa Philippines và Trung Quốc chưa bao giờ chấm dứt và đang có hướng đi rõ hơn. Còn quá sớm để có thể nói tình hình hiện nay đã thực sự rõ ràng nhưng ít nhất hiện nay chúng tôi đang hướng tới gần hơn việc giải quyết tình hình thông qua các kênh ngoại giao.” Ông Aquino cũng hàm ý Philippines có thể không cần thiết đưa vụ việc lên Tòa án Quốc tế về Luật biển.

Philippines muốn chấm dứt thế đối đầu với Trung Quốc. Hôm 16/5, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuyên bố nước này hy vọng sẽ có một bước đột phá nhằm chấm dứt vụ đối đầu với Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough và hai bên sẽ khôi phục lại mối quan hệ bình thường. Ông Rosario bày tỏ lạc quan" hai bên cuối cùng sẽ tìm ra giải pháp cho vấn đề và nói rằng một số thông tin trên các phương tiện truyền thông về cái gọi là "Trung Quốc thi hành trừng phạt kinh tế đối với PLP" là "không chính xác."

Ngoại trưởng Philippines kêu gọi “lòng yêu nước” và “sẵn sàng hy sinh” của người dân. Trong bài phát biểu trước các doanh nhân của nước này tại thủ đô Manila hôm 16/5, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc không hề dễ dàng nhưng Philippines vẫn tiếp tục đứng lên và bảo vệ chủ quyền quốc gia tại bãi cạn Scarborough nói riêng và trên Biển Đông nói chung, “Chúng ta cần bảo vệ những gì thuộc về mình. Chúng ta luôn phải vững vàng và cần đoàn kết lại, phải giữ vừng lòng yêu nước và sẵn sàng hy sinh khi bị thử thách.”

Phó Tổng thống Philíppin “ngửa bài” cùng khai thác với Trung Quốc. Tại buổi tiếp người phụ trách trang web của Hoa kiều tại Philíppin, Phó Tổng thống Philippines Jejomar Binay bày tỏ cách nhìn nhận của mình về vấn đề bãi đá ngầm Scarborough cũng như quan hệ Trung-Phi, “Câu chuyện lãnh thổ 10 năm cũng không thể giải quyết được, biện pháp tốt nhất là Philíppin và Trung Quốc cùng khai thác lãnh thổ tranh chấp này theo phương thức 50/50, thúc đẩy quan hệ giữa hai chính phủ thông qua hợp tác nhiều phía trong nhân dân hai nước”. Ông Binay nói thêm: “Philíppin nhiều khoáng sản như vậy cũng cần tới đầu tư nước ngoài và đối tượng tốt nhất là Trung Quốc. Chúng tôi có thể giống như Ôxtrâylia, để Trung Quốc khai thác tuyệt đại đa số mỏ khoáng sản.”[3]

Manila đưa tranh chấp Biển Đông ra cuộc họp Asean-Mỹ. Theo Bộ Ngoại giao Philippine, cuộc họp giữa Asean và Mỹ dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 22/5 tới. Các nước tham dự sẽ “trao đổi quan điểm về những diễn biến khu vực và quốc tế hiện nay”. Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách chính sách của Philippine - Erlinda Basilio và Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương của Mỹ - Kurt Campbell sẽ chủ trì cuộc họp nói trên. Philippine có kế hoạch đưa tranh chấp hiện nay ở Biển Đông với Trung Quốc ra bàn thảo ở hội nghị này. Tuy nhiên, điều này sẽ nằm trong khuôn  khổ lợi ích và sự quan tâm của Mỹ, như tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á.

Người biểu tình Philippines sẽ ra thăm bãi cạn Scarborough. Ngày 17/5, một nhóm 6 người dẫn đầu là ông Nicanor Faeldon, cựu đại tá lực lượng thủy đánh bộ Philippines, thông báo về kế hoạch đi thuyền ra bãi cạn tranh chấp với Trung Quốc. Theo phát ngôn viên của Nicanor Faeldon, “Họ muốn biểu tình phản đối sự xâm chiếm của Trung Quốc đối với đất nước. Dự kiến sẽ ở lại đó trong ít nhất 3 ngày và câu cá, nếu không bị cấm làm vậy. Ngoài ra, họ cũng đang xem xét về việc cắm cờ Philippines lên bãi cạn.”

Người biểu tình Philippines hủy chuyến đi thăm bãi cạn Scarborough. Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã yêu cầu người biểu tình hủy bỏ kế hoạch đi thăm bãi cạn Scarborough vào hôm 18/5. Lãnh đạo nhóm người biểu tình Nicanor Faeldon cho biết, “Tôi đã nhận được cuộc gọi của Tổng thống, yêu cầu hủy bỏ chuyến đi này…Tôi đã tham khảo với nhóm và chúng tôi nhất trí tôn trọng sự sáng suốt của chính phủ và hủy kế hoạch.”

Philippines dự định mua hai phi đội chiến đấu cơ.Tổng thống Philippines Benigno Aquino ngày 16/5 tuyên bố nước này sẽ chi 1,6 tỉ USD để mua các loại máy bay quân sự, “Chúng tôi đủ khả năng mua máy bay quân sự hoàn toàn mới nhưng không phải do Mỹ sản xuất. Chúng tôi sẽ chi từ 400 - 800 triệu USD cho một phi đội máy bay và dự kiến sẽ mua hai phi đội máy bay mới.” Nhưng ông Aquino từ chối tiết lộ thông tin Philippines sẽ mua loại máy bay do nước nào sản xuất.

+ Ma-lai-xi-a:

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia ‘Không cần sự can thiệp quân sự trong tranh chấp Biển Đông’Ông Ahmad Zahid Hamidi cho biết vấn đề có thể được giải quyết giữa bộ ngoại giao của các nước liên quan trong cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng ASEAN tại thủ đô Campuchia vào ngày 27 tháng 5, “Tôi hy vọng các quốc gia có yêu sách chồng lấn như Malaysia, Brunei, Philippines, Việt Nam và Thái lan sẽ đưa vấn đề này ra như một nghị trình trong cuộc họp bởi nó có thể được giải quyết, và chúng tôi không muốn những công hàm phản đối ngoại giao bởi điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ.”

+ Mỹ:

Thượng nghị sĩ McCain: Mỹ không có ý định kiềm chế Trung Quốc hay tạo chiến tranh lạnh với nước này. Phát biểu về các ưu tiên đối ngoại của Mỹ với châu Á tại CSIS ngày 14/5, TNS McCain khẳng định chính sách “tái cân bằng” chính sách đối ngoại với sự nhấn mạnh nhiều hơn đến Châu Á – Thái Bình Dương là đúng đắn. Châu Á đã thay đổi nhiều, nhưng mục tiêu của Mỹ không thay đổi, đó là khả năng ngăn chặn, và nếu cần thiết có thể dành ưu thế trong xung đột, bảo vệ đồng minh, mở rộng tự do thương mại và khu vực chung tự do. TNS McCain nêu một số thách thức mà Mỹ đang đối mặt trong đó có vấn đề Biển Đông, Mỹ trung lập trong vấn đề chủ quyền, nhưng tranh chấp Biển Đông động chạm sâu thẳm đến lợi ích của Mỹ ở châu Á. Mỹ phải ủng hộ các đối tác ASEAN như họ đã yêu cầu để họ có thể thực hiện được mục tiêu đại diện cho một mặt trận thống nhất và giải quyết một cách hòa bình các khác biệt theo kênh đa phương.

Tàu ngầm Mỹ ghé thăm cảng Philippines.Theo trung tá Omar Tonsay, phát ngôn viên Hải quân Philippines, tầu ngầm Mỹ USS North Carolina đã cập bên cảng Subic Freeport hôm 13/5 vừa qua theo một kế hoạch “tu bổ thường xuyên”, và sẽ rời đi vào ngày 19/05. USS Carolina là tàu ngầm thứ tư thuộc lớp Virginia - lớp mới nhất của hải quân Mỹ - chạy bằng năng lượng hạt nhân, được thiết kế để hoạt động tàng hình, triển khai nhanh nhạy và có khả năng lặn lâu dài ở các vùng duyên hải cũng như sâu dưới đáy đại dương.

+ Nhật Bản:

Nhật sắp cung cấp 10 tàu tuần tra cho Philippines. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin mới đây cho biết quốc đảo Đông Nam Á sắp nhận 10 tàu tuần tra của Nhật Bản để trang bị cho Lực lượng Bảo vệ Bờ Biển (PCG), tuy nhiên ông từ chối cung cấp thêm chi tiết, “Tôi biết rằng Nhật Bản có một lời đề nghị lâu dài. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển có các chi tiết cụ thể về việc mua các tàu này."

+ Úc:

Australia khẳng định lập trường về Biển Đông.Trong cuộc họp báo tại Thượng Hải hôm 12/5, ngoại trưởng Australia Bob Carr tuyên bố: “Chúng tôi không chọn bên trong những tranh chấp khác nhau ở Biển Đông. Nhưng căn cứ vào những lợi ích ở Biển Đông cùng với thực tế rằng, một lượng lớn các hoạt động thương mại của chúng tôi đi qua khu vực này, chúng tôi kêu gọi các bên liên quan làm sáng tỏ và theo đuổi các tuyên bố đó gắn liền với các quyền hàng hải phải phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.”

II. Quan hệ các nước

Hoa Kỳ thảo luận về an ninh với ASEAN. Mỹ và các quốc gia Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) hôm 20/5 đã bắt đầu cuộc thảo luận kéo dài 3 ngày tại Manila về việc hợp tác trên lĩnh vực an ninh. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines và sứ quán Mỹ cho biết nhiều nhân vật quan trọng và các quan chức cao cấp của Mỹ cũng như các nước ASEAN sẽ tham dự hội nghị. Các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào vấn đề an ninh, hiện tượng thay đổi khí hậu và hợp tác đầu tư.

Ngoại trưởng Úc thăm Trung Quốc.Ngày 11/5, Ngoại trưởng Australia Bob Carr bắt đầu thăm Trung Quốc, chuyến thăm đầu tiên đến Đông Bắc Á trên cương vị Ngoại trưởng. Năm 2012, Australia và Trung Quốc kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Theo Ngoại trưởng Carr, trong bối cảnh quan hệ Australia-Trung Quốc giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ, chuyến thăm sẽ tập trung tăng cường quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực mà hai bên cùng có lợi ích.

Philippines cử đặc phái viên đến Trung Quốc. Trong thư bổ nhiệm, Tổng thống Philippines Benigno Aquino giao nhiệm vụ cho cựu quan chức ngành ngân hàng Cesar Zalamea và doanh nhân người Philippines gốc Hoa Domingo Lee thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai chính phủ, đồng thời hỗ trợ các chuyến công tác đến Trung Quốc của quan chức Philippines. Trong sáu tháng nhiệm kỳ của mình, cả hai đặc phái viên còn phải tích cực “thuyết phục càng nhiều du khách Trung Quốc chọn Philippines là điểm đến chính để thư giãn và nghỉ ngơi.”

III. Phân tích và đánh giá

“Trung Quốc và chính sách “cây gậy nhỏ” ở Biển Đông” của David Lague. Mặc dù cho đến nay Bắc Kinh vẫn giữ lực lượng hải quân đứng ngoài vụ tranh chấp bãi cạn Scarborough, song Philippines, cũng như hầu hết các nước khác trong khu vực, thừa hiểu họ sẽ bị “nhấn chìm” trước sức mạnh quân sự của Trung Quốc, nếu xảy ra chiến tranh. Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh dùng đến vũ lực, gần như chắc chắn các nước tuyên bố chủ quyền khác trên Biển Đông tự động sẽ được đẩy xích lại gần nhau hơn. Hơn nữa, những nước này, cùng với Philippines, đều là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), hiệp hội đang hướng tới xây dựng cộng đồng chung kiểu EU, trong đó có cả phối hợp an ninh. Theo các chuyên gia an ninh, chắc chắn Trung Quốc sẽ vẫn gửi thông điệp mạnh mẽ bằng các tàu tuần tra dân sự trong khi giữ hỏa lực chính của mình trong “dự phòng”. “Các tàu bán quân sự sẽ dễ khẳng định chủ quyền hơn, ít gây leo thang tới xung đột vũ trang hơn”,  Christian Le Miere, nhà nghiên cứu an ninh biển tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế tại London cho biết. “Nó cho phép xảy ra các sự kiện và các vụ việc dễ kiềm chế hơn.”

"Philippines nhượng bộ, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng." Trung Quốc đang sử dụng các tàu thuyền dân sự thuộc lực lượng Hải giám Trung Quốc và lực lượng Ngư chính. Chiến lược này đã “tận dụng” được sự yếu thế hơn của các cơ quan dân sự của Việt Nam (Cảnh sát biển) và của Philippines (lực lượng Phòng vệ duyên hải). Trung Quốc đang sử dụng “cách hiểu luật của riêng mình” để đạt được mục đích cuối cùng, là kiểm soát toàn bộ các nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Theo giáo sư Carlyle A. Thayer, học viện Quốc phòng Úc, “Đến nay Việt Nam đã có thể “chia thành ngăn” các tranh chấp trên Biển Đông từ mối quan hệ song phương với Trung Quốc. Nhưng Việt Nam cũng phải cảnh giác và thận trọng nếu Trung Quốc thành công trong việc “đe doạ” Philippines. Bất kỳ một sự nhượng bộ nào của Philippines cũng sẽ ảnh hưởng tới vị trí của Việt Nam trong thương lượng.”

“Bên trong tranh chấp Trung Quốc-Philippines ở Biển Đông.” Cá, dầu và chuối đều đóng một vai trò trong cuộc đụng độ mới nhất xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông – một vấn đề có thể tương tự như kiểu “Schleswig-Holstein Question” của thế kỷ 19. Biển Đông - vùng biển diễn ra chồng lấn tuyên bố chủ quyền nhiều nước, nơi hàng nghìn tỉ đô la ước tính cho trữ lượng dầu và khí đang hâm nóng và đun sôi nước biển trong thời gian qua với các cáo buộc bắt nạt giữa các bên tranh chấp chủ quyền và thậm chí là cả động thái ứng phó với chiến tranh. Sau nhiều tuần căng thẳng trong khu vực - mà Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham còn Philippines gọi là bãi cạn Panatag, Trung Quốc đã tuyên bố bắt đầu lệnh cấm đánh cá kéo dài 10 tuần ở Biển Đông gồm cả khu vực đang tranh chấp. Dĩ nhiên, Trung Quốc nhấn mạnh lệnh cấm không liên quan gì tới vụ việc xảy ra. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã ngăn chặn việc nhập khẩu hơn một ngàn thùng chuối từ Philippines. Tính cả khía cạnh thương mại và quân sự thì Trung Quốc vẫn có ưu thế trong cuộc tranh chấp này.

Có thể phát triển một Tạm Ước cho cuộc khủng hoảng ở Biển Đông? Khi những lời lẽ quyết liệt gia tăng từ Manila, Bắc Kinh ngày càng thấy bản thân bị đẩy vào thế kẹt, không thể lùi bước vì sợ bị mất mặt, nhưng cũng không sẵn sàng bắt đầu một cuộc chiến. Có thể nói rằng, hơn bất cứ ai khác, Bắc Kinh mong muốn nhìn thấy các tranh chấp ở Biển Đông được giải quyết một cách hòa bình. Các diễn đàn quốc tế như ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) mang lại được một môi trường an toàn mà bất kỳ quốc gia có liên quan nào cũng có thể đề nghị một thoả ước tạm thời. Tất nhiên, một thách thức vẫn hiện hữu đối với tất cả các bên để có thể đi đến một sự đồng thuận về một tạm ước và thiết lập được một phương pháp đồng ý với nhau về việc thực thi một giải pháp như vậy. Chiến tranh không mang ích lợi gì cho bất cứ ai và kéo dài các tranh chấp cũng sẽ chẳng đạt được gì. Một bản tạm ước sẽ không phải là giải pháp cho các tranh chấp trong vùng Biển Đông, nhưng sẽ là một bước cần thiết đầu tiên trong việc tìm kiếm một giải pháp đúng.

“Mỹ đứng đâu trong cuộc đối đầu Trung Quốc-Philippines?” của Xiaoxiong Yi. Mỹ dường như đang phát đi tín hiệu phức tạp với châu Á. Một mặt, trấn an một trong những đồng minh thân cận nhất ở khu vực - Philippines - rằng họ sẵn sàng bảo vệ Philippines khỏi “bất kỳ vụ tấn công nào từ nước thứ ba”. Mặt khác, họ tuyên bố sẽ ở vị trí trung lập trong cuộc đối đầu Manila - Bắc Kinh ở Biển Đông - cuộc đối đầu có khả năng châm ngòi cho xung đột tại châu Á. Như vậy, Mỹ có chiến lược nào ở Biển Đông? Chiến lược của Mỹ có thể tổng quát như sau: Hy vọng điều tốt nhất nhưng chuẩn bị cho sự xấu nhất. Để làm được điều này, bước đầu tiên trong chiến lược Biển Đông của Mỹ là xây dựng các khả năng phòng thủ cho Philippines và những thành viên khác của ASEAN, giúp họ cải thiện khả năng tự bảo vệ bờ biển của mình. Mỹ cũng đang vươn xa hơn ngoài ASEAN và củng cố hệ thống liên minh với các nước chủ chốt khác trong khu vực như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Trong khi một cuộc đối đầu Trung - Mỹ ở Biển Đông chưa chắc xảy ra, thì chiến lược Biển Đông mới của Mỹ đòi hỏi sự cân bằng tinh tế. Vừa kiềm chế tham vọng lãnh thổ ngày một lớn của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng lại vừa tránh được cho Mỹ sự đối đầu trực tiếp với Trung Quốc.

“Philippines có lí do không sợ Trung Quốc?” của James R. Holmes. Trên thực tế, mọi thứ không diễn ra theo hướng “lớn nuốt bé”. Ngoại giao và chiến tranh đều là công cụ tương tác bình đẳng. Phía mạnh tự hào những lợi thế có thể làm thiên lệch cán cân cạnh tranh theo ý muốn. Tuy nhiên, bên yếu vẫn có những lựa chọn, Philippines là một điển hình. Nước này "từ chối bỏ phiếu" cho cách hành xử của Trung Quốc. Philippines có thể hy vọng cân bằng được với lợi thế của Trung Quốc, và họ có lí do để cố gắng. Chính Trung Quốc từng là phe tham chiến yếu thế hơn trong các cuộc đụng độ vũ trang từ Chiến tranh thuốc phiện thế kỷ 19. Quân đội Philippines là một lực lượng yếu ớt rất ít cơ hội chiến thắng trong một cuộc chiến gang thép, súng ống với Trung Quốc. Nhưng giống như những phe yếu thế trong quá khứ, Philippines có thể thực hiện việc khiếu nại về luật pháp, công lý và nhờ tới những sức mạnh bên ngoài mạnh mẽ có khả năng cân đối lại cán cân đang nghiêng. Đòi chủ quyền trên biển là một vấn đề lợi ích riêng đối với người Philippines nhưng đó cũng là vấn đề danh dự. Bắc Kinh không thể trông đợi Manila chỉ cân nhắc đến cán cân lực lượng, thừa nhận là họ đang vô vọng khi đối chọi với một lực lượng không cân sức và rút lui.

“Philippines đơn độc trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.” Trong cuộc đối đầu với Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã từng nói “Tất cả các nước khác chứ không chỉ có Philippines sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu chúng ta không có một lập trường.” Phản ứng, hay ít ra là phản ứng công khai, từ các quốc gia ASEAN xung quanh Biển Đông về lời kêu gọi của Manila về Biển Đông là yếu ớt. Ngoại lệ duy nhất là một tuyên bố bằng tiếng Việt do người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 25/4/2012 nêu rằng Việt Nam “hết sức quan tâm và lo ngại về tình hình tranh chấp bãi cạn Scarborough.” Đã đến lúc các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách Việt và Phi cần bàn thảo về một tuyên bố chung nhằm hỗ trợ nhau. Nếu phương án đàm phán bị bế tắc thì Philippines và Việt Nam có thể kêu gọi các bên khác trong tranh chấp cùng đồng ý đưa các câu hỏi phù hợp ra cho Tòa án Quốc tế về Luật Biển phân xử. Đi xa hơn, Philippines và  Việt Nam có thể đàm phán với nhau để xác định phạm vi của các vùng nước phụ thuộc Trường Sa và sau đó lên tiếng ủng hộ nhau một khi Trung Quốc cố gắng gia tăng áp lực lên hai nước này bên ngoài các phạm vi ấy.

"Mỹ sẽ đứng ngoài xung đột Trung Quốc và Philippines." Theo Giáo sư Ian J. Storey, chuyên viên cao cấp của Học viện Nghiên cứu Đông Nam Á,  Singapore, dù tình trạng căng thẳng tại khu vực bãi đá Scaborough đang ngày càng gia tăng, sẽ không có bất kì một cuộc đụng độ quân sự nào diễn ra giữa Trung Quốc và Philipines. Nếu Trung Quốc tiến hành bất cứ một hành động quân sự nào, đây sẽ là một hành động đi ngược lại chính sách đối ngoại trong khu vực của nước này. Điều này sẽ làm suy yếu luận điểm “phát triển hoà bình”, "trỗi dậy hòa bình" của nước này, gây tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh của Trung Quốc trong khu vực. Ông Storey cũng nhận định Mỹ sẽ không muốn “dính líu” đến cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Philippines bởi điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ Mỹ - Trung và bãi đá Scaborough không nằm trong khuôn khổ Hiệp ước đã kí và Mỹ sẽ không tham dự vào cuộc đua tranh tuyên bố chủ quyến tại đây.

“Cửu long khuấy biển” của David Pilling. Có chín con rồng đang làm “dậy sóng biển”. Đó là Cơ quan Thực thi Luật Hải quan, Bộ Tư lệnh Thi hành Luật Nghề cá, Cơ quan Quản lý An toàn Hàng hải, Cơ quan Hải giám Trung Quốc…“Trò chơi đa cấp đang diễn ra” – Michael Wesley, giám đốc điều hành Viện Chính sách Quốc tế Lowy nói. Ông cho rằng các cơ quan chồng chéo nhau này có động cơ để duy trì căng thẳng trên Biển Đông, nhằm mục đích thu hút tiền ngân sách. Stephanie Kleine-Ahlbrandt, một trong các tác giả của báo cáo ICG, cho biết “Mẹo của trò chơi này là tận dụng việc thi hành luật pháp để ra mặt trong cuộc tranh chấp có quy mô lớn hơn, đó là tranh chấp chủ quyền.” Bà cảnh báo, cuộc “chạy đua vũ trang” do các cơ quan quản lý biển này tiến hành thậm chí còn nguy hiểm hơn chạy đua vũ trang thật, bởi vì tàu của họ có thể được huy động dễ dàng hơn và họ có những quy định rất mù mờ về việc tham gia. Khi Đặng Tiểu Bình bảo Bắc Kinh phải che bớt ánh sáng đi, rõ ràng ông không nói tới những con mắt sáng rực của chín con rồng ở Trung Quốc.

