Bản tin tuần Biển Đông (ngày 15.7-21.7.2023)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Hai tàu chiến Ấn Độ INS Sahyadri và INS Kolkata thăm cảng Indonesia ngày 17/7. Trong thời gian tại đây, hải quân hai nước có nhiều hoạt động tương tương tác nhằm tăng cường hợp tác và hiểu biết lẫn nhau. Hai tàu Ấn Độ cũng  tham gia Diễn tập Đối tác Hàng hải (MPX) với Hải quân Indonesia. INS Sahyadri và INS Kolkata đều là tàu khu trục tàng hình do Ấn Độ tự thiết kế và đóng trong nước.

Ngày 16/7, Nhóm tấn công tàu sân bay Mỹ gồm hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và đội tàu hộ tống USS Antietam, USS Robert Smalls đã thăm Indonesia trong hành trình ở Ấn Độ Dương. Trước khi tới cảng Bali, Tư lệnh hải quân Indonesia Đô đốc Muhammad Ali và Tổng tham mưu trưởng không quân Indonesia Bambang Ismawan đã ra thăm tàu Ronald Reagan bằng máy bay. Tàu sân bay Ronald Reagan cũng dự kiện thăm Thành phố Đà Nẵng ngày 25/6. 

Ngày 18/7, tàu ngầm USS Kentucky lớp Ohio, trang bị tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân (SSBN) cập cảng Hàn Quốc, lần đầu tiên kể từ thập niên 1980. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-Sup gọi chuyến thăm này minh chứng cho quyết tâm của Mỹ trong việc thực hiện cam kết, sử dụng toàn bộ năng lực quân sự, bao gồm vũ khí hạt nhân, để bảo vệ các đồng minh. Hải quân Mỹ hiện có 14 tàu SSBN trong biên chế.

Từ ngày 18 - 22/7, Philippines - Úc tổ chức cuộc tập trận “Lumbas” lần thứ 23 ở phía Bắc Luzon. Tham gia tập trận có khoảng 300 binh sỹ, gồm 100 binh sỹ Philippines, tàu hải quân BRP Conrado Yap và 191 binh sỹ Úc, tàu hải quân HMAS Anzac. Chuẩn đô đốc Francisco Tagamolilia nhấn mạnh cuộc tập trận giúp tăng cường năng lực chống ngầm cho hải quân Philippines và chuẩn bị cho việc tiếp nhận tàu chống ngầm trong tương lai. Phó Đại sứ Úc tại Philippines James Yeomans cho hay cuộc tập trận thể hiện cam kết hai nước trong việc thúc đẩy thượng tôn luật pháp, UNCLOS năm 1982 và Úc ủng hộ Phán quyết.

Ngày 21/7, Singapore tiếp nhận tàu ngầm đầu tiên trong lô bốn tàu ngầm chạy diesel do Đức sản xuất. Tàu ngầm thuộc lớp Invicible được thiết kế dành riêng cho Singapore như khả năng hoạt động ở không gian nước nông, khí hậu nhiệt đới. Bộ Quốc phòng Singapore cho hay tàu có trang thiết bị hiện đại với mức độ tự động hóa cao. Thực tế đây là tàu ngầm thứ hai được xuất xưởng trong khi tàu đầu tiên đang ở Đức để huấn luyện cho quân nhân Singapore.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Ngày 15/7, trả lời phóng viên về quan điểm của Việt Nam nhân dịp 7 năm Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông đưa ra Phán quyết, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Chủ trương nhất quán của Việt Nam là các tranh chấp ở Biển Đông giữa các Bên liên quan cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS năm 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, đóng góp cho hòa bình và hợp tác ở Biển Đông. Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, và các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam, phù hợp với UNCLOS”.

Phát biểu tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ngày 15/7, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nhấn mạnh tầm quan trọng của UNCLOS và ủng hộ lập trường của ASEAN rằng UNCLOS là cơ sở để xác định các quyền trên biển. Bộ trưởng Jaishankar bày tỏ quan ngại về những hoạt động gây tổn hại tới hòa bình và ổn định, đồng thời nhấn mạnh bất kỳ Bộ quy tắc ứng xử nào ở Biển Đông không nên tổn hại đến quyền và lợi ích của bên thứ ba; đánh giá cao vai trò quan trọng của ASEAN trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ.

Phát biểu tại cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn Khu vực ASEAN ngày 15/7 trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị đề xuất 3 điểm nhằm duy trì bối cảnh chiến lược an toàn và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thứ nhất, tôn trọng sự cởi mở, toàn diện và thúc đẩy an ninh chung; Thứ hai, bảo vệ các quy tắc khu vực và thúc đẩy an ninh toàn cầu; Thứ ba, tăng cường hợp tác thực chất và đạt được an ninh hợp tác. Theo ông Vương, các nước cần hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm và thúc đẩy lợi ích an ninh chung nhằm tăng cường sự tin cậy.

Phát biểu tại Hội nghị Thương mại Trung Quốc ngày 17/7/2023, Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins bình luận, “Khu vực Thái Bình Dương đang cạnh tranh hơn, khó đoán biết và bất ổn hơn. Sự trỗi dậy của Trung Quốc và cách thức Trung Quốc gây ảnh hưởng là động lực chính của cạnh tranh chiến lược ngày càng gia tăng, đặc biệt ở không gian rộng lớn hơn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Theo Thủ tướng Hipkins, New Zealand có lợi ích lớn đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình và ổn định. Là một quốc gia phụ thuộc vào thương mại, với gần một nửa hoạt động thương mại đi qua Biển Đông, hoạt động lưu thông của các tuyến hàng hải và hàng không rất quan trọng. New Zealand lo ngại về môi trường chiến lược ngày càng xấu đi và căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan.

Phát biểu trước báo giới Philippines ngày 18/7, Cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ Derek Chollet bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc rằng Mỹ "chủ mưu" đằng sau vụ kiện Trọng tài Biển Đông năm 2016, “Thành thật mà nói, tôi nghĩ đó là một sự xúc phạm đối với Philippines. Tôi muốn nhấn mạnh Phán quyết chúng ta vừa kỷ niệm có tính ràng buộc về pháp lý và là phán quyết cuối cùng”. Theo ông Chollet, Mỹ không tìm kiếm xung đột hay đối đầu, nhưng sẽ không nao núng trước sự bắt nạt hay ép buộc. Đó là thông điệp nhất quán và Mỹ luôn sát cánh cùng các đồng minh và đối tác.

Trung tâm An ninh mạng và thông tin của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ACICE), thành lập tháng 6 năm 2021, đã chính thức đặt tại căn cứ Hải quân Changi, Singapore ngày 17/7. Phát biểu tại lễ khai trương, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho rằng các mối đe dọa an ninh mạng không có biên giới địa lý và các quốc gia cần phải hợp tác để đối phó. ACICE gồm 4 mục tiêu: (i) chia sẻ thông tin, nghiên cứu về an ninh mạng; (ii) nâng cao năng lực cho khu vực; (iii) hình thành phản ứng của khu vực trong trường hợp có đe dọa an ninh mạng xuyên biên giới; (iv) xây dựng các quy định về an ninh mạng. 

Ngày 21/7, Thứ trưởng các vấn đề biển và đại dương Philippines Angela A. Ponce và Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Mỹ Jung H. Pak đồng tổ chức đối thoại biển lần thứ 2 tại Washington, D.C. Hai bên thảo luận hợp tác song phương, bao gồm các vấn đề tội phạm xuyên quốc gia trên biển, đánh bắt cá bất hợp pháp và bảo vệ môi trường biển; nhấn mạnh cam kết đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở Biển Đông, phù hợp với UNCLOS và Phán quyết của Tòa. Đối thoại cũng bao gồm một hội thảo kênh 1,5 để hai bên thảo luận về hợp tác trên Biển Đông, trong đó có khả năng hợp tác ba bên giữa Mỹ, Nhật và Philippines.

Góc nhìn quốc tế

Ngày 20/7, chuyên gia Ian Storey (ISEAS, Singapore) đánh giá dù ASEAN và Trung Quốc hoàn tất lần đọc thứ 2 COC và thông qua bản hướng dẫn thúc đẩy đàm phán COC, nhưng vẫn tồn tại 04 điểm khác biệt, khó giải quyết gồm: (i) Phạm vi địa lý liên quan đến đường 9 đoạn; (ii) Các hoạt động không được làm theo quy định của COC; (iii) Giá trị pháp lý của COC; (iv) Khả năng hợp tác khai thác tài nguyên với bên thứ ba trong khu vực tranh chấp. 

Ngày 20/07/2023, ba học giả Jason Tower, Brian Harding, Alex Stephenson (Viện Hòa bình, Mỹ) rút ra 04 điểm đáng chú ý từ Hội nghị Bộ trưởng  ASEAN lần thứ 56 gồm: (i) Khủng hoảng Myanmar: Tồn tại nquan điểm khác biệt của các thành viên ASEAN về vấn đề Myanmar, đáng chú ý là động thái của Ngoại trưởng Thái Lan; (ii) Quan hệ ASEAN - Nga: Các quốc gia ASEAN gặp khó khăn trong việc cân bằng quan hệ với Nga vì nội khối có quan điểm khác nhau về xung đột Nga-Ukraine; (iii) Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông COC: Vẫn tồn tại những bất đồng về nội dung, bao gồm những vấn đề cơ bản của luật pháp quốc tế; (iv) Quan hệ Mỹ - Trung: Mặc dù không có đột phá trong quan hệ, việc Washington và Bắc Kinh đồng ý tiếp tục đối thoại là một dấu hiệu hứa hẹn.