I. Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Tàu Giao Long (Trung Quốc) sẽ tiến hành lặn thử nghiệm ở độ sâu 7.000m năm 2012. Trước khi lập kỷ lục về độ lặn sâu trong những tháng tới, tàu Giao Long sẽ lặn thử ở độ sâu 3.000m vào tháng 3/2012 hoặc tháng 4/2012. Nếu thử nghiệm thành công, Giao Long sẽ chứng minh khả năng có thể có mặt ở bất kỳ đáy biển nào trên trái đất và Trung Quốc sẽ lập kỷ lục về tàu lặn sâu nhất thế giới, vượt qua cả Nhật với tàu Shinkai 6500 lập kỷ lục ở độ sâu 6.527 m vào năm 1989.

Trung Quốc thúc giục Mỹ tôn trọng “lợi ích cốt lõi.” Ngày 15/2, Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc và Mỹ cần tôn trọng lợi ích cốt lõi của mỗi nước trong quá trình xây dựng lòng tin và hợp tác trong các vấn đề. Ông Tập sử dụng thuật ngữ “lợi ích cốt lõi” nhằm mục đích nhấn mạnh sự hiện hữu của một ranh giới mà Mỹ và các quốc gia khác không nên vượt qua trong thảo luận với Trung Quốc. Định nghĩa về thuật ngữ này của chính phủ Trung Quốc đang phát triển trong những năm gần đây, nhưng nó đã trở thành tiêu chuẩn trong những cuộc thảo luận ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ, các quan chức Trung Quốc đang sử dụng thuật ngữ này thường xuyên hơn và quyết đoán hơn nhằm chống lại các áp lực từ những quốc gia khác. Đặc biệt, “lợi ích cốt lõi” mang ý nghĩa là chủ quyền lãnh thổ.

“Lợi ích quốc gia cần lớn hơn ưu tiên thiện chí”. Trung Quốc không cần phải làm hài lòng phương Tây nếu như điều đó vi phạm lợi ích của nước này. Trung Quốc cũng không phải là nước cần dấu mình mà cần cho thế giới thấy một nước Trung Quốc thực sự. Cần coi mình là ưu tiên cao nhất, điều này không có nghĩa là ngạo mạn mà chỉ để bảo đảm rằng Trung Quốc nhận được sự đối xử bình đẳng bởi các quốc gia khác thông qua ngoại giao[1].

Ngân sách Quốc phòng Trung Quốc 'tăng gấp đôi vào 2015'. Theo báo cáo của IHS Jane's Defence có trụ sở tại Mỹ ngày 13/2, Ngân Sách Quốc Phòng của Trung Quốc năm 2011 là 119,8 tỉ USD và sẽ tăng thành 238,2 tỉ USD vào 2015, tương đương tỷ lệ tăng thường niên là 18,75%. Con số này sẽ vượt chi tiêu quốc phòng của 12 nước lớn trong khu vực cộng lại, dự đoán vào khoảng 232,5 tỷ USD, và tương đương gần gấp 4 lần Ngân Sách Quốc Phòng của Nhật Bản, nước đứng thứ 2 về chi tiêu quốc phòng trong khu vực.

Mỹ - Trung cần duy trì thực trạng hòa bình tại Thái Bình Dương”. Phó Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã nói Thái Bình Dương đủ lớn cho cả Mỹ và Trung Quốc. Đây không chỉ là cách nói ngoại giao, bởi hiện nay cả Trung Quốc và Mỹ đang cùng tồn tại và phát triển tại khu vực này. Điều quan trọng là cả nước có muốn tồn tại hòa bình với nhau không. Trung Quốc không có tham vọng loại Mỹ khỏi bất cứ điều gì mà sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh với Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ dường như không tỏ khoan dung đối với sự phát triển hòa bình của Trung Quốc. Tình hình tại khu vực Thái Bình Dương phát triển thế nào sẽ phụ thuộc vào cả hai bên, then chốt của vấn đề là cần cởi mở hơn[2].

“Mỹ gia tăng hiện diện quân sự tại châu Á thông qua tập trận Hổ mang vàng”của Yang Dingdu. Cuộc tập trận với sự tham gia của Mỹ và 6 nước khác cùng 19 nước quan sát viên đang diễn ra tại Thái Lan với 13.000 quân được triển khai. Theo ông Robert Fitts, giám đốc nghiên cứu Mỹ tại đại học Chulalongkorn Thái Lan, châu Á đã trở thành khu vực năng động nhất thế giới và do đó thu hút sự chú ý hơn trong tất cả các lĩnh vực bao gồm cả an ninh. Giới phân tích cho rằng Tập trận Hổ mang Vàng không nhằm trực tiếp vào Trung Quốc nhưng nhất trí Mỹ nỗ lực tăng hiện diện tại khu vực nhằm ngăn chặn sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Do những lý do chính trị và ngân sách nên việc tập trận luân phiên sẽ thay thế cho mở rộng căn cứ, điều này có thể tạo ra sự hiện diện hiệu quả với chi phí thấp hơn nhiều.

Họp báo thường kỳ của Người Phát Ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lưu Vi Dân hôm 13/02. Trong thời gian Bộ trưởng Phạm Bình Minh thăm Trung Quốc, hai bên đã trao đổi về việc làm thế nào để thực hiện nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và Thỏa thuận cơ bản giải quyết vấn đề trên biển mà hai bên đã ký, duy trì hòa bình ổn định tại Biển Đông. Trên thực tế, hai bên vẫn duy trì cơ chế trao đổi và hiệp thương một cách thông suốt về vấn đề Biển Đông. Về vấn đề DOC, lập trường phía Trung Quốc về vấn đề này cũng rất rõ ràng. Phía Trung Quốc đã bày tỏ, đồng ý xem xét trong điều kiện thích hợp cùng các bên thảo luận về vấn đề này. Đồng thời, cũng cho rằng trong tình hình hiện nay cần tăng cường hợp tác thực chất tại Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, như vậy có lợi cho việc tạo môi trường tốt hơn.

+ Việt Nam:

27 khu vực biển ở Việt Nam có thể chứa nhiều hydrate. Theo báo cáo nghiên cứu mới nhất của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện vùng biển Việt Nam có tới 27 khu vực có khả năng tồn tại một trữ lượng lớn khí gas hydrate. Dựa vào những kết quả nghiên cứu, người ta đã phân thành 4 vùng tiềm năng, xếp thứ tự A, B, C, D. Những vùng biển có tiềm năng lớn là vùng đảo Tri Tôn, Phú Khánh, Tây Nam Biển Đông, Khu vực Đình Trung và Vũng Mây.

+ Phi-líp-pin:

Philippines chào đón vai trò châu Á của Mỹ. Tổng thống Benigno Aquino III coi việc Mỹ mở rộng vai trò ở Đông Á là cách để đảm bảo một giải pháp lâu dài đối với một trong những "điểm nóng" ngoại giao và an ninh nhất của châu Á. Đó là chuyện ai kiểm soát Biển Đông. Theo ông Aquino, các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông chỉ có thể được giải quyết nếu tất cả các bên tuyên bố chủ quyền trong khu vực nhất trí về một thỏa thuận đa phương lâu dài để khai thác tài nguyên năng lượng được nằm sâu dưới đáy biển, "Có sự tham gia của Mỹ, có những nước khác nói về vấn đề này nhiều hơn, thì chúng tôi có thể tiến đến gần hơn trạng thái đem lại lợi ích cho tất cả mọi người."

+ Anh:

Anh khai thác dầu khí ở Biển Đông. Công ty dầu khí BP của Anh đã được cấp phép tham gia khoan thăm dò và khai thác một mỏ khí tại lô 43/11 ở Biển Đông. Giám đốc BP China cho biết, BP sẽ góp khoảng 40% vốn cổ phần trong thời gian thăm dò và được chia 20% lợi nhuận khi dự án đi vào khai thác. BP và Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã ký thỏa thuận hợp tác về dự án này khi Phó Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm Anh vào tháng 1 vừa qua.

+ Ấn Độ:

Ấn Độ tin tưởng Biển Đông là một "khu vực mở." Phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Delhi IV với chủ đề "Ấn Độ và ASEAN: đối tác vì hòa bình, phát triển và ổn định", Ngoại trưởng Ấn Độ SM Krishna cho rằng "Biển Đông là một trong trong nhưng tuyến đường thương mại quan trọng nhất. Ấn Độ mong muốn tiếp tục duy trì những quy tắc quốc tế cơ bản" ở khu vực này. Các tuyến đường thương mại truyền thống hay phi truyền thống đều cần được tôn trọng. "Không ai có quyền sở hữu một vùng biển cụ thể, bởi có những quy ước quốc tế quy định về điều này.” Ông Krishna đồng thời khẳng định rằng mối quan hệ giữa Ấn Độ với từng thành viên cũng như cả khối ASEAN đang tiến triển tốt đẹp.

+ Mỹ:

Mỹ cân nhắc việc chuyển lính thủy đánh bộ từ Nhật Bản tới Philippines. Trong phiên điều trần tại Ủy ban quân vụ Thượng viện, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Leon Panetta đã nhắc lại tầm quan trọng của việc duy trì sự hiện diện quân đội Mỹ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Ông Panetta cho biết: “Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Australia cho phép binh sĩ Mỹ được hiện diện luân phiên. Hiện Mỹ đang trao đổi với Phi-líp-pin với hy vọng sẽ dàn xếp được các hoạt động tương tự tại nước này”. Theo kế hoạch ban đầu, Mỹ dự định chuyển 8.000 lính thủy từ Okinawa đến Guam, tuy nhiên, giờ đây Lầu Năm Góc đang xem xét chỉ chuyển khoảng 4.700 binh sĩ đến Guam, trong khi, 3.300 lính còn lại được điều động đến các khu vực khác ở Châu Á – Thái Bình Dương.

Tài nguyên Năng lượng Biển ở Châu Á: Pháp lý và Hợp tác. Đây là nhan đề báo cáo của Cục Nghiên cứu Quốc gia về Châu Á (NBR) trong tháng 2 vừa qua. Một nhóm học giả quốc tế, đứng đầu bởi nghiên cứu viên chủ chốt Clive Schofield (thuộc Đại học Wollongong), nghiên cứu về những thách thức quan trọng và những diễn biến trong phạm vi pháp lý quốc tế có ảnh hưởng đến những tranh chấp quyền tài phán hàng hải ở Đông và Đông Nam Á, đồng thời xem xét các lựa chọn để kiềm chế tranh chấp ở Biển Hoa Đông, Biển Đông và Vịnh Thái Lan.

Mỹ cắt giảm chi phí quốc phòng nhưng tiếp tục hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân. Ngày 13/2, Nhà Trắng sẽ chuyển sang Nghị viện xem xét thông qua bản dự trù ngân sách 2013. Theo đó, khoản chi ngân sách cho quốc phòng sẽ là 525 tỷ USD, giảm 6 tỷ USD so với mức chi năm 2012. Theo Học thuyết an ninh mới, nhiệm vụ chiến lược hàng đầu của Mỹ chuyển sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Để đạt mục tiêu trên, Mỹ cần hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân. Lầu năm góc sẽ dành trọng tâm vào chiến dịch trên biển của lực lượng hải quân và chiến dịch oanh tạc có độ chuẩn xác cao của lực lượng không quân[3].

II. Quan hệ các nước

Việt - Trung sẽ giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì cùng khẳng định quan điểm trên trong cuộc hội đàm chiều 12/2 tại Bắc Kinh. Hai bên khẳng định giải quyết mọi bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, hữu nghị, cùng tôn trọng và quan tâm tới lợi ích chính đáng của nhau, căn cứ những nhận thức chung đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Việt - Nga hợp tác phát triển tên lửa hành trình. Người đứng đầu Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang Nga, ông Mikhail Dmitriyev tuyên bố hôm 15/2 rằng Nga và Việt Nam dự định năm 2012 bắt đầu hợp tác phát triển tên lửa chống tàu cải biên. “Chúng tôi đang có kế hoạch xây dựng các cơ sở ở Việt Nam để sản xuất loại tên lửa Uran [SS-N-25 Switchblade] trong một dự án tương tự như dự án hợp tác sản xuất tên lửa BrahMos giữa Nga và Ấn Độ”. Loại tên lửa siêu âm chống tàu Uran có thể được phóng từ trực thăng, từ tàu chiến cũng như các hệ thống phòng thủ bờ biển, có tầm che phủ lên tới 250 km.

Mỹ - Trung cam kết củng cố quan hệ quân sự. Hai bên đã bàn thảo về việc đẩy mạnh trao đổi thông tin giữa hai lực lượng vũ trang, coi đó là một điểm quan trọng trong mối quan hệ Mỹ - Trung. Ông Tập Cận Bình ủng hộ việc có thêm các cuộc đối thoại về quân sự với Lầu Năm góc. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta "Mỹ và Trung Quốc đều là các cường quốc Thái bình dương, và chúng tôi chào đón sự vươn lên của một nước Trung Quốc giàu mạnh và thành công, để Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn đối với hòa bình và an ninh khu vực." Ông này cũng nhấn mạnh nhu cầu xây dựng lòng tin và sự minh bạch giữa các thiết chế quân sự hai nước.

III. Phân tích và đánh giá

“Biển Đông: Căng thẳng gia tăng nhưng không có những giải pháp lâu dài” của Richard Rousseau. Căng thẳng đang tăng lên ở Biển Đông, đặc biệt giữa Trung Quốc và Việt Nam, tập trung sự chú ý vào khu vực lợi ích có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng, không chỉ đối với những quốc gia liên quan, mà còn với toàn bộ lục địa Châu Á. Nó gây tác động rất lớn đến các động lực toàn cầu và cán cân quyền lực. Vào khoảng cuối tháng Năm và đầu tháng Sáu năm ngoái, một vòng đàm phán mới về vấn đề đó, mà theo nhiều nhà phân tích sẽ trở thành vấn đề địa chính trị quan trọng nhất trong những năm tới, đã được bắt đầu. Diễn biến địa chính trị của những điều đang xảy ra ở Biển Đông sẽ đem đến những hậu quả trước mắt và lâu dài đối với an ninh toàn cầu. Điều này chủ yếu bởi tầm quan trọng kinh tế của khu vực này, vị trí chiến lược, số lượng các quốc gia có liên quan trực tiếp hay gián tiếp (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật,..) cùng tầm quan trọng kinh tế ở cấp độ toàn cầu. Căng thẳng không ngừng tăng lên và những diễn biến khu vực đang được theo dõi sát sao bởi các bên có cùng lợi ích. Sẽ không thấy được các giải pháp ngắn hạn, đặc biệt nếu Trung Quốc tiếp tục yêu sách chủ quyền trên thực tế đối với Biển Đông và các lớp trầm tích năng lượng mới tiếp tục được phát hiện bởi các nước trong khu vực và bên ngoài. Cũng xuất hiện nhân tố khác đang làm phức tạp tình hình: sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ trong một khu vực vốn dĩ đã đầy rẫy cạnh tranh.

“Trung - Mỹ cần làm gì” của Elizabeth Economy, giám đốc nghiên cứu châu Á thuộc Ủy ban Cố vấn Quan hệ Đối ngoại Mỹ. Việc Phó Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận thăm chính thức Mỹ đã dấy lên hy vọng rằng gương mặt mới này sẽ mở đầu cho kỷ nguyên mới quan hệ Mỹ - Trung. Con đường phía trước sẽ cần có sự định hướng lại bởi các nhà lãnh đạo triển vọng của cả hai nước. Theo đó, Mỹ và Trung Quốc: (1) Cần thừa nhận rằng không thể cùng liên kết trong hầu hết các vấn đề. (2) Cần nhấn mạnh tiềm năng tầm quan trọng của quan hệ. (3) Phải nỗ lực để trở thành những nước dẫn đầu tại các thể chế đa phương. (4) Cần xác định mục tiêu chung dài hạn để thúc đẩy hai nước hợp tác tiếp tục và sâu hơn (5) Cần hợp tác để trở thành những nước lãnh đạo đáng tin cậy trong cộng đồng quốc tế. Sự đánh giá thực tế hơn về cả thách thức và cơ hội thực tiễn đối với quan hệ song phương sẽ giúp cả Trung Quốc và Mỹ tìm được hướng đi trong thời gian tới.

Nga can dự vào Biển Đông?của Al Labita. Ba tàu chiến của Nga vừa kết thúc chuyến thăm ba ngày tại Manila, làm dấy lên làn sóng suy đoán rằng Moscow có thể đang tìm cách can thiệp vào các tranh chấp ngày càng căng thẳng ở quần đảo Trường Sa ngoài khơi Biển Đông. Phía Philippines đã tránh bình luận các vấn đề liên quan đến quần đảo Trường Sa, và các quan chức dẫn trích rằng việc tàu Nga cập cảng vừa qua là một phần trong các thỏa thuận song phương mà Manila và Moscow đã ký kết hồi tháng 12 năm 2009. Vấn đề cho đến nay vẫn chưa rõ là liệu sự hiện diện của các tàu Nga trong khu vực này có liên kết với bất kỳ thỏa thuận năng lượng nào với Philippines hay không, vì Moscow hy vọng trong tương lai họ sẽ có “một phần” trong khu vực mà Philippines tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Với sự thay đổi mô hình hợp tác giữa quốc phòng hai nước Hoa Kỳ-Philippines, điều này không có gì ngạc nhiên khi Nga đột ngột muốn chứng tỏ sức mạnh hải quân của họ trong khu vực Biển Đông.

Khi hải quân Mỹ “thắt lưng buộc bụng”, hải quân Trung Quốc làm gì? Trong khi hầu hết mọi sự chú ý đều hướng về những chuyến ra biển thử nghiệm của tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, các nhà quân sự cho rằng việc mở rộng hạm đội những tàu đổ bộ 20.000 tấn – loại tàu lớn nhất được thiết kế và đóng mới trong nước, lập tức làm tăng hơn nữa ảnh hưởng của Bắc Kinh trên toàn cầu. Hải quân Trung Quốc có khả năng triển khai đến 8 tàu đổ bộ 071 – loại tàu có thể vận chuyển đến 800 binh sĩ, cùng tàu đệm khí, xe bọc thép và trực thăng loại trung. Sau hơn 2 thập kỷ tăng hai con số, mức tăng chi phí quân sự hàng năm của Trung Quốc chính thức được công bố là còn 7,5% vào năm 2010, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, con số này lại tăng trở lại vào năm ngoái – là 12,7%, lên 91,5 tỷ USD. Theo các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc, là một cường quốc thương mại ngày càng phụ thuộc vào nguyên liệu và năng lượng nhập khẩu, việc mở rộng hải quân rất quan trọng với an ninh nước này.

“Liệu Trung Quốc có thể giữ được ‘thời kỳ cơ hội chiến lược quốc tế’?” của Phó Giáo sư Hùng Quang Thanh, Phó Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Đại học Kinh tế đối ngoại Singapore. Thực tế, trên vũ đài quốc tế cũng như tại khu vực Đông Á, Trung Quốc vẫn còn không gian chiến lược rất lớn. Trung Quốc cần phải: Thứ nhất, nhìn vào sự phát triển lâu dài, tập trung tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia. Thứ hai, cần tập trung xử lý tốt quan hệ với các nước Đông Á, làm hòa dịu các mâu thuẫn và xung đột.  Thứ ba là ra sức tăng cường xây dựng tin cậy chiến lược với Mỹ, xử lý tốt quan hệ song phương Trung – Mỹ. Mỹ đang phải căng trải trên toàn thế giới, điều này đã để lại một không gian hoạt động lớn cho Trung Quốc, giúp cho hai nước cạnh tranh nhưng không quyết đấu, đồng thời cũng đảm bảo một sự ổn định nhất định cho quan hệ song phương Trung – Mỹ[4].

Đánh giá tương lai quân sự Mỹ. Trả lời phỏng vấn của Tờ Diplomat, nghị sĩ Mỹ James Langevin, Uỷ ban Vũ trang Hạ viện thừa nhận Mỹ đã "bỏ quên" quá lâu các lợi ích ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương khi dồn tài lực vào hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan. Chuyển hướng tập trung tới các chương trình và khả năng để liên kết, củng cố các đồng minh lâu dài của Mỹ ở Thái Bình Dương, chuẩn bị cho quân đội đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng đang diễn ra trong môi trường an ninh toàn cầu chính là điều tối quan trọng để duy trì ưu thế quân sự Mỹ trên mọi lĩnh vực trong nhiều thập niên tới. Để đảm bảo sự thành công tầm khu vực cũng như toàn cầu, điều cần thiết là Mỹ phải dẫn đầu trong các khả năng công nghệ để giải quyết các mối đe doạ hiện tại và đang nổi lên.

“Quan hệ tốt hơn là chìa khóa đối với tranh chấp Biển Đông” của Cheng Guangjin. Ngày 13/2/2012, Người Phát Ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lưu Vi Dân cho biết Trung Quốc đã sẵn sàng tìm kiếm các giải pháp đối với tranh chấp tại Biển Đông với những điều kiện phù hợp trong khi nhấn mạnh rằng nhiệm vụ quan trọng cấp thiết nhất hiện nay là tăng cường hợp tác thực tiễn với các nước Đông Nam Á nhằm tạo môi trường để giải quyết các tranh chấp này.

Cán cân quân sự tại Đông Nam Á: Đang chơi trò đuổi bắt của Felix K. Chang. Quan trọng nhất trong các hoạt động hải quân là địa lý và công nghệ. Ở Biển Đông, địa lý chủ yếu giúp ích cho các bên tuyên bố chủ quyền ở Đông Nam Á. Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam là những nước nằm sát với vùng biển mà họ nhận chủ quyền, trong khi Trung Quốc ở cách xa hơn. Khi không bên tuyên bố chủ quyền nào ở Đông Nam Á có thể bảo vệ toàn bộ khu vực thì hợp lại họ có thể thực hiện một chiến lược từ chối tiếp cận biển mà qua đó sẽ vô hiệu hóa được nỗ lực nhằm xác nhận quyền kiểm soát lâu dài của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc rõ ràng đã đi một chặng đường dài để khắc phục thế bất lợi về địa lý của nước này ở Biển Đông, bằng cách đầu tư vào công nghệ với tốc độ nhanh hơn so với Đông Nam Á. Do vậy, các quốc gia Đông Nam Á giờ phải chơi trò đuổi bắt. Trong khi một số nước, chẳng hạn như Việt Nam, đã đang ở trong tiến trình hiện đại hóa vũ khí, các nước khác, như Philippines, chỉ vừa mới bắt đầu.

Bản PDF tại đây



[1] Thời báo Hoàn Cầu ngày 15/2

[2] Thời báo Hoàn Cầu ngày 16/2

[3] Theo Báo Kommersant ngày 13/2

[4] Tờ “Liên hợp buổi sáng” (Singapore) ngày 13/2/2012