Tiêm kích J-20 hiện diện trên Biển Đông: Trung Quốc đã thực sự làm chủ cuộc chơi?

Ngày 13/4/2022, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc – nhà sản xuất tiêm kích J-20 cho biết, Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành các hoạt động tuần tra hàng không trên Biển Đông với tiêm kích J-20. Trong bối cảnh sau vụ “chạm trán gần” giữa phi đội chiến đấu cơ F-35 của Mỹ và tiêm kích J-20 của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông hồi tháng 3/2022, hoạt động tuần tra của J-20 trên Biển Đông lần này nhanh chóng trở thành mối quan tâm lớn của các bên. Nếu tiêm kích tàng hình J-20 được triển khai ở Biển Đông với động cơ WS-15 do Trung Quốc tự chế tạo, điều này sẽ tác động mạnh đến cán cân sức mạnh không quân ở Biển Đông bởi lợi thế và sức mạnh vượt trội của J-20.

Làm chủ công nghệ

Tiêm kích J-20 là máy bay tiêm kích tàng hình đầu tiên của Trung Quốc, đồng thời cũng là một trong ba dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 trên thế giới. Dòng tiêm kích này do Tập đoàn Công nghiệp hàng không Thành Đô sản xuất phục vụ Không quân PLA, được đưa vào biên chế phục vụ không quân Trung Quốc từ năm 2017. Nhưng theo các nhà bình luận quân sự của Trung Quốc, J-20 chưa từng “lâm trận” thực sự[i].

Lý do là một trong những điểm yếu lớn nhất trong thiết kế J-20 trước đây là không có nhiều loại động cơ phù hợp. Do đó, trước đây, J-20 phải sử dụng động cơ AL-31F do Nga sản xuất. Đây là loại động cơ được sử dụng cho tiêm kích hạng nặng Su-35. Tuy nhiên sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga được coi là “điểm nghẽn” trong chương trình hiện đại hoá quốc phòng của Trung Quốc. Vì vậy, mặc dù là thế hệ máy bay tàng hình đầu tiên của Trung Quốc, được đánh giá cao ở nhiều khía cạnh nhưng do thiếu sót về động cơ nên khả năng phục vụ và sẵn sàng chiến đấu của loại tiêm kích tàng hình J-20 còn hạn chế. Khi không khắc phục được điểm yếu này, J-20 khó có thể duy trì hoạt động một cách độc lập và cũng khó có thể tiến tới sản xuất hàng loạt để trang bị cho lực lượng quân đội Trung Quốc.

Với động lực và quyết tâm đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy khoa học kỹ thuật và làm chủ các công nghệ tối tân dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, cuối năm ngoái, tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc lần thứ 13 được tổ chức tại Chu Hải ngày 28/9, Trung Quốc đã “trình làng” dòng J-20 được “thay thế trái tim” sử dụng động cơ được sản xuất trong nước thay vì động cơ của Nga như trước đây. Sự kiện này được đánh giá là “bước nhảy vọt” trong phát triển khoa học công nghệ ngành hàng không ở Trung Quốc, đánh dấu Trung Quốc đã có thể làm chủ được công nghệ chế tạo máy bay tàng hình.

Song trình độ thực sự vẫn đang là câu hỏi gây tranh cãi

Tuy nhiên, Trung Quốc đã làm chủ đến công nghệ nào thì vẫn còn là một vấn đề đang gây tranh cãi. Bởi mặc dù giới chức Trung Quốc đã xác nhận tiêm kích tàng hình J-20 được thay thế bằng “trái tim” nội địa sản xuất song không công khai thêm các thông tin liên quan.

Theo phân tích từ giới chuyên gia, loại động cơ J-20 đang sử dụng hiện nay là vẫn chỉ là WS-10C và Trung Quốc vẫn chưa đủ khả năng làm chủ loại động cơ WS-15 thế hệ tối tân cải tiến[ii].

Theo chuyên gia Mỹ Gabriel Honrada, động cơ của Nga và động cơ nội địa Trung Quốc WS-10C đều không đủ mạnh để giúp J-20 đạt tốc độ mong muốn và việc thiếu lực đẩy có thể khiến J-20 dễ bị tổn thương trong các cuộc không chiến với máy bay chiến đấu của Mỹ. Hơn nữa, hai loại động cơ thế hệ cũ này không cho phép J-20 sử dụng vũ khí năng lượng định hướng như laser và có thể cản trở J-20 tiếp tục cải tiến thành dòng máy bay chiến đấu có người lái[iii].

Theo truyền thông Trung Quốc, từ năm 2006 Trung Quốc đã bắt đầu đặt mục tiêu chế tạo động cơ phản lực WS-15, đây là mẫu động cơ có nhiều cải tiến, với lực đẩy lớn giúp J-20 có thể đạt khả năng siêu hành trình, bay với tốc độ siêu âm mà không cần chế độ tăng lực tiêu tốn nhiên liệu và làm ảnh hưởng tới khả năng tàng hình của máy bay. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn những “điểm nghẽn” chưa thể xử lý được.

Thứ nhất, vấn đề làm “đau đầu” giới nghiên cứu khoa học quốc phòng ở Trung Quốc là vấn đề tiêu hao nhiên liệu. Để đáp ứng khả năng siêu hành trình, lực đẩy của WS-15 cần rất lớn, đồng nghĩa với việc tiêu hao nhiên liệu lớn.[iv] Đây là lý do khiến tiêm kích của Mỹ phải mang theo bình nhiên liệu phụ, song việc mang theo bình nhiên liệu phụ lại khiến mức độ tàng hình của máy bay bị giảm đi[v]. Thứ hai, theo chuyên gia Trung Quốc, yếu tố hạn chế sự phát triển của động cơ tối tân hiện đại ở Trung Quốc không nằm ở vấn đề vật liệu và kinh phí mà Trung Quốc gặp khó khăn trong thiết kế. Mặc dù các thiết kế của động cơ WS-15 theo hướng phát triển vượt bậc song vẫn phần nào “đi theo” các thiết kế của Châu Âu và Mỹ. Do đó, việc phát triển động cơ với thiết kế độc lập của Trung Quốc sẽ còn một chặng đường dài[vi]. Ba là, về vấn đề công nghệ cốt lõi, qua hơn 10 năm phát triển WS-15 cho tiêm kích thế hệ 5, vấn đề mà Trung Quốc gặp phải là chế tạo lá cánh turbin dạng đơn tinh thể, giúp tăng khả năng chịu nhiệu và áp lực khi tiêm kích hoạt động. Đây là công nghệ tối mật của Nga và phương Tây mà Trung Quốc chưa làm chủ được.[vii]

Chính vì vậy, theo chuyên gia Lele (Trung Quốc), ngay ở những nước tiên tiến trên thế giới, việc phát triển động cơ hàng không tối tân cũng rất khó khăn, chưa nói đến việc Trung Quốc là một nước vẫn còn tương đối yếu trong lĩnh vực chế tạo động cơ, đương nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn và phải đi một chặng đường dài.[viii] Do vậy, theo dự báo, đến trước năm 2025 Trung Quốc mới có thể làm chủ được công nghệ này[ix].

Những thông điệp phía sau

Bất chấp những tranh cãi Trung Quốc đã làm chủ đến công nghệ chế tạo nào, có thể thấy, thông qua cuộc “trình diễn” thành công trên Biển Đông vừa qua Trung Quốc ngầm chuyển các thông điệp sau tới các bên liên quan:

Thứ nhất, J-20 là biểu tượng cho sức mạnh quân sự đang không ngừng lớn mạnh và ngày càng được gia tăng của Trung Quốc. Trước đó, J-20 đã bay huấn luyện tuần tra thành công ở vùng biển gần - Biển Hoa Đông và việc triển khai ở Biển Đông lần này cho thấy J-20 đã có thể mở rộng hành trình, với động cơ nội địa WS-10C do Trung Quốc tự sản xuất, nước này vẫn có đầy đủ khả năng “tác nghiệp” ở vùng biển xa như Biển Đông. Điều này tạo cơ sở thực tiễn cho việc “nhân bản”, sản xuất hàng loạt các máy bay tàng hình thế hệ mới của Trung Quốc. Theo Thời báo Hoàn cầu, việc J-20 được thay thế bằng “trái tim” Trung Quốc và có hành trình bay xa thành công cho thấy Trung Quốc đang hoàn toàn tin tưởng vào nền công nghiệp quốc phòng hiện đại của mình và phần nào còn đạt đến độ vượt trội hơn so với vũ khí của Nga.[x]

Hai là, J-20 mang ý nghĩa răn đe với Mỹ và các bên yêu sách trên Biển Đông. Cũng theo Thời báo Hoàn cầu, các cuộc tuần tra của J-20 trên Biển Đông nhằm hướng trực tiếp đến cái gọi là “tự do hàng hải” của Mỹ ở Biển Đông. Thông qua sự hiện diện của J-20 trên Biển Đông lần này, Trung Quốc muốn gửi thông điệp cứng rắn về chủ quyền đến Mỹ và các bên yêu sách. Theo truyền thông Trung Quốc, cho dù Mỹ có sử dụng bất kỳ loại máy bay quân sự nào thì J-20 cũng kiên quyết trấn áp và cũng không quá khó để đối phó một cách hiệu quả.

Thứ ba, điều này cũng một lần nữa khẳng định cán cân sức mạnh quân sự trên Biển Đông vẫn đang nghiêng về phía Trung Quốc. Nhìn lại các nước ven Biển Đông, hiện nay chưa một quốc gia nào có thể đối trọng với dòng tiêm kích J-20 của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo chuyên gia Mỹ Gabriel Honrada, có thể Trung Quốc sẽ chỉ triển khai J-20 trong những trường hợp Bắc Kinh đánh giá là gây ra mối đe dọa cực lớn đối với họ vì việc triển khai J-20 rất tốn kém, vì vậy, Trung Quốc có thể sẽ chọn sử dụng loại hình trên không khác thay vì mạo hiểm sử dụng phi đội tiêm kích tối tân nhất của mình.[xi]

Xét ở khía cạnh nào, trong tương lai chắc chắn Trung Quốc sẽ tiếp tục cho ra mắt các phiên bản cải tiến của dòng J-20 nội địa. Đặt trong bối cảnh Made in China 2025 vẫn đang là ưu tiên chiến lược và môi trường xung quanh Trung Quốc đang có ngày càng nhiều mối đe doạ, rất có khả năng Trung Quốc sẽ còn “trình diễn” nhiều dòng tiêm kích tàng hình tối tân. Điều này một mặt tạo thêm sức mạnh vượt trội cho Trung Quốc so với các bên yêu sách trên Biển Đông, tạo thêm những công cụ để Trung Quốc răn đe, kiềm chế hành động của các bên; đồng thời tiềm ẩn những nguy cơ xung đột, va chạm trên không giữa Trung Quốc và các bên trên Biển Đông.

Hoàng Lan, nghiên cứu viên, Viện Biển Đông. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không đại diện cho tổ chức, cơ quan nơi tác giả đang công tác

[i] http://www.news.cn/mil/2022-03/14/c_1211607071.htm

[ii] https://view.inews.qq.com/a/20220417A04E5N00

[iii] https://asiatimes.com/2022/04/chinas-j-20-fighters-begin-south-china-sea-patrols/

[iv] http://www.news.cn/mil/2022-03/14/c_1211607071.htm

[v] https://www.163.com/dy/article/H57NRCGI05524N3Q.html

[vi] http://www.news.cn/mil/2022-03/14/c_1211607071.htm

[vii] https://vnexpress.net/dong-co-ws-15-noi-dau-tren-tiem-kich-tang-hinh-trung-quoc-3724684.html

[viii] https://www.163.com/dy/article/H57NRCGI05524N3Q.html

[ix] http://mil.news.sina.com.cn/jssd/2018-02-22/doc-ifyrvspi0579516.shtml

[x] https://baijiahao.baidu.com/s?id=1730333644409395862&wfr=spider&for=pc

[xi] https://asiatimes.com/2022/04/chinas-j-20-fighters-begin-south-china-sea-patrols/