Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc tiếp tục bao biện hoạt động quân sự hóa Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 30/3, về thực hư việc Trung Quốc bố trí tên lửa chống hạm ở Hoàng Sa, Người phát ngôn Hồng Lỗi ngang nhiên tuyên bố: “Hoàng Sa là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc, không hề có tranh chấp ở đây. Việc Trung Quốc bố trí các thiết bị quân sự là hợp pháp và phù hợp. Hành động như vậy không thể coi là quân sự hóa.” Về việc đạo luật an mới của Nhật Bản chính thức có hiệu lực cho phép nước này thực hiện quyền phòng thủ tập thể, ông Hồng tuyên bố: “Việc Nhật Bản triển khai luật mới về là sự điều chỉnh sau thế chiến trong chính sách an ninh và quân sự của Nhật Bản, điều này dấy lên lo ngại Nhật Bản đã thay đổi trong con đường phát triển hòa bình. Trung Quốc thúc giục phía Nhật kiềm chế, không có hành động phương hại chủ quyền và các lợi ích an ninh của Trung Quốc cũng như hòa bình, ổn định trong khu vực.”

Đài Loan sẵn sàng trong các tình huống ở Biển Đông. Trong một báo cáo trước Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của Lập pháp viện hôm 31/3, người đứng đầu quốc phòng Đài Loan Cao Quảng Kỳ cho hay trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực đang tăng cường chạy đua vũ trang, quân đội Đài Loan tại một số vị trí đảo tiền tiêu ở Biển Đông được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Theo ông Kỳ, lực lượng phòng vệ tại đảo Ba Bình trong những năm gần đây đã được tăng cường nhiều trọng pháo như Bofor 400 mm và T-63 120 mm, các phương tiện này thường xuyên được bảo dưỡng, hiệu chỉnh. Tuy nhiên, lãnh đạo quốc phòng Đài Loan không cho biết liệu Đài Bắc đã triển khai hệ thống tên lửa đất đối không trên đảo.

Trung Quốc tuyên bố có quyền thiết lập vùng ADIZ. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, phát ngôn viên Dương Vũ Quân hôm 31/3 tuyên bố: “Về vấn đề này, Trung Quốc đã nói rõ nhiều lần. Điều tôi muốn nhấn mạnh là thiết lập ADIZ là quyền của một quốc gia có chủ quyền và chúng tôi không cần các nước khác đưa ra ý kiến. Điều này phụ thuộc vào Trung Quốc có gặp mối đe dọa hay không cũng như mức độ đe dọa.”

+ Việt Nam:

Việt Nam lên tiếng việc Trung Quốc đưa giàn khoan ra Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 31/3, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: “Theo thông báo của phía Trung Quốc, khu vực giàn khoan Hải Dương 943 của Trung Quốc đang hoạt động thuộc vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Đây là khu vực Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang đàm phán để phân định. Vì vậy, các bên liên quan cần tránh các hoạt động đơn phương làm phức tạp tình hình, không có lợi cho việc đàm phán, phân định tại vùng biển này. Việt Nam bảo lưu các quyền và lợi ích pháp lý của mình đối với khu vực này phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982 và thực tiễn quốc tế liên quan”.

Bắt giữ tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Vào hồi 15 giờ 30 ngày 31/3, trong khi làm nhiệm vụ tại tọa độ 19 độ 44’N 107 độ 20’E cách đường phân định Vịnh Bắc Bộ 12 hải lý về phía Tây Nam đảo Bạch Long Vĩ, Biên đội 1 thuộc Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Hải Phòng đã phát hiện, bắt giữ tàu Quỳnh Dương Phổ. Tàu số hiệu 13056 có chở theo 100.000 lít dầu không rõ nguồn gốc. Theo lời khai ban đầu của thuyền trưởng, tàu chở số dầu trên để bán cho những tàu Trung Quốc đánh bắt cá trái phép trên vùng biển Việt Nam.

+ Philippines:

Tổng thống Philippines cảnh báo nguy cơ xung đột ở Biển Đông. Phát biểu trong hội thảo Các nhà xuất bản châu Á (Publish Asia 2016) tổ chức ở Manila hôm 30/3, Tổng thống Philippines Benigno Aquino khẳng định: “Tất cả các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, cũng như các nước có lợi ích chung ở đây, đều nhận thấy rằng chiến tranh là một hành động vô nghĩa. Sẽ chẳng có ai thu lợi mà ngược lại, cả thế giới đều thua thiệt nếu cuộc tranh chấp này dẫn tới chiến tranh.” Theo ông Aquino, Philippines sẽ không ảo tưởng phát động một cuộc chiến với Trung Quốc mà kêu gọi nước này tuân thủ UNCLOS để chấm dứt những bất ổn khu vực bằng những biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, Philippines cũng cần hiện đại hóa các lực lượng vũ trang để đáp ứng các nhu cầu phòng vệ. Ông Aquino cho hay: “Chúng tôi nằm ở vị trí quá cảnh sang Thái Bình Dương và giờ đây chúng tôi đang nghiên cứu xem liệu có cần một lực lượng tàu ngầm hay không. Philippines có thể mất toàn bộ bờ biển phía Tây nếu Trung Quốc thành công trong việc áp đặt các yêu sách chủ quyền.”

+ Malaysia:

Malaysia triệu Đại sứ Trung Quốc về vụ tàu cá xâm phạm vùng biển. Tuần trước, cơ quan chức năng của Malaysia đã phát hiện khoảng 100 tàu cá Trung Quốc xâm phạm khu vực gần Bãi cạn Luconia. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Malaysia hôm 31/3 cho hay cơ quan này đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tới để “đưa ra lời giải thích rõ ràng cũng như bày tỏ những quan ngại của Malaysia về vụ việc này”. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein hôm 28/3 khẳng định không có tàu thuyền Trung Quốc xâm nhập vùng biển của Malaysia.  Theo Bộ trưởng Hishammuddin, thông tin này đã được Tư lệnh Lực lượng Hải quân Hoàng gia Malaysia xác nhận sau khi kiểm tra khu vực, “Tôi thấy yên tâm khi ông ấy khẳng định vùng biển của chúng ta an toàn.” Ngay sau đó trong cuộc họp báo hôm 29/3, Người đứng đầu Cơ quan chấp pháp biển của Malaysia (MMEA) ông Ahmad Puzi Ab Kahar cho biết hai tàu Hải cảnh Trung Quốc đã hộ tống tàu cá nước này xâm phạm vùng biển gần bãi cạn Luconia, “Tới 100 tàu cá thì đây không phải điều bình thường. Việc này chưa từng xảy ra. Đây là lần đầu tiên. Điều này lý giải tại sao chúng tôi tiếp cận vấn đề một cách thận trọng”. Theo ông Ab Kahar, khi hải quân Indonesia tới kiểm tra khu vực thì đội tàu cá Trung Quốc đã di chuyển về phía Tây. Người đứng đầu MMEA cũng cảnh báo rằng tàu nước ngoài đánh bắt cá trái phép trong vùng biển nước này sẽ có thể bị đánh chìm hoặc bán đấu giá cùng với số hải sản họ đánh bắt được, nếu bị kết tội theo luật pháp Malaysia. Trong khi đó phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố Malaysia có khả năng đối phó với các tàu xâm phạm vùng biển Malaysia. Ông Najib Razak cũng lưu ý rằng tranh chấp biển, không thể giải quyết bằng sức mạnh quân sự, mà phải thông qua đàm phán và sự đoàn kết của ASEAN.

+ Indonesia:

Indonesia bắn tàu cá Đài Loan mà không cảnh báo trước. Trong một báo cáo đưa ra ngày 28/3, người đứng đầu Cơ quan ngư nghiệp của Đài Loan ông Thái Nhật Diệu cho biết Indonesia đã bắn thẳng vào tàu đánh cá của Đài Loan mà không cảnh báo trước, đồng thời yêu cầu phía Indonesia giải thích về hành động đó. Theo phía Đài Loan, có đến 17 viên đạn cắm thẳng vào hai chiếc tàu đánh cá bị bắn. Vụ việc diễn ra vào ngày 21/3 tại vùng biển thuộc eo Malacca nằm giữa Indonesia và bán đảo Mã Lai. Phía Indonesia cho rằng hai chiếc tàu Đài Loan bị bắn vì đã phớt lờ cảnh cáo của tàu tuần duyên Indonesia, khi đi vào vùng biển của nước này, và bị tình nghi là đánh trộm cá.

Nhóm chuyên gia Indonesia đề nghị hạ nhiệt với Trung Quốc. Ngày 28/3, trong một cuộc gặp với Tổng thống Joko 'Jokowi'€Widodo, một nhóm chuyên gia Indonesia, gồm các chuyên gia về khoa học chính trị từ Đại Học Indonesia, cho rằng thay vì tiếp tục làm căng thẳng leo thang, Chính phủ nên củng cố vị thế pháp lý của Bộ Biển và Nghề cá để hoạt động chống đánh bắt trái phép trong vùng EEZ của Indonesia có thể nhận được sự ủng hộ của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) trong trường hợp tàu nước ngoài có sự chống đối. Theo Người phát ngôn của nhóm này, IMO chỉ thừa nhận những tàu của Chính phủ triển khai hoạt động trong vùng EEZ, như vậy điều rất cần thiết đối với Bộ Biển và Nghề cá Indonesia là đăng ký các tàu làm nhiệm vụ tuần tra của Chính phủ với tổ chức quốc tế này. Nhóm chuyên gia cảnh báo động thái pháp lý (việc kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài liên quan đến vụ việc đối đầu trên biển ngày 19/3) không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ song phương mà Indonesia có thể sẽ thua trên mặt trận pháp lý, vì các tàu tuần tra của Bộ này chưa được IMO thừa nhận.

Indonesia sẽ tăng cường sức mạnh không quân ở Biển Đông. Bộ Quốc phòng Indonesia tuyên bố sẽ triển khai chiến đấu cơ F-16 đến quần đảo Natuna để chống lại “những tên trộm”, chưa đầy hai tuần sau cuộc đối đầu giữa tàu Indonesia và Trung Quốc ở vùng biển trên. Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg News hôm 31/3, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho hay, “Natuna là cửa ngõ, nếu cửa ngõ không được bảo vệ thì trộm sẽ đột nhập vào bên trong. Tất cả những động thái này là vì cho đến nay Natuna vẫn chưa được bảo vệ”. Quân đội Indonesia cũng sẽ triển khai thủy quân lục chiến, các đơn vị không quân đặc biệt, một tiểu đoàn quân sự, ba tàu khu trục nhỏ, một hệ thống radar mới và các máy bay không người lái đến Natuna.

Indonesia yêu cầu Trung Quốc giao nộp tàu cá hoạt động bất hợp pháp. Trong cuộc phỏng vấn với hãng AFP ngày ¼, Bộ trưởng Ngư nghiệp Indonesia Susi Pudjiastuti cho hay đã yêu cầu Bắc Kinh giao nộp tàu cá đánh bắt trái phép cho giới chức Indonesia. “Tôi tin rằng Trung Quốc là một nước lớn, với việc thực thi pháp luật tốt, và họ sẽ không ủng hộ hoạt động đánh bắt trái phép dù đó là tàu Trung Quốc. Tôi tin rằng họ thể hiện sự tôn trọng bằng việc giao nộp tàu cá đánh bắt trái phép”. Theo bà Pudjiastuti, “Trung Quốc là một nước lớn, họ không nên bắt nạt các quốc gia nhỏ hơn”.

 

+ Mỹ:

Mỹ sẽ không công nhận vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc ở Biển Đông. Phát biểu tại một sự kiện do tờ Washington Post tổ chức ngày 30/3, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work khẳng định Mỹ sẽ không công nhận ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông và coi đây là động thái gây “bất ổn”. Các quan chức Mỹ lo ngại rằng phán quyết của tòa án quốc tế dự kiến trong những tuần tới về vụ kiện của Philippines có thể đẩy Bắc Kinh tới việc tuyên bố một ADIZ, trong khu vực, như đã làm ở biển Hoa Đông năm 2013. Theo ông Work, “Chúng tôi đã nói rất rõ ràng với đối tác Trung Quốc rằng một ADIZ sẽ gây mất ổn định ở khu vực. Chúng tôi cho rằng tất cả các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông phải được xử lý thông qua biện pháp hòa bình và không sử dụng vũ lực.”

Mỹ bác bỏ việc Trung Quốc tuyên bố không quân sự hóa Biển Đông. Trả lời phỏng vấn một nhóm nhà báo Đông Nam Á qua điện thoại hôm 29/3, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn Đông Á - Thái Bình Dương Mỹ Colin Willett khẳng định lập luận của Trung Quốc rằng hoạt động cải tạo đất và xây dựng ở Biển Đông vì mục đích dân sự là không thuyết phục, “Chúng ta không cần tới những cơ s như vậy để bảo vệ dân thường, cứu trợ ngư dân hoặc theo dõi thời tiết. Đường băng mà Trung Quốc đã xây dựng dành cho những loại máy bay ném bom chiến thuật. Điều mà Trung Quốc đang làm đã vượt xa những gì mà các nước tranh chấp khác đã làm trong nhiều thập niên.” Về vụ kiện của Philippines, bà Willett cho hay, “Vụ kiện không chỉ bao gồm vấn đề liên quan tới việc ai là người thực sự có chủ quyền tại các khu vực ở Biển Đông mà còn đưa ra một quyết định quan trọng về không gian biển và quyền của các bên tranh chấp. Bất kể phán quyết ra sao, chúng tôi đều khẳng định với Trung Quốc rằng đó không phải là mối đe doạ. Đó là một cơ hội cho giải pháp ngoại giao thực sự. Nếu Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của tòa án, họ đã tự đẩy mình rơi vào sâu hơn trong cuộc xung đột với các quốc gia láng giềng”.

