Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc ủng hộ Ấn Độ lập hệ thống báo động sóng thần. Trả lời câu hỏi của Hãng thông tấn Ấn Độ IANS về kế hoạch của Ấn Độ thành lập một hệ thống cảnh báo sóng thần ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay, “Tăng cường nghiên cứu cảnh báo sớm về sóng thần là lợi ích của tất cả các bên. Trung Quốc và các nước đã thiết lập các cơ sở và hệ thống liên quan phù hợp với các quy định của các cơ quan Liên Hợp Quốc. Các bên quan tâm có thể thảo luận vấn đề hợp tác dựa trên những cơ chế sẵn có này.”

Trung Quốc bắt đầu khai thác băng cháy trên Biển Đông. Cơ quan thăm dò địa chất hải dương (GMG) tỉnh Quảng Châu ngày 11/6 cho biết Trung Quốc đã tiến hành khai thác được khoảng 210.000 m3 băng cháy ở Biển Đông và các hoạt động thử nghiệm đang diễn ra suôn sẻ. Theo GMG, hoạt động khai thác thử nghiệm này đã diễn ra được một tháng kể từ sau khi việc khai thác băng cháy được khởi động ở các vùng biển gần cửa sông Châu Giang. Tính đến chiều 10/6, sản lượng khai thác hàng ngày là 6.800 m3.

Trung Quốc cam kết đẩy mạnh quan hệ ngoại giao với Philippines. Ngày 12/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi điện mừng tới Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhân dịp kỷ niệm 42 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trong điện mừng, Ông Tập cho hay “nhân dân Trung Quốc và Philippines có mối quan hệ hữu nghị truyền thống sâu sắc” và hai nước đã quay trở lại đúng quỹ đạo quan hệ láng giềng hữu hảo bằng những nỗ lực từ cả hai phía. Theo ông Tập, hai nước có chung sứ mệnh trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, hiện thực hóa phát triển chung và thúc đẩy hòa bình ổn định trong khu vực.

+ Việt Nam:

Việt Nam đề nghị Trung Quốc hành động có trách nhiệm ở Biển Đông. Trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 15/6, về thông tin Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các thực thể ở Trường Sa và Hoàng Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý, bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Là một quốc gia lớn ở khu vực và trên thế giới, chúng tôi cho rằng Trung Quốc cần hành động có trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên Biển Đông trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.”

+ Philippines:

Quan chức Philippines thúc giục khai thác chung ở Biển Đông. Trong cuộc phỏng vấn với chương trình Headstart của hãng ANC hôm 12/6, đặc phái viên phụ trách Đối thoại liên văn hóa ông Jose De Venecia cho hay, “Tại sao chúng ta phải tiến hành cuộc chiến khi chúng ta có thể có sự thương lượng về dầu khí một cách thực tế ở Biển Đông.” Cựu chủ tịch hạ viện Venecia cho biết ông đã từng đề xuất ý kiến khai thác dầu chung trên Biển Đông từ những năm 1970, “Nếu Tổng thống Duterte gạt sang một bên phán quyết của Tòa, ông ấy ắt phải có lý do, nghĩa là ông ấy đang lên kế hoạch thương lượng một thỏa thuận trong đó Philippines sẽ có một phần đáng kể nếu tìm được dầu ở biển Đông.”

+ Mỹ:

Tàu chiến Mỹ tăng thời gian hoạt động trên Biển Đông. Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Đô đốc Scott Swift hôm 15/6 cho biết trong năm nay các tàu chiến của Mỹ sẽ hoạt động nhiều giờ hơn trên khu vực Biển Đông từ 700 ngày lên 900 ngày. Ngoài ra, số lượng nhóm tàu tác chiến tàu sân bay hoạt động tạm thời tại khu vực Thái Bình Dương cũng sẽ tăng lên. Theo ông Switf, không có thay đổi gì trong các hoạt động FONOP dưới thời Tổng thống Donald Trump. Phát biểu trên được đưa ra nhân chuyến thăm của tàu khu trục Mỹ USS Sterett tới Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông. Trước đó phát biểu tại một phiên điều trần của Quốc hội Mỹ ngày 14/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định các hoạt động FONOP ở Biển Đông sẽ không dừng lại, bởi nó là chiến lược của Mỹ tại khu vực.

+ Nhật Bản:

Nhật Bản mở rộng bán thiết bị quân sự cho các nước Đông Nam Á. Tại một cuộc triển lãm về vũ khí quốc tế, Giám đốc Cơ quan Công nghệ và Hậu cần (ATLA) thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản ông Hideaki Watanabe cho hay nước này sẽ chủ trì cuộc gặp với các quan chức quốc phòng ASEAN vào ngày 15/6 để thảo luận về chia sẻ thiết bị và công nghệ. Ông Watanabe, “Việc Nhật Bản nghiên cứu và phát triển các trang thiết bị quốc phòng chất lượng cao sẽ góp phần vào khả năng phòng vệ của Nhật Bản và các nước khác.”

Quan hệ các nước

Hải quân Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ tham gia cuộc tập trận Malabar. Malabar 2017 là cuộc tập trận mới nhất trong một loạt cuộc tập trận đã phát triển về quy mô trong những năm gần đây nhằm giải quyết nhiều mối đe dọa chung đối với an ninh trên biển ở khu vực Ấn Độ Dương và châu Á-Thái Bình Dương. Cuộc tập dự kiến diễn ra vào giữa mùa Hè năm 2017 bao gồm cả phần huấn luyện trên đất liền và trên biển ở ngoài khơi miền Đông Ấn Độ, trên vịnh Bengal.

Ngoại trưởng Trung Quốc - Singapore thảo luận về Biển Đông và OBOR. Ngày 12/6, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Singapore đang có chuyến thăm nước này. Ông Vương cho hay quan hệ hai bên tiến triển tốt đẹp kể từ đầu năm nay. Trung Quốc hy vọng Singapore ủng hộ và tham gia vào việc thúc đẩy sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường.” Hai bên có thể thiết lập ba cơ sở hợp tác: (i) mạng lưới kết nối; (ii) xây dựng hợp tác tài chính; (iii) hợp tác ba trong khuôn khổ OBOR và tăng cường thúc đẩy hợp tác thực chất. Về phần mình, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nhấn mạnh Singapore luôn coi trọng quan hệ với Trung Quốc dưới góc độ chiến lược và dài hạn. Singapore hy vọng Trung Quốc đóng vai trò tích cực hơn để thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu và khu vực. Trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, ông Vương cho biết gần đây Trung Quốc và các nước ASEAN đã đạt được bộ khung của COC một cách thuận lợi và trước thời hạn. Một kinh nghiệm quan trọng là cần phải tạo dựng môi trường thuận lợi, loại bỏ các xao nhãng, đây là tiền đề quan trọng để đàm phán COC tiến triển. Chỉ cần Trung Quốc và các nước ASEAN tiếp tục tăng cường tin cậy, thúc đẩy hợp tác, loại bỏ những can thiệp từ bên trong và đặc biệt là bên ngoài khu vực, sau một thời gian chuẩn bị sẽ có thể triển khai tham vấn thực chất về COC. Trong khi đó, Ngoại trưởng Singapore cho rằng OBOR là một sáng kiến tuyệt vời và Singapore là người ủng hộ sáng kiến này ngay từ đầu.

Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản và hải quân Mỹ diễn tập ở Biển Đông. Cuộc diễn tập, có sự tham gia của tàu chở trực thăng Izumo, tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Sazanami và tàu sân bay Ronald Reagan của Mỹ, kéo dài trong ba ngày đến hết ngày 15/6. Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF) cho hay tàu Izumo và tàu Sazanami đã nhiều lần tham gia các cuộc diễn tập chung với quân đội Mỹ và các nước tại Biển Đông từ đầu tháng Năm. Trong khi đó, tàu sân bay Ronald Reagan cũng vừa tiến hành một cuộc diễn tập với tàu chở trực thăng Hyuga của MSDF tại biển Nhật Bản hôm 9/6.

Phân tích và đánh giá

Chính sách can dự của Ấn Độ đến tranh chấp Biển Đông” của Ali Mujtaba

Sự can dự của Ấn Độ đến tranh chấp Biển Đông có thể thấy trong “Chiến lược Phòng thủ chủ động” đang được Thủ tướng Narendra Modi theo đuổi.

Trong khi Trung Quốc đã theo đuổi một chính sách phòng thủ chủ động chống lại Ấn Độ trong thời gian dài, cho đến nay, Ấn Độ mới miễn cưỡng sử dụng chiến lược như vậy để đối phó với Trung Quốc.

Những tiến triển gần đây cho thấy mối quan tâm của Ấn Độ đến Biển Đông ngày càng tăng. Tuyên bố của Thủ tướng Ấn Độ ở những diễn đàn và tuyên bố chung với một số nước cũng đặc biệt nhắc đến tranh chấp Biển Đông.

Ấn Độ không phải một bên trong tranh chấp Biển Đông nhưng nước này có lý do để can dự vào xung đột. Một là duy trì an ninh biển, hai là phát triển quan hệ thân thiết với ASEAN để thực hiện chính sách Hành động Phía Đông và ba là đối phó với chiến lược của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

55% thương mại của Ấn Độ đi qua eo biển Malacca, một eo biển dẫn ra Biển Đông. Nếu Trung Quốc kiểm soát khu vực này, điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thương mại toàn cầu và những nước như Ấn Độ sẽ trực tiếp bị tác động.

Bất cứ xung đột quân sự nào trên Biển Đông cũng dẫn đến phân chia lại ở Ấn Độ Dương. Điều này có thể ảnh hưởng đến an ninh khu vực và quan hệ của Ấn Độ với các nước Đông Nam Á sẽ bị gián đoạn. Để tối đa hóa lợi ích của mình, Ấn Độ cần có quan hệ thân thiện với cả Trung Quốc và ASEAN, vì vậy Ấn Độ phải can dự vào tranh chấp Biển Đông.

Có vài lý do khác buộc Ấn Độ can dự vào tranh chấp Biển Đông. Một là, trong khi liên minh của Mỹ ở Châu Á yếu đi, Mỹ muốn Ấn Độ tham gia vào các vấn đề an ninh khu vực như tranh chấp Biển Đông.

Hai, tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc đe dọa cấu trúc an ninh của Ấn Độ và New Delhi muốn đối phó với Trung Quốc bằng cách can thiệp vào tranh chấp Biển Đông.

Ba, nhiều nước muốn Ấn Độ cân bằng sự quyết đoán và trỗi dậy của Trung Quốc và muốn Ấn Độ can thiệp vào tranh chấp để duy trì hòa bình và an ninh khu vực.

Bốn, chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ phải có quan hệ kinh tế và quốc phòng với các nước Đông Nam Á và các nước này muốn Ấn Độ đóng một vai trò quan trọng trong giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Năm, việc Ấn Độ có tiếng nói trong một vấn đề an ninh khu vực quan trọng tạo cho nước này có vị thế tương xứng của một cường quốc khu vực.

Cuối cùng, chính sách Biển Đông của Ấn Độ là phép thử cho chính sách phòng thủ chủ động mà New Delhi đang theo đuổi để đối phó với Trung Quốc.

Ấn Độ với tư cách là quan sát viên trung lập có thể  khẳng định vai trò đối với khu vực trong quan hệ với nước khác để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Với nỗ lực như vậy, chiến lược phòng thủ chủ động sẽ phục vụ mục đích của Ấn Độ mà không làm tổn hại đến quan hệ Trung - Ấn.

Đây không phải bản COC được mong đợi” của Gregory Poling

Ngày 18/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo Trung Quốc và Đông Nam Á đã đạt được dự thảo khung COC. Tuy nhiên, dự thảo khung chỉ là một chiến thuật trì hoãn và đánh lừa truyền thông của Trung Quốc.

Trung Quốc và ASEAN kí DOC năm 2002, hoàn thiện bản hướng dẫn thực hiện năm 2011 và dành gần như toàn bộ thời gian trong năm 2016 để đàm phán một dự thảo khung còn mập mờ. Trung Quốc không có ý định đàm phán COC với ASEAN, ít nhất không phải một COC đủ mạnh để quản lý căng thẳng Biển Đông.

Nội dung dự thảo khung vẫn là bí mật, ít nhất là đến khi được trình lên các ngoại trưởng Trung Quốc và ASEAN trong cuộc họp tháng 8 ở Manila. Thư ký ASEAN cho rằng để có hiệu quả thì COC phải có tính ràng buộc pháp lý nhưng ngoại trưởng Malaysia và Philippines xác nhận dự thảo khung không yêu cầu COC cuối cùng phải đạt được mức đó.

Một vấn đề chưa giải quết nữa là Trung Quốc và ASEAN không thảo luận về phạm vi mà dự thảo khung, hoặc COC cuối cùng, được áp dụng.

Vấn đề tiếp theo là dự thảo khung bao gồm việc tham chiếu đến việc phòng ngừa và quản lý sự cố, và thiết lập các cơ chế giám sát việc thực hiện COC nhưng không có chi tiết làm thế nào để thực hiện. Tương tự, không có thảo luận cụ thể về bảo tồn chung, phát triển tài nguyên chung, hợp tác thực thi pháp luật, đảm bảo an toàn trước các cuộc đụng độ bất ngờ giữa các lực lượng quân đội hoặc những bất đồng không tránh khỏi trong việc giải thích hiệp định. Nói cách khác, Trung Quốc và ASEAN chưa đàm phán bất kỳ vấn đề khó khăn nào mà trên thực tế COC sẽ gặp phải.

Vào tháng tới, nếu không bị trì hoãn, các ngoại trưởng Trung Quốc và ASEAN sẽ đồng ý về một danh sách mơ hồ giống như những danh sách đã được kí trong 15 năm qua. Mặc dù các bên yêu sách ASEAN đã cố gắng hết sức trong thảo luận về dự thảo khung, Trung Quốc vẫn tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo, tăng khả năng giám sát, tuần tra và mở rộng sức mạnh trên khắp Biển Đông.

Nếu may mắn, văn bản đáng thất vọng trong năm nay sẽ xúc tác một nỗ lực ngoại giao sáng tạo hơn nữa giữa các bên yêu sách ASEAN. Trung Quốc chưa muốn thảo luận thực chất về COC nhưng không có nghĩa là các nước khác không thể làm gì. Các bên yêu sách ASEAN nên thống nhất phạm vi của COC và thảo luận về cơ chế hợp tác. Đây sẽ là một khung thực sự cho COC.

Những thảo luận này không nên bị cản trở bởi cơ chế đồng thuận ASEAN. Ngoại trưởng Malaysia, Philippines, Việt Nam đã tổ chức hai buổi gặp mặt đầu tiên của nhóm làm việc mới của các bên yêu sách trong năm 2014. Nỗ lực này cần được khôi phục và mở rộng đến các nước khác như Indonesia và Singapore. Những đối tác ngoài khu vực như Úc, Ấn Độ, Nhật, Mỹ nên cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nếu được yêu cầu và ủng hộ ngoại giao cho những nỗ lực này. Một nỗ lực như vậy sẽ giúp tạo một cơ sở cho các cuộc thảo luận tương lai với Bắc Kinh và khắc họa Bắc Kinh là nước làm chậm tiến trình đàm phán COC, thậm chí có thể khuếch đại các ý kiến trong nội bộ Trung Quốc rằng, đàm phán với ASEAN sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn là cô lập vấn đề này.

Tự do hàng hải ở Biển Đông: Úc cần thể hiện quan điểm” của Donald Rothwell

Cuộc tranh luận về việc liệu Úc sẽ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải (FONOPS) ở Biển Đông nổi lên sau phát biểu của quan chức Úc Dennis Richardson, thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, và sau đó là của Malcolm Turnbull tại Đối thoại Shangri-La (2/6/2017, Singapore).

Cuối tháng 5/2017, tàu USS Dewey hoạt động trong vùng nước tiếp giáp Đá Vành Khăn, gửi tín hiệu rằng Mỹ không tôn trọng bất cứ yêu sách nào của Trung Quốc đối với lãnh hải hoặc các dạng quyền nào khác trong và xung quanh Đá Vành Khăn. Mỹ tiến hành FONOPS từ năm 1979 nhằm hai mục đích chính. Thứ nhất là đảm bảo rằng quân đội có thể di chuyển tự do giữa các đại dương, nhằm duy trì bá quyền hải quân. Thứ hai là để làm rõ rằng tất cả các quốc gia tuân thủ luật biển có thể hưởng các quyền và tự do hàng hải. Quan trọng là, năm 1949, Toà án Công lý Quốc tế khẳng định rằng quyền qua lại vô hại trong lãnh hải được áp dụng đối với tất cả các tàu, bao gồm cả tàu ​​chiến. Việc Hoa Kỳ thực hiện FONOPS gửi tín hiệu cho Trung Quốc rằng những quyền trên biển đó không thể dễ dàng bị can thiệp.

Năm 2016, Tòa trọng tài đã đưa ra một phán quyết ủng hộ Philippines, bãi bỏ đường chín đoạn của Trung Quốc . Phán quyết cho rằng Đá Vành Khăn không phải là đảo và không tạo ra bất kỳ quyền trên biển nào như lãnh hải. Trung Quốc bác bỏ phán quyết này.

Hành động gần đây của tàu USS Dewey khẳng định lại phán quyết về Đá Vành Khăn, và các tàu chiến Mỹ có quyền thực hiện các cuộc tập trận hải quân ở vùng nước liền kề. Trung Quốc đã phản ứng lại với lập trường rằng nước này có tuyên bố chủ quyền hợp pháp đối với Đá Vành Khăn và có thể tuyên bố chủ quyền đối với lãnh hải liền kề.

Úc giờ đây có cơ hội để có lập trường vững chắc và ủng hộ Mỹ. Úc đã và đang ủng hộ mạnh mẽ luật biển quốc tế và đóng vai trò tích cực trong việc đàm phán UNCLOS 1982. Cả Úc và Trung Quốc là các nước tham gia Công ước, và tôn trọng luật biển và tự do hàng hải là nền tảng cho sự thịnh vượng thương mại của Úc. Úc cũng nhắc nhở Trung Quốc về tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp và phán quyết năm 2016, nhưng những lời nói này cần phải được củng cố bởi các hành động mà, trong trường hợp này là bất kì FONOPS tiềm năng nào của Úc ở Biển Đông, hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế.

Quan điểm của Trung Quốc về tự do hàng hải đối với tàu chiến nước ngoài thuộc về thiểu số, điều mà Úc nên tích cực thách thức, nếu không nó sẽ trở thành lập trường pháp lý trên thực tế. Với các mối quan ngại về an ninh khu vực hiện tại ở Đông Nam Á và Đông Á, Úc sẽ không muốn bị hạn chế các hoạt động hải quân của mình trong việc hỗ trợ bạn bè và đồng minh khu vực chỉ vì quan điểm của Trung Quốc trong việc tàu chiến qua lại Biển Đông. Úc có lợi ích quốc gia trong việc tìm cách giải quyết bất kỳ sự mơ hồ nào về tự do hàng hải cho tàu chiến của mình, và tham gia cùng Mỹ vào FONOPS sẽ đưa ra một lập trường rõ ràng và vững chắc.

Mattis cố gắng xoa dịu quan ngại của các đồng minh tại Shangri-La của Richard Javad Heydarian

Phiên họp mới nhất của đối thoại Shangri-La ở Singapore (2-4/6) bị chi phối bởi ba vấn đề chiến lược chính.

Quan trọng nhất là sự lo lắng về hướng chính sách của Mỹ ở châu Á. Tuyên bố “nước Mỹ trên hết” của Donald Trump, việc rút khỏi TPP và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đặt câu hỏi về cam kết của Washington trong việc bảo đảm cấu ​​trúc an ninh khu vực. Ngoài ra, có quan ngại về những rắc rối chính trị nội bộ và sự tập trung ngày càng tăng của Trump vào Triều Tiên có thể làm Mỹ xao lãng các mối quan tâm chiến lược quan trọng khác, đặc biệt là các tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Nhận thức nỗi lo này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã sử dụng bài phát biểu ​​của mình như một sự đảm bảo chiến lược: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thích ứng và tiếp tục mở rộng khả năng hợp tác với các nước khác để bảo đảm an ninh, thịnh vượng và tự do ở châu Á, với sự tôn trọng tất cả các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế”, và “chúng tôi sát cánh bên các đồng minh, đối tác và cộng đồng quốc tế để cùng nhau giải quyết các thách thức an ninh.”

Mattis và Bộ Quốc phòng được xem là ngày càng đóng vai trò quyết định trong việc định hình chính sách của Washington ở châu Á.

Mattis mô tả Triều Tiên là một “mối nguy rõ ràng và hiện hữu”; và sau đó, chuyển ngay trách nhiệm  khi kêu gọi Trung Quốc kiềm chế hành vi đe doạ của nước này. Washington không phớt lờ những thách thức khác, đặc biệt ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, công khai cáo buộc Trung Quốc “coi thường luật pháp quốc tế” và “chà đạp lên lợi ích của các quốc gia khác”. Ông nhắc lại cam kết của Washington đối với an ninh của Đài Loan. Bằng phát biểu này, Mattis nhấn mạnh cam kết duy trì trật tự dựa trên các quy tắc nhằm chống lại các mối đe dọa mới, bao gồm sự quyết đoán trên biển của Trung Quốc. Ông chỉ trích hành động “cưỡng ép” của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm xây dựng căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo. Trưởng phái đoàn Trung Quốc phản đối chỉ trích này, ngầm cáo buộc Mỹ theo đuổi “an ninh thông qua các liên minh quân sự độc quyền” và “khuấy động xung đột và tạo ra rắc rối” để cô lập Trung Quốc.

Tuy nhiên, Mattis không nói chi tiết những hành động cụ thể mà Washington sẵn sàng sử dụng để thách thức tham vọng biển của Trung Quốc.

Một số đồng minh cũng bị ảnh hưởng bởi việc Mattis nhấn mạnh “thương mại công bằng” (hơn là thương mại tự do) và các thoả thuận đầu tư song phương. Mỹ dường như đang rút lui khỏi bức tranh kinh tế trong khi Trung Quốc khởi động các dự án lớn (Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB)).

Tuy nhiên, Washington và Philippines tìm thấy sự đồng cảm trong vấn đề khủng bố. Mattis bày tỏ sự cảm thông và ủng hộ đồng minh.Washington đang “tham gia hoạt động quân sự ở Mindanao” để đối phó với IS.

Bài phát biểu của Mattis được hoan nghênh như một bước quan trọng để trấn an các đồng minh và đối thủ về tương lai chính sách châu Á của Mỹ. Tuy nhiên, vẫn có những nghi ngờ sâu sắc về việc liệu chính quyền Trump có đủ kinh phí và trọng tâm chiến lược hiệu quả để đối phó với các thách thức tại đây.

