Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc khẳng định nhiều quốc gia ủng hộ lập trường của mình. Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 14/6, Người phát ngôn Lục Khảng cho biết: “Trong những năm gần đây, có một số quốc gia gây căng thẳng trong khu vực, lấy cái gọi là “quy tắc bảo vệ” để phá hoại nguyên tắc và luật pháp quốc tế, thao túng dư luận. Trong bối cảnh đó, một số quốc gia quan tâm và hữu nghị với Trung Quốc đã tìm hiểu tình hình từ phía Trung Quốc. Sau khi làm rõ sự việc, không ít quốc gia đã sẵn sàng đứng ra để bênh vực lẽ phải, trong đó có Chính phủ Sierra Leone và Kenya và trước đó là hàng chục quốc gia khác. Trung Quốc đánh giá cao những sự hỗ trợ này. Một số nước nhân danh “cộng đồng quốc tế” để bôi xấu Trung Quốc cần nhận thấy thực tế này. Nói cách khác, sự thật không thể bị che mờ bởi hành động thao túng công luận và thế giới bao gồm nhiều nước chứ không phải chỉ là 7 hay 8 quốc gia”. Về việc ASEAN thu hồi tuyên bố chung sau khi đã phát cho báo giới, ông Lục hôm 15/6 cho hay: “Sau khi chính thức kiểm tra với phía ASEAN, chúng tôi nhận thấy cái gọi là tuyên bố chung không phải là văn kiện chính thức của ASEAN. Các nước liên quan cũng đã thông báo về việc rút lại cái gọi là tuyên bố chung đó. Tôi muốn nhấn mạnh rằng tất cả các nước bao gồm ASEAN có quyết định chính trị độc lập dựa trên những đánh giá cũng riêng họ. Không nước nào có thể gây áp lực buộc một nước phải làm việc gì.” Về việc hải quân bắt giữ một tàu cá Trung Quốc, Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh hôm 19/6 tuyên bố: “Vụ việc xảy ra ở vùng biển là ngư trường truyền thống của Trung Quốc mà Trung Quốc và Indonesia hiện có sự chồng lấn về quyền lợi biển. Trung Quốc thúc giục Indonesia ngừng các hành động làm phức tạp tranh chấp, giải quyết vấn đề nghề cá mang tính xây dựng.”

+ Philippines:

Tàu Trung Quốc ngăn nhóm người Philippines tiếp cận Bãi cạn Scarborough. Nhóm Kalayaan Atin Ito (Tự do là của chúng ta) gồm 15 người Philippines và 1 người Mỹ hôm 12/6 đã tìm cách tiếp cận bãi cạn Scarborough để cắm cờ Philippines ở đó. Tuy nhiên 2 tàu tuần duyên của Trung Quốc đã tìm cách ngăn họ lại. Người đứng đầu nhóm Kalayaan Atin Ito ông Joy Ban-eg nói: “Họ không cho chúng tôi tới gần Scaborough. 5 thành viên của nhóm sau đó đã quyết định bơi vào bãi cạn để cắm cờ Philippines và cờ Liên Hợp Quốc. Họ đã xua đuổi chúng tôi bằng hai tàu cao tốc, chặn đường, phun nước vào chúng tôi”. Cuối cùng, hai thành viên của nhóm đã bơi được vào được bãi đá và cắm quốc kỳ Philippines.

Philippines không đàm phán về tranh chấp biển với Trung Quốc trong 2 năm. Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario ngày 18/6 cho biết Tổng thống mới đắc cử Rodrigo Duterte đã đảm bảo trong vòng hai năm tới Philippines sẽ không tiến hành đàm phán song phương với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio cũng xác nhận nhóm công tác của Philippines về vụ kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài ở La-Hay cũng nhận được đảm bảo này từ ông Duterte. Tòa dự kiến sẽ đưa ra phán quyết vào hôm 7/7 tới.

+ Indonesia:

Indonesia thống nhất quan điểm chính thức về vấn đề Biển Đông. Sau cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Jokowi ngày 13/6, Bộ trưởng Bộ điều phối chính trị luật pháp và an ninh Indonesia Luhut Pandjiatan cho hay, các bộ liên quan trong Chính phủ Indonesia sẽ có cuộc họp thống nhất hình thành quan điểm chính thức của Chính phủ về tranh chấp ở Biển Đông. Theo chỉ thị của Tổng thống Jokowi, ông Luhut Pandjiatan cùng một số quan chức liên quan chuẩn bị đưa ra quan điểm rõ ràng, cương quyết hơn về vấn đề này, tránh tình trạng có sự đối lập giữa những phát ngôn của các cơ quan Chính phủ. Bên cạnh đó, Indonesia tiếp tục thúc đẩy việc thực thi toàn diện và hiệu quả DOC, đồng thời xây dựng Bộ quy tắc ứng xử.

Indonesia tuyên bố xử lý nghiêm tàu thuyền đánh cá trái phép. Ngày 14/6, Bộ trưởng Đại dương và Nghề cá Indonesia Susi Pudjiastuti tái khẳng định sự ủng hộ đối với chính sách của chính phủ nước này về xử lý nghiêm những tàu thuyền đánh cá bất hợp pháp và không cho phép các công ty nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp đánh cá địa phương. Các ngành đánh bắt cá được đưa vào danh mục đầu tư tiêu cực và chính phủ sẽ sớm kiểm tra nguồn vốn đầu tư nhận được bởi các nhà kinh doanh trong ngành nhằm đảm bảo các quy tắc được tuân thủ nghiêm ngặt. Theo Bộ trưởng Pudjiastuti, ngoài việc tránh thất thoát nguồn lợi từ biển, việc áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt về đánh bắt cá cũng nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học trong vùng biển Indonesia.

Indonesia bắt giữ tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông. Người phát ngôn Hải quân Indonesia Edi Sucipto ngày 18/6 cho biết một tàu Hải quân Indonesia đã bắt giữ một tàu Trung Quốc cùng bảy thuyền viên vì đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền của nước này. Theo ông Edi Sucipto, “Khi tàu chiến của chúng tôi tiếp cận, những tàu cá nước ngoài đã di chuyển tìm cách trốn thoát. Tàu chiến của Indonesia đã truy đuổi và bắn cảnh cáo, nhưng những tàu cá này đã lờ đi. Cuối cùng, sau một vài phát bắn cảnh cáo, một trong số 12 tàu cá nước ngoài đã bị chặn lại.”

+ Mỹ:

Hải quân Mỹ tiếp tục tăng cường sự hiện diện ở Thái Bình Dương. Ngày 14/6, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift cho biết Hải quân Mỹ sẽ sử dụng sức mạnh tổng hợp của cả hai Hạm đội 7 và Hạm đội 3 để đối phó với tình hình bất ổn đang gia tăng ở khu vực Châu Á. Với việc kết hợp này, Hải quân Mỹ sẽ có thể tăng cường sự hiện diện ở khu vực lên tới 140.000 thuỷ thủ, hơn 200 tàu chiến và 1.200 máy bay quân sự. Về tình hình khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, ông Swift cho rằng tình trạng chung ở cả Biển Đông và Biển Hoa Đông là sự bất ổn và quan ngại gia tăng do sự thiếu minh bạch trong hành động của các bên liên quan. Mỹ và Trung Quốc đã thiết lập những cơ chế đối thoại, song cần phải làm nhiều hơn nữa để tăng cường hiểu biết giữa hai nước. 

Mỹ triển khai máy bay tác chiến điện tử tới Philippines. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ ngày 16/6 thông báo triển khai 4 máy bay tác chiến điện tử E/A-18G Growler cùng 120 quân nhân đến căn cứ không quân Clark ở Philippines. Hải quân Mỹ tuyên bố lực lượng mới được triển khai sẽ huấn luyện các phi công quân sự Philippines và “hỗ trợ các hoạt động thường lệ nhằm bảo đảm quyền tiếp cận đối với vùng trời và vùng biển theo luật pháp quốc tế”. Trước đó, Mỹ đã triển khai 5 chiến đấu cơ A-10C Thunderbolt và 3 trực thăng HH-60G Pave Hawk cùng 200 quân nhân đến căn cứ Clark theo thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

Hai tàu sân bay Mỹ diễn tập ngoài khơi Philippines. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho hay các tàu sân bay USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan ngày 18/6 đã bắt đầu tiến hành diễn tập phòng không, trinh sát biển và tấn công tầm xa. Chuẩn đô đốc Mỹ Marcus Hitchcock, chỉ huy một nhóm tàu sân bay cho biết, “Không hải quân nước nào khác có thể tập trung nhiều sức mạnh như thế này trên một vùng biển... Điều đó thật sự ấn tượng”. Các cuộc tập trận của Mỹ có sự tham gia của trên 12.000 thủy thủ, 140 máy bay, 6 tàu chiến nhỏ và 2 tàu sân bay. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cho hay các cuộc tập trận nhằm thúc đẩy tự do hàng hải và tự do hàng không trong khu vực.

Quan hệ các nước

Việt Nam - Lào nhấn mạnh việc giải quyết hòa bình tranh chấp biển. Trong chuyến thăm cấp nhà nước tại CHDCND Lào, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachit sáng 12/6. Hai bên đã khẳng định phối hợp chặt chẽ nhằm củng cố đoàn kết ASEAN, nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn ở Biển Đông; nhất trí cùng các nước ASEAN thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; cùng các bên thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm đạt được COC nhằm giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Phó Thủ tướng: Việt - Trung cần kiểm soát tốt bất đồng trên Biển Đông. Nhân dịp dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội chợ Trung Quốc – Nam Á lần thứ 4 và Hội chợ Xuất nhập khẩu Côn Minh lần thứ 24 tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chiều 12/6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã hội kiến với Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương. Về vấn đề trên biển, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng bày tỏ lo ngại trước những diễn biến gần đây ở khu vực và Biển Đông, khẳng định hòa bình và ổn định là hết sức cần thiết cho hợp tác và phát triển ở khu vực. Phó Thủ tướng đề nghị hai bên cần có các hành động thiết thực để kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp ở Biển Đông; cùng nhau giữ gìn hòa bình, ổn định trên biển.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. Trong cuộc gặp hôm 13/6 với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhân dịp Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc tại thành phố Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã bày tỏ lo ngại của Việt Nam về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông vừa qua; đề nghị hai bên tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung quan trọng của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước về việc kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình; thúc đẩy các cơ chế đàm phán về các vấn đề trên biển đạt tiến triển; cùng ASEAN thực hiện hiệu quả DOC, sớm xây dựng COC, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.

Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc. Hội nghị diễn ra hôm 14/6, dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan, tập trung thảo luận hai nội dung chính là quan hệ ASEAN-Trung Quốc và vấn đề Biển Đông. Các Bộ trưởng đã thảo luận phương hướng và biện pháp tiếp tục thúc đẩy hợp tác hai bên trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và hợp tác phát triển. Tại Hội nghị, các nước ASEAN đã đồng thuận nhất trí về nội dung Tuyên bố báo chí của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. Trong đó có đoạn, “Về Biển Đông, chúng tôi đã trao đổi thẳng thắn với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị về những diễn biến gần đây trên thực địa. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong việc triển khai tất cả các hoạt động, kể cả việc bồi đắp, có thể làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và ghi nhận tiến trình và các bước tham vấn mới nhằm thúc đẩy sớm thông qua COC, bao gồm thông qua các cuộc họp thường xuyên cấp SOM và Nhóm Công tác ASEAN-Trung Quốc về thực hiện DOC.”

Phân tích và đánh giá

Trung Quốc mới là kẻ thua cuộc trong vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Côn Minhcủa Prashanth Parameswaran

Mc dù tại Hội nghị Bộ trương Ngoại giao đặc biệt ASEAN – Trung Quốc vừa qua, Trung Quốc đã một lần nữa thành công trong việc ngăn cản ASEAN ra tuyên bố chung, tuy nhiên trên thực tế về tổng thể, Trung Quốc mới là kẻ thua cuộc, thể hiện qua hai điểm chính sau:

Thứ nhất, các mục tiêu quan trọng của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông đã không đạt được. Trung Quốc nêu ra 3 quan điểm: (i) Trung Quốc và ASEAN có đủ khả năng để tự giải quyết vấn đề Biển Đông; (ii) Vấn đề Biển Đông chỉ là một vấn đề trong tổng thể mối quan hệ đối thoại thành công cao giữa Trung Quốc và ASEAN; (iii) Vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề giữa ASEAN và Trung Quốc mà là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và các nước liên quan.

Đáng tiếc là cách làm “sau lưng” của Trung Quốc đã khiến cả 3 quan điểm này của Trung Quốc không đứng vững. 

Về quan điểm thứ nhất, có thể thấy với việc ASEAN không ra được tuyên bố chung đã thể hiện rõ ASEAN và Trung Quốc chưa thể cùng nhau giải quyết vấn đề nếu Trung Quốc tiếp tục can dự vào sự đoàn kết của tổ chức này. Thay vì cùng nhau ra tuyên bố chung với ASEAN, trong đó mỗi bên đưa ra quan điểm của mình thì Trung Quốc lại lựa chọn việc phá hoại khả năng đưa ra lập trường riêng của mình. Có thể thấy mặc dù Trung Quốc lớn tiếng nói hợp tác “cùng thắng”, cách tiếp cận của Trung Quốc lại là “thắng-thua” khiến các cuộc giao tiếp ngoại giao bị thất bại.

Về quan điểm thứ hai, Trung Quốc cũng đã không thể ngăn vấn đề Biển Đông trở thành vấn đề nổi bật trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc. Thực chất, Hội nghị lần này là nỗ lực để ASEAN tìm cách giải quyết vấn đề Biển Đông. Văn kiện ban đầu của Hội nghị mặc dù không được công bố nhưng đã đưa ra thông điệp “khá mạnh” đối với Bắc Kinh. Bản văn kiện có hai phần, trong đó phần 2 tập trung hầu như toàn bộ vào vấn đề Biển Đông.

Về quan điểm thứ ba, thực tế diễn ra là vấn đề Biển Đông đã trở thành chủ đề chính của các hội nghị giữa ASEAN và Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc không thể nói rằng đây chỉ là vấn đề giữa Trung Quốc và một số nước liên quan.

Thứ hai, hành động của Trung Quốc đã khiến ngày càng nhiều nước ASEAN lên tiếng, trong đó đáng chú ý là cả những nước từng “im lặng” như Indonesia hay không có tranh chấp như Singapore. Đáng chú ý, với tư cách điều phối viên quan hệ ASEAN – Trung Quốc, Singapore đã tự đưa ra thông cáo báo chí riêng, trong đó có 8 trong 13 dòng của bản thông cáo tập trung vào những quan ngại mà ASEAN muốn gửi tới Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Đồng thời, bất chấp sức ép từ Bắc Kinh muốn Indonesia “im tiếng”, quốc gia này đã ra tuyên bố riêng, khẳng định hòa bình và ổn định sẽ khó mà đạt được nếu không có sự tôn trọng luật quốc tế. Tóm lại, có thể thấy, bất chấp trò chơi “chia rẽ” của Trung Quốc, hầu hết các nước ASEAN hiện đều thể hiện sự quan ngại ở mức độ cao chưa từng có và Trung Quốc không thể ngăn cản các nước ASEAN này đưa ra thông điệp của mình.

Động thái của các nước trong vụ kiện Philippines-Trung Quốc ở Biển Đông” của Jerome A. Cohen

Căng thẳng quốc tế đang gia tăng nhanh chóng khi ngày Tòa trọng tài (PAC) đưa ra phán quyết đang cận kề. Có tin đồn rằng, bằng việc lôi kéo nhiều chính thể và các nước nhỏ hơn không có lợi ích tại Biển Đông ủng hộ lập trường của mình, Trung Quốc có thể sẽ tìm cách bác bỏ quyết định của PCA bằng đa số phiếu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hoặc một số diễn đàn quốc tế khác.

Philippines đã làm một việc tuyệt vời là nộp yêu sách của mình lên PCA được triệu tập phù hợp với UNCLOS. Chính phủ của ông Duterte sẽ tận dụng như thế nào việc quyết định của Tòa để có thể giúp Philippines có được thế mặc cả tốt hơn trong việc nối lại các cuộc đàm phán vốn đã không thành công với Trung Quốc? Thậm chí gần đây có dấu hiệu cho thấy, ông Duterte có thể sẽ mềm mỏng hơn trong lập trường để đổi lại sự hỗ trợ kinh tế của Trung quốc.

Trong khi đó, chính quyền vừa mãn nhiệm Đài Loan của ông Mã Anh Cửu đã tìm cách thuyết phục thế giới và PCA rằng đảo Ba Bình, đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa xứng đáng được hưởng EEZ 200 hải lý. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, khác với Bắc Kinh, Đài Bắc không tìm cách hạ uy tín của quy trình tố tụng và thành viên PCA. Ngược lại, Đài Loan có ý trách cứ rằng, hòn đảo này đã bị từ chối cơ hội được tham gia quá trình tố tụng do không phải là một đại diện tại Liên Hợp Quốc. Mặc dù vậy, Đài Loan đã tìm cách tác động tới quyết định của Tòa Trọng tài bằng việc nộp một bản tường trình do Hội luật quốc tế Đài Loan chuẩn bị. Chính quyền mới Đài Loan của bà Thái Anh Văn sẽ thay đổi quan điểm của chính quyền Mã Anh Cửu trong vấn đề Biển Đông ở mức độ nào?

Mỹ, ngày càng ý thức được tầm quan trọng của phán quyết sắp tới của Tòa, đã không còn là người chứng kiến thụ động. Chính quyền của ông Obama đã thể hiện sự dứt khoát qua những hoạt động hải quân hiếm khi được công khai và các hành động ngoại giao mạnh mẽ. Mỹ gây sức ép chưa từng có, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, nhằm buộc Bắc Kinh phải tuân thủ phán quyết của Tòa.

Lo lắng sẽ bị cả cộng đồng quốc tế lên án, Trung Quốc buộc phải tìm kiếm sự ủng hộ từ Mozambique, Slovenia, Burundi và nhiều nước yếu, xa xôi khác. Nga, gần đây bị mất uy tín do từ chối chấp nhận quyền tài phán của một PCA khác về Luật Biển, đã tuyên bố trung lập trong vấn đề Biển Đông. Sau khi thua trong vụ tranh chấp với Hà Lan về vụ bắt giữ tàu và thủ thủ đoàn của tổ chức Hòa bình Xanh, Nga đã tìm cách giữ thể diện bằng cách tuân thủ hầu hết các quyết định của tòa trong khi không công nhận quyền tài phán của Tòa. Về phần mình, sau khi thua Bangladesh trong vụ kiện vịnh Bengal năm 2014, Ấn Độ đã cho thấy hình ảnh một nước lớn có thể chấp nhận phán quyết của các trọng tài độc lập. Sau phán quyết của Tòa, Trung Quốc và Philippines có thể sẽ nối lại các cuộc đàm phán và giải quyết vấn đề bằng cách tính đến phán quyết của Tòa mà không cần chính thức đề cập đến nó. “Thể diện” đương nhiên là quan trọng. Nhưng với những gì mà Bắc Kinh đang tuyên truyền, họ sẽ khó khăn hơn trong việc giữ thể diện.

 Vấn đề Biển Đông: Trung Quốc sẵn sàng trả giácủa Christopher Bodeen và Jim Gomez

Bắc Kinh dường như đã sẵn sàng chấp nhận cái giá phải trả đối với danh tiếng của mình bởi tin rằng phán quyết của tòa, dù có thế nào, thì cũng không ảnh hưởng tới yêu sách của mình.

Phản ứng của Trung Quốc

Bất chấp sức ép từ Mỹ và các nước khác, Trung Quốc cương quyết không thừa nhận thẩm quyền xét xử vụ kiện này của PCA. Trong nhiều tháng qua, các quan chức Trung Quốc, truyền thông nhà nước và các quan chức quân đội cấp cao đã duy trì giọng điệu công kích gay gắt về việc Philippines theo đuổi vụ kiện này, gọi đây là hành động bất hợp pháp và một “vở kịch chính trị”. 

Phát biểu trước báo giới ở Bắc Kinh hồi đầu tháng 6/2016, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói: “Việc Philippines đơn phương kiện đơn thuần chỉ là một âm mưu chính trị của một bên nhằm sỉ nhục bên khác và đây sẽ bị coi là vụ kiện đáng hổ thẹn trong lịch sử luật pháp quốc tế”.

Nguy cơ đối với ảnh hưởng và vị thế trong khu vực 

Nhằm giành lấy sự ủng hộ của thế giới, cả Trung Quốc và Mỹ đã tập hợp các nước bè bạn để hậu thuẫn quan điểm của họ. Tuy nhiên, ngoại trừ Nga, các nước ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh chủ yếu là những nước nhỏ ngoài khu vực và có rất ít ảnh hưởng trong tranh chấp này.

Trung Quốc gần đây đã tỏ thái độ kiềm chế hơn qua việc không đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền hoặc cương quyết đánh bật quân đội các nước khác khỏi những hòn đảo mà Bắc Kinh đòi chủ quyền. Đó có thể là nỗ lực nhằm khôi phục lòng tin vào lời kêu gọi của Trung Quốc về việc thực thi DOC.

Đằng sau quan điểm của Bắc Kinh

Trung Quốc khăng khăng rằng tranh chấp ở Biển Đông nên được giải quyết thông qua đàm phán song phương giữa nước này và các bên cũng có tuyên bố chủ quyền. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, nhu cầu sở hữu các tài nguyên và tham vọng nhanh chóng hiện đại hóa Quân Giải phóng Nhân dân về mặt chiến lược là những nhân tố khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có quan điểm cứng rắn.

Giới chỉ trích Trung Quốc cho rằng việc Hội thẩm đoàn ở The Hague được lãnh đạo bởi một cựu quan chức tới từ Nhật Bản - cựu thù của Trung Quốc - khiến quá trình xét xử càng mang tính “nhạo báng” hơn. Thêm vào đó, trong cái mà Trung Quốc coi là chiến dịch không ngừng của Mỹ nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của họ, các quan chức Bắc Kinh nhận thấy có âm mưu của Mỹ đằng sau vụ kiện này.

Ảnh hưởng từ phán quyết của PCA 

Cho dù kết quả phán quyết như thế nào đi chăng nữa, việc Trung Quốc từ chối hợp tác với PCA sẽ ảnh hưởng xấu đến các nỗ lực nhằm tăng cường hiệu quả của các cơ chế trọng tài quốc tế. Hành động không chấp nhận PCA của Trung Quốc cũng làm suy yếu UNCLOS, bởi nó khiến các bên khác không muốn tuân thủ các quy định quốc tế.

Vai trò chủ tịch ASEAN của Lào: Chính sách ngoại giao cân bằng tinh tế?” của Samuel Glickstein

Tranh chấp Biển Đông khiến Mỹ, Trung, Nhật và thậm chí cả Việt Nam đều muốn dẫn dắt ASEAN đi theo hướng mình muốn, chính điều này là một trong những thách thức đối với Lào khi mà vừa phải duy trì quan hệ với các nước lớn, vừa phải cân bằng những lợi ích và yêu sách khác nhau trong nội bộ ASEAN. Rơi vào tình thế khó khăn, Lào áp dụng phương án hai quỹ đạo trên ngoại giao, một mặt tích cực mời các bên tham dự các hội nghị, mặt khác lựa chọn những vấn đề không quá nóng để các nước thảo luận.

Việt Nam muốn tăng cường quan hệ song phương với Lào. Lào tuy là đồng minh truyền thống của Việt Nam, nhưng việc Trung Quốc cung cấp khoản cho vay lãi suất cao cho Lào khiến tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nước này trên lĩnh vực tiền tệ ngân hàng ngày càng tăng. Việt Nam tuy không quá kỳ vọng Lào sẽ ủng hộ lập trường của mình trên Biển Đông, nhưng cũng không muốn Lào ủng hộ lập trường của Trung Quốc.

Trung Quốc là nước đầu tư lớn nhất của Lào, những ảnh hưởng về kinh tế đã lan sang ảnh hưởng về chính trị, Bắc Kinh muốn Lào ủng hộ lập trường của mình trên Biển Đông.

Mỹ, Nhật cũng tăng cường hoạt động ngoại giao với Lào. Hai nước này mong muốn Lào phát huy vai trò lãnh đạo, đưa vấn đề Biển Đông trở thành vấn đề thảo luận chính tại các cuộc họp thượng đỉnh ASEAN trong năm nay, ra sức thuyết phục Lào cùng các nước ASEAN khác ra Tuyên bố chung về Vụ kiện Philippines.

Về phía Lào, nước này không muốn làm phật lòng Trung Quốc và Việt Nam, lại cũng muốn tăng cường quan hệ với các quốc gia khác. Do vậy, Lào thường tích cực mời các bên tham dự hội nghị nhưng cố gắng tránh đưa những vấn đề có tranh chấp lên bàn nghị sự. Sách lược này thể hiện rõ trong phản hồi của Lào trước phát biểu của Ngoại trưởng Vương Nghị vào tháng 4 vừa qua. Theo đó Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh ‘chuyến thăm Brunei, Campuchia, Lào làm nhằm mục đích trao đổi về tình hình Biển Đông và các bên đã đạt nhận thức chung’. Trước phát biểu này, Lào một mặt không thừa nhận cũng không phủ định. Ngay sau khi Vương Nghị kết thúc chuyến thăm, Tổng bí thư mới của Lào đã thăm ngay Việt Nam, đạt một loạt nhận thức chung về hợp tác với Việt Nam.

Mặt khác, Lào dùng biện pháp ‘xoay chuyển chủ đề’ để hóa giải những khó khăn trong ngoại giao, với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN, khẩu hiệu mà Lào đưa ra là ‘xây dựng cộng đồng chung ASEAN đầy sức sống- biến tầm nhìn thành hành động’, tập trung ưu tiên các vấn đề nghị sự tại các cuộc họp ASEAN năm nay như thu hẹp khoảng cách giữa các nước nhỏ trong ASEAN, thúc đẩy thương mại và bảo tồn di sản văn hóa Đông Nam Á. Sách lược này của Lào có thể gặp phải thách thức khi vụ kiện có phán quyết cuối cùng, tuy nhiên Lào vẫn sẽ kiên trì thế cân bằng, cố gắng không đề cập và ủng hộ phán quyết này nhắm tránh làm Trung Quốc tức giận; ngoài ra có thể có ra Tuyên bố chung nhưng với những lời lẽ hết sức kiềm chế, cố gắng xoa dịu Việt Nam. Với sách lược này, Lào sẽ vẫn duy trì được vị thế của mình trong khu vực, đồng thời phát triển quan hệ ngoại giao với các nước Trung Quốc, Việt Nam, Mỹ và Nhật Bản.

Danh sách các nước ủng hộ Trung Quốc ở Biển Đông có thể là giả mạo” của Ryan Kilpatrick

Sự lên tiếng bất ngờ của Lesotho và các quốc gia nhỏ hơn nằm cách xa châu Á là sản phẩm của một chiến dịch vận động hành lang mà Trung Quốc thực hiện nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các nước trước khi PCA đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông.

Tuy nhiên, trái với sự mong đợi của Trung Quốc, chỉ 8 quốc gia trên thế giới lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh nhằm tẩy chay phán quyết của tòa, đó là các quốc gia: Afghanistan, Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu và Lesotho. Năm quốc gia có tên trong danh sách khoảng 60 nước mà Trung Quốc đưa ra đã thẳng thừng bác bỏ việc ủng hộ Bắc Kinh, trong đó có 2 thành viên thuộc liên minh châu Âu.

Đối với một nước mà từ lâu vẫn lớn tiếng chỉ trích Mỹ “quốc tế hóa” tranh chấp ở Biển Đông, cuộc vận động hành lang cho thấy những lo ngại ngày càng gia tăng tại Trung Quốc rằng phán quyết của PCA, mà có thể được thực thi thông qua sức ép quốc tế, có thể khiến Bắc Kinh bị cô lập. Kết quả không như mong đợi của chiến dịch cũng chứng tỏ những hạn chế về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, dù là đối với những quốc gia đang rất “khát” tiền đầu tư.

Trung Quốc không công bố danh sách chính thức, nhưng Bộ Ngoại giao nước này hồi tháng trước nói rằng có trên 40 nước và báo chí nhà nước hồi tuần này đưa ra con số gần 60. Bắc Kinh còn nói rằng nhiều quốc gia Ả-rập đã bày tỏ sự ủng hộ trong một “Tuyên bố Doha” tại một cuộc họp ở Qatar hồi tháng trước. Nhưng tuyên bố không được công khai, và cả giới chức Trung Quốc và Qatar cũng không thể đưa ra một bản copy. Một quan chức Trung Quốc thì thanh minh rằng văn bản đang được phiên dịch.

Nga, một cường quốc có tên trong danh sách của Trung Quốc, cũng nhất trí rằng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông không nên bị quốc tế tranh chấp, nhưng cũng không công khai ủng hộ Bắc Kinh trong vụ kiện. Nhiều quốc gia dường như không muốn công khai mâu thuẫn với Trung Quốc. Nhưng rốt cuộc, năng lực của Trung Quốc nhằm câu kéo một phản đề thuyết phục và lôi kéo các quốc gia khác vào đó sẽ cho thấy Bắc Kinh đang phải chịu sức ép ra sao.

Trong số các quốc gia lên tiếng tuyên bố không ủng hộ lập trường của Trung Quốc về vụ kiện Biển Đông có Ba Lan và Slovenia, hai quốc gia thành viên của EU, khối vốn ủng hộ tiến trình của vụ kiện. Bất ngờ nhất có lẽ là việc Trung Quốc gặp rắc rối trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của các quốc gia nhỏ hơn mà nước này cung cấp các khoản viện trợ và đầu tư lớn. Hồi tháng 4, Fiji đã bác bỏ một bài viết trên báo chí nhà nước của Trung Quốc rằng Fiji ủng hộ Bắc Kinh ở Biển Đông.

Và khi Trung Quốc thông báo hồi tháng 4 về một “sự đồng thuận quan trọng với Lào, Campuchia và Brunei về Biển Đông, ba nước này không hề đưa ra tuyên bố nào. Giới chức Lào và Brunei từ chối bình luận, trong khi một phát ngôn viên chính phủ Campuchia đã bác bỏ thông tin nói rằng nước này đã đi đến một thỏa thuận với Trung Quốc./.