Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

South China Morning Post ngày 31/7 cho biết Trung Quốc đã sửa từ "vùng biển ngoài khơi" (offshore) thành "vùng biển ven bờ" (coastal) ở đường biển giữa Tỉnh Hải Nam và Hoàng Sa trong bản bổ sung quy định tại Quy tắc kỹ thuật để kiểm tra theo luật định tàu biển trong các chuyến đi nội địa (Technical Rules for the Statutory Testing of Seagoing Vessels on Domestic Voyages) năm 1974.

Báo đặc khu Châu Hải ngày 2/8 cho biết Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã hoàn thành tuyến đường ống khí hỗn hợp dài 33,1 km dưới đáy biển ở Biển Đông. Đường ống dầu khí nước sâu “Nam Hải” (Biển Đông) này là “huyết mạch chính” phục vụ hoạt động sản xuất khí thiên nhiên nước sâu tại vùng biển phía Đông Biển Đông.

Trung Quốc ngày 2/8 triển khai hai tàu hộ vệ tên lửa Type 054A và 056 tới Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hình ảnh vệ tinh ngày 2/8 cho thấy một số tàu tiếp liệu đến và rời khỏi Đá Vành Khăn. Hình ảnh vệ tinh ngày 3/8 cho thấy hai tàu hải cảnh khác của Trung Quốc cũng đang hiện diện tại đá Xu Bi.

Báo Sina ngày 3/8 cho biết Chiến khu miền Nam (Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) đã cử một biên đội máy  bay chiến đấu Su-30 thực hiện nhiệm vụ “tuần tra” tại Biển Đông. Biên đội thực hiện chuyến bay liên tục trong 10 giờ, tiếp nhiên liệu trên không và bay tới khu vực đá Xu B(quần đảo Trường Sa).  

Báo Tân Hoa ngày 4/8 cho biết Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ thuộc Viện Khoa học Trung Quốc thử nghiệm lắp đặt vệ tinh quang học “Hải Nam số 1” dự kiến phóng vào cuối năm 2020. Đây là một trong những vệ tinh quan trọng trong Hệ thống chùm vệ tinh Hải Nam. Sau khi hoàn thành hệ thống chùm vệ tinh Hải Nam với tổng cộng 10 vệ tinh, Trung Quốc có thể dễ dàng kiểm soát Biển Đông và các khu vực lân cận.

South China Morning Post ngày 5/8 dẫn nguồn tin quân đội cho biết Đài Loan đã cử một nhóm thủy quân lục chiến gồm khoảng 200 người tới quần đảo Pratas (Trung Quốc gọi là Đông Sa) ở Biển Đông để củng cố lực lượng bảo vệ bờ biển tại đây. Động thái này diễn ra trong bối cảnh có tin Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã lên kế hoạch tiến hành cuộc tập trận tấn công xâm chiếm mô phỏng quy mô lớn vào quần đảo này.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Phái đoàn thường trực Malaysia tại Liên hợp quốc ngày 29/7 gửi công hàm số HA 26/20 lên Tổng thư ký LHQ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông (được nêu trong công hàm CML/14/2019 của Trung Quốc ngày 12/12/2019): (i) Malaysia phản đối yêu sách quyền lịch sử, quyền chủ quyền và quyền tài phán khác đối với các vùng biển ở Biển Đông nằm trong phạm vi đường chín đoạn vì các yêu sách này trái với UNCLOS và không có hiệu lực pháp lý do vượt quá các ranh giới thực chất và địa lý của quyền hưởng vùng biển của Trung Quốc như quy định của UNCLOS; (ii) Malaysia phản đối toàn bộ nội dung công hàm CML/14/2019 của Trung Quốc do yêu sách của Trung Quốc đối với các thực thể ở Biển Đông không có cơ sở về luật pháp quốc tế.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi trong cuộc họp trực tuyến ngày 30/7 với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ quan ngại về căng thẳng leo thang ở Biển Đông; hối thúc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, nhằm giải quyết tranh chấp; nhấn mạnh Trung Quốc cần tuân thủ quy tắc ứng xử khi giải quyết các tranh chấp với các nước ở Biển Đông. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ Biển Đông không phải chiến trường cạnh tranh địa chính trị hay võ đài của các nước lớn, nên là vùng biển của hòa bình, hữu nghị và hợp tác, phù hợp với lợi ích của các bên. Trung Quốc sẵn sàng cùng với các nước ASEAN tiếp tục thực hiện hiệu quả DOC, đẩy nhanh tham vấn COC, duy trì trao đổi chặt chẽ, xử lý thỏa đáng bất đồng, thúc đẩy hợp tác hữu nghị, giữ gìn hòa bình, ổn định cho khu vực.

Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 30/7 phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện về dự kiến ngân sách BNG cho năm tài khóa 2021. Trong đó gồm 41 tỷ USD cho BNG và USAID, gần 1,5 tỷ USD trong số này dành cho hỗ trợ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tăng 20% so với 2020. Ngoại trưởng cũng chỉ trích Chính quyền “độc tài” ở Nga và Trung Quốc, cho biết Mỹ bắt đầu được nhiều quốc gia hưởng ứng chống lại “mối đe dọa Trung Quốc”.

Trả lời phỏng vấn ngày 1/8 với BW Businessworld của Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds khẳng định Ấn Độ - Thái Bình Dương có ý nghĩa chiến lược với cả Úc và Ấn Độ. Việc duy trì trật tự trên biển và tự do hàng hải ở khu vực này hết sức quan trọng với hai nước. Úc sẵn sàng tăng cường hợp tác với Ấn Độ cũng như tìm kiếm khả năng hợp tác ba bên với Ấn Độ, Indonesia và các quốc gia khác trong khu vực. Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần quân sự và việc Úc quay trở lại tập trận Malabar sẽ khiến cho QUAD vững mạnh hơn rất nhiều.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 2/8 chỉ trích tàu cá Trung Quốc thường xuyên xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước ven biển khác; tuyên bố Mỹ ủng hộ nỗ lực chống lại hành vi đánh bắt IUU của tàu cá Trung Quốc tại khu bảo tồn Galápagos, Ecuador và tại vùng biển của các nước ven biển khác nói chung.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 3/8 điện đàm với người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi và Singapore Vivian Balakrishnan về việc duy trì luật pháp quốc tế ở Biển Đông, khẳng định Mỹ ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á duy trì các lợi ích và quyền chủ quyền theo luật quốc tế, chống lại các yêu sách biển phi pháp của Trung Quốc và thúc đẩy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Tân Tổng tư lệnh Quân đội Philippines, Trung tướng Gilbert Gapay, ngày 3/8 khẳng định các vấn đề lãnh thổ ở Biển Đông sẽ được giải quyết dựa trên luật pháp. Chính quyền Tổng thống Duterte đang áp dụng “cách tiếp cận thực tế và thực dụng” để giải quyết vấn đề lãnh thổ ở Biển Đông mà không làm ảnh hưởng lợi ích quốc gia. Ngoài ra, Tướng Gapay bày tỏ hy vọng quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc sẽ được duy trì.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana trong cuộc họp báo ngày 3/8 cho biết Philippines sẽ không tham gia bất kỳ cuộc tập trận chung nào trên Biển Đông ngoại trừ ở vùng biển của Philippines. Theo ông Lorenzana, đây là chỉ thị của Tổng thống Duterte từ khi nhậm chức - Philippines không nên tham gia các cuộc tập trận ở Biển Đông, ngoại trừ trong phạm vi lãnh hải tính từ bờ biển nước này.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 4/8 điện đàm với người đồng cấp Brunei Erywan Yusof, tái khẳng định sự ủng hộ của Washington với các quốc gia ven biển Đông Nam Á trong việc bảo vệ quyền chủ quyền ở Biển Đông, phản đối những nỗ lực sử dụng biện pháp cưỡng ép của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các yêu sách biển phi pháp ở Biển Đông.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell và Thứ trưởng Ngoại giao Lào Thongphane Savanphet ngày 4/8 đồng tổ chức Đối thoại Mỹ - ASEAN lần thứ 33. Cuộc đối thoại nhấn mạnh phạm vi hợp tác rộng rãi giữa Mỹ và ASEAN trên các trụ cột chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, tầm quan trọng của Đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN trong việc đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở.

Thủ tướng Úc ngày 5/8 cho biết xây dựng mối quan hệ đồng minh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với các quốc gia chung chí hướng là 1 ưu tiên chính của Úc và cảnh báo mức độ quân sự hóa trong khu vực đang gia tăng chưa từng có. Ông nói thêm, sự trỗi dậy của Trung Quốc như một đối tác kinh tế lớn là điều tốt cho kinh tế toàn cầu, nhưng cần đi đôi với trách nhiệm.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản ngày 5/8 thăm Anh và trao đổi với Ngoại trưởng Anh về quan hệ hai nước, tình hình khu vực, hợp tác thúc đẩy khu vực "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở". Hai bên nhất trí về lập trường chung đối với vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông, cam kết phối hợp chặt chẽ trong vấn đề này.

Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin ngày 5/8 phát biểu tại Hạ viện Malaysia: (i) Malaysia không muốn bị mắc kẹt giữa các nước lớn, phải ngăn ngừa các vụ việc không mong muốn xảy ra trong lãnh hải của Malaysia, nhất là va chạm quân sự giữa các bên liên quan (Mỹ, Trung); (ii) vấn đề Biển Đông của Malaysia không chỉ với Trung Quốc mà còn với các nước láng giềng khác; (iii) Malaysia cam kết giải quyết vấn đề Biển Đông trên tinh thần xây dựng thông qua đàm phán ngoại giao phù hợp; (iv) ASEAN cần đoàn kết để đối mặt với nước lớn và giải quyết vấn đề Biển Đông với Trung Quốc, không nên để bị rơi vào tình huống phải chọn bên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 5/8 phát biểu về yêu cầu quân đội không tham gia tập trận của Tổng thống Duterte, cho rằng phát biểu này một lần nữa thể hiện phương châm ngoại giao độc lập của Philippines, phản ánh tiếng nói chung của các quốc gia trong khu vực về mong muốn hòa bình và phát triển.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 5/8 trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã, cho rằng Biển Đông là ngôi nhà chung của các nước trong khu vực và không thể trở thành đấu trường của chính trị quốc tế. Mỹ gần đây không ngừng thực hiện hành vi khiêu khích, vi phạm cam kết không chọn bên, gia tăng hiện diện quân sự, phá vỡ quan hệ giữa Trung Quốc và các nước ASEAN nhằm làm “dậy sóng” Biển Đông, can dự tiến trình đàm phán COC. Trung Quốc và ASEAN đã đạt được nhận thức chung về duy trì hòa bình ổn định tại Biển Đông và con đường phù hợp nhất cho lợi ích các nước trong khu vực là đối thoại.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh ngày 6/8 đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tại cuộc điện đàm, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu; vui mừng nhận thấy quan hệ Việt Nam-Mỹ ngày càng phát triển sâu rộng và thực chất trên tất cả lĩnh vực. Ngoại trưởng Mike Pompeo đánh giá cao việc hai nước tăng cường và mở rộng quan hệ đối tác toàn diện trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau cũng như chia sẻ tầm nhìn chung về hòa bình, ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; khẳng định, Mỹ coi trọng và cam kết duy trì quan hệ ổn định với Việt Nam.

Góc nhìn quốc tế

+ Trung Quốc:

Sáng kiến minh bạch chiến lược Biển Đông (SCSPI) ngày 1/8 cho biết trong tháng 7 Mỹ cử tổng cộng 67 lượt máy bay trinh sát hoạt động tại Biển Đông (tăng gấp đôi so với 35 lượt trong tháng 5 và 49 lượt trong tháng 6/2020). Hoạt động của các máy bay Mỹ chuyển từ trinh sát kiểu “phòng vệ” sang “đối kháng”, gây sức ép về chính trị và quân sự. Dự báo Mỹ sẽ tiếp tục tăng hoạt động ở Biển Đông, đặc biệt là gần bờ biển Trung Quốc và điều này sẽ làm gia tăng rủi ro va chạm quân sự Trung - Mỹ.

Học giả Đinh Đạc (Viện nghiên cứu Nam Hải) ngày 3/8 trên SCMP cho rằng quan hệ Trung Quốc - Úc trên thực tế đang trải qua giai đoạn xuống cấp đột ngột chưa từng có tiền lệ. Là một quốc gia không có tuyên bố chủ quyền và nằm ngoài phạm vi thuộc quyền tài phán, Úc từ lâu lo ngại về tự do hàng hải, hòa bình và ổn định ở Biển Đông, giữ thái độ kín kẽ và trung lập. Việc Úc gửi công hàm lên Liên hợp quốc đánh dấu việc nước này từ bỏ hoàn toàn lập trường trung lập về các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán trên biển ở Biển Đông.

SCMP ngày 4/8 dẫn lời học giả Wang Yunfei (sỹ quan hải quân Trung Quốc đã nghỉ hưu) cho rằng với tín nhiệm thấp trong các cuộc thăm dò trước bầu cử, Tổng thống Mỹ có thể tiến hành một cuộc xung đột quân sự “có thể kiểm soát” với Trung Quốc ở Biển Đông để làm tăng mức tín nhiệm và mục tiêu khả thi nhất cho cuộc tấn công sẽ là Bãi cạn Scarborough. Do không có quân đội đồn trú tại đây nên hậu quả xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ nhỏ hơn và quân đội Mỹ có thể lấy cớ khôi phục lại hoạt động huấn luyện bắn súng tại bãi cạn này để làm bẽ mặt Trung Quốc. Học giả Hu Bo cho rằng một cuộc tấn công ở bãi cạn nằm trong khu vực 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines sẽ là cú đánh nhằm vào Manila trừ phi nước này có sự đồng ý từ trước. Học giả Zhang Mingliang cho rằng tuyên bố của Tổng thống Philippines yêu cầu quân đội không tham gia tập trận chung ở Biển Đông cùng các quốc gia khác là để làm hài lòng Bắc Kinh và việc này làm giảm khả năng Mỹ tấn công bãi cạn. Học giả Wu Xinbo cho rằng sự gia tăng tần suất chạm trán tàu chiến, máy bay giữa Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ dẫn đến một số vụ va chạm, từ đó nhanh chóng làm leo thang căng thẳng giữa hai nước.

+ Đông Nam Á:

Lye Liang Fook (ISEAS) ngày 30/7 lập luận rằng Trung Quốc đang điều chỉnh phản ứng trước những chỉ trích của Mỹ khác với cách tiếp cận “ngoại giao chiến lang” của nước này trong làn sóng COVID đầu tiên. Trung Quốc phản ứng mang tính trả đũa, nhưng không quá mức liều lĩnh do lo ngại điều này có thể củng cố quan điểm của giới diều hâu chống Trung Quốc tại Mỹ.

Joshua Espeña và Chelsea Uy Bomping (Viện Lowy) ngày 3/8 cho rằng Tuyên bố của Brunei về Biển Đông ngày 20/7/2020 chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc khi Brunei ngày càng phụ thuộc kinh tế Trung Quốc. Lập trường của Brunei theo hướng giải quyết tranh chấp song phương trong chính sách đối ngoại hiện nay khác biệt so với cách tiếp cận tập thể để giải quyết tranh chấp trong chính sách quốc phòng của nước này.

+ Châu Âu - Mỹ:

Ông Michael T. Klare, Giáo sư danh dự Đại học Hampshirengày 30/7 cho rằng Mỹ nên tránh phô trương sức mạnh quá mức để không bùng phát xung đột ở Biển Đông. Việc cho rằng hành động quân sự của Mỹ khiến Trung Quốc lùi bước mà không có tổn thất là thiếu thực tế. Để tránh Chiến tranh thế giới thứ III, Mỹ cần tăng cường đối thoại cấp cao với Trung Quốc để tránh đối đầu quân sự và hỗ trợ các quốc gia khu vực giải quyết hòa bình các tranh chấp, theo khuôn khổ quốc tế.

Derek Grossman (Viện RANDMỹngày 1/8 nhận định Bắc Kinh ngàyng lo ngại khi Philippines có thể đảo chiều quan hệ với Mỹ đ đối trọng với hành động gây hấn của Trung Quốc. Dù ông Duterte luôn chống Mỹ và tìm cách giảm phụ thuộc vào Mỹ nhưng dân chúng Philippines luôn ủng hộ Mỹ và ngày càng nghi ngại Trung Quốc.

Mark Valencia, Viện Nghiên cứu Nam Hải, Trung Quốc, ngày 6/8 đánh giá Mỹ đạo đức giả khi chỉ trích Trung Quốc làm xói mòn trật tự quốc tế tại Biển Đông nhưng lại không ủng hộ ý kiến tư vấn của Toà ICJ trong vụ việc Đảo Diego Garcia. Khi Toà ICJ đưa ra ý kiến tư vấn yêu cầu Anh trao trả Đảo Diego Garcia (nơi Mỹ có căn cứ quân sự) cho Mauritius, Mỹ và Anh đã phản ứng gay gắt với quyết định của Toà. Tranh chấp Biển Đông và Đảo Diego Garcia có thể khác nhau, nhưng cả Mỹ và Trung Quốc đều có hành vi tương tự khi tìm cách bác bỏ “trật tự quốc tế” và có hành vi “bắt nạt”.

Derek Grossman, Viện RAND, Mỹ, ngày 5/8 bình luận dù không chính thức và không thể hiện một cách công khai, Việt Nam vẫn ngầm ủng hộ Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ thông qua các hành động: có tuyên bố và văn bản sử dụng cụm từ “Ấn Độ - Thái Bình Dương”; hoan nghênh mọi sáng kiến kết nối ở khu vực tuân thủ theo luật pháp quốc tế; thể hiện nghi ngại với BRI; có nhiều động thái thực chất củng cố quan hệ quốc phòng với Mỹ. Việt Nam có thể sẽ sử dụng các kênh khác để thể hiện sự công nhận chính thức của mình với IPS, ví dụ như nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên đối tác chiến lược. 

+ Các nước khác:

GS. Donald R. Rothwell, Đại học Quốc gia Úc ngày 31/7 cho rằng mặc dù kiên định với chính sách không chọn bên trong các tranh chấp khu vực, Úc không chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy không phải là một bên trong tranh chấp, Úc có lợi ích thương mại và tự do hàng hải lớn ở Biển Đông. Do đó, Úc đưa ra Công hàm nhằm bác bỏ các quyền lịch sử và yêu sách biển của Trung Quốc không tuân thủ UNCLOS 1982.  Úc cũng nói rõ các "thực thể được cải tạo nhân tạo" (artificially transformed features) không được hưởng quy chế của "đảo hình thành tự nhiên" trong UNCLOS. 

Takshashila, Ấn Độ, ngày 31/7 nhận định quân đội Trung Quốc tồn tại 4 điểm yếu lớn: (i) Từ 1979, quân đội Trung Quốc chưa hề tham chiến và bị nhiễm các “thói xấu” thời bình; (ii) Quân đội thiếu kỹ năng chiến đấu, đặc biệt là hải quân, không quân và lực lượng tên lửa; (iii) Tham nhũng tràn lan khi quân đội mở rộng sang làm kinh doanh từ những năm 1980; (iv) Các khoản chi tiêu khổng lồ như lương quân nhân tại ngũ, về hưu, bảo trì, sửa chữa vũ khí… sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến trình hiện đại hóa quân đội.

Philip Bowring (Asia Sentinel) ngày 1/8 cho rằng phát biểu gần đây trên Twitter của Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin công kích Mỹ và Malaysia vì không chấp nhận yêu sách của Philippines với Sabah là nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi vấn đề Biển Đông, làm hài lòng Bắc Kinh và phân tán sự chú ý khỏi việc Philippines đã không phối hợp với các nước ASEAN và các nước láng giềng khác nhằm thực thi Phán quyết năm 2016.

Kevid Rudd, Cựu Thủ tướng Úc, ngày 3/8 cho biết quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, làm tăng khả năng xung đột vũ trang, đặc biệt khi tình hình Đài Loan, Hồng Kông và Biển Đông diễn biến phức tạp. Quan hệ Mỹ - Trung cần có một khuôn khổ mới nhằm quản lý khủng hoảng, cạnh tranh chiến lược và hiểu được giới hạn đỏ của nhau.

James Massola, Úc, ngày 3/8 cho rằng Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với quyền tự do, rộng mở và thương mại của Úc. Biển Đông có ý nghĩa chiến lược vì nguồn tài nguyên, tuyến đường vận tải biển và ưu thế quân sự nếu kiểm soát được các thực thể. GS. John Blaxland (ĐH Quốc gia Úc) cho rằng các nước cần hỗ trợ Mỹ đẩy lùi Trung Quốc nếu không muốn Mỹ rút lui khỏi các cam kết an ninh ở khu vực. Medcalf (ĐQuốc gia Úc) cho biết bất chấp ý kiến rằng Trung Quốc đã kiểm soát được Biển Đông, hành động phản kháng gần đây của các nước như Việt Nam, Malaysia và Indonesia cho thấy tình hình Biển Đông sẽ ngày càng nóng hơn. Úc không nên tham gia ngay vào FONOP trong 12 hải lý các thực thể Trung Quốc quân sự hóa, mà duy trì hiện diện và không lùi bước trước yêu sách của Trung Quốc.

Học giả Uday Bhaskar (Hội nghiên cứu chính sách Ấn Độ) ngày 4/8 cho rằng các nước ở Biển Đông đang phải đối diện với tình thế lưỡng nan. Một mặt các quốc gia ngày càng lo ngại trước hành động bắt nạt và xâm lược của Trung Quốc, mặt khác lại hoài nghi mức độ cam kết về sự thay đổi chính sách Biển Đông trong phát biểu của Ngoại trưởng Pompeo cũng như khả năng các quốc gia khu vực cùng đứng lên phản đối Trung Quốc. Phép thử cho tình thế hiện nay có thể là một tuyên bố chung của ASEAN và các quốc gia QUAD về những hành vi trái pháp luật của Trung Quốc, yêu cầu nước này hành động đúng đắn.

Jagannath Panda, chuyên gia Ấn Độ, ngày 5/8 cho rằng sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ về Biển Đông, việc Ấn Độ có thay đổi lập trường trung lập không phụ thuộc vào các vấn đ: (i) tranh chấp biên giới, lãnh thổ song phương; (ii) sự can thiệp, gây ảnh hưởng của Trung Quốc tại vùng ngoại vi Nam Á của Ấn Độ; (iii) mối quan hệ Trung Quốc - Pakistan; (iv) lợi ích thương mại, dầu khí của Ấn Độ; (v) khả năng hình thành một liên minh các quốc gia không có tranh chấp để đối phó với Trung Quốc.

Học giả Stephen R. Nagy, Đại học Christian Quốc tế, Úc, ngày 6/8 nhận định trong bối cảnh các nước đang chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh Mỹ - Trung, các quốc gia tầm trung theo đuổi chính sách ngoại giao kiểu mới nhằm bảo vệ lợi ích của mình. Điều này củng cố các thể chế quốc tế hiện tại, đóng góp cho lợi ích cộng đồng khu vực và toàn cầu thông qua hợp tác, ủng hộ trật tự trên biển dựa trên luật lệ, ủng hộ tự do thương mại và tự do lưu thông dữ liệu tin cậy, chống lại cưỡng ép kinh tế.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn