Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Đài Loan tuyên bố không có hợp tác với Trung Quốc ở Biển Đông. Cơ quan Ngoại giao Đài Loan ngày 4/4 cho biết Đài Loan có chính sách đối ngoại của riêng mình và sẽ không tham gia các hoạt động hợp tác với Trung Quốc hoặc hành động vì quyền lợi của Trung Quốc trong các vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, nỗ lực hòa bình lâu dài của Đài Loan ở Biển Đông đã chứng minh với thế giới về quyết tâm bảo vệ chủ quyền và các quyền đối với vùng biển. Đài Loan đưa ra lời giải thích này sau khi một số bình luận cho rằng động thái gần đây của Đài Loan là phục vụ lợi ích của Trung Quốc.

Trung Quốc chính thức vận hành trạm hải đăng tại đá Xu Bi ở Trường Sa. Bộ giao thông vận tải Trung Quốc ngày 5/4 ra thông báo đã tổ chức lễ khánh thành và chính thức đưa vào sử dụng ngọn hải đăng xây dựng tại đá Xu Bi. Ngọn hải đăng Chử bích có hình trụ, cao 55 m, phát ánh sáng trắng trong phạm vi 22 hải lý, chu kỳ phát sáng là 5 giây. Theo phía Trung Quốc, ngọn hải đăng này kết hợp cùng hai ngọn hải đăng Trung Quốc xây dựng trước đó tại đá Châu Viên và Gạc Ma sẽ giúp Trung Quốc thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế, ngăn chặn các thảm họa thiên nhiên, bảo vệ môi trường biển và đảm bảo an toàn hàng hải.

Trung Quốc bao biện việc vận hành trạm hải đăng ở Trường Sa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm 6/4 tuyên bố: “Trung Quốc đang nỗ lực để cung cấp các dịch vụ công cho hoạt động lưu thông ở Biển Đông, nhằm đảo bảo và tạo thuận lợi cho tự do và hoạt động an toàn hàng hải trong khu vực.” Về việc những năm gần đây, thường có những vụ đối đầu giữa tàu cá các nước, một số vụ việc liên quan đến lực tuần duyên và cả lực lượng quân sự của Trung Quốc, ông Lục hôm 7/4 cho hay, “Hợp tác nghề cá là phần quan trọng trong hoạt động hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng. Một cách tiếp cận hiệu quả đã được thúc đẩy là giải quyết tranh chấp thông qua tham vấn hữu nghị. Về những vụ va chạm ở trên, các quốc gia liên quan và Trung Quốc cần giải quyết qua tham vấn hữu nghị.” Trong cuôc họp báo tiếp theo hôm 8/4, về việc Việt Nam yêu cầu Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 và không tiến hành kế hoạch thăm dò dầu khí tại các vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ mà hai bên chưa phân định, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng, “Hoạt động của giàn khoan 981 tại vùng biển không có tranh chấp và đó là một hoạt động thăm dò thương mại bình thường. Trung Quốc hy vọng bên liên quan có quan điểm khách quan và hợp lý về vấn đề này.

Quân đội Trung Quốc dự định đưa người ra thăm trái phép Hoàng Sa. Tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc PLA Daily hôm 7/4 thông báo về việc cho ba độc giả của tờ báo đi cùng hải quân ra thăm quần đảo Hoàng Sa trong tháng này. Theo đó, các độc giả của báo PLA Daily phải đăng bình luận về quần đảo trên ứng dụng điện thoại di động của PLA Daily hoặc trên tài khoản mạng xã hội Wechat hoặc Weibo của tờ báo. Một đại diện của PLA Daily cho hay ba người được chọn sẽ tham gia hành trình dài ba ngày, đi trên tàu hải quân. Các phóng viên hãng Xinhua, CCTV và People's Daily cũng sẽ tham gia hành trình này.

Trung Quốc đề nghị G7 không được thảo luận về vấn đề Biển Đông. Ngay trước thềm Hội nghị G7 tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng hai nước thành viên G7 là Anh và Đức. Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Anh Philip Hammond tại Bắc Kinh ngày 9/4, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đề nghị Hội nghị Ngoại trưởng G7 không nên đề cập vấn đề Biển Đông, và nước Anh cần “có lập trường công bằng và khách quan và không được đứng về bên nào trong vấn đề Biển Đông.” Cùng ngày, phát biểu trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Đức Steinmeier sau khi kết thúc Đối thoại chiến lược an ninh và ngoại giao Trung- Đức lần thứ 2 tại Bắc Kinh, ông Vương Nghị cho rằng, “G7 cũng giống G20 chỉ nên thảo luận những vấn đề kinh tế và phát triển. Nếu có quốc gia nào đó vì mục đích chính trị đưa các vấn đề tranh chấp và những vấn đề do lịch sử để lại vào Hội nghị G7 là không thể chấp nhận được. Điều này không có ích cho giải quyết vấn đề mà ngược lại ảnh hưởng đến cục diện ổn định trong khu vực”.

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào Vịnh Bắc Bộ. Ngày 7/4/2016, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho hay: “Theo thông tin từ các cơ quan chức năng Việt Nam, từ tối 3/4, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã di chuyển đến vị trí có tọa độ 17 độ 3 phút 12 Bắc - 110 độ 04 phút 18 Đông, để tác nghiệp. Đây là khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ mà Việt Nam và Trung Quốc đang tiến hành đàm phán phân định. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch khoan giếng và rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực này, không có thêm các hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình. Về việc Trung Quốc đưa vào hoạt động trạm hải đăng trên đá Xu Bi, ông Lê Hải Bình tuyên bố: Hành động nêu trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, là bất hợp pháp và vô giá trị.” Chiều 7/4, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối.

+ Philippines:

Tổng thống Philippines cảnh báo về sự thờ ơ đối với tranh chấp khu vực. Phát biểu trong một sự kiện hôm 9/4, Tổng thống Philippines Benigno Aquino khẳng định: Bài học quan trọng nhất chúng ta có được từ Thế chiến II là gì? Hiển nhiên là, trong bối cảnh phức tạp và hỗn loạn, bất kỳ quốc gia tự do nào - dù không liên quan trực tiếp đến xung đột - cũng không thể dửng dưng. Nếu chúng ta không giải quyết tận gốc vấn đề thì tình hình sẽ diễn biến tồi tệ, cho đến lúc không quốc gia nào có thể tránh né được. Theo ông Aquino, “Chúng ta đang sống và cùng chia sẻ một thế giới, đó là lý do tại sao vấn đề của một nước là vấn đề của tất cả các nước khác. Nếu để thách thức ngày càng gia tăng thì cuối cùng, tất cả sẽ đều bị ảnh hưởng tiêu cực.”

+ Singapore:

Singapore kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông. Phát biểu trước quốc hội nước này hôm 7/4, Ngoại trưởng Singapore ông Vivian Balakrishnan tuyên bố, “Chúng ta thúc giục các bên tranh chấp ở Biển Đông có hành động kiềm chế, không sử dụng vũ lực hay biện pháp quân sự để giải quyết tranh chấp. Tất cả sẽ đều thua cuộc nếu để căng thẳng leo thang. Do vậy, điều quan trọng là phải duy trì đối thoại cởi mở về những mối quan ngại chung, không để những vấn đề tranh cãi làm ảnh hưởng đến quan hệ tổng thể giữa ASEAN với Trung Quốc”. Trong khuôn khổ DOC, Bộ Ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc đã bắt đầu xúc tiến thành lập đường dây nóng về cho những tình huống khẩn cấp trên biển, Theo ông Balakrishnan, Singapore cũng đề xuất mở rộng Bộ Quy tắc ứng xử cho những tình huống bất ngờ trên biển (CUES) đối với cả tàu hải quân và tàu cảnh sát biển của ASEAN và Trung Quốc, “Việc này sẽ gửi tín hiệu tích cực về cam kết của đôi bên, nhằm ngăn chặn thiệt hại về người và của, qua đó bảo đảm hòa bình và ổn định trên Biển Đông”.

+ Indonesia:

Indonesia đẩy mạnh cuộc chiến chống đánh bắt cá trái phép. Bộ Biển và Nghề cá Indonesia hôm 5/4 thông báo về kế hoạch đánh chìm 30 tàu cá nước ngoài, đa số là tàu của Malaysia và Việt Nam, sau khi tòa tuyên án về các hoạt động đánh bắt cá trái phép của những tàu này. Theo số liệu của Bộ này, từ tháng 11/2014, 153 tàu nước ngoài trong đó có 1 tàu của Trung Quốc đã bị đánh chìm. Trong khi đó, Bộ trưởng Biển và Nghề cá Susi Pudjiastuti nhắc lại sẽ tiếp tục gửi thư lần thứ hai để yêu cầu Trung Quốc trao tàu cá Kway Fey cho nhà chức trách Indonesia xử lý. Bà Susi cho biết thủy thủ tàu Kway Fey sẽ được trao trả cho phía Trung Quốc, riêng thuyền trưởng, thợ máy và chủ tàu sẽ bị giữ lại để phục vụ cho công tác điều tra.

Indonesia hạ thuỷ bốn tàu kiểm ngư mới. Ngày 8/4, tại cảng Tanjung Priok, Indonesia đã tổ chức lễ hạ thuỷ 4 chiếc tàu kiểm ngư mới của nước này. Bộ trưởng Ngư nghiệp Susi Pdjiastuti nói: “Chúng tôi muốn những tàu kiểm ngư này góp phần bảo vệ vùng biển của Indonesia trước những kẻ đánh cá bất hợp pháp.” Những tàu này dự kiến sẽ hoạt động ở Biển Arafuru giữa Papua New Guinea và Úc, dọc theo vùng biển ngoài khơi Sulawesi và quần đảo Nantuna, nơi xảy ra nhiều vụ đối đầu giữa tàu cá của Indonesia và Trung Quốc.

+ Pháp:

Pháp phản đối hành vi gây căng thẳng trên biển. Trong khuôn khổ chuyến công du tới Nhật Bản để tham dự Hội nghị cấp Ngoại trưởng nhóm G7, Ngoại trưởng Pháp Jean - Marc Ayrault ngày 9/4 đã có cuộc phỏng vấn với báo Nikkei. Về vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Pháp không nêu đích danh Trung Quốc nhưng nhấn mạnh rằng quyền tự do hàng hải chiếu theo luật pháp quốc tế phải được tôn trọng. Paris phản đối “hành động hành động làm gia tăng căng thẳng” và kêu gọi các quốc gia liên quan “giải quyết hòa bình tranh chấp”.

+ EU:

EU bày tỏ quan ngại về tranh chấp Biển Đông. Phát biểu tại một diễn đàn tại Bắc Kinh hôm 6/4, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Cơ quan đối ngoại EU (EEAS) ông Gunnar Wiegand tuyên bố: “Những diễn biến gần đây trên Biển Đông rất đáng quan tâm. An ninh kinh tế của châu Âu gắn bó mật thiết với an ninh và ổn định ở khu vực với khoảng 50% hoạt động thương mại của thế giới đi qua vùng biển này. Chúng tôi không đứng về bên nào trong các tranh chấp. Tuy nhiên, EU cam kết tuân thủ trật tự biển dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982”. ng tại diễn đàn này, cố vấn các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương của EEAS ông Michael Reiterer cho hay các thành viên của EU mong muốn các bên liên quan tôn trọng UNCLOS, “Chúng tôi có lợi ích trong việc các bên tuân thủ luật pháp, bao gồm UNCLOS. Đông thời cả Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á.”

Quan hệ các nước

Trung Quốc tuyên bố Mỹ-Trung xoa dịu căng thẳng Biển Đông. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 4/4 cho hay cuộc gặp hôm 31/3 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị Thượng đnh hạt nhân đã giúp giảm căng thẳng vào thời điểm một số nước đang “thổi phồng” vấn đề Biển Đông, “Người Mỹ nói không đứng về bên nào trong chấp, vậy đây không nên là vấn đề trong quan hệ Trung - Mỹ. Quan hệ hai bên không nên bị ảnh hưởng bởi những vấn đề lịch sử giữa Trung Quốc và một số đồng minh của Mỹ.” Trong cuộc gặp dài 90 phút, ông Tập cũng thừa nhận Trung-Mỹ có những bất đồng trong một số vấn đề và hai bên cần tôn trọng những quan ngại của nhau, tìm kiếm giải pháp thông qua đối thoại.

Nhật Bản cử tàu chiến tới Indonesia tập trận chung. Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (MSDF) hôm 5/4 thông báo sẽ cử tàu khu trục Ise tới tham gia cuộc tập trận quốc tế Komodo do Hải quân Indonesia tổ chức từ ngày 12-16/4. Tư lệnh MSDF Đô đốc Tomohisa Takei cho biết ông hy vọng sự tham gia sẽ cải thiện kỹ năng chiến thuật của Nhật và giúp tăng cường hiểu biết và lòng tin giữa các nước tham gia. Tàu khu trục Ise cũng có kế hoạch thăm cảng Subic của Philippines, nơi cũng vừa tiếp đón tàu ngầm Oyashio của MSDF hôm 2/4.

Hải quân Thái Lan bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam. Sáng 7/4, Hải quân Thái Lan tổ chức họp báo về việc bắt giữ 5 tàu cá của Việt Nam cùng 37 ngư dân vì tội đánh bắt cá trái phép trên khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này.  Phát biểu tại cuộc họp báo, Chuẩn Đô đốc Watson Booneung, Phó Tư lệnh Vùng I Hải quân Hoàng gia Thái Lan cho hay các tàu cá và ngư dân này bị bắt giữ ngoài khơi tỉnh Trat của Thái Lan, giáp với Campuchia. Từ ngày 3-7/4, Hải quân vùng I Thái Lan đã bắt giữ tổng cộng 11 tàu cá cùng 102 ngư dân Việt Nam đánh cá trái phép. Ngày 9/4, lực lượng Hải quân Vùng 2 của Thái Lan tiếp tục bắt giữ thêm ba tàu cá và 33 ngư dân tỉnh Kiên Giang của Việt Nam. Hiện các tàu cá và ngư dân đã được đưa về giam ở tỉnh Songkhla. Từ đầu năm tới nay, Hải quân vùng 2 Thái Lan đã bắt giữ 17 tàu cá Việt Nam xâm phạm lãnh hải, nâng tổng số tàu cá bị giữ ở đây lên 34 tàu cùng 221 ngư dân.

Phân tích và đánh giá

Đã đến lúc Mỹ cần một chiến lược mới ở Biển Đông” của Harry Kazianis

Trước tiên cần phải thừa nhận thất bại trong chính sách định hình sự trỗi dậy của Trung Quốc và cả việc hy vọng nước này sẽ không thách thức nguyên trạng. Giờ Mỹ phải làm tất cả để ngăn chặn Bắc Kinh thay đổi nguyên trạng. Chiến lược đó gồm 6 phần cơ bản như sau:

1. Kiểm soát thông điệp (và không từ bỏ thông điệp)

Bắt đầu bằng thông điệp “rõ ràng” lặp đi lặp lại xuyên suốt. Điều đó sẽ nêu rõ được mục đích chính trị và ý định cốt yếu của Mỹ ở Châu Á.

2. Thông qua con đường luật pháp

Khuyến khích đồng mình và bạn bè ở Biển Đông giải quyết mọi tranh chấp trong đó không liên quan đến Trung Quốc; đảm bảo sự đoàn kết và đa phương để đối phó với hành vi cưỡng ép của Trung Quốc; khuyến khích các quốc gia phối hợp nỗ lực để kiện Trung Quốc lên các tòa án quốc tế.

3. Chiến dịch hạ thấp uy tín của Trung Quốc

Khuyến khích các quốc gia ghi hình những vụ đụng độ với Trung Quốc trên biển (các vụ đâm tàu cá, va chạm với lực lượng bảo vệ bờ biển, đối đầu trên không) và phát rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội

4. A2/AD: Phiên bản của Mỹ

Mỹ có thể hỗ trợ các quốc gia yêu sách ở Biển Đông phát triển hay mua các loại vũ khí chống tàu hiện đại. Ngoài ra, các bên cũng có thể mua vũ khí tấn công mặt đất và chống tàu từ một bên thứ ba hay các bên cùng hợp tác sản xuất.

5. Chiến lược hòa bình xanh

Trung Quốc đã phá hỏng hệ sinh thái tự nhiên tại nhiều vùng biển ở Biển Đông. Do đó, chính phủ Mỹ cần phải cung cấp nhiều thông tin hơn về thực trạng này, đồng thời cung cấp cho các tổ chức môi trường những thông tin chi tiết về hoạt động phá hủy môi trường của Bắc Kinh.

6. Buộc Bắc Kinh phải lưu ý

Các ấn phẩm gần đây đã cho thấy có sự thay đổi đáng kể trong cách suy nghĩ của nhiều học giả Mỹ chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, đó là nếu Trung Quốc đang mưu toan làm thay đổi trật tự quốc tế tại châu Á sao cho có lợi cho những tham vọng của họ, vậy tại sao Mỹ phản tiếp tục tôn trọng những lợi ích cốt lõi của họ? Chẳng hạn, nếu Đài Loan muốn tăng cường quân sự bằng cách trang bị thêm các tàu ngầm thông thường mới hay mua máy bay F16, hoặc thậm chí F35 được nâng cấp, Washington nên giúp hòn đảo này. Thậm chí, Mỹ có thể nêu khả năng ký kết một loạt thỏa thuận bán vũ khí cho Việt Nam và Philippines nhằm mục đích tạo ra một đấu trường công bằng.

 Các lựa chọn chiến lược của Indonesia và Trung Quốcbài xã luận trên East Asia Forum

Indonesia dường như đã sẵn sàng tăng cường sức ép về ngoại giao cũng như chủ quyền biển với Trung Quốc sau vụ việc va chạm gần đây giữa tàu hải cảnh Trung Quốc với tàu tuần tra Indonesia tại quần đảo Natuna của Indonesia ở Biển Đông. Việc Indonesia bắt giữ một tàu cá Trung Quốc do vi phạm lãnh hải của Indonesia làm nảy sinh một loạt vấn đề, vừa bộc lộ yếu tố nhạy cảm trong chiến lược biển của Indonesia, vừa có thể làm xấu đi quan hệ với đối tác quan trọng của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á.

Khác với các lần trước, sự cố lần này liên quan đến một tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc hầu như đã xâm nhập vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Bunguran (Besar Natuna). Trung Quốc không phản đối tuyên bố chủ quyền của Indonesia tại Natuna, nhưng Trung Quốc khẳng định ngư dân Trung Quốc có quyền đánh bắt cá truyền thống nơi đây.

Thời điểm hiện nay khá nhạy cảm về mặt chiến lược trong mối quan hệ Trung Quốc - Indonesia, khi chính quyền Jokowi đang ra sức thực hiện học thuyết Trục biển toàn cầu. Sự thành công của Trục biển này phụ thuộc vào sự phát triển của chiến lược kết nối biển, với vị trí địa lý quần đảo Indonesia được xem như nền tảng của tư duy chiến lược. Chiến lược này phải dựa trên các nguyên tắc chính sách đối ngoại và chính sách biển của Indonesia.

Các cuộc cãi vã xung quanh vấn đề Natuna đang leo thang hiện nay là do cách hiểu khác nhau trong việc áp dụng luật biển quốc tế. Cụ thể: 1) Đối với Jakarta, các tàu bị coi là đánh bắt cá trái phép nếu hoạt động trong EEZ của Indonesia, bởi vì Indonesia có quyền chủ quyền bất tranh cãi và quyền tài phán trên vùng biển này; 2) Đối với Bắc Kinh, tàu Trung Quốc “thực hiện các hoạt động bình thường” trong “ngư trường truyền thống Trung Quốc” trong đường chín đoạn.

Cơ sở pháp lý của hai nước là Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc 1982 (UNCLOS). Nhưng mỗi bên hiểu và vận dụng Công ước này theo cách khác nhau.

Phần lớn sự ủng hộ nghiêng về phía Jakarta. Tuy nhiên, vẫn có một vài điểm Trung Quốc có thể dựa vào. Đó là: 1) Luật biển quốc tế công nhận lịch sử là cơ sở cho các quyền lợi trong vùng biển nửa kín mặc dù phạm vi của quyền tài phán gắn liền với quyền dựa trên phong tục địa phương trong vùng EEZ của một quốc gia khác như thế nào lại chưa quy định rõ ràng; 2) Các quốc gia có thể đòi hỏi quyền bổ sung đối với UNCLOS thông qua thỏa thuận song phương hoặc tập quán địa phương; 3) Những “quyền đánh bắt cá lịch sử” bổ sung này được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế ngoài UNCLOS, có giá trị như nhau khi áp dụng trong từng khu vực, có thể bao gồm cả EEZ Natuna của Indonesia.

Đây không phải lúc cho ngoại giao “la làng” của Trung Quốc về một vấn đề phát sinh tại một thời điểm dễ làm tổn thương ngoại giao Indonesia. Điều này vô tình có thể thay đổi môi trường địa chính trị trong khu vực Đông Nam Á theo cách phản tác dụng trong quan hệ mang tính xây dựng giữa Trung Quốc với không chỉ Indonesia mà toàn bộ khu vực.

Phương thức đối phó linh hoạt trong vấn đề Biển Đông” của Trương Minh Vũ Ngô Di Lân

Trung Quốc vẫn luôn kiên định theo đuổi một chiến lược dài hạn duy nhất với mục tiêu cuối cùng là kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Chiến lược này có năm tính chất cốt lõi.

Thứ nhất, mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất mà Trung Quốc hướng tới đó là tìm cách từng bước dần thay đổi hiện trạng lãnh thổ các đảo ở Biển Đông.

Thứ hai, chiến lược của Bắc Kinh được xây dựng dựa trên nền tảng ngoại giao toàn diện, khéo léo tận dụng những thế mạnh sẵn có của mình từ sức mạnh quân sự cho đến kinh tế để gây sức ép trên bàn đàm phán cấp cao.

Thứ ba, dựa trên các hành động khiêu khích ở quy mô nhỏ nhưng có tần suất liên tục ở nhiều địa điểm khác nhau. Điều này giúp Trung Quốc kéo giãn khả năng ứng phó quân sự của đối phương, kiểm soát được tình hình không để gây ra những leo thang căng thẳng quá mức, ngăn chặn được sự đoàn kết từ các quốc gia.

Thứ tư, Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh tính chất “song phương” của tranh chấp để tránh sự can thiệp của các cường quốc khác như Mỹ hoặc Nhật Bản dưới vai trò bảo vệ phe yếu hơn.

Cuối cùng, chiến lược của Trung Quốc chủ yếu gây sức ép bằng cách phô trương sức mạnh nhiều hơn là hơn sử dụng quân sự sát thương hay cố tình kích động một cuộc xung đột vũ trang toàn diện.

Chiến lược mà Bắc Kinh sử dụng được gọi với cái tên "lát cắt salami", theo đó những động thái của Trung Quốc tuy vụn vặt, nhỏ lẻ nhưng sẽ được tích tụ lại dần dần và theo thời gian bức tranh chiến lược Biển Đông sẽ có sự thay đổi đáng kể theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Để đối phó với chiến lược “lát cắt salami”, Mỹ sẽ cần phải có một kế hoạch phản ứng linh hoạt và tương xứng với quy mô leo thang hành động “nhỏ lẻ” mà Trung Quốc theo đuổi. Mỹ nên tiến hành các hành động độc lập không gây ảnh hưởng đến các tranh chấp ở Biển Đông và phù hợp với luật pháp quốc tế nhưng có chung lợi ích được đơn phương hoặc đa phương ủng hộ.Các hành động của Mỹ cũng nên nhắm trúng mục tiêu thay vì ôm đồm và bừa bãi. Điều này là hết sức quan trọng bởi nó sẽ giúp hạn chế mối quan hệ giữa hai quốc gia có thể trở nên tồi tệ. Các phản ứng từ phía Mỹ cũng phải tương xứng với quy mô hành động của Trung Quốc. Ví dụ như, thay vì áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế mạnh mẽ đối với Trung Quốc, Mỹ không nên nhắm vào chính phủ Trung Quốc để chỉ trích mà tập trung chỉ rõ ra ai và công ty nào là người tham gia vào quá trình xây dựng đảo trái phép trên Biển Đông.

Cuối cùng, các phản ứng của Mỹ cần phải được thực hiện ngay lập tức mỗi khi hành động leo thang của Trung Quốc vừa triển khai được cho là sẽ gặt hái được những lợi ích tiềm năng. Ngoài ra, để ngăn chặn việc Trung Quốc tiếp tục thay đổi hiện trạng Biển Đông và quân sự hóa trên các đảo thuộc chủ quyền của các nước trong khu vực, Washington cần gửi một tín hiệu răn đe rõ ràng đến Bắc Kinh.

Một chiến lược phản ứng linh hoạt sẽ cho Trung Quốc thấy được rằng những hành vi phá hoại sẽ bị trả giá.

Úc phải đối phó với ‘lực lượng ngư dân áo xanh’ của Trung Quốc” của Tom Hanson

Đội tàu đánh bắt cá được quân sự hoá của Trung Quốc có sự tương đồng với “lực lượng áo xanh dương” của Nga. Việc bảo vệ “những diễn viên vô tội” này khỏi giới chức địa phương chỉ là sự kiện mới nhất trong đó lực lượng hải cảnh Trung Quốc (CCG) được quyền thực hiện các hành vi cứng rắn kiểu chiến tranh.

Trong vụ việc này, Indonesia đã bắt giữ tàu cá Trung Quốc Kway Fey với cáo buộc đánh bắt trong vùng EEZ của Indonesia. Các cơ quan chức năng Trung Quốc đã can thiệp để ngăn Indonesia thực thi pháp luật trong vùng EEZ của mình.

Thực tế, các nhà quan sát chỉ ra rằng Trung Quốc đang nỗ lực thể hiện sự kiểm soát ở Biển Đông như một “sự đã rồi” nhằm triển khai cái mà Trung Quốc mô tả như “hệ thống phòng thủ” ở Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài ra, Trung Quốc đã và đang tăng cường vai trò “vùng xám” cho cả lực lượng CCG và lực lượng bán quân sự hải quân. Trung Quốc đang tiến hành tăng cường và mở rộng vai trò của lực lượng dân quân trên biển. Vốn được lâp ra để tăng cường dự bị cho hải quân, nhưng kể từ năm 2012, lực lượng dân quân được gắn thêm thêm nhiệm vụ “bảo vệ các quyền”. Ngoài ra, đội tàu đánh cá của Trung Quốc có sự gắn kết chặt chẽ với Cơ quan thực thi pháp luật nghề cá của Dân quân biển.  Điều này lý giải tại sao các phản ứng của CCG gần đây đối với vụ bắt giữ tàu Kway Fey lại nhanh đến thế, con tàu nhiều khả năng được gắn một máy phát tín hiệu cấp quân đội kết nối trực tiếp với nhà chức trách Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc có thể nhanh chóng xác định bất kỳ va chạm nào trên biển giữa ngư dân của họ với nước khác. Ví như, nếu Indonesia lại bắt tàu cá Trung Quốc, Trung Quốc có thể viện Điều 95 UNCLOS để yêu cầu miễn trừ cho tàu của mình vì thuộc sở hữu dân quân biển (tức về mặt kỹ thuật thì đó là tàu chiến). Rõ ràng, với khả năng này sẽ khiến các quốc gia láng giềng của Trung Quốc phải thận trọng.

Trung Quốc đang triển khai một chiến dịch đa diện nhằm thống trị Biển Đông. Úc có lợi ích sống còn trong việc ngăn ngừa điều này và giữ gìn việc thự thi luật pháp quốc tế, vì vậy Úc không còn có thể đứng phía sau và để cho Mỹ gánh vác trọng trách này. Theo tinh thần của Sách Trắng Quốc phòng 2016, Úc nên ngay lập tức đưa ra lời đề nghị hỗ trợ các hoạt động bảo vệ bờ biển của Indonesia và Malaysia trong việc bảo vệ vùng EEZ của họ, hoặc đơn phương, thông qua vai trò thành viên của Australia trong cơ chế Phiên họp người đứng đầu các cơ quan bảo vệ bờ biển châu Á- hay thông qua Cuộc họp nhóm các chuyên gia mới được thiết lập của Diễn đàn Bảo vệ Bờ biển ASEAN. Làm được như vậy sẽ giúp các quốc gia này nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển của mình, đồng thời thể hiện cam kết của chính phủ Turnbull là nhằm đáp ứng tất cả bốn mục tiêu tham gia vào các vấn đề quốc tế đặt ra trong Sách trắng.

“Cuộc bầu cử Tổng thống của Philippines liệu có làm thay đổi chính sách Biển Đông” của Richard Javad Heydarian

Trong khi Philippines đang tiến gần tới cuộc bầu cử tổng thống mới thì đã có những đồn đoán rằng, người kế nghiệm ông Aquino có thể có cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt. Tuy nhiên, trong bối cảnh ở Philippines đang bùng lên tình cảm chống Trung Quốc và sự chú ý đang dồn vào vấn đề Biển Đông cũng như di sản tiêu cực về chính quyền của bà Arroyo (2001-2010), thì tân tổng thống tới đây sẽ không có đủ không gian để điều chỉnh chính sách đối ngoại trừ khi Trung Quốc đưa ra những nhượng bộ rõ ràng và cho thấy hình ảnh một láng giềng thiện chí.

Hiện top 4 ứng cử viên đang bám sát nhau trong cuộc đua tới chức tổng thống là: nữ Thượng nghị sĩ Grace Poe, Phó Tổng tống Binay, Thị trưởng Duterte, và Bộ trưởng Nội vụ Mar Roxas.

Binay là người chủ trường theo đuổi cơ chế hợp tác chung với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Nhưng trong bối cảnh tranh cãi xung quanh di sản của bà Arroyo về dự án Khảo sát Địa chấn chung (JMSU) cũng như những điều tra về tham nhũng đối với ông Binay, tư tưởng này đã vấp phải những chỉ trích và nghi ngại sâu sắc. Ông Duterte cũng có quan điểm tương tự và tuyên bố sẵn sàng đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Trung Quốc. Không dính dáng đến bê bối tham nhũng và với hình ảnh một người mạnh mẽ, ông không gặp vấn đề như Binay. Là những người thực dụng, cả Binay và Duterte đều khảng định tầm quan trọng trong phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Nhưng với Duterte, một người tỏ ra mạnh mẽ và có vẻ gia tăng chống sự mong manh về chính trị, có thể không gặp nhiều vấn đề về tham nhũng, không trở nên thân Trung Quốc hay trở thành phiên bản “Arroyo 2.0”.

Hiện cả Roxas Poe đều thể hiện sẽ tiếp tục chính sách của tổng thống đương nhiệm Aquino thay vì thay đổi mặc dù cả hai đều bày tỏ sẵn sàng mở lại kênh đối thoại cấp cao với Trung Quốc.

Về Hiệp định Hợp tác quốc phòng tăng cường với Mỹ (EDCA), trong khi Binay và Duterte dường như đồng tình thì Poe lại phản đối, bà cho rằng EDCA cần sự phê chuẩn của Thượng viện Philippines, còn Roxas lại im lặng về vấn đề này, nhưng ông được cho là sẽ tiếp tục nỗ lực của ông Aquino về phát triển mối quan hệ an ninh của Philippines với các đồng mình chủ chốt như Mỹ và Nhật Bản.

Tình cảm chống Trung Quốc đã đạt tới đỉnh điểm trong công chúng Philippines và phần lớn đều ủng hộ việc kiềm chế tham vọng của Trung Quốc. Đó sẽ là những hạn chế cơ bản đối với bất kỳ tổng thống nào muốn điều chỉnh lại mối quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, tổng thống tiếp theo cũng sẽ có một số đòn bẩy đối phó với Trung Quốc như có thể xem xét lại phạm vi của EDCA, tận dụng kết quả thuận lợi từ phán quyết của tòa trong vụ kiện để đặt điều kiện thương lượng với Bắc Kinh. Nhưng trong trường hợp không có sự nhượng bộ từ Trung Quốc, tổng thống tiếp theo sẽ không thể thay đổi hiện trạng mối quan hệ mà không vấp phải rủi ro chính trị từ trong nước. Dù ai trở thành tồng thống thì con đường thúc đẩy mối quan hệ song phương sẽ vẫn sẽ là chặng đường chông gai và bất ổn định./.