Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

South China Morning Post ngày 7/8 đưa tin tàu tấn công đổ bộ Type 075 đầu tiên của Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm trên biển và sẽ sớm được đưa vào vận hành. Type 075 là tàu đổ bộ cỡ lớn đầu tiên của Hải quân Trung Quốc, được đánh giá lớn nhất Châu Á và được cho là có thể sánh ngang với tàu đổ bộ lớp America và lớp Wasp của Mỹ.

Trang mạng Newsweek ngày 8/8 cho biết Trung Quốc và Đài Loan cùng đưa quân ra Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng gia tăng. Hình ảnh vệ tinh cho thấy trong tuần qua, các xe bọc thép lội nước và bệ phóng tên lửa di động của Trung Quốc tập trung gần Biển Đông. Cùng lúc đó, Đài Loan cử khoảng 200 lính thủy đánh bộ đến tiền đồn quân sự trên quần đảo Pratas mà Trung Quốc gọi là Đông Sa, hiện do Đài Loan quản lý.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 9/8 cho biết Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tổ chức nhiều cuộc tập trận trên biển và đổ bộ trong thời điểm Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động quân sự gần đảo Đài Loan và trên Biển Đông.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 9/8 dẫn tin từ Sáng kiến minh bạch chiến lược Biển Đông (SCSPI) cho biết tổ hợp tàu sân bay Mỹ Ronald Reagan đang hoạt động ở Biển Hoa Đông và 1 máy bay săn ngầm P-8A của Mỹ xuất hiện ở Biển Đông tại vùng biển phía Nam đảo Đài Loan cùng ngày và bay theo hướng tây bắc về phía bờ biển Trung Quốc với cự ly gần nhất khoảng 67,19 hải lý (124,4km). Tần suất hoạt động liên tục của tàu Reagan tại Biển Đông và Biển Hoa Đông gần đây là hiếm thấy.

Cục Hải sự Quảng Tây ngày 10/8 ra 2 cảnh báo hàng hải 0001 và 0002 thông báo từ 09h00 ngày 12/8 đến 19h30 ngày 14/8, tại Vịnh Bắc Bộ, quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành diễn tập bắn đạn thật trong 2 khu vực gồm: (i) 21-21.00N/108-35.00E, 21-21.00N/108-47.00E, 21-14.00N/108-47.00E, 21-14.00N/108-35.00E và (ii) 21-21.00N/108-47.67E, 21-21.00N/108-58.00E, 21-14.00N/108-58.00E, 21-14.00N/108-47.67E. Cấm mọi tàu thuyền đi vào 2 khu vực này trong thời gian trên.

 

Báo Sina ngày 10/8 cho biết trong tháng 8 Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã mở một “trường học” đào tạo trên 200 sỹ quan chỉ huy cơ sở lực lượng hậu cần mặt đất với tôn chỉ tích cực thích ứng quá trình xây dựng và chuyển đổi mô hình hải quân Trung Quốc”, hướng tới xây dựng hải quân “hàng đầu thế giới” và mục tiêu “cường quân”.

Cục Hải sự Quảng Đông ngày 10/8 ra 3 cảnh báo hàng hải số 0156,0161và 0162 thông báo giàn khoan Nam Hải 02, Nam Hải 05 và SINOOCEAN AUSPICIOUS hoạt động khoan giếng tại Biển Đông, cụ thể: (i) Cảnh báo hàng hải 0156 cho biết từ 5/8-5/10, giàn khoan Nam Hải 02 tiến hành khoan tại giếng EP20-6-1 trong vùng nước bán kính 1nm từ tọa độ 20-20-15.48N 113-16-52.50E; (ii) Cảnh báo hàng hải 0161 cho biết từ 10/8-10/10, giàn khoan Nam Hải 05 tiến hành khoan tại giếng LF13-8-1 trong vùng nước bán kính 1nm từ tọa độ 21-38-52.61N 116-08-35.75E; (iii) Cảnh báo hàng hải 0162 cho biết từ 11/8-11/10, giàn khoan SINOOCEAN AUSPICIOUS tiến hành khoan tại giếng LF13-8-1 trong vùng nước bán kính 1nm từ tọa độ 21-19-18.74N 114-52-57.81E.

Cục Hải sự Quảng Đông ngày 11/8 ra cảnh báo hàng hải Huệ Châu số 0042 cho biết từ 14-15/8, tàu FPSO “Hải Dương Thạch Du 119” được tàu “Hoa Thuận (HuaShun)” kéo từ Căn cứ vận chuyển Huệ Châu tọa độ 22°44’58''N, 114°38’11''E đến vùng biển tàu sẽ tác nghiệp trên Biển Đông có tọa độ 20°23’36.199''N115°25’37.101''E. Cáp kéo là ống dầu nổi dài 270m.

 

Báo Sohu ngày 11/8 trích dẫn tài khoản Wechat của Không quân Trung Quốc, công bố video không quân diễn tập xua đuổi máy bay nước ngoài. Đây là lần công bố hiếm thấy về không quân Trung Quốc diễn tập ứng phó với tình huống máy bay nước ngoài đi vào hoạt động tại vùng trời trên biển. Đơn vị tham gia diễn tập là Lữ đoàn không quân chiến hạm và Lữ đoàn rađa thuộc Chiến khu Miền Nam.

Báo Sina, Trung Quốc, ngày 11/8 cho biết quân đội Trung Quốc đã tiến hành thử tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 sau khi Mỹ điều hai tàu sân bay tới Biển Đông và diễn tập quân sự quy mô lớn tại khu vực này. Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 được biên chế trong quân đội Trung Quốc năm 2016, có tầm bắn 4.000 km và có thể mang theo đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường. Đây là loại tên lửa được mệnh danh “sát thủ diệt tàu sân bay”.

Tờ South China Morning Post ngày 11/8 cho biết quân đội Trung Quốc được lệnh không nổ súng đầu tiên trong cuộc đối đầu với lực lượng Mỹ nhằm tránh leo thang căng thẳng. Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đều có nhiều hành động ở các vùng biển tranh chấp, Trung Quốc kêu gọi hai bên đối thoại hiệu quả và thực chất để giảm căng thẳng và mức độ nguy hiểm.

Báo Thanh Niên ngày 11/8 cho biết tàu cá số hiệu NT-91567 cùng 11 ngư dân Ninh Thuận bị Hải cảnh Trung Quốc bắt giữ khi đang khai thác hải sản ở Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam. Ngày 27/7, UBND tỉnh Ninh Thuận nhận Công điện ngày 23/7 của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thông báo ngày 21/7 Hải cảnh Trung Quốc bắt giữ tàu cá Việt Nam số hiệu NT-91567 do có hành vi “đánh bắt trái phép” tại “vùng biển phía Trung Quốc” gần ranh giới trên biển Việt Nam - Trung Quốc tại Vịnh Bắc Bộ. Hiện tàu cá NT-91567 và 11 ngư dân trên tàu bị Hải cảnh Trung Quốc đưa về TP Phong Thành Tỉnh Quảng Tây.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 6/8 khẳng định: “Việc Trung Quốc đưa khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào trong Quy tắc kiểm tra kỹ thuật tàu biển nội địa theo luật định 2020 đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Lập trường nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động liên quan đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vô giá trị”.

Ngoại trưởng Mỹ điện đàm với Ngoại trưởng Philippines ngày 6/8 về các thay đổi gần đây trong chính sách Mỹ với các yêu sách ở Biển Đông, sự ủng hộ của Mỹ với các nước ven biển Đông Nam Á duy trì quyền chủ quyền và lợi ích của các nước này theo luật pháp quốc tế và các cơ hội để thúc đẩy hợp tác biển Mỹ - Philippines. 

BTQP Mỹ và BTQP Trung Quốc ngày 6/8 điện đàm về Đài Loan và Biển Đông. Ông Esper bày tỏ quan ngại về các hoạt động gây bất ổn của Trung Quốc trên Biển Đông và Đài Loan, nhấn mạnh Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp, quy tắc và thông lệ quốc tế, giữ vững các cam kết quốc tế. Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa cảnh báo các “hành động nguy hiểm” của Mỹ có thể khiến căng thẳng leo thang. Tuy nhiên, cả hai bên đều khẳng định tầm quan trọng của việc tránh xung đột từ các rủi ro trên biển.

Ngày 6/8, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo điện đàm với Người đồng cấp Malaysia Hishammuddin về Covid-19 và vấn đề Biển Đông. Hai bên nhất trí: (i) tập trung vào sản xuất và phân phối vắc-xin; và (ii) các bên phải hợp tác bảo đảm hoà bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. Ông Hishammuddin nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến Biển Đông phải được giải quyết hoà bình dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Ngày 7/8, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, họp báo tại Jakarta ra tuyên bố liên quan đến Biển Đông, nhấn mạnh tất cả các cuộc xung đột, bao gồm xung đột ở Biển Đông, đều không có lợi cho các bên. Do đó, Indonesia mong muốn: (i) tiếp tục duy trì khu vực Biển Đông ổn định và hòa bình; (ii) các bên tôn trọng và hành động theo luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Ibnu Hadi ngày 7/8 nhấn mạnh ASEAN là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Indonesia giai đoạn 2019-2024. Trong thời gian tới, Indonesia sẽ tập trung vào: (i) Triển khai Tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dựa trên 4 lĩnh vực hợp tác: biển, kết nối, các Mục tiêu Phát triển Bền vững 2030 và kinh tế; (ii) Hoàn thành đàm phán và triển khai một COC có ràng buộc về pháp lý, hiệu quả, thực chất, mang tính thực thi; và (iii) Chuẩn bị cho vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2023: thúc đẩy một ASEAN thích ứng và sáng tạo, cải cách nhằm đảm bảo tính hiệu quả.

Ngày 7/8Người phát ngôn BNG Trung Quốc Uông Văn Bân kiên quyết phản đối hành động bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan, cho rằng hành động này vi phạm nguyên tắc Một Trung Quốc và 3 tuyên bố chung Trung-Mỹ, làm tổn hại chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế. Lợi ích cốt lõi của Trung Quốc liên quan đến Đài Loan là toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Trung Quốc kêu gọi Mỹ chấm dứt hoạt động bán vũ khí cho Đài Loan và quan hệ quân sự Mỹ-Đài, tránh làm tổn hại quan hệ Trung-Mỹ và hòa bình ổn định tại vùng biển Đài Loan.

Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Hoàng Khê Liên ngày 7/8 trả lời CNN Philippines về vấn đề Biển Đông, cho rằng kể từ khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí xử lý thỏa đáng bất đồng, gác tranh chấp, tìm kiếm hợp tác. Hai nước nên tiếp tục tăng cường trao đổi với tinh thần xây dựng, tuân thủ nghiêm túc các điều khoản của DOC, kiểm soát hiệu quả bất đồng, tránh các hành động làm phức tạp hóa tranh chấp, thúc đẩy vững chắc tiến trình tham vấn COC và hợp tác cùng khai thác dầu khí giữa hai nước ở Biển Đông.

Ngày 7/8, Bộ Tài chính Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với 11 quan chức đương nhiệm và cựu quan chức Trung Quốc liên quan tới vấn đề Hồng Kông, bao gồm Đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam. Theo đó, toàn bộ tài sản và lợi ích tại Mỹ của các quan chức có tên trong danh sách, hoặc các tổ chức do họ sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ 50% trở lên, bị phong tỏa và phải báo cáo cho Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ.

Tổng thống Trump ngày 11/8 cho hay mối quan hệ “rất tốt đẹp” của ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã rạn nứt từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và hai người đã không nói chuyện trong một thời gian dài. Bên cạnh Covid-19, hành động của Trung Quốc đối với Hồng Kông, Biển Đông và Đài Loan cũng khiến quan hệ hai nước ngày càng xấu đi.

Tờ Express, Anh, ngày 11/8 cho biết trong cuộc điện đàm ngày 6/8, Ngoại trưởng Mỹ Mark Esper và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa “khẳng định các nguyên tắc và tầm quan trọng của mối quan hệ quốc phòng mang tính xây dựng, ổn định và hướng tới kết quả giữa Mỹ và Trung Quốc”. Hai bên đã thiết lập một cơ chế liên lạc trong thời gian khủng hoảng nhằm tránh các rủi ro đến từ nguy cơ đụng độ vũ trang trên Biển Đông.

+ Pháp lý:

Trung Quốc ngày 7/8 gửi công hàm CML/46/2020 lên Tổng thư ký Liên hợp quốc để phản hồi công hàm HA26/20 ngày 29/7 của Malaysia tái khẳng định yêu sách chủ quyền đối với Nam Hải chư đảo, bao gồm quần đảo Nam Sa (Hoàng Sa) cũng như yêu sách các vùng biển liên quan. Một lần nữa Trung Quốc đề nghị Ủy ban ranh giới thềm lục địa (CLCS) không xem xét Đệ trình của Malaysia.

Góc nhìn quốc tế

+ Trung Quốc:

Học giả Trương Quân Xã (Viện Nghiên cứu Hải quân, Trung Quốc) ngày 7/8 cho rằng Mỹ nên dừng các hoạt động thổi phồng vấn đề Biển Đông nhằm đạt các mục đích riêng, đi ngược mong muốn chung của các nước khu vực về duy trì hòa bình ổn định tại Biển Đông. Các tuyên bố của Mỹ thể hiện sự thiếu hiểu biết đối với lịch sử khách quan của vấn đề Biển Đông. Vụ kiện “vượt quyền” của Tòa trọng tài là màn kịch chính trị do Mỹ hoạch định và thực hiện. Trung Quốc luôn luôn kiên trì thông qua đàm phán giải quyết tranh chấp, chủ trương xây dựng lòng tin, hóa giải bất đồng thông qua việc thiết lập các nguyên tắc và cơ chế với các nước trong khu vực. Tình tình Biển Đông trước mắt tổng thể ổn định dưới sự nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN.

Học giả Hồ Ba, ngày 9/8 nhận định về chính sách Biển Đông thời gian gần đây của Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc không có nhiều hành vi chủ động. Việc thiết lập hai quận ở Biển Đông và đặt tên các thực thể ngầm không phải là ý tưởng nhất thời. Việc phản đối công hàm của Malaysia, tham gia cuộc chiến công hàm với Việt Nam, Indonesia và Mỹ, tàu HD-8 hoạt động gần giàn khoan West Capella…mang tính phản ứng, không phải chủ động. Ngoài ra, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc phải tăng cường biện pháp để đối phó với sự uy hiếp của Mỹ tại Biển Đông. Chính sách Biển Đông của Trung Quốc được các học giả quốc tế lý giải với 4 nhân tố: (i) Xu hướng của Mỹ phản đối mọi thứ liên quan đến Trung Quốc; (ii) Giá trị mặc cả của các nước trong tranh chấp tăng lên; (iii) Quốc tế quan tâm quá mức đến Trung Quốc; (iv) Trung Quốc ít tiết lộ chi tiết về các sự vụ trên biển.

Học giả Tống Trung Bình (chuyên gia quân sự Hồng Công) ngày 9/8 nhận định Mỹ đang có các bước tinh chỉnh chiến lược quân sự để kiềm chế Trung Quốc, theo đó tăng cường năng lực tấn công bằng việc tích hợp các hệ thống vũ khí trên bộ, trên biển, trên không vàkhông gian mạng, đồng thời kết hợp những lực lượng này tạo thành một hệ thống tác chiến chung mạnh mẽ hơn. Mục tiêu của Mỹ là chặn tất cả các đường tiếp cận tới Biển Đông và Biển Hoa Đông và phối hợp với các đồng minh để ngăn chặn hải quân Trung Quốc, không để Trung Quốc phá vỡ 'chuỗi đảo thứ nhất' mà Washington đã thiết lập.

Chuyên gia phân tích quốc phòng Zhou Chenming, Trung Quốc, ngày 9/8 cho biết Trung Quốc đang dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong lĩnh vực công nghệ tự động và đang tăng tốc phát triển các thiết bị bay quân sự không người lái để sử dụng trên Biển Đông. Theo ông, sự gia tăng của thiết bị không người lái và công nghệ quân sự tiên tiến sẽ thay đổi đáng kể sự cân bằng địa chính trị và biến khu vực trở thành một thùng thuốc nổ.

Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc, ngày 10/8 cho biết máy bay quân sự Trung Quốc J-10 và J-11 ngày 10/8 bay qua đường trung tuyến eo biển Đài Loan để phản ứng việc Bộ trưởng Y tế Mỹ thăm Đài Loan và cảnh báo Đài Loan do phối hợp với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc. Bài viết nhận định trong quá trình hợp tác quân sự giữa Đài Loan và Mỹ, sẽ không có một vị trí được đảm bảo vững chắc cho Đài Loan và kiến nghị Đảng Dân Tiến hiện nay cần phải tỉnh táo và nhận định rõ ràng.

+ Đông Nam Á:

Học giả Vũ Thanh Ca ngày 4/8 cho rằng Trung Quốc công bố bản sửa đổi "Quy tắc kỹ thuật để kiểm tra theo luật định tàu biển trong các chuyến đi nội địa" ban hành từ năm 1974 với 4 mục đích: (i) Tạo cơ sở pháp lý để tăng cường quản lý vùng nước quần đảo Hoàng Sa và vùng nước nằm giữa quần đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam; (ii) Củng cố yêu sách Tứ Sa bằng cách nội luật hóa; (iii) Tạo tiền lệ để thể chế hóa yêu sách Tứ Sa với các quần đảo và bãi ngầm khác trên Biển Đông; (iv) Chứng tỏ cho thế giới thấy việc các nước phản đối các yêu sách biển sai trái của Trung Quốc không làm Bắc Kinh thay đổi. Trung Quốc sẽ tiếp tục thể chế hoá các tuyên bố chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán, gia tăng căng thẳng trên Biển Đông để tiếp tục đe dọa các nước liên quan.

Chansambath Bong, Viện nghiên cứu CICP, ngày 10/08 trên ASIP strategic, cho rằng Campuchia nên thúc đẩy trật tự khu vực dựa trên luật lệ cùng với Mỹ, Trung Quốc và các nước tầm trung như Úc, để ngăn chặn tác động cạnh tranh nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương– Thái Bình Dương và duy trì tự do thương mại, hợp tác và hoà bình.

+ Châu Âu - Mỹ:

Carl O. Schuter (Đại học Hawaii) ngày 8/8 nhận định việc PLA vừa tập trận với tên lửa DF-26 có hai mục đích: (i) Gửi thông điệp cứng rắn đến Mỹ, các nước trong khu vực và cả dư luận nội bộ Trung Quốc rằng Bắc Kinh đủ sức ngăn cản Washington hoạt động ở Biển Đông. Các cuộc tập trận trước đó có sự tham gia của máy bay ném bom tầm xa và tàu chiến cũng nhằm phục vụ cho kế hoạch này; (ii) Củng cố khả năng của lực lượng tên lửa chiến lược trong việc hỗ trợ các lực lượng khác trên biển nếu xảy ra xung đột.

+ Các nước khác:

Tony Abott, cựu Thủ tướng Úc, ngày 10/8 cho rằng Úc không thể và không nên dừng hợp tác với Trung Quốc, nhưng cần phải duy trì sự cứng rắn và tư duy chiến lược để ứng xử với Trung Quốc. Vì Trung Quốc thành thạo trong việc khai thác các quy tắc, Úc nên áp dụng cách tiếp cận chặt chẽ hơn đối với Trung Quốc (đối xử với Trung Quốc giống như cách Trung Quốc đối xử với Úc).

Học giả Jyotsna Mehra (Observer Research Foundation, Ấn Độ) ngày 10/8 cho rằng việc Tập Cận Bình nắm quyền và tạo ra mối đe dọa với các nước khác khiến nhóm Bộ tứ (QUAD) gồm Mỹ, Nhật, Úc và Ấn xích lại gần nhau hơn. Qua việc thực hiện các chiến dịch tuyên truyền, các hành vi hung hăng đối với Đài Loan, Biển Đông và Biển Hoa Đông, ý đồ của Trung Quốc hiện nay muốn thay đổi luật lệ cuộc chơi. Do đó, gia tăng hợp tác trên nhiều lĩnh vực sẽ giúp giải quyết các thách thức ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và khiến QUAD trở thành một cơ chế vững mạnh để phối hợp chính sách.   

Kim Kong Heng (ĐH Queensland, Úc) ngày 11/08 cho rằng Campuchia cần thực thi nguyên tắc "vĩnh viễn trung lập và không liên minh", tránh bị kẹt giữa cuộc cạnh tranh nước lớn ở khu vực. Chính sách đối ngoại của Campuchia phần lớn bị chi phối bởi mục tiêu duy trì sự sống còn của chính trị. Đảng CPP của Thủ tướng Hun Sen đã đề ra tham vọng tiếp tục duy trì lãnh đạo đất nước thêm ít nhất 50 năm nữa. Sự tồn vong hiện nay của Campuchia gắn với hai yếu tố chính, giúp định hướng cách tiếp cận của Campuchia với bên ngoài gồm: (i) Chủ nghĩa thực dụng về kinh tế giúp cho CPP củng cố sức mạnh duy trì sự cầm quyền; (ii) Chủ nghĩa đa phương giúp Campuchia hội nhập với khu vực, tranh thủ điều kiện thuận lợi để khôi phục lại những mất mát to lớn sau hàng chục năm chiến tranh liên miên.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn