Động thái các quốc gia

+ Trung Quốc:

Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định cam kết với chủ nghĩa đa phương. Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hôm 15/2, Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định để thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, (i) các nước cần kiên định với chủ nghĩa đa phương và tìm kiếm sự phát triển chung. Không phải là chủ nghĩa đa phương nếu chỉ có các nước phương Tây được thịnh vượng trong khi các nước khác luôn lạc hậu; (ii) thành công của chủ nghĩa đa phương đòi hỏi các nước lớn cần gánh vác trách nhiệm và bảo vệ lợi ích chung. Không đối đầu và đối lập nhau, cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định thế giới; (iii) các quy phạm quốc tế cần phải được tôn trọng. Chủ nghĩa đa phương không chấp nhận các hành động đơn phương, quan hệ quốc tế cần được dân chủ hóa và dựa trên quy tắc của luật pháp quốc tế; (iv) cần nâng cao nhận thức về cộng đồng chung thế giới. Về Biển Đông, Ngoại trưởng nhấn mạnh Trung Quốc kiên trì giải quyết thỏa đáng vấn đề tranh chấp Biển Đông thông qua đối thoại và đàm phán; nỗ lực cùng với ASEAN sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông.

+ Philippines:

Philippines thông báo chấm dứt thỏa thuận VFA với Mỹ. Ngày 11/2, người phát ngôn của Tổng thống Philippines ông Salvador Panelo cho biết Tổng thống Rodrigo Duterte đã yêu cầu Ngoại trưởng Teodoro Locsin gửi thông báo chính thức tới Mỹ về quyết định chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) giữa của hai nước. Ông Panelo dẫn lời Tổng thống Duterte: "Đã đến lúc chúng ta phải tự lực, chúng ta sẽ tăng cường năng lực phòng thủ và không phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào khác. Chúng ta không muốn một thỏa thuận một chiều." Trên trang Twitter, Ngoại trưởng Teodoro Locsin viết: "Phó Đại sứ Mỹ tại Philippines đã nhận được thông báo ngừng VFA của Philippines." Theo các điều khoản trong VFA năm 1998, việc rút khỏi thỏa thuận sẽ chính thức có hiệu lực trong 180 ngày, khoảng thời gian để hai bên có thể đàm phán về vấn đề này.

+ Indonesia:

Indonesia muốn nâng cấp Cơ quan an ninh biển thành lực lượng tuần duyên. Ngày 12/2, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã bổ nhiệm Phó đô đốc Aan Kurnia làm tân Giám đốc Cơ quan An ninh Biển (Bakamla), thay ông Achmad Taufiqoerrochman nghỉ hưu. Phát biểu sau lễ nhậm chức của Phó đô đốc Aan, Tổng thống Widodo cho biết ông định hướng Bakamla sẽ là lực lượng tuần duyên, thay là cơ quan điều phối các hoạt động đảm bảo an ninh biển, và Bakamla được trao thẩm quyền đảm bảo an ninh biển. Trong khi đó, Phó đô đốc Aan cho biết một trong những ưu tiên trước mắt là phối hợp với các cơ quan an ninh biển liên quan. Bakamla cần chuẩn hóa nhân sự bắt nguồn từ nhiều lực lượng khác nhau như quân đội, cảnh sát quốc gia, đồng thời mong muốn chính phủ nâng cấp vũ khí cho Bakamla. Bakamla được Tổng thống Widodo thành lập vào cuối tháng 12/2014.

+ Malaysia:

Malaysia thúc giục các nước phương Tây cùng duy trì hòa bình tại Biển Đông. Phát biểu tại một sự kiện bên lề hội nghị an ninh quốc tế hôm 15/2, Bộ trưởng Quốc Phòng Malaysia Mohamad Sabu kêu gọi các cường quốc phương Tây đóng vai trò duy trì hòa binh và ổn định tại Biển Đông, không để khu vực này diễn ra “cuộc chiến ủy nhiệm” như tại Trung Đông và Bắc Phi. Theo ông Sabu, “Trung Quốc là cường quốc đang lên. Malaysia tiếp tục hợp tác với Trung Quốc.” Bộ Quốc Phòng Malaysia cũng ra thông cáo khẳng định, việc Bộ trưởng Mohamad tham gia hội nghị an Munich nằm trong mục tiêu Sách Trắng Quốc Phòng của Malaysia, nhằm thúc đẩy các quan hệ hợp tác về an ninh và quốc phòng các bên cùng quan tâm.

+ Singapore:

Singapore nhấn mạnh tự do hàng hải và xây dựng lòng tin ở Biển Đông. Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 14/2,  Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho hay, “Vấn đề hóc búa đầu tiên ở Biển Đông là một giải pháp toàn diện trong tương lai gần như là không thể, đặc biệt về vấn đề chủ quyền. Một vấn đề khác là nguyên trạng gồm các căn cứ quân sự và dân sự vẫn tồn tại trên các thực thể và đảo tranh chấp. Trong phạm vi hai vấn đề này, các vấn đề chính cần được giải quyết có thể tập trung vào ngăn ngừa xung đột, thay vì giải quyết xung đột. Đầu tiên là tuân thủ tự do hàng hải mặc dù tồn tại các yêu sách chồng lấn. Tất cả các bên phải cho phép tự do hàng hải đối với cả thương mại và dân sự, tức quyền qua lại không bị cản trở và tự do huấn luyện quân sự trong vùng biển quốc tế bao gồm vùng EEZ theo UNCLOS. Phán quyết năm 2016 đã khẳng định không có đảo nào ở Trường Sa có khả năng tạo ra vùng biển mở rộng, nói cách khác, dù cho quốc gia nào sở hữu thực thể nào, các tàu và máy bay, cả thương mại và quân sự đều có thể hoạt động trong khu vực theo các quy định của UNCLOS. Thứ hai là khai thác các cơ chế thăm dò tài nguyên chung như nghề cá và dầu khí. Những lĩnh vực trong tâm này có thể được triển khai để thúc đẩy lợi ích chung mà không ảnh hưởng tới các tranh chấp. Trong lúc đó, các cơ chế quốc phòng của ASEAN đã được triển khai để hỗ trợ giảm leo thang và tăng cường hiểu biết chung. Những tương tác này nhằm mục tiêu xây dựng lòng tin.”  

+ Campuchia:

Campuchia cho phép công ty Trung Quốc thăm dò dầu khí ở Vịnh Thái Lan. Tổng cục trưởng Tổng cục dầu mỏ Campuchia ông Chiep Sua hôm 13/2 cho biết, Chính phủ Campuchia đã cấp giấy phép thăm dò 3 năm cho công ty Cambodian Resources Energy Development Co. Ltd, công ty có vốn đầu tư của Trung Quốc, tại Lô D ở Vịnh Thái Lan. Khu vực thăm dò này có diện tích bề mặt hơn 5.000 km vuông. Hiện nay, công ty trên đang nghiên cứu về trữ lượng, sau đó, có thể xin cấp phép khai thác dầu tại khu D.

+ Mỹ:

Mỹ cảnh báo việc Philippines chấm dứt Hiệp định thăm viếng quân sự. Trước việc Philippines ngày 11/2  tuyên bố chấm dứt hiệp định VFA năm 1998, Đại sứ quán Mỹ tại Manila gọi động thái này là "bước đi nghiêm trọng với hậu quả nặng nề." Phát biểu với giới phóng viên khi trên đường đến châu Âu ngày 11/2, Bộ trưởng Esper nhấn mạnh: “Tôi nghĩ việc hủy VFA là động thái sai hướng trong khi Mỹ cùng Philippines, một số đối tác và đồng minh trong khu vực đang cố gắng yêu cầu Trung Quốc cần phải tuân theo các quy định về trật tự quốc tế.” Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Đô đốc Mỹ Philip Davidson cho hay động thái của Philippines làm suy yếu hợp tác chống khủng bố ở Mindanao. Trong khi đó phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng hôm 12/4, Tổng thống Trump nói, "Tôi thực sự không bận tâm nếu họ muốn làm vậy, chúng tôi sẽ tiết kiệm rất nhiều tiền. Quan điểm của tôi không giống với những người khác.”

Đô đốc Mỹ cảnh báo Trung Quốc đe dọa ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong bài phát biểu tại Sydney hôm 13/2, Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Đô đốc Mỹ Philip Davidson cáo buộc “Trung Quốc tìm cách kiểm soát dòng chảy thương mại, tài chính, truyền thông, chính trị và đời sống tại Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nước này đe dọa chủ quyền của các quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương và làm ảnh hưởng tới sự ổn định của khu vực. ” Theo ông Davidson, “Mỹ dồn toàn lực đối phó Trung Quốc ở Thái Bình Dương bởi những yêu sách lãnh thổ quá mức, chính sách ngoại giao bẫy nợ, vi phạm các quy tắc quốc tế, đánh cắp tài sản quốc tế, hăm dọa quân sự và nạn tham nhũng.” Đô đốc Davidson nhận định Trung Quốc sẵn sàng trừng phạt Úc về kinh tế khi có hành động bất lợi, như trì hoãn xuất khẩu than của Úc ở cảng Trung Quốc khi Úc loại Huawei khỏi hệ thống 5G.

Mỹ đưa tàu chiến qua eo biển Đài Loan, tiến vào Biển Đông. Người phát ngôn Hạm đội 7 đại úy Joe Keiley cho hay, “Tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville (CG-62) đã đi qua Eo biển Đài Loan ngày 15/2 phù hợp với luật pháp quốc tế. Động thái này chứng tỏ cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục lưu thông ở bất kỳ nơi nào luật pháp cho phép.” Đây là lần thứ 2 trong năm 2020, tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan. Trước đó vào ngày 17/1, tuần dương hạm USS Shiloh (CG-67) thực hiện hành trình tương tự.

Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng tự do hàng hải. Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 hôm 15/2, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Trung Quốc đã xâm phạm vùng EEZ của Việt Nam, Philippines và Indonesia. Như vậy, Trung Quốc có ranh giới biển hay tranh chấp biển với gần như mọi quốc gia gần kề. Mỹ hợp tác với các quốc gia cùng bảo vệ các tuyến hải lộ của Eo biển Hormuz và bảo đảm tự do hàng hải tại Biển Đông. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng khẳng định Trung Quốc là mối quan ngại hàng đầu của Mỹ. Mỹ không hướng tới đối đầu với Trung Quốc nhưng là một thành viên trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc cần minh bạch và tôn trọng chủ quyền, tự do và quyền của các quốc gia. Hành động của Trung Quốc gần đây gây rất nhiều quan ngại. Theo thời gian, Mỹ chứng kiến Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông, đồng thời tìm kiếm các công nghệ mới nhằm thay đổi cục diện quyền lực và định hình theo hướng có lợi cho Trung Quốc, bất chấp tổn hại của những nước khác. Mỹ kêu gọi các đồng mình và đối tác sẵn sàng hành động khi đánh giá toàn diện các nguy cơ thách thức lâu dài do Trung Quốc gây ra.”

+ Nhật Bản:

Nhật Bản bàn giao tàu tuần tra Hakurei Maru cho Indonesia. Vụ trưởng châu Á-Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia Santo Darmosumarto và Đại sứ Nhật Bản tại Indonesia Masafumi Ishii ký kết Biên bản bàn giao ngày 14/2. Phát biểu tại buổi lễ, Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Nhật Bản tại Jakarta Shimizu Kazuhiko nhấn mạnh Indonesia bị thiệt hại do nạn đánh bắt cá bất hợp pháp song Bộ Biển và Nghề cá của nước này không có tàu nào có khả năng tuần tra trên biển. Theo ông Kazuhiko, Nhật Bản sẽ đào tạo về sửa chữa và điều khiển tàu cho thủy thủ đoàn Indonesia. Tàu sẽ chính thức được bàn giao cho Bộ Biển và Nghề cá Indonesia vào năm 2021. Ông Kazuhiko cũng cho biết đây là lần đầu tiên Chính phủ Nhật Bản bàn giao tàu tuần tra cho một quốc gia khác.

Hoạt động song phương, đa phương

Indonesia – Úc phản đối hành vi quân sự hóa Biển Đông. Tuyên bố chung giữa Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Úc Scott Morrison trong khuôn khổ chuyến thăm Úc ngày 10/2 khẳng định, “Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với những diễn biến ở Biển Đông, trong đó có hành vi quân sự hóa các thực thể đang tranh chấp ở Biển Đông; khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không. Hai nước kêu gọi giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982. Hai bên nhấn mạnh việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông cần đảm bảo phù hợp luật pháp quốc tế, không làm phương hại đến lợi ích và quyền lợi của bên thứ ba hoặc các quốc gia khác, giúp củng cố cấu trúc khu vực hiện nay.”

Hội nghị Các Quan chức cao cấp ASEAN-EU. Tại Hội nghị ngày 11/2, các nước nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực. Về tình hình Biển Đông, các nước kêu gọi các bên kiềm chế, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, đoàn Việt Nam thay mặt ASEAN khẳng định tiếp tục thúc đẩy quan hệ gắn kết giữa ASEAN với các đối tác, trong đó có EU, để chủ động thích ứng với các thách thức hiện nay đồng thời nắm bắt những cơ hội từ Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Cuộc họp Ủy ban Hợp tác chung ASEAN – Mỹ lần thứ 11. Đây là cuộc họp thường niên cấp Đại sứ nhằm đánh giá tình hình triển khai các dự án và hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN- Mỹ.  Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại ASEAN, tham dự cuộc họp ngày 14/2. Mỹ khẳng định coi trọng hợp tác với ASEAN và vị trí quan trọng của ASEAN trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trên cơ sở các nguyên tắc tự do, minh bạch, bao hàm, thượng tôn pháp luật, vai trò trung tâm của ASEAN và củng cố các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Mỹ nhấn mạnh tiếp tục ủng hộ các nỗ lực và vai trò của ASEAN trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông với Trung Quốc, cũng như bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982.

Thực hiện: Đinh Anh