Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Tập đoàn CNOOC (Trung Quốc) ngày 2/7 công bố vừa phát hiện mỏ dầu lớn tại cấu tạo dầu khí Huệ Châu 26-6 trong khu vực lòng chảo cửa sông Châu Giang thuộc phía Đông Biển Đông. Độ sâu bình quân khu vực này khoảng 113 m, giếng khoan HZ26-6-1 đạt độ sâu 4276 m và phát hiện tầng dầu khí dày khoảng 422,2 m. Qua thăm dò, trữ lượng khai thác tại đây có thể đạt 2.020 thùng dầu và 15,36 triệu feet khối khí thiên nhiên mỗi ngày.

Hải quân Mỹ ngày 2/7 cho biết tàu chiến ven biển USS Gabrielle Giffords hiện diện gần tàu khảo sát Hải Dương 4 của Trung Quốc trên Biển Đông. USS Gabrielle Giffords được triển khai luân phiên tới khu vực Hạm đội 7 phụ trách.

The Drive ngày 3/7 đưa tin quân đội Mỹ đã mở rộng hai bãi đỗ máy bay, làm lại đường băng và xây một số công trình hỗ trợ trên đảo Wake ở Thái Bình Dương. Đảo Wake nằm ở Tây Thái Bình Dương, cách đảo Guam hơn 2.400 km về phía đông. Trong tình huống nổ ra xung đột và diễn biến nhanh chóng, đảo Wake có thể trở thành điểm lui quân của Mỹ. Hòn đảo được củng cố năng lực phòng thủ nhờ hệ thống phòng không tại chỗ hoặc trên chiến hạm gần đó, đồng thời được bảo vệ nhờ hệ thống tên lửa đánh chặn ở căn cứ Fort Greely, Alaska.

Tờ WSJ ngày 3/7 đưa tin hoạt động diễn tập của tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz là một trong những lần diễn tập lớn nhất của hải quân Mỹ trong những năm gần đây tại Biển Đông. Chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan, Chuẩn Đô đốc George Wikoff cho biết, “Mục đích là thể hiện tín hiệu rõ ràng cho các đối tác và đồng minh rằng Mỹ cam kết đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực”.

Máy bay ném bom B-52 ngày 4/7 từ lục địa Mỹ tham gia diễn tập cùng nhóm 2 tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan ở Biển Đông trước khi hạ cánh xuống căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam. Chỉ huy phi đội máy bay ném bom 96 Christopher Duff cho biết, “Điều này chứng tỏ khả năng triển khai nhanh chóng lực lượng từ căn cứ Mỹ đến bất kỳ nơi nào trên thế giới, và thể hiện cam kết của Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương Mỹ đối với an ninh và ổn định của khu vực”.

Duân Đặng đưa tin ngày 5/7, tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát mỏ Lan Tây, cho thấy việc leo thang gây hấn từ phía Trung Quốc. Trước đó, tàu này rời Tam Á ngày 1/7, đến đá Xu Bi ngày 2/7, ngày 3/7 bắt đầu hướng đến lô 06.01. Việc Trung Quốc tăng cường quấy nhiễu có thể từ 3 nguyên nhân: (i) gây sức ép buộc Việt Nam không triển khai các hoạt động thăm dò, khai thác mới trong khu vực và gây sức ép trong các vấn đề Biển Đông khác; (ii) tăng cường quấy phá hoạt động dầu khí của Việt Nam nói chung; và (iii) lực lượng tại chỗ của Trung Quốc được trao quyền tự do hoạt động nhiều hơn, đặc biệt sau khi thay đổi cơ cấu tổ chức chỉ huy của hải cảnh Trung Quốc.

Tờ Nikkei ngày 5/7 đưa tin phần lớn trong số 9.500 binh sĩ Mỹ rời khỏi Đức dự kiến sẽ được triển khai tới các căn cứ của Mỹ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương (Guam, Hawaii, Alaska, Nhật Bản và Úc). Đây là động thái của Mỹ nhằm đối phó với “2 đối thủ cạnh tranh lớn” là Trung Quốc và Nga.

Hạm đội Thái Bình Dương ngày 5/7 thông báo Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan diễn tập ngay khi tiến vào Biển Đông ngày 4-7/7, trùng thời điểm Trung Quốc tổ chức tập trận quy mô lớn dài 5 ngày ở quần đảo Hoàng Sa. Hạm đội Thái Bình Dương khẳng định Mỹ và các nước khác có quyền tự do qua lại, bay qua và hoạt động ở bất kỳ khu vực nào luật quốc tế cho phép trên Biển Đông.

Reuters ngày 6/7 đưa tin hải quân Trung Quốc hiện diện gần khu vực hai nhóm tàu sân bay Mỹ tập trận ở Biển Đông. Chỉ huy tàu sân bay USS Nimitz, Chuẩn Đô đốc James Kirk cho hay, “Họ nhìn thấy chúng tôi và chúng tôi cũng thấy họ. Hy vọng hai bên sẽ liên lạc một cách chuyên nghiệp và an toàn. Chúng tôi đang hoạt động ở một vài vùng biển đông đúc với nhiều phương tiện cùng lưu thông”.

Báo Hoàn Cầu ngày 7/7 cho biết 1 máy bay trinh thám RC-135 của Quân đội Mỹ bay qua eo biển Ba Sĩ vào Biển Đông, tiến hành trinh sát gần bờ đối với Trung Quốc và cách bờ biển Quảng Đông chỉ 60 hải lý (111 km) vào ngày 6/7. Theo báo Đài Loan, máy bay trinh sát này được trang bị một số lượng lớn ăng ten và thiết bị trinh sát điện tử, có thể theo dõi tín hiệu vô tuyến và tín hiệu điện từ trong một dải tần số rộng, được sử dụng cho công việc trinh sát, tình báo điện tử và tình hình phóng tên lửa.

Lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản và Hải quân Mỹ ngày 7/7 tập trận song phương tại Biển Đông. Cuộc tập trận có sự tham gia của tàu JS KASHIMA, JS SHIMAYUKI và một phi đội của Nhật Bản cùng tàu USS RONALD REAGAN (tàu sân bay) và USS MUSTIN (tàu hộ vệ mang tên lửa). Cuộc tập trận này giúp lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản gia tăng khả năng tác chiến và phối hợp với hải quân Mỹ.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Bộ Ngoại giao Philippines ngày 1/7 thông tin về việc Ngoại trưởng Philippines Locsin tham dự các hội nghị ASEAN trực tuyến. Ngoại trưởng Locsin cho rằng: (i) các diễn biến trên Biển Đông gần đây đe dọa hoà bình, ổn định và an ninh ở khu vực; (ii) các nước lớn cần giảm căng thẳng, không biến Biển Đông thành vũ đài chiến tranh; (iii) với vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, Philippines cam kết cộng tác chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc để đàm phán một COC hiệu quả và thực chất.

BTQP Philippines Lorenzana ngày 2/7 cho rằng việc Trung Quốc tập trận quân sự tại Hoàng Sa (khu vực tranh chấp trên Biển Đông) là hành động rất khiêu khích và gióng hồi chuông báo động với tất cả các nước có yêu sách ở Biển Đông.

Trang CNN Philippines ngày 2/7 đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết Ấn Độ thể hiện ý định thực hiện các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Bộ trưởng cho biết ông không phản đối nhưng cho rằng sự hiện diện của Ấn Độ ở Biển Đông có thể làm gia tăng căng thẳng.

Tờ Philippine Star ngày 2/7 trích lời phát ngôn viên Harry Roque Phủ Tổng thống Philippines, tuyên bố Philippines có thẩm quyền duy nhất đối với việc điều tra vụ tàu cá Philippines bị đâm chìm do vụ việc xảy ra trong vùng biển Philippines. Trước đó hôm 30/6, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila ra tuyên bố rằng họ “bị sốc và buồn” về vụ việc, tỏ ý “sẵn sàng giúp đỡ” Philippines điều tra và kêu gọi không “chính trị hóa” vấn đề.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 2/7 ra Thông cáo chỉ trích diễn tập quân sự của Trung Quốc tại khu vực có tranh chấp (disputed territory) ở Hoàng Sa là vi phạm cam kết của nước này theo Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Mỹ ủng hộ các nước Đông Nam Á phản đối các yêu sách phi pháp của Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 2/7 chỉ trích hoạt động tập trận của Trung Quốc quanh quần đảo Hoàng Sa, "Các cuộc tập trận là động thái mới nhất trong chuỗi hành động nhằm khẳng định các tuyên bố biển phi pháp và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông". Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, khu vực mà Trung Quốc tiến hành tập trận bao gồm các vùng biển và lãnh thổ đang tranh chấp; và việc tiến hành hoạt động quân sự tại các vùng lãnh thổ có tranh chấp tại Biển Đông sẽ đi ngược lại các nỗ lực xoa dịu căng thẳng và duy trì sự ổn định.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink ngày 2/7 nêu 3 hướng Mỹ đang triển khai để duy trì ổn định ở Biển Đông: (i) tăng hoạt động ngoại giao; (ii) hỗ trợ các nước tăng cường năng lực hàng hải; và (iii) phát triển năng lực quân sự của Mỹ. Trung Quốc lợi dụng các nước đối phó với Covid-19 để tăng hoạt động đòi yêu sách ở Biển Đông, thực hiện các hành động mang tính khiêu khích và ảnh hưởng đến ổn định ở khu vực.

Thượng nghị sỹ Mỹ Jim Inhofe và Cory Gadner ngày 2/7 bình luận Thượng viện Mỹ sẽ làm mới cam kết của Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương thông qua Luật Chuẩn chi Quốc phòng 2021 (NDAA), thiết lập Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (PDI) bổ sung cho Luật Sáng kiến Tái đảm bảo Châu Á(ARIA) và củng cố sự hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn nữa của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: (i) PDI đảm bảo các ưu tiên của Mỹ ở khu vực có nguồn lực và ngân sách cần thiết; (ii) PDI tập trung vào phát triển mạng lưới hậu cần linh hoạt hơn, hệ thống phòng thủ tên lửa cho các căn cứ của Mỹ... và triển khai các hoạt động thử nghiệm mới về tác chiến; (iii) tăng cường hỗ trợ an ninh cho đồng minh và đối tác; (iv) giúp duy trì hoà bình ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dươngqua củng cố năng lực răn đe cần thiết. Hai Thượng nghị sĩ kết luận PDI giúp khẳng định với các đồng minh và đối tác rằng cam kết của Mỹ với khu vực là lâu dài và được lưỡng Đảng ủng hộ.

Ngoại trưởng Philippines Locsin ngày 3/7 bày tỏ quan ngại về cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc từ 1/7 - 5/7 ở Hoàng Sa. Ngoại trưởng cho biết cuộc tập trận hải quân này thực hiện ở Hoàng Sa mà Việt Nam yêu sách chủ quyền, không xâm phạm vào vùng lãnh thổ của Philippines. Tuy nhiên, Ngoại trưởng cảnh báo nếu cuộc tập trận lấn sang cả lãnh thổ của Philippines, Trung Quốc sẽ phải hứng chịu phản ứng ngoại giao gay gắt hoặc những phản ứng tương đương khác. Ngoại trưởng Philippines nhắc lại việc phản đối Trung Quốc thành lập quận hành chính tại Hoàng Sa và Trường Sa, nhấn mạnh việc thành lập Thành phố “Tam Sa” là không có hiệu lực pháp lý. Theo đó, Ngoại trưởng kêu gọi các nước tránh làm leo căng thẳng và tuân thủ nghĩa vụ theo luật quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Thủ tướng Úc Scott Morison ngày 3/7 đưa ra nhiều nhận định bi quan về thế giới, cho rằng thế giới hậu Covid-19 sẽ nghèo và hỗn loạn hơn. Hơn nữa, ông cũng thấy nguy cơ to lớn trong quan hệ Mỹ - Trung mà có thể dẫn tới tính toán sai lầm và thậm chí là xung đột quân sự. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds cho rằng thế giới đã thay đổi. Do vậy, Chiến lược quốc phòng của Úc đã đưa ra 3 ưu tiên gồm: (i) đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, an toàn và chủ quyền của Úc; (ii) răn đe các hoạt động quân sự ở gần khu vực mà đi ngược lại lợi ích của Úc; (iii) đáp trả với năng lực quân sự cần thiết. Để thực hiện các ưu tiên này, Úc đã thông qua ngân sách 270 tỷ đô để tăng cường năng lực quốc phòng.

Hải quân Mỹ ngày 5/7 khẳng định không bị “đe dọa” trước vũ khí của Trung Quốc sau khi truyền thông Trung Quốc nói rằng các tên lửa “diệt hạm” của nước này được triển khai nhằm phản ứng với sự hiện diện của hai nhóm tác chiến tàu sân bay ở Biển Đông.

Người phát ngôn Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 6/7 bình luận về việc Trung Quốc diễn tập quân sự tại quần đảo Hoàng Sa, nhấn mạnh đây là “lãnh thổ của Trung Quốc” và không tồn tại tranh chấp tại đây, Trung Quốc tiến hành tập trận trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Theo ông Triệu, “hiện nay với nỗ lực chung của Trung Quốc và ASEAN, tình hình Biển Đông được duy trì ổn định và tốt lên. Trong lúc đó, Mỹ tập trận quy mô lớn tại các vùng biển trên Biển Đông, diễu võ dương oai và hoàn toàn có ý đồ riêng. Các hành động của Mỹ nhằm ly gián quan hệ các nước trong khu vực, thúc đẩy quân sự hóa Biển Đông, phá vỡ sự ổn định và hòa bình của khu vực Biển Đông, cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực đều có cái nhìn rõ ràng về vấn đề này”.

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 6/7 ra thông cáo đồng ý bán cho Indonesia 8 máy bay MV-22 Block C Osprey cùng các thiết bị quân sự liên quan với trị giá 2 tỉ USD, bao gồm chương trình đào tạo nhân sự và hỗ trợ kỹ thuật. Hợp đồng này được cho là phù hợp với mục tiêu về ngoại giao và lợi ích về an ninh quốc gia khi Mỹ hỗ trợ Indonesia, một đối tác quan trọng trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Duơng.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 7/7 ra thông cáo báo chí trong Tham vấn quan chức ngoại giao Ấn - Mỹ: Cam kết hợp tác duy trì Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, mở, bao quát, hòa bình và thịnh vượng. Đánh giá lại toàn bộ tiến trình hợp tác trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn cầu toàn diện Ấn - Mỹ (chính trị, kinh tế, thương mại, khu vực và liên khu vực). Về các vấn đề khu vực và toàn cầu, hai bên tái khẳng định hợp tác duy trì khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, mở, bao quát, hòa bình và thịnh vượng. Cuộc họp trực tuyến diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Ngoại giao hai bên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 8/7 trả lời phóng viên về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Nhật - Úc: “Hiện nay, với nỗ lực của Trung Quốc và các nước trong khu vực, tình hình Biển Đông về tổng thể duy trì ổn định và tốt lên. Tuy nhiên, một số quốc gia cá biệt ngoài khu vực thường xuyên làm lớn các vấn đề Biển Hoa Đông và Biển Đông, thậm chí cử một lượng lớn tàu khu trục và máy bay tới các vùng biển liên quan tiến hành quân sự hóa, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực”.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 8/7 trong thông cáo báo chí nói Bắc Kinh “thường xuyên kích động tranh chấp lãnh thổ” và “thế giới không nên để hành vi bắt nạt này xảy ra, hay tiếp diễn”. Chính quyền Trump đang nỗ lực giải quyết chủ nghĩa xét lại ngày một lớn của Trung Quốc. Cho biết Mỹ sẽ bắt đầu tiến hành đối thoại với EU để tìm ra cách đối phó với thách thức từ Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nhật và Úc ngày 8/7 ra Tuyên bố chung phản đối mạnh mẽ về các hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm răn đe các hành vi trên. Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của giải quyết tranh chấp bằng hòa bình theo luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS; khẳng định mong muốn COC tại Biển Đông phù hợp luật quốc tế như UNCLOS, không phương hại tới lợi ích của bên thứ 3 hay bất kỳ quyền của nước nào trong luật quốc tế.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink ngày 8/7 cho biết Mỹ phản đối việc can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí vốn có từ lâu của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. An ninh hàng hải đóng vai trò sống còn với sự phát triển kinh tế của khu vực, toàn cầu cũng như với các quốc gia khu vực. Luật pháp quốc tế phải được tôn trọng và mọi quốc gia phải hành xử theo luật pháp quốc tế. Không nước nào được dùng vũ lực để cưỡng ép, bắt nạt các quốc gia khác và để thúc đẩy lợi ích riêng của họ.

Góc nhìn quốc tế

+ Trung Quốc:

Ngô Sĩ Tồn ngày 7/7 cho biết tình hình Biển Đông đang có một chuyển biến mới đáng lo ngại. Cho rằng các hành động của Mỹ thời gian gần đây liên tục gia tăng bất chấp tình hình dịch bệnh trong nước. Các yếu tố “quân sự hóa Biển Đông” như đặt ra Phương châm chiến lược đối với Trung Quốc, gửi Công hàm lên Liên hợp quốc, điều 2 tàu sân bay vào Biển Đông và tiến hành tập trận, tiến hành theo dõi trinh thám hoạt động Hải quân Trung Quốc của Mỹ, Philippines hoãn thời hạn rút khỏi VFA, Việt Nam Philippines và Mỹ cùng lên tiếng phản đối hoạt đông tập trận tại Hoàng Sa cho thấy Mỹ là nhân tố then chốt lớn “phá hỏng cục diện hòa bình ổn định” và “quân sự hóa” Biển Đông. Các hành động của Mỹ trong khu vực không thể thiếu sự kêu gọi và hưởng ứng của các nước khu vực (cuộc chiến công hàm, hoạt động dầu khí đơn phương của Việt Nam tại bãi Tư Chính…) Kiến nghị Trung Quốc (1) cần thúc đẩy xây dựng dựa trên luật lệ và trật tự ở Biển Đông; (2) tiến hành điều chỉnh lực lượng trên biển dựa trên tiêu chí duy trì lợi ích và duy trì ổn định; (3) xây dựng năng lực thích ứng với mô hình tác chiến trên biển trong tương lai và (4) củng cố và mở rộng ưu thế địa chính trị của Trung Quốc tại Biển Đông.

Chuyên gia quân sự Tống Trung Bình ngày 8/7 cho rằng các máy bay trinh thám EP-3E và RC-135 tiến hành giám sát khu vực gần bờ biển của Trung Quốc là để tìm hiểu các tín hiệu quân sự của PLA, những hành động này không chỉ mang tính chất chính trị mà còn có các yếu tố cân nhắc về quân sự. Các máy bay trinh thám EP-3E và RC-135 có thể bắt các sóng truyền tin, tiến hành phân tích và so sánh hàm lượng thông tin trong đó từ đó tìm hiểu và nắm bắt được hiện trạng các trang bị vũ khí và các động thái quân sự của Trung Quốc. Kiến nghị (1) PLA có thể áp dụng phương pháp tiếp cận đánh chặn để gây nhiễu máy bay quân sự Mỹ tiếp cận trinh sát; (2) Khi máy bay trinh sát đối phương tiếp cận không phận liên quan của Trung Quốc, PLA cũng có thể tạm dừng một số hoạt động quân sự để giảm tần suất các tín hiệu điện từ bị thu thập.

+ Đông Nam Á:

Lee Yinghui, Đại Học Công Nghệ Nanyang (Singapore), ngày 29/6 trên The Diplomat, nhận định Trung Quốc đang “kín đáo” triển khai chương trình “Biển Xanh 2020” và cho rằng hiện nay chưa một quốc gia ASEAN nào có phản ứng công khai đối với sáng kiến này. Sáng kiến có vẻ đơn thuần nhằm chương trình bảo vệ môi trường biển nhưng các hoạt động thực thi pháp luật trong khuôn khổ sáng kiến bao gồm các hoạt động tuần tra khu vực bờ biển và trên biển. Phạm vi địa lý của sáng kiến cho đến nay là không rõ ràng (các cơ quan quản lý Trung Quốc không làm rõ các hoạt động thực thi pháp luật chỉ được tiến hành trong lãnh hải của Trung Quốc hay rộng hơn trong khu vực Biển Đông). Bắc Kinh có thể sử dụng sáng kiến này như một công cụ để biện hộ cho hiện diện ngày càng gia tăng của các tàu chấp pháp trên Biển Đông. Học giả kêu gọi các nước Đông Nam Á quan tâm nhiều hơn đến “Biển Xanh 2020” trước khi chương trình trở thành một điểm bùng nổ xung đột mới trong khu vực.

Chuyên gia về Myanmar Shah Suraj Bharat, ngày 5/7 cảnh báo Trung Quốc sẽ tranh thủ kế hoạch phục hồi kinh tế (CERP) để thúc đẩy các dự án BRI tại Myanmar. Kế hoạch phục hồi kinh tế sau Covid-19 (CERP) được Chính phủ Myanmar đưa ra ngày 27/4 nhằm đẩy nhanh cấp phép cho các dự án cơ sở hạ tầng chiến lược, tiêu tốn khoảng 3 tỷ USD (2,9% GDP) của Myanmar. Việc Chính phủ Myanmar thông qua CERP dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc gây sức ép và triển khai các dự án BRI của nước này sau vỏ bọc của CERP nhằm qua mặt giám sát về tác động môi trường, xã hội và vấn đề tài chính. Đầu năm nay Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi đã ký kết MOU thực hiện 33 dự án lớn, trị giá hàng tỷ USD. Mới đây ngày 20/05 Chủ tịch TQ Tập Cận Bình cũng đã điện đàm với Tổng thống Myanmar U Win Myint, kêu gọi chính phủ Myanmar đẩy nhanh thực hiện các dự án đã ký kết. Các dự án mà Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy như cảng nước sâu Kyaukphyu trị giá 1,3 tỷ USD và đường cao tốc Mandalay-Muse trị giá 820 triệu USD hay như dự án đường sắt trị giá 8,9 tỷ USD.

+ Châu Âu - Mỹ:

Học giả Allen Carlson, Mỹ, ngày 4/7 đưa ra ba lý do về sự quyết đoán của Trung Quốc đe dọa tới hòa bình và ổn định lâu dài ở Châu Á: (1) Trung Quốc và Ấn Độ đang giữ thái độ giận dữ với nhau về xung đột biên giới kéo dài giữa hai nước; (2) Với vị thế lớn hơn trước rất nhiều, Bắc Kinh đã tạo ra một hiện trạng mới về sự hiện diện hữu hình lâu dài của Trung Quốc ở những vùng nước có tranh chấp. Trung Quốc không còn cố duy trì thái độ kiềm chế ở Biển Đông như trước; (3) Việc Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia mới cho Hồng Kông xung đột với Luật Cơ bản được áp dụng kể từ khi tiếp quản thành phố cho thấy ông Tập Cận Bình đã thực hiện các hành động mới, không còn tuân thủ các luật lệ vốn có và trở nên cứng rắn hơn khi xử lý các mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Andrew Scobell (Viện RAND) ngày 6/7 cảnh báo nguy cơ leo thang xung đột khi Trung Quốc và Mỹ tăng cường hoạt động trên thực địa. Lý do là bởi các bên đều tính toán rằng đối phương ít có khả năng leo thang xung đột, nên có thể sẽ có các hành vi khiêu khích nguy hiểm. Về hoạt động tập trận 2 tàu sân bay của Mỹ ở Biển Đông, ông cho rằng đây là tín hiệu Mỹ gửi tới các bạn bè và đối thủ rằng ngay cả trong thời điểm khó khăn của Mỹ (đại dịch, khủng hoảng kinh tế, chia rẽ chính trị trong nước), hải quân Mỹ vẫn sẵn sàng và đủ năng lực hoạt động tại khu vực.

Tờ RFI ngày 6/7 nhận định trong cuộc họp trực tuyến của hội nghị cấp cao ASEAN lần 36, dù gặp những bất lợi nhất định so với các cuộc họp thông thường, cùng với Việt Nam, các nước Philippines, Malaysia, Indonesia đã bày tỏ lập trưởng cứng rắn hơn bao giờ hết với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Vai trò của luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 ngày càng được nhấn mạnh. TS. Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á nhận định các sự kiện liên quan tới Biển Đông gần đây giúp Việt Nam dễ dàng vận động các nước có một lập trường thống nhất và cứng rắn hơn trong ASEAN.

Greg Poling, CSIS, Mỹ, ngày 7/7 trả lời phỏng vấn của NPR, cho rằng việc Mỹ điều hai tàu sân bay đến khu vực để khẳng định năng lực hiện diện của Mỹ không hề bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và Mỹ đứng về phía các nước nhỏ trước sự gây hấn của Trung Quốc. Trước việc Việt Nam, Philippines, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ trong những tháng qua kêu gọi sự ủng hộ với khu vực lớn hơn từ Mỹ, hành động của Mỹ là chưa đủ nhưng đây là bước đầu chứng minh cho khu vực thấy Mỹ luôn ủng hộ khu vực. Lo ngại lớn nhất của Mỹ và cộng đồng quốc tế là thực trạng Bắc Kinh thiết lập được bá quyền ở Biển Đông sẽ xảy ra, khi đó không ai có thể tự do qua lại hay hoạt động ở vùng biển này. Ông Poling nhấn mạnh không thể có giải pháp quân sự cho vấn đề này.

David A. Andelman, RedLines Project, Mỹ, ngày 7/7 cho rằng các cuộc tập trận quy mô lớn của Mỹ thường không có nhiều tác động tới hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông. Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cường năng lực cho lực lượng hải quân với mục tiêu thách thức sự thống trị của Mỹ tại Thái Bình Dương, cùng với đó tiếp tục củng cố kiểm soát tại Biển Đông. Vấn đề then chốt ở đây là Mỹ muốn thách thức Trung Quốc trực tiếp đến mức độ nào – trong bối cảnh Trung Quốc đã thể hiện rõ quyết tâm thống trị khu vực bằng vũ trang, sẵn sàng đe doạ gây xung đột chấp nhận leo thang một cách nhanh chóng, bất chấp hậu quả.

James Kraska, Đại học Hải chiến Mỹ, ngày 7/7 đánh giá cái khó để xác định địa vị pháp lý của Lực lượng dân quân biển Trung Quốc (PAFMM) là do Trung Quốc đã cố tình “nhập nhằng”. Ông cho rằng trong thời gian xảy ra xung đột vũ trang, có thể chia PAFMM thành 3 nhóm: (1) nhóm các tàu đánh cá ven bờ được coi là mục tiêu dân sự, trừ khi chúng hỗ trợ quân đội Trung Quốc; (2) nhóm tàu đánh cá trên biển thông thường (ordinary, ocean-going fishing vessels) ban đầu được coi là mục tiêu dân sự, cho đến khi cho thấy chúng có đóng góp hiệu quả cho hoạt động quân sự (VD: đặt mìn kẻ thù, chở lực lượng quân đội…); (3) nhóm các tàu PAFMM được chuyên nghiệp hóa có thể được coi là mục tiêu quân sự (kể cả khi chúng không được trang bị vũ khí), dưới dạng lực lượng phụ trợ cho hải quân trên thực tế (de facto), hoạt động cùng hải quân Trung Quốc hoặc lực lượng cảnh sát biển để thực thi lập trường và các yêu sách biển Trung Quốc thông qua cưỡng chế, theo tầm nhìn của Chủ tịch Tập về kết hợp dân sự-quân sự.

Chris Johnstone, Trưởng phòng Nam - Đông Nam Á Văn phòng Bộ Quốc phòng Mỹ, ngày 7/7 cho biết Mỹ “cùng với Việt Nam và Singapore quan ngại về các cuộc diễn tập gần đây của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa”. Mỹ coi hoạt động này là phản tác dụng, vi phạm DOC và sẽ làm căng thẳng tình hình khu vực. Khẳng định lực lượng vũ trang của Mỹ đang thực hiện nghĩa vụ của mình ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép; đang thực hiện nhiệm vụ đi lại tự do trên vùng biển quốc tế để có thể thúc đẩy hòa bình, an ninh và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông.

Báo Thanh niên ngày 8/7 dẫn ý kiến học giả cho rằng việc Mỹ, Trung Quốc tiến hành tập trận ở Biển Đông có thể xem là cao trào ngoại giao pháo hạm, Washington và Bắc Kinh không chỉ muốn gửi thông điệp cho nhau mà còn cho cả các bên khác ở khu vực. PGS-TS Stephen Robert Nagy, Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế, Nhật Bản, kiêm học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương, Canada, cho rằng: “Ở cấp độ song phương, hai bên phát tín hiệu cho nhau rằng kiên quyết không lùi bước khỏi các vị trí hiện có trên Biển Đông. Rộng hơn, thông qua các cuộc tập trận, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều muốn gửi thông điệp đến các nước trong khu vực, các thành viên ASEAN… Cụ thể, Washington đang hướng đến nhấn mạnh một nước Mỹ mạnh mẽ, cam kết tiếp tục hiện diện tại khu vực. Còn Bắc Kinh thì muốn thể hiện rằng không ngần ngại sức mạnh từ Washington, và sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quân sự.”

Sébastien Roblin, tờ NBC News, Mỹ, ngày 8/7 nhận định cuộc diễn tập giữa hai nhóm tàu sân bay của Mỹ là hoạt động cần có để thể hiện sức mạnh, song chưa đủ để kiềm chế Trung Quốc. Các cuộc diễn tập và tuần tra thường xuyên của Mỹ ở Biển Đông giúp: (1) bảo vệ luật pháp quốc tế; (2) giúp các nước khu vực dám đứng lên trước sức ép từ Trung Quốc; (3) duy trì vị trí của Mỹ ở tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, các hoạt động này là chưa đủ, Mỹ cần tiến hành tái đầu tư vào các đồng minh, bao gồm giải quyết rạn nứt, hợp tác sâu rộng hơn, thay vì đòi hỏi nhiều tiền hơn và đe dọa chiến tranh thương mại.

+ Các nước khác:

Phóng viên Rahul Bedi của tờ The Wire ngày 2/7 cho rằng, bốn năm sau Chiến lược Hành động hướng Đông, Ấn Độ vẫn chưa có bước tiến về việc bán tên lửa BrahMos cho Việt Nam. Tuy nhiên, xung đột biên giới Ấn-Trung sẽ là tác nhân thúc đẩy tiến trình này. Việc cung cấp tên lửa BrahMos và Akash cho Việt Nam không chỉ là động thái chiến lược quan trọng của Ấn Độ nhằm đối trọng Trung Quốc mà còn là động lực lớn về chính sách xuất khẩu vũ khí của Ấn Độ nhằm đạt mốc 5 tỷ USD vào 2025.

Đại tá Hải quân Ấn Độ Digvijay Sodha ngày 2/7 đưa ra 3 cách thức Trung Quốc sử dụng lực lượng dân quân biển cho các nhiệm vụ chiến lược trên biển: (i) Di chuyển theo đám đông để cản trở hoạt động tự do hàng hải của đối phương; (ii) Vận chuyển lực lượng và hậu cần tại các khu vực tranh chấp; (iii) Do thám và hỗ trợ hoạt động cho hải quân. Trung Quốc đã thực hiện hiệu quả hoạt động này ở Biển Đông.  Lực lượng này làm cản trở tự do hoạt động của hải quân Ấn Độ tại Đông Ấn Độ Dương, vận chuyển đổ bộ lính lên các đảo xa xôi và tách biệt của Ấn Độ, thực hiện các hoạt động do thám. Ấn Độ cần thường xuyên theo dõi hạm đội tàu cá Trung Quốc, tiêu chuẩn hóa tàu cá Ấn Độ, tăng cường huấn luyện hải quân…

Học giả Alan Weedon và Le Huong Thu, Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược, Úc, ngày 3/7 nhận định lý do Philippines quyết định tạm dừng quyết định hủy Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ vì gia tăng căng thẳng quân sự tại Biển Đông. Việc Philippines dọa hủy VFA nhằm ngăn Mỹ trừng phạt Chính quyền của Duterte do cuộc chiến chống ma túy của Chính quyền đã vi phạm nhân quyền. 

Học giả Salvatore Babones, Đại học Sydney, Úc ngày 6/7 đánh giá Trung Quốc không đủ nguồn lực để đạt được và duy trì tham vọng về siêu cường toàn cầu. Thứ nhất, ngay cả Mỹ, một siêu cường với nền kinh tế mạnh hơn Trung Quốc, cũng thiếu khả năng tài chính để đầu tư vào nhiều mặt trận nhằm duy trì vị thế siêu cường của mình. Thứ hai, Trung Quốc đã dần yếu đi vì tăng trưởng kinh tế giảm, dịch bệnh Covid 19 hoành hành, và tài chính của Trung Quốc lộ rõ nhiều vấn đề.

Báo Thanh Niên ngày 6/7 cho biết Trung Quốc đang đồng loạt tập trận tại 3 vùng biển ở Châu Á gồm Biển Đông, Biển Hoa Đông và Hoàng Hải và ngang nhiên gọi đây là “3 chiến khu chính”. Theo CCTV, một tàu khu trục mang tên lửa và 2 trực thăng diễn tập bắt giữ một tàu lạ ở biển Hoa Đông. Cuộc tập trận này có thể được thiết kế cho các vùng biển gần Đài Loan và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản. Bên cạnh đó, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) còn tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông và Hoàng Hải, khi Trung Quốc ngang ngược cấm các tàu dân sự đến gần khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ 1-5/7.

Nhân dịp Thủ tướng Úc và Nhật Bản sắp có cuộc thảo luận trực tuyến, Cựu Đại sứ Úc tại Mỹ John McCarthy ngày 8/7 cho rằng Úc nên học Nhật Bản trong ứng xử với Trung Quốc và Mỹ. Cho rằng Nhật Bản có cách tiếp cận cứng rắn và thực tế đối với Trung Quốc, nhưng lại không đối đầu. Do đó, Nhật Bản vẫn có nhiều mối liên hệ về cá nhân, doanh nghiệp với phía Trung Quốc, và rất cẩn trọng trong các phát ngôn liên quan tới Trung Quốc. Ngoài ra, Nhật Bản cũng có thể là một đối trọng với Trung Quốc khi uy tín và sự can dự ngoại giao của Mỹ suy giảm ở tại Đông Nam Á.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn