Đặc khu kinh tế (SEZ) - CSHT công nghiệp

Trong lĩnh vực CSHT công nghiệp, Trung Quốc đã đầu tư vào Sihanoukville SEZ (tên khác Sihanoukville SEZ 2) từ 2010, nhưng chỉ gặt hái được thành công từ sau 2015. Vào thời điểm phát triển năm 2010, Sihanoukville SEZ nắm giữ kỷ lục về vốn đầu tư ban đầu với 300 triệu USD, gấp 5 lần Phnom Penh SEZ (68 triệu USD) và 21 lần Manhattan SEZ (15 triệu USD) và là một trong năm SEZ có diện tích phát triển lớn nhất với 1114 hecta. Tuy nhiên, cho tới 2014, Sihanoukville SEZ vẫn đứng sau Phnom Penh SEZ về số lượng nhà máy (40 so với 50 nhà máy) và Manhattan SEZ về quy mô lao động (8500 lao động so với 28000 lao động).

Từ cuối 2014, nhờ 3 tỷ USD vốn đầu tư bổ sung, Sihanoukville đã có những bước phát triển nhanh chóng. Từ con số 40 nhà máy vào 2014 (có 20 nhà máy lúc đi vào hoạt động vào 2012), đến tháng 11/2016, Sihanoukville SEZ đã trở thành SEZ lớn nhất và phát triển nhất tại Campuchia với 148 nhà máy được xây dựng. Sihanoukville SEZ cũng thu hút 16.000 công nhân tới làm việc, phần lớn nhận lương từ 1800 - 2400 USD, cao hơn từ 20 -60% so với mức lương cơ bản và gấp đôi GDP/người năm 2015 của Campuchia. Ban lãnh đạo Sihanoukville SEZ cũng tuyên bố kế hoạch thu hút 300 nhà máy vào năm 2020 và tạo ra 100,000 việc làm.

Sihanoukville SEZ đã trở thành một biểu tượng cho quan hệ hợp tác giữa Campuchia và Trung Quốc. Tính đến tháng 12/2016, Sihanoukville SEZ là dự án SEZ lớn nhất mà Chính phủ Campuchia từng thông qua, là SEZ đầu tiên được phát triển thông qua thỏa thuận chính phủ song phương và cũng là SEZ đầu tiên thành lập được một hệ thống điều phối chung giữa hai chính phủ. Phía Trung Quốc cũng đã đề nghị miễn 95% các dòng thuế cho các sản phẩm sản xuất tại Campuchia. Vào tháng 6/2016, sau cuộc gặp với Campuchia tại Phnom Penh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho biết Trung Quốc cũng sẽ tăng thêm 450 triệu USD cho các dự án phát triển toàn diện của Campuchia, từ mức viện trợ và vay ưu đãi khoảng 500 triệu USD/năm hiện nay.

Sự thành công của Sihanoukville SEZ đã mở đường cho việc xây dựng SEZ thứ hai của Trung Quốc tại Kampong Speu vào tháng 10/2016, dành cho chế biến thực phẩm xuất khẩu. Kampong Speu SEZ có diện tích là 300 hecta, cách Phnom Penh 30 km và được đầu tư 2,1 tỷ USD, gấp tới 7 lần kỷ lục mà Sihanoukville SEZ đã tạo ra trước đó. Việc phát triển sẽ bao gồm 3 giai đoạn, với ba kho chứa được xây dựng tương ứng, kho thứ nhất 30,000 tấn, hai kho sau 100,000 tấn. SEZ kỳ vọng sẽ có 30 – 100 nhà máy sau khi đi vào hoạt động 5 – 10 năm, dự kiến xuất khẩu 500,000 tấn mỗi năm, hầu hết là tới thị trường Trung Quốc.

Đây là SEZ đầu tiên tại Campuchia tập trung vào các sản phẩm nông sản và có hệ thống đối tác tương đối mạnh mẽ. Vào thời điểm thông qua dự án (tháng 10/2016), đã có 10 công ty Trung Quốc đăng ký hoạt động và ít nhất là 25 siêu thị tại Trung Quốc đặt hàng mua sản phẩm từ SEZ này. Campuchia hiện không có bất cứ kho trữ nông sản quy mô lớn hay nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn nào dành cho xuất khẩu.

Như vậy, nếu Sihanoukville SEZ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và Kampong Speu đi vào hoạt động như dự kiến thì Trung Quốc sẽ nắm giữ hai trụ cột về sản xuất công nghiệp và chế biến nông sản của Campuchia.

Đường cao tốc - CSHT liên kết

Cùng thời điểm với việc thông qua SEZ chế biến thực phẩm đầu tiên tại Kampong Speu, trong tháng 10/2016, Trung Quốc cũng thúc đẩy dự án đường cao tốc đầu tiên tại Campuchia, nối Sihanoukville và Phnom Penh. Cao tốc Sihanoukville – Phnom Penh sẽ được xây dựng dọc theo Quốc lộ 4, dài 190 km. Cao tốc này trị giá 1,9 tỷ USD, lớn hơn tổng số tiền Trung Quốc đầu tư cho 20 con đường quan trọng và 7 cây cầu tại Campuchia trong hơn hai thập kỷ từ 1994 đến đầu 2017 (khoảng 1,22 tỷ USD).

Cao tốc đầu tiên của Campuchia sẽ giúp thúc đẩy liên kết trực tiếp tốc độ cao giữa thủ đô Phnom Penh và Dự án Golden Silver Gulf của Trung Quốc tại Tỉnh Sihanoukville. 9 SEZ cùng với 3 cảng biển và 2 sân bay tại Sihanoukville, Phnom Penh và Kampong Speu sẽ hưởng lợi từ cao tốc mới.[1]

Chú thích bản đồ:

Các vòng tròn màu vàng là vị trí dự đoán của một số dự án do Trung Quốc đầu tư tại ba tỉnh Koh Kong, Sihanoukville và Phnom Penh của Campuchia, bao gồm: (1) hai dự án khu phức hợp du lịch kèm cảng biển: Golden Dragon City và Golden Silver Gulf; (2) hai dự án SEZ: Sihanoukville SEZ, SEZ chế biến thực phẩm tại Kampong Speu; (3) dự án Nhà máy lọc dầu đầu tiên tại Campuchia ở gần Sihanoukville SEZ; (4) đập thủy điện Kamchay ở tỉnh Kampot; (5) Dự án mở rộng Quốc lộ 6.

Hai vòng tròn màu xanh là Sân bay quốc tế Sihanoukville và Cảng Sihanoukville Autonomous Port.

Mặc dù chạy dọc theo Quốc lộ 4 của Campuchia, nhưng vai trò của Cao tốc này sẽ có hai điểm khác biệt. Một mặt, cao tốc mới sẽ giúp kết nối Dự án Golden Silver Gulf với hai sân bay Quốc tế lớn nhất của Campuchia tại Sihanoukville và Phnom Penh. Là một dự án phức hợp du lịch kèm cảng biển, Golden Silver Gulf sẽ gặt hái được các lợi ích về du lịch[2]  và xuất khẩu hàng hóa từ hai liên kết kể trên. Vào cuối năm 2016, dự án xây dựng cao tốc nối Golden Silver Gulf với sân bay quốc tế Sihanoukville (dài 7km) đã được triển khai song song với dự án cao tốc Sihanoukville – Phnom Penh (190km).

Mặt khác, tuyến cao tốc mới sẽ giúp giảm sự phụ thuộc của Sihanoukville SEZ (cũng như các SEZ do Trung Quốc đầu tư) vào Cảng Sihanoukville hiện tại. Dù là SEZ phát triển nhất tại Campuchia, nhưng phần lớn các công ty trong Sihanoukville SEZ phải phụ thuộc vào Cảng Sihanoukville. Tính tới tháng 6/2016, 75/87 nhà máy của Trung Quốc tại Sihanoukville SEZ (trong tổng số 100 nhà máy) sử dụng Cảng Sihanoukville để vận chuyển nguyên liệu và hàng hóa. Tuy nhiên, Cảng Sihanoukville do Nhật Bản đầu tư lại đang quá tải và bị giới hạn về độ sâu (Bài 1: Cảng biển). Vì vậy, để thuận lợi cho quá trình phát triển các SEZ, cao tốc Sihanoukville – Phnom Penh sẽ là liên kết tốc độ cao cần thiết đối với Trung Quốc.

Mạng lưới liên kết mới

Sự thay đổi trong dòng vốn và tốc độ phát triển các lĩnh vực cảng biển, SEZ và cao tốc là hai xu hướng chủ đạo trong đầu tư Trung Quốc tại Campuchia sau 2015. Tuy nhiên, chỉ hai xu hướng này sẽ là không đủ để mô tả những gì Trung Quốc muốn tạo dựng. Các dự án Trung Quốc đang tăng cường thúc đẩy và phát triển tại Campuchia cho thấy sự hình thành một mạng lưới liên kết mới. Mạng lưới này được xây dựng dựa trên quá trình tích hợp CSHT và công nghiệp hóa dựa trên ba thành tố sản xuất - liên kết - xuất khẩu

·       Thứ nhất, thành tố sản xuất với đại diện tiêu biểu nhất là Sihanoukville SEZ. Không chỉ là SEZ sản xuất công nghiệp phát triển nhất của Campuchia, Sihanoukville SEZ còn là nhân tố thúc đẩy xây dựng Sihanoukville thành “Thâm Quyến của Campuchia” và biểu tượng của quan hệ Campuchia – Trung Quốc. Bên cạnh Sihanoukville SEZ, SEZ chế biến thực phẩm tại Kampong Speu cũng sở hữu những tiềm năng phát triển vượt trội. Hai SEZ này sẽ là đầu tàu sản xuất, cùng với các SEZ tại Phnom Penh, Sihanoukville và Koh Kong tận dụng các liên kết bằng cao tốc và cảng biển do Trung Quốc xây dựng để thúc đẩy giao thương và xuất khẩu.

·       Thứ hai, thành tố liên kết với “xương sống” là cao tốc Sihanoukville - Phnom Penh. Với nhiệm vụ tương tự Quốc lộ 4, nhưng là “phiên bản nâng cấp”, cao tốc đầu tiên của Campuchia sẽ tạo ra khả năng liên kết tốc độ cao giữa (i) các khu sản xuất quan trọng (SEZ) với (ii) các trung tâm xuất – nhập khẩu (sân bay và cảng biển).

·       Thứ ba, thành tố xuất khẩu, xoay quanh hai cảng biển mới do Trung Quốc đầu tư tại Sihanoukville và Koh Kong, đóng vai trò như điểm tiếp nhận đầu – cuối trong giao thương. Hai cảng biển này sẽ giúp thúc đẩy liên kết bờ biển của Campuchia, cũng như giao thương của Campuchia với các nước ngoài khu vực nhờ đáp ứng tiêu chuẩn cảng biển nước sâu quốc tế.

Quá trình phát triển hai SEZ tại Sihanoukville và Kampong Speu của Trung Quốc dự kiến sẽ làm tăng lưu lượng vận chuyển hàng hóa và hậu cần. Tuy nhiên đường bộ thông thường (Quốc lộ 4) sẽ không đảm bảo được tính nhanh chóng trong vận chuyển, còn Cảng Sihanoukville thì đang quá tải và không thể tiếp nhận tàu lớn (xem Bài 1 về Cảng biển). Vì vậy, việc phát triển cao tốc Sihanoukville – Phnom Penh và hai cảng biển nước sâu tại Sihanoukville và Koh Kong sẽ giúp các SEZ của Trung Quốc cùng lúc đạt được hai mục tiêu: (i) thúc đẩy liên kết tốc độ cao giữa các dự án của Trung Quốc và các CSHT chủ chốt của Campuchia; (ii) tránh phụ thuộc vào các liên kết đã suy yếu và hạn chế về năng lực tiếp nhận như Cảng Phnom Penh và Cảng Sihanoukville.

Theo báo cáo “Vai trò của SEZ trong cải thiện hiệu quả của các hành lang kinh tế Khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS)”, sự phát triển của SEZ đòi hỏi kết nối thuận lợi với các điểm  giao thông huyết mạch. Lý do là vì nhiệm vụ của các SEZ được xây dựng tại khu vực GMS chủ yếu tập trung vào sơ chế - xuất khẩu, khi các công ty hầu như nhập khẩu toàn bộ nguyên liệu sản xuất và xuất khẩu thành phẩm ra nước ngoài. Chính vì vậy, các SEZ quan trọng nhất phải nằm gần các cảng biển hay Hành lang kinh tế. Lập luận này được bảo vệ thông qua sự phát triển của Phnom Penh SEZ nhờ kết nối với cụm cảng Cái Mép – Thị Vải tại Vũng Tàu, trong khi sự thiếu đi các liên kết tương tự lại trở thành nguyên nhân hoạt động kém hiệu quả của SEZ tại Koh Kong và Poi Pet.

Vì vậy, một mạng lưới tích hợp CSHT sản xuất – liên kết – xuất khẩu sẽ là một bước đi mang tính chiến lược của Trung Quốc để tránh cái bẫy CSHT làm trì trệ phát triển kinh tế (thay vì thúc đẩy giao thương và phát triển).

Bức tranh khu vực

Không chỉ là xương sống của mạng lưới CSHT tích hợp, cùng với tuyến đường sắt kết nối Phnom Penh và Bangkok, cao tốc Sihanoulville – Phnom Penh còn là một phần của nỗ lực liên kết khu vực của Campuchia.

Tại Đông Nam Á, Trung Quốc đang xây dựng một mạng lưới CSHT liên kết mới, dựa trên nền tảng của Hệ thống đường sắt Singapore - Côn Minh (SKRL) dài 7000km. Mục tiêu của SKRL là kết nối và thúc đẩy giao thương giữa Côn Minh với thủ đô của 7 nước ASEAN, bao gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào, Việt Nam. Với mục tiêu này, SKRL được xem là ưu tiên đầu tư của Trung Quốc tại ASEAN và là dự án hợp tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc.

Tuy nhiên, hệ thống này hiện chỉ tập trung vào các liên kết có lợi cho Trung Quốc. Tiến triển trên thực tế cho thấy, trong 8 tuyến đang cần phát triển hiện tại của ASEAN [3], Trung Quốc chỉ mới đầu tư vào hai dự án liên kết dọc:

(i)  Tuyến Côn Minh (Trung Quốc) - Vientaine (Lào), dài 417 km, trị giá 5,4 tỷ USD;

(ii) Tuyến Nong Khai - Bangkok (Thái Lan), dài 873 km với tổng chi phí đầu tư do Trung Quốc ước tính là 10,8 tỷ USD

Bên cạnh hai dự án kể trên, Trung Quốc cũng thể hiện mối quan tâm rất lớn đối với hai dự án đường sắt cao tốc khác:

(iii)      Tuyến Singapore - Kuala Lumpur (Malaysia) dài 350 km, trị giá ước tính 16 tỷ USD.

(iv)      Tuyến Bangkok - Kuala Lumpur dài 1500 km, mới bắt đầu đàm phán giữa Thái Lan và Malaysia từ tháng 2/2017.

Nếu kế hoạch đấu thầu của Trung Quốc tiến triển thuận lợi, thì Trung Quốc sẽ là quốc gia duy nhất xây dựng toàn bộ liên kết đường sắt cao tốc đi thẳng từ Côn Minh tới Singapore mà không cần đi qua biển Đông. Mạng lưới này sẽ giúp kết nối các trung tâm sản xuất – liên kết – xuất khẩu của Côn Minh với thủ đô của Lào, Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Vấn đề lớn nhất của mạng lưới này là hiện chưa có các liên kết ngang kết nối với Campuchia, Việt Nam hay Myanmar. Dưới góc nhìn này, nỗ lực thúc đẩy dự án cao tốc Sinanoukville – Phnom Penh và đường sắt Phnom Penh – Bangkok là một bước đi đầy tính chủ động và phù hợp với điều kiện của Campuchia. Việc liên kết với mạng lưới SKRL sẽ giúp các cảng biển và SEZ tại Campuchia “tích hợp” vào mạng lưới CSHT cảng biển, đường sắt, đường cao tốc và khu công nghiệp tại Đông Nam Á lục địa.

Thay lời kết: Vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

Trong hơn hai thập kỷ, Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Campuchia. Trong giai đoạn 1994 – 2014, Trung Quốc đã đầu tư vào Campuchia 9 tỷ USD, chiếm 44% tổng đầu tư FDI mà Campuchia nhận được. Từ 2015, dòng vốn đầu tư từ Campuchia đã chứng kiến sự chuyển hướng mang tính cốt lõi với 16,5 tỷ USD được đầu tư vào năm dự án cảng biển, SEZ và đường cao tốc. 

Sự chuyển hướng dòng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia đang tạo nên những thay đổi đáng kể trong các lĩnh vực: (i) cảng biển, (ii) cơ sở sản xuất và (iii) đường cao tốc. Không chỉ đóng vai trò đầu tàu trong các lĩnh vực mới, các dự án do Trung Quốc đầu tư còn được kết nối với nhau trong một mạng lưới tích hợp CSHT sản xuất – liên kết - xuất khẩu.

Trong đó, hai cảng nước sâu mới do Trung Quốc đầu tư sẽ đóng vai trò là cửa ngõ xuất – nhập khẩu. Với độ sâu dự kiến trên 14 m và có thể tiếp nhận tàu trên 100000 tấn, hai cảng mới sẽ giúp tháo dỡ hạn chế về năng lực tiếp nhận tại các cảng của Campuchia, thúc đẩy giao thương đường biển và tăng số cảng của Campuchia trong mạng lưới cảng biển ASEAN (APN).

Về CSHT sản xuất, Sihanoukville SEZ hiện là SEZ phát triển nhất tại Campuchia với 148 nhà máy được xây dựng và tạo ra 16000 việc làm. 300 nhà máy và 100,000 việc làm sẽ là mục tiêu tiếp theo của Sihanoukville SEZ vào năm 2020. SEZ chế biến thực phẩm tại Kampong Speu cũng cho thấy triển vọng đáng chú ý khi được đầu tư tới 2,1 tỷ USD và đã có 10 công ty cùng 25 siêu thị đăng ký làm đối tác.

Về đường cao tốc, tuyến Sihanoukville – Phnom Penh dài 190 km sẽ là dự án cao tốc đầu tiên tại Campuchia. Được đầu tư 1,9 tỷ USD, tuyến cao tốc mới sẽ là xương sống giúp thúc đẩy liên kết tốc độ cao giữa các trung tâm sản xuất và xuất khẩu chạy dọc theo tuyến đường.

Đối với Trung Quốc, sự thành công của Sihanoukville SEZ đã trở thành mô hình cho các khu vực đầu tư kinh tế và thương mại ở nước ngoài, cũng như mô hình hợp tác hữu nghị của Con đường tơ lụa mới. Trong khi đó, các cảng biển tại Sihanoukville và Koh Kong sẽ giúp Trung Quốc kiểm soát gần 30% diện tích bờ biển đẹp nhất trên một khu vực rộng 33000 hecta bên bờ Vịnh Thái Lan. Còn đường cao tốc Sihanoukville – Phnom Penh giúp phát triển thêm mô thức tích hợp CSHT sản xuất – liên kết - xuất khẩu trong khuôn khổ OBOR.

Tuy nhiên, trong trường hợp của Việt Nam và Myanmar, các tiến triển kể trên lại không mang đến các thông tin tích cực. Bởi lẽ ngoài các liên kết dọc do Trung Quốc đầu tư, ba liên kết ngang quan trọng của SKRL là Việt Nam - Campuchia, Việt Nam – Lào và Myanmar – Thái Lan “vẫn đang ở giai đoạn kiến nghị” do thiếu vốn đầu tư.

Chính vì vậy, nếu các tuyến đường do Trung Quốc xây dựng hoàn thành xong, thì lưu lượng hàng hóa sẽ luân chuyển theo các tuyến này vì giao thương dễ dàng hơn. Sự thuận tiện từ các liên kết đã thành hình sẽ kéo dòng vốn và hàng hóa ra khỏi các khu vực chưa được liên kết tốt tại Việt Nam và Myanmar.

Về lâu dài, bức tranh SKRL theo ý tưởng của Trung Quốc cũng không hoàn toàn có lợi cho ASEAN. Lý do là hầu hết các tuyến đường sắt cao tốc quan trọng nhất do Trung Quốc đầu tư tại ASEAN đều là các tuyến dọc để kết nối với Trung Quốc, trong khi các tuyến ngang thì thiếu vốn phát triển. Do đó, SKRL sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc giữa ASEAN vào Trung Quốc, thay vì thúc đẩy liên kết nội khối của ASEAN.

Việc Việt Nam đẩy mạnh kêu gọi đầu tư cho tuyến đường sắt Việt Nam – Campuchia và Việt Nam – Lào thời gian gần đây có thể được xem là một chỉ dấu tích cực trong nỗ lực liên kết khu vực. Tuy nhiên, liệu Việt Nam có thể giải quyết vấn đề về nguồn vốn đầu tư hay tận dụng hiệu quả các liên kết ngang này hay không sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu khác. 

Vũ Thành Công là nghiên cứu viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.

Bài viết thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link bài viết, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.


[1] 9 SEZ cùng với 3 cảng biển và 2 sân bay tại Sihanoukville, Phnom Penh và Kampong Speu :

·         7 SEZ tại Sihanoukville, 1 SEZ tại Phnom Penh và 1 SEZ chế biến thực phẩm do Trung Quốc đầu tư tại Kampong Speu.

·         Cảng Sihanoukville và Cảng Phnom Penh; cùng với cảng Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng trong dự án Golden Silver Gulf

·         Hai sân bay quốc tế Sihanoukville và Phnom Penh.

[2] Sân bay quốc tế Sihanoukville là sân bay lớn thứ ba của Campuchia, có thể tiếp đón tối đa 150,000 người/năm. Vào tháng 12/2016, dự án mở rộng sân bay Sihanoukville bắt đầu được triển khai để có thể tiếp đón 500,000 lượt khách/năm. Việc mở rộng dự kiến hoàn tất vào cuối 2017, đầu 2018. Sân bay quốc tế Sihanoukville cách Cảng Sihanoukville 15km và cách Thành phố Sihanoukville 20km. 

[3] 8 liên kết đường ray còn thiếu là: Trung Quốc – Lào, Trung Quốc – Thái Lan, Trung Quốc – Myanmar, Trung Quốc – Việt Nam, Thái Lan – Campuchia, Thái Lan – Myanmar, Campuchia – Việt Nam và Lào – Việt Nam.

Trong đó, đường sắt cao tốc kết nối Trung Quốc – Lào và Trung Quốc – Thái Lan đang được Trung Quốc đầu tư. Đường sắt cao tốc kết nối Trung Quốc – Myanmar từng được đề xuất năm 2011 trong khuôn khổ Sáng kiến Côn Minh nhưng bị dừng lại vào 2014. Đường sắt kết nối Thái Lan – Campuchia thì mới hợp long vào tháng 9/2016, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2017. Tuy nhiên, đây là đường sắt loại cũ và đoạn phía bên Campuchia chỉ được sửa chữa từ tuyến đường sắt bị hư hại nặng từ thời chiến tranh. Còn các dự án còn lại thì trong tình trạng thiếu vốn đầu tư, nên Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025 cũng chỉ đề cập tới hai ưu tiên là tuyến Campuchia – Việt Nam và Lào – Việt Nam trong kế hoạch sắp tới.