Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Hai nhóm tàu tác chiến Mỹ Theodore Roosevelt và Makin Island ngày 9/4 diễn tập ở Biển Đông. Chuẩn đô đốc Doug Verissimo cho hay, "Việc kết hợp hai nhóm tác chiến rèn luyện khả năng chiến thuật của chúng tôi, đồng thời thể hiện sự cống hiến không ngừng của Mỹ đối với an ninh và thịnh vượng của khu vực". Dự kiến, hai nhóm tàu thực hiện các nhiệm vụ về cơ động chiến thuật, thiết lập bộ chỉ huy tác chiến và kiểm soát liên lạc chung.

Lực lượng bảo vệ Bờ biển Philippines ngày 9/4 cho biết gần đây đã đưa vào hoạt động “Lực lượng chuyên trách Pagsasanay” nhằm tăng cường nhân sự và khí tài giúp “bảo vệ lãnh thổ trên biển của Philippines". Các hoạt động xây dựng năng lực đầu tiên sẽ diễn ra ở Biển Đông, nhóm quần đảo Batanes và Benham Rise.

Cơ quan phòng vệ Đài Loan ngày 10/4 đề xuất đặt mua 400 tên lửa FGM-148 Javelin và 42 hệ thống phóng trị giá 111,71 triệu USD từ Mỹ, dự kiến nhận lô hàng vào năm 2022. FGM-148 Javelin là loại tên lửa dẫn đường tia hồng ngoại, có thể tấn công xe tăng hoặc bắn hạ trực thăng. Tên lửa Javelin sẽ được trang bị cho các đơn vị phòng vệ xung quanh Đài Bắc và trên các đảo xa.

Philippines ngày 12/4 cho biết đã triển khai 4 tàu tuần tra của hải quân để hỗ trợ lực lượng tuần duyên và tàu cá của nước này đang neo đậu gần Đá Ba Đầu, Bãi Cỏ Rong, “Các phương tiện trên biển đang và sẽ được triển khai liên tục đến các khu vực để tuần tra”. Ngoài ra, lực lượng đặc nhiệm Philippines cho biết trong cuộc tuần tra ngày 11/4, hơn 200 tàu thuyền bị cáo buộc của lực lượng dân quân biển Trung Quốc vẫn hiện diện trong vùng biển đang tranh chấp, chủ yếu xung quanh Đá Gaven.

Báo Chinatimes ngày 12/4 cho biết Đài Loan mở rộng đường băng tại “Đông Sa, tăng cường máy bay không người lái và radar do lo ngại Trung Quốc xâm chiếm đảo này. Đài Loan cũng nhiều lần triển khai thủy quân lục chiến đến luân phiên đồn trú tại đảo “Đông Sa”, và cơ quan tuần tra biển Đài Loan cũng đã triển khai khoảng 160 tên lửa Kestrel anti-armor rocket tại đây, nhiều hơn số lượng được bố trí tại đảo Ba Bình.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Trong Tuyên bố chung sau cuộc gặp trực tuyến ngày 9/4, Thủ tướng Ấn Độ và Thủ tướng Hà Lan khẳng định cam kết thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ, tự do, cởi mở, bao hàm ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; ủng hộ tự do hàng hải, hàng không, hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở và việc giải quyến hòa bình các tranh chấp. Hai nhà lãnh đạo khẳng định hai bên tăng cường hợp tác kinh tế, chuỗi cung ứng và quản trị số toàn cầu.

Ấn Độ ngày 9/4 quan ngại việc tàu Mỹ John Paul Jonse đi qua vùng EEZ Ấn Độ không thông báo trước. Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định UNCLOS không ủy quyền cho các quốc gia thực hiện các hoạt động tập trận, diễn tập, cụ thể là sử dụng vũ khí và chất nổ, trong vùng EEZ, thềm lục địa của một quốc gia khác mà không xin phép trước. Ấn Độ bày tỏ quan ngại này tới Mỹ qua các kênh ngoại giao.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki ngày 9/4 cảnh báo Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động quân sự ở Eo biển Đài Loan. Mỹ đánh giá động thái này có khả năng "gây bất ổn" và bày tỏ quan ngại về hành động quyết đoán của Trung Quốc đối với Đài Loan.

Về dự luật trừng phạt Trung Quốc và tăng cường quan hệ với Đài Loan Nghị viện Mỹ sắp thông qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 9/4 tuyên bố Mỹ nên nhìn nhận quan hệ song phương theo hướng khách quan và lý trí, tuân thủ chính sách Một Trung Quốc và 3 tuyên bố chung, từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh và ngừng thông qua các Dự luật can thiệp vào công việc nội bộ Trung Quốc.  

Bộ Ngoại giao Philippines hôm 9/4 cho biết Philippines đang xem xét báo cáo về vụ việc tàu chiến Trung Quốc truy đuổi tàu chở nhóm phóng viên nước này ở Biển Đông. Nếu việc này có thật, Philippines sẽ nêu vấn đề này với Trung Quốc. Theo ABS-CBN, chiếc tàu chở nhóm phóng viên của hãng tin này bị tàu Trung Quốc truy đuổi hôm 8/4 khi đi qua rạn san hô ở vùng biển nằm gần tỉnh Palawan.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines hôm 10/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin quan ngại về “tàu dân quân” Trung Quốc hiện diện tại Biển Đông và tái khẳng định cam kết với đồng minh Philippines. Bộ trưởng Austin đề xuất với Bộ trưởng Lorenzana một số biện pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng, bao gồm “nâng cao nhận thức về các mối đe dọa ở Biển Đông”.

Ngoại trưởng Mỹ ngày 11/4 bày tỏ quan ngại hành động khiêu khích của Trung Quốc với Đài Loan. Trả lời phỏng vấn đài NBC News, ông Blinken cho hay: "Những gì chúng tôi thấy và điều chúng tôi thực sự quan tâm là các hành động ngày càng quyết đoán của chính quyền Bắc Kinh nhằm vào Đài Loan, làm gia tăng căng thẳng ở eo biển Đài Loan". Ông Blinken nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc duy trì hòa bình, ổn định tại Tây Thái Bình Dương và cảnh báo sẽ là sai lầm nghiêm trọng khi bất cứ bên nào thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực.

Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez hôm 11/4 cho biết Mỹ sẽ triển khai thêm nhiều tàu đến Biển Đông và đây là một phần của hoạt động tự do hàng hải. Mỹ tái khẳng định cam kết hỗ trợ Philippines và sẵn sàng áp dụng Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) năm 1951 khi cần. Ông Romualdez cũng yêu cầu Trung Quốc rút tàu khỏi Đá Ba Đầu.

BTQP Philippines ông Delfin Lorenzana ngày 11/4 cho biết Philippines và Mỹ sẽ tiến hành cuộc tập trận Balikatan (Vai kề vai) kéo dài hai tuần, sau khi cuộc tập trận năm ngoái bị hủy bỏ do đại dịch Covid-19. Thông báo đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng hai nước điện đàm thảo luận về hợp tác quốc phòng, tình hình ở Biển Đông và những diễn biến an ninh khu vực gần đây. Khác với các năm trước, “Balikatan” 2021 năm nay sẽ thu hẹp quy mô.

BNG Philippines ngày 12/4 triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Philippines bày quan ngại việc tàu Trung Quốc hiện diện kéo dài ở Ba Đầu; khẳng định khu vực này thuộc vùng EEZ của Philippines. Quyền Thứ trưởng BNG Elizabeth P. Buensuceso nhắc lại Phán quyết 2016 và đề nghị Trung Quốc có cách cư xử đúng mực sau tuyên bố của NFN Đại sứ quán Trung Quốc về Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana.

Phát biểu trước Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về vấn đề Trung Quốc hôm 12/4, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Sajjan khẳng định, “Canada phản đối việc bồi đắp đảo nhân tạo và xây dựng tiền đồn trên các khu vực tranh chấp vì mục đích quân sự. Canada sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng minh và đối tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt khi phải đối mặt với các hành động đơn phương hủy hoại hòa bình và ổn định”.

