Biển Đông Tuần Qua (từ 3/7-9/7)
Trung Quốc phản ứng tàu chiến Mỹ áp sát Hoàng Sa; Việt Nam gia hạn hợp đồng thăm dò dầu khí với Ấn Độ; Máy bay ném bom tầm xa của Mỹ bay tới Biển Đông; Hàn Quốc chuyển giao 12 chiến đấu cơ cho Philippines.
Trung Quốc phản ứng tàu chiến Mỹ áp sát Hoàng Sa; Việt Nam gia hạn hợp đồng thăm dò dầu khí với Ấn Độ; Máy bay ném bom tầm xa của Mỹ bay tới Biển Đông; Hàn Quốc chuyển giao 12 chiến đấu cơ cho Philippines.
Động thái của các quốc gia
+ Trung Quốc:
Trung Quốc phản ứng tàu chiến Mỹ áp sát Hoàng Sa. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm hôm 3/7 tuyên bố hành động của tàu chiến Mỹ USS Stethem là hành động “xâm phạm nghiêm trọng” và Trung Quốc đã triển khai máy bay và tàu chiến cảnh báo tàu Mỹ. Theo ông Ngô, “Hành động của Mỹ tổn hại nghiệm trọng tới tin cậy chiến lược và không khí chính trị để tăng cường quan hệ quốc phòng hai nước. Quân đội Trung Quốc sẽ tăng cường khả năng phòng thủ căn cứ mức độ đe dọa an ninh và kiên quyết giữ vững chủ quyền quốc gia.”
Trung Quốc phản đối oanh tạc cơ Mỹ bay qua Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 7/7, Người phát ngôn Cảnh Sảng tuyên bố: “Vấn đề tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông không có vấn đề gì. Trung Quốc luôn tôn trọng và ủng hộ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối việc một số quốc gia phô trương sức mạnh, đe dọa tới chủ quyền và an ninh quốc gia của Trung Quốc nhân danh tự do hàng hải, hàng không.”
+ Việt Nam:
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao thăm chính thức Ấn Độ. Trong chuyến thăm Ấn Độ từ ngày 3/7 đến ngày 5/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã Hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj tại thủ đô New Delhi chiều 4/7. Với vai trò là nước điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ giai đoạn 2015-2018, Việt Nam ủng hộ Ấn Độ tăng cường hợp tác toàn diện và gắn kết hơn nữa với khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj tái khẳng định cam kết của Ấn Độ đối với việc triển khai mạnh mẽ hơn nữa chính sách “Hành động hướng Đông,” trong đó đặt ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng làm trọng tâm. Hai bên tái khẳng định hợp tác nhằm duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương; nhấn mạnh các nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Việt Nam gia hạn hợp đồng thăm dò dầu khí với Ấn Độ ở Biển Đông. Giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí Nhà Nước Ấn Độ ONGC Videsh ông Narendra K. Verma hôm 6/7 cho hay Việt Nam chính thức gởi công văn gia hạn thêm 2 năm giấy phép cho tập đoàn Ấn Độ thăm dò lô 128 ngoài khơi bờ biển miền Trung Việt Nam. Việt Nam cấp phép cho tập đoàn Ấn Độ lần đầu tiên vào năm 2006, sau đó tiếp tục gia hạn, và giấy phép hiện hành đã hết hạn vào giữa tháng 6 năm nay.
Thủ tướng gặp gỡ lãnh đạo nhiều nước, Liên minh châu Âu và WHO. Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20, ngày 8/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. Về vấn đề Biển Đông, các nhà lãnh đạo Indonesia, Ấn Độ và EU chia sẻ quan điểm với Việt Nam về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS năm 1982.
+ Philippines:
Philippines theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập. Trả lời phỏng vấn tờ SCMP hôm 3/7, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano cảnh báo về “các thế lực bên ngoài” có thể biến Đông Nam Á thành “đấu trường cạnh tranh địa chính trị.” Theo ông Cayetano, mối quan hệ của Manila với Washington không phải là một "cuộc hôn nhân" và điều này không ngăn cản Philippines phát triển quan hệ với Trung Quốc. Ngoại trưởng Cayetano cho rằng với cương vị chủ tịch luân phiên của ASEAN, vai trò của Philippines sẽ bị soi xét nhiều hơn trong việc cân bằng quan hệ với Trung Quốc và lợi ích của các bên yêu sách trong ASEAN. Tuy nhiên, Philippines sẽ ưu tiên mục tiêu hòa bình, ổn định của khu vực so với lợi ích của các quốc gia riêng lẻ.
Cựu quan chức Philippines cảnh báo về mối đe dọa từ Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn trong chương trình Bản tin sớm của kênh ANC hôm 6/7, Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez cho rằng các hoạt động bồi đắp đảo và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông là "mối đe dọa rõ ràng và hiện hữu" đối với an ninh quốc gia Philippines. Theo ông Golez, rất nhiều người dự đoán rằng Trung Quốc có thể triển khai một phi đội máy bay tiêm kích ở Đá Vành Khăn, Đá Chữ Thập và Đá Subi, “ Khi những đường băng đi vào hoạt động, những máy bay chiến đấu được triển khai tại đây...các máy bay này sẽ có phạm vi hoạt động bao trùm toàn bộ Philippines, Việt Nam.”
+ Malaysia:
Malaysia mạnh tay với ngư dân nước ngoài đánh bắt cá trái phép. Bộ trưởng thuộc Văn phòng Thủ tướng Malaysia Shahidan Kassim hôm 4/7 yêu cầu cơ quan chấp pháp biển Malaysia (MMEA) cần phải tích cực bắt giữ các tàu đánh cá nước ngoài xâm phạm vùng nước của Malaysia. Theo ông Kassim, hiện nay xảy ra tình trạng các ngư dân nước ngoài đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Malaysia, song khi lực lượng của MMEA đến, những ngư dân này sẽ phá hủy lưới và hành động như chỉ đi ngắm cảnh ở đây. Đối với những trường hợp này, MMEA cần phải bắt giữ và đưa họ về cảng để tiến hành điều tra.
+ Mỹ:
Máy bay ném bom tầm xa của Mỹ tới Biển Đông. Không quân Mỹ hôm 7/7 cho biết hai oanh tạc cơ siêu thanh B-1B đã bay qua Biển Đông ngày 6/7. Hai chiếc B-1B xuất phát từ Guam, trước đó đã tham gia diễn tập ban đêm lần đầu tiên cùng chiến đấu cơ Nhật Bản tại Biển Hoa Đông. Hoạt động trên của quân đội Mỹ diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump chuẩn bị gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức.
Quan hệ các nước
Hàn Quốc chuyển giao 12 chiến đấu cơ cho Philippines. Tập đoàn công nghiệp vũ trụ Hàn Quốc (KAI) ngày 4/7 thông báo đã hoàn tất việc chuyển giao 12 chiếc máy bay huấn luyện tấn công hạng nhẹ loại FA-50PH cho Philippines, sớm hơn dự kiến 3 tháng. Trong khi tại một sự kiện chào mừng việc triển khai các máy bay này, Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố chính phủ Philippines sẽ xem xét mua thêm các máy bay loại này trong vòng 5 năm tới. Năm 2014, KAI nhận được đơn đặt hàng trị giá 420 USD để chế tạo các máy bay này cho không quân Philippines.
Hải quân Indonesia và Mỹ tập trận chung trên biển. Ngày 5/7, các đơn vị lính thủy đánh bộ thuộc Lực lượng Hải quân Indonesia và Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận chung nhằm tăng cường khả năng tác chiến, phối hợp hành động. Theo ông Prasetyo Pinandito, Chỉ huy Tiểu đoàn Bộ binh số 3 thuộc Lực lượng Lính thủy đánh bộ Indonesia, cuộc tập trận tại căn cứ Hải quân Gedangan ở thành phố Sidoargo, Indonesia sẽ kéo dài đến hết ngày 7/7.
Tàu khu trục Mỹ thăm cảng Cam Ranh. Ngày 5/7, tàu khu trục USS Coronado (LCS-4) và tàu cứu hộ USNS Salvor (T-ARS-52) của Hải quân Mỹ đã cập Cảng quốc tế Cam Ranh để tham gia Chương trình giao lưu Hải quân (NEA) thường niên lần thứ tám giữa Hải quân nhân dân Việt Nam và Hải quân Mỹ. Theo kế hoạch, từ 5-10/7, bên cạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, Chương trình NEA tập trung vào các hoạt động trao đổi kỹ năng về quân y, cứu hộ trên biển, an ninh hàng hải và thực hành Bộ Quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển.
Phân tích và đánh giá
“Bảo vệ nguồn cá ở Biển Đông” của Marina Tsirbas
Nếu muốn ngăn chặn sự suy giảm đến cạn kiệt nguồn cá ở Biển Đông, chúng ta cần một cơ chế quản lý mang tính ràng buộc pháp lý ở cấp độ quốc tế.
Nguồn cá ở Biển Đông đang suy giảm nghiêm trọng và mang tính tàn phá. Ước tính Biển Đông cung cấp đến 12% nguồn đánh bắt. Một nghiên cứu dự báo rằng, nguồn cá tại đây sẽ suy giảm 50% vào năm 2045. Cách tiếp cận dựa trên chủ quyền ở Biển Đông đang cản trở việc quản lý nguồn tài nguyên này. Việc ngày một khan hiếm nguồn cá cũng như chủ nghĩa dân tộc đánh bắt đang đặt ra mối đe dọa xung đột và va chạm. Cộng động quốc tế và xã hội dân sự cần quan tâm đến điều này.Các quốc gia cùng mối quan tâm cần khuyến khích các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc tìm kiếm một cơ chế quản lý ràng buộc.
Vẫn biết để đạt điều này sẽ không dễ dàng và cần nhiều thời gian nhưng các bước đi cần phải được thực hiện. Việc xã hội dân sự nêu bật hơn nữa tính minh bạch về hoạt động đánh bắt, phá hủy môi trường và suy giảm nguồn cá ở Biển Đông là điều rất cần thiết. Với kinh nghiệm lâu năm trong việc thiết lập các tổ chức quản lý nguồn cá ở Tây Thái Bình Dương, Nam Đại Dương và các khu vực khác, Úc có thể hỗ trợ xây dựng một khuôn khổ như vậy.
Phần lớn nguồn thức ăn của các quốc gia ven biển khu vực Biển Đông đều là nguồn cá và thị trường đánh bắt đóng góp rất lớn cho các nền kinh tế của Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Nguồn cá ở Biển Đông suy giảm buộc họ phải thường xuyên đánh bắt ở các khu vực xa xôi phía nam, bao gồm các vùng biển của Úc, và gây ra những tác động cho môi trường và an ninh biên giới.
Khi nguồn cá suy giảm, nguy cơ “chủ nghĩa dân tộc đánh bắt” ở khu vực cũng sẽ gia tăng. Áp lực chính trị từ việc ngư dân và ngành công nghiệp cá sẽ là một trong những nguồn cơn lớn nhất lên chính phủ các quốc gia và điều đó có thể gây ra xung đột. Điều đó đã được thể hiện trong phản ứng của tổng thống Indonesia trước sự việc ngư dân Trung Quốc xâm phạm vào vùng biển Natunas.
Cách tiếp cận dựa trên chủ quyền không giúp bảo vệ được môi trường và nguồn cá; nó cũng không phải là các biện pháp mà nhiều nơi ở các khu vực khác thực hiện. Bước đi đầu tiên và khẩn cấp là tình thế hiện nay về nghề cá cần phải được công khai rộng rãi hơn. Các sáng kiến minh bạch liên quan đến hoạt động xây dựng đảo đã phát huy hiệu quả. Sự minh bạch xung quanh hoạt động phá huy môi trường và đánh bắt quá mức do xã hội dân sự thực hiện có thể đem lại hiệu quả và nó cũng được nhấn mạnh ở diễn đàn quốc tế. Bước đi khác cần tính đến là tất cả các quốc gia và người tiêu dùng tạo ra danh sách cho phép hay tạm ngưng về nhập khẩu nguồn cá trong khu vực nếu như không thực hiện đánh bắt bền vững.
Cần có chứng nhận đa phương hay thông qua một cơ chế khu vực để ngăn chặn chủ nghĩa đơn phương. Mặc dù lên danh sách cho phép hay tạm ngưng có thể cực đoan nhưng việc đàm phán về cơ chế hợp tác, cơ chế ràng buộc pháp lý sẽ mất nhiều thời gian và diễn ra trong bối cảnh thiếu tin tưởng và xung đột về yêu sách.
Trong bối cảnh như vậy, hợp tác khu vực và xa hơn là điều cần thiết.
“Trump và Trung Quốc: Những tác động đến Đông Nam Á” của Robert Sutter
Trước lễn nhậm chức, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, là doanh nhân thực dụng, Trump có thể phù hợp với lợi ích của Trung Quốc và dễ đối phó hơn bà Clinton. Tuy nhiên mọi thứ đã không nằm trong kỳ vọng của Trung Quốc khi ông có cuộc điện đàm với bà Thái Anh Văn cũng như đặt lý do vì sao Mỹ phải tôn trọng quan điểm “một Trung Quốc” hay hạn chế tăng cường liên hệ với Đài Loan.
Trump đã đặt Trung Quốc vào thế phòng thủ. Ông đã đã chứng tỏ mình có thể đưa ra hàng loạt các vấn đề và hành động gây ngạc nhiên với những hệ quả tiêu cực và nghiêm trọng đối với Trung Quốc. Bắc Kinh buộc phải chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ. Chính quyền Trump vẫn gây áp lực lên Trung Quốc về vấn đề Bắc Triều Tiên. Thêm vào đó, sự không chắc chắn đó đã khiến cho Bắc Kinh tránh, ít nhất là vào thời điểm này, gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.
Mở rộng vấn đề, việc chính quyền Trump bận tâm đến Bắc Triều Tiên và Trung Quốc càng làm tăng sự xa cách trong chính sách của Mỹ ở Đông Nam Á. Trump và các quan chức của ông đã tuyên bố chấm dứt chính sách “xoay trục” của Obama, rút khỏi TPP. Chính sách Đông Nam Á của Trump hiện tại phản ánh sự muộn màng và rời rạc khi thiếu vắng các vị trí liên quan và không có quan điểm chiến lược chặt chẽ. Chỉ gần đây họ mới bắt đầu thúc đẩy để thể hiện mối quan tâm can dự tích cực vào Đông Nam Á. Về Biển Đông, chính quyền Trump thực hiện cách tiếp cận thận trọng, đôi lúc tránh định kỳ thực hiện FONOP. Ở Indonesia, phó tổng thống Mike Pence tái khẳng định về “thương mại công bằng” với Indonesia.
Các quan chức Đông Nam Á đã đúng khi phàn nàn rằng họ không có nhiều đồng nghiệp trong chính quyền Trump, đặc biệt là ở Bộ Ngoại giao và Quốc phòng, do sự chậm trễ trong việc bổ nhiệm các vị trí trọng yếu. Việc chờ đợi một chiến lược chặt chẽ và thống nhất của Mỹ đối với Đông Nam Á rất có thể sẽ khiến họ thất vọng. Nếu không có một cuộc khủng hoảng bất ngờ, các mối bận tâm của chính quyền Trump về các vấn đề ưu tiên khác có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai gần.
Về các vấn đề chính ở Đông Nam Á, trong chính quyền Trump và được các nhà lãnh đạo quốc hội đồng ý có sự đồng thuận rộng rãi là cần phải tăng cường vai trò an ninh của Mỹ ở Đông Nam Á và phần còn lại của châu Á-Thái Bình Dương. Đề xuất tăng ngân sách cho quốc phòng của ông Trump có thể sẽ hỗ trợ cho các đạo luật của quốc hội gần đây như Sáng kiến Ổn định châu Á Thái Bình Dương và Đạo luật Sáng kiến Tái Đảm bảo châu Á. Tuy nhiên, việc đạt được sự đồng thuận và nhất trí về vấn đề thương mại và kinh tế với Đông Nam Á có lẽ sẽ khó khăn hơn nhiều so với vấn đề chính sách đối ngoại và an ninh. Các vị trí bổ nhiệm đều cho thấy họ có rất nhiều sự khác biệt và mâu thuẫn.
Ảnh hưởng của Mỹ suy giảm hay tăng cường trong một nền tảng chưa rõ ràng sẽ vẫn tiếp diễn. Phần nhiều sẽ phụ thuộc vào khả năng “lấp đầy khoảng trống” của Trung Quốc mà Mỹ đánh mất. Đến thời điểm hiện tại, có vẻ như cạnh tranh Mỹ-Trung ở Đông Nam Á gần như là một mớ hỗn độn.
“Tranh luận về vai trò nước nhỏ của Singapore ở Biển Đông”
Nguyên bộ trưởng ngoại giao Singapore Ma Kaishuo đã gây ra sự giận dữ trong giới ngoại giao khi ông cho rằng “Singapore nên xem xét thấu đáo vấn đề Biển Đông?” và cho rằng Singapore nên xem xét trường hợp quan hệ ngoại giao Qatar và các quốc gia Trung Đông. Ông khẳng định “nước nhỏ nên là nước nhỏ”. Ông tin rằng Singapore đã bước vào thời kỳ hậu Lý Quang Diệu và ngoại giao cũng nên thay đổi. Quan điểm này đã gây ra cuộc tranh luận giữa các quan chức và học giả Singapore về “ngoại giao nước nhỏ”.
“Lạ lùng, sai trái và nguy hiểm”. Đó là lời của Đại sứ Singapore Bilal Harry được viết ra trong đêm muộn để phản đối quan điểm “sai lầm nghiêm trọng” của Ma Kaishou. Bila Harry cho rằng đây là khía cạnh thực dụng nhưng chủ nghĩa thực dụng không có nghĩa là khúm núm, tìm kiếm sự công nhận của Singapore. Ông thấy thấy thất vọng và xấu hổ về quan điểm của Ma về điều đó.
Nguyên bộ trưởng ngoại giao, Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Tư pháp Singapore Shang Mugen cũng bác bỏ quan điểm của Ma khi cho rằng, quốc gia nhỏ bé Singapre đã giành được sự tôn trọng trên trường quốc tế, bời vì Singapore chưa bao giờ có suy nghĩ nhu nhược về “quốc gia nhỏ”. Ông không bao giờ quên rằng Singapore là một quốc gia nhỏ nhưng ông cũng biết một khi chúng ta cho phép người khác bắt nạt, chúng ta sẽ luôn bị bắt nạt. Các bộ trưởng ngoại giao của một số quốc gia đã đe dọa chúng ta theo nhiều cách khác nhau khi chúng ta không đáp ứng yêu cầu của họ. Nhưng ông đã nhìn thẳng vào họ và nói với họ rằng quan điểm của Singapore là rõ ràng và vững chắc. Kể từ đó, thái độ của họ đã thay đổi.
Ye Guangrong, Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore bảo vệ cho quan điểm của Ma Kaisou khi cho rằng, là một công dân Singapre ông không muốn đất nước mình rơi vào tình thế hỗn độn này, bời vì Singapre là nước nhỏ và chúng ta không thể thay đổi.” Đó là một suy nghĩ bình thường”. Ông cho rằng phản ứng của Harry là “phóng đại và không cần thiết”.
“Tăng cường an ninh biển của các quốc gia Đông Nam Á thông qua huấn luyện chung” – Xã luận trên Yomiuri Shimbun
Tăng cường năng lực an ninh biển cho các quốc gia Đông Nam Á là điều cần thiết để thiết luật pháp trị ở Biển Đông và đảm bảo an toàn và tự do biển cả. Sự hỗ trợ cả về phần cứng và phần mềm là không thể thiếu.
Lực lượng Cảnh sát biển Nhật (JCG) đã thực hiện các cuộc huấn luyện chung song phương ở Biển Đông với Philippines và Việt Nam. Đây là các cuộc tập trận chung liên quan đến tàu tuần tra mà Nhật Bản cung cấp cho hai nước.
Giống như ở Hoa Đông, hoạt động đánh bắt cá trái phép của ngư dân Trung Quốc được hỗ trợ bởi tàu chính phủ nước này đang diễn ra tràn lan ở Biển Đông. Nếu hải quân được điều động để đối phó với các hoạt động như vậy, điều đó sẽ gia tăng căng thẳng với Trung Quốc. Để tránh hệ quả đó, điều quan trọng là vấn đề phải được giải quyết bằng lực lượng cảnh sát biển, theo đó ngăn chặn mưu đồ của Trung Quốc.
Lực lượng cảnh sát biển của các quốc gia Đông Nam Á được thành lập chưa lâu. Họ vẫn chưa có đủ kinh nghiệm và khả năng đối phó hiệu quả với tàu cá Trung Quốc đúng theo phương diện luật quốc tế. Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã cung cấp tàu tuần tra theo yêu cầu của các quốc gia khu vực. Năng lực chấp pháp của các tàu tuần tra này sẽ dần được cải thiện thông qua hoạt động huấn luyện chung đều đặn. Hoạt động huấn luyện chung với Việt Nam đã được thực hiện trên kịch bản phát hiện tàu cá nước ngoài hoạt động bất hợp pháp. Trong hoạt động huấn luyện chung với Philippines, kịch bản là chống cướp biển.
Thông qua hoạt động huấn luyện chung gần đây, có thể thấy mối quan hệ mang tính hợp tác của Nhật Bản với từng quốc gia đã được làm sâu sắc hơn. Đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đã va chạm với các quốc gia láng giềng để khẳng định yêu sách của mình ở Biển Đông. Ngay cả khi bị Tòa Trọng tài bác bỏ yêu sách, Trung Quốc vẫn tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo và lắp đặt các trang thiết bị quân sự tại đây. Trong hành động hợp tác với Mỹ, Úc và các quốc gia khác vốn coi Biển Đông như là tuyến đường cần bảo vệ, Nhật Bản phải kêu gọi Trung Quốc kiềm chế các hành vi của mình.
Trung Quốc và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á dự kiến sẽ đưa ra một bộ quy tắc ứng xử vào đầu tháng tám này, với mục tiêu là ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông. Điều thiết yếu là phải hình thành một bộ quy tắc để kiềm chế các hành vi đơn phương của Trung Quốc.
Để duy trì trật tự biển ở Biển Đông, Nhật Bản, Mỹ và các quốc gia khác phải hỗ trợ năng lực cảnh sát biển cho các quốc gia Đông Nam Á, giúp họ thu hẹp khoảng cách về trang thiết bị và năng lực so với Trung Quốc.
“Căng thẳng Trung-Mỹ gia tăng trong vấn đề Biển Đông” – Xã luận trên National Post
Tuần trăng mật giữa ông Trump và Tập đã qua và giai đoạn tiếp theo vẫn mờ mịt.
Ngày 3/7, quân đội Trung Quốc đã lên tiếng sẽ tăng cường tuần tra trên không và trên biển sau khi tàu chiến Mỹ tiến gần đến một thực thể tranh chấp ở Biển Đông. Các chuyên gia cho rằng Washington có lẽ đang đánh tín hiệu ngày càng thất vọng với Bắc Kinh bằng các hành động như bán vũ khí cho Đài Loan, cấm vận các ngân hàng Trung Quốc có liên quan đến Bắc Triều Tiên. Có thể Washington cũng đang đánh tín hiệu cho thấy chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ đang hay đổi với mục tiêu cuối cùng là đảm bảo có được sự hợp tác nhiều hơn từ Trung Quốc.
Trước đó, có vẻ như Trung Quốc cảm thấy tự tin khi cho rằng đã đạt được sự hiểu biết lẫn nhau sau cuộc gặp tại giữa ông Trump và ông Tập tại Mar-a-Lago và định ra hành động cần thiết tối thiểu để thỏa mãn chính quyền Trump. Nhưng rõ ràng là Trung Quốc đã không đáp ứng đủ những quan ngại của Mỹ về các ngân hàng và công ty của Trung Quốc có mối liên hệ với Bắc Triều Tiên. Ông Trump đã viết trên Twitter rằng áp lực của Trung Quốc lên Bắc Triều Tiên “đã thất bại”.
Có thể trước đó ông Trump đã tính toán sai khi cho rằng giảm nhẹ vấn đề thương mại để đổi lấy sự hợp tác hơn nữa trong vấn đề Bắc Triều Tiên. Đây là điều vô nghĩa và phi thực tế vì rõ ràng Trung Quốc không hề muốn thay đổi chính sách đối với Bắc Triều Tiên.
Mặc dù vậy, phía Trung Quốc vẫn cho rằng hai bên đang “quyết tâm thúc đẩy” mối quan hệ bất chấp đang vướng mắc “một số vấn đề”. Một chuyên gia của Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh không mong muốn mối quan hệ căng thẳng với Washington trước kỳ Đại hội Đảng quan trọng diễn ra vào mùa thu này. Phía Trung Quốc đã có phản ứng công khai nhưng lời lẽ của chủ tịch Tập tương đối nhẹ nhàng./.
Tổng hợp tin tức nổi bật và đánh giá đa chiều về tình hình Biển Đông trong tuần.
Tổng hợp tin tức nổi bật và đánh giá đa chiều về tình hình Biển Đông trong tuần.
Tổng hợp tin tức nổi bật và đánh giá đa chiều về tình hình Biển Đông trong tuần.
Tổng hợp tin tức nổi bật và đánh giá đa chiều về tình hình Biển Đông trong tuần.
Tổng hợp tin tức nổi bật và đánh giá đa chiều về tình hình Biển Đông trong tuần.
Tổng hợp tin tức nổi bật và đánh giá đa chiều về tình hình Biển Đông trong tuần.