Bản PDF tại đây

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc ngang nhiên mở tuyến du lịch tới Quần đảo Hoàng Sa. Tàu du lịch Coconut Princess hôm 2/9 đã khởi hành từ Tam Á, thực hiện chuyến đi đầu tiên trên tuyến Tam Á – Hoàng Sa. Trong tour du lịch 4 ngày trên tàu, với giá vé khoảng từ 4.000 tới 10.000 NDT, khoảng 200 khách sẽ thăm 3 đảo trong quần đảo Hoàng Sa gồm bãi Xà Cừ, đảo Ba Ba và đảo Ốc Hoa, “đánh bóng chuyền trên cát, lặn, câu cá và chụp ảnh cưới”. Tháng 4/2013, Trung Quốc mở tuyến đường du lịch từ Hải Khẩu, cũng ở Hải Nam, tới Hoàng Sa. Tuyến Tam Á - Hoàng Sa được cho là ngắn hơn với thời gian di chuyển là 12 giờ.

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối Trung Quốc mở tuyến du lịch mới tới Quần đảo Hoàng Sa. Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 4/9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa. Việc Trung Quốc khai thác du lịch ở khu vực này là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp với Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam  - Trung Quốc cũng như tinh thần Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông, làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông và khu vực. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động sai trái này.”

+ Philippines:

Philippines, Nhật Bản kêu gọi tuân thủ luật lệ trên biển. Đoàn đại biểu 13 nghị sĩ Nhật Bản cùng 6 nghị sĩ Philippines hôm 3/9 đã cùng ký một văn kiện chung về hợp tác thúc đẩy luật lệ trên biển, thống nhất "không được đơn phương dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng" ở những khu vực tranh chấp. Văn kiện khẳng định: (1) các nước cần làm rõ các yêu sách dựa trên luật pháp quốc tế; (2) các nước không sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép trong việc hiện thực hóa yêu sách chủ quyền; (3) các nước cần giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình tránh đơn phương thay đổi hiện trạng và thông qua sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép. Ông Hiroshi Nakada, thành viên Hạ viện Nhật Bản, người dẫn đầu đoàn nghị sĩ nước này tuyên bố: “Chúng tôi muốn có hòa bình và an toàn trên các vùng biển. Để làm điều này, các thành viên trong quốc hội cần cùng ngồi lại, thảo luận biện pháp giải quyết những xung đột." Nghị sĩ Rodolfo Biazon, dẫn đầu đoàn Philippines cho biết việc ký kết văn kiện mới chỉ là bước đầu tiên và hai bên cần nêu ra vấn đề này trước chính phủ mỗi nước.

+ Mỹ:

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ thăm Trung Quốc. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice có chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 7-9/9. Theo Nhà Trắng, bà Susan Rice sẽ có các cuộc tham vấn với các quan chức cấp cao của Bắc Kinh, trong đó có cuộc gặp Ủy viên quốc vụ Dương Khiết Trì. Chuyến thăm của bà Rice diễn ra trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có khả năng sẽ gặp trực tiếp tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào cuối tháng này và gặp nhau tiếp tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ở Trung Quốc vào tháng 11 tới.

Quan hệ các nước

Hội nghị quốc tế về Biển Đông tại Malaysia. Trong hai ngày 2-3/9, Hội nghị quốc tế về Biển Đông lần thứ ba do Viện Nghiên cứu Biển Malaysia (MIMA) tổ chức đã diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur, thu hút sự tham gia của 160 học giả, chuyên gia nghiên cứu, các nhà ngoại giao đến từ gần 20 quốc gia trên thế giới. Với chủ đề ''Thúc đẩy sử dụng bền vững Biển Đông trong bối cảnh biến chuyển địa chiến lược trong khu vực," hội nghị đã tập trung vào năm phần chính, bao gồm tác động của những biến chuyển địa - chính trị khu vực và quốc tế đến tình hình Biển Đông, các biện pháp tăng cường hợp tác bảo vệ nguồn tài nguyên, những thách thức an ninh ở Biển Đông, các tranh chấp và giải pháp, và biện pháp ứng phó với các thách thức. Các đại biểu nhất trí rằng các nước trong khu vực cần tăng cường hợp tác để quản lý tốt hơn và bảo đảm hòa bình và ổn định ở Biển Đông trong thời gian tới.

Việt - Nga thúc đẩy hợp tác dầu khí thông qua các liên doanh. Trong các ngày 2-3/9, tại thủ đô Moskva, đoàn cán bộ cao cấp Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) đã có chuyến thăm và làm việc với các lãnh đạo ngành năng lượng Liên bang Nga. Hai bên thảo luận các phương án thúc đẩy hợp tác cũng như tăng cường hiệu quả các liên doanh hiện có, đẩy mạnh hoạt động của các liên doanh GazpromViet và RusVietPetro tại Nga. Hai bên thảo luận việc công ty Gazpromneft mua 49% cổ phần nhà máy lọc dầu Dung Quất của Việt Nam, nâng cấp và tăng công suất lọc dầu lên 10 triệu tấn/năm. Hai bên thống nhất tán thành lập liên doanh giữa PetroVietnam với Rosneft để tiến hành thăm dò, khai thác hai mỏ dầu ở biển Pechora đã được phát hiện với trữ lượng địa chất 1 tỷ tấn và trữ lượng thu hồi 200 triệu tấn.

Indonesia, Singapore đạt thỏa thuận phân định ranh giới trên biển. Ngày 3/9, Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam và người đồng cấp Indonesia Marty Natalegawa đã ký một thỏa thuận về biên giới trên biển giữa hai nước. Lễ ký thỏa thuận Phân định ranh giới trên biển ở phía Đông Eo biển Singapore diễn ra tại Phủ Tổng thống Singapore trước sự chứng kiến của Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono và các nhà lãnh đạo nước chủ nhà gồm Tổng thống Tony Tan Keng Yam và Thủ tướng Lý Hiển Long. Theo đó, ranh giới trên biển giữa hai nước được phân định từ đảo Batam của Indonesia tới Changi của Singapore. Năm 2009, Indonesia và Singapore đã ký thỏa thuận phân định biên giới tại các phần phía Tây của Eo biển Singapore.

Trung Quốc - Singapore tập trận chung trên biển. Cuộc tập trận chung của tàu chiến Singapore và Trung Quốc diễn ra ở biển Hoa Đông vào ngày 3/9. Trong cuộc tập trận kéo dài nửa ngày, tàu chiến lớp Formidable của hải quân Singapore, RSS Intrepid và tàu lớp Jiangkai II của Trung Quốc, Yulin đã tiến hành các cuộc diễn tập và bắn đạn thật. Cuộc tập trận còn bao gồm diễn tập đậu máy bay trực thăng trên hai tàu chiến. Sự kiện này là một phần trong chuyến thăm của tàu RSS Intrepid tới căn cứ hải quân Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, từ ngày 30/8 tới ngày 3/9.

Đối thoại Ngoại giao và Chiến lược Australia - Trung Quốc. Ngày 7/9, tại Sydney diễn ra Đối thoại Ngoại giao và Chiến lược Australia-Trung Quốc lần thứ hai. Đây là cuộc gặp song phương lần thứ 4 giữa Ngoại trưởng hai nước. Bộ trưởng Ngoại giao Australia bà Julie Bishop hy vọng Đối thoại sẽ mở ra hướng phát triển quan hệ song phương nhằm tăng cường và làm sâu sắc quan hệ giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên sẽ thảo luận các vấn đề về quan hệ song phương, khu vực và thế giới cũng như chuẩn bị cho chuyến thăm Australia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11/2014.

Phân tích và đánh giá

“Thấy gì từ sự chia rẽ Mỹ- Trung tại ARF?” của Phạm Duy Thực. Mặc dù Trung Quốc đã có bước đi chiến thuật – rút giàn khoan Hải Dương 981 cùng các lực lượng quân sự và bán quân sự ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt nam - nhằm giảm bớt căng thẳng tại Biển Đông, tuy nhiên vấn đề Biển Đông vẫn được dành nhiều sự chú ý trong chương trình nghị sự tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 21 diễn ra vào ngày 10/8 tại Naypyidaw, Myanmar. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đề xuất “đóng băng” các hoạt động tại Biển Đông. Còn Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lần đầu tiên đưa cách tiếp cận “song song” cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông, và kêu gọi một “khái niệm an ninh thế kỷ 21.” Hai sáng kiến này là khác nhau hoàn toàn. Tuy nhiên, sự can dự của Mỹ và Trung Quốc vào vấn đề Biển Đông cho thấy một vài khía cạnh đáng chú ý. Thứ nhất, các diễn đàn đa phương bao gồm ARF, Diễn đàn Đông Á (EAS), Diễn đàn Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM+) và Diễn đàn Biển mở rộng (EAMF) là những cơ chế quan trọng để giải quyết những bất đồng giữa các bên. Những cơ chế này “có thể sẽ khởi đầu chậm chạp và phụ thuộc vào mức độ các quốc gia Đông Nam Á e dè Trung Quốc hay các nước khác đến đâu. Tuy nhiên những đối thoại này đang dần trở thành những trụ cột cho một trật tự đa cực tại khu vực, trong đó các nguyên tắc về không đe dọa, tôn trọng luật pháp và dựa trên cách tiếp cận luật pháp đã được các quốc gia cùng những thể chế chính trị khác nhau hưởng ứng,” ông Rory Medcalf của Viện Lowy nhận xét. ASEAN sẽ có vai trò ngày càng quan trọng, đặc biệt khi khối này thành lập cộng đồng chung vào năm tới. Thứ hai, các quốc gia khác bao gồm Ấn Độ, Nhật và Australia sẽ ngày càng tham gia hợp tác sâu rộng hơn tại Biển Đông. Mỗi quốc gia với các chiến thuật khác nhau sẽ cố gắng tối đa hóa lợi ích của mình tại đây. Hợp tác dầu mỏ và khí đốt trong vùng EEZ của các quốc gia ASEAN có yêu sách tại Biển Đông cũng phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành - ví dụ như UNCLOS. Hợp tác quân sự cũng được đẩy mạnh để bảo vệ các lợi ích như tự do hàng hải,… Thứ ba, Bắc Kinh sẽ buộc phải thay đổi quan điểm của mình. Bối cảnh mới của khu vực – là hệ quả của sự chuyển dịch của Mỹ sang Châu Á – đòi hỏi Trung Quốc phải hợp tác tích cực hơn, chứ không phải cứng rắn hơn, để giải quyết các bất đồng với ASEAN. Về vấn đề này, Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng Trung Quốc sẵn sàng tăng cường đối thoại và hợp tác với ASEAN, đẩy mạnh hợp tác trên thực tế trong khuôn khổ DOC và đẩy nhanh quá trình thiết lập COC cho Biển Đông. Các cuộc thảo luận về COC vào tháng 10 sẽ là thuốc thử cho cam kết này của Trung Quốc.

“ASEAN và Trung Quốc không nên để Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ chung” của Lim Kheng Swe. Trung Quốc và Đông Nam Á đang có mối quan hệ khăng khít hơn bao giờ hết. Kim ngạch thương mại giữa hai khu vực ngày càng gia tăng và các nhà đầu tư Trung Quốc đang đổ xô tới Đông Nam Á. Trung Quốc hiện cũng tham gia vào hầu hết các cơ chế an ninh khu vực mà ASEAN xây dựng. Do đó, có thể nói đây là thời điểm lý tưởng cho quan hệ hai bên, để từ đó có thể mang lại hòa bình và thịnh vượng cho khu vực. Tuy nhiên, quan hệ hai chiều vẫn đang có những trục trặc nhất định do vấn đề Biển Đông. Việt Nam, Philippines đã có những căng thẳng ngoại giao và quân sự nhất định với Trung Quốc. Nhưng dù cho tranh chấp Biển Đông có là một vấn đề đối với an ninh khu vực, vẫn có những hy vọng dành cho ASEAN. Chiến lược đa phương diện của Trung Quốc cho thấy tranh chấp biển sẽ không ảnh hưởng tới các khía cạnh khác của quan hệ Trung Quốc – Đông Nam Á. Quan hệ kinh tế, ngoại giao và quân sự của Trung Quốc với Đông Nam Á sẽ không bị ảnh hưởng bởi vấn đề tranh chấp lãnh thổ, điều đó có nghĩa rằng Đông Nam Á vẫn có thể tiếp tục tận dụng cách tiếp cận dựa trên việc xây dựng quyền-lực-mềm của Trung Quốc tại khu vực. Điều quan trọng cần phải ghi nhớ đó là cần tách bạch giữa vấn đề tranh chấp lãnh thổ và các vấn đề khác, do đó Đông Nam Á có thể tiếp tục hưởng lợi từ những gì mà Trung Quốc dành cho khu vực, trong khi vẫn hạn chế được tối đa ảnh hưởng không thuận từ vấn đề Biển Đông đối với quan hệ hai bên. Sự tách biệt này có nghĩa rằng cho dù tranh chấp Biển Đông có thể không được giải quyết, vấn đề này cũng chỉ nên coi như một phần của mối quan hệ Trung Quốc – Đông Nam Á. Nếu tranh chấp Biển Đông không tác động xấu lên những khía cạnh khác của quân hệ hai bên, các quốc gia tại khu vực có thể tập trung vào thúc đẩy sự thịnh vượng chung, tăng cường hợp tác quân sự và cải thiện sự ổn định chính trị, mà không cần phải lo ngại về “mối đe dọa Trung Quốc”.

“Mỹ cần có cái nhìn đúng đắn về vấn đề Biển Đông” của Jeffrey Bader, Kenneth Lieberthal Michael McDevitt. Báo cáo của Viện Brookings gần đây đã đưa ra những khuyến nghị cho Mỹ trong vấn đề Biển Đông như sau: i) Chính sách của Mỹ nên dựa trên các nguyên tắc chung, không đứng về bên nào. Mỹ nên nói rõ rằng họ không thiên vị yêu sách chủ quyền của bất cứ quốc gia nào. ii) Mỹ nên cảnh báo tất cả các nước, không chỉ riêng đối với Trung Quốc, khi những quốc gia này có những hành động hay đe dọa vi phạm các nguyên tắc chung. iii) Đưa hai mục tiêu cơ bản vào trong chiến lược của Mỹ: một là tuân thủ theo tiêu chí của UNCLOS đó là phân định các quyền trên biển dựa vào các thực thể đất liền; hai là ủng hộ COC giữa ASEAN và Trung Quốc, trong đó “định chế hóa” các nguyên tắc được các bên đồng thuận, các quy định và các thủ tục khác, bao gồm cả cam kết giải quyết tranh chấp không thông qua đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. iv) Phê chuẩn UNCLOS. Mỹ vẫn tôn trọng và tuân thủ UNCLOS mặc dù chưa phê chuẩn, tuy nhiên việc phê chuẩn sẽ có những tác động tích cực. Thượng viện cần sớm thông qua việc này. v) Kêu gọi Trung Quốc làm rõ lập trường về đường 9 đoạn phù hợp với các quy định của UNCLOS mà Trung Quốc đã ký và phê chuẩn. Mỹ cũng cần gây sức ép để Đài Loan làm rõ yêu sách của mình. Việc giải thích đường 9 đoạn cũng là vấn đề chính trong vụ kiện của Philippines. vi) Mỹ cần khuyến khích các bên đạt được thỏa thuận về khu vực đánh cá, cho phép ngư dân của các bên đánh cá trong vùng nước truyền thống mà không bị can thiệp nhưng có thể có hạn chế để tránh đánh bắt quá mức hoặc đe dọa đến các loài quý hiếm. Mỹ cũng cần ủng hộ nguyên tắc cùng khai thác giữa các bên để phát triển nguồn tài nguyên dưới đáy biển trong khu vực EEZ có tranh chấp. vii) Mỹ nên khuyến khích các diễn đàn và các cách tiếp cận khác nhau. Đàm phán song phương như gần đây giữa Philippines và Indonesia có thể hữu ích. Đàm phán đa phương giữa các nước trực tiếp liên quan sẽ cần thiết ở giai đoạn nào đó để hài hòa các yêu sách chồng lấn của nhiều hơn hai quốc gia. Trọng tài quốc tế cũng là công cụ hữu hiệu, lý tưởng là có sự đồng thuận của cả hai bên, còn nếu không cũng giúp đưa ra quan điểm các cơ quan tài phán quốc tế. viii) Làm rõ rằng các hành vi cưỡng ép của bất kỳ bên nào cũng sẽ phải trả giá. Các hành động của Trung Quốc trong vài năm qua đã khiến một số nước ASEAN tìm kiếm quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Mỹ. Mỹ nên đáp ứng yêu cầu của các bên có yêu sách tại đây, trong đó có Việt Nam, về việc cải thiện năng lực an ninh trên biển. Mỹ nên bãi bỏ cấm vận để cung cấp trang thiết bị chỉ huy, kiểm soát và giám sát hàng hải cho Việt Nam. ix) Mỹ nên khẳng định lại nguyên tắc tự do hàng hải và hàng không, bao gồm cả trong khu vực EEZ đối với máy bay, tàu quân sự và dân sự. Việc Trung Quốc cử tàu do thám vào khu vực EEZ của Mỹ ở Hawaii trong thời gian tập trận RIMPAC cho thấy tính hai mặt trong việc Trung Quốc phản đối cách giải thích về các hoạt động được phép trong khu vực EEZ. x) Khuyến khích các bên “đóng băng” hoặc kiềm chế trong việc xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo hoặc bãi đá tranh chấp; khuyến khích các bên đạt được thỏa thuận về việc các cơ sở này chỉ được sử dụng cho mục đích truyền thống đó là bảo vệ bờ biển chứ không phải để phát huy sức mạnh.

“Mục tiêu thực sự của Trung Quốc: Học thuyết Monroe tại Châu Á?” của Peter Navarro. Việc máy bay chiến đấu của Trung Quốc áp sát một máy bay do thám P-8 của Mỹ trên vùng trời Biển Đông gần đây là vô cùng nguy hiểm, vụ việc được liên tưởng tới vụ EP-3 diễn ra vào năm 2001. Những sự kiện này cho thấy một cuộc chiến pháp lý đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ liên quan đến việc diễn giải tự do hàng hải và tự do hàng không trong khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) sau khi Trung Quốc thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1986. Theo quan điểm của Trung Quốc, tự do hàng hải và tự do bay bị hạn chế trong vùng EEZ của một nước, các tàu và máy bay quân sự phải xin phép nước chủ nhà khi đi qua vùng này. Rõ ràng, không có một điều ước quốc tế nào hỗ trợ quan điểm của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu định nghĩa mới của Trung Quốc về tự do hàng hải và tự do hàng không được chấp nhận tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, thì nguyên tắc mang tính xét lại này cũng chẳng khác gì so với một Học thuyết Monroe mới của Trung Quốc tại Châu Á. Thực tế, nó sẽ cho phép Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn hai trong số các tuyến đường biển quan trọng và có giá trị kinh tế lớn tại một khu vực mà dự báo chiếm đến 60% tăng trưởng kinh tế tương lai của thế giới. Xét đến những lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia lớn liên quan, có thể dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục thách thức tự do hàng hải và tự do bay và Mỹ cần phải đáp trả điều đó thông qua 5 bước đầu tiên như: (i) Mỹ phải ngừng tin rằng can dự kinh tế cuối cùng sẽ thay đổi Trung Quốc trở thành một nền dân chủ yêu hòa bình và cần bắt đầu xem Trung Quốc là một mối đe dọa nghiêm trọng; (ii) Bộ Quốc phòng Mỹ cần trang bị cho tất cả các máy bay quân sự trong khu vực các máy quay phim để ghi lại những hành động hung hăng của Trung Quốc để Trung Quốc không thể tiếp tục phủ nhận điều đó; (iii) Các công ty của Mỹ cần bắt đầu đưa sản xuất về trong nước bởi nếu không các nhà máy tại Trung Quốc có thể bị rủi ro bởi chủ nghĩa yêu nước của người Trung Quốc khi va chạm quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng; (iv) Các phương tiện truyền thông phải tăng cường thông tin về những vụ va chạm giống như P-8; (v) cuối cùng, những người tiêu dùng phải nhận thấy mỗi khi họ mua hàng “sản xuất tại Trung Quốc” là họ đang giúp tài trợ cho một nền quân sự đang ngày càng đe dọa đến các lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ.

“Indonesia có thể đóng góp gì cho việc giải quyết tranh chấp Biển Đông?” của Rizvi Shihab. Làm thế nào để Jakarta có vai trò tích cực hơn trong tranh chấp Biển Đông trong khi vẫn cân bằng được quan hệ song phương với Washington và Bắc Kinh? Bộ Ngoại giao Indonesia cần một chính sách mới trong tranh chấp Biển Đông. Xây dựng các hiệp ước giải trừ quân bị tại Biển Đông, và tạo điều kiện cho hoạt động trao đổi thông tin quân sự giữa các quốc gia tại đây là những cách thức có thể giúp khu vực ổn định hơn. Indonesia cũng có thể xây dựng thêm các cơ chế ngoại giao kênh II (các cơ quan phi chính phủ bao gồm cả các nước không có tranh chấp) và tận dụng các thỏa thuận chia sẻ tài nguyên. Hợp tác chia sẻ tài nguyên đã được Indonesia và Đông Timor thực hiện thành công vào năm 1972 tại East Timor Gap; tương tự như vậy, các bên tại Biển Đông cần tìm giải pháp để có thể chuyển hướng từ vấn đề yêu sách và biên giới sang vấn đề hợp tác và khai thác chung. Chúng ta cần phải đẩy nhanh tiến trình này, bắt đầu với việc hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm - đây có thể là những biện pháp xây dựng lòng tin hiệu quả. Ngoài ra, với đặc điểm không chính thức và không có hạn chế, các chương trình ngoại giao kênh II sẽ giúp duy trì liền mạch các cuộc đối thoại và giúp các quốc gia xây dựng mối quan hệ gắn bó hơn. Đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực cũng có thể tăng cường quan hệ giữa các quốc gia có yêu sách thông qua việc quản lý tranh chấp tài nguyên và giúp các quốc gia cùng phát triển - đó có thể là việc chuyển giao công nghệ/sản phẩm giữa các quốc gia. Từ đó, điểm đồng này sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng bởi quan hệ kinh tế không nên được nhìn dưới góc độ chủ nghĩa trọng thương (chủ nghĩa trọng thương chủ trương làm tăng quyền lực nhà nước bằng việc làm suy giảm sức mạnh của các nước đối địch). Các nước cũng nên thiết lập một thỏa thuận tập trung hơn vào các vấn đề an ninh và kêu gọi các bên không sử dụng vũ lực. Dù chính sách của Indonesia có là gì đi chăng nữa, có một điều chắc chắn đó là: Indonesia đang ở trong tình thế khó xử và cần thể hiện vai trò tại những cơ chế ngoại giao thích hợp về vấn đề Biển Đông để thu lại tối đa những lợi ích chính trị, kinh tế và xã hội.

“Trung Quốc dùng Biển Đông thử nghiệm trật tự thế giới mới” của Kasuji Nakazawa. Kể từ chuyến thăm Mỹ vào tháng 6/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình bị ám ảnh bởi việc thiết lập "mô hình mới của quan hệ giữa các nước lớn”. Điểm mấu chốt là Bắc Kinh muốn Washington công nhận chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc dường như bắt đầu chống lại trật tự thế giới do Mỹ làm trung tâm và mở rộng ảnh hưởng của nước này đến Thái Bình Dương. Trung Quốc đã thành lập Khu nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông, nắm bắt cơ hội khi Cố vấn An ninh Quốc Susan Rice vài ngày trước đó cho biết, lần đầu tiên Mỹ sẽ chấp nhận “mối quan hệ nước lớn” với Trung Quốc. Nhận thấy tham vọng của Trung Quốc, Mỹ ngay lập tức đưa máy bay ném bom chiến lược B-52 đến Biển Hoa Đông và bác bỏ ADIZ mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố. Trong một tuyên bố được đưa ra sau một cuộc đối thoại chiến lược-kinh tế song phương hồi tháng 7, Tổng thống Barack Obama tránh sử dụng thuật ngữ "quan hệ nước lớn” mà chỉ đề cập đến một "mô hình quan hệ kiểu mới”. Khi Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam vào tháng 5, một số nhà quan sát tự hỏi tại sao ban nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến hành những hành động khiêu khích. Một nguồn tin Đảng Cộng Sản Trung Quốc cho biết nhà lãnh đạo Tập Cận Bình muốn thử xem mức độ cam kết của Mỹ với chiến lược “xoay trục” sang Châu Á. Việc máy bay quân sự Trung Quốc áp sát một máy bay tuần tra Mỹ hồi tháng 8 là bằng chứng cho thấy Trung Quốc không từ bỏ mưu đồ thiết lập ADIZ trên Biển Đông. Các quan chức Trung Quốc đang tuân theo sự chỉ đạo của ông Tập rằng Trung Quốc không ngại va chạm, nhưng không phải là bên khơi mào các cuộc đụng độ. Trong chuyến công du Châu Á hồi tháng 4, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định rằng Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật Bản áp dụng đối với quần đảo Senkaku và Mỹ đã ký một hiệp ước hợp tác quân sự mới với Philippines, Mỹ cũng tìm cách tăng cường quan hệ với Việt Nam. Có lẽ điều này đã khiến ông Tập Cận Bình tiến hành điều chỉnh để giảm bớt căng thẳng với các nước láng giềng. Tuy vậy ông Tập vẫn hướng tới thiết lập một trật tự quốc tế mới. Trung Quốc đã đưa ra sáng kiến ​​thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á để trước hết gia tăng ảnh hưởng về kinh tế. Các nước láng giềng Châu Á hiện đang nhìn thấy cái bóng của chủ nghĩa đế quốc trong nỗ tạo ra một trật tự mới của Tập Cận Bình, với Trung Quốc đứng ở ngôi vị dẫn đầu. Trung Quốc có thể sẽ duy trì chính sách "ngoại giao nụ cười" cho đến khi Hội nghị thượng đỉnh APEC mà nước này tổ chức kết thúc. Thế giới cần theo dõi những gì ông Tập Cận Bình sẽ làm sau hội nghị thượng đỉnh này./.