Mỹ lên kế hoạch tiếp tục tuần tra ở Biển Đông. Hãng Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết Hải quân Mỹ có kế hoạch tiến hành một cuộc tuần tra khác gần các đảo tranh chấp ở Biển Đông ngay đầu tháng Tư này. Trong khi đó ngày 1/4 , một quan chức cao cấp của chính quyền Obama ẩn danh cho biết, “Quan điểm lâu nay của chúng tôi không có gì thay đổi. Chúng tôi không đưa ra quan điểm về tranh chấp các thực thể tự nhiên ở Biển Đông. Nhưng Mỹ sẽ thường xuyên tiến hành hoạt động như vậy trên toàn thế giới để thách thức các yêu sách vi phạm quyền và tự do hàng hải, hàng không theo quy định của luật pháp quốc tế, điều này cũng áp dụng ở cả Biển Đông. Nếu diễn ra, đây là cuộc tuần tra thứ ba trong một loạt hành động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông.

+ Úc:

Úc chuyển giao 3 tàu hạng nặng cho Philippines. Người phát ngôn Hải quân Philippines hôm 28/3 cho hay ba tàu hạng nặng mang tên HMAS Balikpapan 126, HMAS Wewak 130 và HMAS Betano 133 đã được Úc bàn giao cho Philippines tại Thành phố Cebu, miền Trung Philippines. 3 tàu mới này đã được bán với "giá hữu nghị" 270 triệu Peso và hiện các tàu này đang được tu sửa lại tại nhà máy đóng tàu Cebu. Sau khi hoàn tất sẽ được biên chế cho hải quân đúng vào dịp kỷ niệm 118 năm ngày quốc khánh Philippines. Các tàu này sẽ được Hải quân Philippines sử dụng nhằm nâng cao năng lực trong các hoạt động vận tải biển, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai và vận chuyển binh lính.

 

Quan hệ các nước

Lãnh đạo Mỹ - Trung bàn về Biển Đông. Ngày 31/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc hội đàm bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tại Washington. Một trong những chủ đề sẽ được nói đến là căng thẳng hiện tại ở Biển Đông. Ông Tập cho rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất cứ hành vi nào núp dưới danh nghĩa tự do hàng hải để xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền trên Biển Đông. Theo ông Tập, tranh chấp trên Biển Đông chỉ có thể được giải quyết hòa bình thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Obama hối thúc Trung Quốc giải quyết những tranh chấp biển một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mỹ có lợi ích toàn cầu trong việc duy trì tự do hàng hải và tự hàng không trong khu vực.

Nhật - Ấn thảo luận về hành động trên biển của Trung Quốc. Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tại Washington hôm 1/4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã bày tỏ mối quan ngại chung về hành động trên biển ngày càng quyết đoán của Trung Quốc. Ông Abe bày tỏ mối “quan ngại sâu sắc” trước việc Trung Quốc ngày càng tăng cường các hoạt động đơn phương trên Biển Đông và Biển Hoa Đông nhằm thay đổi hiện trạng và khiến cho tình hình trong khu vực ngày càng căng thẳng. Ông Modi đã bày tỏ sự ủng hộ những quan điểm của ông Abe, đồng thời nói rằng, bất kỳ hành động nào cũng cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế trong một cộng đồng quốc tế đang ngày càng phụ thuộc lẫn nhau.

Tàu chiến Nhật Bản thăm cảng Philippines trước khi tới Cam Ranh. Tàu ngầm Oyashio cùng 2 tàu khu trục JS Ariake và JS Setogiri của Nhật Bản hôm 3/4 đã cập cảng Subic, bắt đầu chuyến thăm quốc gia Đông Nam Á này. Phát biểu trong cuộc họp báo, thuyền trưởng Hiroaki Yoshino cho hay chuyến thăm thể hiện mục tiêu thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực và tăng cường hợp tác giữa hải quân hai nước. Trước đó, giới chức Nhật Bản cho biết đội tàu tới Philippines để tham gia cuộc tập trận mở rộng thường niên.

Mỹ - Philippines tập trận chung gần Biển Đông. Cuộc tập trận thường niên mang tên Balikatan (Vai kề Vai) sẽ bắt đầu vào ngày 4/4, trong suốt 11 ngày với sự tham gia của hàng ngàn binh sĩ. Người phát ngôn của cuộc tập trận, Đại úy Philippines Celeste Frank Sayson hôm 2/4 tiết lộ phía Mỹ sẽ triển khai 55 máy bay chiến đấu tham gia tập trận. Trong khi đó, Philippines sẽ sử dụng các máy bay vừa mới mua. Địa điểm cuộc tập trận năm nay vẫn chưa được tiết lộ cụ thể tuy nhiên cuộc tập trận gần đây nhất thường được tổ chức tại một căn cứ không quân cách khu vực tranh chấp trên Biển Đông chỉ 230km.

Phân tích và đánh giá

Quan điểm của Ấn Độ về Biển Đông” của Darshana Barauh

Sự thay đổi của Ấn Độ về chính sách biển và những phát biểu về Biển Đông có thể là dấu hiệu cho thấy Ấn Đô sẽ đóng vai trò trực tiếp hơn ở Biển Đông. Tuy nhiên, Ấn Độ sẽ gần như không thể hiện vai trò nổi bật hơn ở Biển Đông bởi một số lý do sau:

Chính sách biển và đối ngoại

Ấn Độ vốn có truyền thống hướng về đất liền về mặt chiến lược phòng thủ và nước này sẽ vẫn tiếp tục thực hiện điều đó trong bối cảnh tranh chấp biên giới phía bắc. Dù có sự thay đổi về chính sách biển nhưng Ấn Độ vẫn xem Ấn Độ Dương là khu vực lợi ích ưu tiên hơn so với Biển Đông.

Mặc dù vậy, Ấn Độ cũng nhận thức được những tác động của vấn đề Biển Đông và đang quan sát trong khả năng của mình. Nhưng Ấn Độ sẽ vẫn xem đây là vấn đề nằm ngoài lợi ích chiến lược, sẽ không căng nguồn lực can thiệp.

Vấn đề về vùng EEZ

Trọng tâm trong hoạt động FONOP của Mỹ là vấn đề về quyền qua lại của tàu quân sự trong vùng EEZ. Có sự khác biệt về cách diễn giải về quyền này. Mỹ cho rằng tàu quân sự của mọi quốc gia đều có quyền đi qua vùng EEZ của một quốc gia khác, trong khi đó Trung Quốc lại cho rằng quốc gia ven biển được quyền xua đuổi tàu quân sự ra khỏi vùng EEZ của mình. Đa số các quốc gia Châu Á đều có quan điểm giống như Trung Quốc, kể cả Ấn Độ. Dù đã ký UNCLOS nhưng Ấn Độ đã tuyên bố rằng “Ấn Độ nhận thức rằng các quy định của UNCLOS không cho phép quốc gia khác thực hiện hoạt động hay tập trận quân sự ở vùng thềm lục địa hay EEZ…mà không có sự cho phép của quốc gia ven biển”.

Là quốc gia đang phát triển và có tham vọng trở thành cường quốc, Ấn Đô đã để ngỏ lựa chọn để khi cần thiết có thể thực hiện quyền đó nhằm bảo vệ lợi ích chiến lược của mình. Việc cùng Mỹ thực hiện hoạt động FONOP sẽ gây những tranh cãi, ít nhất là về mặt lý thuyết. Ấn Độ cảm thấy an toàn hơn khi tránh xa vấn đề này.

Không có lợi ích chiến lược

Hầu hết hệ thống chính trị Ấn Độ đều phải đối diện với câu hỏi: Thực hiện tuần tra Biển Đông có đem lại lợi ích cho Ấn Độ? Câu trả lời là không. Điều này không hề có ý nghĩa về mặt địa lý cũng như về mặt năng lực dù Ấn Độ có khả năng và chắc chắn cũng không đem lại lợi ích chiến lược cho Ấn Độ. Ngân sách quốc phòng hạn chế và quân đội phải ưu tiên lợi ích khi phân bổ nguồn lực. Biển Đông không được xếp hạng cao trong ưu tiên của Ấn Độ. Ngoài ra, Ấn Độ đang phải đương đầu với những khó khăn trong nước về sự thay đổi xã hội và những vấn đề quan trọng khác, việc cử tàu đến tuần tra Biển Đông sẽ khiến cho công chúng hiểu nhầm.

Nếu không  xảy ra một tình thế có tác động trực tiếp đến hệ quả trong vấn đề biên giới với Pakistan và Trung Quốc, cách tiếp cận của Ấn Độ ở Biển Đông sẽ vẫn không có gì nổi bật và không thay đổi.

Xây dựng một kế hoạch dự phòng cho Bãi Scarborough” của Gregory Poling Zack Cooper

Tại sao là Bãi cạn Scarborough?

Nếu Trung Quốc thực hiện cải tạo tại Scarborough thì quân đội Trung Quốc sẽ có thể duy trì sự hiện diện trên Biển Đông và thậm chí mở rộng phạm vi hoạt động tới khắp các phần của quần đảo Philippines. Điều này sẽ gây một tác động chiến lược to lớn cho Philippines và Mỹ.

Các hệ quả liên quan

Từ góc độ an ninh, nó sẽ làm suy yếu nhận thức về thiện chí duy trì an ninh khu vực của Mỹ. Điều này đặc biệt đúng bởi vì Philippines đã mất quyền tiếp cận Scarborough vào năm 2012 sau nỗ lực thất bại của Mỹ trong việc thương lượng để cả Trung Quốc và Philippines cùng rút quân. Một sân bay hoặc cảng ở Scarborough sẽ tăng cường khả năng quân sự của Trung Quốc trong và xung quanh Biển Đông, cũng như gây khó khăn cho Mỹ và đồng minh khi lên kế hoạch cho một cuộc khủng hoảng.

Từ góc độ ngoại giao, cải tạo Scarborough sẽ là dấu chấm hết cho nỗ lực rời rạc của ASEAN nhằm quản lý căng thẳng trong khu vực bằng con đường ngoại giao, vi phạm nguyên tắc chính yếu của DOC; và các cuộc đàm phán của Bắc Kinh với ASEAN chỉ là một tấm bình phong và nó không còn cần thiết nữa.

Phác thảo một kế hoạch ứng phó hiệu quả

Bước đầu tiên để đối phó với hoạt động cải tạo của Trung Quốc là phải đảm bảo rằng Washington và Manila đang chia sẻ thông tin tình báo về các hành động của Trung Quốc. Ưu tiên trong chiến lược của Trung Quốc là lợi dụng nhận thức yếu kém của các quốc gia khu vực về các vấn đề trên biển để đưa họ vào thế đã rồi. Việc chia sẻ thông tin giúp phản ứng một cách thích hợp khi có dấu hiệu đầu tiên của hoạt động cải tạo sắp xảy ra.

Chìa khóa thứ hai để răn đe thành công cần phải được truyền đạt một cách rõ ràng từ trước: Mỹ cần nêu công khai rằng Mỹ sẽ buộc phải can thiệp nếu quân đội hay tàu của Philippines bị tấn công tại Bãi cạn Scarborough hay tại các khu vực khác của Biển Đông. Thực hiện điều đó và sẵn sàng đi đến cùng nếu cam kết đó bị thách thức, là chìa khóa để củng cố quyết tâm của Philippines khi đương đầu với Trung Quốc.

Bước cuối cùng và khó khăn nhất để ngăn chặn Trung Quốc cải tạo ở Bãi cạn Scarborough là phải chuẩn bị các trang thiết bị để Philippines có thể can dự trong thời gian ngắn. Nếu cử một tàu hải quân của Mỹ vào lãnh hải của thực thể đang tranh chấp trong trường hợp Trung Quốc không sử dụng vũ lực sẽ vi phạm (hoặc ít nhất sẽ vấy bùn nghiêm trọng) luật pháp và chuẩn mực quốc tế mà Mỹ đang tìm cách để duy trì. Thay vào đó là thông qua việc sử dụng trang thiết bị của Philippines, còn Mỹ chỉ ở bên ngoài lãnh hải. Các trang thiết bị của Hải quân Mỹ cũng cần phải duy trì ở vị trí sẵn sàng để báo hiệu rằng họ sẽ can thiệp nếu Trung Quốc tấn công các lực lượng Philippines.

Chìa khóa để đối phó thành công là buộc Bắc Kinh phải lựa chọn giữa việc đạt được mục tiêu của mình bằng vũ lực hoặc bỏ đi và thử lại vào một dịp khác.

Phương thức bảo đảm hòa bình Biển Đông để không đi đến Thế chiến 3” của Van Jackson

Tăng cường minh bạch hóa các hoạt động phải là ưu tiên chiến lược hàng đầu hiện nay đối với Washington và Mỹ cần phải đầu tư nhiều nguồn lực và chính trị để tăng cường chia sẻ thông tin cho các quốc gia Đông Nam Á. Bản chất mơ hồ, thiếu thông tin ở vùng biển này đã và đang tạo ra một môi trường lý tưởng cho các viễn cảnh giao tranh bùng phát. Một “kẻ cơ hội” như Trung Quốc luôn có cách để lợi dụng điều này.

Các phương án mà Mỹ đưa ra như văn bản Chiến lược An ninh Biển châu Á - Thái Bình Dương, Sáng kiến An ninh Biển đều chưa đưa ra được một đường hướng cụ thể, sao cho Washington có thể khiến các hoạt động trên Biển Đông trở nên minh bạch hơn. Phương thức có thể thực hiện là lấp đầy “lỗ hổng ISR” (tình báo, theo dõi và giám sát) của các nước Đông Nam Á. Đó là thúc đẩy hợp tác với các đối tác theo 3 hướng:

Tận dụng các công ty thương mại

Một số công ty khởi nghiệp và các tổ chức phi lợi nhuận tại Thung lũng Sillicon đang dẫn đầu trong lĩnh vực mô phỏng hình ảnh cập nhật vị trí tàu thuyền và máy bay trên bản đồ, cũng như phân tích giá trị của các thông tin họ thu thập được, chẳng hạn như, Skybox, Vùng biển Quanh ta, hay Tổ chức Giám sát Đánh bắt cá Toàn cầu.

Cho đến thời điểm này, năng lực của các công ty này vẫn chưa được tận dụng trong các vấn đề Biển Đông. Mỹ có thể thay đổi điều này.

Để sở hữu các hệ thống ISR sẽ rất tốn kém, đó là chưa kể thời gian cần để huấn luyện sử dụng. Do đó, giải pháp có lợi cho các bên là thuê các công ty công nghệ tại Thung lung Sillicon cung cấp ISR cho mỗi nước.

Cùng kết hợp với các quốc gia ngoài khu vực

Hiện nay, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, và Hàn Quốc đều đang ít nhiều tham gia vào các hoạt động đảm bảo an ninh Đông Nam Á, qua việc bán vũ khí, phối hợp tập trận, và thậm chí cả tuần tra chung với một hoặc nhiều nước ASEAN.

Nhưng sự phối hợp giữa 4 nước này, cũng như giữa họ với Mỹ, chỉ gói gọn trong các động thái song phương đơn thuần. Do đó, trách nhiệm của Mỹ là phải làm sao để Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, và Hàn Quốc có thể trở thành một “dàn hợp xướng”, để tận dụng điểm mạnh của mỗi nước và cùng nhau đáp ứng các nhu cầu ISR của khu vực.

Tăng cường mạng lưới chia sẻ thông tin

Đến thời điểm hiên tại, đã có những bước đi tiên phong trong việc chia sẻ thông tin biển tại Đông Nam Á, điển hình là Mạng lưới Tuần tra Eo Biển Malaccavà Trung tâm Phối hợp Thông tin tại Singapore.

Mỹ và “dàn hợp xướng” cần xây dựng các trung tâm phối hợp hoạt động trên biển ở các quốc gia như Indonesia và Philippines, khuyến khích và hỗ trợ an ninh để thúc đẩy hợp tác đa phương trong việc cung cấp thông tin tàu và máy bay hoạt động trên biển.

Tác động của chính trị nội bộ đối với chính sách Biển Đông của Indonesia” của Evan Laksmana

Trong sự kiện va chạm giữa Indonesia và Trung Quốc vào ngày 20/3. Bộ trưởng Ngư nghiệp Susi Pudjiasstuti đã giận dữ và công khai cáo buộc Bắc Kinh đã “phá hoại” những nỗ lực hòa bình của Indonesia trong khi hành đông “ngạo mạn” và thiếu tôn trọng đến chủ quyền của Indonesia. Tuy nhiên, dù đã phản đối ngoại giao nhưng Bộ Ngoại giao Indonesia lại khẳng định vụ việc không liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Tổng thống Jokowi còn chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Điều phối các vấn đề Chính trị, Pháp lý và An ninh phải có bước đi cần thiết nhưng lưu ý rằng Trung Quốc “vẫn là người bạn của Indonesia”. Bối cảnh chính trị nội bộ là nhân tố cho phản ứng trái chiều này.

Đầu tiên là tranh giành ảnh hưởng giữa bộ ngoại giao và quốc phòng về vấn đề Biển Đông. Bộ ngoại giao thì cho rằng việc duy trì “tình trạng không tranh chấp” cho phép Indonesia giữ vai trò “trung gian chân thành” để dẫn dắt hình thành COC. Họ tin điều này sẽ cho phép Indonesia tiếp tục khai thác tài nguyên ở quần đảo Natuan đồng thời vẫn duy trì được toàn vẹn chủ quyền về lãnh hải và EEZ. Theo bộ ngoại giao thì cách tiếp cận logic quân sự sẽ dẫn đến căng thẳng, làm xói mòn tiến trình COC và thậm chí “vô tình” công nhân yêu sách của Trung Quốc. Trong khi đó bộ quốc phòng dường như không mấy tin tưởng điều đó. Họ quan ngại về những va chạm đánh bắt bất hợp pháp, không có thông báo và không theo quy định (IUU) ngày càng tăng trong vùng EEZ của Natuna. Bộ quốc phòng cho rằng trong khi Indonesia duy trì tình trạng không tranh chấp thì Trung Quốc đang dần xâm lấn không gian biển của Indonesia.

Thứ hai, trong khi sự hỗn loạn về quản lý vấn đề hàng hải của Indonesia đang lặp lại như thời kỳ Trật tự Mới, cách diễn giải khác nhau về Trục Hàng hải Toàn cầu (GMA) lại làm trầm trọng thêm sự cồng kềnh về quản lý. Một mặt, việc thành lập Cơ quan An ninh Biển năm 2014 không hề giải quyết được vấn đề chồng chéo và thiếu điều phối giữa các cơ quan, thì việc ông Jokowi bổ nhiệm bà Susi Pudjiastuti, một nhân vận nổi tiếng và quyết đoán, làm Bộ trưởng Ngư nghiệp đã làm tăng thêm đấu đá nội bộ trong bộ máy cồng kềnh. Một số chính sách của bà, đặc biệt là thường xuyên cho nổ tàu nước ngoài quá mức cần thiết và kết án hoạt động đánh bắt IUU đã gây ra xích mích với hải quân.

Thứ ba, dưới thời Ngoại trưởng Marsudi, việc hoạch định chính sách đối ngoại của bộ ngoại giao đã suy yếu. Trong khi một số trong bộ này tán dương việc bà tập trung đổi mới bộ máy và vai trò lãnh đạo thì số khác lại cho rằng hồ sơ về khu vực và toàn cầu đang bị suy giảm. Ngoài ra, một số người trong cộng đồng đối ngoại chung của Indonesia ngày càng lo ngại về khả năng thiếu tin tưởng và gắn kết giữa tổng thống và ngoại trưởng. Điển hình là năm ngoái, nội các Indonesia đã tuyên bố bổ nhiệm bảy “bộ trưởng cố vấn” đối ngoại để thúc đẩy đầu tư nước ngoài tốt hơn.

Cuối cùng, động lực phát triển cơ sở hạ tầng có lẽ là một trong những trọng tâm trong chiến dịch tái tranh cử của ông Jokowi, do đó việc duy trì mối quan hệ tốt với Bắc Kinh có thể được đặt ưu tiên hơn so với việc thể hiện tinh thần chủ nghĩa dân tộc.

Mở rộng CUES - Sáng kiến ‘đúng thời điểm’ của Singapore” của Lee YingHui

Nguy cơ xảy ra các vụ đối đầu quân sự ngoài ý muốn trên Biển Đông đã gia tăng đáng kể với việc Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không HQ-9 và Mỹ điều nhóm tàu sân bay đến vùng biển tranh chấp.

Việc cáo buộc lẫn nhau giữa Washington (và các bên tranh chấp khác) với Bắc Kinh cho thấy nhận thức về quân sự hóa đang mang tính chủ quan cao. Một hành động được một bên nhìn nhận là hành động quân sự hóa thường được bên kia xem là mang tính tự vệ. Tình thế “lưỡng nan an ninh” này đã giải thích cho sự gia tăng căng thẳng hiện nay trên Biển Đông. Chính vì thế, những hành động này đang tạo ra một vòng xoáy luẩn quẩn dẫn đến gia tăng căng thẳng hơn nữa trên Biển Đông.

Trước tình hình đó, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan trong chuyến thăm mới đây tới Trung Quốc cho biết Singapore đã đề xuất “mở rộng Bộ Quy tắc cho các Va chạm Ngoài ý muốn trên Biển (CUES) đến cả tàu hải quân và cảnh sát biển” với Bắc Kinh. Đề xuất của Singapore được đưa ra đúng thời điểm, giúp hạ nhiệt căng thẳng khi đề cập đến quy tắc can dự cho những va chạm ngoài ý muốn trên biển và tránh tính toán sai của các bên liên quan. Dù không mang tính bắt buộc, CUES vẫn có thể là một công cụ quản lí tạm thời căng thẳng gia tăng do sự đình trệ trong đàm phán COC.

Dù vẫn đang trong giai đoạn sơ khai, có nhiều lí do để lạc quan rằng đề xuất này của Singgapore sẽ được chấp nhận. Trung Quốc, Mỹ và ASEAN đều thể hiện sự sẵn sàng chấp nhận CUES trên Biển Đông. Đáng nói, Trung Quốc đã đưa ra đề xuất một “cuộc tập huấn chung về CUES (với ASEAN)... trong năm 2016 trên Biển Đông” hồi tháng 10/2015. Tuy nhiên, các bên liên quan cần giải quyết nhiều thách thức trước khi thông qua CUES. Thực tế cho thấy, CUES nguyên thủy chỉ áp dụng với Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và vùng biển quốc tế, không phải với vùng biển chủ quyền nên sẽ rất khó để các nước có tranh chấp, đặc biệt là Trung Quốc, chính thức đồng ý mở rộng CUES cho toàn bộ khu vực Biển Đông. Nhiều khả năng Mỹ, cùng với một nước ASEAN có tranh chấp sẽ coi đề xuất này là không hữu ích và hiện cũng chưa rõ phản ứng của Trung Quốc. Tuy nhiên, những khó khăn về kĩ thuật trong việc áp dụng quy định phức tạp này với tàu dân sự chắc chắn sẽ khiến quá trình đàm phán kéo dài và làm chậm việc áp dụng một CUES mở rộng. 

Dù việc “không bao gồm tàu dân sự” có thể hạn chế hiệu quả thực tế, song đề xuất về CUES mở rộng của Singapore, nếu được áp dụng, vẫn sẽ là một cơ chế xây dựng lòng tin quan trọng để giúp quản lý tình trạng căng thẳng gia tăng trên Biển Đông. Bước đi nhỏ này sẽ giúp xây dựng lòng tin giữa Mỹ, Trung Quốc, và các nước ASEAN đồng thời là một nền tảng quan trọng để thúc đẩy mở rộng CUES và nhiều cơ chế hợp tác khác trên Biển Đông./.