Bản tin tuần Biển Đông (ngày 22.7-28.7.2023)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc ngày 28/7 cho biết Trung Quốc dự kiến huấn luyện quân sự ở Biển Đông từ ngày 29/7 - 2/8 trên một khu vực rộng lớn ở quần đảo Hoàng Sa và bãi Macclesfield. Theo đó tàu thuyền bị cấm đi vào khu vực trên trong thời gian diễn ra huấn luyện.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 26/7 cho biết, theo chương trình hợp tác hàng năm giữa Trung Quốc và Nga, hải quân hai nước dự kiến tổ chức một cuộc tuần tra chung ở khu vực biển Tây và Bắc Thái Bình Dương. Đây là cuộc tuần tra chung trên biển thứ ba giữa hai nước (lần đầu tiên vào tháng 10/2021 và lần hai vào tháng 9/2022). Ngày 23/7, Trung Quốc và Nga vừa tuyên bố kết thúc thành công cuộc tập trận chung kéo dài 4 ngày mang tên Phương Bắc/Liên hợp-2023 ở Biển Nhật Bản. 

+ Chính trị - Ngoại giao:

Ngày 24/7, thông cáo Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản tuyên bố việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương là vi phạm nguyên tắc của Liên Hợp Quốc, đồng thời hy vọng Nhật Bản kiềm chế những hành động có thể làm tổn hại lòng tin giữa các quốc gia khu vực. Đầu năm nay, NATO dự kiến mở văn phòng liên lạc đầu tiên ở Tokyo.

Tuyên bố chung Thủ tướng Úc - New Zealand ngày 26/7 khẳng định, “cam kết đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở, ổn định và thịnh vượng, tôn trọng chủ quyền và không có cưỡng ép; bày tỏ quan ngại về những diễn biến ở Biển Đông và việc gia tăng các hoạt động gây bất ổn, bao gồm việc quân sự hóa các thực thể tranh chấp và hành xử không an toàn trên biển và trên không; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS và Phán quyết Tòa là chung thẩm và ràng buộc đối với các bên”.

Tại Đối thoại Chiến lược Ấn Độ - Nhật Bản lần thứ 15 ngày 27/7, Hai BTNG Subrahmanyam Jaishankar và Yoshimasa Hayashi nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác lâu bền giữa Ấn Độ và Nhật Bản trong việc duy trì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở và thịnh vượng, bao trùm và dựa trên luật lệ; nhất trí về sự cần thiết phải sớm cải tổ Hội đồng Bảo an. Hai bên cũng thống nhất tăng cường hợp tác an ninh, bao gồm hợp tác về công nghệ và trang bị quốc phòng.

Tổng thống Philippines không muốn nêu vấn đề Biển Đông tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA). Tại cuộc họp báo ngày 27/7, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos cho hay, “Chính sách đối ngoại không được thiết lập bởi cơ quan lập pháp. Nói chung, chính sách đối ngoại tùy thuộc vào hành pháp”. Bình luận của Tổng thống Marcos đưa ra trong bối cảnh Chủ tịch Thượng viện Philippines đồng ý về một cuộc họp kín vào ngày 31/7 để thảo luận Nghị quyết do Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros soạn thảo kêu gọi chính phủ lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông ra trước UNGA. Ngoại trưởng Enrique Manalo và cố vấn Tổng thống về Biển Đông Andres Centino dự kiến ​​sẽ tham dự cuộc họp kín này.

Tuyên bố chung Mỹ - Ý ngày 27/7, nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, khẳng định, “hai nước cam kết về một khu vực Ấn Độ Dương  - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, thịnh vượng, bao trùm và an ninh. Mỹ hoan nghênh sự hiện diện ngày càng tăng của Ý ở khu vực. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan, là cơ sở cho an ninh và thịnh vượng của khu vực và toàn cầu. Mỹ và Ý cam kết tăng cường tham vấn song phương và đa phương về các cơ hội và thách thức do Trung Quốc tạo ra.

Trong cuộc hội đàm ngày 26/7, Tổng thống Ý Sergio Mattarella và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhất trí đẩy mạnh trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao trên các kênh Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội; tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương. Về vấn đề Biển Đông, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS năm 1982.

Mỹ ngày 28/7 đạt thỏa thuận với Papua New Guinea (PNG) về việc cho phép tuần duyên thay mặt PNG lên boong và khám xét một tàu khả nghi mà không cần lực lượng PNG phải có mặt với tư cách "Ship rider". Đây là cơ chế cho phép lực lượng chấp pháp và quốc phòng của các đối tác hiện diện trên tàu của Tuần duyên và Hải quân Mỹ để quan sát và khám xét các tàu bị nghi ngờ có hoạt động phạm pháp trong EEZ của các nước này. Thỏa thuận với PNG là thỏa thuận đầu tiên Mỹ ký với một quốc gia không có nghĩa vụ phòng thủ đầy đủ.

Từ ngày 31/7 - 1/8, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen thăm Philippines theo lời mời của Tổng thống Ferdinand Marcos. Hai bên thảo luận về thương mại, đầu tư và cơ hội hợp tác trong khuôn khổ Chiến lược “Cửa ngõ Toàn cầu” của EU. Bà Von Der Leyen cũng tham dự và phát biểu tại hội nghị do Phòng Thương mại châu Âu của Philippines (ECCP) và Câu lạc bộ Doanh nghiệp Makati (MBC) tổ chức. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Cơ quan hành pháp của EU tới Philippines trong gần 60 năm hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao.

Góc nhìn quốc tế

Trên “Inquirer” ngày 27/7, học giả Don McLain Gill bình luận Pháp, Ấn Độ và Philippines có tiềm năng hợp tác ba bên về quân sự. Pháp và Ấn Độ có quan hệ đối tác chiến lược và chung tầm nhìn về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Pháp - Ấn có thể hợp tác sản xuất vũ khí và bán cho Philippines giống như AUKUS. Philippines đang đàm phán về việc mua tàu ngầm của Pháp trong khi đã mua tên lửa siêu thanh BrahMos từ Ấn Độ. Hình thức hợp tác ba bên có thể tiến hành là Công ty Safran của Pháp thiết kế, phát triển, sản xuất động cơ cho máy bay chiến đấu đa năng của Ấn Độ và máy bay chiến đấu trên tàu sân bay Ấn Độ, hoặc chuyển giao công nghệ và động cơ để sản xuất tại Ấn Độ. Philippines có thể mua sắm các thiết bị quân sự do Pháp và Ấn Độ cùng sản xuất với mức giá hợp lý hơn so với các đối tác khác.

Các chuyên gia của Viện Doanh nghiệp Mỹ ngày 27/7 đánh giá, trái với tuyên truyền, Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn như: hệ thống chính trị mong manh hơn; tập quyền khiến sự linh hoạt chính sách bị giảm; phát triển kinh tế chậm lại và thiếu ổn định; đối ngoại gặp bất lợi do phản ứng bên ngoài khi Trung Quốc có nhiều hành vi cứng rắn. Trong bối cảnh dễ tổn thương, Trung Quốc có thể có các chính sách và hành động nguy hiểm khó dự đoán để củng cố vị thế. Mỹ phải tận dụng điểm yếu của Trung Quốc trên bốn phương diện, gồm: (i) về quốc phòng, cần ổn định cán cân quân sự tại châu Á bằng việc đầu tư mạnh vào khả năng phòng thủ quan trọng. Ngăn chặn Trung Quốc cưỡng ép Đài Loan và khả năng tấn công Đài Loan; (ii) về dân chủ, hợp tác với đối tác toàn cầu để đối phó hành động xâm phạm nhân quyền của Trung Quốc ở Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Hông và các nơi khác; (iii) về kinh tế, chống lại chính sách kinh tế cưỡng ép của Trung Quốc bằng việc hạn chế phụ thuộc vào Trung Quốc, tìm kiếm các thị trường thay thế; (iv) về ngoại giao, đối mặt với các hành vi quyết đoán của Trung Quốc, cần thắt chặt các liên minh.