1. Hội nghị lần thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc lần thứ 13 đã biểu quyết và thông qua "Luật Hải cảnh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" ngày 22/1/2021 nhằm tiếp tục tiêu chuẩn hóa và bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ quan Hải cảnh, bảo vệ quốc gia, chủ quyền, an ninh và các quyền và lợi ích hàng hải, bảo vệ công dân, các quyền hợp pháp của pháp nhân và các tổ chức khác cung cấp sự bảo vệ pháp lý mạnh mẽ. Luật có hiệu lực gần như ngay sau khi được thông qua (từ 1/2/2021).

2. Luật Hải cảnh được thông qua trong bối cảnh (i) các cơ quan nghiên cứu Trung Quốc gia tăng mức độ tuyên truyền về hoạt động “đơn phương” trái phép của những quốc gia trong tranh chấp và các nước ngoài khu vực về nghề cá, dầu khí và quân sự; (ii) Trung Quốc có các bước đi như cấp giấy kiểm định cho những tàu chấp pháp (1/2020), gia tăng hoạt động tuần tra trên biển (trong mùa cấm đánh bắt cá); (iii) Mỹ và các nước ngoài khu vực tăng cường hiện diện tại Biển Đông...

3. Luật Hải cảnh có 11 chương, 84 điều, tập trung vào những vấn đề cơ bản như cơ cấu tổ chức, trách nhiệm, quyền hạn, hoạt động hợp tác quốc tế, giám sát và trách nhiệm pháp lý của cơ quan Hải cảnh.

Luật Hải cảnh phân chia rõ thành phần của cơ cấu, trách nhiệm từng cấp và khu vực tài phán của lực lượng Hải cảnh, xác định chế độ cơ bản của công tác duy trì chấp pháp trên biển, quy định các quy tắc cơ bản cần tuân thủ, xác định cơ quan hải cảnh thực thi trách nhiệm chấp pháp trên biển, nhà nước xây dựng cơ chế phối hợp tác nghiệp trên biển và đất liền, phân công hợp tác, hiệu quả khoa học cao của hoạt động chấp pháp trên biển. Căn cứ vào quy định của Luật Hải cảnh, nhiệm vụ cơ bản của thực thi pháp luật trên biển là thực thi an ninh hàng hải, duy trì trật tự an ninh trên biển, chống buôn lậu và nhập cảnh trái phép; tiến hành kiểm tra giám sát trong phạm vi chức trách đối với hoạt động khai thác tài nguyên biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển, hoạt động khai thác nghề cá; dự báo ngăn ngừa và trừng pht các hoạt động phạm pháp và tội phạm trên biển.

Luật Hải cảnh đã quy định quyền hạn chấp phấp, biện pháp và yêu cầu về trật tự của cơ quan Hải cảnh đối với công tác chấp pháp trên biển; đồng thời thiết lập cơ chế đảm bảo kinh phí, địa điểm và xây dựng phương tiện cho nhiệm vụ thực thi chấp pháp trên biển, trao quyền cho cơ quan Hải cảnh ưu tiên sử dụng quyền trong những tình huống khẩn cấp khi thực thi nhiệm vụ, quy định chế độ tiến hành xử lý trước đối với các tài sản liên quan đến các vụ án. Luật cho phép áp dụng "tất cả biện pháp cần thiết, gồm sử dụng vũ khí" khi cái gọi là "chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc" bị xâm phạm; phá hủy công trình nước ngoài ở vùng biển, đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Luật Hải cảnh quy định rõ các hạng mục hợp tác quốc tế, trao quyền  cho Cục Hải cảnh tổ chức hoặc tham gia công tác thực thi các điều ước quốc tế trong quyền hạn quy định, đàm phán và ký kết các văn kiện hợp tác thực thi pháp luật trên biển, quy định nhiệm vụ, lĩnh vực và phương thức của cơ quan Hải cảnh triển khai các hợp tác quốc tế về chấp pháp trên biển.

Luật hải cảnh xác định rõ trách nhiệm giám sát và trách nhiệm pháp lý; tăng cường giám sát đối với quyền lực chấp pháp, kết hợp thể chế quản lý và thuộc tính chức năng của cơ quan Hải cảnh, xây dựng chế độ công khai, minh bạch thân phận, minh bạch quá trình thực thi chấp pháp. Đồng thời để để bảo đảm Hải cảnh thực thi nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và nâng cao thẩm quyền thực thi pháp luật, Luật Hải cảnh quy định trách nhiệm pháp lý của các tổ chức hoặc cá nhân ngăn cản nhiệm vụ chấp pháp theo quy định của cơ quan Hải cảnh.[1]

Quan điểm của một số bên về Luật Hải cảnh

1. Các quan điểm của Trung Quốc cho rằng những nội dung trong Luật này phù hợp với thực tiễn các nước và tập quán quốc tế[2]; việc xây dựng Luật Hải cảnh là hoạt động lập pháp bình thường của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc giúp cho Cảnh sát biển Trung Quốc thực hiện tốt hơn trách nhiệm và nghĩa vụ được quy định theo luật quốc tế để duy trì trật tự trên biển.[3] Luật này sẽ cung cấp căn cứ pháp luật cho các hành động của lực lượng Hải cảnh[4], một số ý kiến học giả khác còn trích dẫn câu nói của Putin cho rằng “kháng nghị 10.000 lần không bằng bắn 01 phát súng” và cho biết Luật này cho phép Hải cảnh sử dụng vũ khí trong những tình huống khẩn cấp để bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia.[5]

Một số báo chí Trung Quốc cho rằng lợi ích trên biển là lằn ranh đỏ mà Trung Quốc không thể từ bỏ, lực lượng cảnh sát biển tuy không giống như hải quân nhưng vẫn là một lực lượng quan trọng trong việc duy trì và bảo vệ quyền lợi lợi ích biển của nước này. Việc có Luật Hải cảnh tăng cường năng lực chấp pháp của cảnh sát biển[6], bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia và sự an toàn cho lực lượng thực thi chấp pháp trên biển của Trung Quốc.[7]

Về ý nghĩa của Luật Hải cảnh, nhiều học giả Trung Quốc cho rằng đây là một luật tốt vì có thể vừa tấn công và vừa rút lui, lực lượng Hải cảnh có trang vị một mức độ vũ khí nhất định, khi xảy ra va chạm và cần phi sử vụng vũ lực sẽ xử lý vấn đề nhanh hơn việc điều động các tàu chiến, không gây ra mức độ sát thương cao; ngoài ra lực lượng Hải cảnh không phải là hải quân, vậy nên Luật Hải cảnh sẽ có hiệu quả thực tiễn cao khi áp dụng tại Biển Đông, Biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan.[8] Ngoài ra còn có ý kiến khác cho rằng Luật này sẽ cung cấp căn cứ pháp lý cho những hoạt động chấp pháp của Cảnh sát biển Trung Quốc[9], có lợi cho hòa bình trên biển và có lợi cho tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế.[10]

2. Nhiều quốc gia khác lo ngại ảnh hưởng của Luật Hải cảnh Trung Quốc không chi tăng cường hoạt động cho lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc tại các quần đảo trên Biển Đông mà thậm chí cả vùng biển gần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc vùng biển Hoa Đông[11][12], ngoài ra có ý kiến chính giới khác còn hàm ý cho rằng các nước nên tăng cường tiến hành phản đối động thái này vì nếu không có nước nào lên tiếng phản đối thì sẽ coi như khuất phục trước điều này.[13] Về phía Việt Nam, NPN BNG Lê Thị Thu Hằng ngày 29/1/2021 yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, có trách nhiệm thực thi một cách thiện chí luật pháp quốc tế.[14]

Ảnh hưởng tới Việt Nam như thế nào?

1. Công tác bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo của Việt Nam có thể gặp thách thức lớn do sự tăng cường hoạt động chấp pháp của Trung Quốc với sự hậu thuẫn của Luật Hải cảnh. Trên thực tế, Trung Quốc đã đưa giàn khoan HD08 hoạt động trong vùng biển nước khác năm 2020 có sự hộ tống của lực lượng tàu hải cảnh được biện hộ rằng do phía Việt Nam cử tàu chấp pháp và ngư dân ra ngăn cản khi HD08 thực hiện nhiệm vụ tại Biển Đông (Bãi Tư Chính) năm 2019. Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc có thể gia tăng tăng cường các hoạt động răn đe tại Biển Đông, đe dọa các hoạt động bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, đồng thời củng cố lập luận pháp lý về các hoạt động tuần tra chấp pháp.

2. Luật cũng tác động đến hoạt động hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông, ảnh hưởng sự phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Với việc tàu Hải cảnh của Trung Quốc trong năm thời gian gần đây nhiều lần trong thời gian dài hoạt động “cảnh cáo” giàn khoan Việt Nam tại mỏ dầu khí Lan Tây, Lan Đỏ trong bãi Tư Chính và việc Luật Hải cảnh cho phép lực lượng này có thể tiến hành tấn công, tháo dỡ các công trình này của Việt Nam dựa trên lập luận của Trung Quốc rằng khu vực này vùng biển thuộc quyền tài tài phán của Trung Quốc có thể gây đe dọa đối với các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam.

3. Hoạt động của ngư dân Việt Nam tại Biển Đông cũng vấp phải thách thức lớn với việc thực thi Luật Hải cảnh. Trong năm 2020, các cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc định kỳ đăng tải hoạt động của tàu cá Việt Nam tại Biển Đông, đẩy dư luận Trung Quốc và thế giới có cái nhìn lệch lạc về hoạt động của Việt Nam tại đây, đồng thời tạo cơ sở cho hoạt động chấp pháp của Cảnh sát biển Trung Quốc tăng cường gây hấn và cản trở hoạt động tàu cá Việt Nam...

Trong tương lai Trung Quốc có thể sẽ thực thi Luật Hải cảnh như thế nào?

1. Để triển khai Luật Hải cảnh, Trung Quốc trong tương lai sẽ tăng cường thực hiện tuần tra chấp pháp tại vùng biển nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, EEZ, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa cũng như các vùng biển khác thuộc thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, hành động nguy hiểm hơn với các tàu cá được cho là xuất hiện trong vùng biển của nước này như tại khu vực Hoàng Sa của Việt Nam.

2. Với việc đa số lực lượng Hải cảnh của Trung Quốc sẽ thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi ngoài 200 hải lý tính từ đường bờ biển, trong phạm vi“đường lưỡi bò” mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền và quyền tài phán, hoạt động của Hải cảnh Trung Quốc sẽ không chỉ trong phạm vi khu vực biển của Trung Quốc mà sẽ còn thực hiện nhiều trên các cùng biển khác ngoải khu vực và xa hơn nữa – những nơi Trung Quốc đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng của mình.

Nhật Linh, nhà nghiên cứu Trung Quốc. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.



[2] NPN BNG TQ Uông Văn Bân 13/11

[3] NPN BNG TQ Hoa Xuân Oánh 22/1

[4]https://www.sohu.com/a/424784419_594189

[5] Lý Kiệt: https://www.iqiyi.com/v_261fo5lndfs.html

[11] Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản (1/2) https://finance.sina.com.cn/tech/2021-02-02/doc-ikftpnny3330002.shtml

[12] Ngoại trưởng Nhật Bản cho biết sẽ quan tâm mạnh mẽ đến các động thái của Luật Hải cảnh Trung Quốchttps://www.zaobao.com.sg/realtime/china/story20210130-1120491

[13] Ngoại trưởng Philippines Locsin 27/1 đăng tải tweeter tiến hành phản ứng ngoại giao về luật Hải cảnh của Trung Quốc.https://www.voachinese.com/a/Philippines-protests-new-China-law-as-verbal-threat-of-war-20210127/5753949.html