Bản tin tuần Biển Đông (ngày 25/2 - 3/3/2022)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Theo Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về đổi mới khoa học tỉnh Quảng Châu ngày 22/2, Phòng thí nghiệm khoa học và kỹ thuật hàng hải phía Nam (Quảng Châu) đang hướng đến thành lập một trung tâm trên các đảo đá ngầm ở Biển Đông, với nhiệm vụ đảm bảo khoa học và công nghệ cho việc xây dựng các đảo, đá trên Biển Đông và sự phát triển của ngành công nghiệp biển.

Ngày 24/2, biên đội tàu Nhật Bản gồm tàu huấn luyện HATAKAZE, tàu hộ vệ INAZUMA cùng 480 sĩ quan và thủy thủ đã ghé thăm Đà Nẵng. Tư lệnh đơn vị tàu huấn luyện số 1 Đại tá II Masaaki cho biết chuyến thăm nhằm thúc đẩy giao lưu, hiểu biết giữa Hải quân Việt Nam và Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản, cũng như quan hệ hợp tác quốc phòng hai nước.

Khinh hạm RSS Tenacious của Hải quân Singapore ngày 25/2 tham gia cuộc tập trận đa phương MILAN lần thứ 11 do Ấn Độ tổ chức từ ngày 25/2-4/3 tại vùng biển Visakhapatnam. Tham gia sự kiện này có  hơn 40 quốc gia. Chủ đề của tập trận năm nay là "Tình bạn - Gắn kết - Hợp tác" bao gồm các hoạt động trao đổi nghiệp vụ trên bờ và diễn tập trên biển. Tàu KRI Raden Eddy Martadinata-331 của Hải quân Indonesia cũng tham gia hoạt động này. Đây là cuộc diễn tập trận trên biển lớn nhất do Hải quân Ấn Độ tổ chức hai năm một lần từ năm 1995.

Cơ quan Quốc phòng Đài Loan (MND) cho biết, 4 máy bay chiến đấu Shenyang J-16 Trung Quốc đã bay vào phía Tây Nam ADIZ của Đài Loan ngày 25/2, lần xâm nhập thứ 14 trong tháng 3. Đài Loan đã điều máy bay, phát cảnh báo vô tuyến và triển khai hệ thống tên lửa phòng không sẵn sàng. Trong tháng này, Trung Quốc đã triển khai tổng cộng 53 máy bay quân sự vào vùng nhận dạng của Đài Loan, bao gồm 34 máy bay chiến đấu, 18 máy bay trinh sát và một máy bay trực thăng.

Ngày 26/2, tàu khu trục Mỹ USS Ralph Johnson đi qua Eo biển Đài Loan, lần thứ 2 trong năm 2022. Thông cáo của Bộ Tư lệnh Hạm đội 7 cho hay hoạt động này nằm ngoài lãnh hải của bất kỳ quốc gia nào; chứng tỏ cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn-Thái tự do, rộng mở. Quân đội Mỹ sẽ lưu thông, hoạt động ở mọi nơi luật pháp quốc tế cho phép.

Từ ngày 1-5/3, tàu tuần dương Pháp Vendémiaire có chuyến thăm cảng Cam Ranh. Tàu Vendémiaire là khinh hạm lớp Floréal, có nhiều nhiệm vụ như giám sát các khu vực biển và tài nguyên biển, chống buôn bán ma túy, giám sát giao thông hàng hải…Trong chuyến thăm, hải quân hai nước có hoạt động giao lưu, huấn luyện trên biển. Năm 2021, 3 tàu của Pháp cũng ghé thăm Việt Nam.

Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) thông báo Trung Quốc tiến hành tập trận ở Biển Đông từ ngày 1-2/3. Khu vực tập trận giới hạn bởi 4 điểm tọa độ: 17o 52,00 vĩ Bắc/109o 15,00 kinh Đông, 17o 52,00 vĩ Bắc/109o 25,00 kinh Đông, 17o 46,00 vĩ Bắc/109o 25,00 kinh Đông và 17o 46,00 vĩ Bắc 109o 15,00 kinh Đông và cấm tàu thuyền đi vào.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 3/3 cho hay biên đội liên hợp của Hải quân Chiến khu Nam đã trở về cảng quân sự Trạm Giang, kết thúc nhiệm vụ tuần tra và huấn luyện biển xa ở Biển Đông, Đông Ấn Độ Dương, Tây Thái Bình Dương. Đây là hoạt động trong kế hoạch hàng năm của Chiến khu miền Nam. Trong hành trình, biên đội hoàn thành hơn 20 cuộc diễn tập với nhiều hạng mục như phòng không, chống tên lửa, bắn đạn thật.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Thông cáo chung ngày 26/2 sau chuyến thăm Singapore của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho hay, “Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật quốc tế, gồm UNCLOS 1982; nhấn mạnh tầm quan trọng của thực hiện đầy đủ DOC, đàm phán COC thực chất, phù hợp với luật quốc tế, cần duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC, hướng tới kỷ niệm 20 năm DOC và 40 năm UNCLOS”.

Báo “Nhân dân Trung Quốc” ngày 27/2 cho biết Trung Quốc tổ chức hội thảo “Vấn đề Biển Đông: Lịch sử và nghiên cứu của các nước” và lễ công bố sách “Nguồn gốc và tiến trình tranh chấp Trường Sa - Lịch sử và nghiên cứu của các nước tranh chấp Biển Đông” với hình thức trực tiếp và trực tuyến. Cuốn sách gồm 08 chương, tập trung vào những thay đổi trong chính sách Biển Đông của các nước, hệ thống vấn đề từ góc độ lịch sử quan hệ quốc tế, chính trị, luật pháp và phân tích kỹ nguyên nhân và xu hướng phát triển của tình hình Biển Đông. 

Từ ngày 1-2/3, phái đoàn Mỹ do cựu Tổng tham mưu trưởng liên quân Mike Mullen dẫn đầu đến thăm Đài Loan, nhằm “trao đổi quan điểm sâu rộng về hợp tác trong các lĩnh vực”. Ngay sau đó, từ ngày 2-5/3, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng có chuyến thăm Đài Loan và phát biểu về quan hệ Mỹ-Đài. Đài Loan cho hay, “chuyến thăm thể hiện sự ủng hộ vững chắc của lưỡng Đảng Mỹ đối Đài Loan”.

Ngày 1/3, Uỷ ban Đối ngoại và Quốc phòng của Thượng viện Anh công bố báo cáo về UNCLOS. Từ tháng 10/2021, cơ quan này đã lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia pháp lý trên thế giới về sự phù hợp của UNCLOS trong thế kỷ thứ 21. Uỷ ban này cũng tiến hành bốn vòng phỏng vấn trực tiếp (oral evidence) với các chuyên gia từ Hải quân Anh, Bộ Ngoại giao và và Phát triển Anh, Tổ chức Hàng Hải quốc tế (IMO) và một số chuyên gia pháp lý. Trên cơ sở đó, Uỷ ban hoàn thiện Báo cáo dài 95 trang, gồm 7 chương chính và 4 phụ lục. Báo cáo khẳng định những điểm mạnh và giá trị của UNCLOS trong chuẩn hoá việc các quốc gia yêu sách về mở rộng vùng biển cũng như với tài nguyên biển; chỉ ra nhiều thách thức đặt ra với UNCLOS trong bối cảnh hiện nay như nước biển dâng, biến đổi khí hậu, sự phát triển của công nghệ và phương tiện tự hành... Đáng chú ý, Báo cáo nêu đích danh Trung Quốc và các hành vi phương hại tới UNCLOS như việc từ chối không tham gia Vụ kiện làm tổn hại tới cơ chế giải quyết tranh chấp.

Thông cáo chung của Lãnh đạo Quad ngày 3/3 khẳng định cam kết của 4 nước đối với khu vực Ấn-Thái tự do và rộng mở, ở đó chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước phải được tôn trọng, không bị cưỡng ép về kinh tế, chính trị. Quad hướng tớit rở thành một cơ chế thúc đẩy ổn định và thịnh vượng khu vực. Lãnh đạo Quad dự kiến cuộc gặp tới sẽ diễn ra tại Tokyo.

Góc nhìn quốc tế

Theo Viện ADR, Philippines tiếp tục đối mặt với các thách thức an ninh biển, đặc biệt từ hoạt động vùng xám của Trung Quốc ở Biển Đông. Do đó, Philippines cần định hình và cập nhật chính sách hiện tại để đối phó hiệu quả với những thách thức này. Cuộc bầu cử Tổng thống Philippines  vào tháng 5/2022 báo hiệu triển vọng thay đổi trong chính sách an ninh và đối ngoại của đất nước. Philippines cần: (i) có chiến lược và định hướng chính sách rõ ràng, xét đến cấu trúc an ninh khu vực hiện này và hành vi quyết đoán của Trung Quốc; (ii) có khả năng thiết lập một thế trận an ninh và quốc phòng trên biển mạnh mẽ và đáng tin cậy; (iii) tăng cường đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia cùng quan điểm để củng cố an ninh và thúc đẩy các lợi ích chiến lược của Philippines.

Trung tâm “CSIS” ngày 1/3 cho biết trong 2 năm qua, các tàu khảo sát khoa học của Trung Quốc đã hoạt động với tần suất lớn tại Biển Đông và thường xuyên đi vào vùng EEZ của các nước Đông Nam Á. Tàu thuyền khi chưa được cho phép, tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học biển và thăm dò dầu khí là vi phạm luật pháp quốc tế. Các tàu khảo sát trở thành một phần trong phép thử phản ứng của Trung Quốc đối với hoạt động dầu khí của các nước Đông Nam Á. Các cuộc khảo sát còn thu thấp dữ liệu về điều kiện địa hình đáy biển có giá trị đa mục đích. Nhiều cuộc khảo sát không tuân theo hướng di chuyển của mô hình khảo sát truyền thống.

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn