Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc không muốn Nhật nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị G-7. Trong cuộc gặp với thứ trưởng đặc trách các vấn đề chính trị của Bộ Ngoại giao Nhật Bản ông Shinsuke Sugiyama tại Tokyo hôm 29/2, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu đã đưa ra yêu cầu trên. Ông Khổng nói rằng Nhật Bản không liên quan đến tranh chấp Biển Đông nhưng lại hành động giống như một bên liên quan và bày tỏ nghi ngờ liệu Tokyo có thực sự muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh. Về phần mình, ông Sugiyama cho biết việc thay đổi hiện trạng ở Biển Đông bằng sức mạnh quân sự là không thể chấp nhận được, và đảm bảo luật pháp tại vùng biển này là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế. Hội nghị các nước G7 sẽ diễn ra tại tỉnh Mie, Nhật Bản vào ngày 26-27/5.

 

Trung Quốc bao biện hoạt động quân sự ở Biển Đông. Về bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter hôm 1/3, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 2/3, Người phát ngôn Hồng Lỗi tuyên bố: “Việc Trung Quốc triển khai các thiết bị phòng thủ lên lãnh thổ của mình không có gì là mới. Cái đó không thể gọi là hành động quyết đoán cũng như quân sự hóa. Trung Quốc thúc giục Mỹ ngừng hành động đánh lừa dư luận cũng như không đưa các tuyên bố và hành động mang tính đe dọa.” Về thông tin Trung Quốc đã kiểm soát bãi Hải Sâm và ngăn cản ngư dân Philippines hoạt động tại đây, ông Hồng cho biết, “Có một tàu nước ngoài bị mắc cạn ở bãi Hải Sâm nguy cơ ảnh hưởng đến tự do hàng hải và tác động đến môi trường biển trong khu vực. Cơ quan tìm kiếm, cứu nạn của Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc  đã cử tàu cứu hộ tới kéo tàu bị mắc cạn ra khỏi vùng nước nông. Trong thời gian tác nghiệp, tàu Trung Quốc đã thuyết phục các thuyền đánh cá gần đó rời khỏi vùng biển này để đảm bảo an toàn hàng hải. Các tàu Trung Quốc đã rời đi sau khi hoàn thành công việc.” Về việc một quan chức của Mỹ tuyên bố phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện mang tính ràng buộc ngang nhau đối với cả Trung Quốc và Philippines, ông Hồng hôm 29/3 tuyên bố: Trung Quốc không chấp nhận, không tham gia vụ kiện Trọng tài của Philippines là có đầy đủ căn cứ pháp lý, lập trường này là rõ ràng và nhất quán. Tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines về bản chất là tranh chấp lãnh thổ và phân định biển. Hai bên từ lâu đã thông qua kênh song phương và DOC đạt được nhận thức chung thông qua đàm phán hiệp thương giải quyết vấn đề Biển Đông. Theo điều 298 của Công ước, Trung Quốc đã tuyên bố loại trừ những tranh chấp liên quan đến việc phân định lãnh hải ra khỏi thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc. Tôi muốn nhắc nhở phía Mỹ rằng, bản thân Mỹ không muốn tham gia Công ước, nhưng Mỹ có nghĩa vụ tôn trọng quyền lợi của các nước ký kết Công ước, chúng tôi yêu cầu phía Mỹ không nên đóng vai “Trọng tài quốc tế” để cáo buộc Trung Quốc.”

Trung Quốc đổ lỗi Mỹ quân sự hoá ở Biển Đông. Phát biểu với báo giới trước kỳ họp Quốc hội ở Bắc Kinh hôm 4/3, Phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc bà Phó Doanh cáo buộc chính Mỹ - chứ không phải Trung Quốc - là bên đang tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông, “Nếu quan sát kỹ tình hình, có thể thấy Mỹ đang triển khai tới Biển Đông các máy bay và tàu chiến hiện đại nhất. Mỹ từng tuyên bố sẽ triển khai 70% nguồn lực của hải quân tới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong chiến lược xoay trục Châu Á. Mỹ đã đẩy mạnh các hoạt động quân sự với các đồng minh cũng như tăng cường sự hiện diện ở khu vực. Đây không phải là hành động quân sự hóa?” Theo bà Phó Doanh, Cáo buộc Trung Quốc đang quân sự hoá khu vực có thể dẫn đến tính toán sai lầm tình hình”.

Trung Quốc chỉ trích Mỹ áp dụng “tiêu chuẩn kép” trong vấn đề Biển Đông. Phát biểu với báo giới bên lề kỳ họp Quốc hội Trung Quốc hôm 5/3, Ủy viên Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải  cho hay Mỹ-Trung cần tiếp tục kiểm soát những bất đồng và tránh những đánh giá sai lầm về chiến lược. Theo ông Thôi, Mỹ có hiểu lầm rằng hành động bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, nước này cho rằng hành động bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là thách thức vị thế bá chủ toàn cầu của Mỹ, “Biển Đông không phải là vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc. Cho tới nay, hai nước sẽ không đi tới đối đầu vì vấn đề này, nhưng những gì Mỹ đang làm rõ ràng chứng tỏ nước này đang chọn bên trong tranh chấp Biển Đông và điều đó không có lợi cho việc giải quyết vấn đề.” Ông Thôi cũng bao biện rằng Trung Quốc không nên bị chỉ trích là “đang quân sự hóa” ở Biển Đông mà các công trình đó chủ yếu phục vụ mục đích dân sự như an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khí tượng học. Ngược lại, chính sự hiện diện quân sự và các hoạt động quân sự mà Mỹ tiến hành trong khu vực mới thực sự thúc đẩy “quân sự hóa” ở Biển Đông.

+ Việt Nam:

Việt Nam lên tiếng về việc Trung Quốc mời thầu dầu khí ở Biển Đông. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 3/3, về việc CNOOC thông báo mời các doanh nghiệp nước ngoài đấu thầu ở các lô dầu khí ở Biển Đông, biển Hoa Đông và biển Hoàng Hải, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: “Hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam đang nghiên cứu kỹ nội dung của thông báo mời thầu mà Trung Quốc công bố. Lập trường nhất quán của Việt Nam là tại khu vực mà hai nước đang đàm phán, phân định đối với vùng biển thực sự chồng lấn ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ thì theo luật pháp và thực tiễn quốc tế, không một bên nào được đơn phương hoạt động thăm dò khai thác dầu khí”. Về việc truyền thông Trung Quốc mới đây công bố 3 trong số 4 công dân đang sinh sống trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) là binh sĩ; đồng thời truyền thông Philippines đưa tin Trung Quốc đưa tàu công vụ ra bãi Hải Sâm (thuộc quần đảo Trường Sa) ngăn cản không cho các ngư dân vào đánh bắt tại khu vực này, ông Lê Hải Bình cho biết: “Một lần nữa chúng tôi khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy mọi hoạt động của các bên tại khu vực này mà không có sự chấp thuận của Việt Nam đều là bất hợp pháp”.

+ Philippines:

Philippines yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài. Trong một tuyên bố hôm 29/2, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho hay: “Philippines đã tiến hành nhiều cuộc gặp với trung Quốc để giải quyết tranh chấp giữa hai bên nhưng không có kết quả. Là những quốc gia có trách nhiệm, Philippines, cũng như cộng đồng quốc tế, đang yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài và cùng nhau thúc đẩy một cơ chế dựa trên luật pháp quốc tế. Nếu Trung Quốc không để ý lời kêu gọi tập thể thì liệu có phải Trung Quốc tự coi mình đứng trên luật pháp?” Dự kiến, trong tháng 5 tới, PCA sẽ ra phán quyết về vụ kiện trên.

Philippines tố Trung Quốc xua đuổi ngư dân nước này ở Trường Sa. Philstar dẫn lời ngư dân Philippines khẳng định, các tàu Trung Quốc màu trắng và màu xám đã ngăn chặn và không cho phép họ tới gần bãi Hải Sâm ở Trường Sa. Các ngư dân từ tỉnh Mindoro Occidental cũng cho hay, hồi tuần trước đã bị tàu Trung Quốc rượt đuổi khi họ vào khu vực này. Theo Thị trưởng Kalayaan Eugenio bito-onon Jr, các tàu Trung Quốc đã ở trong khu vực bãi Hải Sâm hơn một tháng nay. Trong khi đó, đội tuần tra trên không của Philippines xác nhận, có ít nhất 4 tàu của lực lượng cảnh sát biển của Trung Quốc trong khu vực bãi Hải Sâm.

+ Singapore:

Singapore đề xuất giải pháp tạm thời cho tranh chấp Biển Đông. Phát biểu với báo giới hôm 1/3 trước khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho hay Singapore đã đề nghị mở rộng khái niệm CUES (Bộ quy tắc ứng xử khi chạm trán bất ngờ trên biển), “Đề xuất bao gồm một số quy tắc để phòng tránh những sự cố bất ngờ hoặc những tính toán sai lầm có thể dẫn đến căng thẳng và xung đột trên biển. Chúng tôi cũng đề xuất mở rộng khái niệm này với cả tàu hải quân và cảnh sát biển.” Cũng theo Ngoại trưởng Singapore, Trung Quốc cho rằng đây là một ý tưởng “đáng để tìm hiểu.” Ngoại trưởng Balakrishnan khẳng định vấn đề hiện nay là liệu Trung Quốc và ASEAN có thể mở rộng ý tưởng này và xây dựng lòng tin hay không, thậm chí ngay cả khi các tham vấn về COC đang diễn ra.

+ Mỹ:

Nhóm tàu sân bay Mỹ tới tuần tra Biển Đông. Tờ Washington Post dẫn lời người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương Clay Doss cho hay tàu sân bay USS John C. Stennis, với sự hộ tống của tàu tuần dương USS Mobile Bay, các khu trục hạm USS Stockdale và USS Chung-Hoon, đã đến Biển Đông hôm 1/3. Nhóm tàu trên đến Tây Thái Bình Dương hôm 4/2 sau khi xuất phát từ bờ tây của Mỹ. Đô đốc Doss cho biết USS John C. Stennis thực hiện một cuộc tuần tra định kỳ ở Biển Đông và hải quân Mỹ sẽ thường xuyên hiện diện ở khu vực này. Đến hôm 6/3, nhóm tàu John C. Stennis đã hoàn tất hoạt động tuần tra ở Biển Đông và tiến vào Biển Philippines qua Eo biển Luzon. Theo sĩ quan chỉ huy tàu sân bay John S. Stennis Thuyền trưởng Greg Huffman, trong thời gian nhóm tàu sân bay Mỹ tuần tra ở Biển Đông, tàu hải quân Trung Quốc đã bám rất sátChúng tôi phát hiện thấy có nhiều tàu Trung Quốc hoạt động xung quanh, điều không hề thấy trước đây theo kinh nghiệm của tôi.” Tuy nhiên ông Huffman cho biết không có bất kỳ sự cố nào giữa tàu Mỹ - Trung.

Mỹ cảnh báo Trung Quốc về hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông. Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Câu Lạc bộ Thịnh vượng chung ở thành phố San Francisco hôm 1/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo Trung Quốc về điều mà ông gọi là những hành động “gây hấn” ở khu vực Biển Đông, “Trung Quốc không được theo đuổi quá trình quân sự hóa tại Biển Đông. Những hành động cụ thể sẽ gặp phải những hậu quả cụ thể.” Khi được hỏi hậu quả có thể là gì, Bộ trưởng Carter cho hay quân đội Mỹ đã tăng cường triển khai nguồn lực tới Châu Á – Thái Bình Dương và sẽ chi khoảng 425 triệu USD cho cho các hoạt động diễn tập, đào tạo cho các quốc gia trong khu vực. Theo ông Carter, chính cách hành xử của Trung Quốc đã thúc đẩy các thỏa thuận ba bên, điều mà vài năm trước đây là điều chưa từng được nghĩ đến. Lầu Năm góc cũng có kế hoạch chi khoảng 8 tỷ USD riêng trong năm 2017 để mở rộng hạm đội tàu ngầm và các thiết bị không người lái hiện đại.

Mỹ phản đối Trung Quốc dùng hải quân đe dọa tàu cá ở Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 2/3, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ ông Mark Toner cho hay: “Chúng tôi biết các phương tiện truyền thông gần đây đưa tin tàu Trung Quốc đang hoạt động gần Bãi Hải Sâm. Như Tổng thống Obama và các lãnh đạo ASEAN tại Sunnylands đã khẳng định cam kết với việc duy trì hòa bình, an ninh và an toàn, bao gồm tự do hàng hải hàng không, kiềm chế hoạt động khiêu khích và quân sự hóa trong khu vực. Chúng tôi muốn thấy tất cả các bên tranh chấp, bao gồm Trung Quốc, có hành động tuân thủ những nguyên tắc này. Chúng tôi không muốn hải quân Trung Quốc có hành động hăm dọa tàu cá trong khu vực.”

+ Ấn Độ:

Ấn Độ từ chối đề nghị tuần tra chung của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ M. Parrikar hôm 4/3 tuyên bố: “Cho đến nay Ấn Độ chưa bao giờ tham gia vào các cuộc tuần tra chung. Ấn Độ chỉ tham gia vào các cuộc tập trận chung, vì thế câu hỏi về tuần tra chung không nên nêu ra vào lúc này.” Tuyên bố trên được đưa ra ba ngày sau khi Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc B. Harris muốn thúc đẩy đối thoại bộ tứ an ninh giữa Ấn Độ, Nhật, Úc và Mỹ, thậm chí hy vọng rằng việc tuần tra chung sẽ được hiện thực hóa trong tương lai không xa. Khi được hỏi liệu Ấn Độ có ký Hiệp định hỗ trợ hậu cần đã gần hoàn tất với Mỹ nhân dịp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ A. Carter thăm Ấn Độ tháng tới hay không, ông Parrikar khẳng định chính phủ Ấn Độ sẽ đưa ra mọi quyết định vì lợi ích của đất nước.

+ Nhật Bản:

Nhật Bản dự định cho Philippines thuê máy bay huấn luyện. Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch cho Philippines thuê lại 5 máy bay TC-90 đã ngừng phục vụ trong Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Máy bay huấn luyện TC-90 có tầm hoạt động xa gấp đôi so với các máy bay tuần tra hiện nay của Hải quân Philippines. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani sẽ có chuyến công du chính thức Philippines vào đầu tháng 4 và nhiều khả năng hai nước sẽ ký thỏa thuận cho thuê máy bay nói trên.

Quan hệ các nước

Singapore - Trung Quốc bàn về giảm nguy cơ va chạm ở Biển Đông. Phát biểu với báo giới hôm 29/2 sau cuộc gặp với người đồng cấp nước chủ nhà Vương Nghị trong chuyến thăm Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan cho biết một số ý tưởng nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra va chạm ngoài ý muốn ở Biển Đông sẽ được cân nhắc trong những tháng tới. Theo Ngoại trưởng Balakrishman, hai bên cũng nhất trí thúc đẩy tiến trình đàm phán để sớm xây dựng COC, “Chúng tôi đều tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Đây là tuyến huyết mạch sống còn của Trung Quốc và của tất cả các nước ASEAN bởi hoạt động thương mại và năng lượng của chúng tôi đi qua khu vực này.” Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố lập trường của nước này về Biển Đông không thay đổi, tuy nhiên Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với ASEAN để thực hiện DOC trong khi thúc đẩy tham vấn về COC. Theo ông Vương, Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ tiếp tục duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải trên Biển Đông.

Mỹ - Ấn - Nhật dự định tập trận chung trên biển. Người đứng đầu Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris hôm 2/3 cho hay trong năm 2016, ba nước dự kiến tiến hành một cuộc tập trận chung ở phía bắc biển Philippines, gần với Biển Đông. Phát biểu tại một hội nghị an ninh ở New Delhi, Đô đốc Harris bình luận,”Trong khi một số quốc gia tìm cách bắt nạt các nước nhỏ hơn bằng cách hăm dọa hay ép buộc, tôi khâm phục Ấn Độ trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp với các láng giềng ở Ấn Độ Dương”.

Philippines-Nhật Bản ký thỏa thuận chuyển giao thiết bị quốc phòng. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin đã ký thỏa thuận trên với Đại sứ Nhật Bản tại Manila Kazuhide Ishikawa hôm 29/2 cho hay Thỏa thuận này tạo nền tảng cho “mong muốn chung của hai nước nhằm tăng cường năng lực phòng thủ” và “đóng góp vào hòa bình và ổn định trong khu vực”. Theo ông Gazmin, thỏa thuận này không chỉ là chuyển giao trang thiết bị và công nghệ quốc phòng còn cho phép hai bên tiến hành các dự án nghiên cứu, phát triển và sản xuất chung.

Chủ tịch Trung Quốc tiếp đặc phái viên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chiều 29/2, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã tiếp ông Hoàng Bình Quân, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đang ở thăm và làm việc tại Trung Quốc. Trưởng ban Đối ngoại Trung ương khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam sẽ kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Đảng và Nhà nước Trung Quốc, mong muốn hai bên phối hợp thực hiện tốt các nhận thức chung giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và các thỏa thuận đã đạt được, nỗ lực đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt-Trung ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thiết thực.

Việt Nam - Singapore nhất trí mở rộng hợp tác quốc phòng. Ngày 1/3, tại trụ sở Bộ Quốc phòng Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đã tiếp Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhân dịp đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam sang dự Đối thoại chính sách quốc phòng lần thứ 7. Về vấn đề Biển Đông, hai bên đều bày tỏ lo ngại trước những diễn biến mới, phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm tại vùng biển này. Hai bên thống nhất để có được hòa bình ổn định trên Biển Đông và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, không có cách nào khác là tất cả các bên liên quan cần phải triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, chấm dứt việc xây đảo nhân tạo trái phép làm thay đổi hiện trạng tại khu vực đang tranh chấp, không đe dọa vũ lực và sử dụng vũ lực, không quân sự hóa trên Biển Đông.

Soái hạm USS Blue Ridge của Hải quân Mỹ thăm Phillippines. Ngày 4/3, soái hạm USS Blue Ridge của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ đã tới thủ đô Manila, bắt đầu chuyến thăm Philippines. Trong thời gian lưu lại đây, Chỉ huy Hạm đội 7, Phó Đô đốc Joseph Aucoin, sẽ chủ trì các cuộc hội đàm song phương với sỹ quan hải quân nước chủ nhà cũng như các cuộc hội đàm sỹ quan 3 bên với giới chức hải quân Phillipines và Nhật Bản nhằm tăng cường hợp tác, thúc đẩy quan hệ với mục đích đảm bảo tốt nhất an ninh-ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Phân tích và đánh giá

Phép thử Biển Đông” của Arif Havas Oegroseno

Đối với nhiều người ở Mỹ và Trung Quốc, tranh chấp Biển Đông đã trở thành cuộc chiến để gây ảnh hưởng lên Châu Á. Nhưng ASEAN lại đóng vai trò then chốt trong cuộc cạnh tranh này. Tranh chấp Biển Đông đặt ra ba phép thử cho ba chủ thể trên. Đó chính là phép thử về chuẩn mực và quy tắc; quản lý tài nguyên; và phương thức hoạt động.

Phép thử về quy chuẩn và quy tắc đòi hỏi Trung Quốc phải tôn trọng luật quốc tế trong vấn đề Biển Đông. Là thành viên của Hội đồng Bảo An, Trung Quốc không được đe dọa hay sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Mỹ, quốc gia thúc đẩy tự do hàng hải và quy tắc toàn cầu cần phải nêu gương. Cách hiệu quả nhất và mang tính nguyên tắc là Mỹ cần phê chuẩn UNCLOS. Uy tín của Mỹ trong ủng hộ nguyên tắc tự do hàng hải sẽ bị suy giảm khi bản thân từ chối phê chuẩn UNCLOS. Các thành viên ASEAN liên quan đến tranh chấp cũng cần phải ủng hộ tầm quan trọng đối với các nguyên tắc và chuẩn mực. Các quốc gia nhỏ phải dựa vào chuẩn mực tế để tự bảo vệ mình. Để làm điều đó, yêu sách của các quốc gia cần dựa theo luật quốc tế, cần phải tuyên bố rõ ràng các thực thể, tên gọi, vị trí chính xác.

Phép thử về quản lý tài nguyên đòi hỏi các bên yêu sách, ngoài ra là cộng đồng ASEAN và có thể là Mỹ phải hợp tác trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Thiếu vắng tổ chức quản lý nguồn thủy sản tại các vùng tranh chấp đã dẫn đến vấn đề thiếu nguồn thông tin về sự suy giảm nguồn cá và ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên biển. Dù việc thiết lập một cơ chế khai thác chung nguồn tài nguyên là rất khó nhưng sáu thành viên của sáng kiến Khu Tam giác San hô, trong đó Malaysia và Philippines là hai bên tranh chấp, đã cho thấy việc hơp tác quản lý tài nguyên là điều có thể cho dù chưa giải quyết được vấn đề biển giới biển. Quản lý tài nguyên, an toàn và an ninh tại eo biển Malacca cũng không đòi hỏi xác định ranh giới, thậm chí là giải quyết vấn đề tranh chấp.

Phép thử về phương thức hoạt động đòi hỏi Mỹ, ASEAN và Trung Quốc phải có cơ chế giảm nguy cơ va chạm hay xung đột trên biển. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN là hội nghị rất thích hợp để thiết lập cơ chế này. Cả ba chủ thể có thể thiết lập phương thức hợp tác tiểu khu vực về tập trận và hoạt động chung.

Không một quốc gia nào có thể tự giải quyết được hàng loạt các vấn đề toàn cầu hay phá vỡ trật tự trật tự thế giới, thậm chí là sức mạnh tập thể của toàn bộ các thành viên Hội đồng Bảo an cũng không thể. Thách thức trên toàn cầu đòi hỏi những giải pháp và hợp tác toàn cầu.

Bành trướng ở Biển Đông - Trung Quốc đang ‘thử’ chính quyền Obama” của David Nakamura và Dan Lamothe

Gần 6 năm nay, chính quyền Obama vẫn ra sức tìm cách buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật lệ quốc tế và kiềm chế những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Tuy nhiên, những bằng chứng mới cho thấy Trung Quốc đang dùng luật chơi quen thuộc đó là phớt lờ cảnh báo cũng như những lo ngại của Mỹ. Những động thái triển khai vũ khí của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa diễn ra chỉ một tuần sau khi ông Obama tuyên bố Mỹ “sẽ tiếp tục hoạt động trên biển, trên không, ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép”.

Chiến lược của ông Obama ở nước ngoài tập trung vào xây dựng quan hệ đối tác với hy vọng dần đưa trật tự thế giới theo hướng có lợi cho Mỹ, nhưng Trung Quốc lại theo đuổi chính sách đối đầu, theo đuổi những chiến thắng mang tính chiến thuật, những chiến thuật đang giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của Trung Quốc. Điều này đang ngày càng rõ ràng hơn. Trong khi đó, Nhà Trắng lại giảm nhẹ mức độ căng thẳng đối với các động thái mới đây của Trung Quốc và nhấn mạnh rằng chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi giải pháp ngoại giao đối với tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Ông Obama đã có cuộc họp thượng đỉnh với lãnh đạo 10 nước ASEAN tại California nhằm tìm kiếm những bước đi cụ thể hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông. Tuy nhiên, tuyên bố chung lại không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc hay Biển Đông. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy các quốc gia vẫn còn e ngại một cuộc đối đầu địa chính trị giữa 2 cường quốc.

Chính quyền Obama vào cuộc năm 2010 khi Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton đã tuyên bố, giải quyết tranh chấp ở Biển Đông là ưu tiên ngoại giao hàng đầu của chính quyền Obama. Thực tế, kể từ đó đến nay, Mỹ đã cho triển khai một lực lượng thủy quân lục chiến nhỏ đến Darwin của Úc, công bố hợp tác an ninh mới với Philippines, tuyên bố bảo vệ Nhật Bản sau vụ việc tàu Nhật Bản và Trung Quốc va chạm ở biển Hoa Đông, đồng thời tổ chức hội nghị thường niên với lãnh đạo các nước ASEAN. Tuy nhiên, thay vào đó, Trung Quốc lại tăng cường các hoạt động cải tạo ở Trường Sa.

Để thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ đã điều các tàu chiến tuần tra ở khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc. Jerry Hendrix, Đại úy Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu và hiện là chuyên gia phân tích vấn đề quốc phòng tại Trung tâm nghiên cứu an ninh Mỹ, nhận định: “Mỹ sẽ đợi cho đến khi tòa án Hague đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc trước khi có thêm bất cứ động thái cứng rắn khác”. Tuy nhiên, ông Hendrix cũng cảnh báo: “Mỗi ngày trôi qua mà không có động thái thách thức đáng kể nào đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông đồng nghĩa với một cơ hội đã qua đi”.

Ấn Độ và tranh chấp Biển Đông” của Abhijit Singh

Dù Ấn Độ không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông nhưng có 4 khía cạnh từ những diễn biến gần đây ở Biển Đông liên quan đến Ấn Độ.

Thứ nhất, ở Biển Đông, Trung Quốc đang thực hiện trên quan điểm dựa vào sức mạnh. Đối với Ấn Độ, điều mà nước này quan tâm là an ninh đối với những lợi ích về năng lượng và thương mại ở Biển Đông. Tuy nhiên với việc Trung Quốc lắp đặt tên lửa lại đưa đến một thực tế khác. Khi các hòn đảo tranh chấp được quân sự hóa, điều đó sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến tự do hàng hải, và Bắc Kinh sẽ trở thành người nắm quyền quyết định đâu là hoạt động “hợp pháp” ở Biển Đông.

Thứ hai, việc Trung Quốc gây ảnh hưởng kiểm soát đối với các lợi ích biển chủ yếu thông qua các phương thức gián tiếp. Sau khi triển khai hệ thống radar mới ở Trường Sa và tên lửa ở Phú Lâm, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ thiết lập ADIZ ở Biển Đông. Hiện tại, khả năng Trung Quốc xâm chiếm các khu vực ngoài không gian biển Đông Nam Á vẫn còn xa vời nhưng cũng không có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc không để mắt tới các khu vực khác mà Trung Quốc có thể có lợi ích chiến lược, trong đó có khu vực Ấn Độ Dương. Các nhà quan sát Ấn Độ cần tính đến hành vi chiến lược của Bắc Kinh sau khi PLA thiết lập được vị thế của mình ở các quốc gia Ấn Độ Dương.

Thứ ba, hành vi trên biển của Trung Quốc không hề bị chi phối bởi các nỗ lực đa phương nhằm làm giảm căng thẳng ở khu vực, và hành vi đó nhằm mục đích thiết lập một hình ảnh về một thế lực ở Thái Bình Dương. Thời điểm lắp đặt tên lửa trùng khớp với cuộc họp thượng định ASEAN  - Mỹ, một cuộc gặp nhằm tìm sự đồng thuận cho giải pháp hòa bình, tìm ra các quy chuẩn và luật lệ chung. Hành động của Trung Quốc trên thực tế bị chi phối bởi nhu cầu bình thường hóa nhận thức về sự hiện diện quân sự của mình  tại các khu vực tranh chấp. Đối với Ấn Độ, các sự kiện gần đây đã nhấn mạnh đến tính chất gây tranh cãi về chính trị hàng hải ở Thái Bình Dương khi Mỹ và Trung Quốc chơi trò “hợp tác nghi thức”. Khi Mỹ thực hiện FONOP lần 2 thì hai bên đã tham vấn về va chạm bất ngờ trên biển và cả hai đều hài lòng với việc thực thi Quy tắc chống Va chạm Bất ngờ trên biển (CUES). Nhưng chỉ một vài ngày sau, Trung Quốc đã lắp đặt tên lửa trên đảo Phú Lâm.

Cuối cùng, diễn biến gần đây cho thấy Ấn Độ cần phải có sự cân bằng giữa một bên là các sáng kiến an ninh biển ở Ấn Độ Dương và một bên là lập trường pháp lý về tự do hàng hải ở các vùng biển tranh chấp. Thế kẹt của Ấn Độ là mặc dù phản đối hành vi xâm chiếm của Trung Quốc ở Biển Đông nhưng đồng thời cũng có những bất đồng với Mỹ trong cách diễn giải về luật pháp và tự do hàng hải của tàu chiến nước ngoài trong vùng duyên hải.

Ý nghĩa chiến lược trong việc triển khai vũ khí ở Phú Lâm” của Ashley Townshend

Việc Trung Quốc triển khai vũ khí trên Phú Lâm mang một ý nghĩa chiến lược rất lớn. Ngoài việc quân sự hóa, hành vi của Bắc Kinh cũng vừa mang lại tính hiệu quả trong việc mở rộng chiến lược ở Biển Đông và vừa gây ra tình thế lưỡng nan cho cả Mỹ và các quốc gia khác trong việc đối phó với Trung Quốc.

Những hoạt động của Trung Quốc cho thấy nước này đang thực hiện xây dựng một cách có phương pháp một khu vực chống xâm nhập để ngăn chặn Mỹ và các quốc gia khác tiến hành hoạt động quân sự xung quanh khu vực Hoàng Sa. Chúng cũng thể hiện 3 khía cạnh lớn hơn về chiến lược mở rộng một cách hiệu quả của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thứ nhất, Bắc Kinh lợi dụng hoạt động FONOP của Mỹ để bào chữa cho hành vi quân sự hóa của mình ở Biển Đông. Một sự việc rất rõ ràng là cả hai lần Trung Quốc đều nhanh chóng triển khai vũ khí trên đảo Phú Lâm ngay sau khi Mỹ tiến hành hoạt động FONOP. Điều này cho thấy Trung Quốc thực sự nghiêm túc khi cảnh báo hoạt động của Mỹ có thể khiến Bắc Kinh phải “tăng cường xây dựng năng lực để tự vệ”. Tuy nhiên đây chỉ là một phần của câu chuyện bởi thực chất Trung Quốc đã xây dựng trang thiết bị quân sự từ lâu trước khi Mỹ thực hiện FONOP. Đến nay, FONOP vẫn không ngăn chặn được Trung Quốc và Trung Quốc vẫn sẽ sẵn sàng lợi dụng điều đó để triển khai hoạt động quân sự của mình.

Thứ hai, Trung Quốc đang tăng cường hiện diện quân sự và chiến lược ở Phú Lâm để gây khó khăn cho hoạt động đối phó của các quốc gia khác. Đây chính là chiến thuật “lát cắt salami” của Trung Quốc. Điều quan trọng là nếu Trung Quốc phản ứng quá mạnh mẽ với FONOP thì điều này sẽ có nguy cơ gây va chạm cũng như rủi ro xung đột và tính toán sai lầm. Ngược lại, việc triển khai với số lượng nhỏ máy bay và tên lửa sẽ không tự khắc dẫn đến một cuộc khủng hoảng an ninh nhưng vẫn đảm bảo tăng cường sư hiện diện chiến lươc của Trung Quốc.

Cuối cùng, việc Trung Quốc không gặp nhiều khó khăn khi biến Phú Lâm thành trung tâm chiến lược chống tiếp cận cho thấy rằng Trung Quốc có thể thực hiện các hoạt động triển khai vũ khí tương tự ở khu vực quần đảo Trường Sa. Như vậy, một tổ hợp các loại vũ khí hiện đại như radar, máy bay, tên lửa, tàu chiến sẽ gây ra những rủi ro lớn cho tàu và máy bay Mỹ nếu tiến hành các hoạt động thách thức chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Việc Trung Quốc triển khai vũ khí ở Phú Lâm chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong toàn bộ những thách thức về mặt chiến lược mà Trung Quốc đặt ra. Dù năng lực đơn lẻ của từng vũ khí sẽ không đe dọa cán cân khu vực, nhưng sự kết hợp từ nhiều phương diện sức mạnh và khả năng chống xâm nhập từ đảo Phú Lâm cho phép Bắc Kinh từng bước mở rộng sự hiện diện của mình ở Hoàng Sa, Trường Sa và tiến tới phong tỏa phẩn lớn Biển Đông.

 Biển Đông - Trở lại tương lai?” của Alison Pert

Hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông đang đưa Liên Hợp Quốc (LHQ) trở về thời đại mà sức mạnh nắm quyền và tranh chấp được giải quyết bằng vũ lực.

Ban đầu Trung Quốc vẫn khẳng định rằng các hòn đảo nhân tạo sẽ không sử dụng cho mục đích quân sự. Tuy nhiên, giọng điệu này đã thay đổi khi nước này tuyên bố rằng các phương tiện lắp đặt là cần thiết để nhằm tự vệ trước những “kẻ xâm lược” như Mỹ và Nhật Bản. Dù ý định thực sự có là gì, thì một viễn cảnh thực tế là Trung Quốc sẽ tìm cách kiểm soát toàn bộ  Biển Đông và sẽ sử dụng vũ lực nếu cần thiết.

Bên cạnh những mối đe dọa trực tiếp mà Trung Quốc đặt ra cho các quốc gia tranh chấp, một mối quan ngại lớn khác chính là hệ quả từ hành động của Trung Quốc sẽ làm ảnh hưởng đến niềm tin của các quốc gia đối với luật quốc tế, hệ thống an ninh tập thể của Liên Hợp Quốc. Một trong những lý do hình thành hệ thống này năm 1945 chính là nhằm ngăn chặn việc chiếm đoạt lãnh thổ bằng vũ lực.

Yêu sách quá đáng của Trung Quốc hoàn toàn không phù hợp với UNCLOS. Trong tranh chấp ở Biển Đông, Philippines đã kêu gọi Trung Quốc giải quyết bằng tòa trọng tài theo điều lệ của UNCLOS, tuy nhiên Trung Quốc đã từ chối bất chấp bản thân là một thành viên của UNCLOS. Nếu tin tưởng vào yêu sách của mình, rõ ràng Trung Quốc không cần phải sợ hãi khi tham gia vào cơ chế này.

Trung Quốc đã từng sử dụng vũ lực để khẳng định yêu sách của mình trong một số trường hợp. Trung Quốc cũng biết rõ rằng, luật pháp quốc tế cho phép sử dụng vũ lực chỉ trong trường hợp đối mặt với một cuộc tấn công vũ trang, không được sử dụng trong trường hợp như đối với tàu hay máy bay nước ngoài chỉ đơn thuần đi qua khu vực mà các quốc gia khác xem là không phận hay vùng biển quốc tế.

Trung Quốc không chỉ là một cường quốc, mà còn là một thành viên Hội đồng Bảo an (UNSC), phải có trách nhiệm duy trì an ninh và hòa bình thế giới. Điều này có nghĩa gì? Những người hoài nghi thì cho rằng điều này không có gì là mới bởi có nhiều trường hợp thành viên UNSC vi phạm hiến chương LHQ từ năm 1945, chẳng hạn như cuộc xâm lược Iraq năm 2003.  Tuy nhiên tình thế hiện tại lại có sự khác biệt. Một mặt Trung Quốc viện dẫn luật quốc tế để bảo chữa cho những hành vi của mình, nhưng mặt khác nước này lại đang dùng vũ lực để tiến tới kiểm soát một vùng biển rộng lớn, mà rõ ràng đó là các vùng biển quốc tế và một số là các tuyến đường biển lớn của thế giới.

Điều cần thiết là cần phải thường xuyên và mạnh mẽ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc. Hoạt động tuần tra tự do hàng hải cần phải được tiếp tục và mở rộng để đảm bảo rằng sẽ không có bất kỳ sự chấp nhận nào đối với yêu sách của Trung Quốc. Liên tục duy trì và kéo dài sự chỉ trích hành vi của Trung Quốc theo cách này sẽ mang lại hy vọng duy trì sự tôn trọng luật quốc tế và bảo vệ hệ thống Hiến chương LHQ./.