Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc ngang nhiên bồi đắp ở Hoàng Sa. Hình ảnh vệ tinh ngày 2/3 cho thấy Trung Quốc đang nạo vét, bồi lấp để mở rộng diện tích đảo Bắc trong nhóm đảo An Vĩnh thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Dải đất mới bồi đắp này nhằm nối đảo Bắc với đảo Trung tạo thành một cấu trúc dài và thẳng có thể xây dựng một đường băng và đường lăn với kích thước tương đương đường băng và đường lăn nước này xây dựng trái phép ở đá Chữ thập. Nếu được liên kết, tổ hợp gồm đảo Bắc và đảo Trung có tổng diện tích gần 5km2. Nằm ở phía bắc Hoàng Sa, cách căn cứ hải quân của Trung Quốc chỉ khoảng 300km về phía đông nam, đảo Bắc có thể trở thành địa điểm để Trung Quốc đặt các thiết bị giám sát khu vực, nơi các tàu chiến và tàu ngầm của Trung Quốc hay qua lại.

Trung Quốc sẽ khai thông tuyến hàng không tại Phú Lâm. Bí thư, Thị trưởng cái gọi là thành phố “Tam Sa” Tiêu Kiệt hôm 5/3 cho hay sân bay Phú Lâm của thành phố “Tam Sa” hứa hẹn khai thông trong năm nay, thành phố “Tam Sa” sẽ từng bước mở cửa du lịch với bên ngoài. Theo ông Tiêu, cơ sở hạ tầng và công trình liên quan về du lịch ở Phú Lâm tương đối lạc hậu, bởi vậy mở cửa toàn diện ngành du lịch cần một khoảng thời gian. Hin “Tam Sa” đang nghiên cứu về kế hoạch du lịch giữa các đảo, và tăng cường tuyến du lịch và tàu du lịch.

Trung Quốc khuyến khích ngư dân đánh cá ở Biển Đông. Phát biểu bên lề kỳ họp Quốc hội Trung Quốc hôm 7/3, Bí thứ tỉnh ủy Hải Nam La Bảo Minh cho hay: “Với tình hình hiện nay ở Biển Đông, ngư dân phải bảo vệ hoạt động đánh bắt bình thường trong khu vực, bởi vì đây là ngư trường của tổ tiên chúng ta”. Ông La cho hay tỉnh này có hơn 100 nghìn ngư dân. Lực lượng này đã được chính quyền Hải Nam cung cấp hỗ trợ trong việc đóng tàu lớn, trợ cấp nhiên liệu khi đánh bắt, đồng thời còn được “đào tạo năng lực tự vệ”. Một số tàu cá Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông còn “lớn hơn cả một số tàu của hải quân các nước Đông Nam Á”.

Trung Quốc bao biện về hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông. Ngày 8/3, tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc lần thứ 4 khóa 12, Ngoại trưởng Vương Nghị đã trả lời họp báo về “Chính sách ngoại giao và quan hệ đối ngoại của Trung Quốc”. Về vấn đề Biển Đông, ông Vương cho hay: “Trung Quốc là nước khám phá, đặt tên, phát triển và quản lý các đảo khác nhau ở Biển Đông sớm nhất. Tổ tiên người Trung Quốc đã làm việc và sinh sống ở đây qua nhiều thế hệ. Trung Quốc xây dựng một số cơ sở phòng ngự trên đảo là quyền tự vệ mà luật quốc tế cho phép. Trung Quốc xây dựng không chỉ cơ sở phòng vệ cần thiết tại Trường Sa, mà đa phần là cơ sở dân dụng, cung cấp các dịch vụ công cho cộng đồng quốc tế. Các cơ sở này đang trong quá trình xây dựng, sau khi hoàn thành, đủ điều kiện, Trung Quốc đương nhiên sẽ xem xét mời phóng viên, kể cả phóng viên nước ngoài đến tham quan, đưa tin. Về hợp tác trên biển giữa Trung Quốc - ASEAN, Trung Quốc đã lập quỹ hợp tác trên biển Trung Quốc - ASEAN, lần lượt triển khai hơn 40 dự án hợp táctích cực thúc đẩy tham vấn về COC”. Về vụ kiện của Philippines, Ngoại trưởng Vương cho hay: “Căn cứ vào điều 298 của UNCLOS, Trung Quốc đã ra tuyên bố về việc loại trừ thủ tục trọng tài bắt buộc. Do vậy, việc chính phủ Trung Quốc không chấp nhận phương thức giải quyết trọng tài hoàn toàn là đúng luật. Trung Quốc không chấp nhận vụ kiện này.” Về quan hệ Trung - Mỹ, ông Vương khẳng định: “Trung - Mỹ vừa có hợp tác, vừa có cọ sát, đây có thể sẽ là trạng thái bình thường. Trung Quốc không phải là Mỹ, Trung Quốc không có ý thay ai hoặc lãnh đạo ai. Mỹ nên hiểu hơn về truyền thống lịch sử, văn hóa 5.000 năm của Trung Quốc, không nên dùng tư duy kiểu Mỹ để phán đoán Trung Quốc.

Trung Quốc phản ứng trước việc Philippines thuê máy bay huấn luyện của Nhật. Phát biểu trong buổi họp báo thường kỳ hôm 10/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố: “Trung Quốc đã chú ý những thông tin liên quan. Nếu hành động của phía Philippines là xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, thì Trung Quốc kiên quyết phản đối. Nhân dịp này tôi muốn nhắc lại, Nhật Bản không phải là nước liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, chúng tôi cảnh giác cao độ với những hành động này. Chúng tôi hối thúc phía Nhật Bản cẩn trọng trong lời nói, hành động, không được làm những việc gât phức tạp tình hình, tổn hại hòa bình, ổn định của khu vực.” Trong cuộc họp báo trước đó hôm 9/3, ông Hồng cũng bày tỏ quan ngại về việc Mỹ có kế hoạch triển khai máy bay ném bom tầm xa đến Úc, “Hợp tác giữa các bên liên quan cần hướng tới bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực. Bất kỳ hợp tác song phương nào cũng không nên phương hại tới lợi ích của bên thứ ba.”

+ Việt Nam:

Tàu cá Việt Nam bị chìm ở Hoàng Sa. Ngày 9/3, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin tàu cá của tỉnh Khánh Hòa mang số hiệu KH 96440 TS bị chìm tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, Đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: “Sáng 8/3, tàu cá của tỉnh Khánh Hòa mang số hiệu KH 96440 TS cùng năm ngư dân trên tàu đã bị chìm tại khu vực cách đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 41 hải lý về hướng đông nam. Ngay sau khi nhận thông tin, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đồng thời chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc ngay lập tức thông báo tới các cơ quan chức năng của Trung Quốc để phối hợp xác minh thông tin, tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân của tàu cá KH 96440 TS. Cùng ngày, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Nam cho biết, đã gửi báo cáo và đề nghị Trung ương Hội nghề cá Việt Nam phản đối hành động vô nhân đạo, xâm phạm chủ quyền Việt Nam của lực lượng Trung Quốc trong việc đe dọa, cướp phá tài sản của ngư dân Quảng Nam trên tàu cá QNa91939 đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa vào ngày 6/3.

+ Philippines:

Philippines bác tin tập trận với Mỹ, Ấn, Nhật ở Biển Đông. Phát biểu trước báo giới hôm 6/3, Thư ký Văn phòng Tổng thống Philippines ông Herminio Coloma cho hay: “Các cuộc diễn tập hải quân ở gần Biển Đông mà báo chí đã đưa tin hoàn toàn không liên quan đến Philippines. Philippines tin rằng sự ổn định khu vực đạt được khi luật pháp được duy trì. Vì vậy, chúng tôi đã cùng ASEAN thúc đẩy việc thông qua một Bộ quy tắc Ứng xử ràng buộc ở Biển Đông.” Đây là tuyên bố chính thức của Philippines dù nước này từng tập trận chung với Mỹ và Nhật Bản ở Biển Đông hồi năm 2015.

Philippines dự kiến thuê máy bay của Nhật để tuần tra Biển Đông. Phát biểu tại một căn cứ không quân ở phía nam Manila hôm 9/3, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết ông đang cố gắng xây dựng lực lượng không quân Philippines mạnh hơn so với ba chính phủ tiền nhiệm, “Tất cả những nỗ lực mới này sẽ giúp tăng cường khả năng của không quân trong việc bảo vệ lãnh thổ của chúng ta. Chúng ta sẽ thuê năm chiếc máy bay huấn luyện TC-90 của Nhật Bản để trợ giúp lực lượng hải quân tuần tra lãnh thổ Philippines, đặc biệt là khu vực Biển Đông”. Tuy nhiên, ông Aquino không cho biết khi nào các máy bay trên sẽ đến Philippines.

Cựu Ngoại trưởng Philippines: Cần “đi tới cùng” trong vấn đề Biển Đông. Tại bữa tiệc chia tay do Câu lạc bộ Doanh nghiệp Makati chủ trì ngày 11/3, ông Del Rosario, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Philippines trong 5 năm qua, đã đưa ra lời khuyên rằng chính quyền sắp tới nên xem xét giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông một cách bền bỉ, cần quyết tâm đi tới cùng. Ông Rosario cũng mong muốn chính phủ mới sẽ thực hiện nguyên tắc “ba trụ cột” của Bộ Ngoại giao, là tăng cường an ninh quốc gia, đạt được an ninh kinh tế và thúc đẩy lợi ích của tất cả công dân Philippines ở nước ngoài. Về vụ kiện trọng tài của Philippines, ông del Rosario nêu rõ: “Chúng ta đang tham gia cùng các nước khác thuyết phục Trung Quốc tôn trọng luật pháp”.

Philippines chỉ trích Trung Quốc dự kiến khai không tuyến bay dân sự ở Hoàng Sa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines ông Charles Jose hôm 12/3 tuyên bố kế hoạch này của Trung Quốc là hành động khiêu khích, "Chúng tôi muốn nhắc lại những tuyên bố trước đó của Philippines về việc phản đối các hành động đơn phương và khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông". Khi được hỏi rằng liệu Philippines có gửi công hàm ngoại giao hay không, ông Jose cho hay Philippines sẽ cân nhắc đồng thời kêu gọi Trung Quốc cần chấm dứt các hoạt động ở Biển Đông và tránh làm phức tạp thêm tình hình.

 

+ Mỹ:

Mỹ thúc giục Trung Quốc công khai mục đích quân sự ở Biển Đông. Phát biểu trên tàu USS Blue Ridge đang ở thăm Philippines hôm 7/3, Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ Phó Đô đốc Joseph Aucoin kêu gọi Bắc Kinh công khai về mục đích khi tiến hành cải tạo đất quy mô lớn và triển khai tên lửa tại khu vực có tranh chấp ở Biển Đông, “Những hành động đó gây bất ổn và quan ngại trong khu vực về nguy cơ leo thang căng thẳng. Tôi hy vọng các bên không có tiến hành các hành động như vậy. Chúng ta cần minh bạch hơn về mục đích của mình”. Ông Aucoin cho biết từ nay đến cuối năm, Hải quân Mỹ dự định tiếp tục đối thoại với Bắc Kinh nhằm giải tỏa căng thẳng bởi tàu chiến Mỹ vẫn sẽ thực hiện các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải, an ninh trong khu vực.

Mỹ khẳng định duy trì các chuyến bay trên Biển Đông. Phát biểu trước thềm một hội nghị về không quân ở Canberra, Úc hôm 8/3, chỉ huy Không lực Mỹ tại Thái Bình Dương Tướng Lori Robinson tuyên bố: “Chúng ta đã chứng kiến việc tăng cường năng lực quân sự trên các đảo ở Biển Đông, là chiến đấu cơ, tên lửa hoặc thậm chí là đường băng dài hơn 3.000 m. Chúng tôi sẽ tiếp tục những việc thường làm, đó là bay và hoạt động ở khu vực quốc tế tuân theo các quy tắc quốc tế”. Bà Robinson cũng thúc giục các nước thực hiện quyền tự do hàng không và hàng hải ở vùng biển và không phận quốc tế, nếu không sẽ phải đối mặt nguy cơ “đánh mất quyền của mình trong khu vực”.

Mỹ đàm phán triển khai máy bay ném bom tầm xa tới Úc. Phát ngôn viên của lực lượng Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương Trung tá Damien Pickart hôm 9/3 xác nhận hai bên đang tiếp tục các cuộc thảo luận nhưng chưa có quyết định nào được thông qua, “Phi đội máy bay mới nếu được triển khai sẽ giúp chúng tôi thúc đẩy quan hệ với các đồng minh trong khu vực, đem lại cho lực lượng Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương khả năng tấn công, ngăn chặn đáng tin cậy trên toàn cầu, giúp duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực Indo - Châu Á - Thái Bình Dương”. Mỹ dự định điều máy bay ném bom B-1 tới Úc song song với việc tăng cường hoạt động của “pháo đài bay” B-52 tại đây.

Mỹ phản đối Trung Quốc dự định khai thông tuyến bay tới đảo Phú Lâm. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Anna Richey-Allen hôm 11/3 nhấn mạnh: "Những chuyến bay dân sự tới khu vực tranh chấp sẽ không phù hợp với các cam kết của khu vực về việc kiềm chế các hành động, làm phức tạp thêm tình hình tranh chấp. Trung Quốc cần ưu tiên thực hiện những cam kết của nước này về việc giảm các hoạt động xây dựng và quân sự hoá các tiền đồn tại Biển Đông và tập trung vào việc đạt được thoả thuận với các nước về bộ quy tắc ứng xử tại vùng biển này".

 

+ Nhật Bản:

Nhật Bản sẽ tiếp tục tập trận chung tại Biển Đông. Phát biểu trong một buổi lễ tại căn cứ Ominato thành phố Mutsu ngày 7/3, Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp cho hòa bình và ổn định tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương bằng cách hợp tác với các quốc gia ở Biển Đông. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, dù không có vụ cướp biển nào xảy ra trong năm 2015 nhưng mối đe dọa này vẫn hiện hữu. Do vậy, Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản sẽ tiếp tục cử tàu tham gia nhiệm vụ chống cướp biển trong thời gian tới.

+ Nga:

Tập đoàn dầu khí Rosneft bắt đầu khoan thăm dò ở Việt Nam. Thông cáo ngày 9/3 của tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga cho hay việc khoan thăm dò diễn ra ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam thuộc bồn trũng Nam Côn Sơn. Đây là lần đầu tiên Tập đoàn Rosneft thực hiện khoan tại vùng biển quốc tế. Trữ lượng của giếng dầu mới ước tính khoảng 12,6 tỷ mét khối khí. Rosneft hiện cũng đang tham gia một số dự án thăm dò khai thác dầu khí ngoài khơi vùng biển Việt Nam.

+ EU:

Liên minh Châu Âu quan ngại về diễn biến ở Biển Đông. Ngày 11/3, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Fédérica Mogherini ra tuyên bố về những diễn biến gần đây ở Biển Đông. Theo đó, EU cam kết duy trì một trật tự pháp lý cho các vùng biển và đại dương dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, như được phản ánh trong UNCLOS. Điều này bao gồm bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh và hợp tác, tự do hàng hải và hàng không. EU quan ngại về việc triển khai các tên lửa trên các đảo ở Biển Đông. Việc triển khai tạm thời hoặc thường xuyên lực lượng quân sự hay các thiết bị trên vùng biển tranh chấp làm ảnh hưởng đến an ninh khu vực và có thể đe dọa đến tự do hàng hải và hàng không. Do đó, EU kêu gọi tất cả các bên kiềm chế các hoạt động quân sự trong khu vực, từ việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, và tránh những hành động đơn phương. EU khuyến khích sự tham gia nhiều hơn nữa vào các biện pháp xây dựng lòng tin và đảm bảo an ninh trong khu vực.

Quan hệ các nước

Indonesia sẽ trao đổi với Nhật Bản về vấn đề ở Biển Đông. Ngày 8/3, Bộ trưởng Điều phối Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia ông Luhut Binsar Pandjaitan cho hay sẽ có chuyến thăm Nhật Bản trong tháng 4 để thảo luận về tranh chấp lãnh thổ và hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Luhut khẳng định Indonesia không phải là một bên tranh chấp nhưng có lợi ích đối với tự do hàng hải ở Biển Đông. Theo Bộ trưởng Luhut, Trung Quốc đã công nhận yêu sách của Indonesia đối với Quần đảo Natuna và Indonesia muốn duy trì quan hệ tốt với cả Trung Quốc và Nhật Bản.

Tàu chiến Nhật Bản thăm thiện chí Malaysia ba ngày. Hai tàu quét mìn của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF), JS Uraga (MST-463) và JS Takashima (MSC-603) hôm 12/3 bắt đầu chuyến thăm ba ngày đến Malaysia. Sỹ quan chỉ huy của đội tàu, Đại tá Toshihiro Takaiwa cho biết các tàu quét mìn cùng thủy thủ đoàn gồm 170 người đến cảng Port Klang để thăm thiện chí Malaysia và nạp nhiên liệu, trước khi tham gia cuộc diễn tập rà phá bom mìn quốc tế sắp được tổ chức tại Bahrain do Mỹ dẫn đầu.

Tàu ngầm của Mỹ thăm cảng Philippines. Sáng 9/3, tàu ngầm USS Charlotte (SSN-766) của Mỹ đã cập cảng Alava Pier trong Vịnh Subic. Tàu USS Charlotte đang trong hành trình triển khai 6 tháng tới khu vực hoạt động của Hạm đội 7 và sẽ thực hiện nhiệm vụ quan trọng tăng cường an ninh với các đối tác chủ chốt trong khu vực. Với chiều dài 110m và trọng lượng hơn 6.900 tấn, đây được coi là một trong những tàu ngầm tấn công tiên tiến nhanh nhất trên thế giới.

Phân tích và đánh giá

Xung đột Biển Đông: Liệu có thể vượt qua thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh?của Damos Dumoli Agusman Haryo Budi Nugroho

Những gì diễn ra ở Biển Đông hiện nay giống như thời Chiến tranh lạnh. Có thể thấy rằng việc Trung Quốc triển khai tên lửa tại đảo Phú Lâm, một đảo đang có tranh chấp và bị Trung Quốc tôn tạo, càng làm tăng thêm sự nan giải nói trên về an ninh. Việc triển khai các tên lửa sau đó càng đẩy căng thẳng trong khu vực đạt tới đỉnh điểm.

Từ một góc độ khác, Trung Quốc coi các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ (FONOP) ở Biển Đông như là nguyên nhân để Trung Quốc tăng cường hệ thống phòng thủ. Điều này sau đó đã được nhiều nước, chẳng hạn như Úc, diễn giải là một biện pháp tấn công và do vậy sẽ tăng cường FONOP ở vùng biển liên quan.

Nếu lật ngược lại thời gian để tìm hiểu đâu mới là yếu tố thực sự thúc đẩy phòng thủ của các nước có yêu sách cũng như các nước khác, có thể thấy sự bế tắc về an ninh là hiện hữu và các biện pháp phòng thủ hay tấn công không dễ dàng phân biệt được. Liệu thế “tiến thoái lưỡng nan” về an ninh có thể tránh được? Quả thực, rất có thể không. Cộng đồng quốc tế là một hệ thống hỗn loạn, vô trật tự. Sự nan giải này đã xuất phát từ giả thiết mỗi quốc gia chỉ có thể được đảm bảo về mặt an ninh nếu như quốc gia đó tương đối mạnh hơn các quốc gia khác. Và như một hệ quả logic, một cuộc chạy đua vũ trang là không thể tránh khỏi.

Các quốc gia, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á đã nhận thức được tình trạng hỗn độn đó. Trên thực tế, các quốc gia Đông Nam Á đã tạo được một cơ chế để giảm thiểu tình huống khó xử về an ninh, đó là thông qua ASEAN. Việc thành lập Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC) đã đánh dấu một mốc quan trọng cho quá trình xử lý nhiều vấn đề trong đó có vấn đề an ninh. Những nỗ lực này của ASEAN cũng đã có từ lâu. Tuyên bố năm 1971 về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập; Hiệp ước về Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) năm 1976 và Tuyên bố DOC năm 2002 là các ví dụ về những nỗ lực để ngăn chặn tình thế lưỡng nan về an ninh.

Rốt cục chính sự tự kiềm chế, một nguyên tắc được ghi trong khoản 5 của DOC, có thể giải quyết được sự nan giải về an ninh. Trong một khu vực có tranh chấp như Biển Đông, lý tưởng nhất là nguyên trạng được duy trì khi tất cả các bên phải tự kiềm chế và chỉ có vậy tình trạng tiến thoái lưỡng nan về an ninh mới kiểm soát được. Việc đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) là một ví dụ tốt. Nhưng cuối cùng, để đạt được COC và duy trì ổn định trong khu vực lại tùy thuộc vào thiện chí và sự tự kiềm chế của các quốc gia.

Ấn Độ cần phải thay đổi cách ứng xử tại Biển Đôngcủa Srikanth Kondapalli 

Cán cân quyền lực đang dịch chuyển nhanh về phía Trung Quốc dù một vài quốc gia trong khu vực đã tranh cãi về chủ quyền với nước này. Ý tưởng con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc cũng nhanh chóng được trang bị thêm nanh vuốt và các sự kiện kịch tích bất ngờ đang diễn ra trong khu vực. Trung Quốc đã và đang theo đuổi chiến lược “bốn pháo đài” kết nối các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, bãi Macclesfield và bãi Scarborough thông qua một hoạt các biện pháp chiến lược, hải quân, không quân và trợ giúp quân sự nhằm kiểm soát khu vực.

Sự chuẩn bị quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông gần đây là toàn diện về bản chất và gây bức xúc.

Trước hết, Trung Quốc triển khai tên lửa sát thủ đạn đạo chống tàu tầm bắn 3.000 km DF-21. Thêm vào đó, các tàu ngầm hạt nhân chiến lược 094 đã tiến hành các chuyến tuần tra phía Tây Thái Bình Dương cuối năm 2015.

Hai là, Trung Quốc triển khai tàu khu trục tên lửa thứ ba của lớp 052 D mới nhất tại Biển Đông cho các nhiệm vụ chống ngầm và phòng không. Tàu ven biển GY-820 lớn nhất của Trung Quốc cũng đã xuất hiện tại đảo Hải Nam, tàu này có thể chở xe tăng, máy bay trực thăng và các thiết bị quân sự khác để hỗ trợ các nhiệm vụ tác chiến trong khu vực.

Ba là, Trung Quốc đang mở rộng sự kiểm soát không phận trong khu vực với các sân bay và các máy bay được triển khai. Các sân bay của Trung Quốc trong khu vực đủ dài để vận hành các máy bay ném bom của mình.

Bốn là, Trung Quốc đang xây dựng các cơ sở hỗ trợ cho các nhiệm vụ lâu dài, đã xây dựng các cầu cảng và các cơ sở dịch vụ, khử muối, nước thải và các trung tâm xử lý dữ liệu, bệnh viện, trường học… để củng cố các tuyên bố chủ quyền.

Việc Trung Quốc hiện đại hóa quân sự tại Biển Đông có những hệ lụy phức tạp tới an ninh quốc tế và khu vực.

Do 55% thương mại của Ấn Độ đi qua khu vực và với 5 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam, sẽ là cần thiết để Ấn Độ theo đuổi lợi ích quốc gia một cách chủ động tại khu vực.

Ấn Độ gần đây đã nâng cấp chính sách “hướng Đông” thành “hành động phía Đông” dù cho đến nay chưa đạt được những bước tiến lớn. Ấn Độ tuyên bố rằng các vấn đề chủ quyền phải được giải quyết thông qua song phương và các biện pháp hòa bình và nhấn mạnh việc giữ cho dòng chảy thương mại không thể bị ngắt quãng sau sự kiện tàu INS Airavat năm 2009. Nhưng tất cả các điều đó không thể thuyết phục được Bắc Kinh.

Ấn Độ cần phải thay đổi cách ứng xử của mình tại khu vực bằng một chính sách chủ động, tích cực lôi kéo được bè bạn và đồng minh, lan tỏa được quan niệm hàng hải với các quốc gia cùng chí hướng, khai thác các cơ sở hỗ trợ hải quân và thiết lập các cam kết thể chế lâu dài cùng có lợi giữa các bên.

Thư ngỏ về lập trường không tham gia vụ kiện của Trung Quốc của Robert Beckman

Ngày 5/3, đại sứ Trung Quốc tại Singapore Trần Hiểu Đông đã có bài bình luận trên Straits Times về lập trường không tham gia của Trung Quốc.

Đầu tiên, ngài đại sứ cho rằng Philippines đã tiến hành vụ kiện mà không hề có sự tán thành của Trung Quốc, trái với nguyên tắc chung của tòa trọng tài: vụ kiện cần có sự chấp thuận của các bên liên quan.  Thực tế, UNCLOS 1982 quy định cụ thể rằng những tranh chấp có liên quan đến diễn giải hay áp dụng UNCLOS khi chưa đạt được thông qua đàm phán, tòa án hay tòa trọng tài đều có thầm quyền chấp thuận yêu cầu phân xử của bất kỳ bên nào mà không cần thiết phải có sự đồng ý của một bên khác.

Thứ hai, ngài đại sứ đã đúng khi tuyên bố rằng Biển Đông là vấn đề về yêu sách chủ quyền đối với các thực thể và tòa trọng tài (PCA) không có thẩm quyền phân xử về vấn đề này. Ông cũng đúng khi cho rằng PCA không có quyền phán xét về tuyên bố loại trừ của Trung Quốc theo điều 298 của UNCLOS về phân định biên giới biển và tính hợp pháp về các hoạt động quân sự. Tuy nhiên, theo quy định, PCA có thẩm quyền đối với tranh chấp hiện nay trong vấn đề diễn giải hay áp dụng UNCLOS bởi đây là các vấn đề không liên quan đến chủ quyền hay phân định biển giới biển. Trong phán quyết tiếp theo, PCA sẽ quyết định liệu các điều mà Philippines đưa ra có nằm ngoài thầm quyền của tòa hay không do chúng nằm trong tuyên bố loại trừ của Trung Quốc. UNCLOS đã quy định rõ rằng, tòa án mới là cơ quan quyết định cuối cùng về các tuyên bố loại trừ khi áp dụng vào tình huống cụ thể chứ không phải quyết định của một quốc gia.

Thứ ba, ông Trần cho rằng Trung Quốc đã thực hiện đúng “quyền” của mình khi không tham gia vụ kiện. Nhưng UNCLOS lại không có một điều khoản nào về “quyền” không tham gia khi phát sinh một vụ kiện chống lại mình. Thay vào đó, UNCLOS quy định rằng, các bên tranh chấp có nghĩa vụ tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình phân xử của PCA. Và việc một bên không tham gia vào vụ kiện sẽ không hề ảnh hưởng đến quyết định của tòa và tiến trình phân xử vẫn sẽ được tiến hành.

Thứ tư, ngài đại sứ cho rằng, Philippines đã tiến hành vụ kiện trong khi vẫn chưa sử dụng hết các biện pháp đàm phán song phương, do đó PCA cần xem xét khía cạnh này và tòa đã đưa ra phán quyết về thẩm quyền trong vụ Philippines một cách vội vàng. Nhưng trên thực tế, quyết định của tòa là phù hợp với thẩm quyền. Có nhiều án lệ cho trường hợp này, chẳng hạn như vụ  cải tạo đảo giưa Malaysia và Singapore cho thấy, khi một quốc gia nhận thấy đàm phán không đem lại kết quả thì họ có quyền sử dụng đến các điều khoản giải quyết tranh chấp.

Thứ năm, theo ông Trần thì tuyên bố về thẩm quyền của tòa đã làm suy yếu tình trạng và hiệu quả của DOC bởi tòa đã cho rằng DOC không phải là một hiệp định pháp lý ràng buộc mà chỉ là một văn bản chính trị. Đa số các nhà quan sát cũng có chung quan điểm này. Thực tế thì đây là lý do mà các quốc gia ASEAN đã kêu gọi Trung Quốc sớm thông qua văn bản pháp lý ràng buộc COC.

Cuối cùng, ông đại sứ Trần cho rằng, phán quyết năm 2015 của tòa về thẩm quyền là trái pháp luật, không có hiệu lực đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, UNCLOS quy định rõ là phán quyết của tòa là quyết định cuối cùng, không được phép kháng cáo và các bên cần tuân theo.

Sách trắng quốc phòng Úc 2016: ASEAN và Biển Đôngcủa Ristian Atriandi Supriyanto

Sách trắng quốc phòng Úc 2016 (DWP) có thể hé lộ chính sách chiến lược tương lai đối với an ninh Đông Nam Á, đặc biệt là Biển Đông.

Sự tiếp nối…

So với các bản DWP trước thì DWP năm nay phản ánh tính tiếp nối trên 3 khía cạnh chính:

Thứ nhất, DWP lên danh mục những lợi ích quốc phòng chiến lược của Úc, đó là: (i) an ninh các tuyến đường phía bắc và các tuyến giao thương cận kề của Úc; (ii) an ninh khu vực lân cận: Đông Nam Á và nam Thái Bình Dương; (iii) ổn định khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và một trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ.

Thứ hai, DWP 2016 khẳng định lại những ưu tiên chiến lược biển khi tập trung điểm yếu trên không và trên biển dọc theo phía bắc của Úc. Năng lực biển sẽ là trọng tâm, đặc biệt là tàu ngầm.

Thứ ba, DWP 2016 cũng lặp lại hai bản DWP trước đó khi nhấn mạnh đến lĩnh vực “biển Đông Nam Á”, khu vực “sẽ luôn có tác động lớn đến an ninh Úc”.

 …những thay đổi

Thứ nhất, dù tất cả lợi ích quốc phòng chiến lược đều rất quan trọng, DWP 2016 lại đặt trong tâm lớn hơn ở khía cạnh thứ hai khi cho rằng “việc Úc phụ thuộc vào thương mại biển và khắp Đông Nam Á đồng nghĩa an ninh đối với các tuyến đường biển và thương mại ở Đông Nam Á cần phải được bảo vệ và phải đảm bảo về tự do hàng hải…”. DWP cho rằng không nơi nào mà “tự do hàng hải” lại bị thách thức và tác động lớn đến Úc như ở Biển Đông. Đây chính là khía cạnh khác biệt thứ hai của DWP 2016 so với các bản trước. Trọng tâm của DWP 2016 được nêu một cách trực diện chưa từng có tiền lệ: “Úc không đứng về bên nào trong tranh chấp nhưng quan ngại về các hoạt động bồi đắp và cải tạo làm gia tăng căng thẳng khu vực”, cụ thể là “quy mô và tốc độ chưa từng có tiền lệ của Trung Quốc”. Điểm khác biệt thứ ba: phản ứng quyết đoán của Úc trong hoạt động FONOP phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông và các biện pháp đề phòng tác động đối với hoạt động hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.

Những tác động đối với khu vực

Lợi ích chiến lược của Úc ở Đông Nam Á có thể tạo ra thêm nhiều cơ hội hợp tác quốc phòng: thông qua Úc để tiếp cận với công nghệ và thông tin quốc phòng của Mỹ; hợp tác song phương và đa phương. Với vai trò là cường quốc tầm trung, việc hợp tác quốc phòng với Úc sẽ ít mang tính nhạy cảm hơn so với Mỹ.

Tuy nhiên phản ứng quyết đoán của Úc cũng có thể mang lại những rủi ro. Câu hỏi chính đặt ra là chính sách của Úc chủ yếu dựa trên lợi ích sống còn của Úc hay chỉ là phản ánh chính sách của Mỹ với tư cách là một đồng minh. Dù lợi ích chiến lược của một số nước ASEAN có thể ngày càng gắn kết với Úc, nhưng về tổng thể các quốc gia ASEAN vẫn giữ thái độ thận trọng trước cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, điều có thể làm xói mòn tính đoàn kết của khối. Ở cấp độ hoạt động, những tính toán sai lầm sẽ ảnh hưởng đến an ninh khu vực. Dù đã nỗ lực hết mình nhưng việc kiểm soát leo thang căng thẳng của FONOP vẫn chưa thực sự được rõ ràng.

Vũ khí lạc hậu ảnh hưởng đến khả năng tác chiến của các nước Đông Nam Ácủa Wu Shang-su

Ngoài Singapore và Brunei do đầu tư mạnh tay và quy mô các lực lượng vũ trang tương đối nhỏ nên có thể tiếp tục quản lý tốt vòng đời của trang thiết bị quân sự của mình. Tuy nhiên, hầu hết quân đội các nước Đông Nam Á khác đang đối mặt với nguy cơ “lão hóa” vũ khí ở các mức độ khác nhau do đa số các loại vũ khí này đều được để lại từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hiện nay, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Thái Lan đã hiện đại hóa một số thiết bị phòng thủ một cách có chọn lọc, chẳng hạn như máy bay chiến đấu, tàu ngầm... song quân đội các nước này vẫn đang vận hành nhiều thiết bị đã lạc hậu, đặc biệt là các hệ thống vũ khí mặt đất.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã tạo ra khoảng cách về năng lực và loại bỏ các hệ thống vũ khí lỗi thời dễ bị tổn thương. Ở “đấu trường” trên không, các loại vũ khí ngoài tầm nhìn (BVR) kết hợp với hệ thống cảnh báo trên không và chỉ huy (AWACS) khiến cho các máy bay chiến đấu thế hệ thứ hai và thứ ba rất dễ bị tổn thương. Trên biển, tên lửa chống tàu tầm xa kết hợp với các rađa giám sát vượt đường chân trời sẽ khiến các tàu chiến với hệ thống pháo/tên lửa phòng thủ lạc hậu rơi vào tình huống rất nguy hiểm. Trên mặt đất, các xe vũ trang không có lớp áo giáp bảo vệ hoặc các thiết kế hiện đại khác thì sẽ dễ dàng trở thành “quan tài sắt” nếu đối thủ có vũ khí chống tăng. Pháo tầm ngắn không có khả năng định vị nhanh chóng và tính di động cao nên sẽ dễ dàng bị vô hiệu hóa bởi các cuộc tấn công trả đũa. Các thiết bị cũ kỹ thiếu kết nối mạng sẽ là trở ngại lớn trong việc khớp lệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả chiến đấu. Hơn nữa, hệ thống lỗi thời thường làm tăng gánh nặng hậu cần của lực lượng vũ trang, khiến các lực lượng luôn phải trong tư thế sẵn sàng, nâng cao cảnh giác và lo lắng về độ an toàn của các vũ khí.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và Đông Nam Á có được một bầu không khí tương đối hòa bình, các lĩnh vực quan trọng khác, như giáo dục, y tế, an sinh xã hội... đã khiến ngân sách dành cho quốc phòng bị thu hẹp đáng kể. Dù kinh tế Đông Nam Á đang phát triển mạnh và ngân sách quốc phòng tăng nhưng các quốc gia trong khu vực hầu như vẫn chưa hiện đại hóa quân sự toàn diện.Việc hiện đại hóa các hệ thống vũ khí một cách có chọn lọc lại dựa trên các ưu tiên chiến lược, chẳng hạn như lĩnh vực chiến tranh trên biển. Ngược lại, “vòng đời” của các hệ thống vũ khí khác, chủ yếu là các hệ thống vũ khí mặt đất, đã dần bị lãng quên.

Về mặt tích cực, sự hạn chế của các kho vũ khí lỗi thời có thể thuyết phục các nước trong khu vực không dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp, hoặc ít nhất là ngăn chặn chạy đua vũ trang. Tuy nhiên, khi đối mặt với sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc, các kho vũ khí lão hóa hiện là một lỗ hổng lớn và có thể đặt các nước Đông Nam Á vào một vị trí thấp hơn trong đàm phán với Bắc Kinh./.