Vụ việc đầu tiên xảy ra vào đầu năm 2011, sau tuyên bố của Philippines rằng nước này sẽ bắt đầu các hoạt động thăm dò dầu khí tại Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), khu vực nằm ở ngoài khơi tỉnh Palawan. Công ty Forum Energy, một công ty được đăng ký của Anh hoạt động theo hợp đồng của Philippines, đã cử tàu MV Veritas Voyager, một tàu thuộc sở hữu của Pháp, và là tàu khảo sát được đăng ký của Singapore tới Bãi Cỏ Rong. Tại đây, hai tàu Trung Quốc đã tiếp cận tàu trên, ra lệnh cho chiếc tàu này rời khỏi khu vực và có các động thái như thể sẽ đâm chìm tàu trên. Được thông báo về điều này, các nhà chức trách Philippines đã phản ứng bằng việc cử hai máy bay nhỏ đến để điều tra, nhưng phát hiện rằng các tàu Trung Quốc đã rời khỏi khu vực. Bộ Ngoại giao Philippines đã gửi một công hàm phản đối tới đại sứ quán Trung Quốc, trong đó nói rằng Bãi Cỏ Rong không phải là vùng lãnh thổ có tranh chấp.[1]

Sự cố này là rất nghiêm trọng đối với Philippines bởi vấn đề này đã thách thức trực tiếp đến quyền sử dụng nguồn tài nguyên được xem như nằm trong quyền tài phán biển của Philippines, và liên quan trực tiếp đến an ninh năng lượng của quốc gia. Đáng chú ý là, các hành động của Trung Quốc tại Bãi Cỏ Rong cũng giống như những sự cố trước đây, khi mà các tàu của Trung Quốc cắt cáp của các tàu Việt Nam, và có những động thái nhằm đe dọa các công ty dầu khí (BP và Exxon Mobil) trong việc hợp tác với Việt Nam, với cảnh báo rằng lợi ích kinh tế của các công ty này tại Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng.

Vào năm 2004, khi chính phủ của bà Gloria Arroyo cho khu vực Bãi Cỏ Rong vào trong một thỏa thuận ba bên “phi chính phủ” nhằm tiến hành các nghiên cứu trước khi thăm dò tại một số khu vực cụ thể tại Biển Đông giữa các công ty quốc doanh của các nước Philippines, Việt Nam và Trung Quốc, bà đã bị chỉ trích nặng nề, và thậm chí bị một số người buộc tội phản quốc. Trước bối cảnh đó, chính phủ sau đó của ông Benigno Aquino III, trong việc giải quyết vấn đề khai thác chung sau sự cố của tàu MV Veritas Voyager, đã được dẫn lời rằng: “Những gì của chúng ta sẽ là của chúng ta, và những gì đang tranh chấp, chúng ta có thể hướng tới việc hợp tác chung.” Ông Aquino đổ lỗi cho việc chính quyền Arroyo đã ủng hộ sai lầm cho Thỏa thuận Thăm dò Hải dương Chung (JMSU) như là nguyên nhân gây nên những vấn đề tại Biển Đông.

Để làm rõ ràng hơn quan điểm chính quyền Aquino, thì cũng vào thời điểm đó, Ngoại trưởng del Rosario đã đưa ra ý kiến của mình trên các nhật báo chính của Philippine, trong đó nêu rõ lập trường của chính phủ Philippines về Bãi Cỏ Rong: “Do Recto Bank (Bãi Cỏ Rong theo cách gọi của Philippines) là của chúng ta, do đó chỉ có chính phủ Philippines mới được độc quyền khai thác khu vực này. Tuy nhiên, Philippines có thể mời các nhà đầu tư nước ngoài để hỗ trợ việc khai thác tại khu vực theo cách phù hợp với luật pháp của Philippines.”

Các cạnh tranh về nguồn tài nguyên dầu khí từ lâu đã được cho là tác nhân chính cho các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, tuy nhiên vấn đề này không khiến người Trung Quốc quan tâm nhiều và kích động chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc một cách mạnh mẽ bằng cuộc cạnh tranh về nguồn tài nguyên thủy sản.

Cuộc khủng hoảng thứ hai trong quan hệ Philippines – Trung Quốc xảy ra vào tháng 4 năm 2012, khi các nhà chức trách của lực lượng hải quân Philippines chặn ngư dân trên 8 tàu cá tại vùng phụ cận của Bãi cạn Scarborough (Panatag hoặc Bajo de Masinloc theo cách gọi của Philippines). Bãi cạn này nằm ở xa khu vực đã xảy ra tranh chấp từ lâu là quần đảo Trường Sa và khu vực đã xảy ra các tranh cãi gần đây là Bãi Cỏ Rong, tuy nhiên đây vẫn là một khu vực thuộc Biển Đông. Sau khi kiểm tra, một số tàu cá của Trung Quốc có xuất hiện các loài san hô, các cá thể cá mập sống và trai khổng lồ, việc đánh bắt các loài thủy sản này bị cấm theo luật Philippines cũng như theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Hai tàu của cơ quan hàng hải Trung Quốc đã đến và chen vào giữa tàu Philippines và các tàu của ngư dân Trung Quốc để ngăn chặn việc bắt giữ của các tàu Philippines (đây là việc mà phía Philippines trước đây thường làm để bắt giữ các ngư dân tham gia đánh bắt thủy sản trái phép). Do nhận thấy đây là một vấn đề đơn thuần liên quan đến lĩnh vực nghề cá, Hải quân Philippines đã rút các tàu của mình và thay vào đó, Manila đã cử một tàu tuần duyên và tàu của Cục Thủy sản đến để xử lý vấn đề. Do các tàu tuần tra của Trung Quốc không rời khỏi khu Bãi cạn (trong thực tế nước này còn cử thêm một tàu nữa đến vào ngày hôm sau), một cuộc đối đầu giữa các tàu chính thức của cả hai bên đã diễn ra và kéo dài từ đầu tháng 4 đến tháng 6.

Đã có rất nhiều phản ứng và bình luận của công chúng về hai sự kiện này. Các quan chức của chính quyền Aquino, bao gồm cả bản thân ông Aquino và có vai trò nổi bật hơn là Ngoại trưởng del Rosario, bước đầu đã nêu và giải thích rõ các lập trường chính thức tới công luận Philippines thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Một cuộc khẩu chiến qua lại giữa hai quốc gia đã nổ ra khi mà các phương tiện truyền thông Trung Quốc  đẩy mạnh làn sóng chủ nghĩa dân tộc chống Philippines. Sau đó các thông tin này cũng được phủ sóng rộng rãi tại Phlippines, từ đó đã làm nổ ra một loạt các hành động qua lại của cả hai phía, nhằm buộc tội phía bên kia là đã có hành động hung hăng và có các hành vi đe dọa.

Theo quan điểm của người dân Philippines, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc chiến tuyên truyền vừa nhằm để đe dọa phía Philippines, vừa nhằm để hạ thấp uy tín của  Philippines trong con mắt của cộng đồng quốc tế. Một ví dụ tiêu biểu cho mục đích trên của Trung Quốc là các tuyên bố được xuất hiện trong các bài xã luận của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan chính thức của Đảng Cộng Sản Trung Quốc hay của tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times), cơ quan “bán chính thức” của Đảng (cũng thuộc sở hữu của tờ Nhân Dân Nhật báo), trong đó truyền tải đi thông điệp rằng: Philippines phải bị “trừng phạt” (vì đã mời gọi Mỹ đóng thêm quân tại Philippines), và rằng Philippines phải “bị dạy cho một bài học”, rằng nước này sẽ “phải đối mặt với các hậu quả nghiêm trọng”, và Philippines không nên “chơi với lửa”, và rằng Trung Quốc sẽ “cắt đứt các mối quan hệ kinh tế”. Bài xã luận gây tranh cãi nhất của tờ Thời báo Hoàn cầu được ấn bản vào ngày 25 tháng 10 năm 2011, trước khá lâu thời điểm xảy ra vụ đối đầu tại Bãi cạn Scarborough, bài báo đã cảnh báo các nước tranh tham gia các tranh chấp tại Biển Đông nên “chuẩn bị tinh thần để đón nhận âm thanh của đại bác.” (Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Jiang Yu nói rằng bài xã luận không thể hiện cho quan điểm của chính phủ Trung Quốc).[2]

Đọc toàn bộ bài viết tại đây.

GS. Aileen S.P. Baviera & Sascha Gallardo, Đại học Philippines.

Nghiên cứu Biển Đông



[1] Tessa Jamandre, “China fired at Filipino fishermen in Jackson atoll,” ABS CBN News, ngày 3/6/2011

[2] http://ntdtv.org/en/news/china/2011-10-26/-sounds-of-cannons-warning-on-south-china-sea-dispute.html; http://www.reuters.com/article/2011/10/25/us-china-seas-idUSTRE79O1MV20111025. Ông Jiang Yu đã được dẫn lời rằng: “truyền thông Trung Quốc được quyền tự do đưa ra những gì mà họ muốn, nhưng chúng tôi hi vọng rằng các cơ quan này sẽ đóng một vai trò xây dựng và truyền tải đi những thông điệp đáng tin cậy”