Vụ va chạm giữa Trung Quốc và Philippines  tại Bãi Cỏ Mây: Diễn biến và Hệ lụy(Ảnh: washingtonpost)

Diễn biến vụ việc

Bãi Cỏ Mây nằm cách đảo Palawan của Philippines 105 hải lý, được Manila gọi là Bãi Ayungin. Sau khi Trung Quốc chiếm Bãi Vành Khăn năm 1995, Philippines đã tăng cường củng cố kiểm soát với Bãi Cỏ Mây. Năm 1999, Philippines cố ý bỏ lại chiếc tàu chiến cũ BRP Sierra Madre nằm mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây, cử một nhóm gồm 7 lính thủy đánh bộ chốt giữ, định kỳ thay quân và tiếp tế nhu yếu phẩm. Năm 2012, trước việc Trung Quốc duy trì hiện diện thường xuyên nhằm kiểm soát và chiếm Bãi cạn Scarborough, Philippines càng tăng cường củng cố điểm chốt giữ tại Bãi Cỏ Mây, nơi mang nhiều ý nghĩa chiến lược trên cả phương diện an ninh và kinh tế đối với Philippines.

Nhằm củng cố yêu sách ở Biển Đông và tăng cường cơ sở kiểm soát Bãi Cỏ Mây, năm 2016 Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài, thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc (UNCLOS). Kết quả, Tòa Trọng tài ra Phán quyết, khẳng định yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là vi phạm UNCLOS. Đồng thời, Tòa cũng bác bỏ việc Trung Quốc dùng yếu tố “quyền lịch sử” làm cơ sở cho yêu sách.

Trong những năm gần đây, tranh cãi giữa Trung Quốc và Philippines về đường 9 đoạn ngày càng gia tăng. Trung Quốc từng yêu cầu Philippines di dời tàu Sierra Madre khỏi Bãi Cỏ Mây, đồng thời dùng tàu Hải cảnh, tàu cá dân binh từ các căn cứ chiếm đóng, bồi đắp trái phép tại Đá Chữ Thập, Xu bi, Vành Khăn ngăn chặn các tàu tiếp tế dân sự của Philippines tiếp cận khu vực. Trong các năm 2023 và 2024, trò chơi “mèo vờn chuột” giữa hai bên tại Bãi Cỏ Mây dần tiến triển thành cọ xát căng thẳng sau khi Tổng thống Marcos lên nắm quyền, rút khỏi các dự án hợp tác trong khuôn khổ Vành đai Con đường (BRI), thể hiện gắn kết an ninh và quân sự chặt chẽ hơn với Mỹ và Nhật Bản. Ở phía ngược lại, Trung Quốc cũng đẩy mạnh chiến thuật vùng xám, các hành động uy hiếp để khẳng định yêu sách chủ quyền và quyền tài phán tại các khu vực tranh chấp, gồm cả Bãi Cỏ Mây. 

Căng thẳng giữa hai bên nóng lên đột ngột từ tháng 03/2024 khi tàu Hải cảnh Trung Quốc tăng cường dùng vòi rồng bao vây, cản phá, tấn công lực lượng cảnh sát biển Philippines và các tàu dân sự tiếp tế cho Bãi Cỏ Mây. Sự việc khiến Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos gọi hành động của Trung Quốc là “phi pháp, cưỡng bức, hung hăng, và tấn công nguy hiểm”.[1] Bộ Ngoại giao Philippines cũng cáo buộc: “sự can thiệp của Trung Quốc vào các hoạt động thường xuyên và hợp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines là không thể chấp nhận được”, và hành động của Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây là “vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Philippines”.[2] Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trần Hiểu Đông cũng đưa ra phản đối với Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Maria Theresa Lazaro, cáo buộc Philippines sử dụng tàu cảnh sát biển trái phép tiếp tế nhu yếu phẩm và vật liệu xây dựng cho tàu Madre tại Bãi Cỏ Mây, vi phạm DOC và các cam kết của chính Philippines.[3] Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định, trước các hành động thách thức của Philipines, Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, các quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc.[4]

Trong tháng 04/2024, phía Trung Quốc đưa ra thông tin cho rằng, năm 2016 Trung Quốc và Philippines (dưới thời Tổng thống Duterte) đã đạt được thỏa thuận tạm thời về việc hạn chế đánh bắt và tiếp cận với phương tiện quân sự và tàu công vụ tới giới hạn lãnh hải 12 hải lý của điểm tranh chấp. Ngoài ra, đầu năm 2024 hai bên cũng đạt được “mô hình mới” trong quản lý tranh chấp liên quan tới Bãi Cỏ Mây. Trung Quốc cũng cáo buộc Philippines vì các chương trình nghị sự riêng mà chối bỏ các thỏa thuận từng được tôn trọng trong 7 năm qua, buộc Trung Quốc phải hành động. Tuy nhiên, sau đó cả Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilbert Teodoro và Tổng thống Philippines Marcos đều phủ nhận, cho rằng Philipines không có thỏa thuận nào với Trung Quốc.

Tiếp theo, ngày 08/5 khi Hải cảnh Trung Quốc tiếp tục chặn tàu tiếp tế của Philippines tại Bãi Cỏ Mây, Manila đã triệu Đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên để phản đối về “các hành động gây hấn” khi sử dụng vòi rồng tấn công tàu tiếp tế của Philippines, vi phạm Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc UNCLOS và kết quả Phán quyết năm 2016. Trong một bước đi tiếp theo, ngày 15/6, Philippines đã vận dụng UNCLOS 1982, đệ đơn lên Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS) của Liên Hợp Quốc, yêu cầu “thiết lập ranh giới ngoài thềm lục địa Philippines” cách bờ tây đảo Palawan đến 648 km.[5] Philippines còn khuyến khích ngư dân tiếp tục đánh bắt ở Biển Đông, và triển khai tại căn cứ Leovigildo trên đảo Luzon (nơi cách Bãi cạn Scarborough đang tranh chấp với Trung Quốc khảng 250 km) một khẩu đội tên lửa Brahmos mới được Ấn Độ chuyển giao.

Vụ việc va chạm ngày 17/6 tại Bãi Cỏ Mây giữa Trung Quốc và Philippines được coi là đỉnh điểm của những căng thẳng giữa hai bên. Khi Philippines sử dụng lực lượng đặc biệt thuộc khu vực biển phía Tây (Biển Đông) và lực lượng cứu hộ hàng hải dân sự tiếp tế cho Bãi Cỏ Mây, Hải cảnh Trung Quốc đã dùng tàu lớn và xuồng cao tốc phối hợp cản phá, chặn đường, đâm va, lên boong lục soát, thu giữ 8 súng bộ binh, kéo đi 2 xuồng cao su của Philippines cùng các nhu yếu phẩm. Va chạm và xô xát đã khiến ít nhất 8 nhân viên Philippines bị thương, 2 xuồng cao su và tàu bảo vệ BRP Cabra bị hư hại do bị đâm va, tấn công bằng vòi rồng. Hải cảnh Trung Quốc cũng giữ 4 nhân viên của Philippines và thả ra sau khi có trao đổi sơ bộ giữa hai bên.[6]

Động thái của phía Trung Quốc

Sau khi vụ va chạm với các tàu tiếp tế của phía Philippines xảy ra, Trung Quốc để lực lượng hải cảnh lên tiếng trước. Ngày 17/6, Người Phát ngôn của cơ quan này là ông Cam Ninh phát biểu, cáo buộc Philippines đã vi phạm cam kết, cử một tàu tiếp tế và hai xuồng cao su phi pháp tiến vào vùng nước gần đá Nhân Ái (Cỏ Mây) thuộc quần đảo Nam Sa (Trường Sa) của Trung Quốc, ý đồ nhằm tiếp tế cho chiếc tàu quân sự phi pháp “mắc cạn” tại đây. Tàu tiếp tế Philippines đã tiếp cận nguy hiểm, cố tình đâm va tàu hải cảnh (số 21556) của Trung Quốc đang trên hành trình hợp pháp. Hải cảnh Trung Quốc đã hành động theo pháp luật, thực hiện các biện pháp cảnh báo, ngăn chặn, lên tàu kiểm tra, buộc tàu Philippines phải rời đi, xử lý hợp lý hợp tình, chuyên nghiệp đúng quy phạm.[7] Ông Cam Ninh cũng khẳng định, các hình thức thách thức của Philippines là vô ích, Hải cảnh Trung Quốc sẵn sàng kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, các quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc.

Trong họp báo cùng ngày 17/6, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm đã bác bỏ yêu sách thềm lục địa mở rộng do Philippines đệ trình lên Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc ngày 15/6, cho rằng hành động của Philippines là vi phạm UNCLOS, DOC, chủ quyền và quyền quản lý của Trung Quốc.[8] Ông Lâm Kiếm cũng khẳng định, Hải cảnh Trung Quốc đã căn cứ theo “quy định trình tự thực thi pháp luật hành chính” trong “Luật Hải cảnh”, tiến hành “các biện pháp quản chế cần thiết” đối với tàu Philipines có ý đồ vận chuyển, tiếp tế hàng hóa và vật liệu xây dựng cho chiếc tàu quân sự phi pháp “mắc cạn” tại đá Nhân Ái. Hành động tại hiện trường của Hải cảnh Trung Quốc là “chuyên nghiệp, kiềm chế, hợp lý, hợp pháp”.[9]  

Trước các cáo buộc của phía Philippines, trong họp báo ngày 19/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, Philippines tuyên bố tiếp tế hàng hóa nhưng thực chất lén lút vận chuyển vật liệu xây dựng, vũ khí đạn dược, mục đích nhằm chiếm cứ Bãi Cỏ Mây lâu dài. Việc Philippines không ngừng cố ý xâm chiếm Bãi Cỏ Mây là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình hình hiện nay. Hải cảnh Trung Quốc đã thực thi pháp luật một cách kiềm chế, ngăn chặn tàu tiếp tế phi pháp, không hành động nhắm vào nhân viên của Philippines. Phía Trung Quốc cũng yêu cầu Philippine ngừng mọi hành vi thách thức và xâm phạm chủ quyền, đồng thời khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các lợi ích quốc gia theo luật pháp.[10]

Sau khi có sự việc, truyền thông Trung Quốc đưa các thông tin giải thích, cho biết trong tháng 05/2024, Trung Quốc đã công bố “Quy định trình tự thực thi hành chính đối với Cơ quan Hải cảnh Trung Quốc”. Văn bản này có hiệu lực từ ngày 15/6/2024 được gọi là Lệnh Hải cảnh số 03, trong đó mở rộng quyền hạn của lực lượng Hải cảnh trên cơ sở của “Luật Hải cảnh Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” năm 2021. Trong vụ việc tại Biển Đông, Hải cảnh Trung Quốc đã lần đầu tiên triển khai hành động thực thi pháp luật đối với bên ngoài nhằm “bảo vệ trật tự trên biển, hành động phù hợp luật pháp và thông lệ quốc tế”.[11]

Từ phía học giả Trung Quốc, Tiến sĩ Đinh Đạc, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Pháp lý biển thuộc Viện Nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc cho rằng, trong bối cảnh Philippines phủ nhận “Hiệp định quân tử”, tiếp tục gây sự thách thức và vận chuyển hàng hóa tiếp tế tại Bãi Cỏ Mây, Hải cảnh Trung Quốc đã bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, thực hành chức trách, tiến hành lên tàu Philippines kiểm tra, có biện pháp răn đe mạnh mẽ với hành vi thách thức của phía Philippines. Học giả này cũng nhận định, mục đích của Philippines khi gây va chạm tại Bãi Cỏ Mây nhằm: thu hút dư luận, trên bình diện quốc tế tạo hình ảnh một Trung Quốc nước lớn bắt nạt nước nhỏ, trong khi Philipines là bên bị hại; dùng việc đệ đơn mở rộng ranh giới thềm lục địa và tạo va chạm tranh chấp để tăng cường cơ sở pháp lý hỗ trợ chủ trương yêu sách; tìm kiếm “chiến thắng kép”, khi tiếp tế thành công sẽ cổ vũ tinh thần nội bộ, nếu bị Trung Quốc ngăn chặn dẫn tới thất bại cũng thu hút sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế.[12]  

Cùng với các bước đi ngoại giao và tuyên truyền, sau vụ việc, Hải quân Trung Quốc đã triển khai một số hoạt động quân sự và diễn tập có sử dụng các chiến hạm loại lớn và tiên tiến nhất nhằm gửi thông điệp răn đe đối với Philippines và Mỹ. Theo đó, Chiến khu phía Nam của Trung Quốc đã cử bốn khu trục hạm, gồm ba chiếc thuộc lớp 055, gồm các tàu Hàm Dương, Tuân Nghĩa, Diên An, và một tàu thuộc lớp 052C là Hải Khẩu phối hợp tiến hành diễn tập kéo dài 6 ngày 5 đêm tại tại một khu vực không nêu rõ ở Biển Đông. Nội dung diễn tập của các chiến hạm PLA có tải trọng tới hơn 10 ngàn tấn này là thực hành cơ động chiếm thực địa, tổ chức phòng thủ, bố trí chiến đấu, tác chiến biên đội đối hải, phòng không và chống ngầm.[13] Trong khi đó, ngày 19/6, hai tàu khu trục khác của PLA với một chiếc có số hiệu 105 thuộc lớp 055 mang tên Đại Liên đã bất ngờ xuất bên ngoài đảo Palawan của Philippines, phạm vi ở khoảng cách gần bờ nhất từ trước tới nay.[14]

Phản ứng của phía Philippines

Sau khi xảy ra vụ chạm với phía Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây, trong ngày 17/6, lực lượng đặc nhiệm quốc gia khu vực biển Tây Philippines (Biển Đông) thừa nhận không thực hiện được nhiệm vụ luân chuyển quân và tiếp tế cho tàu chiến số 57 (tàu Sierra Madre) nằm tại Bãi Cỏ Mây. Cơ quan này cũng cho rằng, hành động của Trung Quốc đang tạo ra hoài nghi về sự chân thành trong các tuyên bố kêu gọi hòa bình và đối thoại của Trung Quốc.

Bộ Quốc Phòng Philippines trong tuyên bố đưa ra ngày 18/6 khẳng định, các hành vi hung hăng và thiếu chuyên nghiệp tiếp diễn của Hải cảnh Trung Quốc với nhiệm vụ nhân đạo và hợp pháp của Philippines là không thể chấp nhận được, và đề nghị phía Trung Quốc “tự kiềm chế, tránh làm leo thang căng thẳng”.[15] Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro trong một phát biểu cho rằng, hành động của Trung Quốc “đang là trở ngại thực sự” cho hoà bình, ổn định ở Biển Đông, và những “hành vi nguy hiểm, liều lĩnh” của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ bị lực lượng vũ trang Philippines ngăn chặn.[16] Trong một phản ứng khác, Chủ nhiệm văn phòng các lực lượng vũ trang Philippines khẳng định, Philippines “không thể chấp nhận” các tuyên bố mang tính ức hiếp và gây nhầm lẫn bởi phía Trung Quốc, việc Hải cảnh Trung Quốc tiếp tục có hành động cứng rắn chỉ khiến cục diện tình hình khu vực thêm căng thẳng.

Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez và một số quan chức khác của Philippines cho rằng, hai đồng minh (Philippines và Mỹ) hi vọng Hiệp ước phòng thủ chung sẽ không bao giờ bị kích hoạt, nhưng hai bên sẽ không do dự tiến hành điều này nếu cần thiết. Ngoài ra, Trung Quốc đang đánh giá thấp khả năng leo thang căng thẳng khi Philippines từng cố gắng trao đổi về việc phạm vi hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines mở rộng bao gồm cả tàu Sierre Madre tại Bãi Cỏ Mây, và Trung Quốc cần xem lại chiến thuật của mình hoặc có nguy cơ gặp phải một số hậu quả nghiêm trọng.[17]

Trong những phản ứng tiếp theo, lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã cử hai tàu tuần tra nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động đánh bắt của ngư dân Philippines tại Scarborough, nằm cách Bãi Cỏ Mây khoảng 640 km và cũng là điểm nóng dễ bùng phát thành đối đầu giữa Manila và Bắc Kinh. Tuy nhiên, Philippines cũng có xu hướng làm giảm nhẹ vụ việc, tìm cách xử lý vấn đề trên phương diện ngoại giao. Ngày 21/6, Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Philippines, ông Lucas Bersamin cho rằng Philipines chưa xem vụ va chạm với Trung Quốc là một vụ tấn công vũ trang và đây có thể là một sự hiểu lầm.[18] Tiếp theo, Ngoại trưởng Philippines Manalo trong phiên điều trần tại Thượng viện Philippines ngày 25/6 cũng đề cập, Manila hy vọng tổ chức một cuộc họp song phương vào đầu tháng 07/2024 để thảo luận cụ thể về các sự cố gần đây. Đồng thời, ông Manalo cũng khẳng định, Philippines chỉ chấp nhận các giải pháp không gây tổn hại đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Philippines ở Biển Đông.[19]

Phản ứng của bên thứ ba

Trước va chạm và leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines tại Bãi Cỏ Mây, nhiều quốc gia đã có các tuyên bố ngoại giao, như Anh, Canada và Mỹ đã cùng lên tiếng phản đối cách hành xử của Trung Quốc sau khi triển khai quy định mới trong luật Hải cảnh từ ngày 15/6/2024.

Ngay trong ngày xảy ra vụ việc, Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua Người Phát ngôn Matthew Miller khẳng định, Hoa Kỳ sát cánh cùng đồng minh Philippines, đồng thời lên án hành động leo thang, vô trách nhiệm của Trung Quốc nhằm ngăn cản Philippines vận chuyển nhu yếu phẩm nhân đạo cho nhân viên đồn trú tại tàu BRP Sierra Madre ngày 17/6. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, các tàu Trung Quốc cố tình sử dụng vòi rồng, đâm va, ngăn chặn, và kéo các tàu Philippines bị hư hại, gây nguy hiểm cho sinh mạng của nhân viên Philippines là liều lĩnh, đe dọa hòa bình, ổn định khu vực.[20]

Trong cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell đã điện đàm với người đồng cấp Philippines, bà Maria Theresa Lazaro, chia sẻ quan ngại về các hành động thiếu trách nhiệm, gây leo thang căng thẳng của Trung Quốc, cản trở Philippines thực hiện hoạt động hàng hải hợp pháp, ảnh hưởng tới quyền tự do hàng hải của Philippines ở Biển Đông.[21] Ông Kurt Campbell cũng tái khẳng định Điều IV của Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ - Philippines năm 1951 mở rộng tới các cuộc tấn công quân sự vào lực lượng vũ trang Philippines, gồm tàu công vụ, máy bay, lực lượng Cảnh sát biển, và tại bất kỳ nơi nào ở Biển Đông.[22]

Hai ngày sau vụ việc, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã có cuộc đàm với Ngoại trưởng Philippines Malano, thảo luận về những hành động nguy hiểm và thiếu trách nhiệm tiếp diễn (của Trung Quốc) nhằm ngăn cản việc Philippines thực hiện một hành động hàng hải hợp pháp tại Biển Đông vào ngày 17/6. Ông Blinken cũng nhấn mạnh, các hành động của Trung Quốc “làm suy yếu hòa bình và ổn định khu vực”, đồng thời khẳng định các cam kết vững chắc của Mỹ với Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines.[23]

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink trong một phát biểu đưa ra ngày 22/6 cũng khẳng định: Mỹ cho rằng việc làm của Trung Quốc, đặc biệt là những hành động gần đây quanh Bãi Cỏ Mây đối với Philippines là vô trách nhiệm, hung hăng, nguy hiểm và gây bất ổn.[24] Đại sứ Mỹ tại Philippines MaryKay Carlson trong một phát biểu ngày 26/6 tại Trung tâm Đông Tây (East-West Center) khẳng định, âm thanh chống lại các mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định ở Biển Đông đang ngày càng vang to và mạnh mẽ hơn, Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng quấy rối các tàu Philippines hoạt động hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines… chấm dứt sự can thiệp với quyền tự do hàng hải, hàng không của tất cả các quốc gia hoạt động hợp pháp trong khu vực.[25]

Trên phương diện an ninh và quân sự, Người Phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 18/6 đã tuyên bố, Mỹ “quan ngại sâu sắc về thương tích của thủy thủ Philipines… hành vi (của Trung Quốc) là khiêu khích, liều lĩnh, vô ích, gây hiểu nhầm và các tính toán sai lầm, có thể dẫn tới những sự vụ rộng lớn và bạo lực hơn”.[26]  Trong ngày 27/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J.Austin đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro, tái khẳng định các cam kết vững chắc của Mỹ với Philippines sau những hành động nguy hiểm ngày 17/6 của Trung Quốc nhằm chống lại hoạt động vận chuyển nhu yếu phẩm nhân đạo hợp pháp của Philippines cho nhân viên công vụ đồn trú tại tàu BRP Sierra Madre. Ông Austin cũng nhấn mạnh, sự hỗ trợ xuyên suốt của Mỹ đối với Philippines trong việc bảo vệ quyền chủ quyền, hai bên cũng thảo luận về tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ quyền của các quốc gia di chuyển, bay qua, hoạt động một cách an toàn và có trách nhiệm ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.[27]   

Tại thực địa, sau khi kết thúc cuộc diễn tập hàng hải kéo dài trong hai ngày (từ ngày 16-17/6) với Canada, Nhật Bản, và Philippines tại vùng EEZ của Philippines[28], trong ngày 17/6, Mỹ và Philippines đã tổ chức tiếp cuộc diễn tập bắn đạn thật “nhắm vào các mục tiêu hàng hải giả định” ở phạm vi bốn hải lý ngoài khơi đảo Luzon. Ngoài ra, ba máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ cũng sử dụng căn cứ không quân Clark để thực hành tấn công các mục tiêu nằm cách bờ biển Philippines khoảng ba hải lý.[29] Mỹ cũng chuyển một phần giai đoạn cuối của cuộc tập trận Valiant Shield 2024 (kéo dài từ ngày 07-18/6) từ lãnh thổ Nhật Bản sang khu vực Biển Đông và Biển Philippines. Cuộc tập trận này có sự tham gia của Canada, Nhật Bản, Pháp, gồm hai tàu sân bay của Mỹ là USS Reagan, USS Roosevelt cùng ba tàu khu trục lớp Arleigh Burke, thêm hai hộ tống hạm của Canada và Pháp.[30]

Về phía Nhật Bản, trong tuyên bố đưa ngày 18/6, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại với những hành động ngăn cản tự do hàng hải tái diễn, gồm các hành động nguy hiểm gần đây dẫn tới hư hại tàu thuyền và thương tích cho các thủy thủ Philippines. Nhật Bản cũng khẳng định kiên quyết phản đối việc sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển và tàu dân binh trên biển một cách nguy hiểm, mang tính cưỡng bức ở Biển Đông. Nhật Bản cũng đánh giá cao việc chính phủ Philippines nhất quán tuân thủ các phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế về tranh chấp Biển Đông, thể hiện việc cam kết hòa bình giải quyết tranh chấp Biển Đông.[31] Trước đó, trong đầu tháng 05/2024 Nhật Bản cho biết sẽ tiến hành ký kết Thỏa thuận RAA với Philippines trong tháng 07/2024, tạo điều kiện cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản và quân đội Philippines thuận tiện trong trao đổi hợp tác và thăm viếng lẫn nhau.

Về phía Đài Loan, ngày 19/6, Bộ Ngoại giao Đài Loan cũng ra tuyên bố, kêu gọi Trung Quốc đại lục và Philippines dùng biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, không sử dụng vũ lực, tránh làm gia tăng căng thẳng khu vực. Phía Đài Loan cũng nhấn mạnh, tự do hàng hải ở Biển Đông liên quan tới hòa bình ổn định khu vực, nhận được sự quan tâm cao độ của cộng đồng quốc tế, và Đài Loan phản đối bất kỳ ý đồ, hành động nào nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực, cũng như không ngừng đẩy cao các hành động vùng xám và hành vi uy hiếp quân sự ở Biển Đông, xâm hại trật tự hàng hải quốc tế với Công ước Luật biển LHQ là nền tảng cơ sở.[32]  

Đối với Việt Nam, trước diễn biến va chạm căng thẳng trên biển có thể gây ảnh hưởng với an ninh khu vực, Bộ Ngoại giao Việt Nam trong ngày 21/6 đã khẳng định, Việt Nam quan ngại sâu sắc trước những thông tin về vụ việc tại Bãi Cỏ Mây, đề nghị các bên liên quan kiềm chế tối đa, hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của quốc gia ven biển được xác lập phù hợp với UNCLOS. Việt Nam cũng kêu gọi các bên thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố DOC, giải quyết các tranh chấp, khác biệt bằng các biện pháp hòa bình.[33] 

Tác động và hệ lụy của vụ việc

Trước các diễn biến căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines tại Bãi Cỏ Mây, giới học giả và truyền thông quốc tế đã đưa ra nhiều phân tích, bình luận, đánh giá về hành động của các bên và tác động hệ lụy của vụ việc đối với an toàn hàng hải ở Biển Đông, an ninh khu vực và quan hệ giữa các bên liên quan.

Nhiều đánh giá cho rằng, vụ va chạm tại Bãi Cỏ Mây là rất nghiêm trọng, vì đây là lần đầu tiên Philippines sử dụng lực lượng tác chiến đặc biệt thuộc Bộ Quốc phòng, kết hợp với lực lượng cứu hộ hàng hải dân sự thực hiện tiếp tế cho tàu Sierra Madre tại Bãi Cỏ Mây. Trong khi đó, hải cảnh Trung Quốc cũng lần đầu tiên triển khai quy định mới, tiến hành lên tàu của một quốc gia khác để kiểm tra, lục soát, bắt giữ người. Các tàu hải cảnh Trung Quốc thực chất đều là tàu khu trục hạm hoán cải, trong khi các nhân viên hải cảnh được rút từ lực lượng hải quân và thủy quân lục chiến, thạo ứng phó va chạm và tác chiến biển. Tuy nhiên, lực lượng đặc biệt của Philippines có mang theo súng bộ binh, nên rủi ro đụng độ ngoài kiểm soát có sử dụng vũ khí giữa Trung Quốc và Philippines trong vụ việc là rất cao.   

Khi nhìn vấn đề ở một góc rộng hơn, một số hãng truyền thông của Mỹ và phương Tây cho rằng, do tình hình Biển Đông căng thẳng nên vấn đề Trung Quốc và Biển Đông sẽ trở thành vấn đề nổi cộm trong năm bầu cử của Mỹ. Do áp lực chính trị, chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden có thể phải thay đổi quan điểm “mơ hồ chiến lược”, thể hiển rõ lập trường, có biện pháp can thiệp trực tiếp và cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang tiếp tục mơ hồ hóa các quy định liên quan tới quyền tài phán ở Biển Đông, tránh sử dụng các thuật ngữ được xác định theo UNCLOS như “lãnh thổ” hoặc “vùng đặc quyền kinh tế”, và thay bằng các thuật ngữ như “vùng biển thuộc thẩm quyền của CHND Trung Hoa”.[34] Đồng thời, Trung Quốc cũng đang sử dụng Luật Hải cảnh và các quy định liên quan nhằm mở rộng quyền kiểm soát, hiện diện quyết đoán, kết hợp ép buộc ngoại giao và kinh tế, sử dụng có chọn lọc công cụ pháp lý để tạo lợi thế.[35] 

Ở góc độ học giả, nhà nghiên cứu Collin Koh (Hứa Thụy Lân), Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) nhận xét, nhân viên chấp pháp Trung Quốc lên tàu quân sự Philippines là sự việc từ trước tới nay chưa có tiền lệ, và điều này thể hiện một điều là tình hình Biển Đông đang có những thay đổi mạnh mẽ.[36] Dennis Wilder, một cựu chuyên gia an ninh Mỹ về Trung Quốc nhận định, Bắc Kinh đang cố gắng thử phản ứng của Washington khi nỗ lực tìm cách đẩy lực lượng hải quân Philippines khỏi tàu Sierra Madre và phá hủy nó. Đồng thời, Bắc Kinh có thể còn muốn xây dựng một cơ sở quân sự tại bãi cạn này như đã từng làm với các nơi khác ở Biển Đông. Một căn cứ quân sự gần Philippines có thể giúp củng cố yêu sách của Trung Quốc trong khu vực, tạo cơ sở tiền phương cho các hoạt động ngăn chặn lực lượng Mỹ triển khai từ lãnh thổ Philippines trong một cuộc xung đột nổ ra tại Eo biển Đài Loan”.[37] Một học giả Mỹ khác là bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ German Marshall (Hoa Kỳ) nhận định, Mỹ và Trung Quốc đang đứng trước rủi ro đối đầu quân sự trực tiếp tại Bãi Cỏ Mây, vì nếu Bắc Kinh trực tiếp tấn công tàu thuyền hoặc lực lượng vũ trang Phillippines, Washington có thể buộc phải phản ứng, khủng hoảng chính trị sẽ xảy ra, thậm chí là một cuộc xung đột quân sự có phạm vi rộng lớn hơn.[38]

Học giả Jeff Smith, một chuyên gia về Châu Á tại Quỹ Heritage Foundation (Hoa Kỳ) đưa ra gợi ý chính sách rằng, Mỹ có thể áp dụng cách tiếp cận cứng rắn hơn, như tham gia nhiệm vụ tiếp tế chung với lực lượng của Philippines và tìm kiếm các phương án thay thế chiếc tàu Philippines đang bị xuống cấp. Chuyên gia này cũng nhận định, Mỹ không thể lặp lại những sai lầm tương tự như năm 2012, khi Trung Quốc đặt ra một tiền lệ tệ hại bằng sử dụng hành động cưỡng bức quân sự để chiếm Bãi cạn Scarborough từ tay Philippines.[39]

Như vậy, sau những gì đang diễn ra tại Bãi Cỏ Mây, tình hình Biển Đông sẽ tiếp tục tồn tại các nhân tố bất ổn an ninh tiềm ẩn. Diễn biến căng thẳng trên biển đang làm giảm các nỗ lực hành động chung và hiệu lực của các văn kiện quốc tế, như Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đồng thời, căng thẳng còn tiếp tục gia tăng khi có thêm các động thái chỉ trích ngoại giao, hành động răn đe quân sự và phản ứng đáp trả của mỗi bên. Trong bối cảnh đó, ASEAN cần nêu cao vai trò, hành động cân bằng và có các biện pháp nhằm thúc đẩy tuân thủ DOC, khuyến khích và ủng hộ các nỗ lực vì hòa bình và thịnh vượng khu vực, đưa ra sáng kiến nhằm củng cố an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Qua đó, thực hiện được mục tiêu các bên cần tuân thủ UNCLOS và DOC trên cả phương diện lời nói và trong hành động thực tế./.

Nguyễn Đăng Hoàng Vũ(*)

Nghiên cứu viên Học viện Ngoại giao 

(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

 

[1] Ekata Malhi, “China Philippines: Second Thomas Shoal Conflict intensifies, India support?”, India at present info, June 22, 2024. Truy cập tại: https://indiapresentinfo.in/2024/04/china-philippines-second-thomas-shoal.html

[2] Bernard Orr, Liz Lee… “Philippines summons China diplomat over 'aggressive' actions in South China Sea”, Reuters, Mach 6, 2024. Truy cập tại: https://www.reuters.com/world/asia-pacific/china-coast-guard-says-it-takes-measures-against-philippine-vessels-second-2024-03-04/

[3] “Thứ trưởng Trần Hiểu Đông đưa ra quan điểm nghiêm túc về việc Philippines tiếp tế bất hợp pháp cho Bãi cạn Nhân Ái (Bãi Cỏ Mây)”, Mạng Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila, ngày 26/3/2024. Truy cập tại: http://ph.china-embassy.gov.cn/zfgx/202403/t20240326_11271057.htm

[4] Ekata Malhi, “China Philippines: Second Thomas Shoal Conflict intensifies, India support?”, India at present info, June 22, 2024.

[5] “Philippines muốn mở rộng thềm lục địa ở Biển Đông”, RFI Vietnamese, ngày 16/6/2024.

[6] “Philippines, China trade blame over South China Sea clash”, The Asahi Shimbun, December 10, 2023. Truy cập tại: www.asahi.com/ajw/articles/15080164.

[7] “Người Phát ngôn Cục Hải Cảnh Trung Quốc phát biểu về việc Philippines xâm phạm đá Nhân Ái (Cỏ Mây)”, Nhân dân Nhật báo, ngày 17.6/2024. Truy cập tại: http://politics.people.com.cn/n1/2024/0617/c1001-40258468.html

[8] “Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm chủ trì họp báo thường kỳ ngày 17/6/2024”, Mạng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày 17/6/2024. Truy cập tại: https://www.mfa.gov.cn/web/wjdt_674879/fyrbt_674889/202406/t20240617_11437274.shtml

[9] “Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lâm Kiếm chủ trì họp báo thường kỳ”, Mạng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày 17/6/2024. Truy cập tại: https://www.mfa.gov.cn/web/wjdt_674879/fyrbt_674889/202406/t20240617_11437274.shtml

[10] “Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lâm Kiếm chủ trì họp báo thường kỳ”, Mạng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày 19/6/2024. Truy cập tại: www.mfa.gov.cn/web/fyrbt_673021/202406/t20240619_11438422.shtml

[11]“Hải cảnh Trung Quốc lần đầu tiên đề cập việc ‘lên kiểm tra’ tàu Philippines, hiểu cách diễn đạt mới này thế nào”, Truyền hình Trung ương Trung Quôc CCTV, ngày 19/6/2024. Truy cập tại: https://news.cctv.com/2024/06/19/ARTIEfP0ydAJv1CloyUXXbNQ240619.shtml

[12] “Hải cảnh ‘lên kiểm tra’ tàu vi phạm của Philippines, chuyên gia: Răn đe mạnh mẽ hành vi khiêu khích của Philippines”. Mạng Tân Hoa Xã, ngày 18/6/2024. Truy cập tại: https://app.xinhuanet.com/news/article.html?articleId=96a58f145ba1e543cb2c8fc912c028cd

[13] “Mỹ-Trung tranh đua sức mạnh quân sự tại Biển Đông: Đồng minh đối chọi tàu vạn tấn”, VOA Chinese, ngày 19/6/2024. Truy cập tại: https://www.voachinese.com/a/the-rivalry-between-the-united-states-and-china-over-their-military-presence-in-the-south-china-sea-20240618/7660738.html

[14] Lưu Trình Huy, “Truyền thông Philippines đưa tin tàu Trung Quốc đi qua bờ biển Philippines, trong đó một chiếc có thể là tàu loại lớn thuộc lớp 055 Đại Lên”, Mạng Nhà Quan sát, ngày 20/6/2024.  Truy cập tại: https://www.guancha.cn/international/2024_06_20_738675.shtml

[15] “Report: China Coast Guard Stole Two Philipine Boats, Dumped Cargo”, The Maritime Executive, June 18, 2024. Truy cập tại: https://maritime-executive.com/article/report-china-coast-guard-stole-two-philippine-boats-dumped-cargo

[16] “Philippines says to resist China’s ‘reckless bedavious’ in South China Sea”, Reuters, June 17,2024. Truy cập tại: https://www.reuters.com/world/asia-pacific/philippines-says-resist-chinas-reckless-behaviour-south-china-sea-2024-06-17/

[17] Sebastian Strangio, “Biden to Warn China on South China Sea, Report Claims”, The Diplomat, Apr 8, 2024. Truy cập tại: https://thediplomat.com/2024/04/biden-to-warn-china-on-south-china-sea-report-claims/

[18] “Đụng độ với Trung Quốc gần Bãi Cỏ mây: Philippines tuyên bố chưa kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ”, RFI Vietnamese, ngày 21/6/2024.

[19] “Manila muốn đối thoại sau vụ đụng độ giữa hải cảnh Trung Quốc và hải quân Philippines ở Biển Đông”, RFI Vietnamese, ngày 25/6/2024.

[20] Mathew Miller, “U.S. Support for Philippines in South China Sea”, U.S. Department of State, June 17, 2924. Truy cập tại: http://www.state.gov/u-s-support-for-the-philippines-in-the-south-china-sea-10/

[21] https://www.state.gov/deputy-secrytary-campbells-call-with-philippine-undersecretary-of-foreign-affair-lazaro/

[22] “Report: China Coast Guard Stole Two Philipine Boats, Dumped Cargo”, The Maritime Executive, June 18, 2024. Truy cập tại: https://maritime-executive.com/article/report-china-coast-guard-stole-two-philippine-boats-dumped-cargo

[23] Kanishka Shingh, “Blinken discusses China’s action in South China Sea with Philippine counterpart”, Reuters, June 20, 2024.Truy cập tại: https://www.reuters.com/world/asia-pacific/blinken-discusses-chinas-actions-south-china-sea-with-philippine-counterpart-2024-06-19/

[24] “Mỹ nói tình hình Biển Đông rất đáng lo ngại”, VOA Vietnamese, ngày 23/6/2024. Truy cập tại: https://www.voatiengviet.com/a/my-noi-tinh-hinh-o-bien-dong-rat-dang-lo-ngai/7666451.html

[25] Louella Desiderio, “US to China: Stop harassing Philippine vessels”, Philstar, June 27, 2024. Truy cập tại: https://www.philstar.com/headlines/2024/06/27/2365990/us-china-stop-harassing-philippine-vessels

[26] Haley Ott, “As Phillippines sailor hurt in South China Sea incident, U.S. cites risk of ‘much more violent’ confrontation”, CBS News, June 18, 2924. Truy cập tại: https://www.cbsnews.com/news/south-china-sea-philippines-us-condemns-china-warns-violent-confrontation/

[27] “US Defense Sec Austin Calls Philippine Counterpart Teodoro Jr”, Mirage, June 27, 2024. Truy cập tại https://www.miragenews.com/us-defense-sec-austin-calls-philippine-1264077/

[28] “U.S., Canada, Japan and Philippines Conduct Multilateral Operations”, Commander, U.S. Pacific Fleet, June 17, 2024. Truy cập tại: https://www.cpf.navy.mil/Newsroom/News/Article/3808577/us-canada-japan-and-the-philippines-conduct-multilateral-operations/

[29] “Report: China Coast Guard Stole Two Philipine Boats, Dumped Cargo”, The Maritime Executive, June 18, 2024. Truy cập tại: https://maritime-executive.com/article/report-china-coast-guard-stole-two-philippine-boats-dumped-cargo

[30] “Mỹ-Trung tranh đua sức mạnh quân sự tại Biển Đông: Đồng minh đối chọi tàu vạn tấn”, VOA Chinese, ngày 19/6/2024. Truy cập tại: https://www.voachinese.com/a/the-rivalry-between-the-united-states-and-china-over-their-military-presence-in-the-south-china-sea-20240618/7660738.html

[31] “Nhật Bản: Quan ngại nghiêm trọng các gia tăng căng thẳng gần đây tại Biển Đông”, RFI Chinese, ngày 19/6/2024.

[32] “Trả lời của Bộ Ngoại giao về vụ va chạm xảy ra giữa Trung Quốc và Philippines tại đá Nhân Ái (Cỏ Mây)”, Mạng Bộ Ngoại giao Đài Loan, ngày 19/6/2024. Truy cập tại:  https://www.mofa.gov.tw/news_Content.aspx?n=97&sms=75&s=117580

[33] “Việt Nam quan ngại sâu sắc trước vụ việc va chạm ở khu vực Bãi Cỏ Mây giữa Philippines và Trung Quốc”, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 21/6/2024. Truy cập tại: https://baochinhphu.vn/viet-nam-quan-ngai-sau-sac-truoc-vu-viec-va-cham-o-khu-vuc-bai-co-may-giua-philippines-va-trung-quoc-102240621121240484.htm

[34] “China’s Coast Guard is Deliberately Creating Legal Ambiguity”, The Maritime Executive, June 20, 2024. Truy cập tại: https://maritime-executive.com/editorials/china-s-coast-guard-is-deliberately-creating-legal-ambiguity

[35] Như trên.

[36] “Trung Quốc lên chiếm tàu hải quân Philippines, học giả: Có thể coi là ‘hành động chiến tranh”, Đài Phát thanh Trung ương Đài Loan RTI, ngày 21/6/2024. Truy cập tại: https://www.rti.org.tw/news/view/id/2210355

[37] Kathrin Hille, “Biden to warn Beijing over aggressive South China Sea tactics”, Financial Times, Apr 8, 2024.

[38] Như trên.

[39] Như trên.