Bản tin tuần Biển Đông (ngày 18 - 24/2/2022)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Tờ “SCMP” ngày 20/2 cho biết Trung Quốc cải hoán tầu hộ tống Type 056 của Hải quân thành tàu tuần duyên cho Hải cảnh. Type 056 có nhiệm vụ chủ yếu tại các vùng nước ven biển và không hoạt động tác chiến ở vùng nước sâu, với biến thể Type 056A có khả năng tác chiến chống tàu ngầm. Trung Quốc hiện có 22 tàu hộ tống Type 056 và 50 tàu hộ tống Type 056A. Tờ “SCMP” cũng cho hay binh sĩ Đài Loan đồn trú tại các đảo Đông Dẫn, Kim Môn và Bành Hồ sẽ diễn tập bắn đạn thật từ ngày 16-17/3, mô phỏng kịch bản chiến đấu cơ và tàu đổ bộ tấn công 3 hòn đảo. Ngoài ra, tuần duyên Đài Loan cho biết sẽ diễn tập bắn đạn thật từ ngày 26-31/3 tại Đông Sa.

Ngày 22/1/2022, tàu khu trục thuộc Ham đội 7 Mỹ USS Dewey đi qua Eo biển Đài Loan. Đây là lần đầu tiên Mỹ tiến hành hoạt động này trong năm 2022 nhưng không thông báo trên các kênh chính thức. Hạm đội 7 xác nhận sự thật sự kiện này thông qua trao đổi riêng với báo giới.

Philippines ký một thoả thuận trị giá 624 triệu USD (32 tỷ peso) mua 32 trực thăng Black Hawk do PZL Mielec, Ba Lan sản xuất - hợp đồng mua máy bay quân sự lớn nhất dưới thời Tổng thống Duterte. S-70i Black Hawk có thể dùng để vận chuyển quân, dùng trong các hoạt động chiến đấu, ứng phó với thảm hoạ. Tuy nhiên, thỏa thuận không sớm hoàn tất khi nhiệm kỳ của Tổng thống Duterte kết thúc vào ngày 30/6 và Bộ Ngân sách Philippines cần thời gian phân bổ kinh phí.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Campuchia ngày 17/2, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cho rằng COC xác định hành động các quốc gia có thể thực hiện trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông, do đó phải mang tính bao trùm, thực chất và hiệu quả , không loại trừ bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Ngoại trưởng Philippines cũng đề xuất lễ kỷ niệm 20 năm DOC nên được tổ chức cùng với lễ kỷ niệm 40 năm UNCLOS năm 1982 vì “hai văn kiện mang tính bước ngoặt về cơ bản và có gắn bó chặt chẽ với nhau”.

Trong cuộc gặp ngày 18/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Chủ tịch điều hành Uỷ ban châu Âu (EC) ông Frans Timmermans nhấn mạnh cần giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và UNCLOS năm 1982; nhất trí thúc đẩy hợp tác thông qua các cơ chế ASEM, Đối tác chiến lược ASEAN - EU nhằm nắm bắt các cơ hội hợp tác cũng như giải quyết các thách thức chung, về môi trường và biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kết nối hạ tầng…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trực tiếp đầu tiên ở Campuchia ngày 18/2, các Bộ trưởng nhất trí cần mở rộng và làm sâu sắc quan hệ đối ngoại của ASEAN, củng cố vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ; tổ chức hoạt động kỷ niệm 20 năm DOC và 40 năm UNCLOS. Về Biển Đông, các Bộ trưởng tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN, trong đó có thượng tôn pháp luật, kiềm chế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, sớm đạt được COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Phát biểu tại Diễn đàn Bộ trưởng về hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày 22/2, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin nhận định diễn đàn lần này và sự ra đời của Chiến lược Ấn - Thái của EU thể hiện sự cần thiết của chủ nghĩa đa phương mà “vai trò trung tâm” của ASEAN là cốt lõi. Với tư cách là điều phối viên quốc gia quan hệ ASEAN-EU, Philippines cam kết thúc đẩy các lợi ích chung trong khu vực bao gồm hợp tác hàng hải, kết nối…Ngoại trưởng Locsin nhấn mạnh ASEAN là hiệp hội phát triển, có năng lực và cam kết mạnh mẽ bằng nhiều nguyên tắc, do đó, ASEAN là đối tác khả thi nhất của EU ở khu vực.

Trả lời báo giới nhân kỷ niệm 50 năm cuộc gặp lịch sử giữa Richard Nixon và Mao Trạch Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 21/2 khẳng định: “Thông cáo chung Thượng Hải 1972 đặt ra các nguyên tắc nền tảng về tôn trọng, bình đẳng, hòa bình hợp tác giữa hai nước. Nguyên nhân sâu xa cho những vấn đề trong quan hệ Mỹ-Trung hiện nay là do nhận thức sai lầm từ phía Mỹ về Trung Quốc, coi Trung Quốc là “kẻ thù tưởng tượng” và muốn kiềm chế Trung Quốc trên mọi phương diện. Trung Quốc không mong muốn đối đầu, cạnh tranh với Mỹ,  hai nước đều có lợi khi hợp tác và bất lợi khi đối đầu”.

Ngày 22/2, Pháp tổ chức Diễn đàn Bộ trưởng về hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Paris. Các bên bàn thảo về hợp tác giữa EU và các đối tác khu vực dựa trên Chiến lược Ấn – Thái của EU và Chiến lược Global Gateway mới được thông qua; khẳng định cam kết đối với một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, các giá trị và nguyên tắc dân chủ, tăng cường chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế và tự do hàng hải, phù hợp với UNCLOS năm 1982. EU tuyên bố mở rộng khái niệm về sự hiện diện phối hợp trên biển ở Tây Bắc Ấn Độ Dương, thúc đẩy các khía cạnh của kết nối chất lượng với các đối tác khu vực, hợp tác về công nghệ, y tế, phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu và IUU.

Phát biểu tại Diễn đàn Bộ trưởng hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở Pháp ngày 22/2, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho hay, "Cạnh tranh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khó tránh khỏi, ngay cả điều này cũng đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, đừng để sự cạnh tranh trở thành một cuộc xung đột mở. Hòa bình, ổn định và khả năng có thể đoán biết là trọng tâm của khu vực chúng ta". Theo bà Marsudi, Indonesia rất ý thức về tầm quan trọng của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nếu không có hòa bình, ổn định và không tuân thủ luật pháp quốc tế, mọi tiềm năng của khu vực có thể bị mất đi.

Góc nhìn quốc tế

Trên “Nikkei” ngày 21/2, học giả Mỹ John Mearsheimer cho rằng Mỹ và các đồng minh đã "ngây thơ" khi hợp tác kinh tế với Trung Quốc trong giai đoạn hậu Chiến tranh lạnh, vô tình “tiếp tay” cho sự trỗi dậy kinh tế, quân sự cùng tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Chính sách bắt tay với Trung Quốc trong Chiến tranh lạnh để đối trọng với Liên Xô là đúng đắn, tuy nhiên việc hỗ trợ Trung Quốc phát triển kinh tế sau Chiến tranh lạnh là "sai lầm chiến lược to lớn". Một trong sai lầm của Mỹ là cho rằng phát triển kinh tế sẽ dẫn đến dân chủ hóa Trung Quốc. Theo ông Mearsheimer, Mỹ cần hạn chế tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc càng nhiều càng tốt, đồng thời đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của phương Tây.

Trên “Gisreportsonline” ngày 21/2, nhà phân tích Charles Millon đánh giá Pháp đã nhận thức tầm quan trọng địa chiến lược của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và những năm gần đây, có nhiều hoạt động để khẳng định vai trò. Tuy nhiên, khả năng triển khai chiến lược cũng gặp khó khăn nhất định. AUKUS là một minh chứng cho thấy dù Úc là đối tác chiến lược của Pháp nhưng ưu tiên đồng minh trong cộng đồng nói tiếng Anh hơn. Pháp cần mở rộng phạm vi đối tác với Nhật Bản, Ấn Độ, và các quốc gia khác như Việt Nam, Singapore, Malaysia và Indonesia. Với vai trò chủ tịch EU từ ngày 1/1/2022, Pháp sẽ cần hài hoà chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào các chương trình nghị sự.

Trên “The Conversation” ngày 21/2, học giả Anh Zeno Leoni tổng kết về quan hệ Mỹ-Trung nhân kỷ niệm 50 năm sau cuộc gặp lịch sử giữa Richard Nixon và Mao Trạch Đông. Theo đó, không có gì tồn tại mãi, thay vì tiếp tục đà phát triển tích cực kể từ năm 1972, quan hệ Mỹ-Trung sau giai đoạn tan băng, hữu hảo đã nhanh chóng chuyển sang trạng thái chiến tranh lạnh, cạnh tranh chiến lược. Mong muốn của Mỹ và phương Tây về trật tự quốc tế tự do không thành hiện thực, thậm chí Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đang theo đuổi tham vọng tái thiết trật tự quốc tế theo mô hình của Trung Quốc. Mỹ có một số điều cần học hỏi từ mô hình phát triển của Trung Quốc. Sự đi lên của Trung Quốc là minh chứng cho giá trị khách quan của mô hình kinh tế-chính trị của Trung Quốc nhưng Mỹ cần thận trọng tránh tình trạng sao chép mô hình phi tự do (illiberal) của Trung Quốc.

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn