Bản tin tuần Biển Đông (ngày 28/1 - 10/2/2022)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Ngày 1/2, Malaysia - Indonesia tuần tra chung chống đánh bắt cá trái phép ở Eo biển Malacca. Hoạt động này diễn ra ít nhất ba lần một năm. Ước tính Malaysia thiệt hại 6 tỷ ringgit (1,4 tỷ USD) vì đánh bắt bất hợp pháp mỗi năm, trong khi Indonesia thiệt hại khoảng 2 tỷ USD. Năm 2021, Indonesia đã bắt giữ 22 tàu thuyền gắn cờ Malaysia, trong khi 14 công dân Indonesia hiện đang phải đối mặt với các thủ tục pháp lý vì đánh bắt bất hợp pháp ở Malaysia.

Ngày 3/2/2022, lực lượng hỗn hợp gồm Hải quân, Không quân, Thủy quân lục chiến Mỹ và Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản tiến hành cuộc tập trận chung Noble Fusion ở Biển Philippines. Tham gia cuộc tập trận có Nhóm tàu đổ bộ USS Essex và Nhóm tấn công tàu sân bay USS Abraham Lincoln, hai đơn vị này đã tiến hành một loạt hoạt động diễn tập tại Biển Đông và Biển Philippines kể từ đầu năm đến nay.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Bộ Quốc phòng Ấn Độ - Philippines ngày 28/1 ký hợp đồng mua bán 3 khẩu đội tên lửa BrahMos do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ hợp tác với Nga (BAP) phát triển. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho hay đây là phần trong nỗ lực của Manila tăng cường năng lực bảo vệ chủ quyền. BrahMos là tên lửa hành trình siêu thanh có thể đạt tốc độ nhanh gấp 2,8 lần tốc độ âm thanh Tầm bắn là từ 300 - 500 km.

Phản ứng việc Hạ viện Mỹ thông qua Đạo luật Cạnh tranh Mỹ 2022, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 5/2 cho rằng nội dung về Trung Quốc trong dự luật trên mang tư duy Chiến tranh Lạnh và “trò chơi tổng không”, bôi nhọ con đường phát triển, chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc.  Đạo luật này đi ngược lại xu thế thời đại và nguyện vọng chung của người dân về hoà bình, phát triển và hợp tác, sẽ gây thiệt hại cho lợi ích của Mỹ.

Tại cuộc hội đàm ngày 6/2, Tổng thống Singapore Halimah Yacob và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí cần hợp tác chặt chẽ để nâng cấp quan hệ song phương; duy trì phát triển ba dự án giữa ở Tô Châu, Thiên Tân và Trùng Khánh; hoan nghênh sự hợp tác lớn hơn giữa hai nước trong các lĩnh vực mới như kinh tế kỹ thuật số, kinh tế xanh và thành phố thông minh.

Trả lời báo chí ngày 7/2, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton nêu rõ Bắc Kinh gia tăng hoạt động ở Biển Đông trong thập niên qua và Mỹ cần phản ứng cứng rắn nếu không muốn thua cuộc trong thập kỷ tới, "Quan điểm của tôi là chúng ta nên thẳng thắn với nhau”. Theo Bộ trưởng Dutton, Úc sẽ sở hữu tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân vào năm 2038.

Mỹ ngày 10/2 công bố thương vụ bán 36 máy bay chiến đấu F-15, động cơ và các thiết bị liên quan trị giá 13,9 tỉ USD cho Indonesia. Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, "Thương vụ được đề xuất sẽ hỗ trợ các mục tiêu chính sách đối ngoại và mục tiêu an ninh quốc gia của Mỹ bằng cách cải thiện an ninh của một đối tác quan trọng trong khu vực, cần thiết cho sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương".

Ngày 10/2, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Anh thông báo sẽ cử đoàn đại biểu thăm Đài Loan vào ngày 19/2, lần đầu sau 16 năm. Đoàn gồm 9 người do Chủ tịch Ủy ban Tom Tugendhat dẫn đầu dự kiến sẽ gặp mặt “Tổng thống” Thái Anh Văn và các quan chức khác. Chủ tịch Tugendhat cho biết mục đích chuyến thăm là để minh chứng Anh sẵn sàng bảo vệ giá trị dân chủ của Đài Loan. 

Phát biểu tại “Mission Australia” trong khuôn khổ chuyến thăm Úc ngày 10/2, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết Mỹ theo sát vấn đề Nga/Ukraine và những vấn đề toàn cầu khác nhưng những gì xảy ra tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới quyết định thế kỷ này và đặc biệt quan trọng với Mỹ. Trong năm 2021, Mỹ tập trung tái thiết các quan hệ đồng minh và không nơi nào khác quan hệ đồng minh quan trọng hơn tại Úc và Châu Á - Thái Bình Dương, với Quad, AUKUS.

Góc nhìn quốc tế

Trên “Firstpost” ngày 2/2, TS. Premesha Saha nhận định thoả thuận tên lửa BrahMos 375 tỷ USD giữa Philippines-Ấn Độ sẽ tác động tới: (i) quan hệ Ấn Độ - ASEAN: Ấn Độ duy trì vị thế một đối tác quốc phòng đáng tin cậy với các nước láng giềng Đông Nam Á, tạo điều kiện để Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí sang các nước ASEAN. (ii) quan hệ Ấn Độ -Trung: Với việc triển khai “ngoại giao quốc phòng chủ động”, Ấn Độ hướng đến kiềm chế các hoạt động xâm phạm của Trung Quốc ở biên giới trên bộ và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Kể từ sau vụ việc ở Thung lũng Galwan tháng 6/2020, Ấn Độ đã củng cố quan hệ với Mỹ, Úc và gần đây là Philippines. (iii) quan hệ Philippines - Trung Quốc: mục đích đằng sau việc mua tên lửa BrahMos của Philippines là nhằm cải thiện năng lực phòng thủ bờ biển. Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục có những hành vi gây căng thẳng trên Biển Đông, Philippines đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí ngoài Mỹ và Hàn Quốc.

Trên “Asiatimes” ngày 4/2, nhà phân tích David Paul Goldman, Mỹ cho rằng hành động của Mỹ và NATO hậu Chiến tranh Lạnh là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi "gây hấn" của Nga đối với Ukraina và hành vi đàn áp của Trung Quốc ở Tân Cương, bởi: (i) Việc Nga triển khai quân ở biên giới với Ukraina là phản ứng trực tiếp trước sự mở rộng của NATO, Nga cần đảm bảo Ukraina sẽ không bao giờ gia nhập tổ chức này; (ii) NATO mở rộng quá xa cả về mặt địa lý - vượt xa khỏi khuôn khổ Bắc Đại Tây Dương, từ quân sự - an ninh truyền thống sang an ninh con người, từ đó tự khiến mình "mất gốc" - không còn là liên minh quân sự; (iii) Chủ nghĩa ly khai ở Tân Cương là hệ quả gián tiếp của hành vi khơi dậy chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan của Mỹ-NATO ở Trung Đông. Theo ông Goldman, các dân tộc thiểu số khác ở Trung Quốc được đối đãi tốt hơn nhiều các dân tộc thiểu số khác ở Phương Tây, ám chỉ trường hợp của người Duy Ngô Nhĩ là ngoại lệ.

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn