Bản tin tuần Biển Đông (ngày 21 - 27/1/2022)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Ngày 22/1, Hải quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tập trận chung tại Biển Philippine. Tham gia hoạt động có nhóm tác chiến của 2 tàu sân bay USS Abraham Lincoln và USS Carl Vinson, nhóm tác chiến của 2 tàu tấn công đổ bộ USS America và USS Essex, tàu khu trục trực thăng JS Hyuga của Nhật, cùng 26 máy bay chiến đấu F-35. Đây là cuộc tập trận quy mô lớn nhất của Hải quân Mỹ kể từ tập trận cùng Anh, Úc & Nhật tháng 10/2021 với số lượng F-35 triển khai lớn nhất từ trước đến nay.

Đài Loan ngày 24/1 thông báo Trung Quốc điều tổng cộng 52 chiến đấu cơ vào 'vùng nhận dạng phòng không' của hòn đảo này. Cụ thể, Trung Quốc triển khai 39 máy bay (34 máy bay chiến đấu, 4 máy bay tác chiến điện tử và một máy bay ném bom) vào ngày 23/1; 13 máy bay (10 máy bay chiến đấu J-16, hai máy bay ném bom H-6 và một máy bay chống ngầm Y-8) vào ngày 24/1.

Ngày 24/1, hải quân Mỹ cho biết 7 quân nhân bị thương khi một máy bay chiến đấu F-35C "hạ cánh lỗi" trên boong tàu sân bay USS Carl Vinson khi đang huấn luyện ở Biển Đông. 3 người được sơ tán đến một cơ sở y tế ở Manila và 4 người được điều trị trên tàu sân bay. Hải quân Mỹ cho biết nguyên nhân của sự cố đang được điều tra.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Tuyên bố AUKMIN “2+2” Anh - Úc ngày 21/1 khẳng định: “Hai nước phản đối các hoạt động gia tăng căng thẳng, bao gồm quân sự hóa thực thể tranh chấp, sử dụng lực lượng dân binh, hải cảnh một cách nguy hiểm và cản trở các hoạt động khai thác tài nguyên của các nước khác. Phán quyết 2016 là chung thẩm và ràng buộc. COC cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, không ảnh hưởng quyền và lợi ích các nước khác theo luật quốc tế”.  

Trên Đài “GMA” ngày 22/1, các ứng viên tranh cử Tổng thống Philippines chia sẻ quan điểm về tranh chấp Biển Đông: Phó Tổng thống Leni Robredo cho rằng nên tận dụng Phán quyết của Tòa và thành lập liên minh các nước phản đối Trung Quốc quân sự hóa vùng biển tranh chấp. Thượng nghị sĩ Panfilo Lacson đánh giá Philippines nên củng cố liên minh với Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc và các nước khác. Theo Thượng nghị sĩ Manny Pacquiao, Philippines không nên để bị Trung Quốc bắt nạt, cần thảo luận thêm về chủ đề này. Đồng quan điểm, Thị trưởng Manila Isko Moreno bình luận Philippines nên tăng cường hiện diện quân sự nhằm đối phó Trung Quốc.

Nhà Trắng thông báo trong cuộc hội đàm trực tuyến ngày 21/1, Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida: (i) nhấn mạnh vai trò của QUAD trong thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương "tự do và rộng mở"; (ii) thành lập Ủy ban Tham vấn Chính sách Kinh tế cấp bộ (cơ chế 2+2) để thúc đẩy hợp tác kinh tế và củng cố trật tự kinh tế dựa trên luật lệ; (iii) duy trì cam kết đối với khu vực, quyết tâm đẩy lùi nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông".

Trong bài diễn văn tại Viện Lowy, Úc hôm 21/1, Ngoại trưởng Anh Liz Truss khẳng định: “Việc Trung Quốc chèn ép kinh tế đối với Úc là lời cảnh tỉnh về Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế để kiểm soát các quốc gia khác. Trước đây, nhiều người tin rằng khi Trung Quốc giàu hơn, nước này sẽ tự do hơn, dân chủ hơn nhưng thực tế là điều đó không xảy ra. Anh và Úc sẽ giúp các quốc gia “tránh nợ” và tìm nguồn đầu tư thay thế vì 44 quốc gia thu nhập thấp đến trung bình có khoản nợ với Trung Quốc vượt quá 10% GDP. Là các nền dân chủ, Anh và Úc phải đứng lên đối mặt với những thách thức này”.

Phát biểu trong sự kiện tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Manohar Parrikar (MP-IDSA), Ấn Độ ngày 21/1, Tư lệnh Hải quân Đức Kay-Achim Schoenbach nhận xét, “Tổng thống Nga Putin thực sự muốn có sự tôn trọng vào lúc này và ông ấy có lẽ xứng đáng với điều đó. Chúng ta, Ấn Độ và Đức, cần Nga vì chúng ta cần Nga để chống lại Trung Quốc; Đối với Ukraine, Crimea đã mất và sẽ không bao giờ trở lại. Đó là sự thật; Trung Quốc không phải là một quốc gia thân thiện như chúng ta từng nghĩ". Những phát biểu gây tranh cãi này khiến Trung Quốc, Ukraine phản ứng gay gắt và ông Schoenbach đã đệ đơn từ chức.

Trung Quốc viện trợ quân sự trị giá 1 tỷ Peso (khoảng 20 triệu USD) cho Philippines. Lô thiết bị quân sự đầu tiên đã tới Manila vào ngày 16/1 và dự kiến chuyển giao cho Philippines vào tháng 2. Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Huang Xilian cho hay: “Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động nhân đạo và xây dựng năng lực cho lực lượng vũ trang Philippines trong khả năng có thể.”

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 24/1, quyền Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về đại dương, nghề cá và các vấn đề vùng cực bà Constance Arvis cho biết, “Báo cáo ‘Limit in the Seas’ là cơ sở quan trọng để bạn bè và đồng minh căn cứ và phản đối các yêu sách biển của Trung Quốc. Chúng tôi chắc chắn không chấp nhận chuyện đã rồi và tiếp tục kêu gọi Trung Quốc điều chỉnh yêu sách và giảm bớt các hành động cưỡng ép, trái luật”. Theo Trợ lý cố vấn pháp lý Robert Harris thuộc Văn phòng Cố vấn Pháp lý của Bộ Ngoại giao Mỹ, “Sau vụ kiện năm 2016, Trung Quốc khẳng định yêu sách quyền lịch sử và đưa ra một giả thuyết “mới lạ” rằng các nước có thể vẽ đường cơ sở quanh các nhóm đảo ở Biển Đông. Chính vì vậy phân tích năm 2014 không còn hoàn chỉnh. Chúng tôi tìm hiểu kỹ lưỡng yêu sách mới của Trung Quốc và đưa ra đánh giá để phục vụ luật pháp quốc tế”.

Hạ viện Mỹ ngày 25/1 hoàn thiện Dự luật Cạnh tranh Mỹ năm 2022 gồm 2.912 trang với các điều khoản chi hàng tỷ USD cho ngành công nghiệp chất bán dẫn, dành 100 triệu USD để chống lại thông tin sai lệch từ Trung Quốc, tăng cường quan hệ với Đài Loan và Quad. Dự luật đề xuất bổ nhiệm một đặc phái viên phụ trách phản ứng của Mỹ về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương; đề nghị Ngoại trưởng Mỹ đổi tên Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc ở Washington thành "Văn phòng đại diện Đài Loan tại Mỹ". Về vấn đề Biển Đông, dự luật của Hạ viện Mỹ tái khẳng định quan điểm phản đối các yêu sách trái luật của Trung Quốc.

Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 25/1, hai nước đã ký Thỏa thuận song phương về không phận và hợp tác quốc phòng. Phạm vi Vùng thông báo bay (FIR) của Jakarta sẽ bao gồm toàn bộ không phận lãnh thổ của Indonesia, đặc biệt xung quanh các đảo Riau và Natuna. Singapore đã quản lý không phận các hòn đảo trên từ năm 1946. Về Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết giúp tăng cường hợp tác giữa lực lượng vũ trang của hai nước.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Blinken ngày 27/1, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi Trung-Mỹ cần thực hiện thực chất nhận thức chung đã đạt được giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Biden trong cuộc điện đàm tháng 11 năm 2021. Hai nước cần mở rộng khía cạnh hợp tác, quản lý và kiểm soát khác biệt mang tính xây dựng. Mỹ không nên can thiệp vào Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh, ngừng can dự vấn đề Đài Loan, chấm dứt lôi kéo các nước kiềm chế Trung Quốc.

Bình luận của Viện Biển Đông

Ngày 20/1, Hạm đội 7 hải quân Mỹ thông báo tàu khu trục USS Benfold tiến hành hoạt động tự do hàng hải (FONOP) ở Hoàng Sa. Hoạt động này nổi lên một số điểm: (i) Thời điểm. Đây là FONOP Biển Đông đầu tiên trong năm 2022 của Mỹ, lần đầu kể từ tháng 9/2021. Từ năm 2018 đến nay, Mỹ thường tiến hành FONOP Biển Đông trong khoảng tháng 1 và tháng 2. FONOP được tiến hành 1 tuần sau khi Mỹ ra Báo cáo "Giới hạn trên biển" số 150; (ii) Công cụ lặp lại. Đây là lần FONOP thứ 3 liên tiếp Mỹ sử dụng tàu USS Benfold. Việc sử dụng cùng một tàu nhiều lần liên tiếp như vậy khá hiếm (Mỹ trước đó chỉ có 1 lần dùng tàu John McCain 4 lần làm FONOP liên tiếp năm 2020-2021); (iii) Tiếp tục xu hướng minh bạch hóa. Đáp trả việc Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam tuyên bố Trung Quốc “xua đuổi” tàu USS Benfold tại Hoàng Sa, người phát ngôn Hạm đội 7 cho biết tuyên bố của Trung Quốc là sai sự thật. Trước năm 2021, Mỹ thường ít công khai đáp trả hoặc chỉ đáp trả sau đó một thời gian. Từ 2021 tới nay, Mỹ thường ra tuyên bố đáp trả gần như cùng một lúc với tuyên bố từ phía Trung Quốc.

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn