Bản tin tuần Biển Đông (ngày 4 - 10/3/2022)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Ngày 28/2-4/3 Mỹ - Nhật tiến hành Diễn tập Tác chiến Nâng cao 2022 (BAWT) nhằm tăng cường tính sẵn sàng và khả năng phối hợp giữa 2 nước. BAWT là hoạt động 2 năm một lần giữa Hải quân Mỹ và Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản. Năm nay là lần đầu tiên có sự tham gia của Thủy quân lục chiến Mỹ và lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Tờ “SCMP” ngày 4/3 cho biết Mỹ đã trục vớt thành công máy bay F-35C gặp nạn tại Biển Đông ở độ sâu 3.780m. Thông cáo Hải quân Mỹ cho hay, “Nỗ lực này thể hiện cam kết của Hải quân Mỹ đối với những khí tài của mình cũng như khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở".

Ngày 4/3, Lực lượng vũ trang Singapore (SFA) tham gia cuộc tập trận đa phương Cobra Gold (XCG) 2022 do Thái Lan và Mỹ đồng tổ chức. Năm 2022 kỷ niệm 41 năm cuộc tập trận ra đời và là năm thứ 23 SAF tham gia. XCG là một trong những cuộc tập trận đa quốc gia lớn nhất ở Châu Á - Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy hợp tác và hiểu biết giữa lực lượng vũ trang các nước.

Theo Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP), Tổng tham mưu trưởng Andres C. Centino ngày 4/3 đã đến thị sát các cơ sở và khích lệ nhuệ khí quân đội Philippines đồn trú ở đảo Thị Tứ. Trong sự kiện này, ông Centino khen thưởng Phó Đô đốc Alberto Carlos, tân Tư lệnh Bộ Chỉ huy Miền Tây. Thị Tứ (Philippines gọi là Pag-asa) nằm cách đá Xu bi Trung Quốc kiểm soát khoảng 12 hải lý.

Tối ngày 4/3, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) thông báo từ ngày 4-15/3, Hải quân Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận tại Biển Đông.  Khu vực diễn tập được giới hạn bởi 5 địa điểm: 17o 32,00 vĩ Bắc/108o 16,00 kinh Đông,17o 32,00 vĩ bắc/109o 22,00 kinh Đông,17o 02,00 vĩ bắc/109o 22,00 kinh Đông,17o 02,00 vĩ bắc/108o 30,00 kinh Đông và 17o 22,00 vĩ Bắc/108o 16,00 kinh đông; khuyến cáo tàu thuyền không qua lại khu vực này trong thời gian tập trận.

Ngày 8-10/3, Hải quân Mỹ - Nhật huấn luyện phóng ngư lôi bằng trực thăng tại Vịnh Tokyo. Đây là lần đầu tiên hoạt động này diễn ra tại Nhật Bản. Từ đầu năm 2022, hai nước 2 lần tổ chức diễn tập chống ngầm chung: tập trận chống ngầm Sea Dragon 2022 tại Guam (ngày 5/1); diễn tập giữa tàu khu trục USS Fitzgerald & JS Takanami tại Biển Philippines (ngày 27/1-2/2).

Thông Tấn Xã Đài Loan ngày 10/3 dẫn tin từ Cục An ninh Đài Loan xác nhận máy bay chống ngầm Y-8 Trung Quốc rơi tại Biển Đông vào đầu tháng 3. Trung Quốc thông báo vùng hạn chế hoạt động để cứu hộ. Phía Đài Loan đánh giá Trung Quốc tăng cường chấp pháp tại Đông Sa và Nam Sa (Trường Sa) trên cơ sở của Luật Hải cảnh để mở rộng kiểm soát thực địa.  

+ Chính trị - Ngoại giao:

Ngày 7/3, Tư lệnh liên quân các lực lượng vũ trang Pháp ở châu Á - Thái Bình Dương (ALPACI) Chuẩn đô đốc Jean-Mathieu Rey có cuộc gặp với Tư lệnh Hải quân Philippines Phó đô đốc Adeluis Bordado. Ông Rey mong muốn hải quân hai nước tăng cường hợp tác, đặc biệt Pháp có kế hoạch chương trình huấn luyện vào năm 2023. Sau chuyến thăm, khinh hạm Pháp Vendémiaire (F-734) cập cảng Philippines ngày 8-11/3. Đây là một phần trong hoạt động của Hải quân Pháp nhằm phát triển quan hệ với các châu Á.

Trả lời báo giới về tiến trình COC ngày 7/3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết trong 20 năm qua Trung Quốc và ASEAN cùng thực hiện DOC, duy trì Biển Đông hòa bình ổn định. Từ khi bắt đầu đàm phán COC đến nay  Trung Quốc và ASEAN đạt được nhiều tiến triển tích cực. Do tình hình Covid, tiến trình đàm phán bị ảnh hưởng nhưng Trung Quốc tự tin về triển vọng đạt được COC vì phù hợp với lợi ích chung của các bên. COC phù hợp với luật quốc tế, bao gồm UNCLOS, mà còn đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nước ngoài khu vực.

Về thông báo hàng hải của Cục Hải sự tỉnh Hải Nam, Trung Quốc liên quan đến hoạt động diễn tập của Trung Quốc ở Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 7/3 khẳng định: “Việt Nam luôn theo sát các diễn biến tại khu vực Biển Đông và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982. Một phần khu vực thông báo hàng hải nêu trên thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982. Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, không có hành động làm phức tạp tình hình”. Phản ứng việc Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không xâm phạm vùng EEZ và thềm lục địa thông qua các hoạt động diễn tập quân sự, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 8/3 tuyên bố Trung Quốc triển khai hoạt động diễn tập quân sự tại “cửa nhà” là hợp pháp, không có gì để chỉ trích.

Trước tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị rằng không nên so sánh vấn đề Ukraina với Đài Loan, và Đài Loan là việc nội bộ của Trung Quốc, Người phát ngôn “Bộ Ngoại giao” Đài Loan Âu Giang An ngày 8/3 cho rằng các hành vi gây hấn của Trung Quốc và việc nước này miễn cưỡng lên án hành động của Nga thể hiện ý định áp đặt chế độ chính trị lên Đài Loan.

Thủ tướng Hun Sen ngày 8/3 đề nghị hoãn Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ do ngày tổ chức (28-29/3) Mỹ đưa ra chưa được các nước Đông Nam Á đồng ý. Ông Hun Sen cho biết Indonesia là nước điều phối quan hệ Mỹ-ASEAN nhưng chưa điều phối được lịch trình với các thành viên ASEAN khác. Một số lãnh đạo ASEAN đề xuất tổ chức ngày 26-27/3 nhưng Mỹ không nhất trí.

Trung Quốc - ASEAN ngày 8/3 tổ chức Cuộc họp trực tuyến lần thứ 35 của Nhóm công tác thực hiện DOC do Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới biển, Bộ Ngoại giao Trung Quốc Đàn Kình Sinh và Vụ trưởng Vụ ASEAN Bộ Ngoại giao Myanmar Ye Kyaw Mya đồng chủ trì. Các bên nhấn mạnh tầm quan trọng của DOC, việc thực hiện toàn diện và hiệu quả DOC, nỗ lực thúc đẩy đàm phán COC giúp duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông.

Phát biểu tại buổi điều trần của Ủy ban tình báo Hạ viện ngày 8/3, Giám đốc CIA William Burns đánh giá Trung Quốc "ngạc nhiên và lung lay" trước những khó khăn Nga gặp phải ở Ukraina (tình hình chiến sự, trừng phạt từ các nước phương Tây), nhưng điều này không ảnh hưởng đến quyết tâm thống nhất Đài Loan. Theo ông Burns, tình hình Nga-Ukraina sẽ không thúc đẩy đối thoại Mỹ-Trung "hiệu quả" hơn trong vấn đề Đài Loan. Trong khi đó, Giám đốc Cục tình báo quốc phòng Scott Berrier nhận định Ukraina và Đài Loan là 2 vấn đề khác biệt, tình hình Ukraina sẽ không thúc đẩy Trung Quốc tấn công Đài Loan. The ông Berrier, chính sách quốc phòng của Mỹ ở Ấn-Thái có tác động đến tính toán của Trung Quốc.

Ngày 9/3, Trợ lí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ely Ratner phát biểu về an ninh khu vực Ấn-Thái, với một điểm đáng chú ý: (i) khu vực đối mặt với nhiều thách thức an ninh "đặc biệt từ Trung Quốc. Nước này áp dụng một cách tiếp cận mang tính cưỡng chế và quyết đoán hơn nhằm thúc đẩy các lợi ích độc đoán”; (ii) quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật và Mỹ-Hàn là "nền tảng" (cornerstone) và "trụ cột" (linchpin) cho an ninh khu vực. Bên cạnh đó, quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn đang chứng kiến những tiến bộ mang tính lịch sử. Mỹ tiếp tục mở rộng hợp tác an ninh với các nước Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam); (iii) Ấn-Thái vẫn là mặt trận ưu tiên của Mỹ, với Trung Quốc là thách thức ngày càng gia tăng (pacing challenge)  và Đài Loan là kịch bản ngày càng nóng (pacing scenario).  

Trong chương trình truyền hình ngày 9/3, Tổng thống Philippines Duterte cho biết "một người từ Trung Quốc" đã nhắc ông rằng Philippines nên tuân thủ thỏa thuận về khai thác chung ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) kể cả sau khi hết nhiệm kỳ. Theo ông Duterte, "chính quyền sắp tới nên tiếp tục [thoả thuận]", nếu thay đổi thì sẽ rủi ro. Chúng ta không cần phải chiến đấu để giải quyết vấn đề này."

Ngày 9/3, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết Philippines sẽ triển khai thoả thuận trị giá 12,7 tỷ Peso (249 triệu USD) mua 17 trực thăng vận tải quân sự Mi-17 từ Nga. Thoả thuận này được ký tháng 11/2021 và thanh toán một phần vào tháng 1/2022, trước khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Theo thoả thuận, lô trực thăng đầu tiên sẽ được Nga chuyển giao sau tháng 6/2022.

Theo “China Daily”, Trung Quốc đề xuất ngân sách quốc phòng tương đương 230 tỷ USD cho năm 2022. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm ngày 9/3 cho biết ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2022 tập trung chủ yếu vào những lĩnh vực: (i) đẩy nhanh hiện đại hóa vũ khí theo kế hoạch xây dựng quân đội 5 năm lần thứ 14; (ii) thực hiện chiến lược nhân tài và cường quân thời đại mới; (iii) thúc đẩy cải cách quốc phòng và quân đội; (iv) nâng cao phúc lợi đãi ngộ quân đội, tiếp tục cải thiện điều kiện huấn luyện, sinh hoạt của quân đội.

Góc nhìn quốc tế

Trên “Sohu” ngày 5/3, ông Hồ Tích Tiến (nguyên Tổng Biên tập Thời báo Hoàn Cầu) đánh giá tỉ lệ ngân sách quốc phòng của Trung Quốc so với GDP hiện còn khá thấp. Ngân sách quốc phòng năm 2022 của Trung Quốc tăng 7,1% là cần thiết khi: (i) ngân sách quốc phòng Trung Quốc chỉ bằng 1/4 của Mỹ trong khi Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược chính; (ii) tỉ lệ ngân sách quốc phòng Trung Quốc (1,23% GDP năm 2021) thấp so với Mỹ là 3.29%, các nước NATO được Mỹ yêu cầu không thấp hơn 2%, Ấn Độ là 2,4% năm 2019. Theo ông Hồ Tiến, nếu tỉ lệ ngân sách quốc phòng đạt 2% GDP và GDP Trung Quốc ngày càng tiến gần với Mỹ thì ngân sách quốc phòng của Trung Quốc bằng 50% của Mỹ.

Trên “Ibtimes” ngày 7/3, TS. Panos Mourdoukoutas cho rằng Trung Quốc tận dụng khủng hoảng Nga-Ukraina để đẩy mạnh chiến dịch thống trị Biển Đông. Trong nhiều năm, Việt Nam đã hợp tác với Nga như một chiến lược để bảo vệ chủ quyền trước sự xâm lấn của Trung Quốc. Tuy nhiên khi Nga đang chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây, Nga - Trung xích lại gần nhau, có thể chiến lược của Việt Nam sẽ giảm hiệu quả.

Theo cựu Thẩm phán Philippines Antonio  Carpio, Tổng thống tương lai của Philippines cần bảo vệ biển theo quy định hiến pháp: “Nhà nước sẽ bảo vệ tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình và người dân Philippines được hưởng các đặc quyền đó”. Theo ông Carpio, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei nên tiến hành quá trình phân xử tự nguyện “để giải quyết những tranh chấp tồn tại ở Biển Đông". Sau đó, các quốc gia ven biển ASEAN có thể hình thành một thỏa thuận, tuyên bố quyền tự do của vùng EEZ và thềm lục địa mở rộng của theo phán quyết trọng tài. 

Trên “ISEAS” ngày 9/3, học giả Ian Storey, William Choong đánh giá Trung Quốc không hoàn toàn áp dụng cách tiếp cận của Nga với Ukrainea: mở rộng quy mô từ vùng xám/chiến tranh hỗn hợp sang xung đột toàn diện. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ rút một số kinh nghiệm: (i) viện cớ (pretexts) gây tranh cãi. Trung Quốc cần ‘phòng thủ’ trước hành động quyết đoán của Mỹ; (ii) sử dụng chiến thuật vùng xám và chiến tranh hỗn hợp (hybrid warfare). Trung Quốc có thể áp dụng chiến thuật tương tự đối với quần đảo Senkaku và với Đài Loan.; (iii) thách thức các chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc cần cân nhắc trước khi sử dụng vũ lực: (i) hậu quả về kinh tế và uy tín; (ii) đồng minh Mỹ-Nhật, Mỹ-Philippines và cam kết của Mỹ với Đài Loan cao hơn Mỹ-Ukraine. (iii) Trung Quốc không giống Nga.

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn