Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Cục Hải sự Quảng Đông ngày 30/4 thông báo Trung Quốc tập trận ở Biển Đông, phía Tây bán đảo Lôi Châu từ ngày 1/5-31/5 trong vùng biển có bán kính 7km tính từ tọa độ 21-14.23N/109-32.80E, nghiêm cấm tàu thuyền đi vào. Trong khi đó, Cục Hải Cảnh, Bộ Nông nghiệp Nông thôn, Bộ Công an Trung Quốc thông báo Kế hoạch chấp pháp “Tuốt gươm 2021” vào mùa cấm đánh bắt cá ở các vùng biển Bột Hải, Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và vùng biển phía Bắc vĩ độ 12 trên Biển Đông từ ngày 1/5-16/9.

Phát ngôn viên Hải quân Trung Quốc Cao Tú Thành ngày 2/5 xác nhận tàu Sơn Đông đang diễn tập ở Biển Đông theo kế hoạch hàng năm. Theo ông Gao, các hoạt động này giúp nâng cao năng lực quân đội để bảo "bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc và đóng góp vào hòa bình, ổn định khu vực”.

Bộ Quốc phòng New Zealand ngày 4/5 cho biết hải quân nước này sẽ tham gia hành trình cùng nhóm tác chiến tàu sân bay của Anh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hoạt động dự kiến của nhóm tàu là đi qua Biển Đông, thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, tham gia một số hoạt động quân sự như diễn tập với Hải quân Anh ngoài khơi của Malaysia vào tháng 10 tới với các quốc gia thuộc Hiệp ước Ngũ cường.

Ngày 4/5, Người đứng đầu các lực lượng vũ trang Philippines Tướng Sobejana đề xuất đưa Thị Tứ thành một trung tâm hậu cần ở Biển Đông nhằm: (i) đảm bảo nguồn tiếp liệu; (ii) giúp hoạt động tuần tra hiệu quả; (iii) duy trì sự hiện diện của Philippines ở Biển Đông.

Ngày 5/5, Lực lượng bảo vệ biển Philippines cho biết các tàu dân quân biển Trung Quốc đã rời khỏi Bãi cạn Sabina ngoài khơi Palawan. Các tàu này hiện diện từ ngày 27/4-29/4 và chỉ rời đi sau khi lực lượng Philippines khẳng định chủ quyền bãi cạn qua liên lạc vô tuyến.

Ngày 6/5, một công ty phân tích dữ liệu vệ tinh của Philippine cho hay 200 tàu Trung Quốc, từng hiện diện diện ở Đá Ba đầu từ tháng 3, vẫn neo đậu ở Biển Đông. Tính tới 3/5, chỉ còn khoảng 7 tàu dân binh biển Trung Quốc hiện diện ở khu vực này. Trong khi, khoảng 150 tàu khác neo đậu cách đá Tư nghĩa khoảng 9 hải lý.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Ngày 2/5, BTQP Philippines tuyên bố nước này sẽ duy trì các cuộc diễn tập trên Biển Đông, bất chấp cảnh báo từ Trung Quốc. Theo Bộ trưởng Lorenzana, Tổng thống Duterte yêu cầu quân đội Philippines "bảo vệ chủ quyền nhưng không sử dụng biện pháp quân sự và duy trì hòa bình trên các vùng biển. Philippines có thể thân thiện và hợp tác với các nước khác, nhưng sẽ không đánh đổi chủ quyền".

Ngày 2/5, trong cuộc phỏng vấn với CBS news, Ngoại trưởng Mỹ Blinken chỉ trích Trung Quốc ngày càng hành xử hung hăng ở nước ngoài và theo xu hướng đối đầu. Ông Blinken nhấn mạnh Mỹ không nhằm "kiềm chế Trung Quốc” mà muốn “duy trì trật tự dựa trên luật lệ Trung Quốc đang thách thức”.

Bộ Ngoại Giao Philippines ngày 3/5 phản đối tàu Hải cảnh Trung Quốc xuất hiện ở vùng biển xung quanh Thị Tứ và Bãi cạn Scarborough, coi đây là mối đe dọa nghiêm trọng. Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh yêu sách của Trung Quốc với bãi cạn nằm cách Philippines 124 hải lý là "không có cơ sở" và Bắc Kinh "không có quyền thực thi pháp luật ở những khu vực này". Philippines kêu gọi tàu Trung Quốc rút khỏi khu vực, tôn trọng chủ quyền của Philippines.

Trên Twitter ngày 3/5, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin yêu cầu Trung Quốc ‘cuốn gói’ khỏi vùng biển của Philippines. Tuy nhiên ngày 4/5, ông Locsin đã lên tiếng xin lỗi sau khi Tổng thống Duterte cảnh cáo về việc sử dụng ngôn từ "thô lỗ".

Người đứng đầu Nhóm đặc trách của Philippines về Biển Đông (NTF-WPS) kiêm Cố vấn an ninh quốc gia Hermogenes Esperon ngày 4/5 lên án hành động gần đây của lực lượng hải cảnh Trung Quốc đối với tàu tuần duyên Philippines xung quanh Bãi cạn Scarborough. Tàu Trung Quốc có hành động “cản trở, ngăn chặn và thách thức nguy hiểm” khi hai tàu tuần duyên Philippines tuần tra xung quanh Bãi cạn Scarborough trong hai ngày 24/5 và 25/5.

Philippines ngày 4/5 bác bỏ lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông. Thông báo của Lực Lượng Đặc Nhiệm Biển Đông Philippines xác định lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc từ ngày 1/5 đến ngày 16/8 “không áp dụng với ngư dân Philippines”; ngư dân Philippines “được khuyến khích ra khơi và đánh cá trong vùng biển của Philippines”. Trước đó từ ngày 29/4, Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt đơn phương của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Sau Hội đàm bên lề Hội nghị G7 ngày 4/5, Ngoại trưởng 3 nước Ấn-Úc-Pháp ra Tuyên bố chung khẳng định cam kết thúc đẩy các giá trị chung, hướng tới một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, mở, bao trùm và dựa trên luật lệ. Các Ngoại trưởng quan ngại những thách thức về chiến lược, an ninh, kinh tế và môi trường ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; nhấn mạnh ủng hộ luật lệ, quyền tự do hàng hải, hàng không, giải quyết hòa bình tranh chấp; khẳng định vai trò trung tâm của UNCLOS, là cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương.

Tại cuộc gặp bên lề Hội nghị G7 ở Anh ngày 4/5, Ngoại trưởng Canada - Nhật Bản khẳng định tăng cường hợp tác, thúc đẩy thượng tôn pháp luật tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; cam kết đối phó với những hành động đơn phương xói mòn ổn định khu vực và trật tự luật lệ, bao gồm UNCLOS năm 1982.

Bên lề Hội nghị G7 ngày 5/5, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ấn Độ S. Jaishankar. Ngoại trưởng Motegi bày tỏ mong muốn tăng cường “Đối tác chiến lược toàn cầu đặc biệt Nhật Bản – Ấn Độ”; bày tỏ quan ngại trước những nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, bao gồm Luật Hải Cảnh của Trung Quốc. Trong cuộc gặp cùng ngày với Ngoại trưởng Úc, Ngoại trưởng Motegi nhấn mạnh phạm vi hợp tác giữa hai nước ngày càng được mở rộng. Hai bên khẳng định thúc đẩy hợp tác với các quốc gia khu vực nhằm hiện thực hóa khu vực “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”; chia sẻ quan ngại về hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng, tình hình ở Hồng Kông…

Phát biểu trên truyền hình ngày 5/5, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho rằng Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài không có giá trị với các nước. Các cường quốc như Mỹ, Anh có thể làm bất cứ gì họ muốn. Tổng thống Duterte nhấn mạnh việc Philippines viện dẫn Phán quyết Trọng tài sẽ dẫn đến một cuộc chiến với Trung Quốc.

Ngày 6/5 tại Đối thoại ASEAN - Mỹ lần thứ 34, Quyền Thứ trưởng Ngoại giao Phụ trách Quan hệ Song phương và Các vấn đề ASEAN Elizabeth P. Buensuceso  nhấn mạnh tầm quan trọng của Phán quyết năm 2016, đồng thời đánh giá cao những nỗ lực hợp tác biển của Mỹ. Theo bà Buensuceso, Phán quyết là cơ sở giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Trung Quốc ngày 6/5 tuyên bố dừng Đối thoại Kinh tế Chiến lược với Úc. Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc thông báo, "Gần đây, một số quan chức chính phủ Khối thịnh vượng chung Úc đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm phá vỡ các hoạt động trao đổi, hợp tác bình thường giữa Trung Quốc và Úc vì tư duy Chiến tranh lạnh và sự phân biệt đối xử ý thức hệ". Đây là động thái cho thấy quan hệ Trung - Úc tiếp tục xấu đi kể từ khi có Covid-19.

Góc nhìn quốc tế

Trang CNA ngày 30/4 trích ý kiến Học giả Tô Tử Vân, Viện Nghiên cứu Quốc phòng Đài Loan, cho biết Luật An ninh Hàng hải sửa đổi và Luật Hải cảnh đều là những bộ luật do cơ quan hành chính Trung Quốc ban hành để duy trì chủ quyền, quyền lợi của nước này. Trung Quốc tận dụng luật pháp để mở rộng không gian vùng xám. Theo ông Tô, Đài Loan cần cân nhắc phản ứng mạnh mẽ như sử dụng tàu tuần tra sử dụng vũ khí phi sát thương hay thúc đẩy hợp tác trong các cơ chế quốc tế.

Ngày 4/5, GS. Pankaj Jha, Đại học toàn cầu Jindal, Ấn Độ cho rằng QUAD sẽ trở thành Bộ Năm (Pentad) do mối quan hệ ngày càng thân thiện giữa các thành viên của Bộ Tứ và Pháp. Mối quan hệ này nhằm 3 mục đích cơ bản: (i) Hải quân Pháp hiện diện ở Ấn Độ Dương và giúp giám sát phía Tây Ấn Độ Dương; (ii) Số lượng đảo Pháp quản lý ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cung cấp hệ thống hỗ trợ hậu cần; (iii) Mối quan hệ ba bên giữa Úc, Ấn Độ và Pháp mặc dù không thể hiện một cách sâu sắc nhưng kế hoạch chi tiết đã được vạch ra để đưa Pháp gia nhập Bộ Tứ, biến nhóm này thành Pentad.

Nhà nghiên cứu Peter Jennings, Viện Chính sách Chiến lược Úc, ngày 6/5 đánh giá việc Công ty Austal của Úc tiếp quản nhà máy đóng tàu Hanjin tại Vịnh Subic chỉ mang tính kinh tế và kỹ thuật. Vịnh Subic là khu vực quan trọng về mặt chiến lược ở Biển Đông, nơi tàu chiến Mỹ, Úc thường ghé thăm. Theo ông Jennings, “Austal sẽ không thúc đẩy bất kỳ chương trình nghị sự nào của Chính phủ Úc, tập trung thúc đẩy lợi ích kinh doanh và kỹ thuật, cũng như vận hành cảng một cách hiệu quả". Về phía Austal, công ty này đã từ chối bình luận liên quan tới vụ đấu thầu cảng biển ở Vịnh Subic.

Trong bình luận trên tờ Inquirer ngày 6/5, Cựu Thẩm phán Phillipines Antonio T.Carpio nêu 5 điểm lớn trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Duterte ở Biển Đông: (i) Tin tưởng vào Trung Quốc và sẵn sàng phủ quyết phán quyết của Tòa Trọng tài (ii) Ít chú trọng hoạt động tuần tra vùng EEZ; (iii) Không bảo vệ tài nguyên biển và quyền lợi của ngư dân Philippines (iv) Nhiều lần công nhận yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông; (v) Không có tinh thần đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn