Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc xây dựng trái phép các nhà chứa chiến đấu cơ ở Trường Sa. Các bức ảnh vệ tinh do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) thu thập và phân tích cho thấy Trung Quốc dường như đã xây dựng xong các nhà chứa máy bay kiên cố trên đá Chữ Thập, đá Xu Bi và đá Vành Khăn. Không có phi cơ quân sự nào xuất hiện vào thời điểm chụp ảnh nhưng CSIS nhận định các nhà chứa máy bay trên ba thực thể này đủ rộng để chứa “mọi chiến đấu cơ của không quân Quân Giải phóng Nhân dân” như oanh tạc cơ H-6, máy bay tiếp dầu H-6U, máy bay vận tải Y-8 và máy bay do thám KJ-2000.

Trung Quốc phóng vệ tinh mới giám sát biển. Theo truyền thông nước này, Trung Quốc hôm 10/8 đã phóng một vệ tinh giám sát hiện đại để tăng cường năng lực bảo vệ các quyền lợi biển, khả năng dự đoán và cảnh báo trước thảm họa thiên nhiên. Vệ tinh Cao Phân-3được phóng bằng tên lửa Trường Chinh từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên ở tỉnh Sơn Tây. Với 12 kiểu hình ảnh, vệ tinh viễn thám với độ phân giải cao này có thể chụp ảnh Trái đất và hình ảnh từng khu vực cụ thể 24/24h trong mọi điều kiện thời tiết.

Trung Quốc sẵn sàng đối thoại với Philippines để cải thiện quan hệ. Bình luận về chuyến thăm Hong kong của cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos với tư cách là một đặc phái viên của Manila, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 10/8 khẳng định: “Là bạn bè truyền thống, Trung Quốc và Philippines cần nỗ lực để cải thiện quan hệ, khôi phục đối thoại, hợp tác và thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ và bền vững. Trung Quốc sẵn sàng tham gia các kênh tiếp xúc với Philippines và hoan nghênh chuyến thăm này của Ngài Ramos.”

Trung Quốc tăng cường sự hiện diện tại bãi cạn Scarborough. Giới chức Lầu Năm Góc ngày 11/8 cho biết trong những tuần gần đây, số tàu chấp pháp của Trung Quốc hiện diện gần bãi cạn Scarborough có xu hướng tăng mạnh. Nếu những năm trước, Trung Quốc chỉ giới hạn 2 đến 3 tàu chấp pháp ở khu vực này thì gần đây con số này đã tăng hơn 10 chiếc. Ngoài ra, Trung Quốc dường như đã triển khai nhiều tàu cá đến bãi cạn Scarbourough như hành động nước này làm ở Biển Hoa Đông.

+ Philippines:

Philippines có thể kiện Trung Quốc vì phá hoại môi trường biển. Phát biểu tại một hội nghị chuyên đề tại Đại học De La Salle, Manila ngày 11/8, Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines ông Antonio Carpio cho biết, “Chúng ta không đề cập về bồi thường và tòa cũng không ra phán quyết về vấn đề này nhưng chúng ta có thể kiện tiếp bởi Trung Quốc tàn phá nghiêm trọng môi trường biển và Tòa trọng tài đã đồng ý với lập luận đó”. Thẩm phán Carpio dẫn chứng vụ Nicaragua kiện Mỹ ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) là một ví dụ điển hình.

Philippines muốn thảo luận với Trung Quốc về Biển Đông. Cựu Tổng thống đồng thời là Đặc phái viên của Philippines ông Fidel Ramos ngày 12/8 cho biết Manila muốn xúc tiến các cuộc thảo luận chính thức với Trung Quốc để tìm kiếm một lộ trình hòa bình và hợp tác. Phát biểu trên của ông Ramos được đưa ra sau cuộc hội đàm với cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh, “Các thảo luận không chính thức tập trung vào nhu cầu thảo luận để xây dựng sự tin cậy và lòng tin, giúp giảm bớt căng thẳng, mở đường cho việc hợp tác toàn diện.”

Philippines muốn hạ nhiệt với Trung Quốc trước khi khởi động đối thoại.Phát biểu với phóng viên khi tới thăm Đại sứ quán Philippines tại Kuala Lumpur, Malaysia tối ngày 13/8, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay cho biết, Manila đang hướng tới một cuộc trao đổi chính thức với Bắc Kinh về vấn đề tranh chấp trên biển giữa hai nước, nhưng đồng thời khẳng định việc đàm phán phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng phán quyết gần đây của Tòa Trọng tài. Theo ông Yasay, Philippines sẽ “chờ đợi cho tới khi Trung Quốc sẵn sàng nói chuyện” tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh Trung Quốc cần đảm bảo nước này không có bất cứ hành động khiêu khích nào cản trở ngư dân Philippines đánh cá gần khu vực bãi cạn Scarborough. Liên quan tới chuyến đi của cựu Tổng thống Fidel V. Ramos với tư cách đặc phái viên của Tổng thống Philippines, ông Perfecto Yasay cho rằng đây là một bước đi tốt nhằm mở ra những khả năng tiếp xúc song phương với Trung Quốc.

+ Mỹ:

Mỹ phản đối Trung Quốc tăng cường xây dựng ở Trường Sa. Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 9/8, về việc Trung Quốc xây dựng nhà chứa máy bay ở Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau nhấn mạnh: “Hoạt động xây dựng với chức năng kép như vậy đã gây căng thẳng trong khu vực. Điều này làm dấy lên hoài nghi về việc liệu Trung Quốc có sẵn sàng tuân thủ tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 9 năm ngoái rằng Bắc Kinh không có ý định quân sự hóa Biển Đông. Chúng tôi tái khẳng định lời kêu gọi các bên tranh chấp cần dừng việc cải tạo đất ở các khu vực tranh chấp để phát triển thêm các căn cứ. Thay vào đó, các bên hãy tận dụng cơ hội từ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế hôm 12/7 để xây dựng nhận thức về các hoạt động và cách ứng xử đúng đắn tại các khu vực tranh chấp”.

Mỹ chỉ trích tập trận Nga - Trung ở Biển Đông. Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Đô đốc Scott Swift hôm 9/8 cho rằng phản ứng của Bắc Kinh và các nước khác đối với phán quyết của Tòa hôm 12/7 không gây ngạc nhiên, song cần tăng cường tính minh bạch quân sự nhằm giảm bớt căng thẳng trong khu vực. Đô đốc Swift cũng chỉ trích cuộc tập trận chung Trung-Nga dự kiến vào tháng 9 ở Biển Đông khi cho rằng việc lựa chọn địa điểm này không có ích cho việc tăng cường sự ổn định trong khu vực. Ngoài ra, bất kỳ quyết định nào của Trung Quốc nhằm tuyên bố Vùng ADIZ trên Biển Đông sẽ “gây bất ổn định xét từ góc độ quân sự.”

+ Nhật Bản:

Nhật Bản thúc giục cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ phán quyết của PCA. Phát biểu trước báo giới trong cuộc phỏng vấn với báo giới ở Manila ngày 12/8, Phó Thư ký báo chí Chính phủ Nhật Bản Masato Ohtaka nói, các quốc gia trên thế giới cần tiếp tục thúc đẩy việc thực thi phán quyết của Tòa PCA, gồm các quốc gia thành viên UNCLOS và những quốc gia ủng hộ, tôn trọng UNCLOS, “Cộng đồng quốc tế cần kiên định lập trường, bất kể sự yếu ớt nào cũng có thể trở thành thông điệp sai lệch đối với bên khác.” Theo ông Ohtaka, Nhật Bản duy trì cam kết sẽ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong thảo luận với Trung Quốc để tìm ra một giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, “Không có nước nào rời xa ASEAN... Vẫn còn nhiều vấn đề cần thảo luận và chúng tôi tiếp tục chú trọng vai trò của ASEAN. Hiện nay ASEAN đã là một cộng đồng, một lực lượng có vai trò đáng kể... Sự toàn vẹn, vai trò trung tâm của ASEAN là những vấn đề khiến Nhật Bản cần phải ủng hộ”.

Quan hệ các nước

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia thăm Việt Nam. Sáng 8/8 tại Hà Nội, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chủ trì Lễ đón chính thức Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Indonesia ông Ryamizard Ryacudu sang thăm Việt Nam từ ngày 7-9/8.  Tại hội đàm, hai bên đã trao đổi, thống nhất đánh giá quan hệ hợp tác quốc phòng tiếp tục phát triển, đạt kết quả thiết thực. Hai bên thống nhất triển khai đầy đủ, hiệu quả các nội dung trong Bản ghi nhớ; thiết lập cơ chế Đối thoại chính sách quốc phòng, tăng cường hợp tác hải quân, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng.

Tàu chiến Mỹ thăm cảng Trung Quốc sau phán quyết của PCA. Tàu khu trục USS Benfold của Mỹ hôm 8/8 đã cập cảng Thanh Đảo, Trung Quốc. Tư lệnh hải quân Justin Harts cho biết chuyến thăm nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác và tăng cường quan hệ với Hải quân Trung Quốc. Hai bên sẽ tiến hành thăm quan tàu và có một số hoạt động giao lưu giữa hải quân hai nước.

Indonesia - Campuchia thảo luận tăng cường hợp tác quốc phòng. Phát biểu trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Bộ trưởng Quốc phòng nước này ông Tea Ban ở thủ đô Phnom Pênh hôm 10/8, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu đề xuất bán tàu chiến với giá hữu nghị cho Campuchia và đề nghị nước này tham gia tuần tra chung với Indonesia. Tướng Tea Banh cho hay, “Chúng tôi sẽ ký một bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng hai nước trong tất cả các lĩnh vực quốc phòng”. Thoả thuận này sẽ cho phép Indonesia tham gia nhiều hơn trong việc huấn luyện binh lính Campuchia.

Philippines – Nhật Bản hối thúc các bên tôn trọng luật pháp quốc tế. Phát biểu cùng người đồng cấp Nhật Bản đang ở thăm nước này hôm 11/8, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho hay, “Chúng tôi nhất trí rằng trong quá trình theo đuổi giải pháp cho tranh chấp trên biển, điều quan trọng các bên cần phải tuân thủ luật pháp sử dụng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay ép buộc. Chúng tôi kêu gọi và thúc giục Trung Quốc cần bảo đảm rằng an ninh biển và luật pháp phải thực sự được tôn trọng.” Về phần mình, Ngoại trưởng Fumio Kishida tuyên bố: “Trật tự dựa trên luật pháp giúp duy trì an ninh biển và sự thịnh vượng. Điều quan trọng là chúng ta cam kết tuân theo luật pháp chứ không phải luật của kẻ mạnh trong quá trình tìm cách giải quyết vấn đề. Tôi tin rằng hai nước chúng ta, có chung lợi ích, sẽ đóng góp tích cực trong việc bảo vệ hòa bình và ổn định của cộng đồng quốc tế.”

Nhật Bản, Philippines đàm phán về bàn giao tàu bảo vệ bờ biển. Phát biểu với báo giới tại thủ đô Manila ngày 12/8, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản ông Masato Ohtaka cho biết nước này và Philippines đã bắt đầu đàm phán về tiến trình Tokyo bàn giao 2 tàu bảo vệ bờ biển cho Manila. Theo ông Ohtaka, “Hai bên đã bàn về cách thức Nhật Bản có thể giúp Philippines xây dựng năng lực, cụ thể liên quan tới an ninh biển. Hai tàu đa nhiệm trên dài 90m, sẽ bổ sung vào 10 tàu bảo vệ bờ biển với tổng trị giá 8,8 tỷ peso (188,52 triệu USD), mà Nhật Bản dự định bắt đầu chuyển giao cho Philippines vào tuần tới.

Tổ chức Pháp kêu gọi tôn trọng phán quyết của PCA về Biển Đông. Hội đồng đại diện các hội đoàn Pháp-Việt có trụ sở tại Pháp vừa ra Kiến nghị “Vì sự tôn trọng phán quyết ngày 12/7 của Tòa Trọng tài liên quan tranh chấp ở Biển Đông.” Kiến nghị yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa, tôn trọng UNCLOS 1982, ngừng việc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo và quân sự hóa, chấm dứt các hành động ngăn cản bất hợp pháp ngư dân Việt Nam đánh bắt trên ngư trường truyền thống của mình. Bản kiến nghị của CRAFV, được đăng tải trên trang mạng của tổ chức này, sau đó sẽ được gửi tới lãnh đạo và các cơ quan nhà nước của Pháp; các thể chế của Liên minh châu Âu, đại sứ các nước Mỹ, Trung Quốc, Úc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN tại Pháp và các phương tiện truyền thông quốc tế.

Phân tích và đánh giá

Hợp tác Philippines - Việt Nam có thể giúp quản lý tranh chấp Biển Đông” của Mico A Galang

Trong những năm gần đây, hai nước Đông Nam Á này có quan hệ gần gũi hơn chủ yếu là do sự leo thang ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.  Manila và Hà Nội theo đuổi nỗ lực tăng cường hợp tác an ninh. Điển hình là việc hai nước ký tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (JSESP) ngày 17/11/2015.

Mặc dù bao gồm các lĩnh vực hợp tác khác nhau, JSESP có trọng tâm đặc biệt là về quốc phòng và an ninh. Hai nước đối tác chiến lược muốn thúc đẩy một khu vực hòa bình và ổn định, trong bối cảnh phát triển của cấu trúc chính trị, kinh tế và an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương.

Mặc dù phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông là chung thẩm và có tính ràng buộc nhưng sự thật là nó không thể được thi hành. Vì vậy để đạt được mục tiêu xây dựng quan hệ láng giềng tốt, hòa bình an ninh ở Biển Đông, bây giờ Philippines cần xác định lại một cách thận trọng quan hệ với Trung Quốc cũng như các đồng minh và đối tác, bao gồm Việt Nam. Cho dù có kế hoạch đàm phán với Bắc Kinh, Manila cũng phải đảm bảo rằng, quan hệ đối tác chiến lược với Hà Nội được duy trì vì lợi ích chiến lược chung của hai bên. Về vấn đề này, JSESP có thể đóng vai trò giảm căng thẳng trên vùng biển tranh chấp.

Chẳng hạn, Hà Nội có thể chia sẻ cụ thể cho Manila về các cơ chế quản lý tranh chấp với Bắc Kinh. JSESP được xây dựng dựa trên thỏa thuận song phương hiện tại giữa Philippines và Việt Nam. Hai bên đồng ý sẽ trao đổi kinh nghiệm trong các chuyến thăm viếng lẫn nhau theo thỏa thuận quốc phòng giữa hai nước.

Khi chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte có kế hoạch đàm phán với Trung Quốc, các quan chức Philippines có thể tham khảo các cơ chế quản lý tranh chấp với Trung Quốc của Việt Nam, đặc biệt là việc sử dụng các đường dây nóng để ngăn chặn leo thang. Hà Nội và Bắc Kinh có tổng cộng 4 đường dây nóng giữa các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng, nông nghiệp và giữa tổng bí thư của hai Đảng.

Mặc dù các đường dây nóng vẫn có những hạn chế như đã thấy trong vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 năm 2014, nhưng những đường dây nóng này vẫn luôn được mở để sửa chữa mối quan hệ và theo đuổi đàm phán trong thời gian khủng hoảng. Những cơ chế này cũng có thể giúp giảm thiểu tác động lan tỏa từ tranh chấp Biển Đông sang các vấn đề và lĩnh vực khác của quan hệ Trung - Phi.

Năm 2017 Philippines sẽ đảm nhiệm ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN. Với sự hỗ trợ của Việt Nam, Philippines có thể đề xuất thiết lập đường dây nóng trực tiếp giữa Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN, các tương tác trực tiếp giữa lực lượng hải quân ASEAN. Hà Nội và Manila cũng có thể hợp tác trao đổi thông tin trong vấn đề bảo vệ bờ biển.

Mặc dù có yêu sách chồng lấn ở Biển Đông, nhưng sự khác biệt đó không ảnh hưởng đến quan hệ hai nước trong tương lai gần, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Philippines có thể đóng vai trò nhất định trong quản lý tranh chấp.

 ASEAN đã làm đúng” của Simon Tay

ASEAN đã một lần nữa bị chỉ trích mạnh mẽ vì không thể đưa ra tuyên bố chung về phán quyết của Tòa Trọng tài, trong đó Campuchia được chỉ đích danh đã ngăn chặn, cản trở sự đồng thuận trong cuộc họp khi yêu cầu không đưa vấn đề Biển Đông ra bàn thảo. Ngay sau hành động này của Campuchia, nhiều chuyên gia, học giả và chính giới đã lên tiếng lo ngại về sự đoàn kết của ASEAN cũng như khả năng đối phó với những vấn đề an ninh quan trọng của khối, đồng loạt kêu gọi cần phải có thay đổi trong quá trình ra quyết định của ASEAN, thậm chí không cần phải có sự đồng thuận của tất cả 10 thành viên.

Tuy nhiên, xét về tổng thể thì những chỉ trích  như vậy là chưa thỏa đáng bởi cuối cùng hiệp hội này cũng đã ra được một tuyên bố chung trong đó có đề cập đến vấn đề Biển Đông. 

Thứ nhất, tuyên bố của ASEAN đã đề cập đến các nguyên tắc tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, đồng thời kêu gọi các bên tranh chấp không làm phức tạp tình hình, giải quyết vấn đề dựa trên luật pháp quốc tế. Mặc dù không đề cập trực tiếp đến phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài nhưng đây rõ ràng là thông điệp mạnh mẽ mà ASEAN gửi tới Bắc Kinh trong việc cần tôn trọng luật pháp quốc tế tại Biển Đông. Đây là bản chất của ngoại giao thầm lặng - một công cụ mà ASEAN có truyền thống và đã được sử dụng hiệu quả tại hội nghị lần này. 

Những chỉ trích mạnh mẽ của Mỹ và các nước đồng minh đã nhằm thẳng đến tham vọng của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự tự do hàng hải tại Biển Đông bằng việc tiếp tục tiến hành tuần tra tại đây. Tuy nhiên, đối với ASEAN việc lên tiếng phản đối của khối này đối với Trung Quốc về Biển Đông mà không tăng cường các biện pháp quân sự thì có nguy cơ lời nói trở thành sáo rỗng”.

Thứ hai, trách nhiệm chính để đối phó với vấn đề này là nằm ở Trung Quốc và Philippines. Hãy xem xét cách Manila trả lời: Trong quá khứ, khi ASEAN lúng túng trong việc lựa chọn đứng về phía Philippines chống Trung Quốc, chính phủ của Tổng thống Aquino trước đó công khai bày tỏ sự thất vọng. Vụ việc lần này Manila sẵn sàng chấp nhận lập trường của nhóm và Tổng thống Rodrigo Duterte hiện có cơ hội cho một cách tiếp cận mới để đạt được một sự thỏa hiệp. Trong bối cảnh này, tuyên bố nói trên của ASEAN đã tạo ra không gian cho chính phủ hai nước có thể tìm được giải pháp ổn thỏa để tháo gỡ căng thẳng. 

Là tổ chức đóng vai trò trung tâm, ASEAN đã tiến hành đối thoại một cách công bằng về các vấn đề quan trọng trong nội khối mà không cần đến những giải pháp thù địch hay căng thẳng. Do đó, việc ASEAN không thể ra được tuyên bố chung về phán quyết của Tòa Trọng tài trong cuộc họp của các ngoại trưởng hồi cuối tháng 7 vừa qua không phải là tín hiệu của sự thất bại mà đó chỉ là sự cân bằng giữa nhiều lợi ích của các nước thành viên có sự khác biệt, trong đó có sự thống nhất của khối và duy trì sự tín nhiệm đối với rất nhiều các cường quốc khác nhau.

Tầm quan trọng của vấn đề Biển Đông trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ của Andrew Lam

Nhiều chuyên gia cho rằng, đối với bà Hillary Clinton, người có những thành tích khá tốt trong hồ sơ an ninh khu vực, vấn đề Biển Đông có thể sẽ là một trong những nhân tố quyết định giúp bà giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.

Trên thực tế, một vấn đề cơ bản kết nối các cử tri người Mỹ gốc Việt và người Mỹ gốc Philippines đó là sự lo ngại và bất bình trước “cuộc xâm lược” của Trung Quốc và mối đe dọa mà Bắc Kinh gây ra đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của quê hương họ. Điều này đủ trở thành động lực để thúc đẩy những người này đi bỏ phiếu tại các bang, nơi hai cộng đồng này đang ngày càng tăng về số lượng, và là nơi các cuộc bỏ phiếu thường có sự bám đuổi rất sít sao. 

Lấy ví dụ như bang Florida, đây là một bang đóng vai trò quan trọng - nếu không nói là gây nhiều tranh cãi - trong việc góp phần làm nên chiến thắng của Tổng thống George W.Bush vào năm 2000 với mức chênh lệch chỉ là 536 phiếu bầu. Hiện có khoảng 200.000 người Mỹ gốc Việt và gốc Philippines đang sinh sống ở bang này. Tại bang Nevada, nơi tâm lý cử tri thường hay dao động, cộng đồng người gốc Philippines ước tính vào khoảng 120.000 người, trong khi tổng số công dân Mỹ thuộc hai cộng đồng này tại bang Georgia là xấp xỉ 80.000 người. Như những gì đã từng diễn ra ở bang Florida, rõ ràng là chỉ một vài trăm phiếu cử tri cũng có thể làm thay đổi quỹ đạo của một quốc gia.

Trước thực tế này, nhiều người cho rằng đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa sẽ tập trung thu hút sự ủng hộ của các cử tri gốc Philippines và Việt. Tuy nhiên, theo một cuộc thăm dò ý kiến được tổ chức độc lập APIA Vote tiến hành hồi tháng 5/2016, người ta nhận thấy “các ứng cử viên thường ít quan tâm tới những người Mỹ gốc Á hơn các cộng đồng sắc tộc khác”.

Trong khi đó, đối với các chiến lược gia của đảng Dân chủ, những người từ lâu đã tập trung vào việc thuyết phục các cử tri gốc Mỹ Latinh và cử tri da màu, thì những người Mỹ gốc Á thường chỉ là sự lựa chọn thứ yếu. Những người Mỹ gốc Việt từ trước tới nay có xu hướng ủng hộ đảng Cộng hòa từ thời Tổng thống Reagan sau chiến tranh Việt Nam. Nhiều người Mỹ gốc Việt cho rằng đảng Cộng hòa có những quan điểm cứng rắn đối với vấn đề an ninh quốc gia.

Giới quan sát cho rằng lập trường của bà Clinton trong vấn đề Biển Đông có thể giúp bà ít nhiều trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Bà Clinton cần nhắc nhở những người Mỹ gốc Việt và người Mỹ gốc Philippines về các thành tích bà đã đạt được ở châu Á, về cách bà đã giúp đỡ Myanmar tiến tới các cuộc bầu cử dân chủ, cũng như cách bà đã giúp đưa quốc gia này ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc để trở thành đồng minh của Mỹ. Bà cần thuyết phục họ rằng Donald Trump không có đủ các kỹ năng cần thiết để trở thành tổng thống Mỹ, và rằng nếu tỷ phú này đắc cử, ông ta sẽ khiến Mỹ và các đồng minh trở nên mất đoàn kết, đồng thời tạo cơ hội cho các nước theo chủ trương bành trướng như Trung Quốc và Nga.

Cuộc tấn công mạng của Trung Quốc vào Philippines và Việt Nam – Bài học cho Ấn Độ” của S D Pradhan

Học thuyết chiến lược chiến tranh mạng của Trung Quốc là nền tảng cho các hoạt động chống Việt Nam và Philippines gần đây. Trong khái niệm “ngăn chặn chiến lược tích hợp” của Trung Quốc, các hoạt động mạng đóng vai trò trung tâm, theo đó ngăn chặn bằng các hoạt động mạng có thể phục vụ một mục đích tương tự như ngăn chặn bằng hạt nhân trong môi trường quốc tế. Qua việc tấn công trang chủ hãng hàng không quốc gia và kiểm soát hệ thống phát thanh, Trung Quốc đã đưa lực lượng thâm nhập vào một trong nhưng hệ thống hạ tầng quan trọng và bảo mật cao nhất của các đối thủ. Thêm vào đó, Trung Quốc còn có thể thu được những thông tin dữ liệu nhạy cảm của hãng hàng không để sử dụng về sau. 

Ở Biển Đông, Trung Quốc đang tiến hành ba cuộc chiến tranh: Một là, chiến tranh tâm lý nhằm truyền đạt tới các bên tranh chấp khác rằng thách thức Trung Quốc là vô ích bởi nước này không chỉ có yêu sách mà còn có nguồn lực mạnh để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Hai là, chiến tranh truyền thông nhằm lôi kéo sự ủng hộ của quốc tế đối với Trung Quốc và “phơi bày” sự yếu thế trong các tuyên bố chủ quyền của đối phương. Ba là, chiến tranh pháp lý để củng cố các yêu sách của mình bằng các bằng chứng lịch sử. Trong cả ba cuộc chiến này, các hoạt động mạng đóng vai trò quan trọng. 

Trong bối cảnh nêu trên, mục tiêu và các hành động của Trung Quốc có thể tiên liệu được. Trước hết, dù thực tế là phán quyết đã vô hiệu hóa những yêu sách của Trung Quốc, song nước này sẽ tiếp tục chứng tỏ rằng phán quyết sai và rằng nước này có những tuyên bố chủ quyền trong lịch sử liên quan tới khu vực “Đường 9 đoạn”. Cuộc xâm lấn bằng bản đồ sẽ được tăng cường. Thứ hai, hệ thống truyền thông của Trung Quốc và các đồng minh sẽ được sử dụng để tạo dựng nên sự ủng hộ của quốc tế và chứng tỏ rằng những tuyên bố chủ quyền của các đối thủ không có cơ sở. Thứ ba, tác động quan trọng nhất sẽ là gây áp lực với các nước tranh chấp để buộc họ phải chấp nhận rằng không thể đối đầu với Trung Quốc, nước có nguồn lực khổng lồ và có thể gây tổn hại tới lợi ích của họ.

Do đó, các vụ tấn công mạng là nhằm đạt được các mục tiêu lớn hơn ở Biển Đông. Đáng lưu ý là Trung Quốc đã tăng cường năng lực tấn công mạng của mình qua việc thành lập Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược – một lực lượng quân sự ngang hàng với quân đội, hải quân, không quân và tên lửa của Trung Quốc. Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược bao gồm: Cục 3 Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) với nhân sự là những chuyên gia về tấn công mạng, công nghệ thông tin, phá mã, và ngoại ngữ; Cục 4 có trách nhiệm tiến hành chiến tranh điện tử và tình báo điện tử; và Cục 2 chuyên về tình báo quân sự. Ngoài ra, các cơ quan tình báo dân sự như Bộ An ninh Quốc gia (Tình báo Nước ngoài) và Bộ Công An (Tình báo Trong nước) cũng liên quan tới lực lượng này.

Các vụ tấn công mạng của Trung Quốc đối với Việt Nam và Philippines là những bài học quan trọng cho Ấn Độ: các vụ tấn công quy mô vào cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Ấn Độ là có khả năng xảy ra.

Donald Trump sẽ gạt bỏ vấn đề Biển Đông?” của Daniel John Sobieski

Gần đây ông Trump đã bình luận về sự thiếu công bằng trong hiệp ước mà theo đó Mỹ có nghĩa vụ hỗ trợ Nhật Bản nếu như nước này bị tấn công nhưng Nhật Bản lại không thể hỗ trợ Mỹ bởi quy định Nhật Bản chỉ được phép bảo vệ lãnh thổ nước này.

Nếu như ông Trump đề xuất rằng Nhật Bản cần từ bỏ Điều 9 trong Hiến pháp nước này và tái vũ trang, bao gồm cả vũ khí hạt nhân thì ông có thể nói như vậy. Nhưng việc từ bỏ sẽ là một lời chào mời cho sự bành trướng của Trung Quốc. Trong khi các hiệp định thương mại với Nhật Bản có thể là không công bằng nhưng cần tính đến tổn thất về kinh tế mà cuộc chiến giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở Senkaku gây ra.

Chúng ta bảo vệ Nhật Bản xuất phát từ chính lợi ích của Mỹ chứ không phải vì sự công bằng trong kinh tế, chúng ta không nên từ bỏ Nhật Bản chỉ vì họ bán cho chúng ta quá nhiều ô tô trong khi từ chối nhập thịt bò của Mỹ. Những hành động của Trung Quốc gần đây cho thấy chúng ta đang ở ngã rẽ lịch sử và tốt hơn là cần phải đưa ra lựa chọn đúng đắn.

Tại Biển Đông, Trung Quốc đã hoàn thành việc cải tạo ít nhất là 6 thực thể mà từ đó cho phép Trung Quốc tạo ảnh hưởng tại đây. Trung Quốc cũng tiến hành xây dựng đường băng lớn với chiều dài 3.000m trên đá Chữ Thập làm căn cứ cho máy chiến đấu. Ở Hoa Đông, Trung Quốc đã thiết lập ADIZ tại đây và chồng lấn với khu vực quần đảo Senkaku và rõ ràng đây là mối đe dọa đối với Nhật Bản.

Những yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc cũng đe dọa đến các quốc gia khác như Philippines và Malaysia và nó cũng đe dọa gây ra cuộc chiến với Mỹ. Quốc vụ Viện Trung Quốc đã ban hành một tuyên bố chính sách khẳng định là Bắc Kinh đang đối mặt với “hàng loạt mối đe dọa an ninh nghiêm trọng và phức tạp” buộc Trung Quốc phải thay đổi chính sách từ phòng thủ sang tấn công và theo đó Trung Quốc sẽ tăng cường “bảo vệ các vùng biển mở” của mình.

Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ không từ bỏ yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông và sẽ bảo vệ chúng bằng vũ lực nếu cần thiết. Trung Quốc sẽ tiếp tục hoạt động cải tạo đảo làm căn cứ để tấn công. Đây rõ ràng là phản ứng đối với chính sách “Xoay trục về Thái Bình Dương” của tổng thống Obama.

Tờ Hoàn cầu Thời báo còn cảnh báo rằng: “Nếu ranh giới của Mỹ là Trung Quốc phải ngưng hoạt động cải tạo thì một cuộc chiến Mỹ - Trung ở Biển Đông là điều không thể tránh khỏi”.

Trong bối cảnh như vậy, việc ông Trump đe dọa từ bỏ Nhật Bản chỉ cho thấy một điều là rất khó để áp dụng chiến thuật trong lĩnh vực kinh tế vào thế giới địa chính trị. Những thỏa thuận thương mại bất bình đẳng với Nhật Bản cũng như một cuộc chiến với Trung Quốc ở Hoa Đông và Biển Đông đều gây tổn thất cho Mỹ./.