Bản tin tuần Biển Đông (ngày 15.6-28.6.2024)

TIÊU ĐIỂM

  1. Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc va chạm tàu Philippines khi đang làm nhiệm vụ tiếp tế ở Bãi Cỏ Mây; tàu tuần tra của Cảnh sát biển Philippines BRP Bacagay bị tàu dân quân biển Trung Quốc Qiong Sansha Yu chặn tại vị trí cách Bãi Cỏ Mây khoảng 20 hải lý
  2. Hải quân 09 nước Singapore, Brunei, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Hà Lan, Mỹ thực hiện diễu hành chung kết hợp diễn tập từ Guam đến Hawaii để tham gia tập trận RIMPAC
  3. Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn: ASEAN sẽ không chọn bên trong cạnh tranh Mỹ - Trung; cần ít nhất hai năm nữa để hoàn thành COC
  4. Việt Nam là nước Đông Nam Á đầu tiên lên tiếng về vụ đụng độ giữa tàu Trung Quốc và tàu tiếp tế của Philippines ở Bãi Cỏ Mây ngày 17/06: kêu gọi các bên liên quan kiềm chế tối đa, hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế
  5. Tóm tắt đệ trình của Philippines về thềm lục địa mở rộng: Philippines sẵn sàng thảo luận với các quốc gia liên quan về việc phân định ranh giới trên biển; không áp dụng quy tắc “1% khoảng cách tới chân dốc lục địa”

 

TIN TỨC

THỰC ĐỊA

The Manila Times: Trung Quốc cử tàu đổ bộ Type 075 tới khu vực Bãi cạn Sa Bin ở quần đảo Trường Sa

Ngày 16/06, the Manila Times đưa tin Trung Quốc đang triển khai tàu đổ bộ Type 075 tới Bãi cạn Sa Bin thuộc quần đảo Trường Sa. Trước đó ngày 14/6, tàu Type 075 LHD của Trung Quốc được phát hiện gần Đá Xu Bi.
Bản tin tuần Biển Đông (ngày 15.6-28.6.2024)

Tàu Hải quân Mỹ-Nhật Bản-Canada-Philippines tổ chức diễu hành chung trên Biển Đông, thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở

Ngày 16-17/06, Hải quân bốn nước Mỹ, Nhật Bản, Canada và Philippines đã tổ chức diễu hành chung trên Biển Đông nhằm thể hiện cam kết hợp tác, thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Hoạt động có sự tham gia của các tàu khu trục Mỹ, Nhật Bản, Canada, tàu tuần tra Bonifacio của Philipines. Đại sứ quán Nhật Bản tại Philippines ra tuyên bố Nhật Bản muốn thúc đẩy hợp tác với các nước đồng minh và đối tác nhằm củng cố tự do hàng hải và trật tự dựa trên luật lệ. Đây là lần đầu tiên Canada tham gia diễu hành chung với Mỹ, Nhật Bản và Philippines tại Biển Đông. Tháng 04/2024,, hải quân bốn nước Mỹ, Nhật Bản, Úc và Philippines cũng đã tổ chức tập trận chung lần đầu tiên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc va chạm tàu Philippines khi đang làm nhiệm vụ tiếp tế ở Bãi Cỏ Mây; tàu tuần tra của Cảnh sát biển Philippines BRP Bacagay bị tàu dân quân biển Trung Quốc Qiong Sansha Yu chặn tại vị trí cách Bãi Cỏ Mây khoảng 20 hải lý

Ngày 17/06, Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc cho biết tàu Philippines và tàu Trung Quốc đã va chạm khi Philippines làm nhiệm vụ tiếp tế ở Bãi Cỏ Mây. Cùng ngày, Ray Powell, Giám đốc Trung tâm Sealight cho biết tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines BRP Bacagay đã bị tàu dân quân biển Trung Quốc chặn tại vị trí cách bãi Cỏ Mây 20 hải lý khi đang làm nhiệm vụ tiếp tế. Tài khoản X (Twitter) Maritime Awareness Daily cho biết có tổng cộng 25 tàu của Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây lúc 8:10 sáng ngày 17/06, trong đó có ba tàu Cảnh sát biển.

Tàu sân bay Liêu Ninh hiện diện tại Trường Sa và tiếp tục di chuyển xuống phía Nam

Theo dữ liệu AIS, 10h30 ngày 18/06, tàu sân bay Liêu Ninh xuất hiện tại cụm đảo Thị Tứ, quần đảo Trường Sa và tiếp tục di chuyển xuống phía Nam. Ngay sau khi di chuyển khỏi cụm Thị Tứ, tàu Liêu Ninh lập tức tắt AIS. Cũng trong ngày, hệ thống AIS ghi nhận 30 tàu Trung Quốc, gồm một tàu Hải cảnh xuất hiện đồng thời tại cụm Thị Tứ.

Sáng ngày 18/06, 12 tàu cá Trung Quốc bật AIS. Tuy nhiên, số lượng này nhỏ hơn nhiều so với 22 tàu cá và 03 tàu Hải cảnh hiện diện tại Cỏ Mây trong sáng ngày 17/6.
Bản tin tuần Biển Đông (ngày 15.6-28.6.2024)

Philippines bí mật gia cố tàu Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây

Ngày 20/06, trang Financial Times dẫn nguồn tin cho biết Philippines đã bí mật gia cố tàu Sierra Madre trong các tháng qua do lo ngại con tàu này sẽ hư hỏng nặng. Theo bài báo, năm 2023, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ từng đề nghị cử công binh tới hỗ trợ nhưng Philippines từ chối do rủi ro cao.

Hàn Quốc hạ thuỷ khinh hạm tên lửa đầu tiên trong hợp đồng đóng hai khinh hạm tên lửa cho Philippines

Ngày 21/06, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilbert Teodoro dẫn đầu đoàn Bộ Quốc phòng Philippines tham dự lễ hạ thuỷ tàu khinh hạm tên lửa BRP Miguel Malvar do tập đoàn Huyndai Hàn Quốc đóng cho Philippines.

Đây là khinh hạm đầu tiên được hạ thuỷ trong hợp đồng khinh hạm tên lửa trị giá 475 triệu USD giữa Hàn Quốc và Philippines. Hợp đồng được ký vào năm 2021, theo đó, Hàn Quốc sẽ đóng hai khinh hạm tên lửa cho Philippines. Dự kiến tàu BRP Miguel Malvar sẽ được bàn giao cho Philippines vào năm 2025 và khinh hạm tên lửa thứ hai sẽ được bàn giao vào năm 2026.

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tiến hành tập trận ở Biển Đông với sự tham gia của các tàu đổ bộ Type 072 và Type 073

Ngày 24/06, Hoa Nam Nhật báo đưa tin lực lượng hải quân đặc nhiệm của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), gồm các tàu đổ bộ Danxiashan, Laotieshan và Lushan đã tiến hành cuộc tập trận chiến đấu dưới mọi điều kiện thời tiết trong bốn ngày ở Biển Đông. Nhiệm vụ huấn luyện bao gồm hai tàu neo đậu cạnh nhau và thực hành cứu hộ, huấn luyện phòng không. Tàu đổ bộ tăng Type 072 III Danxiashan đã thực hiện nhiệm vụ yểm trợ cho các tàu chiến khác bằng cách thả khói. Cuộc tập trận đã kiểm tra khả năng phản ứng khẩn cấp và khả năng chiến đấu phối hợp của hải quân Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích quân sự Trung Quốc, tàu đổ bộ Type 072 và Type 073 nhỏ hơn có "vai trò đặc biệt" trong các hoạt động mắc cạn trực tiếp trên các đảo và rạn san hô. Lushan là một tàu đổ bộ Type 073A, được thiết kế để hỗ trợ các hoạt động đổ bộ bằng cách vận chuyển và triển khai quân đội, phương tiện và vật tư lên bờ biển của đối phương. Đầu tháng này, một tàu tấn công đổ bộ Type 075 của hải quân Trung Quốc và một tàu đổ bộ đổ bộ Type 071 đã được phát hiện riêng rẽ ở vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Hải quân chín nước Singapore, Brunei, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Hà Lan, Mỹ thực hiện diễu hành chung kết hợp diễn tập từ Guam đến Hawaii để tham gia tập trận RIMPAC

Ngày 25/06, Bộ Quốc phòng Singapore cho biết Hải quân Singapore đã tổ chức thành công chuyến diễu hành chung với tám nước (gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Hà Lan, Mỹ) từ Guam đến Hawaii  để tham gia tập trận RIMPAC (diễn ra từ ngày 14 - 25/06). Các tàu đã tiến hành một loạt cuộc diễn tập khi quá cảnh từ Guam đến Hawaii, bao gồm các diễn tập liên lạc, bắn súng, tiếp tế, chống tàu ngầm, sơ tán y tế trên không và mô phỏng phòng không,... Diễu hành chung giữa các quốc gia là một phần của tập trận RIMPAC.

Hải cảnh Trung Quốc phát hiện thiết bị dò tàu ngầm của Mỹ gần Bãi Cỏ Mây

Ngày 27/06, Hoa Nam Nhật báo đăng tin Lực lượng hải cảnh Trung Quốc phát hiện máy bay quân sự Mỹ thả xuống một thiết bị có khả năng phát hiện tàu ngầm. Thiết bị được phát hiện ở vùng biển gần Bãi Cỏ Mây, Biển Đông, có nhãn dán của Ultra Electronics, công ty quốc phòng và an ninh của Anh cung cấp thiết bị cho quân đội Mỹ. Thiết bị này có thể "phát hiện" và "chống lại" tín hiệu của tàu ngầm Trung Quốc dưới nước. Cả Trung Quốc và Mỹ đều chưa có bình luận về vấn đề này.


AN NINH - QUỐC PHÒNG

Mỹ và Malaysia hoàn tất dự án chuyển đổi ba máy bay vận tải của Không quân Hoàng gia Malaysia (CN235) thành Máy bay giám sát hàng hải (MSA) trong khuôn khổ Sáng kiến ​​An ninh Hàng hải (MSI)

Ngày 27/06, tại Căn cứ Không quân Subang, Malaysia, Đại sứ Edgard D. Kagan và Tướng Asghar Khan, Tổng tư lệnh Không quân Hoàng gia Malaysia tham dự buổi lễ kỷ niệm việc chuyển đổi ba máy bay vận tải của Không quân Hoàng gia Malaysia (CN235) thành Máy bay giám sát hàng hải (MSA). Dự án chuyển đổi nằm trong Sáng kiến ​​An ninh Hàng hải (MSI) của Mỹ, bắt đầu được thực hiện vào năm 2018 với tổng trị giá khoảng 60 triệu USD. Theo đó, ba máy bay vận tải của Không quân Hoàng gia Malaysia (CN235) được cải tiến với radar giám sát hàng hải, tháp pháo hồng ngoại quang điện, các thiết bị liên lạc ngoài tầm nhìn và các trạm điều hành hệ thống cuộn. Các máy bay này thuộc Phi đội 1 tại Căn cứ Không quân Kuching ở Sarawak, Malaysia.

MSI có mục tiêu tăng cường an ninh hàng hải và nhận thức về lĩnh vực hàng hải hỗ trợ và đào tạo các nước venBiển Đông và Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Sri Lanka và Bangladesh. Trong giai đoạn 2019-2023, Mỹ đã cung cấp tổng hỗ trợ an ninh hơn 240 triệu USD cho Malaysia.


CHÍNH TRỊ - NGOẠI GIAO

Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn: ASEAN sẽ không chọn bên trong cạnh tranh Mỹ - Trung; cần ít nhất hai năm nữa để hoàn thành COC

Ngày 13/06, trang RFA đăng tải ý kiến của Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn về cạnh tranh Mỹ - Trung trong khu vực và tình hình tranh chấp tại Biển Đông, cụ thể:

  1. Về cạnh tranh Mỹ - Trung:
    • Cả Mỹ và Trung Quốc đều có vai trò quan trọng ở Châu Á;
    • Tuyên bố ASEAN sẽ không chọn phe trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung;
    • ASEAN mong muốn Mỹ và Trung Quốc giải quyết bất đồng và đoàn kết với nhau;
    • Hy vọng cuộc cạnh tranh sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực đến khu vực và ủng hộ việc tăng cường đối thoại giữa hai nước để ngăn chặn hậu quả kinh tế hoặc quân sự trong khu vực;
    • Phản biện phát biểu của các quan chức Trung Quốc về Mỹ, khẳng định ASEAN không coi Mỹ là “kẻ ngoài cuộc” tại khu vực.
  1. Về Biển Đông:
  • Chỉ có bốn nước ASEAN có yêu sách trực tiếp ở Biển Đông; các yêu sách chồng chéo giữa các nước thành viên khiến việc hình thành mặt trận thống nhất chống lại các hành động quyết đoán của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn;
  • Việc hoàn thành COC sẽ mất ít nhất hai năm nữa.

Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen gặp mặt Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns, khẳng định chống khủng bố là trọng tâm hợp tác, Campuchia không chống lại bất kỳ quốc gia nào

Ngày 14/06, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen đăng bài trên Facebook, cho biết ông đã gặp mặt Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns vào ngày 02/06. Ông khẳng định hợp tác chính giữa hai nước là chống khủng bố. Campuchia cũng có hợp tác tình báo với các nước khác vì đây là hoạt động bình thường của một quốc gia có chủ quyền. Campuchia không chống lại bất kỳ quốc gia nào.

Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh G7 phản đối việc Trung Quốc cản trở quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, quan ngại hành động nguy hiểm của Trung Quốc đối với tàu Philippines, kêu gọi tuân thủ UNCLOS, công nhận Phán quyết Trọng tài 2016 có tính ràng buộc

Ngày 14/06, Hội nghị thượng đỉnh G7 ra Tuyên bố chung, trong đó đề cập đến các vấn đề ở Biển Đông, cụ thể:

  • Các nước G7 quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Đông và phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép;
  • Phản đối việc Trung Quốc sử dụng lực lượng hải cảnh và dân quân biển một cách nguy hiểm ở Biển Đông và liên tục cản trở quyền tự do hàng hải của các quốc gia khác. Lên án những hành động nguy hiểm của tàu Trung Quốc với tàu Philippines;
  • Tái khẳng định yêu sách biển mở rộng của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, phản đối các hành động quân sự hóa và cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông;
  • Nhấn mạnh tính phổ quát và thống nhất của UNCLOS, vai trò của UNCLOS trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý điều chỉnh tất cả hoạt động trên biển và đại dương;
  • Tái khẳng định tính ràng buộc của Phán quyết Trọng tài 2016 đối với các bên.

Cùng ngày, Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Eduardo Ano cho biết Philippines đánh giá cao việc G7 lên án mạnh mẽ những hành động nguy hiểm của Trung Quốc đối với các tàu Philippines ở Biển Đông, việc G7 nhắc lại tầm quan trọng của Phán quyết Trọng tài 2016 nhấn mạnh tính ràng buộc pháp lý và cơ sở để giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Sau đó, ngày 17/06, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm lên tiếng phản đối thông cáo của G7 “một lần nữa sử dụng các vấn đề liên quan đến Trung Quốc để phỉ báng và tấn công Trung Quốc, sử dụng những cáo buộc sai trái không có cơ sở thực tế, pháp lý và sai sự thật”.

Malaysia đã đề nghị xin gia nhập BRICS, đang chờ phản hồi từ Nam Phi để chính thực đệ đơn

Trả lời phỏng vấn ngày 16/06, Thủ tướng Malaysia Ibrahim Anwar cho biết Malaysia đã đề nghị xin gia nhập BRICS. Cụ thể, Malaysia đang chờ phản hồi từ Nam Phi để chính thức đệ đơn. Ông cho rằng vị trí địa lý của Malaysia nằm bên eo biển Malacca, tuyến đường hàng hải quan trọng kết nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đây là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy Malaysia gia nhập BRICS.

Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) và Lực lượng Cảnh sát Biển Philippines (PCG) ra Tuyên bố lên án mạnh mẽ những hành động bất hợp pháp, hung hăng và liều lĩnh của Hải quân - Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nhằm cản trợ hoạt động tiếp tế của Philippines vào ngày 17/06

Ngày 17/06, Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) và Lực lượng Cảnh sát Biển Philippines (PCG) ra tuyên bố liên quan đến sự kiện Trung Quốc cản trở Philippines tiến hành hoạt động tiếp tế ở Bãi Cỏ Mây, cụ thể:

(i) Ngày 17/05, Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) và Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) đã thực hiện nhiệm vụ luân chuyển và tiếp tế (RoRe) thường kỳ cho BRP SIERRA MADRE (LS 57) tại Bãi Cỏ Mây. Tuy nhiên, hoạt động đã bị gián đoạn bởi những hành động bất hợp pháp và hung hãn của lực lượng CSB Trung Quốc;

(ii) Các tàu của Hải quân-Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA-N), tàu Cảnh sát Biển Trung Quốc (CCG) và tàu dân quân biển Trung Quốc (CMM) đã có các hành động nguy hiểm, bao gồm cả đâm và kéo. Bất chấp những hành động bất hợp pháp, hung hãn và liều lĩnh của lực lượng hàng hải Trung Quốc, quân nhân Philippines đã thể hiện sự kiềm chế và chuyên nghiệp, không leo thang căng thẳng và tiếp tục thực hiện hoạt động của mình;

(iii) Philippines lên án mạnh mẽ những hành động bất hợp pháp, hung hăng và liều lĩnh của PLA-N, CCG và CMM Trung Quốc. Hành động của Trung Quốc gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân Philippines và làm hư hỏng tàu thuyền của Philippines, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Phán quyết Trọng tài năm 2016;

(iv) Philippines cam kết theo đuổi các hành động hòa bình và có trách nhiệm phù hợp với luật pháp quốc tế. Philippines mong rằng Trung Quốc, với tư cách là thành viên của cộng đồng quốc tế, cũng sẽ làm điều tương tự;

(v) Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) và Cảnh sát biển Philippines (PCG) vẫn kiên định bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines ở Biển Tây Philippines.
Bản tin tuần Biển Đông (ngày 15.6-28.6.2024)

Phản ứng của các nước về vụ Trung Quốc ngăn cản tàu Philippines tiếp tế ở Bãi Cỏ Mây: EU cùng 11 quốc gia và vùng lãnh thổ (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc, Nhật Bản, New Zealand, Phần Lan, Canada, Hàn Quốc, Đài Loan) lên tiếng

Sau sự kiện Trung Quốc ngăn cản các tàu Philippines tiếp tế ở Bãi Cỏ Mây ngày 17/06, các nước và vùng lãnh thổ Mỹ, EU, Anh, Pháp, Đức, Úc, Nhật Bản, New Zealand, Phần Lan, Canada, Hàn Quốc, Đài Loan đã đưa ra tuyên bố, cụ thể:

Mỹ: Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố ủng hộ Philippines, lên án hành vi Trung Quốc sử dụng vòi rồng, đâm, ngăn chặn tàu Philippines tiếp tế ở Bãi Cỏ Mây, gây nguy hiểm cho người dân, leo thang căng thẳng và vi phạm luật quốc tế; tái khẳng định Điều 4 Hiệp ước phòng thủ chung HK-PLP 1951;

EU: Đại sứ EU tại Philippines bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hành động nguy hiểm của Trung Quốc gần Bãi Cỏ Mây. Những hành động này đã gây tổn hại, làm hư hại các tàu của Philippines và làm gián đoạn các hoạt động hàng hải hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. EU phản đối việc ép buộc và đe dọa ở Biển Đông hoặc bất cứ nơi nào, ủng hộ luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình;

Anh: Đại sứ Anh tại Philippines Laure Beaufils lên tiếng phản đối các hành động của Trung Quốc đối với tàu Philippines, chỉ trích các hoạt động này gây ảnh hưởng đến quyền tự do hàng hải và kêu gọi các bên tuân thủ UNCLOS;

Pháp: Đại sứ Pháp tại Philippines chia sẻ Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines và bày tỏ quan ngại sâu sắc sau sự cố mới liên quan đến tàu, thuyền Philippines ở Biển Đông. Pháp nhắc lại lời kêu gọi tôn trọng UNCLOS và tự do hàng hải. Pháp phản đối mọi hành vi đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trái với luật pháp quốc tế và nhắc lại tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại;

Úc: Ra tuyên bố phản đối cấp Bộ Ngoại giao. Đại sứ Úc tại Philippines chia sẻ Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines và bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các hành động nguy hiểm và bất hợp pháp của tàu Trung Quốc gần Bãi Cỏ Mây gây thương tích, làm hư hại các tàu của Philippines, gây nguy hiểm đến tính mạng và ổn định khu vực. Kêu gọi các quốc gia hành động phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS;

Đức: Đại sứ Đức tại Philippines chia sẻ Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines và bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hành động nguy hiểm của các tàu Trung Quốc gần Bãi Cỏ Mây ngăn cản các nhiệm vụ tiếp tế của tàu Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này, nhắc lại lời kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng đầy đủ UNCLOS và Luật pháp quốc tế, bao gồm Phán quyết Tòa Trọng tài năm 2016;

Nhật Bản: Đại sứ Nhật Bản tại Philippines Endo Kazuya đăng tuyên bố, cho biết Chính phủ Nhật Bản quan ngại sâu sắc về việc các tàu Trung Quốc liên tục có các hành động nguy hiểm và hiếu chiến đối với các tàu của Philippines ở Biển Đông;

New Zealand: Đại sứ quán New Zealand ra tuyên bố chỉ trích các hành động leo thang và nguy hiểm của tàu Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây làm hư hại các tàu thuyền Philippines, cho biết hành động cản trở việc hỗ trợ những người bị thương là điều rất đáng lo ngại, gây đe dọa đến tính mạng và sự an toàn của người dân. New Zealand kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp theo đúng UNCLOS;

Phần Lan: Đại sứ Phần Lan tại Philippines Juha Pyykkö chia sẻ tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines và bày tỏ quan ngại về những hoạt động nguy hiểm của Trung Quốc, nhắc lại lời kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế;

Canada: Đại sứ quán Canada tại Philippines ra tuyên bố lên án các hành động của Trung Quốc gần Bãi Cỏ Mây, bao gồm việc đâm và kéo tàu Philippines, chỉ trích đây là những hành động nguy hiểm, gây thương tích và đe dọa sự ổn định, an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hành động của Trung Quốc không phù hợp với các nghĩa vụ của nước này theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Canada kêu gọi Trung Quốc thực hiện phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016, khẳng định phán quyết này mang tính ràng buộc đối với các bên;

Hàn Quốc: Đại sứ quán Hàn Quốc tại Philippines ra tuyên bố quan ngại sâu sắc về hành động nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông, cho biết các hành động này gây thiệt hại nặng nề cho các tàu của Philippines và đặc biệt có thuỷ thủ đoàn bị thương. Nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và trật tự hàng hải dựa trên luật lệ ở Biển Đông;

Đài Loan: Bộ Ngoại giao Đài Loan lên án hành động nguy hiểm Trung Quốc đối với tàu và nhân viên của Philippines, chỉ trích Trung Quốc cố ý làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Đài Loan lên án các hành vi bạo lực, phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng và kêu gọi giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tôn trọng luật hàng hải quốc tế.

Người phát ngôn Trung Quốc Lâm Kiếm: Đệ trình đơn phương của Philippines về xác lập Thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông là vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc, vi phạm luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS 1982, đi ngược lại DOC; Ủy ban ranh giới thềm lục địa (CLCS) sẽ không xem xét đệ trình của Philippines nếu liên quan đến vùng biển tranh chấp

Ngày 17/06, trong cuộc họp báo thường kỳ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm trả lời phóng viên liên quan đến việc Philippines đệ trình lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa (CLCS) để xác lập thềm lục địa mở rộng của Philippines ở Biển Đông, cụ thể:

(i) Trung Quốc ghi nhận động thái của Philippines và đang cố gắng thu thập thêm thông tin về vấn đề này;

(ii) Vấn đề lãnh thổ và tranh chấp về phân định biển ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines đang tồn tại;

(iii) Đệ trình đơn phương về giới hạn thềm lục địa của Philippines ở Biển Đông là vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc, vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Theo các quy định về thủ tục của Ủy ban ranh giới thềm lục địa (CLCS), Ủy ban sẽ không xem xét hoặc xác nhận đệ trình của Philippines nếu đệ trình này liên quan đến việc phân định các vùng biển tranh chấp

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc: Trung Quốc đáp trả những cáo buộc của Philippines; động thái của Philippines đang đi ngược lại với quan điểm chung của các nước ASEAN

Ngày 20/06, Thời báo Hoàn cầu đăng tải ý kiến của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm về những cáo buộc và động thái của Philippines sau vụ đụng độ tại Bãi Cỏ Mây ngày 17/06, cụ thể:

  • Hoạt động của Philippines "hoàn toàn không phải là tiếp tế nhân đạo";
  • Các tàu Philippines đã bí mật chở vật liệu xây dựng, vũ khí và thiết bị quân sự, cố tình đâm vào tàu Trung Quốc;
  • Thuỷ thủ Philippines tạt nước và ném đồ vào nhân viên thực thi pháp luật Trung Quốc;
  • Hành động này đã làm gia tăng căng thẳng trên biển và đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của nhân viên và tàu thuyền Trung Quốc.

Việt Nam là nước Đông Nam Á đầu tiên lên tiếng về vụ đụng độ giữa tàu Trung Quốc và tàu tiếp tế của Philippines ở Bãi Cỏ Mây ngày 17/06: kêu gọi các bên liên quan kiềm chế tối đa, hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế

Ngày 21/06, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước va chạm ngày 17/06/2024 giữa tàu Trung Quốc và tàu tiếp tế của Philippines ở Bãi Cỏ Mây, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết:

“Việt Nam theo dõi chặt chẽ và quan ngại sâu sắc trước những thông tin về vụ việc diễn ra ngày 17/06/2024 tại khu vực Bãi Cỏ Mây giữa Philippines và Trung Quốc.

Việt Nam đề nghị các bên liên quan kiềm chế tối đa, hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của quốc gia ven biển được xác lập phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tôn trọng và tuân thủ các quy định quốc tế về an toàn hàng hải, hàng không, phòng chống đâm va trên biển, giải quyết các tranh chấp, khác biệt bằng các biện pháp hòa bình, đóng góp tích cực vào việc duy trì hoà bình, ổn định và phát triển bền vững tại khu vực.”

Thủ tướng Malaysia tái khẳng định lập trường về vấn đề Đài Loan, Biển Đông trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc

Ngày 20/06, trang Nikkei Asia đăng tải thông tin về tuyên bố chung của Malaysia và Trung Quốc trong chuyến thăm Malaysia của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Cụ thể:

  1. Về lập trường với Đài Loan: Malaysia tái khẳng định sự ủng hộ đối với chính sách “một Trung Quốc”, không ủng hộ bất kỳ lời kêu gọi nào về độc lập cho Đài Loan.
  2. Về vấn đề Biển Đông:
  • Hai nước sẽ khởi động một cuộc đối thoại song phương trong việc quản lý các vấn đề trên biển ở Biển Đông;
  • Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nhắc lại lập trường về việc bảo vệ chủ quyền trên biển của Malaysia nhưng vẫn mở các cuộc đàm phán với Trung Quốc để giải quyết các yêu sách chồng chéo.
  1. Về hợp tác:
    • Hai nước nhất trí hợp tác trong nền lĩnh vực kinh tế số và phát triển công nghệ;
    • Các hoạt động hợp tác khác bao gồm dầu khí, năng lượng và thành lập Đại học Khoa học và Công nghệ Malaysia - Trung Quốc.

Arsenio Balisacan (Thư ký Cơ quan Kinh tế và Phát triển Quốc gia NEDA): Philippines sẵn sàng mở cửa để đón nhận đầu tư từ Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước leo thang tại Biển Đông

Ngày 21/06, trang Nikkei Asia đưa tin về tuyên bố mở cửa cho đầu tư và giao thương của Arsenio Balisacan, Thư ký Cơ quan Kinh tế và Phát triển Quốc gia (NEDA), cụ thể:

  • Philippines mở cửa cho đầu tư và giao thương với bất kỳ quốc gia nào, bao gồm cả Trung Quốc;
  • Philippines không áp đặt các rào cản thương mại và đầu tư không cần thiết đối với bất kỳ quốc gia nào, bao gồm cả Trung Quốc;
  • Philippines cần phải có đầu tư và xuất khẩu vì mục đích tăng trưởng kinh tế;
  • Mặc dù căng thẳng về lãnh thổ đã leo thang đáng kể kể từ năm 2023, nhưng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa Trung Quốc và Philippines vẫn không bị ảnh hưởng. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Philippines, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 41 tỷ USD vào năm 2025.

Philippines khẳng định đối đầu với Trung Quốc ở bãi Cỏ Mây là "sự cố, hiểu nhầm", sẽ không viện dẫn Hiệp định Phòng thủ chung, song cũng sẽ không lùi bước

Trong chuyến thăm các quân nhân Philippines vừa xảy ra đụng độ với Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây ngày 22/06, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos đã khẳng định Philippines sẽ không lùi bước, song cũng không khơi mào chiến tranh với Trung Quốc. Trước đó, vào ngày 21/06, các cố vấn của Tổng thống Philippines đã trả lời phỏng vấn, cho biết chính phủ Philippines không coi các hành vi của phía Trung Quốc là một cuộc tấn công vũ trang để viện dẫn Hiệp định phòng thủ chung với Mỹ mà chỉ coi đó là "sự cố, hiểu nhầm". Tổng thống Marcos cũng đề nghị Chính phủ công khai lịch thực hiện các cuộc tiếp tế của Hải quân Philippines đối với Bãi Cỏ Mây.

Philippines sẽ không công bố trước lịch tiếp tế Bãi Cỏ Mây và tổ chức vòng tham vấn song phương với Trung Quốc về Biển Đông tiếp theo tháng 7

Ngày 25/06, Hoa Nam Nhật báo đưa tin sau khi cố vấn của Tổng thống Philippines cho biết sẽ công bố lịch tiếp tế bãi Cỏ Mây, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ông Gilberto Teodoro đã lên tiếng khẳng định Philippines sẽ không công bố trước lịch tiếp tế Bãi Cỏ Mây. Ông cũng cho biết việc Philippines công bố trước lịch tiếp tế không nên được coi là động thái xin phép để tiến hành các hoạt động của Philippines tại Biển Đông. Đồng thời, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo cho biết Philippines và Trung Quốc sẽ tổ chức vòng tham vấn song phương tiếp theo về Biển Đông trong tháng 7 để giảm căng thẳng. Ông cũng khẳng định mọi biện pháp không được làm ảnh hưởng đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines.

Tổng thống Philippines cho biết đã gửi nhiều công hàm phản đối Trung Quốc trong vụ Bãi Cỏ Mây, và Philippines cần phải làm nhiều hơn thế

Trả lời phỏng vấn tại Manila ngày 27/06, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos nói Philippines đã gửi Trung Quốc hàng trăm công hàm phản đối và nước này đang tiếp tục gửi công hàm liên quan đến vụ va chạm tại Bãi Cỏ Mây. Ngoài ra, ông cho biết Philippines cần phải làm nhiều hơn thế, song không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Ông cũng khẳng định không có phát súng nào đã được bắn ra nên hành động của Trung Quốc không được coi là tấn công vũ trang mà là một “hành động cố ý”.

Nhật Bản và Philippines dự kiến tổ chức Đối thoại 2+2 cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng

Ngày 28/06, báo chí Philippines đưa tin Nhật Bản và Philippines sẽ tổ chức Đối thoại Ngoại giao và Quốc phòng 2+2 vào ngày 08/07 tại Manila, Philippines nhằm thảo luận các vấn đề an ninh trong khu vực. Trong cuộc họp, dự kiến bốn Bộ trưởng hai nước sẽ thảo luận các vấn đề hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng và các vấn đề an ninh khu vực, quốc tế cùng quan tâm. Cơ chế họp 2+2 là cơ chế tham vấn an ninh, đối ngoại song phương cao nhất giữa Nhật Bản và Philippines, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác đối tác chiến lược đã được thiết lập từ lâu giữa hai nước. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh ngày 17/06, tàu tiếp tế của Philippines bị các tàu cảnh sát biển Trung Quốc đâm va, làm bị thương một số thuỷ thủ và tịch thu các súng trường có trên tàu.


PHÁP LÝ

Tóm tắt đệ trình của Philippines về thềm lục địa mở rộng: Philippines sẵn sàng thảo luận với các quốc gia liên quan về việc phân định ranh giới trên biển; không áp dụng quy tắc “1% khoảng cách tới chân dốc lục địa”

Ngày 15/06, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết nước này đã trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (Commission on the Limits of the Continental Shelf – CLCS) Liên Hợp Quốc bản đăng ký thềm lục địa mở rộng tại khu vực Tây Palawan ở Biển Đông. Các điểm đáng chú ý có thể kể đến:

  1. Các quy định tại Điều 76 của UNCLOS xác định rằng vùng phía Tây Palawan (WPR) là phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của Philippines, kéo dài qua 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải. Điều này chứng tỏ rằng Philippines có quyền có thềm lục địa vượt quá 200 hải lý trong WPR;
  2. Đệ trình này bao gồm các khu vực có thể chồng chéo với khu vực của Đệ trình chung năm 2009 giữa Malaysia và Việt Nam, đệ trình năm 2009 của Việt Nam và đệ trình năm 2019 của Malaysia;
  3. Bản tóm tắt khẳng định những đệ trình trước đó của Việt Nam và Malaysia đều dựa trên Điều 76 của UNCLOS và nhìn chung phù hợp với các nguyên tắc được khẳng định trong Phán quyết năm 2016. Philippines sẵn sàng thảo luận với các quốc gia liên quan về việc phân định ranh giới trên biển;
  4. Trong Mục 9: “Ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý”, Philippines cho biết nước này đã áp dụng các quy tắc về “nối các điểm cách chân dốc lục địa nhiều nhất là 60 hải lý”; “giới hạn tối đa của thềm lục địa không vượt quá 350 hải lý” và “đường đẳng sâu 2.500m”, không sử dụng quy tắc “1% khoảng cách tới chân dốc lục địa” (Điều 76 UNCLOS) do không có đầy đủ dữ liệu về bề dày trầm tích.

Trung Quốc gửi công hàm kêu gọi Ủy ban về ranh giới thềm lục địa (CLCS) không xem xét bản đệ trình của Philippines

Ngày 23/06, Hoa Nam Nhật báo đưa tin Trung Quốc đã gửi công hàm tới Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, kêu gọi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) không xem xét bản đệ trình mở rộng thềm lục địa của Philippines. Nội dung cụ thể của công hàm:

  • Philippines đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc tại Biển Đông;
  • Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với "Nam Hải Chư Đảo" và vùng biển lân cận, được hưởng các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển có liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển;
  • Trung Quốc nghiêm túc yêu cầu Ủy ban không xem xét bản đệ trình của Philippines;
  • Trung Quốc là quốc gia duy nhất phản đối yêu sách của Philippines thông qua công hàm ngoại giao.

Phái đoàn thường trực Malaysia tại Liên Hợp Quốc lưu hành công hàm HA37/2024 phản đối các yêu sách biển và chủ quyền của Philippines đối với Sabah, yêu cầu Ủy ban ranh giới thềm lục địa (CLCS) không xem xét đệ trình thềm lục địa mở rộng của Philippines ở Khu vực phía Tây Palawan

Ngày 28/06, Phái đoàn thường trực Malaysia tại Liên Hợp Quốc lưu hành công hàm HA37/2024 phản đối đệ trình thềm lục địa mở rộng của Philippines ở Khu vực phía Tây Palawan. Công hàm nêu rõ:

(i) Malaysia dứt khoát phản đối đệ trình của Philippines đối với thềm lục địa mở rộng được tính từ đường cơ sở của Sabah, Malaysia. Đệ trình của Philippines vi phạm chủ quyền không thể tranh cãi của Malaysia đối với Sabah;

(ii) Nhấn mạnh Malaysia chưa bao giờ công nhận yêu sách của Philippines đối với Sabah thuộc chủ quyền của Malaysia;

(iii) Malaysia bác bỏ hoàn toàn tuyên bố của Philippines rằng nước này có quyền sở hữu và chủ quyền hợp pháp đối với Sabah của Malaysia. Sabah đã và luôn là một phần không thể tách rời của Malaysia, được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế công nhận là một phần của Malaysia kể từ khi thành lập Liên bang Malaysia vào ngày 16/09/1963;

(iv) Yêu sách chủ quyền đối với Sabah của Philippines không phù hợp với nghĩa vụ erga omnes của nước này trong việc công nhận và ủng hộ việc thực thi hợp pháp quyền tự quyết của người dân Sabah vào năm 1963. Như vậy, yêu sách của Philippines đối với Sabah có không có cơ sở theo luật pháp quốc tế;

(v) Malaysia yêu cầu Ủy ban không xem xét và xác nhận đệ trình của Philippines.

 

GÓC NHÌN QUỐC TẾ

Christian Schultheiss (Viện Max Planck): Cam kết Trung Quốc không chiếm quyền kiểm soát Bãi Cỏ Mây khi Philippines rút quân là yếu tố cốt lõi trong việc giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines

Ngày 11/06, Tiến sĩ Christian Schultheiss, nghiên cứu viên cấp cao Viện Luật công và Luật Quốc tế đương đại đăng bài bình luận về tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines trong việc tiếp tế cho tàu BRP Sierra Madre mắc cạn tại bãi Cỏ Mây, cụ thể:

  1. Thực tế tình hình:
  • Philippines duy trì sự hiện diện trên bãi cạn, đòi hỏi phải tiếp tế liên tục;
  • Trung Quốc đã cố gắng ngăn chặn các nhiệm vụ này, đồng thời đổ lỗi cho Philippines về các vụ việc xảy ra tại đây;
  • Trung Quốc cáo buộc Philippines vi phạm thỏa thuận ngầm về giới hạn tiếp tế, nhưng trong các hồ sơ công khai của Trung Quốc không tồn tại bất kỳ thỏa thuận nào như vậy;
  • Các thỏa thuận ngầm được gọi tên như “thỏa thuận quý ông”, “hiểu biết nội bộ”, “mô hình mới” có thể gây nhầm lẫn và tranh cãi trong chính trị nội bộ Philippines;
  • Trung Quốc lợi dụng sự nhầm lẫn này để tăng cường các nỗ lực ngăn chặn việc tiếp tế của Philippines, nhưng chưa bao giờ công khai cam kết từ bỏ kiểm soát bãi Cỏ Mây nếu Philippines rút lui;
  • Tình huống trên tạo ra kịch bản: Nếu việc tiếp tế bị ngừng lại, Trung Quốc sẽ chiếm giữ bãi Cỏ Mây.
  1. Giải pháp:
    • Trong bất kỳ thỏa thuận nào với Trung Quốc, Philippines cần đạt được sự cam kết rõ ràng từ Trung Quốc rằng nước này sẽ không chiếm giữ bãi Cỏ Mây nếu Philippines rút lui;
    • Philippines cần tiếp tục duy trì việc tiếp tế cho tàu Sierra Madre để ngăn chặn Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi Cỏ Mây.

Hoa Nam Nhật báo: Trung Quốc có thể thực hiện các động thái mạnh mẽ hơn nhằm thử nghiệm năng lực và ý chí Philippines khi triển khai thoả thuận hâu cần và quân sự với New Zealand và Nhật Bản.

Ngày 12/06, Hoa Nam Nhật báo đăng tải ý kiến của các học giả về việc Philippines ký kết thoả thuận hỗ trợ hậu cần với New Zealand, tiến tới thoả thuận tiếp cận quân sự với Nhật Bản trong bối cảnh xung đột leo thang tại Biển Đông, cụ thể:

  1. Joshua Espeña (Viện nghiên cứu Hợp tác An ninh và Phát triển Quốc tế):
  • Trung Quốc có thể thực hiện các động thái mạnh mẽ hơn để nhằm thử nghiệm năng lực và ý chí Philippines;
  • Philippines mới ký thoả thuận hỗ trợ hậu cần với New Zealand. Tuy nhiên, khác với các đối tác quân sự truyền thống của Philippines, New Zealand là nước có mức độ đe doạ thấp đối với Trung Quốc;
  • New Zealand phải có những động thái để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
  1. Victor Andres Manhit (Viện Stratbase Institute Philippines):
  • Philippines cần tối đa hóa hợp tác với các quốc gia có cùng chí hướng để duy trì luật hàng hải quốc tế.

The Economist: Nỗ lực của Trung Quốc để giành được sự ủng hộ khi gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ gặp nhiều trắc trở

Ngày 13/06, The Economist đăng tải bình luận về chuyến thăm Úc của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường diễn ra vào ngày 15/06, cụ thể:

  • Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của Trung Quốc tới Úc trong 07 năm qua.
  1. Về phía Trung Quốc:
    • Chuyến thăm của Lý Cường tượng trưng cho mong muốn chung là tiến về phía trước;
    • Trung Quốc nỗ lực xoa dịu mối quan hệ bằng các cử chỉ mang tính biểu tượng;
    • Trung Quốc muốn thúc đẩy thiện chí để giành được sự ủng hộ cho nỗ lực gia nhập CPTPP.
  1. 2. Về phía Úc:
  • Úc vẫn duy trì lập trường cân bằng quan hệ với cả Trung Quốc và các đồng minh phương Tây;
  • Úc vẫn thận trọng, tập trung vào việc giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và xem xét kỹ lưỡng các khoản đầu tư nước ngoài; đồng thời giữ lập trường kiên quyết về các vấn đề gây tranh cãi như hợp đồng cho thuê cảng Darwin và các cáo buộc liên quan tới hành động quân sự hung hăng của Trung Quốc;
  • Các quan chức và công chúng Úc vẫn cảnh giác với Trung Quốc.

Hoa Nam Nhật báo tổng hợp ý kiến học giả về đệ trình thềm lục địa mở rộng của Philippines, cho rằng đệ trình thềm lục địa mở rộng của Philippines có thể khuyến khích các động thái tương tự và làm phức tạp tranh chấp

Ngày 19/06, Hoa Nam Nhật báo đăng tải bài viết tổng hợp ý kiến một số học giả về việc Philippines nộp đệ trình thềm lục địa mở rộng lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS). Nhìn chung, các học giả đưa ra hai luồng ý kiến chung: (i) Đệ trình thềm lục địa mở rộng của Philippines có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines; (ii) Động thái của Philippines có thể ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia ven biển khác, cũng như khuyến khích các quốc gia khác có hành động tương tự. Cụ thể:

  1. TS. Issac Kardon (Quỹ Hòa bình Carnegie):
  • CLCS sẽ khó có thể xem xét đệ trình của Philippines, do theo nguyên tắc, Ủy ban tránh đưa ra bất kỳ quyết định nào khi vẫn còn tồn tại tranh chấp về quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với khu vực đệ trình;
  • Trung Quốc sẽ coi yêu sách này của Philippines là một thách thức pháp lý và chính trị tương tự như Vụ kiện Biển Đông năm 2016, đồng thời nhận định Philippines đang sử dụng cách tiếp cận mang tính thể chế của Liên hợp quốc để làm suy yếu các yêu sách biển mở rộng của Trung Quốc;
  • Trung Quốc có thể sẽ tăng cường mức độ ngăn chặn tại Bãi Cỏ Mây hoặc có các hành động leo thang khác trên Biển Đông nhằm chống lại lợi ích của Philippines.
  1. Học giả Ding Duo (Viện Nam Hải):
  • Đệ trình của Philippines có thể tạo ra nguy cơ tiềm ẩn, tạo tiền lệ cho các quốc gia tranh chấp khác nộp các đệ trình thềm lục địa mở rộng tương tự để khẳng định quyền lợi của mình;
  • Các hành động của Philippines sẽ khiến tranh chấp ở Biển Đông trở nên phức tạp và khó giải quyết hơn;
  • Trung Quốc có thể thực hiện các biện pháp đối phó mạnh mẽ hơn để bảo vệ quyền lợi của mình trên biển.
  1. Học giả Lucio Pito III (Hiệp hội Nghiên cứu Trung Quốc của Philippines):
  • Việc Philippines đệ trình thềm lục địa mở rộng và Vụ kiện Trọng tài năm 2016 là một phần trong nỗ lực sử dụng luật pháp quốc tế để bảo vệ các yêu sách hàng hải của nước này;
  • Các động thái này sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia ven biển khác ở Biển Đông.

Webinar của ISEAS: Một số tỉnh ở Campuchia cũng chịu hạn hán từ dự án kênh đào Phù Nam; nếu Ủy hội sông Mê Công (MRC) không can thiệp thì thỏa thuận Mê Công năm 1995 sẽ có dấu hiệu mất giá trị và rạn nứt

Ngày 21/06, trong webinar về kênh đào Phù Nam do Viện ISEAS tổ chức, các học giả Brian Eyler và Lê Hồng Hiệp đưa ra một số bình luận đáng chú ý như sau:

  • Bên cạnh các tỉnh của Việt Nam; một số tỉnh ở Campuchia cũng chịu tác động (hạn hán) từ dự án kênh đào Phù Nam;
  • Dự án kênh đào Phù Nam có giá trị với Campuchia vì: (i) lợi ích kinh tế quốc gia; (ii) danh tính quốc gia (national identity); (iii) di sản của chính quyền Hun Sen và khẳng định uy tín của Hun Manet.
  • Ủy hội sông Mê Công (MRC) nên tham gia vào quá trình thông báo và thu thập tài liệu về các dự án xây dựng để phân phối cho các nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Ủy ban cũng cần tham khảo thêm phản hồi của người dân chịu thiệt hại ở Campuchia và Việt Nam;
  • Nếu MRC không can thiệp thì giá trị của thỏa thuận Mekong năm 1995 sẽ không được đảm bảo, và có dấu hiệu rạn nứt.

Hoa Nam Nhật báo: Việc Philippines lắp đặt căn cứ tên lửa chống hạm hướng ra Biển Đông tạo ra hiệu ứng răn đe, có thể khiến các nhà hoạch định quân sự của Trung Quốc lo ngại

Ngày 23/06, Hoa Nam Nhật báo đăng tải ý kiến của các học giả về việc quân đội Philippines lắp đặt căn cứ tên lửa chống hạm Brahmos trên bờ biển phía tây của đảo Luzon. Hầu hết các học giả đồng ý rằng tên lửa đưa Bãi cạn Scarborough vào tầm bắn của căn cứ quân sự Philippines. Cụ thể:

  1. Malcolm Davis (Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Úc):
    • Việc thiết lập năng lực tên lửa chống hạm trên bộ gia tăng đáng kể khả năng răn đe Trung Quốc của Philippines;
    • BrahMos cho phép Philippines hợp tác tốt hơn với các đối tác như Nhật Bản, Úc và Mỹ để hạn chế sự phô trương sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực.
  2. Collion Koh (Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore):
    • Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang, nhưng sẽ bị hạn chế ở những khu vực mà tên lửa BrahMos bao phủ;
    • Việc Philippines lắp đặt một căn cứ tên lửa hướng ra Biển Đông có thể khiến các quan chức Trung Quốc lo ngại;
    • Philippines có thể tận dụng trợ giúp của Mỹ để tối đa hoá khả năng của tên lửa.
  3. Chester Cabalza (Viện nghiên cứu Hợp tác Phát triển và An ninh Quốc tế, Philippines):
  • Việc lắp đặt tên lửa thể hiện Philippines đang giảm phụ thuộc vào Mỹ.
  1. Don McLain Gill (Đại học De ​​La Salle):
  • Philippines cần phát triển các hệ thống tình báo, giám sát và nhắm mục tiêu để tận dụng tối đa khả năng của tên lửa;
  • Việc Philippines lắp đặt tên lửa có thể sẽ không thay đổi nhiều cách tiếp cận của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc với các thực thể tranh chấp trên Biển Đông.

Thời báo Hoàn cầu: Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) duy trì hiện diện quân sự tại khu vực xung quanh eo biển Đài Loan nhằm răn đe tư tưởng “độc Đài”

Ngày 24/06, Thời báo Hoàn cầu đưa tin về tình hình tại eo biển Đài Loan. Theo đó, Trung Quốc đang tăng cường các cuộc tập trận và tuần tra thường xuyên trong bối cảnh nhiều người ủng hộ Đài Loan ly khai, phản đối việc thống nhất hai bờ eo biển bằng vũ lực. Cụ thể:

  • Số lượng máy bay của PLA hoạt động quanh đảo duy trì liên tục ở mức hai chữ số;
  • Số lượng cuộc tập trận và tuần tra quanh đảo của PLA trong thời gian gần đây cao hơn so với trung bình các năm trước;
  • Tàu ngầm, tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân Type 09IV của Hải quân PLA xuất hiện ở eo biển Đài Loan.

Thời báo Hoàn cầu: Tập trận RIMPAC 2024 có hàm ý nhắm vào Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở eo biển Đài Loan và Biển Đông

Ngày 27/06, Thời báo Hoàn cầu đăng tải ý kiến của các học giả Trung Quốc về cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2024 do Mỹ dẫn đầu trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại eo biển Đài Loan và Biển Đông. Cụ thể:

  1. Fu Qianshao (Chuyên gia quân sự Trung Quốc):
    • Một hoạt động quan trọng của cuộc tập trận là đánh chìm tàu đổ bộ cũ (USS Tarawa) nặng 40.000 tấn. Mục tiêu của hoạt động này có khả năng là mô phỏng tấn công tàu sân bay;
    • RIMPAC 2024 có hàm ý nhắm vào Trung Quốc do các đồng minh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ không thường vận hành tàu tấn công đổ bộ;
    • Đây là cơ hội để Trung Quốc tìm hiểu các phương pháp và chiến thuật mà Mỹ và đồng minh sử dụng để chống lại các tàu tấn công đổ bộ và tàu sân bay, từ đó tìm ra cách đối phó.
  1. Zhang Junshe (Chuyên gia quân sự Trung Quốc):
  • Thông qua RIMPAC, Mỹ buộc các quốc gia tham gia vào tập hợp lực lượng do Mỹ lãnh đạo nhằm kiềm chế các đối thủ cạnh tranh của mình. Tuy nhiên, hầu hết các nước tham gia tập trận không muốn can thiệp quân sự vào các điểm nóng tại eo biển Đài Loan và Biển Đông.

Bản PDF tại đây

Biên tập nội dung: Minh Châu

Thiết kế: Thục Ngân, Tuyết Giang