Động thái các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc thông báo hoạt động dầu khí tại Biển Đông. Cục Hải Sự Tam Á của Trung Quốc đưa ra Cảnh báo hàng hải Quỳnh Châu số 0037, tại Nam Hải, từ 24h00 ngày 26 tháng 4 đến 24h00 ngày 29 tháng 4, tàu "Nam Hải 222" kéo giàn khoan "Thăm Dò số 3" từ tọa độ 18-22.22N 107-41.15E đến tọa độ 17-52.83N 108-26.33E, tại cửa Vịnh Bắc Bộ; cáp kéo dài 500m, tốc độ 5knot.

Trung Quốc phản đối hải quân Mỹ tiến hành FONOP ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 30/4 tuyên bố, “Trung Quốc phản đối cấc cường quốc bên ngoài tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông. Thực tế một lần nữa Mỹ là nhân tố quân sự hóa Biển Đông, gây bất ổn ở khu vực. PLA duy trì cao độ trạng thái sẵn sàng, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển.” Trước đó ngày 28/4, Phát ngôn viên Chiến khu nam Trung Quốc Li Huamin cho biết tàu USS Barry của Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa, “Các lực lượng của Trung Quốc đã bám sát, theo dõi, nhận dạng, cảnh báo và xua đuổi tàu chiến Mỹ”. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Mỹ, Úc cùng một số nước thời gian qua liên tiếp gia tăng hiện diện quân sự, điều này không có lợi cho an ninh, ổn định của Biển Đông. Thực tế Mỹ là bên thúc đẩy mạnh nhất “quân sự hóa” ở Biển Đông. Quân đội Trung Quốc luôn đề cao cảnh giác, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích của quốc gia.

Trung Quốc bác cáo buộc lợi dụng Covid-19 để thúc đẩy yêu sách tại Biển Đông. Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam ngày 30/4 phản đối việc Đại sứ Mỹ tại Việt Nam chỉ trích Trung Quốc lợi dụng thời điểm các bên liên quan trong khu vực đang tập trung chống dịch Covid-19 để thúc đẩy những hành động phi pháp tại Biển Đông. Theo đó, những phát biểu của Mỹ hoàn toàn không đúng sự thật, nhằm cản trở những nỗ lực đối thoại giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực, phá hoại hòa bình ổn định trong khu vực. Trước đó, ngày 28/4, trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink bày tỏ, Mỹ phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông; khuyến khích các quốc gia liên quan cùng phản đối các hành vi của Trung Quốc.

Trung Quốc bác tin tàu nước này chĩa radar điều khiển hỏa lực vào tàu Philippines. Tại họp báo thường kỳ ngày 30/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định, tàu quân sự của Trung Quốc thực hiện chấp pháp bình thường tại vùng biển ở quần đảo Trường Sa, các thao tác liên quan là chuyên nghiệp, quy phạm, phù hợp với luật pháp quốc tế và các quy cách an toàn; phía Trung Quốc đã giao thiệp với phía Philippines về việc này, yêu cầu một số người Philippines tôn trọng sự thật, không có những phát biểu vô căn cứ.

Trung Quốc ngang nhiêu ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông. Lệnh cấm đánh bắt, bắt đầu từ 12h00 ngày 1/5 đến 12h00 ngày 16/8, ở khu vực từ vĩ tuyến 12 trở lên phía Bắc, đến đường ranh giới vùng biển Quảng Đông - Phúc Kiến. Tân Hoa xã dẫn thông báo từ lực lượng hải cảnh Trung Quốc, 50.000 tàu cá sẽ dừng hoạt động đánh bắt trong thời gian 3 tháng rưỡi và lực lượng này sẽ thực thi lệnh cấm một cách nghiêm ngặt theo cái gọi là quy định và luật pháp liên quan. Lệnh cấm này áp dụng ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

+ Philippines:

BTQP Philippines đánh giá tàu chiến Trung Quốc thử phản ứng của Philippines. Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana, ngày 28/4, cho biết Hải quân PLA có thể muốn thử phản ứng của Philippines khi tàu chiến Trung Quốc nhắm pháo vào tàu Hải quân Philippines BRP Conrado Yap ở Biển Đông vào giữa tháng 2. Theo ông Lorenzana, tàu Trung Quốc không có ý định gây tổn hại các thủy thủ trên tàu Hải quân Philippines dù hành động này có phần công kích. Điều này giống với những gì mỗi khi tàu Philippines di chuyển trong vùng EEZ ở Biển Đông và thường bị thách thức bởi thông báo qua radio rằng ‘bạn đang đi trong lãnh thổ của Trung Quốc.’

Philippines phản đối Trung Quốc thành lập cái gọi là “hai quận” ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Philippines ngày 30/4 cho hay nước này kiên quyết phản đối Trung Quốc ngày 18/4 thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” thuộc quản lý của “Thành phố Tam Sa” tự xưng do Trung Quốc thông báo vào ngày 18-4-2020 Bên cạnh đó, kể từ năm 2012, Philippines không công nhận thành phố Tam Sa bởi xâm phạm lãnh thổ và vùng biển của Philippines. Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh, “Philippines kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS cũng như DOC ở Biển Đông, đặc biệt là đoạn 5 quy định các bên kiềm chế những hành động phức tạp hóa hoặc làm leo thang các tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định.”

+ Mỹ:

Mỹ hoan nghênh Úc điều tàu chiến đến Biển Đông. Chỉ huy Nhóm tác chiến Viễn chinh USS America, Chuẩn đô đốc Fred Kacher hôm 26/4 cho hay, "Mỹ, Úc có chung lợi ích trong bảo đảm tự do hàng hải. Chúng tôi mong chờ cơ hội phối hợp trên biển với đồng minh Úc. Sự hiện diện của nhiều tàu chiến uy lực trên Biển Đông thực sự phát đi tín hiệu tới các đồng minh và đối tác rằng chúng ta có cam kết sâu sắc với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở và tự do." Trước đó ngày 13/4, các tàu chiến Mỹ và tàu hộ vệ HMAS Parramatta của hải quân Úc diễn tập trên Biển Đông. Hoạt động bao gồm diễn tập bắn đạn thật, vận hành trực thăng, diễn tập đội bảo vệ và hiệp đồng chỉ huy, kiểm soát với hơn 3.000 thủy thủ hải quân và lính thủy quân lục chiến Mỹ tham gia.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam lên án Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông. Trả lời phỏng vấn của VOV ngày 28/4, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho hay, “Mỹ kịch liệt lên án và phản đối những hành vi khiêu khích của Trung Quốc khi lợi dụng tình hình dịch bệnh để thúc đẩy những hành vi phi pháp và hiếu chiến hòng đạt được những yêu sách phi lý. Hành vi của Trung Quốc đang đe dọa đến hòa bình trong khu vực. Những hành vi mới nhất của Trung Quốc chỉ là một phần trong chuỗi dài những hành vi khiêu khích của Trung Quốc trong suốt thời gian qua. Mỹ sẽ tiếp tục duy trì chính sách lâu dài và bền vững trong khu vực trong đó có việc hỗ trợ đảm bảo an ninh hàng hải và giúp các quốc gia trong khu vực hiểu được những gì đang diễn ra cũng như tăng cường năng lực phòng vệ.”

Hải quân Mỹ hai ngày liên tiếp tiến hành FONOP ở Biển Đông. Tuần dương hạm USS Bunker Hill đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải (FONOP) tại khu vực gần quần đảo Trường Sa ngày 29/4. Tuyên bố của Hạm đội 7 cho hay “Các yêu sách biển quá mức và phi pháp ở Biển Đông tạo mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do của các vùng biển, bao gồm tự do hàng hải, hàng không và quyền qua lại vô hại của tất cả các tàu.” Theo một quan chức hải quân, tàu USS Bunker Hill đã thực hiện FONOP tại khu vực gần Đá Ga Ven. Trước đó ngày 28/4, tàu khu trục USS Barry đã tiến hành FONOP tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. 

Mỹ triển khai hai máy bay ném bom bay qua Biển Đông. Thông cáo từ Không quân Mỹ hôm 30/4 cho hay, 2 máy bay ném bom B-1B Lancer thuộc Không đoàn Ném bom số 28 tại căn cứ không quân Ellsworth ở bang South Dakota có chuyến bay dài 32 giờ thực hiện nhiệm vụ tại Biển Đông. Đây là một phần trong sứ mệnh chung của Bộ Tư lệnh chiến lược và Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, hướng tới “mô hình triển khai lực lượng linh hoạt” mới. Trước đó, ngày 22/4, máy bay ném bom B-1 của Mỹ từ căn cứ Ellsworth đã tới Nhật Bản, cùng 1 chiếc B-1B Lancer tham gia diễn tập với 15 máy bay chiến đấu của Nhật gần căn cứ không quân Misawa.

Không quân Mỹ triển khai tạm thời Phi đội Oanh tạc cơ B-1B tới Guam. Tuyên bố của không quân Mỹ ngày 1/5 cho hay, “bốn chiếc Oanh tạc cơ B-1B Lancer và 200 binh sĩ thuộc Phi đoàn ném bom số 9 được điều tới khu vực để tăng cường hoạt động huấn luyện cho các đồng minh, đối tác và củng cố trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thông qua các nhiệm vụ răn đe chiến lược.” Xuất phát từ căn cứ ở Texas, ba oanh tạc cơ B-1B Lancer bay thẳng đến căn cứ Andersen trên đảo Guam, chiếc thứ tư bay tới Nhật Bản để huấn luyện với hải quân Mỹ trước khi quay lại Guam. Không quân Mỹ không tiết lộ thời gian phi đội này sẽ hiện diện tại  căn cứ Andersen. Đợt triển khai lực lượng này diễn ra khoảng 2 tuần sau khi Lầu Năm Góc rút 5 oanh tạc cơ chiến lược B-52 khỏi căn cứ Andersen giữa tháng 4 và không điều lực lượng thay thế. Đây cũng là lần đầu tiên phi đội B-1B đáp xuống Guam từ năm 2017.

+ EU:

EU quan ngại trước các hành động đơn phương ở Biển Đông. Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại ASEAN ông Igor Driesmans nhấn mạnh những hành động đơn phương gần đây ở Biển Đông “làm gia tăng căng thẳng và hủy hoại môi trường an ninh hàng hải trong khu vực, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế hòa bình trong khu vực, đồng thời làm suy yếu hợp tác và lòng tin quốc tế, điều rất quan trọng nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện nay.” Đại sứ Driesmans cho biết EU mong muốn ASEAN và Trung Quốc hoàn tất một cách minh bạch các cuộc đàm phán về một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và ràng buộc về mặt pháp lý.

Thực hiện: Đinh Anh