Bộ Ngoại giao Philippines ngày 14/4 cho biết đã gửi hai công hàm phản đối, yêu cầu Trung Quốc rút tàu khỏi khu vực Đá Ba Đầu. Trước đó ngày 12/4, lực lượng đặc nhiệm Philippines cho hay, “Việc tàu Trung Quốc tập trung số lượng lớn đe dọa tới an toàn hàng hải, an toàn nhân mạng trên biển và ngăn cản Philippines thực thi quyền đối với tài nguyên trong vùng EEZ ”.

Góc nhìn quốc tế

Tại hội thảo trực tuyến về an ninh biển ngày 14/4, nguyên thẩm phán Philippines Antonio Carpio đánh giá, những hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông có thể kéo theo những hệ luỵ: (i) biến UNCLOS thành một điều ước vô tác dụng (dead letter treaty); (ii) bùng phát chạy đua hải quân vì các bên sẽ tăng cường sức mạnh biển. Ông Carpio kêu gọi các quốc gia ven biển cần hợp tác để bảo vệ trật tự luật lệ vì Trung Quốc tiếp tục phủ nhận Phán quyết của Toà.

Tiến sĩ Rajaram Panda, Ấn Độ ngày 10/4 nêu hai viễn cảnh ở Biển Đông Việt Nam cần chuẩn bị ứng phó: (i) Xung đội quân sự với Trung Quốc nếu nước này vượt lằn ranh đỏ; (ii) Cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương xoay quanh “ma trận” Biển Đông. Để ứng phó, Việt Nam có thể: (i) tăng cường năng lực quốc phòng. Việt Nam cam kết xây dựng quân đội chính quy tinh nhuệ vào năm 2025 và một số lực lượng vũ trang hiện đại vào năm 2030; (ii) phản ứng mạnh mẽ khi Trung Quốc vượt qua ranh giới đỏ và yêu cầu Bắc Kinh dừng các hoạt động bất hợp pháp, tôn trọng luật pháp quốc tế. Ngoài ra, ông Panda cho rằng Việt Nam cùng các quốc gia liên quan: (i) cần nhanh chóng thống nhất về các quy định mới đối với hoạt động của lực lượng chấp pháp biển; (ii) Bộ tứ và các thành viên cần tăng cường phối hợp ngoại giao trước các hành động của Trung Quốc và Việt Nam cần sự hỗ trợ này.

Hai học giả Veerle Nouwens và Blake Herzinger ngày 12/4 đánh giá Trung Quốc đang nỗ lực ở cấp độ chính phủ để điều chỉnh trật tự thế giới phù hợp với lợi ích của nước này và Biển Đông chính là sân chơi thể hiện rõ nét nhất. Trung Quốc đi ngược lại ý tưởng các cường quốc cần làm gương, thay vào đó, thực hiện các hành vi như phá huỷ môi trường, hành động bất hợp pháp trên biển, coi thường luật pháp quốc tế, tìm cách thay đổi hiện trạng trên biển, tiến hành chiến tranh pháp lý.

Học giả Hạnh Nguyễn, International Christian University ngày 9/4 cho rằng quan hệ Việt - Úc gặp những trở ngại: (i) Úc đang chuyển trọng tâm từ Đông Nam Á sang các quốc đảo Thái Bình Dương như một phần của chính sách “Tiến bước Thái Bình Dương” (viện trợ cho Đông Nam Á đang giảm so với các đảo quốc Thái Bình Dương); (ii) Đánh giá khác nhau về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, nhận định sự trỗi dậy của Trung Quốc bao hàm rủi ro và cơ hội do đó theo đuổi chiến lược phòng ngừa. Trong khi đó, đánh giá của Úc dựa trên diễn biến trong quan hệ với Trung Quốc từ đối tác kinh tế có lợi sang nguy cơ an ninh. Tuy nhiên, hai nước đứng trước cơ hội: (i) Nâng cao năng lực biển; (ii) Hỗ trợ phát triển đồng bằng sông Cửu Long; (iii) Hợp tác đối phó đại dịch Covid; (iii) Tăng khả năng phục hồi chuỗi giá trị khu vực, đầu tư cơ sở hạ tầng (cùng phối hợp với Mỹ và Nhật Bản).

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn