Bản tin tuần Biển Đông (ngày 7 - 13/1/2022)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Báo Sina ngày 8/1 cho biết một trung đội của Hải quân Chiến khu Nam Trung Quốc đã tiến hành đo đạc thủy văn tại Biển Đông trong 2 tháng. Nhiệm vụ là thu thập số liệu tại các đảo đá ven biển, các vùng biển sâu và địa mạo đáy biển.

Truyền thông Trung Quốc ngày 10/1 đưa tin tàu Lhasa Lớp 055 đã hoàn thành đợt thử nghiệm cuối cùng ở Hoàng Hải và sẵn sàng đi vào hoạt động. Đây là loại tàu chiến tàng hình cỡ lớn, có kích thước chỉ kém tàu khu trục lớp Zumwalt của Mỹ. Hiện Trung Quốc có tổng cộng 8 tàu Lớp 055 đã được hạ thủy và đang ở các giai đoạn hoàn thiện khác nhau.

Nhật Bản ngày 11/1 tiết lộ tàu chiến nước này từng hai lần tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông trong năm 2021. Tuy nhiên, không giống với các hoạt động FONOP của hải quân Mỹ, các tàu chiến Nhật Bản chỉ di chuyển ở vùng nước quốc tế, không đi vào phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa.

Ngày 12/1, hải quân Mỹ công bố thiết kế tàu chiến thế hệ mới DDG(X) được trang bị tên lửa siêu thanh và vũ khí LASER nhằm "đối phó với các mối đe dọa mới". DDG(X) là chiến hạm có kích thước lớn nhất hải quân Mỹ dự kiến đóng trong hơn 20 năm qua, với thời gian duy trì hoạt động trên biển gấp 120 lần mức hiện tại.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Ngày 8/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Phankham Viphavanh đang trong chuyến thăm chính thức Việt Nam. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là ASEAN, Liên hợp quốc và các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mê Công; phối hợp duy trì lập trường chung của ASEAN trong các vấn đề chiến lược có liên quan đến hòa bình và ổn định của khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi ngày 8/1 cho biết đàm phán biên giới biển giữa Indonesia và Malaysia sẽ được thúc đẩy trong năm 2022. Ngoài ra, bà Marsudi hy vọng hiệp định giữa hai nước tại khu vực biển Sulawesi và vịnh Melaka sẽ được đàm phán và ký kết sớm dựa trên UNCLOS năm1982.

Trong cuộc điện đàm ngày 9/1, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ - Pháp khẳng định cam kết đẩy mạnh hợp tác dựa trên các trụ cột quốc phòng, an ninh, đầu tư, thương mại. Sau cuộc điện đàm, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar nhấn mạnh hợp tác hai nước tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng đóng vai trò quan trọng. Pháp tới đây sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên EU trong 6 tháng.

Về tương lai quan hệ Mỹ-Ấn, Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki ngày 10/1 cho biết Mỹ đặt mục tiêu mở rộng hợp tác với Ấn Độ, song phương và thông qua Quad, trên nhiều lĩnh vực đại dịch, khí hậu, đầu tư thương mại, không gian mạng, công nghệ mới. Theo bà Jen Psaki, “hành vi gây hấn của Trung Quốc tại biên giới Trung-Ấn nói riêng và khu vực nói chung đang gây bất ổn. Mỹ sẽ sát cánh với các đối tác đối phó hành vi đe dọa của Trung Quốc”.

Ngày 11/1, Phát ngôn viên INDOPACOM thông báo Mỹ đang theo dõi hoạt động của tàu Nga "Kareliya" xuất hiện trong vùng biển quốc tế gần cơ sở tên lửa Barking Sands của Mỹ ở Hawaii. Trong tháng 5 và tháng 6 năm 2021, con tàu này cũng hiện diện tại đây.

Bộ trưởng Văn phòng Châu Á, Ngoại giao, Thịnh vượng chung và Phát triển của Anh Amanda Milling sẽ có chuyến thăm Thái Lan và Campuchia từ ngày 11 - 14 năm 2022 nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác. Đây là chuyến thăm Đông Nam Á lần thứ 2 kể từ khi bà Milling được bổ nhiệm vào tháng 9/2021.

Ngày 12/1, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố nghiên cứu về yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông “Limits in the Seas” số 150, dài 44 trang. Báo cáo bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hơn 100 thực thể ở Biển Đông vốn là bãi chìm dưới mặt nước khi thủy triều lên. Yêu sách này là trái luật vì đây không phải là đối tượng của yêu sách chủ quyền. Địa vị pháp lý của bất kỳ thực thể nào cũng phải dựa trên "trạng thái tự nhiên", không phải bằng việc nạo vét, xây dựng đảo nhân tạo như Trung Quốc làm ở Trường Sa. Báo cáo khẳng định mọi yêu sách biển cần tuân thủ các quy định của UNCLOS 1982; bốn nhóm đảo Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông đều không đáp ứng tiêu chí để áp dụng "đường cơ sở thẳng" và “quyền lịch sử” Trung Quốc tuyên bố không có cơ sở luật pháp.

Phản ứng với Báo cáo “Limits in the Seas” của Bộ Ngoại Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 13/1 tuyên bố, “Trung Quốc là một bên tham gia UNCLOS, luôn coi trọng và thực hiện nghiêm túc UNCLOS. Mỹ từ chối gia nhập Công ước, nhưng giả danh là người phán xét của UNCLOS, tự ý thao túng chính trị đối với nhiều tiêu chuẩn vì lợi ích vị kỷ. ‘Nam hải chư đảo’ Trung Quốc có nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phù hợp với luật quốc tế, gồm UNCLOS. Trung Quốc không chấp nhận Phán quyết”.

Phát biểu ngày 13/1, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho biết dưới chính quyền Tổng thống Duterte, Philippines đã nhận được gần 600 triệu USD hỗ trợ quân sự từ Mỹ, lớn nhất từ trước đến nay. Theo Đại sứ Romualdez, quan hệ Philippines - Mỹ đã được cải thiện đáng kể so với thời điểm năm 2016. Năm 2020, ông Duterte đơn phương hủy bỏ Thỏa thuận các Lực lượng thăm viếng (VFA) tuy nhiên đã khôi phục vào tháng 7 năm 2021.

Ngày 16/1, Người đứng đầu Lực lượng tuần duyên Mỹ Đô đốc Karl Schultz cho biết lực lượng này đang trong giai đoạn mở rộng lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2. Dự kiến 64 tàu tuần tra được đóng mới, trong đó 6 tàu tham gia nghĩa vụ quốc tế. Theo Đô đốc Schultz, lực lượng tuần duyên đóng vai trò quan trọng trong việc định hình an ninh, an toàn hàng hải toàn cầu. Trước đó ngày 12/1, ông Schultz cho biết nhiệm vụ trong nước và quốc tế ngày càng nhiều khiến lực lượng này chịu nhiều sức ép. Ngân sách cần tăng 3-5% mỗi năm để đáp ứng các nhu cầu triển khai hoạt động.

Góc nhìn Quốc tế

Trên “The Star” ngày 9/1, học giả Endy Bayuni đánh giá chiến tranh lạnh Mỹ-Trung hiện nay diễn ra chủ yếu ở trên Biển Đông. Indonesia phải hành động, thông qua ASEAN, tránh để các cường quốc biến Biển Đông thành “sân khấu” của chiến tranh ủy nhiệm. Đã đến lúc ASEAN cần nâng cao quan điểm và khởi xướng đối thoại an ninh dựa trên Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP). Tầm nhìn này dù chưa thực chất song Mỹ và Trung Quốc đều chấp nhận. Do Indonesia là nước khởi xướng AOIP, Indonesia cần đưa AOIP lên một cấp độ mới, có thể mô phỏng theo Hội nghị về An ninh và Hợp tác ở châu Âu (CSCE).

Trên “Canadian Dimension” ngày 9/1, học giả John Price đánh giá 5 nước Anh ngữ Mỹ, Anh, Canada, Úc & New Zealand với vị thế người chiến thắng sau Thế chiến 2 đã thiết lập trật tự do Anh-Mỹ dẫn dắt. Cạnh tranh Mỹ-Trung hiện nay được nhìn nhận qua lăng kính "hệ thống San Francisco" này và thái độ bài Trung của Mỹ hiện nay có thể biến căng thẳng thành Chiến tranh Lạnh 2.0, thậm chí xung đột vũ trang. Theo ông Price, Canada nên tách khỏi nỗ lực duy trì thế của Mỹ. Việc không theo Mỹ không có nghĩa là chọn Trung Quốc. Canada cần đánh giá quan hệ với Trung Quốc một cách phản biện, tách khỏi những thiên kiến trên.

Trên “The Strait Time” ngày 11/1, nhà phân tích George Yeo bình luận Singapore nên chuẩn bị cho cạnh tranh Trung - Mỹ kéo dài thông qua hình thức chiến tranh ủy nhiệm hoặc đụng độ trên biển. Singapore nên: (i) thiết lập tâm thế theo hàm ý lớn hơn, đặt mình ở trong một châu Á thịnh vương, thành phố thủ đô của ASEAN (capital city) thay vì coi mình là nước nhỏ (city-state); (ii) tái kết nối với các nước khác để triển khai hiệu quả chính sách, linh hoạt trong quan hệ với nước lớn. Theo ông George, thách thức đối với Singapore không chỉ từ bên ngoài mà bên trong (¾ dân số Singapore là người Hoa).

Học giả Bill Hayton, Anh ngày 10/1 bình luận việc Trung Quốc hạn chế nhập khẩu ở biên giới với lý do ngăn chặn Covid, có thể để gây áp lực kinh tế với Việt Nam. Hiện nay, hai quốc gia có những khác biệt về vấn đề Biển Đông, cũng như vấn đề COC. Trong năm Chủ tịch ASEAN của Campuchia, Trung Quốc muốn đạt được thoả hiệp trong vấn đề COC, nhưng Việt Nam vẫn duy trì lập trường cứng rắn.

Trả lời phỏng vấn ngày 11/1, học giả Ngô Sĩ Tồn đánh giá để bù đắp những khoảng trống trong hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và ASEAN, biện pháp duy nhất là nâng tầm quan hệ trong giai đoạn mới. Vấn đề Biển Đông tuy không phải toàn bộ quan hệ Trung Quốc - ASEAN nhưng là thách thức lớn nhất. Trong khi đó, Mỹ và các nước ngoài khu vực tăng cường can dự khiến tình hình Biển Đông ngày càng khó đoán. Theo ông Ngô, Trung Quốc và ASEAN cần: (i) thực hiện những bước tiến và đột phá mới trong thúc đẩy tư duy hai kênh; (ii) nhanh chóng xây dựng cơ chế hợp tác ven Biển Đông.

Bình luận của Viện Biển Đông

Ngày 12/1/2022, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố nghiên cứu về yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông “Limits in the Seas” số 150. Đây không phải lần đầu tiên Mỹ đưa ra quan điểm về các yêu sách vùng biển của Trung Quốc trên Biển Đông. Năm 2014, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố Nghiên cứu “Limits in the Sea” số 143 tập trung vào yêu sách đường chín đoạn “mập mờ” của Trung Quốc. Ngày 13/7/2020, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cũng đã đưa ra Tuyên bố lập trường về các yêu sách vùng biển ở Biển Đông. Tài liệu “Limits in the Seas” số 150 là một nghiên cứu toàn diện, cập nhật về các yêu sách vùng biển của Trung Quốc và đưa ra các kết luận dựa trên những lập luận pháp lý.

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn