Bản PDF tại đây

 

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc chi hàng tỷ USD để mở rộng Đá Chữ Thập. Theo báo chí Đài Loan, thời gian qua, Bắc Kinh đã nỗ lực tiến hành hoạt động cải tạo, bồi đắp trên 7 đảo thuộc Quần đảo Trường Sa. Chỉ riêng việc mở rộng Đá Chữ Thập thành “đảo” lớn nhất của Trường Sa đã tiêu tốn một khoản tiền khoảng hơn 73 t NDT (tương đương 11,5 t USD), chưa tính đến các tòa nhà và các thiết bị cố định khác xây dựng trên bãi đá này. Ngoài Đá Chữ Thập, Trung Quốc còn đang bồi đắp 6 bãi đá khác của Trường Sa: Đá Châu Viên, Đá Gạc Ma, Đá Tư Nghĩa, Đá Vành Khăn, Đá Gaven và Đá Xu Bi.

Trung Quốc bác bỏ chỉ trích của Philipppines về Biển Đông. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 15/4, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố “Những cáo buộc từ phía Philippines là không có căn cứ. Hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên các đảo, đá ở Biển Đông thuộc chủ quyền của Trung Quốc, không ảnh hưởng hay nhắm đến bất kỳ quốc gia nào cũng không đe dọa an ninh của các tuyến đường biển quốc tế và ngư trường.” Theo ông Hồng, “Từ những năm 70 của thế kỷ trước, Philippines đã xâm chiếm bằng vũ lực một số thực thể ở Trường Sa. Đây là cốt lõi và nguyên nhân tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines tại Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi Philippines tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc.”

Trung Quốc biện bạch hoạt động cải tạo đất ở Biển Đông. Về tuyên bố chung của ngoại trưởng nhóm nước G7 phản đối hoạt động cải tạo đất, làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 17/4 tuyên bố: “Hoạt động xây dựng và tu sửa ở một số đảo, đá ở Trường Sa là nhằm tối ưu hóa chức năng của các thực thể này, cải thiện đời sống và điều kiện làm việc của binh lính Trung Quốc cư trú tại đây. Tình hình nhìn chung là ổn định, Trung Quốc hy vọng các bên liên quan tôn trọng nỗ lực của các nước trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực.”

Giàn khoan Hải Dương 981 đi qua Biển Đông. Theo tờ Interfaxenergy ngày 16/4, giàn khoan Hải Dương 981 đã hoàn thành tác nghiệp ở Vịnh Bengal và bắt đầu lên đường về nước vào ngày 6/4. Vùng biển mà giàn khoan Hải Dương 981 tác nghiệp có độ sâu 1.732 mét và giàn khoan này đã khoan tới độ sâu 5.030 mét.

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối Trung Quốc mở rộng các bãi đá ở Trường Sa. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình hôm 16/4 nêu rõ: “Về việc này, Việt Nam đã nhiều lần can thiệp với phía Trung Quốc, kể cả ở cấp cao. Một lần nữa chúng tôi tuyên bố, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hành động xây dựng mở rộng của nước ngoài ở các đảo đá thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam là hoàn toàn phi pháp và vô giá trị.” 

+ Philippines:

Philippines cáo buộc Trung Quốc tàn phá môi trường ở Biển Đông. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 13/4, Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Philippines Charles Jose cho hay việc Trung Quốc cải tạo đất các thực thể tranh chấp ở Biển Đông đã phá hủy 120 hecta san hô, gây thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 100 triệu USD mỗi năm cho các quốc gia ven biển, “Các hoạt động cải tạo ồ ạt của Trung Quốc đang gây thiệt hại to lớn và không thể phục  hồi  đối với sự đa dạng sinh thái và cân bằng sinh học của Biển Đông.” Ông Jose cũng cáo buộc hành động đơn phương của Trung Quốc “không đếm xỉa gì đến đời sống của người dân các nước láng giềng vốn dựa vào vùng biển này để mưu sinh từ nhiều thế hệ qua. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hành động cải tạo đảo và lưu ý về trách nhiệm của mình là một bên tranh chấp và một thành viên quan trọng của cộng đồng quốc tế.”

Tổng thống Philippines cảnh báo về hành động trên biển của Trung Quốc. Trả lời một cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng tin AFP tại Dinh Tổng thống hôm 14/4, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho hay các hành động ngày một hung hăng của Bắc Kinh đang đe dọa các tuyến giao thương biển quốc tế và các ngư trường ở  Biển Đông, “Liệu điều đó có gây ra sự lo ngại? Có, tôi cho rằng nó đang gây ra lo ngại đối với phần còn lại của thế giới.” Tổng thống Aquino cho biết ông không tin rằng Trung Quốc có ý định gây xung đột quân sự với Philippines và các quốc gia Châu Á khác vì tranh chấp ở Biển Đông, nhưng không có nghĩa là điều này không thể xảy ra, “Các nhà lãnh đạo thế giới nên lưu tâm đến câu hỏi rằng tình hình Biển Đông liệu có leo thang vượt ngoài tầm kiểm soát hay không.”

Mỹ sẽ hỗ trợ Philippines tăng cường sức mạnh trên biển. Trả lời một cuộc phỏng vấn hôm 15/4 của kênh truyền hình ANC, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, “Theo tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ngài Ashton Carter, họ đang nghiên cứu việc triển khai tới Philippines nhiều trang thiết bị hiện đại, như trang bị không quân, hải quân và thiết bị trên biển. Việc này vừa được Bộ trưởng Carter công bố và chúng tôi hoan nghênh tuyên bố này.” Theo ông Rosario, đây là một kế hoạch do phía Mỹ chủ động nên Manila sẽ tìm hiểu chi tiết thêm. Ngoại trưởng Philippines dự kiến công du nước Mỹ trong hai tuần với nhiều khả năng hai bên sẽ thảo luận về tình hình Biển Đông, đặc biệt là vấn đề cải tạo đất của Trung Quốc.

+ Indonesia:

Indonesia muốn tập trận thường xuyên với Mỹ ở Biển Đông. Hải quân Mỹ cuối tuần qua đã tập trận chung với Indonesia ở Batam, cách quần đảo Natuna 480 km. Phát ngôn viên hải quân Indonesia Manahan Simorangkir hôm 13/4 cho biết, “Đây là cuộc tập trận chung thứ hai của hai nước tại khu vực này. Chúng tôi đang lên kế hoạch cho một cuộc tập trận tương tự trong năm tới.” Theo ông Simorangkir, “Cần nhớ rằng Indonesia không phải một bên tranh chấp ở Biển Đông. Chúng tôi không muốn xảy ra sự cố ở Biển Đông và luôn cam kết về cách tiếp cận ngoại giao như trước nay vẫn áp dụng.

+ Mỹ:

Mỹ luân chuyển lính thủy đánh bộ tới Úc. Hơn 1.100 lính thủy đánh bộ Mỹ ngày 13/4 đã tới Darwin, bắt đầu đợt luân chuyển kéo dài sáu tháng, để huấn luyện cùng các binh sỹ Úc ở vùng cực Bắc của nước này. Đây là nhóm lính thủy đánh bộ Mỹ thứ 4 tới Darwin sau khi Canberra và Washington đạt được thỏa thuận tăng số lượng binh lính Mỹ đồn trú tại Úc năm 2011, với mục tiêu có 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ triển khai tại Darwin trước năm 2017.

Tướng Mỹ lo ngại khả năng Trung Quốc lập ADIZ trên Biển Đông. Phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ hôm 15/4, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear cho hay thời gian qua, Trung Quốc đã có hoạt động cải tạo và xây dựng “hung hăng” và “quy mô lớn” tại 8 thực thể ở Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo ông Locklear, các đảo nhân tạo “sẽ là nơi thích hợp để đồn trú và tiếp tế cho đội tàu chiến của Trung Quốc và cuối cùng để triển khai hệ thống tên lửa và ra đa, nền tảng cho việc thiết lập một ADIZ ở Biển Đông. Về cơ bản, điều này cho phép Trung Quốc phát huy tầm ảnh hưởng lớn hơn tại những khu vực tranh chấp.”

+ Úc:

Úc quan ngại hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông. Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 16/4, Đại sứ Úc tại Philippines ông Bill Tweddell cho biết, “Úc phản đối mạnh mẽ các hành động hăm dọa, ép buộc, hung hăng nhằm thúc đẩy yêu sách chủ quyền hoặc thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. Các bên cần kiềm chế, thực hiện các bước đi hạ nhiệt căng thẳng và tránh bất kỳ hành động khiêu khích nào làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Theo ông Tweddell, “Úc không đứng về bên nào trong tranh chấp, song Canberra có lợi ích trong việc bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực, hoạt động thương mại không bị cản trở và tự do hàng hải ở Biển Đông.

Quan hệ các nước

ASEAN - Trung Quốc thúc đẩy hợp tác hiệu quả và thực chất. Hội nghị lần thứ 16 Ủy ban hợp tác chung ASEAN - Trung Quốc vừa diễn ra tại Jakarta đã ghi nhận những động lực mạnh mẽ để tăng cường hơn nữa quan hệ ASEAN - Trung Quốc. Hai bên hoan nghênh những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện các hoạt động và dự án thuộc Chương trình ASEAN - Trung Quốc của kế hoạch hành động giai đoạn 2011 - 2015, và đang thông qua một kế hoạch hành động để thúc đẩy hợp tác trong giai đoạn 2016 - 2020. Các hoạt động và dự án tiếp theo tập trung thực hiện mong muốn và cam kết tăng cường quan hệ đối tác chiến lược của cả hai bên và đóng góp cho Tầm nhìn ASEAN sau 2015.

Ngoại trưởng các nước G7 thảo luận về an ninh biển Châu Á. Ngày 14/4 tại thành phố Lubeck ở miền Bắc nước Đức, ngoại trưởng thuộc Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) sẽ bắt đầu các cuộc thảo luận kéo dài 2 ngày với chủ đề chính tập trung vào vấn đề an ninh biển và tiến trình hòa bình mong manh tại Ukraine. Trong cuộc thảo luận đầu tiên của G7 về đảm bảo an ninh trên biển đối với các tàu thuyền thương mại, Nhật Bản sẽ đưa ra vấn đề căng thẳng tại Châu Á do các tranh chấp lãnh thổ có liên quan tới Trung Quốc trong khi các nước Châu Âu có thể sẽ hướng sự chú ý tới các vùng biển gần Trung Đông và Châu Phi. Tuyên bố chung về An ninh Biển đưa ra cuộc họp hôm 15/4 nêu rõ ngoại trưởng các nước G7 quan ngại về những hành động đơn phương, bao gồm cải tạo đất trên diện rộng, làm thay đổi thực trng ở Biển Đông đồng thời làm gia tăng căng thẳng. Ngoại trưởng các nước G7 cũng phản đối bất kỳ nỗ lực khẳng định yêu sách chủ quyềnnào thông qua hình thức đe dọa, ép buộc hoặc vũ lực. 

Mỹ - Nhật - Hàn kêu gọi Trung Quốc kiềm chế trên Biển Đông. Phát biểu sau cuộc hội đàm 3 bên Mỹ - Nhật - Hàn tại thủ đô Washington hôm 16/4, Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho rằng không chỉ Mỹ mà nhiều nước trong khu vực đều quan ngại về những hành động trên biển của Trung Quốc. Ông Blinken kêu gọi các bên tranh chấp theo đuổi yêu sách dựa trên luật pháp, các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế và không thực hiện hành động đơn phương làm phức tạp tình hình. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki thì nói: “Chúng tôi nhất trí hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình và hài hòa của Trung Quốc. Nhưng đồng thời, Trung Quốc, với tư cách là một nước lớn, không chỉ trong khu vực mà trên thế giới, phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế. Trung Quốc có trách nhiệm giải quyết thỏa đáng các mối quan ngại chung của các nước trong khu vực và ở Châu Á.” Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae-yong cho biết, quan điểm xuyên suốt của Hàn Quốc đó là các bên phải tận dụng những khuôn khổ hiện có - như Tuyên bố về ng xử của các Bên trên Biển Đông - để đảm bảo tự do hàng hải và duy trì ổn định Biển Đông. Hàn Quốc hy vọng Trung Quốc và ASEAN sớm hoàn tất việc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

Phân tích và đánh giá

“Trung Quốc bắt đầu xây đường băng ở Đá Chữ Thập” của Jane Perlez

Theo ảnh vệ tinh mà của tạp chí quốc phòng IHS Jane’s công bố ngày 16/4, Trung Quốc đang tiến hành đổ bê tông đường băng sân bay trên Đá Chữ Thập. Đường băng này dự kiến sẽ kéo dài khoảng 3 km, đủ để phục vụ máy bay chiến đấu và máy bay trinh sát, đây cũng là nhân tố thay đổi cuộc chơi trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông, theo nhận xét của giáo sư Peter Dutton, chuyên gia về các vấn đề chiến lược tại Đại học Hải chiến Hoa Kỳ. "Đây là một sự kiện quan trọng có tính chiến lược. Để có thể kiểm soát trên biển, bạn cần phải có sự kiểm soát trên không", giáo sư Dutton nói.

Trong thời gian này, Trung Quốc có khả năng lắp đặt radar và tên lửa để có thể đe dọa các nước nhỏ hơn như Philippines và Việt Nam, khi họ tiếp tế cho các đơn vị đồn trú quân sự khiêm tốn của mình trong khu vực. Ngoài ra, việc sử dụng công trình đường băng trên Đá Chữ Thập như là nơi bố trí chiến đấu cơ và máy bay trinh sát sẽ giúp Trung Quốc có khả năng mở rộng vùng cạnh tranh với Mỹ trên Biển Đông, và tăng nguy cơ xảy ra va chạm giữa máy bay và tàu chiến Mỹ - Trung Quốc.

Ông James Hardy, chủ biên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của tạp chí Jane’s Defense Weekly nói rằng đường băng ở Đá Chữ Thập không chỉ có khả năng để máy bay quân sự lên xuống mà cả máy bay bất kỳ nào cũng có thể đáp, nếu đường băng này đủ độ dài. Chẳng hạn siêu máy bay chở khách Airbus A380 cần đường băng dài 2.950 m, gần bằng độ dài đường băng ở Đá Chữ Thập.

“Vấn đề là loại máy bay gì sẽ đáp xuống đường băng này? Trừ phi Trung Quốc đang lên kế hoạch biến những đảo nhân tạo này thành các khu nghỉ dưỡng - đây là điều khó có khả năng xảy ra, nếu xét đến tuyên bố của Bộ Ngoại giao gần đây. Do đó máy bay quân sự nhiều khả năng sẽ là loại máy bay duy nhất lên xuống tại đây,” ông Hardy nhận xét. Ông cũng nói thêm rằng có vẻ Trung Quốc đã chọn Đá Chữ Thập là trung tâm chỉ huy và kiểm soát cho hoạt động tác chiến tại quần đảo Trường Sa.

“Biến số mới trong tranh chấp Biển Đông”  của Malcolm Cook

Cuộc bầu cử tổng thống Philippines năm 2016 có vẻ sẽ khiến chính sách của Manila đối với Trung Quốc tại Biển Đông có những thay đổi rõ rệt. Tổng thống đương nhiệm Aquino vẫn đang giành được sự ủng hộ của quốc tế với lập trường cứng rắn của Philippines. Tuy nhiên, người nhiều khả năng kế nhiệm ông Aquino có thể sẽ có “mềm hóa” đáng kể chính sách của Philippines đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Phó Tổng thống Jejomar Binay, bất chấp việc đang bị Ủy ban Blue Ribbon của Thượng viện điều tra về cáo buộc tham nhũng, là ứng cử viên số một cho cuộc bầu cử năm 2016. Trong cuộc thăm dò mới nhất của Pulse Asia về các ứng cử viên tổng thống 2016, Binay giành được 29% sự ủng hộ, hơn người đứng thứ hai là Thượng nghị sĩ Grace Poe 15% và hơn người thứ ba là ông Manuel ‘Ma’ Roxa tới 25%. 

Ông Binay hoàn toàn không có kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại, ông được biết đến là thị trưởng lâu năm của Makati, thành phố giàu có nhất tại Metro Manila nói riêng và của Philippines nói chung. Một trong những lần phỏng vấn đầu tiên của ông về giải quyết các vấn đề đối ngoại, ông Binay đã tập trung vào triển vọng khai thác chung tài nguyên thiên nhiên giữa Philippines và Trung Quốc tại Biển Đông, và hạ thấp tầm quan trọng của vụ kiện mà chính quyền ông Aquino đang đệ trình lên Tòa trọng tài Quốc tế về Luật Biển.

Nếu ông Binay thắng cử và tiếp tục giữ quan điểm này, đây sẽ là một sự quay trở lại với chính sách của người tiền nhiệm của ông Aquino, cựu Tổng thống Macapagal-Arroyo. Kế hoạch khai thác chung của bà Arroyo với Trung Quốc đã bị coi là vi hiến. Trước tình thế đó, chính quyền của Tổng thống Aquino đã không gia hạn thỏa thuận nghiên cứu địa chấn chung tại vùng biển tranh chấp được ký với Trung Quốc vào năm 2004. Khi ông Aquino lên cầm quyền vào năm 2010, ông và Ngoại trưởng Albert del Rosario đã nhanh chóng triển khai một lập trường quyết đoán hơn.

Nguy cơ về một sự đảo ngược lần hai trong chính sách của Philippines đối với Trung Quốc trong tranh chấp biển đã cho thấy giới tinh hoa chính trị của Philippines và những người ủng hộ tài chính cho họ đã bị chia rẽ như thế nào trong vấn đề này và trong quan hệ Philippines - Trung Quốc. Một sự đảo ngược lần hai trong hai nhiệm kỳ tổng thống sẽ khiến cả ASEAN, và cả Washington cũng như Tokyo, ngày càng thiếu tin tưởng vào một Philippines “nay tả mai hữu”, và sẽ khiến triển vọng về việc lồng ghép chính sách Biển Đông của họ cùng với chính sách của Manila trở nên xa vời.

“Chính sách xoay trục của Mỹ sẽ như thế nào nếu Bà Clinton lên cầm quyền” của Natalie Sambhi David Lang

Ngày 12/4, trên trang Twitter của mình, bà Hillary Clinton đã thông báo rằng mình sẽ tham gia cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ năm 2016. Trong thời gian qua, những vấn đề như Trung Đông, Nga, Iran, Ebola,… đã khiến Nhà Trắng phần nào xao nhãng Châu Á - Thái Bình Dương. Bà Clinton có thể làm gì để cứu vãn chiến lược xoay trục - chiến lược do chính bà khi còn là Ngoại trưởng Mỹ đã đề ra?

Sức mạnh quân sự đang gia tăng và sự quyết đoán trong vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc khiến cho nhiều quốc gia tại đây cũng như ngoài khu vực ngày càng lo ngại về những gì có thể xảy ra trong tương lai. Nếu nhìn vào những diễn biến gần đây, xu hướng này sẽ tiếp tục được Trung Quốc duy trì. Thời còn là Ngoại trưởng, bà Clinton đã khuyến khích các quốc gia khu vực, cụ thể là trường hợp Philippines trong vụ việc tại Bãi cạn Scarborough năm 2012, phải “phối hợp” trong việc giải quyết tranh chấp. Trên cương vị tổng thống, bà Clinton sẽ tiếp tục chính sách đi trên dây với việc vừa tìm cách trấn an đồng minh, vừa tìm cách duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc. Gửi đi tín hiệu chiến lược tới Trung Quốc rằng các quốc gia ASEAN đang có những người bạn có tầm ảnh hưởng nhưng không hề hung hăng sẽ là điều quan trọng. Cùng với đó, bà Clinton có thể tìm cách ủng hộ nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử như những gì mà bà đã từng làm tại Thượng đỉnh Đông Á tháng 11/2012.

Tuy nhiên, dù thế nào thì Nhà Trắng vẫn có những vấn đề nội bộ của riêng mình và do đó, một khuyến nghị chính sách quan trọng dành cho chính quyền của Hillary Clinton đó là củng cố quan hệ của Mỹ với các đối tác và đồng minh khu vực để cùng san sẻ trách nhiệm. Tổng thống Obama cũng hiểu được điều này, cụ thể là ông đã tăng cường quan hệ quốc phòng với Nhật, và gần đây cũng tìm cách xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Ấn Độ. Ngoài ra, bà Clinton nhiều khả năng cũng sẽ tiếp tục xem Úc như một đối tác trọng yếu trong nỗ lực nhằm duy trì vị trí số một của Mỹ tại khu vực. Bà cho rằng mối quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ - Úc có thể giúp “xây dựng mối quan hệ lành mạnh với Trung Quốc.”

Đương nhiên, chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton sẽ được xây dựng trên nền tảng các vấn đề nội bộ như vấn đề hỗ trợ tầng lớp lao độngvấn đề năng lượng sạch. Tuy nhiên, việc chính sách đối ngoại, chiến lược của Mỹ của một nữ tổng thống được triển khai như thế nào vẫn sẽ là một điều đáng để chờ đợi. Một chính sách xoay trục được tái khởi động nhiều khả năng sẽ được triển khai, đây cũng sẽ là một đại chiến lược đi đúng hơn với thiết kế ban đầu của bà Clinton.

Môi trường Biển Đông đang bị phá hoại nghiêm trọng?

Trả lời phóng vấn tờ báo điện tử Sóng Đức (Deutsche Welle - DW) số ra ngày 17/4, giáo sư David Rosenberg thuộc Đại học Quốc gia Úc (ANU), chuyên gia về chính sách môi trường khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã có những nhận định về tác động sinh thái của hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc tới môi trường tại Biển Đông. Dưới đây là một số điểm đáng chú ý:

i) Tác động môi trường: Trong ngắn hạn, những thiệt hại đối với môi trường sẽ là rất lớn khi hệ sinh thái khu vực và các rạn san hô bị phá hủy bởi việc hút cát và xây dựng bê tông. Trong khi đó, những hậu quả lâu dài chưa thể đánh giá một cách cụ thể nhưng cũng rất nghiêm trọng.

ii) Tác động kinh tế: Tuy không dễ để có thể định lượng một cách cụ thể nhưng hậu quả là rất đáng kể bởi các rạn san hô là nền tảng của hệ sinh thái đại dương, là không gian sống của hàng nghìn sinh vật biển, trong đó có những loài cá và tôm đặc biệt quý hiếm. 

iii) Có thể làm gì để giảm thiểu tác động môi trường và đảm bảo rằng phải có ai đó chịu trách nhiệm cho những tổn thất này? Điều đầu tiên cần làm là giám sát chặt chẽ hoạt động xây dựng của Trung Quốc. Thứ hai là phải kéo Trung Quốc vào lại các bàn đàm phán đa phương về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên. Thứ ba đó là áp dụng các thực tiễn thành công trong việc quản lý công bằng và bền vững nguồn tài nguyên ngay cả khi chúng nằm trong vùng tranh chấp, ví dụ như Vùng Quản lý chung Tài nguyên tại Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam.

iv) Cộng đồng quốc tế nên ứng phó thế nào trước tham vọng của Trung Quốc tại khu vực? Chính sách quan trọng nhất ở đây đó là các quốc gia có liên quan tới vấn đề Biển Đông nên bắt đầu hoặc mở rộng các chương trình hợp tác khả thi để quản lý chung nguồn tài nguyên, để đảm bảo an toàn trên biển, các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, nghiên cứu khoa học, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường biển và các lĩnh vực có mức độ nhạy cảm chính trị phù hợp, ngay cả khi vấn đề tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết.

Bên cạnh đó, với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng lớn tại Đông Á,  sẽ không thể tránh khỏi việc xảy ra các vụ đụng độ và xung đột trên biển. Biển Đông cần có cách thức để điều chỉnh và giải quyết những bất đồng này thông qua các biện pháp cưỡng chế hành chính, pháp lý và giám sát. Ví dụ, các quốc gia tại đây nên thiết lập một thỏa thuận về “các sự cố trên biển” nhằm tạo ra một đường dây nóng hoặc một hệ thống phản ứng khẩn cấp để thông báo về các cuộc đụng độ và xung đột liên quan đến bắt giữ tàu và thủy thủ.

“Thấy gì từ việc Trung Quốc công bố mục đích hoạt động cải tạo đảo?” của Bonnie Glaser

Ngày 9/4, lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra một tuyên bố chi tiết về mục đích hoạt động cải tạo đảo của họ. Bên cạnh việc đây là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức thừa nhận hoạt động cải tạo đảo có một phần là mục đích quân sự, họ cũng đưa ra thông tin chi tiết hơn về các mục đích dân sự mà những đảo này sẽ đáp ứng. Đây cũng là cách mà Trung Quốc sử dụng để xoa dịu lo ngại xung quanh hoạt động cải tạo đảo của mình bằng việc tuyên bố hoạt động cải tạo đảo là nhằm cung cấp các tài sản công.

Không chỉ vậy, để đáp trả cáo buộc từ phía Philippines rằng hoạt động nạo vét của Trung Quốc đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho các rạn san hô, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định rằng Trung Quốc đã thực hiện “các đánh giá khoa học và kiểm chứng nghiêm ngặt” để đảm bảo rằng “hệ sinh thái của Biển Đông sẽ không bị ảnh hưởng.” Việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc buộc phải đưa ra tuyên bố này cho thấy ít ra là Bắc Kinh đã phần nào lo ngại về việc mình trở thành một nước phá hủy môi trường trong mắt các quốc gia khác. Đây có thể sẽ là một điểm mà cộng đồng quốc tế nên tiếp tục sử dụng để gây sức ép trong thời gian tới. ASEAN có thể xem xét yêu cầu Trung Quốc chia sẻ các nghiên cứu về tác động tới môi trường của họ.

Sự minh bạch của Trung Quốc, dù vẫn rất hạn chế, về ý định của họ nên được chào đón và tận dụng như là cơ hội để đòi hỏi thêm thông tin cũng như sự trấn an từ Bắc Kinh. Chúng ta nên thúc giục Trung Quốc đưa ra những thông tin chi tiết về mục đích quân sự trong hoạt động cải tạo, tương tự như những gì mà Trung Quốc nói về mục đích dân sự. Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của CSIS đã xác nhận rằng Trung Quốc đang xây đường băng dài 10000 feet (khoảng 3km) tại Đá Chữ Thập, cho phép Trung Quốc quản lý và xa hơn nữa là kiểm soát vùng trời tại Biển Đông, điều này cũng giúp họ có năng lực kiểm soát biển hiệu quả hơn. Trung Quốc thậm chí có thể tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tương tự như ADIZ mà họ thiết lập tại Biển Hoa Đông.

Các nước có liên quan cũng nên yêu cầu Trung Quốc cam kết rằng họ sẽ không sử dụng những tiền đồn mới này để phục vụ cho các hành vi cưỡng ép và gây bất ổn. Điều này sẽ bao gồm lời hứa không can thiệp vào tự do hàng hải và từ bỏ việc thiết lập ADIZ tại vùng tranh chấp. Để Bắc Kinh có thể chấp nhận sự ràng buộc, thì những cam kết này phải nằm trong Bộ Quy tắc Ứng xử được cả Trung Quốc và các quốc gia ASEAN cùng đồng thuận. Việc thiết lập một Bộ quy tắc ràng buộc pháp lý như vậy đang ngày càng trở nên cấp bách./.