Động thái các quốc gia

+ Trung Quốc:

Cục Hải sự thành phố Bắc Hải, Quảng Tây, Trung Quốc ngày 1/6 đăng cảnh báo hàng hải số 0023 về hoạt động của tàu kéo Hải dương Thạch Du 676 kéo theo giàn khoan Đức Thịnh 287 từ ngày 2 - 4/6.

Trang mạng Đa chiều, Trung Quốc, ngày 2/6 cho biết không quân nước này đã tiến hành cải tiến máy bay vận tải Y-20 để có thể tiếp nhiên liệu trên không cho máy bay chiến đấu, đồng thời được tích hợp chức năng cảnh báo tác chiến điện tử. Theo giới phân tích, điều này sẽ giúp mở rộng đáng kể khả năng bay, tác chiến trên không của không quân Trung Quốc, thậm chí có thể kiểm soát cả vùng trời khu vực Tây Thái Bình Dương.

Báo Đài Hải, Trung Quốc, ngày 2/6 cho biết tàu nghiên cứu khoa học Trung Quốc “Gia Canh” (TAN KAH KEE) đã rời cảng tại Hạ Môn, Phúc Kiến, bắt đầu hành trình nghiên cứu khoa học tại Biển Đông kéo dài 25 ngày.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 3/6 trả lời về phản ứng của Trung Quốc trước việc Mỹ gửi Công hàm cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc: “chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích biển của Trung Quốc ở Biển Đông được hình thành từ lâu trong quá trình lịch sử và được chính phủ Trung Quốc qua các thời kỳ kiên trì bảo vệ, phù hợp luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; Trung Quốc sẽ không vì sự chỉ trích của quốc gia nào đó mà thay đổi lập trường. Mỹ không phải là bên tranh chấp ở Biển Đông, không những không tuân thủ cam kết “không giữ lập trường” trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ liên quan, mà còn thường xuyên gây phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông, điều này không có lợi cho hòa bình ổn định ở Biển Đông”.

Cục Hải sự Trung Quốc ngày 2 - 5/6 ra bốn cảnh báo hàng hải, cho biết một số lượng lớn giàn khoan nước này tác nghiệp dầu khí tại Biển Đông và gần mỏ Lăng Thủy 17-2. Cụ thể, cảnh báo hàng hải số 0024 của Cục Hải sự Bắc Hải (Quảng Tây) cho biết tại giếng dầu WZ11-2-9d, tàu kéo Hải Dương Thạch Du 671 kéo dàn khoan Nam Hải 04 từ tọa độ 20-53.58N/108-56.77E đến tọa độ 20-48.69N/108-48.50E, tốc độ 5 knot; cảnh báo hàng hải số 0110 của Cục Hải sự tỉnh Quảng Đông, cảnh báo hàng hải số 0045 và 0048 của Cục Hải sự thành phố Tam Á cho biết tại Biển Đông, từ ngày 3/6 - 3/8, Giàn khoan “Nam Hải 02” sẽ tiến hành tác nghiệp khoan tại vùng biển có bán kính 1 hải lý tính từ điểm có tọa độ 20-24-47.98N 113-25-29.12E; 16 tàu xây dựng, giàn khoan của Trung Quốc tiến hành rải đường ống, cáp ngầm và lắp đặt các kết cấu dưới biển tại mỏ dầu khí Lăng Thủy 17-2 trong phạm vi gần tọa độ 17 độ Bắc và 110 độ Đông; từ ngày 4 - 6/6/2020, tàu Phong Dương Hải Công tiến hành thử nghiệm lắp đặt thiết bị tại khu vực nối 4 điểm 18-00N 109-48.2E , 17-55.8N 109-49.8E, 17-58.2N 109-54.5E, 18-02.2N 109-52.6E.

+ Việt Nam:

Việt nam dự kiến tiếp nhận tàu tuần duyên USCGC John Midgett của Mỹ. Theo Phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt, quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ gần đây đã phát triển trên nhiều lĩnh vực bao gồm hợp tác quốc phòng và an ninh. Cả hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương bao gồm hợp tác an ninh biển và nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới. Tàu USCGC John Midgett là tàu thứ hai Mỹ giao cho Việt Nam sau 2017.

Tầm nhìn phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2045. Theo đó, yêu cầu phát triển kinh tế biển trong thời gian tới là thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, xây dựng thương hiệu biển Việt Nam; khai thác sử dụng hiệu quả, hợp lý các vùng ven biển và hải đảo. Bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế về biển, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. 

+ Philippines:

Tân chỉ huy Cảnh sát biển Philippines, Phó Đô đốc George Ursabia trong bài phát biểu bổ nhiệm hôm 1/6 đã chỉ đạo tất cả các nhân viên PCG tăng cường kiểm soát cảng, trong đó phải bao gồm các biện pháp kiểm dịch với tất cả các tàu đi qua vùng biển của Philippines. Ursabia yêu cầu nhân viên PCG được đào tạo về việc sử dụng các thiết bị mới nhất để chống khủng bố hàng hải, cướp biển, bắt cóc đòi tiền chuộc, buôn lậu và các mối đe dọa khác đối với an ninh, đặc biệt là ở khu vực ZamBaSulTa (Zamboanga, Basilan, Sulu, và Tawi-Tawi).

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin ngày 2/6 thông báo nước này đã tạm hoãn quyết định chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ theo chỉ đạo của Tổng thống. Mỹ ngày 2/6 hoan nghênh động thái này của Philippines. Trong tuyên bố, Đại sứ quán Mỹ tại Philippines đề cao quan hệ đồng minh của 2 nước, Mỹ “mong đợi tiếp tục hợp tác gần gũi về an ninh và quốc phòng với Philippines”. Trước đó 1 ngày, Bộ Ngoại giao Philippines gửi thư tới Đại sứ quán Mỹ thông báo sẽ hoãn ít nhất 6 tháng việc hủy bỏ VFA.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết hôm 3/6 rằng Philippines không có kế hoạch quân sự hóa đảo Thị Tứ do không có bất kỳ mối đe dọa tấn công nào vào Thị Tứ và tám hòn đảo khác do Philippines chiếm đóng. Đoạn đường nối bãi biển sẽ cho phép quân đội vận chuyển nhu yếu phẩm để sửa chữa đường băng và cảng cho ngư dân dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào ngày 12/6, và điều này không có nghĩa là thiết bị quân sự sẽ được thiết lập trên đảo. 

+ Indonesia:

Damos Agusman, (Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế Bộ Ngoại giao Indonesia) ngày 5/6 đã trả lời về đề nghị đàm phán các yêu sách chủ quyền chồng chéo giữa hai nước của Trung Quốc trong Công hàm gửi Tổng thư ký LHQ ngày 2/6 của nước này như sau: dựa trên UNCLOS 1982, Indonesia không có tuyên bố chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc nên không tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào về phân định ranh giới trên biển. Ông cũng nhấn mạnh, trong tuyên bố chính thức của BNG Indonesia vào đầu tháng 1/2020, Indonesia đã khẳng định không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông và bác bỏ thuật ngữ về "vùng biển liên quan" của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Indonesia khẳng định, các yêu sách của Trung Quốc đối với EEZ của Indonesia với lý do ngư dân Trung Quốc hoạt động lâu nay ở các vùng biển này là “đơn phương, không có cơ sở pháp lý và chưa bao giờ được UNCLOS công nhận.

+ Mỹ:

Phái đoàn của Mỹ tại Liên Hợp quốc ngày 1/6 ra công hàm khẳng định giá trị Phán quyết Toà Trọng tài năm 2016 và phản đối yêu sách biển phi pháp của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo ngày 1/6  trả lời Fox News về các hành vi gây hấn của Trung Quốc ở biên giới Trung - Ấn và Biển Đông: “Trung Quốc đặt mục tiêu của mình là sự sụp đổ của các lý tưởng phương Tây, các nền dân chủ Phương Tây và các giá trị phương Tây. Điều này đặt nước Mỹ vào tình thế nguy hiểm. Danh sách những việc Trung Quốc làm rất dài, liệu Trung Quốc có ăn cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ, phá huỷ hàng trăm, hàng nghìn việc làm ở Mỹ, hay nỗ lực đe doạ các tuyến đường ở Biển Đông, không cho các tàu thương mại đi qua, hay đặt các căn cứ quân sự ở những nơi mà Trung Quốc không có quyền. Lần đầu tiên chúng ta có 1 Tổng thống Mỹ, người đã chuẩn bị để đối phó với các nguy cơ này và bảo vệ người dân Mỹ.”

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 2/6 khẳng định trên twitter cùng với việc đăng Công hàm của Phái đoàn Mỹ tại Liên hợp quốc: "Hôm nay, Mỹ phản đối những yêu sách biển bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông tại Liên hợp quốc. Chúng tôi bác bỏ các yêu sách bất hợp pháp và nguy hiểm này. Các nước thành viên Liên hợp quốc cần phải đoàn kết để bảo vệ luật pháp quốc tế và quyền tự do trên biển".

Tàu khu trục tên lửa USS Russell ngày 4/6 đi qua Eo biển Đài Loan đúng dịp 31 năm sự kiện Thiên An Môn. Người phát ngôn Hạm đội 7 Reann Mommsen cho biết: “Tàu USS Russell đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động bay, di chuyển tàu thuyền ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”. Đây là lần thứ hai trong 3 tuần qua Mỹ điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan. Trước đó hôm 13/5, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCampbell (DDG-85) đi quan Eo biển này.

Tư lệnh Các lực lượng Mỹ ở Nhật, Trung tướng Kevin Schneider ngày 5/6 cáo buộc Trung Quốc lợi dụng Covid-19 để thúc đẩy yêu sách Biển Đông. Trung Quốc gia tăng hoạt động của tàu hải quân, tàu hải cảnh và tàu dân binh nhằm quấy rối các tàu nước khác ở Biển Đông. Theo Tướng Schneider, việc Trung Quốc tăng hoạt động trên các vùng biển tranh chấp sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.

Thực hiện: Đinh Anh