Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Tờ AFP đưa tin ngày 23/7 tàu tuần duyên Indonesia đã bắt giữ 2 tàu cá cùng nhiều ngư dân Việt Nam, vì nghi ngờ đánh cá bất hợp pháp tại EEZ của Indonesia phía Nam Biển Đông.

Thời báo Quốc phòng Trung Quốc ngày 23/7 đưa tin đơn vị 95180 của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thông báo tập trận bắn đạn thật 9 ngày ở Vịnh Bắc Bộ (25/7- 2/8). Các cuộc tập trận này diễn ra ở hai khu vực (một khu vực trùng với thông báo số GX0039 của Cục Hải sự Quảng Tây). Thông báo nhấn mạnh khu vực tập bắn có phạm vi lớn, đạn dược uy lực lớn, có nguy cơ cao bị trúng đạn nếu tự ý đi vào khu vực này.

Nguồn: Duan Dang

Cục Hải sự Tam Á ngày 24/7 ra cảnh báo hàng hải số 0069 và 0070 cho biết giàn khoan “Nam Hải 07” và “Hải Dương Thạch Du 685” hoạt động tại Biển Đông. Cảnh báo số 0069 cho biết từ 26-27/7, “Hải Dương Thạch Du 685” kéo giàn khoan “Nam Hải 07” từ tọa độ 17-36.76N 109-04.93E đến 17-37.60N 109-09.75E, cáp kéo dài 700m, tốc độ 4-5 knot. Cảnh báo hàng hải số 0070 cho biết từ 27/7-30/8, giàn khoan “Nam Hải 07” tiến hành khoan giếng tại tọa độ 17-37.60N 109-09.75.

Nguồn ảnh: Nghiên cứu Biển Đông

Truyền hình Trung Quốc ngày 26/7 cho biết hải quân và không quân Chiến khu miền Nam Trung Quốc đã huấn luyện bắn đạn thật ở Biển Đông với sự tham gia của trên 10 chiến đấu cơ, không kích ở cự ly gần các mục tiêu trên biển, khai hỏa trên 1.000 phát đạn các loại gồm tên lửa, pháo, thủy lôi và đạn huấn luyện. Cuộc tập trận diễn ra trong lúc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tiến hành tập trận 9 ngày tại Vịnh Bắc Bộ - phía Tây bán đảo Lôi Châu.

Truyền hình Trung Quốc ngày 26/7 cho biết thủy phi cơ “Côn Long” AG600 do Trung Quốc tự nghiên cứu và sản xuất đã bay thử thành công trên biển lần đầu tiên gần Thành phố Thanh Đảo, Tỉnh Sơn Đông. Với kích cỡ tương đương máy bay Boeing 737, AG600 là thủy phi cơ lớn nhất thế giới hiện nay. Theo thiết kế, máy bay có tầm hoạt động 4.500 km, có thể bay liên tục 12 giờ, tốc độ tối đa 560km/h.

Báo Hoàn Cầu ngày 26/7 dẫn nguồn tin của Sáng kiến minh bạch Chiến lược Biển Đông SCSPI cho biết 1 máy bay E-8C của không quân Mỹ và 1 trinh sát cơ điện tử EP-3E của hải quân Mỹ đã xuất hiện trên Biển Đông, tại khu vực phía Nam Đài Loan và bay về phía Tây hướng Trung Quốc đại lục. Đây là ngày thứ 12 liên tiếp kể từ ngày 15/7 máy bay Mỹ bay qua eo biển Bashi vào do thám tại Biển Đông.

Cục Hải sự thành phố Bắc Hải (Quảng Tây Trung Quốc) ngày 27/7 ra cảnh báo hàng hải số 0043 thông báo cấm biển phục vụ hoạt động diễn tập quân sự diễn ra từ ngày 27 - 28/7 trong vùng biển nối liền bởi các điểm có tọa độ 21-09.85N/108-45.88E; 21-22.73N/109-23.85E; 21-07.50N/109-29.77E; 20-54.58N/108-51.80E.

Nguồn ảnh: Nghiên cứu Biển Đông

Cục Hải sự Tỉnh Quảng Đông ngày 27/7 ra thông báo hàng hải số 0150 về lắp đặt giàn khoan trên Biển Đông từ ngày 27/7 - 31/12, yêu cầu tàu thuyền tránh xa trong vòng bán kính 2 hải lý. Các tàu dầu khí Hải dương 285, 286, 287, 289, 291, tàu “Lặn sâu” (Shenqian), “Đức Bột” (Debo), “Tân Nhuận 16” (Xinrun 16), “Thăm dò 313” (Kantan 313), “Hải Kiến 98” (Haijian 98), “Quốc Yến Chi Tinh 1” (Guoyan Zhi Xing 1) hoạt động ở các vị trí có tọa độ lần lượt (1) 19-56-34N 115-25-23E, (2) 19-56-56N 115-26-54E, (3) 19-54-17N 115-24-12E, (4) 20-14-53N 114-53-59E, (5)19-56-36N 115-24-49E, (6) 20-08-55N 115-58-29E, (7) 20-10-50N 115-22-00E. Các giàn khoan được lắp đặt ở các vị trí có toạ độ 21-40-25.93N 116-22-41.84E.

Nguồn ảnh: Nghiên cứu Biển Đông

Thời báo Hoàn Cầu ngày 30/7 dẫn nguồn tin từ SCSPI cho biết ngày 29/7 máy bay tuần tra P-8A của Mỹ bay từ phía Nam Đài Loan và tiến vào không phận Biển Đông, có lúc chỉ cách b biển Quảng Đông 52,11 hải lý (96,5km). Ngoài ra một máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-135R cũng xuất hiện tại Biển Đông và có khả năng một số máy bay khác chưa phát hiện cũng xuất hiện tại đây.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 23/7 phát biểu tại Thư viện Tổng thống Richard Nixon: (1) Chính sách can dự của Mỹ đối với Trung Quốc là một thất bại; (2) Trung Quốc gây hại những quốc gia tự do từng giúp hồi sinh nền kinh tế Trung Quốc; (3) Kêu gọi thành lập “liên minh dân chủ mới” nhằm phản đối Trung Quốc.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell ngày 23/7, tham dự Hội nghị cấp cao EAS trực tuyến, tái khẳng định cam kết của Mỹ với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sự ủng hộ của Mỹ với chủ quyền và trật tự dựa trên luật lệ. Ông Stilwell nhấn mạnh vai trò của ASEAN là trung tâm trong tầm nhìn của Mỹ, Mỹ kiên quyết cùng các bạn bè Đông Nam Á duy trì tuân thủ pháp luật và phản đối các nỗ lực bất hợp pháp của Trung Quốc trong việc  gây hấn và cướp đoạt nguồn tài nguyên ngoài khơi của các nước láng giềng ở Biển Đông.

Đô đốc Philip S. Davidson, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ngày 23/7 nhận định Trung Quốc là thách thức chiến lược lớn nhất của Mỹ. Trung Quốc đang chủ động tìm cách thay thế trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hiện hành, áp đặt các chuẩn mực và hành vi mới đối với cộng đồng quốc tế (trật tự mới mang đặc sắc Trung Quốc). Trong bối cảnh đó, năng lực răn đe quân sự là vô cùng quan trọng để có thể ngăn cản Trung Quốc đảo ngược trật tự quốc tế hiện hành. Mỹ cần đảm bảo một sức mạnh răn đe quân sự đủ lớn để đảm bảo sự thành công của các nỗ lực ngoại giao và kinh tế tại khu vực.

Tổng Lãnh sự Mỹ tại Việt Nam Marie Damour ngày 24/7 đánh giá Việt Nam là một đối tác ổn định, thịnh vượng và độc lập ở khu vực Đông Nam Á, đóng góp cho hòa bình và an ninh quốc tế, hỗ trợ luật pháp ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như các quy tắc của hệ thống thương mại thế giới và đem lại lợi ích an ninh cho Mỹ ở khu vực.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 24/7 điện đàm với Ngoại trưởng Đức, cho biết những khó khăn hiện nay của quan hệ Trung - Mỹ hoàn toàn do Mỹ tạo ra với mục đích ngăn chặn triệt để tiến trình phát triển của Trung Quốc. Những thế lực chống Trung Quốc tại Mỹ thời gian gần đây cố tình tạo ra các cuộc đối đầu ý thức hệ, công khai ép buộc các nước chọn phe và đối đầu với Trung Quốc vì lợi ích của Mỹ. Trung Quốc hy vọng Mỹ thực hiện chính sách không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 25/7 trên Twitter cá nhân khẳng định chính sách Mỹ nhận định rõ ràng Biển Đông không phải đế chế biển của Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế mà các nước tự do không có hành động, bằng chứng lịch sử cho thấy Trung Quốc sẽ chiếm nhiều hơn. Tranh chấp trên Biển Đông phải được giải quyết bằng luật pháp quốc tế.

Báo Quốc tế ngày 26/7 dẫn lời Đại sứ Indonesia tại ASEAN, ông Ade Padmo Sarwono, cho rằng: (i) Việt Nam đã thể hiện năng lực và khả năng lãnh đạo, chèo lái ASEAN trong thời điểm thách thức chưa từng có; (ii) Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của hiệp hội, trong đó có việc triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), (iii) Đảm bảo duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực trong bối cảnh ganh đua, cạnh tranh giữa các cường quốc.

Chiều ngày 27/7 Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đọc Thông điệp quốc gia thường niên lần thứ 5, khẳng định: (i) Philippines đã thảo luận với Trung Quốc nhằm có quyền ưu tiên tiếp cận vắc-xin một khi được sản xuất; (ii) Philippines không đủ năng lực quân sự giải quyết tranh chấp Biển Đông và phương án giải quyết duy nhất là thông qua nỗ lực ngoại giao; (iii) Philippines sẽ không cho Mỹ đặt căn cứ hải quân do lo ngại hệ quả từ chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 27/7 phản đối Úc gửi Công hàm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông; cho rằng Úc nói không đúng sự thật, trái ngược với luật pháp quốc tế và các quy tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế. Trung Quốc không thay đổi yêu sách vì chủ quyền và quyền lợi trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông đã hình thành từ lịch sử lâu dài, duy trì liên tục và phù hợp với luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS 1982.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 27/7 ra báo cáo tổng quan về hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ, trong đó cho biết Việt Nam đã nhận nhiều hỗ trợ từ các chương trình khác nhau của Bộ Ngoại giao Mỹ. Từ 2016 - 2019, Việt Nam đã nhận được hơn 150 triệu USD về hỗ trợ an ninh từ chương trình FMF; trong số này có hơn 58 triệu USD dành cho việc hỗ trợ chuyển giao 2 tàu tuần tra cỡ lớn lớp Hamilton (3.200 tấn) đã loại biên của Tuần duyên Mỹ cho Cảnh sát biển Việt Nam. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam nhận 20 triệu USD từ FMF qua chương trình Sáng kiến an ninh hàng hải Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Mỹ (SAMSI), cùng 10 triệu USD qua chương trình Sáng kiến an ninh hàng hải Indo - Pacific cũng của Bộ này.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 28/7 điện đàm với Ngoại trưởng Pháp, cho rằng Trung Quốc sẽ đưa ra phản ứng “cứng rắn và lý tính” đối với các hành động của Mỹ. Quan hệ Trung Mỹ đang làm quốc tế lo lắng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ một bộ phận chính khách Mỹ muốn duy trì chủ nghĩa bá quyền đơn cực để giành thêm phiếu bầu, phủ định toàn bộ lịch sử quan hệ Mỹ - Trung, tiến hành áp chế toàn diện Trung Quốc, không ngừng khiêu khích lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, công kích chế độ xã hội của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ kiên quyết phản bác hành động xấu ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp của Trung Quốc, tiến hành đàm phán hợp lý với Mỹ, kêu gọi quốc tế cùng duy trì đoàn kết và hợp tác.

NPN BNG Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 28/7 phản bác Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và đánh giá cao phát biểu của Tổng thống Duterte ngày 27/7. Về Tuyên bố của Pompeo, NPN nói rằng Biển Đông không phải là Hawaii của Mỹ, việc Mỹ gần đây nhiều lần phát biểu công kích bôi nhọ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông làm Trung Quốc đặt câu hỏi liệu có phải một số chính khách Mỹ đang cố ý kích động tranh chấp Biển Đông hay không. Trung Quốc cảnh báo hành động của Mỹ nhằm chia rẽ quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN, tạo ra một con bài mới để ngăn chặn Trung Quốc. Về phát biểu của Tổng thống Philippines, NPN cho rằng chủ trương, chính sách liên quan của Tổng thống Duterte phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân Philippines, phù hợp với mong đợi của nhân dân các nước trong khu vực và xu thế hòa bình, phát triển của thời đại. Xử lý thỏa đáng vấn đề Biển Đông có lợi cho cả Trung Quốc và Philippines, có lợi cho hòa bình, ổn định ở khu vực. Trung Quốc đánh giá cao phát biểu của Tổng thống Duterte, sẵn sàng tiếp tục cùng Philippines xử lý thỏa đáng tranh chấp trên biển thông qua hiệp thương hữu nghị, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.

NPN Uông Văn Bân ngày 28/7 tuyên bố Úc cáo buộc “bừa bãi” khi bác các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông và cho rằng các yêu sách không phù hợp UNCLOS 1982. Ông Uông cho biết 6 tháng đầu năm 2020, tần suất hoạt động của máy bay Mỹ tại Biển Đông lên đến 2000 lượt và chỉ tính từ 15/7 đến nay, máy bay Mỹ đã tiến hành trinh sát liên lục 12 ngày tại Biển Đông.

Trong họp AUSMIN 2020, BTNG và BTQP Mỹ và Úc ngày 28/7 quan ngại sâu sắc về những hành động cưỡng ép và gây bất ổn ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Trên cơ sở Phán quyết Tòa trọng tài năm 2016, hai nước khẳng định các yêu sách biển của Bắc Kinh không phù hợp với luật pháp quốc tế. Phán quyết là chung thẩm và ràng buộc cả hai bên, các yêu sách ở Biển Đông phải được giải quyết theo luật quốc tế. Ủng hộ quyền của các bên yêu sách khai thác tài nguyên biển một cách hợp pháp và hoan nghênh tuyên bố của ASEAN về COC phải phù hợp với UNCLOS. Nhấn mạnh các quy định không được làm phương hại quyền và lợi ích của các nước khác theo luật quốc tế, không làm suy giảm cấu trúc khu vực hiện nay và củng cố cam kết của các bên không làm phức tạp và leo thang tranh chấp (quân sự hóa các thực thể tranh chấp). Các Bộ trưởng sẽ tăng cường sự can dự quốc phòng (cam kết tăng tần suất hợp tác biển) và xây dựng năng lực cho các đối tác ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương.

BTQP Úc Reynolds ngày 29/7 cho biết sau họp AUSMIN 2020 rằng Úc không nhất trí với việc Mỹ thúc đẩy tăng tần suất hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông. Khi được hỏi liệu Mỹ có hối thúc Úc đưa tàu chiến áp sát những thực thể do Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở vùng biển này hay không, bà Reynolds chỉ nói đây là "chủ đề được thảo luận" và hai bên dường như không đạt thỏa thuận. Úc tiếp tục đi qua khu vực theo quy định của luật pháp quốc tế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 29/7 phản ứng về phát biểu của Tư lệnh Mỹ tại Nhật Bản rằng Trung Quốc xâm phạm vào vùng biển Senkaku của Nhật Bản nhiều nhất từ trước tới nay, tuyên bố đảo Điếu Ngư và các vùng biển lân cận là lãnh thổ của Trung Quốc từ xa xưa, tàu hải cảnh Trung Quốc triển khai tuần tra tại vùng biển đảo Điếu Ngư là quyền lợi cố hữu của Trung Quốc. Trung Quốc hy vọng những bên liên quan thực hiện các hành động có lợi cho hòa bình ổn định của khu vực, không có các hành vi và phát ngôn gây bất lợi cho hòa bình ổn định tại khu vực.

Góc nhìn quốc tế

+ Trung Quốc:

Học giả Triệu Minh Hạo (Viện Nghiên cứu Vấn đề quốc tế Đại học Phúc Đán) ngày 26/7 nhận định bốn xu hướng lớn Mỹ sử dụng để chèn ép Trung Quốc gồm: (i) Lợi dụng dịch bệnh, đẩy nhanh xây dựng “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” nhằm tập hợp mặt trận kinh tế thương mại để cô lập và loại trừ Trung Quốc; (ii) Tăng cường đầu tư nghiên cứu khoa học, xây dựng “Cơ sở sáng tạo đồng minh”, thúc đẩy “Chiến tranh lạnh công nghệ” với Trung Quốc; (iii) Quan tâm tới ảnh hưởng địa chính trị của dịch bệnh, ra sức lôi kéo các nước Châu Âu, Ấn Độ, hình thành mặt trận liên hợp gây sức ép với Trung Quốc; (iv) Chính phủ và Quốc hội Mỹ tăng cường phối hợp, triển khai “chiến tranh tuyên truyền”, kích động đối đầu ý thức hệ, làm mất lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc.

Học giả Lưu Phong (Viện Nghiên cứu Con đường tơ lụa trên biển, Đại học Hải Nam) ngày 27/7 phê phán Úc hành động “thiếu sáng suốt”, ngày càng lún sâu trong vai trò “con tốt” của Mỹ. Sự thay đổi lập trường của Úc nhất là xu thể “cấp tiến” của chính quyền đương nhiệm xuất phát từ việc Úc “chủ động theo đuôi” và phối hợp lập trường để “lấy lòng” Mỹ. Úc còn muốn thông qua gia tăng hiện diện ở Biển Đông để tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại với các nước trong khu vực, cứu vãn nền kinh tế đang suy thoái bởi đại dịch Covid-19.

Báo Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ngày 30/7 dẫn bài viết của Hoàng Huệ Khang (thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế Liên hợp quốc – GS Đại học Vũ Hán) đánh giá Mỹ thất đạo thất tín, là kẻ tạo ra phiền phức lớn nhất. Con đường của Trung Quốc là chung sống hòa bình, hợp tác cùng có lợi, không vi phạm lợi ích nước khác, không đố kỵ với sự phát triển nước khác nhưng không từ bỏ quyền lợi chính đáng của Trung Quốc. Trong khi đó Mỹ có lòng tham bá quyền và “tư duy đế quốc” nguy hiểm; luôn luôn coi mình là “thẩm phán của thế giới”, sử dụng logic ngoại giao “kẻ mạnh là công lý” và không có thành tín trong xã hội quốc tế, thường xuyên kích động gây chia rẽ.

Báo Sohu (Trung Quốc) ngày 29/7 dẫn ngun tờ SCMP cho rằng Mỹ lạm dụng luật pháp quốc tế, làm náo loạn tình hình Biển Đông. Mỹ chỉ tận dụng luật pháp quốc tế khi có lợi và sẽ “vứt bỏ” nếu không có lợi; sau khi “nguyên cáo” Philippines thể hiện thái độ không muốn đối đầu với Trung Quốc (27/7), Mỹ vẫn tiếp tục có các hành động tại đây để làm loạn tình hình Biển Đông.

Báo Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ngày 27/7 cho rằng Phán quyết Biển Đông 2016 của Tòa trọng tài quốc tế hoàn toàn không có hiệu lực pháp lý. Vụ kiện Biển Đông từ đầu là do Mỹ chỉ đạo và đây hoàn toàn là kết quả của việc thao túng chính trị khi trong 5 thẩm phán có tới 4 người từ châu Âu và 1 người cư trú dài hạn ở châu Âu, thiếu những hiểu biết cơ bản về văn hóa Châu Á và diễn tiến lịch sử của vấn đề Biển Đông. Tòa đã lạm quyền khi thụ lý vụ kiện, cố tình phớt lờ yêu cầu hợp pháp của Trung Quốc, chà đạp lên luật pháp quốc tế. Lập trường và yêu sách của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông ngày càng được sự ủng hộ và thấu hiểu của cộng đồng quốc tế và đã có hơn 100 nước công khai phát biểu ủng hộ.

+ Đông Nam Á:

Sumathy Permal (MIMA, Malaysia) ngày 27/7 nêu ba vấn đề đối lập giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông gồm: (i) Mỹ và Trung Quốc đều đặt lợi ích địa chính trị lên đầu, trong đó Biển Đông trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược gay gắt nhất giữa hai nước; (ii) Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông trở thành vấn đề ưu tiên chiến lược cao trong phạm vi khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; (iii) Bộ tứ (QUAD) là bước đi của Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ để tăng cường can dự từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương nhằm thúc đẩy quản trị, dân chủ và luật lệ với trọng tâm hoạt động là Biển Đông.

+ Châu Âu - Mỹ:

Xã luận Thời báo New York ngày 27/7 cho rằng Tuyên bố lập trường Biển Đông ngày 13/7 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cần đi kèm với việc Mỹ tích cực can dự vào các diễn đàn đa phương, thi hành các cam kết rõ ràng và thực chất hơn thông qua dẫn dắt các hoạt động trừng phạt Trung Quốc, thúc đẩy các Nghị quyết của Liên hợp quốc, tuyên bố ASEAN và G7.

Robert Farley (Đại học Kentucky, Mỹ) ngày 27/7 trên National Interest bình luận về khả năng chống cự của các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông: (i) các hạ tầng quân sự của Trung Quốc như tên lửa, ra-đa, máy bay trực thăng thiếu nơi trú ẩn tự nhiên, hệ thống hậu cần không vững chắc, thiếu các kho dự trữ rộng lớn và nguồn cung thiết bị và nhiên liệu kịp thời; (ii) dù được bảo vệ bởi các cơ sở hạ tầng phòng thủ nhân tạo, các căn cứ quân sự của Trung Quốc khó có thể tồn tại sau các cuộc tấn công tổng lực của Mỹ.

Peter Dutton ngày 27/7 trên Lawfare Blog bình luận kiện Trung Quốc là cách tốt nhất để Việt Nam đảo ngược xu thế bất lợi ở Biển Đông. Bốn động lực thúc đẩy Việt Nam kiện Trung Quốc gồm: (i) Làm rõ quyền khai tác tài nguyên biển của mình, có lợi thế trong việc ngăn Trung Quốc can thiệp và có thể tiếp tục các hợp đồng khai thác dầu khí; (ii) Đạt được nguyên trạng có lợi về khai thác tài nguyên biển trước khi kết thúc đàm phán COC; (iii) Ngoại giao song phương với Trung Quốc, đa phương với ASEAN trong việc thúc đẩy Trung Quốc tôn trọng quyền khai thác tài nguyên biển không hiệu quả; và (iv) Việt Nam không thể dựa vào Mỹ hay Nga, cũng như sẽ gặp bất lợi về quân sự nếu xung đột với Trung Quốc nổ ra. Việt Nam có thể vượt qua các bất lợi ở Biển Đông bằng việc huy động sức mạnh của công luận và luật pháp quốc tế.

Derek Grossman (RAND, Mỹ), ngày 28/7 bình luận trên The Wire, Nhóm Bộ tứ (Quad) sẽ sớm công khai chống Trung Quốc. Bốn nước này coi trọng vai trò của Quad để đối trọng với Trung Quốc và tăng cường gắn kết. Việc công khai chống Trung Quốc mang đến cả tác động tiêu cực (châm ngòi cho câu chuyện của Bắc Kinh rằng Quad chính là liên minh quân sự nhằm ngăn chặn Trung Quốc, và cách tiếp cận này sẽ gây bất ổn cho khu vực) và tích cực (Quad có những mục tiêu cụ thể về chống Trung Quốc, điều này sẽ giúp các nước trong nhóm điều phối chiến lược riêng của mình cho mục tiêu chung tốt hơn). Học giả kết luận không cần nâng cấp Quad thành liên minh quân sự chính thức, chỉ cần đơn giản thể hiện rằng Quad có ý định hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự với Trung Quốc.

Tiến sỹ Gerhard Will, cựu chuyên gia của Viện Khoa học và Chính trị Đức (SWP) ngày 29/7 nhận định: (i) Trung Quốc đang không suy tính chiến lược kỹ càng, tự tin thái quá vào năng lực bản thân, vì vậy cần mở kênh đối thoại với Trung Quốc; (ii) Mỹ đã chọn Biển Đông là nơi đối đầu quân sự với Trung Quốc; (iii) EU do vướng các vấn đề nội bộ nghiêm trọng nên không thể giữ vai trò lớn nào trong các vấn đề quốc tế, nhưng vẫn có thể làm trọng tài nếu Mỹ và Trung Quốc chuyển từ đối đầu sang đối thoại; (iv) Trung Quốc sẽ tiếp tục chiến lược cắt lát salami, các nước cần ngăn cản điều này.

+ Các nước khác:

Học giả Malcolm Davis và Charlie Lyons Jones, Viên Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Úc ngày 24/7 đánh giá những sĩ quan chính trị trong quân đội Trung Quốc có nhiều ảnh hưởng tới hoạt động hải quân Trung Quốc hơn là chỉ huy quân sự (trên một tàu chiến, sỹ quan chính trị sẽ giữ chức bí thư, còn chỉ huy quân sự sẽ giữ chức phó bí thư). Học giả chỉ ra hai thách thức đối với quân đội Trung Quốc hiện nay gồm công nghệ và năng lực con người.

Học giả Andrew Carr, Đại học Quốc gia Úc, ngày 26/7 đánh giá Công hàm của Úc vừa rồi thể hiện sự ủng hộ đối với UNCLOS và Trung Quốc nên tuân thủ các quy định trong đó. Học giả Bec Strating, Đại học La Trobe, Úc nhận định mặc dù Úc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc, nhưng không ủng hộ bên nào sở hữu các thực thể ở Biển Đông. Do đó, Công hàm của Úc chỉ nói tới các yêu sách trên biển, thay vì tranh chấp lãnh thổ.

Tờ ABC dẫn lời bình luận một số học giả, trong đó, học giả Andrew Greene, Úc ngày 26/7 nhận định Trung Quốc đã kiểm soát được Biển Đông. Dù Mỹ và Úc gia tăng hiện diện, việc Bắc Kinh kiểm soát quân sự trên phần lớn Biển Đông đã được công nhận rộng rãi ở Úc và khu vực. Giáo sư Donald Rothwell, Đại học Quốc gia Úc cảnh báo Bắc Kinh sẽ đáp trả mạnh mẽ sau các hành động vừa qua của Úc. Học giả Richard McGregor, Viện Nghiên cứu Lowy, Úc cho rằng các tàu của Úc hiện diện ở Biển Đông đều bị Trung Quốc theo dõi; cảnh báo nguy cơ xung đột đang gia tăng trên vùng biển này.

Nhà báo Ben Packham trên tờ The Australian ngày 27/7 cho biết các nhà chiến lược quốc phòng thúc giục Chính quyền Úc cử tàu chiến tới Biển Đông để thực hiện hoạt động tuần tra tự do hàng hải. Đại sứ Mỹ tại Úc Culvahouse cho rằng việc Úc bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh rất đáng hoan nghênh. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Úc Dennis Richardson nhận định Công hàm của Úc vừa rồi sẽ giúp tàu chiến Úc hoạt động ở gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc quân sự hóa, khuyến nghị Úc hiện thực hóa bằng các hành động cụ thể. Tuy nhiên, Trung Quốc cảnh báo hành động của Úc là khiêu khích và đe dọa trừng phạt.

Học giả Ben Scott trên tờ Úc Financial Review ngày 27/7 đánh giá Úc đang cố xây dựng hệ thống quốc tế bảo vệ chủ quyền và ngăn cản xung đột nước lớn. Mặc dù không từ bỏ trật tự dựa trên luật lệ hiện tại, Úc gia tăng lo ngại Trung Quốc định hình lại trật tự quốc tế trong bối cảnh Mỹ giảm dần vai trò.

Học giả Peter Jennings, Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược Úc ngày 27/7 cho rằng hoạt động qua lại thông thường trên Biển Đông sẽ chỉ ngầm thừa nhận Trung Quốc thực sự kiểm soát vùng biển này. Do đó, Úc nên thực hiện hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông trong phạm vi 12 hải lý các thực thể mà Trung Quốc quân sự hóa và cải tạo phi pháp.

Carlyle Thayer (Đại học New South Wales, Úc) ngày 27/7 cho rằng Úc từ bỏ trung lập và ủng hộ Mỹ bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông trái với UNCLOS 1982 do Úc ngày càng lo ngại về Trung Quốc. Úc sẽ gia tăng hợp tác biển với các nước ở Đông Nam Á (nhất là Việt Nam và Indonesia) và các nước ở Nam Thái Bình Dương.

Grant Wyeth (nhà phân tích chính trị Úc) ngày 27/7 cho rằng Úc ủng hộ lập trường của Mỹ ở Biển Đông nhưng khác với Mỹ, Úc có nhiều lợi ích từ quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc, muốn cách tiếp cận vững chắc và nghiêm túc (tránh cách hành xử bất định và không nhất quán của Trump), coi trọng đồng minh và đối tác hơn Mỹ.

GS Nick Bisley (ĐH Latrobe, Úc), ngày 28/7 bình luận trên The Interpreter rằng các Tuyên bố của Mỹ chỉ trích Trung Quốc thời gian gần đây chủ yếu phục vụ chiến dịch tái tranh cử của Trump. Dù các hành động gần đây khá nhất quán nhưng xem xét cả nhiệm kỳ thì chính sách của Mỹ với Trung Quốc là một mớ hỗn độnChính quyền Trump thích những tuyên bố “đao to búa lớn” nhưng không đi kèm hành động thực chất. Dẫn chứng là sự tương phản về tông giọng và biện pháp giữa Chiến lược về Trung Quốc của Nhà Trắng vào tháng 5 và phát biểu của Pompeo tại Thư viện Richard Nixon. Các thông điệp cứng rắn cũng không nhất quán với các hành động của Trump liên quan đến Trung Quốc, điển hình là thoả thuận thương mại tháng 1 còn nhiều điểm khập khiễng và cách đối xử nhẹ nhàng của Trump với Tập trong nhiều năm.

Michael Shoebridge, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Úc, ngày 29/7 nhận định hành động của Úc từ trước tới nay đều độc lập và dựa theo lợi ích quốc gia, không phải như Trung Quốc cáo buộc là do Mỹ thao túng. Hành động của các nước trong đối phó với Trung Quốc (Nhật cử tàu tập trận với Mỹ ở Biển Đông, Chính quyền Anh cấm sử dụng công nghệ Trung Quốc trong cơ sở hạ tầng 5G, Úc siết chặt quy định đầu tư nước ngoài...) đều không phải vì quan hệ Mỹ - Trung, mà vì phương hướng và ảnh hưởng của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình. Do vậy, cuộc gặp Mỹ - Úc lần này sẽ là cơ hội cho Úc trao đổi thông tin và ý định về hợp tác đối phó với thách thức từ Trung Quốc, đồng thời tận dụng tối đa đòn bẩy từ các đối đối tác.

Nhà báo Matthew Knott (Sydney Morning Herald), ngày 29/7 cho biết phát biểu của Ngoại trưởng Úc Marise Payne về AUSMIN 2020 cho thấy Úc không muốn làm “quân cờ” trong căng thẳng Mỹ - Trung. Mặc dù hai nước từ lâu có chung giá trị và quan hệ đồng minh quân sự, nhưng khác với Mỹ, Úc có quan điểm và quyết định riêng phù hợp với lợi ích quốc gia. 

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn