Bản PDF tại đây
Động thái của các quốc gia
+ Trung Quốc:
Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật ở Biển Đông. Theo Cục Hải sự Trung Quốc, quân đội nước này sẽ tổ chức liên tiếp 3 cuộc diễn tập và bắn đạn thật trên Biển Đông. Theo đó, cuộc diễn tập thứ nhất diễn ra từ 7 giờ đến 20 giờ ngày 11/8 tại khu vực biển có tọa độ 18.49,55N/110.33,80E. Cuộc diễn tập thứ hai sẽ diễn ra từ 18 giờ ngày 12/8 đến 6 giờ sáng ngày 14/8, khu vực diễn tập trong các tọa độ 20.05,2N/111.15,5E, 19.57,8N/111.19,0E, 19.55N/111.14,8E và 19.58,6N/111.11,2E. Cuộc diễn tập thứ ba diễn ra từ 6 giờ sáng đến 13 giờ chiều trong hai ngày 12 và 13/8, địa điểm bắn đạn thật quanh tọa độ 18.49,55N/110.33,8E trong phạm vi quanh tọa độ trên 2,5 hải lý. Tàu thuyền bị cấm lưu thông ở những khu vực này trong khoảng thời gian nói trên.
Trung Quốc vạch ra ranh giới đối với tự do hàng hải ở Biển Đông. Bên lề một sự kiện ở Manila hôm 12/8, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa cho hay Bắc Kinh tôn trọng tự do hàng hải ở Biển Đông nhưng không cho phép nước ngoài dùng quyền này để đưa tàu chiến và máy bay quân sự xâm nhập vào vùng biển của Trung Quốc, “Không có tự do hàng hải cho tàu chiến và máy bay.” Đại sứ Trung Quốc cũng nhắc lại tuyên bố của Bắc Kinh về việc ngừng cải tạo đất và “đang xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ tự do hàng hải, công tác tìm kiếm, cứu nạn và nghiên cứu khoa học.”
Đài Loan xây dựng hải đăng trái phép trên đảo Ba Bình. Cục cảng và Biển Đài Loan hôm 7/8 cho hay việc xây dựng hải đăng tại đảo Ba Bình dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối tháng 9 năm nay. Ngọn hải đăng có chiều cao khoảng 13,7 mét, với tầm chiếu sáng 10 hải lý. Hiện Đài Loan cũng đang tiến hành cải tạo cơ sở hạ tầng của đường băng trên đảo, đồng thời xây dựng một cầu cảng dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.
+ Philippines:
Tư lệnh hải quân Philippines “lạc quan” về tranh chấp Biển Đông. Phát biểu tại lễ nhậm chức Tư lệnh hải quân Philippines ngày 10/8, chuẩn đô đốc Caesar Taccad tuyên bố: “Chúng ta sẽ tiếp tục bảo vệ vùng biển của mình và bảo vệ tương lai đất nước và người dân. Chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng một lực lượng hải quân đáng tin cậy, có thể phản ứng mau lẹ và hành động một cách sắc bén.” Tân Tư lệnh của Hải quân Philippines nhận xét rằng , “Tình hình trước đây rất căng thẳng. Nhưng hiện tại đã được cải thiện hơn nhiều. Chúng ta có liên lạc với phía Trung Quốc và ít nhiều không còn bị đe dọa như trước đây. Các bạn đã biết họ đang cố làm gì và chúng tôi đã cố duy trì ít nhiều hòa khí giữa hai bên.” Tuy nhiên Chuẩn đô đốc Caesar Taccad cũng đưa ra nhận định hết sức bất ngờ là ông “không thấy bất kỳ hành động bành trướng nào của Bắc Kinh.”
Philippines kêu gọi Trung Quốc ngừng xây dựng ở Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 13/8, Phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Philippines ông Herminio Coloma Jr. cho hay Manila vẫn kiên định với quan điểm rằng Bắc Kinh phải ngừng hoạt động cải tạo đất và xây dựng ở Biển Đông. Theo ông Coloma, Philippines sẽ tiếp tục theo đuổi phương thức ngoại giao và hòa bình trong tranh chấp Biển Đông. Tuyên bố trên đưa ra sau khi Đại sứ Trung Quốc tại Philippines khẳng định việc Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông nhằm “duy trì tự do hàng hải ở khu vực.” Đáp lại hôm 14/8, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Peter Paul Galvez tuyên bố: “Các cơ sở tìm kiếm cứu hộ (trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép) dành cho ai? Chẳng lẽ cho tàu bè của chúng ta vốn đang bị họ đe dọa phá hủy hay sao?”
+ Hàn Quốc:
Ngoại trưởng Hàn Quốc bình luận về Biển Đông. Trả lời phỏng vấn tờ Korea Herald, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se khẳng định Biển Đông là một trong những tuyến đường thương mại trên biển quan trọng của thế giới. Rõ ràng các quốc gia có lợi ích trong việc đảm bảo tự do, an ninh và an toàn hàng không, hàng hải ở Biển Đông. Hàn Quốc chủ trương các tranh chấp biển cần được giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, theo đúng các chuẩn mực quốc tế đã được khẳng định tại hội nghị ARF và hội nghị EAS tại Kuala Lumpur vừa qua. Ngoại trưởng Yun Byung-se bày tỏ hy vọng các bên sẽ sớm tiến tới hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông.
+ Anh:
Anh ủng hộ giải quyết tranh chấp Biển Đông theo luật pháp quốc tế. Phát biểu trước các sinh viên Đại học Bắc Kinh ở Trung Quốc ngày 12/8, Ngoại trưởng Anh ông Philip Hammond tuyên bố, “Chúng tôi muốn thấy các bên giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp chứ không phải bằng sức mạnh, phù hợp với xu hướng hòa bình và ổn định lâu dài trong khu vực, đảm bảo tự do hàng hải và hàng không, tuân thủ luật luật pháp quốc tế.” Theo Ngoại trưởng Hammond, Anh có lợi ích lớn trong việc duy trì ổn định ở Biển Đông mặc dù nước này không đứng về bên nào trong tranh chấp.
Quan hệ các nước
Tàu Trung Quốc áp sát tiền đồn của Philippines ở Biển Đông. Hạ nghị sĩ Philippines Francisco Acedillo dẫn các nguồn tin tình báo cho hay tàu cảnh sát biển Trung Quốc đang neo đậu “rất gần” chiến hạm Sierra Madre của nước này mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây, “Đối với tôi đây là một vấn đề rất lớn, bởi vì nếu xảy ra một tình huống mà đơn vị thuỷ quân lục chiến của chúng ta bị buộc phải rời khỏi đây thì Trung Quốc sẽ giành được chỗ đứng ở bãi cạn này một cách rất dễ dàng.” Theo ông Acedillo, chiếc tàu Trung Quốc đã thả neo cách đây hơn một tháng và chưa rõ tại sao vẫn còn ở đó cho tới bây giờ.
Việt - Trung đối thoại Chiến lược Quốc phòng. Chiều 10/8 tại Hà Nội, Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn và Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Trung Quốc do Thượng tướng Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng làm Trưởng đoàn đã tiến hành Đối thoại Chiến lược Quốc phòng Việt - Trung lần thứ 5. Tại đối thoại, hai bên đã chia sẻ những vấn đề liên quan, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng của hai nước. Hai bên cũng trao đổi các biện pháp nhằm đưa quan hệ hợp tác quốc phòng song phương đi vào chiều sâu, hiệu quả thiết thực, góp phần củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa quân đội và nhân dân hai nước.
Trung Quốc đáp trả chỉ trích của Mỹ về Biển Đông. Trong một tuyên bố gửi Reuters hôm 10/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố tự do hàng hải và hàng không không có nghĩa là cho phép tàu chiến và máy bay quân sự nước ngoài xâm phạm chủ quyền và an ninh các nước khác. Trung Quốc coi tự do hàng hải trong khu vực là yếu tố then chốt bởi nó có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động thương mại. Tuyên bố trên đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 6/8 khẳng định Mỹ sẽ không chấp nhận bất kỳ sự hạn chế tự do hàng hải và hàng không nào trong khu vực.
Phân tích và đánh giá
“Đối phó với Chiến dịch Xây dựng đảo của Trung Quốc ở Biển Đông” của Kōda Yōji
Căn cứ Tam Á trên đảo Hải Nam đóng vai trò hậu cần cho chiến lược vươn ra Biển Đông của Trung Quốc. Việc cải tạo và xây dựng trên đảo Phú Lâm đã biến hòn đảo này thành một căn cứ tiền tiêu với một sân bay, đường băng dài 2,5km và có khả năng phục vụ neo đậu cho các tàu chiến lớn. Nhưng tại trung tâm và phía nam Biển Đông, Trung Quốc lại không có căn cứ và sự hiện diện quân sự như vậy. Điều đó hạn chế Trung Quốc triển khai tàu chiến ở khu vực này. Do đó Trung Quốc đã tập trung vào hoạt động cải tạo đảo ở Đá Chữ Thập và sáu rạn san hô trong bán kính 200 km của bãi đá này. Khi toàn bộ công trình này hoàn tất, cùng với Đảo Phú Lâm và Hải Nam, cán cân quân sự sẽ nghiêng về Trung Quốc. Nếu như cộng đồng quốc tế không ngăn được hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc, bước tiếp theo sẽ là Bãi cạn Hoàng Nham/Scarborough.
Như vậy, với các căn cứ trên đảo Phú Lâm, Đá Chữ Thập và Bãi cạn Scarborough, Trung Quốc sẽ kiểm soát toàn bộ khu vực hình tam giác với chiều dài từng cạnh là 650 đến 900 km, mở rộng phạm vi hoạt động của tàu ngầm hạt nhân chiến lược, tạo ra những hệ quả nghiêm trọng đối với an ninh, chính trị và kinh tế toàn cầu.
Trước viễn cảnh như vậy, Nhật Bản cần phải làm gì?
Nhật Bản phải có những nỗ lực để trực tiếp ngăn chặn hoạt động cải tạo đảo phi pháp của Trung Quốc bằng các hoạt động ngoại giao, chính trị và quân sự. Sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực cùng với sự hỗ trợ của Nhật Bản sẽ đóng vai trò chính. Các căn cứ của Mỹ ở Hàn Quốc phải sẵn sàng cho mọi tình huống ở bán đảo Triều Tiên, các lực lượng đóng tại Nhật Bản hoặc chính lực lượng của Mỹ sẽ đối phó với mọi sự thay đổi ở Biển Đông. Nhật Bản không chỉ hỗ trợ cho Mỹ mà còn phải xây dựng những khuôn khổ cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật (SDF) hợp tác đầy đủ với các đơn vị của Mỹ để thực hiện mọi hành động chiến lược đối phó với khủng hoảng ở Biển Đông.
Với vai trò là “lá chắn” cho Mỹ ở khu vực, SDF phải đủ năng lực đảm nhiệm được cả hai vai trò: bảo vệ lãnh thổ và đảm bảo an ninh cho các tuyến đường biển và hỗ trợ Mỹ. Ngoài ra, Mỹ và Nhật Bản cần thiết phải xây dựng một cơ chế về việc thu thập và chia sẻ thông tin, hỗ trợ phát triển năng lực trên biển cho các quốc gia, đặc biệt là Philippines và Việt Nam.
Giải quyết vấn đề Biển Đông cần tập trung vào các giải pháp chính trị và ngoại giao, đồng thời phải tăng cường năng lực quân sự, điều đó mới có thể buộc Trung Quốc phải ngồi vào bàn đàm phán nghiêm túc về vấn đề Biển Đông. Nhật Bản sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho cả Mỹ và các quốc gia khu vực để đạt được giải pháp này.
“Chiến lược chung cho hòa bình ở Biển Đông“ của Đỗ Thanh Hải
Suốt 6 năm qua, Biển Đông giống như chảo lửa sôi sục. Nguyên nhân xuất phát từ những hành vi cứng rắn và yêu sách bành trướng của Trung Quốc. Điều này gây ra lo ngại không chỉ đối với các quốc gia ven biển mà còn cho cả các cường quốc trên thế giới. Vậy cần phải làm gì để ngăn chặn các hành vi quyết đoán của Trung Quốc, duy trì sự ổn định ở Biển Đông?
Trong vấn đề Biển Đông, ý đồ của Trung Quốc là kết hợp bốn yếu tố - sức mạnh, cự ly, sự kiên nhẫn và bền bỉ. Bốn yếu tố này sẽ giúp Trung Quốc thống trị Biển Đông. Các quốc gia yêu sách ASEAN có thể đối phó với ba yếu tố sau nhưng sẽ không thể đối phó được với sức mạnh của Trung Quốc. Như vậy, nếu các quốc gia yêu sách trong ASEAN và Mỹ không phối hợp với nhau thì sẽ không có cơ hội đảm bảo hòa bình ở Biển Đông.
Chính vì vậy việc tìm kiếm một chiến lược và tầm nhìn chung là điều cần thiết để đẩy lùi và ngăn chặn những hành vi quyết đoán của Trung Quốc trong tương lai. Để làm được điều này các quốc gia Đông Nam Á và Mỹ cần có một hiệp định bao gồm 4 yếu tố cơ bản sau:
1. Một trung tâm thông tin về các hoạt động trên Biển Đông và cơ chế chia sẻ thông tin tình báo giữa các bên;
2. Các chương trình hợp tác cụ thể để tăng cường năng lực trên biển cho các quốc gia ASEAN để quản lý, giám sát vùng EEZ của mình và xử lý các sự cố trên biển;
3. Một cam kết đóng băng các hoạt động xây dựng, chiếm đóng hiện tại và một bộ quy tắc ứng xử để duy trì nguyên trạng. Theo đó, các điều khoản phải được liệt kê dưới dạng “được phép” và “không được phép” và áp dụng cho tất cả các bên. Cam kết này cần đi kèm với một cơ chế thực thi đối với các quốc gia Đông Nam Á (có thể có hoặc không sự tham gia của Trung Quốc).
4. Quan trọng nhất là cần có một cam kết và kế hoạch hành động cụ thể quy định những phản ứng mang tính tập thể đối với mọi hành vi đe doạ nguyên trạng và vi phạm UNCLOS.
Chiến lược và tầm nhìn chung này không phải một liên minh chiến lược nhằm kiềm chế Trung Quốc, mà chỉ là sự hợp tác mang tính chức năng nhằm đảm bảo ổn định, hòa bình ở Biển Đông. Quan trọng hơn cả là Mỹ và Nhật Bản cần phải gắn mình vào tiến trình này chứ không chỉ đơn thuần là bên hỗ trợ.
Hòa bình, tự do hàng hải và tuân thủ luật pháp ở Biển Đông là lợi ích cho tất cả các quốc gia. Do đó gánh nặng này không thể chỉ đặt trên vai các quốc gia Đông Nam Á.
“Vai trò của nhóm các nước tầm trung trong vấn đề Biển Đông” của Benjamin Engel
Nhóm các nước MIKTA bao gồm Mexico, Indonesia, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Úc tuy mới chỉ được hình thành vào năm 2013, nhưng giờ đây lần đầu tiên họ có cơ hội tác động mang tầm ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.
Rõ ràng, không một thành viên nào của MIKTA có thể đơn phương tác động đến diễn biến căng thẳng trong khu vực. Úc từng bị truyền thông Trung Quốc chỉ trích vì bình luận về hoạt động xây đảo trái phép của Bắc Kinh. Trong khi Hàn Quốc cũng phải cân nhắc lựa chọn giữa liên minh quân sự với Mỹ và mối quan hệ thương mại lớn nhất với Trung Quốc. Chỉ có những nỗ lực chung của các thành viên trong nhóm MIKTA mới có thể giúp giảm căng thẳng và tiến tới một giải pháp hòa bình ở Biển Đông. Tuyên bố của MIKTA khẳng định: “Các thành viên trong nhóm sẽ đóng vai trò xây dựng một cách tích cực các vấn đề trên toàn cầu, tham gia các nỗ lực chung để cùng chia sẻ định hướng, cách tiếp cận đạt được sự đồng thuận giữa các thành viên MIKTA”.
Trong khi mục tiêu chính của MIKTA hướng đến giải quyết các vấn đề toàn cầu, tạo điều kiện thông tin liên lạc giữa các khu vực, nhóm các nước tầm trung cũng sẵn sàng tham gia vào các vấn đề điểm nóng như chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, hiệu quả từ tuyên bố của MIKTA trong vấn đề Bắc Triều Tiên là rất khiêm tốn. Điểm yếu của MIKTA là bản thân hiệp hội cũng như các quốc gia thành viên thường không được các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc nhìn nhận đúng đắn. Nhưng điều đó lại góp phần giúp cho các nước trong nhóm MIKTA tập hợp cùng chia sẻ lợi ích phù hợp nhất và đem đến sự cân bằng đáng kể, tác động đến các cường quốc như Mỹ hay Trung Quốc.
Đối với vấn đề Biển Đông, liệu MIKTA có chung mối quan tâm trong vấn đề giải quyết hòa bình các tranh chấp? Indonesia mong muốn một giải pháp hòa bình đối với tranh chấp, vì “đường 9 đoạn” chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Hàn Quốc có thể bị kéo vào cuộc đối đầu giữa Mỹ-Trung Quốc bởi cam kết trong liên minh quân sự. Úc đã bắt đầu có những động thái phản đối hành động xây đảo trái phép của Trung Quốc từ đầu mùa hè năm nay và có mối quan tâm rõ ràng trong việc duy trì tự do hàng hải trong khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico không có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông nhưng cả hai nước đều xây dựng mối quan hệ kinh tế và quân sự với Mỹ và Trung Quốc.
Vấn đề quan trọng nhất là liệu các nước thành viên MIKTA có đủ niềm tin vào một tổ chức chỉ mới thành lập để lên tiếng và đóng vai trò là cầu nối trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông hay không. Đây là “cơ hội vàng” để MIKTA chính thức có một tác động tích cực đối với nền chính trị toàn cầu.
“Giành lại thế chủ động ở Biển Đông” của Col Michael W. “Starbaby” Pietrucha
Một chiến lược toàn diện, hiện đại hóa, can dự dài hạn đặt trọng tâm vào các quốc gia đối tác và không lực Mỹ có thể đối phó hiệu quả với Trung Quốc tại Biển Đông và ngăn ngừa lấn chiếm trong tương lai.
Chiến lược của Mỹ đề xuất có ba yếu tố: lập quan hệ phòng thủ mới, xây lực khả năng phòng thủ không quân và hải quân của quốc gia đối tác, hiện đại hóa lực lượng oanh tạc tầm xa.
Cấu trúc phòng thủ mới
Có bốn quốc gia có vị trí chi phối Biển Đông: Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia và Philippines. Chính sách ngăn chặn của Mỹ có thể được cải thiện rất nhiều với sự tham gia tích cực của một hay nhiều quốc gia láng giềng quan trọng này, ngay cả khi không có căn cứ quân sự Mỹ trong vùng.
Chiến lược Con Chồn
Chiến lược “Con Chồn” nhằm mục đích tăng cường khả năng phản công trên không và trên biển của các quốc gia đối tác, đây là một trong những thành tố chính để vô hiệu hóa thế chủ động của Trung Quốc.
Vai trò của Mỹ trong việc xây dựng khả năng tác chiến trên không và trên biển cho các quốc gia đối tác là điều cực kỳ quan trọng nhưng vào thời điểm này lại không khả thi. Mỹ hiện không có hệ thống không quân hay hải quân nào phù hợp để chuyển giao cho các đối tác trong vùng, điều hành và duy trì với số lượng vừa đủ.
Để có thể thực hiện Chiến lược Con Chồn thành công, chúng ta phải giải quyết khả năng cố vấn không lực và chọn ra những loại phi cơ thích hợp. Quan trọng hơn hết, chúng ta phải kèm theo nỗ lực cố vấn bằng một cam kết dài hạn.
Oanh tạc cơ
Oanh tạc cơ có thể hoạt động từ các căn cứ quân sự nước ngoài như Không quân Hoàng gia Anh tại Tindall hoặc Diego Garcia, trong khi B-52J có thể bay trực tiếp đến Biển Đông không cần tiếp tế nhiên liệu trên không từ lãnh thổ của Mỹ như Wake, Guam hay ngay cả từ Hawaii.
Các oanh tạc cơ có khả năng cô lập các đảo quân sự bằng cách tấn công trực tiếp hoặc bao vây bằng thủy lôi. Một yếu điểm khác của các căn cứ quân sự xây trên các đảo nhân tạo là khó có thể củng cố bằng hầm dưới đất, do đó việc oanh tạc tiêu hủy các căn cứ này có khả năng có hiệu quả đáng kể.
Một sự kết hợp các mối quan hệ phòng thủ đã được tăng cường, năng lực không quân và hải quân do Mỹ xây dựng được hỗ trợ bởi lực lượng oanh tạc cơ tầm xa của Không quân Mỹ đòi hỏi sự đầu tư lớn cả về thời gian và nguồn lực. Gánh nặng này không chỉ đặt vào Mỹ. Để tái cân bằng vùng Thái Bình Dương, một chiến lược can dự mạnh mẽ là điều cần thiết nhằm ngăn chặn Trung Quốc và trấn an các đối tác và đồng minh tại Châu Á
“Hạm đội tàu nạo vét: Công cụ thúc đẩy chủ quyền ở Biển Đông và mở rộng phạm vi ảnh hưởng” của Andrew Erickson
Chiến lược Con đường Tơ lụa Trên biển và ngoại giao kinh tế là tác nhân chính thúc đẩy hoạt động cải tạo đảo, xây dựng cảng biển của Trung Quốc. Đây là một phần trong tổng thể chiến lược mà Bắc Kinh đã tận dụng sức mạnh kinh tế, sự phát triển về kỹ thuật và công nghiệp để thực hiện mục tiêu địa chính trị: bảo vệ yêu sách ở Biển Đông và thúc đẩy sáng kiến Con đường Tơ lụa trên biển.
Hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc đã trở thành chủ đề nóng trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN gần đây ở Malaysia. Các quốc gia, trong đó có Malaysia, vốn kín tiếng trong vấn đề này, đã bác bỏ yêu cầu không nêu vấn đề Biển Đông của Trung Quốc trước Hội nghị.
Hoạt động xây dựng như vậy đòi hỏi phải có một hạm đội tàu nào vét rất lớn, vốn không hề tồn tại trong 15 năm qua. Bắt đầu từ năm 2001, Trung Quốc đã nỗ lực mở rộng và nâng cấp hạm đội tàu nạo vét lúc đó còn kém chất lượng để thỏa mãn nhu cầu trong nước ngày càng tăng về đường thủy, cảng nước sâu và để chiếm một vị trí hàng đầu trong thị trường nạo vét toàn cầu đang phát triển nhanh chóng. Do đó Bắc Kinh đã tìm mọi cách xây dựng một hạm đội tàu nạo vét lớn. Không những thế, Trung Quốc còn tập trung vào việc chế tạo tàu hút bùn lớn hơn và hiện đại hơn nhiều so với tàu cùng loại của các nước khác. Cuối cùng, Trung Quốc đã chiếm ngôi đầu thế giới, xét về công suất của đội tàu nạo vét.
Trung Quốc đầu tư mạnh vào việc xây dựng và phát triển hải cảng “khắp khu vực Đông Nam Á và Nam Á”. Trung Quốc đã đổ gần một tỷ USD để xây dựng cảng Kuantan (Malaysia), xây dựng cầu cảng mới ở Colombo (Sri Lanka) và góp phần đáng kể vào việc mở rộng cảng Gwadar (Pakistan). Hạm đội tàu hút bùn của Trung Quốc hiện đang góp phần mở ra “con đường tơ lụa trên biển”.
Trong vòng chưa đầy một thập kỷ, Bắc Kinh đã xây dựng và triển khai một hạm đội tàu nạo vét khổng lồ để “thay đổi địa lý” theo đúng nghĩa đen của cụm từ này và sử dụng sức mạnh kinh tế-công nghệ ngày càng gia tăng để thúc đẩy các mục tiêu địa chiến lược của Trung Quốc.
Như vậy, không loại trừ khả năng Bắc Kinh sử dụng hạm đội tàu nạo vét hùng hậu để xây dựng căn cứ hải quân ở nước ngoài hoặc mở rộng các cảng thương mại hiện có đến một kích thước đủ lớn để cho tàu chiến Trung Quốc lưu trú và qua đó, tăng cường khả năng tác chiến biển xa của Hải quân Trung Quốc./.