Thích ứng với Biến đổi khí hậu: Vấn đề ở Biển Đôngcủa Margareth Sembiring

Tác động rõ rệt của thay đổi khí hậu ở Biển Đông

Khi đa số các quốc gia đã và đang thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường biển, ở những vùng như Biển Đông, việc quản lý môi trường biển chung lại chưa hiệu quả.

Do đó, các cơ chế khu vực nhằm bảo vệ và quản lý môi trường chung ở Biển Đông cần được đẩy mạnh, ngay cả khi các quốc gia vẫn còn bất đồng về chủ quyền và lãnh thổ ở vùng biển này.

Hợp tác bảo vệ và bảo tồn môi trường biển ở Biển Đông là nghĩa vụ theo luật môi trường và là chiến lược để kiểm soát căng thẳng trong khu vực. Sự hợp tác giữa các quốc gia giáp ranh với vùng biển kín và nửa kín, như Biển Đông, cũng được quy định tại Điều 123 Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển.

Hợp tác bảo vệ môi trường ở Biển Đông

Các quốc gia Đông Nam Á đã tiến hành hợp tác bảo vệ môi trường biển từ trước khi UNCLOS được ký kết vào năm 1982.

Tranh chấp ở Biển Đông còn có thể thúc đẩy quá trình hợp tác bảo vệ môi trường biển. Việc hợp tác về các vấn đề ít mang tính chính trị hơn như bảo vệ môi trường biển hay nghiên cứu khoa học sẽ mở cửa cho đối thoại và xây dựng lòng tin giữa các quốc gia liên quan. Ví dụ điển hình chính là chuỗi Hội thảo về Kiểm soát Nguy cơ Xung đột ở Biển Đông do Indonesia khởi xướng từ năm 1990.

Sự hiệu quả của các cơ chế hiện nay

Ở ASEAN, nhiều sáng kiến đã được thực hiện để giải quyết vấn đề hợp tác bảo vệ môi trường biển và ven biển và vấn đề biến đổi khí hậu nói chung. Các nước thành viên ASEAN cũng đã xác định một số Khu Bảo tồn Biển trong lãnh thổ của mình.

Tuy nhiên, vẫn chưa có một điều ước quốc tế hay cơ chế khu vực nào chịu trách nhiệm chung cho vấn đề quản lý môi trường chung ở biển.

Về nguyên tắc, các cơ chế hiện nay vẫn phụ thuộc vào thiện chí của mỗi quốc gia khi áp dụng các sáng kiến của khu vực trong phạm vi lãnh thổ của mình. Nhưng đối với các tác động ngày một rõ rệt của thay đổi khí hậu, các quốc gia có thể cần phải tăng cường hợp tác hơn nữa. Ngoài ra, vấn đề chủ quyền ở Biển Đông cũng gây khó khăn cho việc xác định quần đảo Trường Sa là Khu Bảo tồn Biển.

Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris

Thiếu cơ chế hợp tác quản lý môi trường biển ở vùng biển tranh chấp có thể đặt ra thử thách lớn trong trường hợp cần phải đưa ra phản ứng khi xảy ra những tai nạn tương tự như vụ việc thuyền của Anh đâm phải rặng san hô của Indonesia vào tháng Ba.

Do đó, việc thiếu vắng các quy định và cơ chế phản ứng ở khu vực đối với bảo vệ hệ sinh thái và tài nguyên biển sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu ở từng quốc gia, và tới quá trình bảo vệ môi trường biển ở khu vực.

Vấn đề này càng trở nên cấp thiết khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris. Đây sẽ là lý do để khu vực Biển Đông phải tăng cường các nỗ lực phòng chống biến đổi khí hậu, thông qua bảo vệ môi trường chung ở biển. Đại diện các quốc gia đều cho rằng các cơ chế hiện nay là chưa đủ để đáp ứng vấn đề môi trường ở Biển Đông; và một thỏa thuận pháp lý là cần thiết để tăng cường hợp tác liên chính phủ trong khu vực./.