Việt Nam đứng giữa Trung Quốc và Hoa KỳViệt Nam đang hướng tới việc làm cân bằng giữa hai đối tác quan trọng nhất, Trung Quốc và Hoa Kỳ – cả hai đều đóng vai trò quan trọng trong những tranh chấp Biển Đông. Trong bối cảnh Việt Nam dường như đã bị khóa chặt hơn về phía Trung Quốc trong những năm gần đây, cái gọi là chiến lược “trục” châu Á của Hoa Kỳ có vẻ như đã xuất hiện một cách tình cờ đối với Hà Nội. Với sự hỗ trợ đằng sau từ phía Mỹ, Việt Nam có thể chống lại một cách quyết liệt hơn đối với người hàng xóm khồng lồ phương Bắc. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ không thể táo bạo hơn Philippines. Hợp tác chiến lược của Việt Nam với Hoa Kỳ tế nhị hơn, và có lẽ Việt Nam muốn như thế, để có thể được xem là hành động một cách độc lập trong khi vẫn giữ các hướng mở với phía Trung Quốc. “Tốt hơn hết là có cả Hoa Kỳ và Trung Quốc ở vùng này, chứ không phải chỉ một nước chi phối tất cả”, giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc nói, “Việt Nam không muốn làm các mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc xấu đi, nhưng họ cũng không muốn nó quá tốt.”

“Làm cách nào để chiếm được ưu thế trong cuộc đối đầu với Trung Quốc?”của James Holmes. Các nước lớn thường tự hào về ưu thế vượt trội của họ khi đối đầu với các đối thủ nhỏ hơn. Tuy nhiên các nước nhỏ cũng có thể tìm cách trì hoãn cuộc đối đầu trong một khoảng thời gian nhất định, để từ đó có thể tìm cách mở ra các triển vọng chiến lược mới. Phía Phi-líp-pin đã thực hiện những gì mà một nước nhỏ cần phải làm. Chính phủ của ông Aquino đã tuân thủ luật pháp quốc tế trong khi cũng kêu gọi sự giúp đỡ từ các nước đồng minh. Ngoài việc yêu cầu Bắc Kinh đưa cuộc tranh cãi lên toà án Luật Biển quốc tế, nước này cũng yêu cầu sự trợ giúp của Mỹ dựa vào Hiệp ước quốc phòng chung đã ký giữa hai bên vào năm 1951. Khi sự bế tắc với một đối thủ hoàn toàn không xứng tầm kéo dài mà không được giải quyết, đối thủ lớn hơn sẽ ngày càng quyết liệt trong việc tìm cách đe dọa đồng thời cũng thiếu quyết đoán trong việc quyết định chính sách – kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra trên phương diện quyền lực chính trị. Cho dù về mặt quân sự, Trung Quốc có thể làm những gì mà nước này muốn tại bãi cạn Scarborough, thì cuộc tranh cãi ngày có vẻ như đang dần khiến cho Bắc Kinh trở thành một kẻ thất bại về mặt chính trị.

Bản PDF tại đây

 


[1] Theo Mạng Phượng Hoàng HK ngày 13/5

[2] Theo Thời báo Hoàn cầu ngày 16/5

[3] Mạng tin Bình luận Trung Quốc ngày 14/5