Động thái các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc phản ứng việc Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 11/5 tuyên bố, “Trung Quốc có quyền thực thi các biện pháp quản lý hợp pháp và thực hiện nghĩa vụ quốc tế khi ban hành lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè ở Biển Đông. Biện pháp này giúp bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phát triển bền vững ở Biển Đông. Việt Nam không có quyền cáo buộc Trung Quốc, không nên khuyến khích ngư dân xâm phạm quyền và lợi ích của Trung Quốc và phương hại tới sự phát triển bền vững của nguồn lợi thủy sản ở Biển Đông".

Trung Quốc triển khai máy bay quân sự trên Đá Chữ Thập. Trang tin Jane's (Anh), ngày 12/5 trích dẫn hình ảnh vệ tinh cho thấy các máy bay của hải quân Trung Quốc hiện diện trên Đá Chữ Thập, bao gồm 01 máy bay chống ngầm KJ-200, 01 máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và 01 trực thăng Z-8. Động thái này cho thấy lực lượng không quân thuộc hải quân Trung Quốc (PLANAF) có thể đang bắt đầu triển khai định kỳ các máy bay tới căn cứ trên Đá Chữ Thập.

Tàu Hải Dương 8 rời vùng biển Malaysia, quay về Trung Quốc. Dữ liệu từ trang Marine Traffic cho biết tàu Hải Dương 8, được ít nhất 2 tàu hộ tống, đã rời khỏi EEZ của Malaysia hôm 15/5. Từ giữa tháng 4, Hải Dương 8 hiện diện gần tàu West Capella đang thực hiện hợp đồng thăm dò cho Công ty Petronas trong vùng EEZ của Malaysia. Hôm 12/5, tàu West Capella rời khỏi khu vực trên khi hoàn tất công việc. Bộ Ngoại giao Malaysia không bình luận về thông tin kể trên.

+ Việt Nam:

Việt Nam đề nghị các bên không làm phức tạp tình hình Biển Đông. Về thông tin máy bay KJ-500 và KQ-200 của Trung Quốc xuất hiện ở Đá Chữ Thập, một số tàu dân binh và tàu cá Trung Quốc đang tập trung tại một số đá như Ba Đầu, Én Đất thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng ngày 14/5 cho biết: “Tôi xin khẳng định lại Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên tại hai quần đảo không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị. Trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, Việt Nam đề nghị các bên không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.”

Hội Hữu nghị Bỉ - Việt Nam phản đối các hành động đơn phương gây căng thẳng ở Biển Đông. Chủ tịch Hội Hữu nghị Bỉ - Việt Nam Pierre Grega bày tỏ quan ngại về vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 vào vùng EEZ của Việt Nam và EEZ của Malaysia, tuyên bố thành lập “khu Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “khu Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa"....Hội Hữu nghị Bỉ-Việt Nam nhấn mạnh các ngư dân Việt Nam cần được hành nghề an toàn trong phạm vi vùng biển của Việt Nam. Những căng thẳng tại Biển Đông cần được giải quyết trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982.

+ Philippines:

Philippines không đủ ngân sách để mua trực thăng chiến đấu của Mỹ. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines ông Delfin Lorenzana ngày 13/5 đưa ra thông tin trên sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 30/4 phê chuẩn kế hoạch bán một trong hai dòng trực thăng tấn công Boeing AH-64E Apache hoặc Bell AH-1Z Viper cho Không quân Philippines. Philippines đang tìm kiếm các đối tác khác có khả năng cung cấp ít nhất sáu trực thăng tấn công dựa trên ngân sách Chính phủ phân bổ.

Quan chức Philippines muốn thúc đẩy thăm dò chung với Trung Quốc. Bộ trưởng Năng lượng Philippines ông Alfonso Cusi ngày 11/5 cho hay đầu năm 2020 Philippines và Trung Quốc dự kiến tổ chức cuộc gặp bàn về việc khai thác chung tuy nhiên tạm hõa bởi dịch Covid, “Sau khi hết giai đoạn cách ly, hai bên sẽ thảo luận về cách thức tốt nhất để thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên.” Ông Cusi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng hợp tác thăm dò chung với các quốc gia ASEAN khác, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng của Philippines.

+ Mỹ:

Mỹ khẳng định hợp tác chặt chẽ với Úc nhằm thúc đẩy hòa bình khu vực. Trong bài viết Defence Connect ngày 12/5, Đại sứ Mỹ tại Úc Arthur Culvahouse khẳng định Quan hệ Đồng Minh Vững chắc Mỹ - Úc đóng vai trò quan trọng để đối phó với những thách thức ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Việc tàu chiến hai nước diễn tập ở Biển Đông gần đây thể hiện cam kết và quyết tâm của hai nước trong việc thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở. Trung Quốc đã triển khai hải quân, cảnh sát biển và dân quân biển nhằm khẳng định quyền kiểm soát duy nhất đối với Biển Đông. Trung Quốc chỉ trích hoạt động FONOP của Mỹ là khiêu khích, nhưng thực tế Mỹ tiến hành hoạt động này liên tục trong 4 thập kỷ qua, nhằm thúc đẩy quyền tự do lưu thông phù hợp các quy định của luật pháp quốc tế. Không phải hoạt động của Mỹ, mà chính hành động hăm dọa và quân sự hóa của Trung Quốc đã làm thay đổi thực trạng trên Biển Đông. Mỹ, cùng các đồng minh và những nước chung quan điểm, sẽ tiếp tục tuyên bố rõ ràng và hành động mạnh mẽ nhằm bảo vệ các nguyên tắc phổ pháp giúp duy trì hòa bình và sự thịnh vượng ở khu vực.

Tàu chiến ven biển Gabrielle Giffords của Mỹ hiện diện gần tàu khoan West Capella. Hải quân Mỹ ngày 12/5 cho hay, đây là lần thứ hai kể từ khi tàu USS Montgomery và USNS Cesar Chavez hoạt động gần tàu khoan của Malaysia hôm 7/5. Chuẩn Đô đốc Bill Merz, Tư lệnh hạm đội 7 nhấn mạnh, “sự hiện diện thường lệ, như của tàu Gabrielle Giffords, tái khẳng định cam kết của Mỹ sẽ tiếp tục bay, lưu thông phù hợp với luật pháp quốc tế, thách thức các yêu sách quá mức. Mỹ ủng hộ nỗ lực của các đồng minh, đối tác trong việc theo đuổi các lợi ích kinh tế hợp pháp”.

Tàu chiến Mỹ USS McCampbe di chuyển qua Eo biển Đài Loan. Động thái của Mỹ diễn ra hôm 14/5 trong bối cảnh bà Thái Anh Văn tuần tới chính thức bắt đầu nhiệm kỳ “Tổng thống” thứ hai ở Đài Loan.

Thực hiện: Đinh Anh