Bản tin tuần Biển Đông (ngày 11 - 17/2/2022)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan ngày 15/2 thành lập lực lượng đặc nhiệm “IUU Hunter”, gồm 100 thành viên để quản lý hoạt động  đánh bắt cá ở vùng biển Thái Lan. Theo Phó Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Surachet Hakpal, “IUU Hunter” bắt đầu với việc điều tra hơn 10.000 tàu đánh cá thương mại đã đăng ký với Cục Thủy sản. Thái Lan đang hướng tới mục tiêu đứng đầu ASEAN trong việc chống hoạt động IUU cũng như cải thiện vị thế trong Báo cáo Nạn Buôn người của Mỹ.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Từ 9-11/2, Hội nghị thượng đỉnh Một Đại dương (One Ocean Summit) đã diễn ra tại Brest (Pháp) với sự tham gia của đại diện từ hơn 100 quốc gia. Hội nghị đạt được một số cam kết quan trọng trong bảo vệ đại dương, cụ thể: (i) Bảo vệ đang dạng sinh thái và nguồn tài nguyên đại dương; (ii) Cam kết đoàn kết chống lại biến đổi khí hậu; (iii) Cam kết chấm dứt tình trạng rác thải nhựa; (iv) Cam kết đưa đại dương là nội dung trung tâm trong chương trình chính trị nghị sự quốc tế. Sự kiện này còn có một phiên họp cấp cao do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì.

Tuyên bố chung sau Hội nghị Ngoại trưởng Quad ngày 11/2 khẳng định luật pháp quốc tế, hòa bình và an ninh trên biển là nền tảng cho sự phát triển và thịnh vượng của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Quad cam kết hợp tác chặt chẽ để đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, thúc đẩy hợp tác với các quốc gia khu vực trong bảo tồn các nguồn tài nguyên ngoài khơi; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS năm 1982, đối phó các thách thức an ninh biển.

Nhà Trắng ngày 11/2 công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, dài 19 trang tái khẳng định mục tiêu củng cố vững chắc vị trí của Mỹ, dựa trên các khía cạnh: (i) Tự do và cởi mở: thúc đẩy các thể chế dân chủ, tự do báo chí; nâng cao sự minh bạch về tài chính, bảo đảm các vùng biển và vùng trời được quản trị theo luật pháp quốc tế…; (ii) Kết nối: củng cố quan hệ đồng minh với Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan; tăng cường quan hệ với các đối tác khu vực; (iii) Thịnh vượng: phát triển những cách tiếp cận mới để đáp ứng những tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường; quản trị các nền kinh tế kỹ thuật số, thúc đẩy các chuỗi cung ứng bền vững…; (iv) An ninh:  tăng cường năng lực răn đe mở rộng và phối hợp với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản; AUKUS…; (v) Sức chống chịu: phối hợp với các đồng minh, đối tác đề ra mục tiêu cho các năm 2030 và 2050, giảm tính dễ bị tổn thương của khu vực trước biến đổi khí hậu, chấm dứt đại dịch COVID-19 và thúc đẩy an ninh y tế toàn cầu.

Tại cuộc họp lần thứ 29 của Ủy ban Hợp tác chung ASEAN - EU (JCC) ngày 11/2, hai bên tái khẳng định quan hệ đối tác dựa trên các giá trị và lợi ích chung, cam kết với chủ nghĩa khu vực và chủ nghĩa đa phương dựa trên luật lệ; tôn trọng và thúc đẩy luật pháp quốc tế, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc; ủng hộ việc duy trì và củng cố một hệ thống thương mại mở, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch.

Tuyên bố sau cuộc gặp ngày 12/2 tại Hawaii, Các ngoại trưởng Mỹ-Nhật-Hàn nhấn mạnh ba nước chung quan điểm về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm; phản đối mọi hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực; khẳng định cam kết với luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS năm 1982. Các Ngoại trưởng nhấn mạnh cần hợp tác về thông tin, bảo đảm an ninh mạng và cải thiện an ninh kinh tế, bao gồm các công nghệ quan trọng và mới nổi.

Trong chuyến thăm Pháp 2 ngày từ 14/2, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc và người đồng cấp Pháp đã có cuộc hội đàm. Hai bên cam tăng cường hợp tác, triển khai thỏa thuận hợp tác quốc phòng năm 2018 giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron; nhất trí mở rộng hợp tác về không gian, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực an ninh mới khác. Đây là chuyến thăm Pháp đầu tiên của một Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc kể từ năm 2016.

Phản ứng với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 14/2 tuyên bố, “Cái gọi là chiến lược IPS của Mỹ là nói một đằng, làm một nẻo. Việc thúc đẩy tự do và rộng mở trong khu vực thực tế tạo ra một vòng tròn khép kín thông qua quan hệ đối tác an ninh AUKUS và QUAD, tạo ra những nguy cơ về phổ biến vũ khí hạt nhân, gây tổn hại đến hòa bình và ổn định của khu vực. Chiến lược tuyên bố thúc đẩy thịnh vượng nhưng lại gây ra sự đối đầu giữa các nước khu vực và tác động đến cấu trúc hợp tác ASEAN đóng vai trò trung tâm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến triển vọng phát triển trong tương lai. Chiến lược này khôi phục tâm lý chiến tranh lạnh, chỉ mang lại sự chia rẽ và bất ổn cho khu vực”.

Ngày 15/2, nước chủ tịch ASEAN Campuchia xác nhận Myanmar sẽ không tham dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 16-17/2. Trước đó Campuchia đã mời một đại diện phi chính trị của Myanmar nhưng Myanmar khẳng định không tham dự và không bổ nhiệm một đại diện phi chính trị là điều chắc chắn, vì hành động đó đi ngược lại các nguyên tắc và thông lệ về sự đại diện bình đẳng trong ASEAN.

Tuyên bố chung sau cuộc hội đàm ngày 16/2 giữa Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định hai bên hợp tác chặt chẽ để đảm bảo hòa bình và ổn định tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Anh sẽ góp 25 triệu bảng Anh để tăng cường khả năng phục hồi của khu vực trong các lĩnh vực an ninh mạng, an ninh hàng hải, đồng thời đối phó với các mối đe dọa từ các nhà nước. Về Biển Đông, Anh-Úc khẳng định các quốc gia có thể thực hiện các quyền và tự do hàng hải trên Biển Đông phù hợp với UNCLOS; phản đối các hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng, phá vỡ sự ổn định và trật tự dựa trên luật lệ.

Về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mỹ vừa công bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 17/2 nêu rõ: “Việt Nam mong muốn các sáng kiến hợp tác tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế; tôn trọng quyền, lợi ích chính đáng của tất cả các nước, bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Việt Nam quan tâm và mong muốn thúc đẩy hợp tác với Mỹ, cũng như tất cả đối tác nhằm thúc đẩy nỗ lực ứng phó đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, ứng phó biến đổi khí hậu cũng như các lĩnh vực khác”.

Góc nhìn quốc tế

Trên tờ “Forbes” ngày 8/2, GS. Jill Goldenziel, Đại học Thủy quân Lục chiến Mỹ bình luận tuần duyên Mỹ từ năm 2020 đã coi IUU là thách thức số 1 của an ninh biển toàn cầu. Trung Quốc là nước vi phạm nhiều nhất hoạt động IUU, đánh bắt trộm, tắt tín hiệu AIS, treo cờ nước khác...Mục đích của Trung Quốc là tăng nguồn cá, sự hiện diện thực địa, khẳng định quyền lịch sử, đe dọa các nước, bảo vệ yêu sách...Theo GS. Goldenziel, Quốc hội Mỹ đã ra Đạo luật An toàn Hàng hải năm 2020 và lập 21 nhóm làm việc liên ngành để ứng phó nhưng chưa đủ, chưa giải quyết gốc rễ vấn đề (động cơ khi Trung Quốc thực hiện IUU). Mỹ phải dùng pháp lý chiến và tuyên truyền, cùng các đối tác thông tin về hoạt động của Trung Quốc, kiện nước này tại tòa quốc tế.

Trên “China-US Focus” ngày 15/2, học giả Richard Javad Heydarian bình luận Trung Quốc có thể được hưởng lợi trong năm Chủ tịch ASEAN của Campuchia bởi Thủ tướng Hun Sen sẽ không thúc đẩy vấn đề Biển Đông trong chương trình nghị sự của ASEAN năm 2022, thậm chí hạ thấp tầm quan trọng và mức độ ưu tiên của vấn đề này. Điều này dễ hiểu bởi Campuchia phụ thuộc nhiều vào đầu tư, sự hậu thuẫn chiến lược của Trung Quốc và không có bất kỳ lợi ích trực tiếp nào từ những tranh chấp Biển Đông. Ngoài ra, Campuchia cũng đang thúc đẩy chính sách ngả theo quan điểm của Bắc Kinh trong khủng hoảng Myanmar. 

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn