Đây là Đệ trình thứ ba của Việt Nam về ranh giới TLĐMR ở Biển Đông. Trước đó, năm 2009, Việt Nam đã nộp Đệ trình riêng về Ranh giới TLĐMR ở Khu vực Bắc Biển Đông và nộp Đệ trình chung với Malaysia về Ranh giới TLĐMR đối với khu vực Nam Biển Đông. Các đệ trình của Việt Nam về ranh giới ngoài TLĐMR đều tuân thủ theo Điều 76 Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 (sau đây gọi là UNCLOS).

Theo Báo cáo tóm tắt,[1] Đệ trình của Việt Nam trong khu vực Giữa Biển Đông được xác định như sau:

- Ranh giới phía Bắc được xác định bởi những đường thẳng nối các điểm xác định ranh giới ngoài TLĐMR của Việt Nam: khu vực Giữa.

- Ranh giới phía Tây là ranh giới 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam

- Ranh giới phía Đông là các đoạn ranh giới 200 hải lý tính từ đường cơ sở lãnh hải của Philippines và đoạn giao cắt giữa các đường 200 hải lý lần lượt của Philippines và Malaysia.

- Ranh giới phía Nam là ranh giới phía Bắc của khu vực xác định theo Hồ sơ Đệ trình chung về TLĐMR giữa Việt Nam – Malaysia năm 2009 tại phía Nam Biển Đông.

Theo Báo cáo tóm tắt, Việt Nam đã xác định ranh giới ngoài TLĐMR tại khu vực Giữa theo phương pháp chân dốc lục địa (FOS) và đường nối các điểm không quá 60 hải lý (công thức Hedberg). Ranh giới TLĐMR tại khu vực Giữa Biển Đông của Việt Nam gồm 78 điểm. Cũng trong Báo cáo, Việt Nam bày tỏ với CLCS, ghi nhận rằng khu vực này cũng chồng lấn với các quốc gia liên quan. Việt Nam quan điểm rằng việc nộp Đệ trình này không ảnh hưởng tới phân định biển giữa Việt Nam và các nước ven biển liên quan khác.

Việt Nam nộp Đệ trình Ranh giới Thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở khu vực Giữa Biển Đông

Lưu ý: Bản đồ chỉ phục vụ cho mục đích minh hoạ

Ngày 18/7, Bộ Ngoại giao Philippines (PLP) đưa ra Tuyên bố về Đệ trình TLĐMR của Việt Nam, theo đó: PLP ghi nhận đệ trình của Việt Nam tại Biển Đông và sẵn sàng cùng Việt Nam trên các cách thức có thể hướng tới việc đạt được lợi ích chung trong vấn đề Biển Đông, phù hợp luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.[2]

Cũng trong ngày 18/7, trong phiên họp báo thường kỳ, trả lời câu hỏi của Tân Hoa Xã về Đệ trình của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho biết: Theo các quy định làm việc của CLCS, các đệ trình sẽ không được xem xét khi có tranh chấp. Trung Quốc tiếp tục cam kết giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông thông qua đối thoại và tham vấn giữa các bên.[3]

Liên quan đến việc Việt Nam nộp đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 18/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết: Quan điểm của Việt Nam được nêu rõ trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc Việt Nam nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở khu vực giữa Biển Đông. Để thể hiện thiện chí và tinh thần trách nhiệm của mình, Việt Nam đã thông báo với các nước liên quan về vấn đề này qua kênh ngoại giao. Các cuộc trao đổi diễn ra trong không khí chân thành, hữu nghị và thẳng thắn. Các nước đều ghi nhận và tôn trọng quyền của Việt Nam về việc nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý phù hợp với quy định tại Điều 76 của UNCLOS.[4]

[Cập nhật đến 20h00 ngày 18/7

 

[1] https://www.un.org/depts/los/clcs_new/submissions_files/submission_vnm_95_2024.htm

[2] https://www.philippine-embassy.org.sg/statement-on-viet-nams-unilateral-submission-of-extended-continental-shelf/

[3] https://www.fmprc.gov.cn/eng/xwfw_665399/s2510_665401/2511_665403/202407/t20240718_11456267.html

[4] https://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-trao-doi-truoc-voi-cac-nuoc-ve-viec-nop-de-trinh-ranh-gioi-them-luc-dia-mo-rong-post1108694.vov