Trước thềm Lưỡng hội, điều mà người dân Trung Quốc và thế giới quan tâm là chính phủ Trung Quốc trong năm nay sẽ có những biện pháp gì để một mặt tháo gỡ tình trạng “tứ bề khó khăn” trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường đối ngoại mặt khác phát huy được những nội lực, điểm sáng tiềm ẩn trong thị trường 1.4 tỷ dân khổng lồ của Trung Quốc. Quan trọng hơn nữa, Lưỡng hội năm nay còn gắn với “lời hứa” của chính phủ Trung Quốc trong việc hoàn thành xây dựng xã hội khá giả toàn diện, tiến tới mục tiêu 100 năm lần thứ nhất vào năm 2021. Tất cả những thách thức, khó khăn và cả cơ hội ấy lại được đặt trong bối cảnh làn sóng thứ hai và trạng thái bình thường mới hậu đại dịch đã khiến Trung Quốc bước vào kỳ họp Lưỡng hội năm nay với rất nhiều vấn đề thu hút được sự quan tâm của cả dư luận trong nước và quốc tế.

Đối mặt với tình hình mới nói trên, Lưỡng hội năm nay thay vì đặt ưu tiên cho tốc độ tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đặt mục tiêu vào “6 bảo đảm” với nhiệm vụ quan trọng nhất trong năm nay là duy trì được “ổn định”. Trong Báo cáo công tác chính phủ được cho là ngắn nhất trong lịch sử với độ dài chỉ bằng khoảng một nửa báo cáo mọi năm thì từ khóa “bảo đảm” được lặp lại 85 lần và từ khóa “ổn định” được lặp lại 41 lần xuyên suốt báo cáo đã trở thành thông điệp mà chính phủ Trung Quốc muốn gửi đi, đó là dù bối cảnh có biến động bất trắc tới đâu, chính phủ Trung Quốc vẫn cam kết sẽ bảo đảm công ăn việc làm và ổn định đời sống cho người dân.

Tuy nhiên, điều thu hút quan tâm của dư luận là việc Lưỡng hội năm nay từ bỏ mục tiêu cụ thể cho tăng trưởng kinh tế. Điều này đã khiến không ít dư luận có những đánh giá tiêu cực về tương lai nền kinh tế Trung Quốc, Tuy nhiên, như Thủ tưởng Lý Khắc Cường đã lý giải, với mục tiêu “6 bảo đảm” mà chính phủ cam kết đã tương đương với “lời hứa” giữ nền kinh tế Trung Quốc năm nay tăng trưởng dương và theo xu thế “đi lên trong ổn định”. Nhiều đánh giá cũng cho rằng, với mục tiêu này, cam kết “GDP năm 2020 sẽ tăng gấp đôi năm 2010” của chính phủ Trung Quốc đưa ra sẽ khó thành hiện thực. Mặc dù vậy, theo chính phủ Trung Quốc phân tích, GDP của Trung Quốc trong năm 2020 chỉ cần tăng trưởng 1% thì sẽ tương đương với 1,91 lần GDP năm 2010. Nếu tăng trưởng 5% thì sẽ tương đương 1,99 lần. Như vậy, dù cho các dự báo bi quan ở mức tăng trưởng 1-2%  năm nay thì cũng đã tương đối gần so với những mục tiêu mà chính quyền trung ương Trung Quốc đặt ra.

Trở lại với những giải pháp để “ổn định” mà chìa khóa là giải quyết vấn đề thất nghiệp, tái nghèo và vực dậy nền kinh tế. Chính phủ Trung Quốc năm nay cam kết tạo ra thêm 9 triệu việc làm, cung cấp thêm 35 triệu cơ hội học nghề và bảo đảm xóa nghèo toàn diện ở Trung Quốc; thêm vào đó là loạt giải pháp liên quan đến đầu tư, tài chính – tiền tệ, thuế - phí, y tế công cộng, kinh tế đối ngoại,… Trong đó, để khôi phục nền kinh tế trong bối cảnh mới hiện nay, Trung Quốc đã chuyển trọng tâm sang những cú hích từ trong nước như mở rộng nội nhu và kích thích tiêu dùng trong thị trường 1.4 tỷ dân; tập trung đầu tư cho những dự án cơ sở hạ tầng ở trong Trung Quốc đặc biệt là ở các tỉnh phía Tây – những tỉnh trước giờ vốn có sự phát triển cực kỳ chênh lệch với các tỉnh phía Đông Trung Quốc; và tung ra các gói giải cứu cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ - nơi giúp Trung Quốc khôi phục sản xuất, đồng thời cũng giúp chính phủ Trung Quốc giải quyết đến gần 90% việc làm cho lao động phổ thông. Đây đều là những giải pháp kịp thời, tận dụng được thế mạnh nội lực và tiềm năng bên trong của Trung Quốc; đồng thời cũng phù hợp với xu thế đại dịch còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Bên cạnh những giải pháp giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội do tác động của đại dịch, dư luận cũng hướng chú ý tới cách Bắc Kinh “tháo gỡ” thế được cho là “cô lập” trên trường quốc tế hiện nay. Mặc dù triển khai “đại chiến lược ngoại giao khẩu trang” ra thế giới, song cách tuyên truyền của Trung Quốc bị học giả quốc tế đánh giá là “vụng về, dối trá và có phần ngạo mạn” và khiến nước này rơi vào thế cục bao vây mới khi nhiều nước từ Mỹ cho đến EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đều lần lượt “quay lưng” với Trung Quốc, tiêu biểu như Mỹ muốn xây dựng một chuỗi cung ứng loại trừ Trung Quốc, EU tìm cách giảm lệ thuộc thương mại vào Trung Quốc; Nhật Bản, Hàn Quốc hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển dời ra khỏi Trung Quốc và đặc biệt là tập hợp lực lượng những nước sẵn sàng “cáo buộc” Trung Quốc là nguyên nhân gây bùng phát đại dịch covid ra toàn thế giới.

Đứng trước thế cục đó, thay vì đưa ra những bước chuyển trong chính sách đối ngoại và chiến lược ngoại giao, Lưỡng hội lại lựa chọn thúc đẩy những khái niệm “an toàn” như Con đường tơ lụa sức khỏe, hợp tác y tế Vành đai Con đường; Cộng đồng y tế sức khỏe nhân loại. Đây chỉ là những khái niệm mới được đưa ra trong khuôn khổ đại chiến lược “Vành đai con đường” đã được biết đến của Trung Quốc và phù hợp với bối cảnh dịch bệnh covid hiện nay. Điều này cho thấy, có thể chính quyền Bắc Kinh vẫn đang loay hoay trong việc tìm kiếm một giải pháp phá vỡ thế khó trong môi trường đối ngoại hiện nay hoặc ưu tiên của Trung Quốc trong năm 2020 này không phải là “trỗi dậy” và “quảng bá hình ảnh” mà Trung Quốc cần tập trung vào làm sao để hoàn thành “việc xây dựng xã hội khá giả toàn diện” – một lời hứa mang tính “sống còn” của Đảng với 1.4 tỷ người dân Trung Quốc.

Mặc dù tạm “tô mờ” những vấn đề “chính trị quốc tế” trong Lưỡng hội, tuy nhiên, thông qua công bố tăng chi tiêu quốc phòng ở mức 6,6% vẫn cho thấy sự quan tâm của chính quyền trung ương Trung Quốc đến những thách thức từ bên ngoài và hàm ý đến một cam kết không để sự tụt dốc về kinh tế ảnh hưởng đến năng lực và tiến trình hiện đại hóa quốc phòng của Trung Quốc.

Ngoài ra, với 2.878 phiếu thuận, 01 phiếu phản đối và 06 phiếu trắng, Lưỡng hội năm nay cũng thông qua Dự thảo “Quyết định về việc thiết lập và cải thiện hệ thống pháp lý cùng các cơ chế thực thi dành cho Hong Kong để đảm bảo an ninh quốc gia”. Với số phiếu áp đảo này, Ủy ban thường vụ Trung Quốc đã có quyền được soạn thảo những điều khoản trong luật an ninh dành cho Hong Kong trong thời gian tới. Trong tương lai, việc thông qua kế hoạch này sẽ khiến Trung Quốc rất có thể rơi vào cuộc khủng hoảng mới cả ở trong nước và vấp phải sự phản đối gay gắt của cộng đồng quốc tế.

Kỳ Lưỡng hội năm nay khép lại với những “tung hô” trong truyền thông Trung Quốc về một kỳ họp “tăng thêm tình đoàn kết, niềm tin và sự quyết thắng của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Tuy nhiên, cũng chính truyền thông lại là nơi “để lộ” ra những lá thư công khai chỉ trích chế độ hiện nay ở Trung Quốc cho thấy những bất ổn về kinh tế, xã hội và đường hướng chính sách đối ngoại mang tính “chiến lang” – theo cách gọi của truyền thông phương Tây – dường như lại đang làm gia tăng mâu thuẫn và đấu đá bên trong nội bộ Trung Quốc. Chính những điều ấy khiến dư luận đặt ra câu hỏi về tương lai sáng sủa Trung Quốc sẽ “quyết thắng đi lên” hay Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tương lai u ám như bầu trời Bắc Kinh khi khai mạc Kỳ họp Lưỡng hội năm nay?

Hoàng Lan, nghiên cứu viên của Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả.