Bản tin tuần Biển Đông (ngày 14 - 20/1/2022)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Ngày 14/1, tàu chiến đấu ven biển Mỹ (LCS) USS Jackson tập trận với tàu Hải quân Brunei KDB Daruttaqwa tại Biển Đông. Chỉ huy Hạm đội Mỹ Đại úy Tom Ogden đánh giá, "hoạt động này tiếp nối 177 năm tình hữu nghị bền chặt và quan hệ lịch sử giữa Brunei và Mỹ".

Ngày 14/1, hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson và tàu sân bay trực thăng USS Essex tiến hành diễn tập tại phía Nam Biển Đông. Trước đó, USS Carl Vinson diễn tập với hải quân Úc ở Biển Philippines trong khi USS Essex tập trận với hải quân Ấn Độ ở Đông Ấn Độ Dương.

Đài Loan ngày 14/1 cũng tổ chức lễ thành lập hai phi đội tàu rải mìn đầu tiên với sự chứng kiến của “Tổng thống” Thái Anh Văn. Đài Loan phân bổ 33,25 triệu USD cho một cơ sở đóng tàu nội địa để sản xuất bốn tàu rải mìn trong giai đoạn 2017-2021. Tất cả 4 tàu đã được chuyển giao vào cuối năm 2021.

Ngày 15/1, tàu ngầm hạt nhân Mỹ USS Nevada đến Guam, chuyến thăm đầu tiên của một tàu ngầm hạt nhân kể từ năm 2016. Các tàu ngầm lớp Ohio trung bình ra biển khoảng 77 ngày trước khi về cảng 1 tháng để bảo trì và tiếp tế. Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo là cấu phần quan trọng của bộ 3 hạt nhân, kết hợp với tên lửa đạn đạo đất liền và các oanh tạc cơ hạt nhân như B-2 và B-52.

Hải quân Mỹ ngày 18/1 cho biết 26 máy bay chiến đấu F-35 được triển khai đồng thời trên các tàu hải quân của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gồm 10 chiếc F-35C trên tàu sân bay USS Carl Vinson; 10 chiếc F-35C trên tàu USS Abraham Lincoln và 6 chiếc F-35B trên tàu đổ bộ cỡ lớn USS America. Đây là đợt triển khai F-35 lớn nhất của Mỹ cho đến nay và là lần đầu tiên F-35 của Thủy quân lục chiến được triển khai trên tàu sân bay.

Ngày 18/1, Giám đốc SCSPI Hồ Ba cho biết kể từ 2021, Mỹ tăng số lần nhóm tác chiến tàu sân bay đi qua Biển Đông là 10 lần trong năm 2021, so với 6 lần trong năm 2020 và 5 lần trong năm 2019. Trong quá khứ, các nhóm thường vào Biển Đông qua Eo biển Ba Sĩ nhưng từ 2021, các nhóm đi qua những vùng biển hẹp giữa các quần đảo của Philippines, bao gồm Eo biển Balabac.

Theo “ABC News” ngày 19/1, Mỹ và Úc bắt đầu triển khai xây dựng cơ sở tiếp tế nhiên liệu trị giá 270 triệu USD gần thành phố Darwin, Bắc Úc. Cơ sở này dự kiến có thể dự trữ 300 triệu lít nhiên liệu nhằm "hỗ trợ hoạt động quân sự của Mỹ tại Ấn-Thái". Đây là cơ sở quy mô lớn nhất tại Lãnh thổ Bắc Úc và dự kiến hoàn tất vào tháng 9/2023.

Ngày 20/1, tàu khu trục USS Benfold tiến hành hoạt động FONOP ở gần quần đảo Hoàng Sa, thách thức yêu sách chủ quyền quá mức của mọi quốc gia; việc hạn chế quyền qua lại vô hại và yêu sách đường cơ sở thẳng của Trung Quốc ở Hoàng Sa. Trong năm 2021, USS Benfold đã 2 lần tiến hành FONOP ở Biển Đông vào ngày 12/7 gần Hoàng Sa và ngày 8/9 gần Đá Vành Khăn.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 14/1 cho biết Philippines đã thông qua việc mua hệ thống chống hạm siêu thanh BrahMos với Ấn Độ. Đây là đơn hàng xuất khẩu BrahMos đầu tiên của Ấn Độ, đưa nước này thành quốc gia thứ 2 sau Nga cung cấp tên lửa chống hạm siêu thanh cho Đông Nam Á. Philippines cũng trở thành quốc gia thứ ba sau Indonesia và Việt Nam sở hữu tên lửa siêu thanh chống hạm.

Ngày 16/1, Đại sứ Pháp tại Ấn Độ Emmanuel Lenain khẳng định thúc đẩy quan hệ chiến lược EU - Ấn Độ là một trong những ưu tiên trong thời gian Pháp làm Chủ tịch EU. Theo Đại sứ Lenain, EU có nhiều đề xuất hợp tác với Ấn Độ từ an toàn dữ liệu, biến đổi khí hậu và sáng kiến kết nối “Global Gateway”.

Ngày 16/1, Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Nhật Kishida họp trực tuyến vào ngày 21/1. Hai nhà lãnh đạo sẽ trao đổi về việc đẩy mạnh hợp tác Mỹ-Nhật thông qua cơ chế song phương và Quad, nhấn mạnh liên minh Mỹ-Nhật là "nền tảng cho hòa bình, an ninh, ổn định tại khu vực Ấn-Thái".  

Phát biểu trực tuyến tại "Diễn đàn Manila về Quan hệ Trung-Phi" ngày 17/1, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho hay Trung Quốc và Philippines là hai nước láng giềng đối diện biển và là đối tác trải qua nhiều thăng trầm. Trung Quốc mang đến Philippines không phải thuộc địa hay chiến tranh, mà là hợp tác và hữu nghị. Theo ông Vương, chính sách của Tổng thống Duterte phù hợp với lợi ích của Trung Quốc và Philippines cũng như xu hướng hòa bình và phát triển của khu vực. Ông Vương hy vọng Tổng thống mới Philippines sẽ tiếp tục chính sách này.

Trong đối thoại cơ chế “2+2” ngày 20/1, các Bộ trưởng Nhật - Pháp nhất trí nâng quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm cao hơn, cùng nhau ứng phó với các vấn đề khu vực và quốc tế; tái khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN và ủng hộ đối với Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP); chia sẻ quan ngại về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông và phản đối mạnh mẽ các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực; thúc đẩy các chương trình hợp tác đào tạo, tập trận, và thiết bị quốc phòng.

Trong buổi hội đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ Blinken và Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 20/1, hai bên đã "thảo luận về những thách thức từ Trung Quốc và quyết tâm chung trong việc duy trì các giá trị phổ quát". Trong họp báo chung cùng ngày với Ngoại trưởng Blinken, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết “hai bên thảo luận về Trung Quốc và hợp tác với Trung Quốc chỉ có thể diễn ra trên cơ sở luật pháp quốc tế và sự công bằng".

Đáp lại tuyên bố của Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam của Trung Quốc rằng lực lượng này đã “xua đuổi” tàu khu trục USS Benfold khỏi Hoàng Sa ngày 20/1, Người phát ngôn Hạm đội 7 Trung úy Mark Langford cho biết, “Tuyên bố của Trung Quốc là sai sự thật. Tàu USS Benfold thực hiện FONOP theo quy định của luật pháp quốc tế và tiếp tục các hoạt động bình thường trong vùng biển quốc tế. Mỹ đang bảo vệ quyền của mọi quốc gia trong việc di chuyển và hoạt động ở mọi nơi được luật pháp quốc tế cho phép”.

Về bình luận của tờ Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) rằng Việt Nam đang xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng ngày 20/1 cho rằng đây là thông tin không đúng sự thật, “Việt Nam kiên trì chính sách quốc phòng an ninh hòa bình và tự vệ. Hoạt động của các lực lượng chức năng Việt Nam tuyệt đối tuân theo pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế, nhất là UNCLOS năm 1982. Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào việc duy trì Biển Đông hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển, phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Góc nhìn quốc tế

Trên “The Star” ngày 16/1, Cựu Đại sứ Ấn Độ tại ASEAN Gurjit Singh cho rằng Quad đang điều chỉnh để phù hợp hơn với ASEAN và ASEAN không nên quan ngại. Bằng chứng là Cuộc họp thượng đỉnh Quad đầu tiên nhấn mạnh vai trò trung tâm và đoàn kết của ASEAN. Quad dần tách biệt tập trận Malabar và các hoạt động an ninh biển truyền thống khác khỏi hoạt động thường kỳ của Quad để giảm thiểu lo ngại về an ninh. Quad hiện đang chuyển trọng tâm sang an ninh phi truyền thống: khí hậu, dịch bệnh, công nghệ, an ninh mạng, chuỗi chung ứng... và quyết định sẽ tiến hành họp thường niên, rất có thể là bên lề EAS.

Trả lời báo “Thanh Niên” ngày 16/1, TS. Satoru Nagao (Viện nghiên cứu Hudson, Mỹ) đánh giá thỏa thuận RAA mới của Nhật - Úc là động thái quan trọng để hình thành hệ thống an ninh dựa trên mạng lưới khu vực. Khi cán cân quân sự thay đổi, Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự 76% giai đoạn 2011 - 2020, hệ thống “trục và nan hoa” không còn đủ để ngăn chặn các hành vi của Trung Quốc nên cần thay đổi. Thay vì “trục và nan hoa”, Quad, AUKUS và các hợp tác an ninh song phương, ba bên, tứ giác khác đã tạo nên một hệ thống an ninh dựa trên mạng lưới ở Ấn - Thái.  Nhật Bản và Úc là các quốc gia có ảnh hưởng nên việc hợp tác song phương giữa 2 nước rất quan trọng.

Nhà phân tích Thomas Shugart, CNAS (cựu chỉ huy tàu ngầm Hải quân Mỹ) ngày 17/1 đánh giá việc Mỹ công khai thông tin tàu ngầm hạt nhân USS Nevada đến Guam để gửi Trung Quốc và Triều Tiên thông điệp rằng, "(Mỹ) có thể đưa 100 đầu đạn hạt nhân đến trước cửa nhà mà (những nước này) thậm chí không biết hoặc không thể làm gì," Đồng quan điểm, GS. Alessio Patalano, Đại học King's College London cho rằng ngoài việc gửi tín hiệu, sự hiện diện của USS Nevada trong khu vực nhằm tăng cường khả năng "săn mồi" của tàu khi Trung Quốc và Triều Tiên đang phát triển đội tàu ngầm riêng. Chuyến thăm của USS Nevada là chuyến thăm đầu tiên của một tàu ngầm tên lửa đạn đạo tới Guam kể từ năm 2016 và là lần thứ hai được công bố kể từ thập niên 1980.

Trên “SCMP” ngày 18/1, học giả Ding Duo bình luận về Báo cáo "Limit in the Seas" của Bộ Ngoại giao Mỹ: (i) Mỹ không phải thành viên của UNCLOS nên không có quyền diễn giải UNCLOS, dựa vào UNCLOS để chỉ trích Trung Quốc; (ii) Mỹ chọn công bố Báo cáo vào thời điểm này nhằm gây ảnh hưởng đến các nước tranh chấp Biển Đông. Năm 2022, Ủy ban LHQ về giới hạn thềm lục địa CLCS sẽ xem xét đệ trình thềm lục địa mở rộng của Malaysia trong khi Philippins có chuyển giao quyền lực; (iii) Mỹ là nước ngoài cuộc nhưng đang tìm cách can thiệp vào chuyện "nội bộ" giữa các nước tranh chấp Biển Đông. Chính Mỹ, không phải Trung Quốc, đang cản trở tiến trình giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông.

Bình luận của Viện Biển Đông

Ngày 6/1, Nhật và Úc ký Thỏa thuận Tiếp cận Song phương (RAA) sau 6 năm đàm phán. Thỏa thuận này mang nhiều ý nghĩa: (i) Lần đầu Nhật ký RAA với một nước ngoài Mỹ. Thỏa thuận là hiệp ước quốc phòng đầu tiên của Nhật từ năm 1960 (Hiệp ước với Mỹ). Hiện tại, Nhật đã bắt đầu đàm phán về RAA với Anh và Pháp và có thể ký kết các thỏa thuận tương tự trong tương lai; (ii) Thỏa thuận tiếp nối xu hướng thúc đẩy hợp tác quốc phòng Úc - Nhật. Trước đó, hai nước đã có thỏa thuận về chia sẻ thông tin tình báo (2012) và Thỏa thuận dịch vụ tương hỗ (2017). Với RAA, hai nước có thể trao đổi nhân sự quốc phòng nhanh hơn, nới lỏng hạn chế về vận chuyển vũ khí trong huấn luyện chung; (iii) Thỏa thuận có lợi cho hệ thống đồng minh của Mỹ. Nhật - Úc tăng cường hợp tác sẽ củng cố hệ thống đồng minh của Mỹ tại khu vực theo hướng bền vững hơn, ít lệ thuộc vào Mỹ hơn. Mỹ sẽ ủng hộ xu hướng này vì lực lượng và nguồn lực của Mỹ có hạn. Hai nước nước đều là thành viên của Quad nên thúc đẩy kết nối an ninh song phương có thể thúc đẩy hoạt động của Quad nói chung.

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn