Hiệp định Tiếp cận Quân sự Tương hỗ (RAA) giữa Nhật Bản và Philippines và tác động đến an ninh khu vực
RAA là một bước nâng cấp mới quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Nhật Bản và Philippines, thể hiện những chính sách mới của cả hai nước ứng phó với sự biến động nhanh chóng trong môi trường an ninh khu vực. Bài viết này sẽ thảo luận về RAA giữa Nhật Bản và Philippines vừa được ký kết và dự báo một số tác động của thỏa thuận này có thể có đối với an ninh khu vực.

RAA giữa Nhật Bản và Philippines

Cả Nhật Bản và Philippines cũng không công bố thông tin chi tiết liên quan đến nội dung RAA cho thấy thỏa thuận này có một số yếu tố nhạy cảm nhất định, đặt trong bối cảnh tình hình Biển Đông và Hoa Đông đều có diễn biến phức tạp. Thông tin sơ bộ từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho thấy RAA ký kết giữa hai nước nhằm thiết lập các điều kiện thuận lợi đặc biệt cho lực lượng quân đội mỗi nước khi đến hoạt động tại địa phận của nhau và thúc đẩy các hoạt động hợp tác như: (i) các hoạt động tập trận chung; (ii) các hoạt động cứu trợ thiên tai chung; và (iii) tăng tính tương tác giữa quân đội hai nước[1]. Trước đó, Nhật Bản đã ký các thỏa thuận RAA khác với Anh và Úc năm 2022 và 2023 và nội dung cụ thể của cả hai thỏa thuận này đều không được công khai. Tuy nhiên, các thông tin đã được công bố cho thấy mục tiêu của các RAA về cơ bản giống nhau.

Giáo sư Thomas Wilkins của Trường Đại học Sydney cho rằng RAA nên được hiểu là một hiệp định hợp tác về quân sự thông qua việc tạo ra khung pháp lý, an ninh cho các hoạt động hậu cần nhờ đó hai bên dễ dàng tiếp cận các căn cứ quân sự, bến cảng của nhau khi triển khai các hoạt động hợp tác quốc phòng chung.[2] Giáo Daisuke Akimoto của Trường Đại học Tokyo cho biết thêm phần quy định pháp lý quan trọng của RAA là các quy định thuận lợi hóa về visa, thuế… và cho phép binh sỹ lực lượng thăm viếng được mang theo vũ khí, đạn dược khi đi triển khai các nhiệm vụ của mình[3]. Nhà báo Ramon Roy Andyon của báo Nikkei Asia cho biết thêm, RAA giữa Nhật Bản và Philippines cũng có quy định cụ thể đặc quyền áp dụng tư pháp của mỗi nước lên lực lượng thăm viếng của nước kia nếu có vi phạm về luật pháp của nước đến thăm viếng[4]. Đây là điểm khác biệt giữa RAA của Nhật Bản với Philippines so với Hiệp định lực lượng thăm viếng (VFA) Philippines có với Mỹ.

Nhìn chung, RAA không phải là hiệp định phòng thủ quân sự chung vì không có các điều khoản ràng buộc quân đội hai nước phải hỗ trợ lẫn nhau hay cùng tham chiến khi xảy ra chiến tranh. Tuy nhiên, RAA mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc phòng giữa hai nước có quan hệ an ninh phát triển nhanh trong thời gian gần đây. Philipines và Nhật Bản có quan hệ đối tác chiến lược[5], hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực gồm có kinh tế, đầu tư, nhất là về phát triển cơ sở hạ tầng[6]. Tuy nhiên, ở khía cạnh quân sự, hai nước mới chỉ có hợp tác ở mức độ thông thường trong đó có các hoạt động thăm tàu, Nhật Bản hỗ trợ, cung cấp tàu thuyền, trang thiết bị quân sự cho Philippines để nâng cao năng lực quốc phòng, an ninh biển. Với việc ký kết RAA, quan hệ hợp tác quốc phòng được nâng lên một tầm cao mới, nâng cấp lòng tin, mở rộng cửa hợp tác quốc phòng giữa hai nước.     

Cụ thể, RAA sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Nhật Bản tham gia các hoạt động tập trận quân sự lớn hơn thuộc chương trình Balikatan giữa Mỹ và Philippines tại khu vực. Theo thông tin từ Người phát ngôn của hoạt động tập trận Balikatan giữa Mỹ và Philippines, tháng 4/2024, Philippines đã chính thức gửi thư mời Nhật Bản tham gia tập trận chung Balikatan vào năm 2025[7]. Do vậy, việc ký kết RAA giữa hai nước trong thời điểm năm 2024 có thể được hiểu như là một bước chuẩn bị khuôn khổ hợp tác pháp lý thuận lợi cho các hoạt động của Nhật Bản tham gia vào Balikatan vào năm sau.

Các động lực chính

RAA được phía Nhật Bản cập đến trong cuộc họp 2+2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Philippines vào tháng 04/2022 dưới thời kỳ Tổng thống Duterte. Tuy nhiên, trao đổi giữa hai bên về vấn đề này chỉ được tiến triển rõ nét khi Tổng thống Ferdinand Jr. Marcos nắm quyền. Tháng 11/2023, Tổng thống Philippines Ferdinand Jr. Marcos và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida thống nhất sẽ triển khai đàm phán hiệp định với mục tiêu đưa quan hệ quốc phòng của hai nước lên một mức mới[8].

Nhật Bản là động lực chính thúc đẩy thỏa thuận này. Lo ngại về tình hình an ninh khu vực, Nhật Bản theo đuổi chính sách chủ động hơn để tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ và thúc đẩy hợp tác với các quốc gia khác trong khu vực. Tokyo lo ngại về nguy cơ xung đột gia tăng ở eo biển Đài Loan. Tháng 6/2022 tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu rằng vấn đề của Ukraine ngày hôm nay có thể diễn ra tại Đông Bắc Á vào ngày mai, hàm ý Đài Loan[9]. Đã có học giả cũng lập luận rằng eo biển Đài Loan nằm trong phạm vi can dự của Hiệp định phòng thủ chung giữa Nhật với Mỹ vì có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh Nhật Bản[10].

Biển Hoa Đông cũng diễn biến phức tạp. Theo như báo cáo của Lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản, năm 2023, Trung Quốc tăng cường hiện diện tại vùng biển tiếp giáp của quần đảo Điếu Ngư ở mức cao nhất kể từ năm 2008, lên đến 352/362 ngày[11]. Sáu tháng đầu năm 2024, Nhật Bản ghi nhận có 158 ngày liên tục tàu Trung Quốc xuất hiện ở khu vực biển của quần đảo Senkaku. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết Chính phủ Nhật Bản coi diễn biến đó là cực kỳ nghiêm trọng[12]. Trong bối cảnh đó, Nhật Bản tiếp tục điều chỉnh chính sách an ninh trong đó có xây dựng Chương trình Viện trợ An ninh (OSA) để hỗ trợ năng lực về an ninh, quốc phòng cho các nước khác[13] và đàm phán ký kết RAA với các đối tác.

Trước những hoạt động quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông, Philippines dưới thời Tổng thống Marcos điều chỉnh chính sách, tăng cường đồng minh với Mỹ và mở rộng hợp tác an ninh với các đối tác lớn khác nhằm tăng cường năng lực cũng như tranh thủ sự ủng hộ quốc tế trong chiến lược bảo vệ yêu sách chủ quyền tại Biển Đông. Manila đã đạt được thoả thuận với Wahsington về Hướng dẫn thực thi Hiệp định phòng thủ song phương (MDT) giữa hai nước vào tháng 5/2023, theo đó Mỹ cụ thể cam kết sẽ áp dụng MDT nếu như có tấn công vũ trang vào tàu công vụ, máy bay, lực lượng vũ trang - bao gồm cảnh sát biển/tuần duyên - của mỗi nước tại Châu Á Thái Bình Dương bao gồm Biển Đông[14]. Philippines cũng đã thúc đẩy đa dạng hợp tác quốc phòng với nhiều nước đối tác khác là đồng minh của Mỹ ngay trong thời gian gần đây. Chỉ trong năm 2023 và đầu năm 2024, Philippines đã ký kết Hiệp định hỗ trợ hậu cần song phương với New Zealand, MOU về hợp tác quốc phòng với Anh, MOU về hợp tác quốc phòng với Canada, Ý định thư về nâng cao hợp tác quốc phòng với Pháp[15] và đang trong quá trình đàm phán RAA với Pháp và New Zealand[16]. Việc ký kết RAA được kỳ vòng sẽ giúp Philippines tăng thêm vị thế an ninh, hiện đại hoá quốc phòng, tăng năng lực để đối phó với các diễn biến trên Biển Đông.

Thỏa thuận giữa Nhật Bản và Philippines có thể có sự ủng hộ, khích lệ của Mỹ. Mỹ là đồng minh hiệp ước của cả Nhật Bản và Philippines.  Thỏa thuận RAA giữa Nhật Bản và Philippines được ký chỉ hai tháng sau khi Mỹ tổ chức thượng đỉnh lần đầu tiên giữa ba nước Mỹ, Nhật Bản và Philippines tại Washington tháng 4/2024 nhằm tăng cường sự điều phối, hợp tác giữa ba nước trong các vấn đề về kinh tế và an ninh.[17] Trong bối cảnh bị phân tán và thách thức ở khu vực ngày càng lớn, Mỹ cần đồng minh chia sẻ gánh nặng. Việc ký kết RAA sẽ giúp Mỹ dễ cùng phối hợp với cả Nhật Bản và Philippines triển khai các chính sách an ninh trong khu vực Biển Đông dễ dàng hơn.

Tác động đến an ninh khu vực

Tuy không phải là một hiệp định phòng thủ tương hỗ, RAA sẽ giúp giảm mất cân bằng lực lượng mới trong khu vực. Trong cạnh tranh địa chính trị ở khu vực và Biển Đông, Mỹ và Nhật Bản ở vị thế yếu hơn so với Trung Quốc do ở xa và hạn chế trong sự hiện diện. RAA với Nhật Bản đã tạo cơ sở tăng thêm sự hiện diện của lực lượng phòng vệ Nhật Bản một nước gần ngay trong khu vực để tăng cường triển khai các hoạt động hợp tác quân sự cả song phương giữa Nhật Bản và Philippines và đa phương cùng Mỹ và các nước khác tại Philippines. RAA cũng có thể mở ra nhiều hoạt động hợp tác như phát triển hệ thống phòng thủ, hậu cần, huấn luyện, tập trận… qua đó nâng cao năng lực của Philippines và khả năng phối hợp, tác chiến giữa ba nước. 

Hiện nay Nhật Bản đang là một trong đối tác cung cấp trang thiết bị an ninh chủ chốt cho Philippines. Nhật Bản đã cung cấp 10 tàu tuần tra dài 44 m và 02 tàu tuần tra dài 97 m từ năm 2016 và sẽ cung cấp thêm 05 tàu tuần tra 97 m cho Philippines trong thời gian tới[18]. Nhật Bản cũng có hợp đồng cung cấp 04 hệ thống radar phòng không cho Philippines trong đó đã bàn giao 01 hệ thống năm 2024. RAA do vậy, sẽ thúc đẩy tương tác, sự tin cậy lẫn nhau và hợp tác giữa quân đội Nhật Bản và Philippines, mở ra nhiều cơ hội để tiếp tục hiện đại hoá năng lực quốc phòng của Philippines.

Đặt trong tổng thể, RAA giữa Nhật Bản và Philippines chỉ là một mắt xích nhỏ trong nỗ lực hoàn thiện mạng lưới hợp tác quân sự đa phương của Mỹ với các đồng minh và giữa các đồng minh của Mỹ với nhau tại khu vực Biển Đông và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tăng cường tính răn đe tập thể và thúc đẩy triển khai chiến lược. Philippines trước đó đã ký Hiệp định Lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ vào năm 1998[19] và Hiệp định Tình trạng Lực lượng thăm viếng (SOVFA) với Úc vào 2017[20], còn Nhật Bản đã ký RAA với Úc  và Anh vào năm 2022 và 2023 như đã nêu ở trên. Mỹ, Nhật Bản, Úc và Philippines đã triển khai một số hoạt động tập trận chung đa phương trong khu vực vùng biển của Philippines ở Biển Đông[21].

Việc gia tăng sự hiện diện của Nhật Bản ở Philippines nói riêng và Biển Đông nói chung, đặt trong bối cảnh lực lượng Mỹ triển khai nhiều hệ thống vũ khí, khí tài ở khu vực, cũng sẽ tác động đến các toan tính, chính sách của các chủ thể khác trong khu vực. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ coi đây tiếp tục là nỗ lực của Mỹ và đồng minh nhằm bao vây, kiểm soát nước này[22]. Khả năng Trung Quốc tiếp tục hành xử cứng rắn ở Biển Đông đối với lực lượng đồn trú của Philippines tại Bãi Cỏ Mây và xung quanh khu vực Bãi cạn Scaroborough tùy thuộc vào toan tính của nước này và khả năng can dự của Mỹ và đồng minh. Tuy nhiên, diễn biến này chắc chắn sẽ làm nghi kị, mâu thuẫn giữa các cường quốc chủ chốt trong khu vực vốn đã rất sâu sắc, lại tiếp tục sâu sắc hơn. Theo đó, vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực tiếp tục gặp nhiều thách thức mới.

Kết luận.

RAA ký kết giữa Nhật Bản và Philippines cho thấy nhu cầu hợp tác về an ninh của hai nước trong bối cảnh địa chính trị quốc tế và khu vực đang có nhiều biến động phức tạp. Philippines muốn mở rộng hợp tác an ninh để tăng cường năng lực, hiện đại hoá quốc phòng nhằm tạo thế cân bằng tại khu vực Biển Đông. Trong khi đó, Nhật Bản cần mở rộng hợp tác an ninh ra khu vực Biển Đông và rộng hơn nữa trong cả khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để triển khai các chiến lược an ninh của mình. Nhật Bản và Philippines đều là đồng minh của Mỹ, do vậy, việc tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước cũng sẽ phục vụ cho các hoạt động hợp tác an ninh đa phương của cả ba nước trong khu vực. RAA cũng cho thấy xu hướng hợp tác quân sự song phương giữa các đồng minh của Mỹ diễn ra ngày càng nhanh chóng do Mỹ muốn tăng khả năng tự chủ của các nước này để cùng chia sẻ trách nhiệm an ninh với Mỹ.

Nguyễn Thái Giang*
Nghiên cứu viên Viện Biển Đông
(*) Bài viết thể hiện quan điểm nghiên cứu cá nhân của tác giả.

[1] Xem thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản về RAA ký kết giữa Nhật Bản và Philippines 7/2024 tại https://www.mofa.go.jp/s_sa/sea2/ph/pageite_000001_00432.html

[2] Xem bài viết tại https://www.spf.org/iina/en/articles/thomas_04.html

[3] Xem bài phân tích của Giáo sư Daisuke Akimoto tại https://thediplomat.com/2022/05/will-australia-and-japan-move-beyond-the-quasi-alliance/

[4] Xem bình luận tại https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/Philippines-Japan-sign-defense-pact-to-seal-South-China-Sea-ties

[5] Philippines chỉ có ba quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam.

[6] Xem thêm đánh giá của Philippines về vai trò của Nhật Bản trong quan hệ hai nước và hợp tác phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng tại https://globalnation.inquirer.net/175614/philippines-sees-japan-as-most-important-partner-country-ph-envoy

[7] Xem thông tin tại https://news.abs-cbn.com/news/2024/4/17/philippines-extends-invitation-to-japan-to-join-balikatan-2025-1647

[8] Xem tại https://pco.gov.ph/news_releases/ph-japan-sign-raa-to-boost-defense-cooperation/

[9] Xem phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Đối thoại Shangrila năm 2022 tại https://www.france24.com/en/live-news/20220610-ukraine-today-could-be-east-asia-tomorrow-japan-pm-warns

[10] Tiến sỹ Amrita Jash cho rằng dựa trên Hướng dẫn phòng thủ Mỹ - Nhật 1997 nêu quy định phòng thủ chung Mỹ - Nhật bao gồm cả các tình huống xung quanh Nhật Bản, hàm ý Đài Loan nằm trong tính toán phòng thủ chung hai nước do có tác động trực tiếp an ninh đến Nhật Bản. Trên thực tế Nhật Bản đã hỗ trợ hoạt động quân sự Mỹ trong các hoạt động sau khí có căng thẳng thử tên lửa của Trung Quốc tại eo biển Đài Loan năm 1996 và gần đây Nhật Bản đã tham gia tập trận Valiant Shield cùng Mỹ đáp trả cho tập trậng Joint Sword của Trung Quốc xung quanh Đài Loan (2024). Xem bình luận tại https://globaltaiwan.org/wp-content/uploads/2024/07/GTB-9.14-PDF.pdf

[11] Xem thông tin tại bình luận của Diplomat tại https://thediplomat.com/2024/01/china-sets-record-for-activity-near-senkaku-diaoyu-islands-in-2023/

[12] Xem thông tin tại https://www.japantimes.co.jp/news/2024/05/27/japan/senkakus-chinese-ships/

[13] Xem thông tin Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo về OSA tại https://www.mofa.go.jp/fp/ipc/page4e_001366.html

[14] Xem thông báo về Hướng dẫn thực thi MDT Mỹ và Philippines ký vào tháng 5/2023, tại https://www.defense.gov/News/Releases/Release/Article/3383607/fact-sheet-us-philippines-bilateral-defense-guidelines/

[15] Xem thông tin tại https://www.aseanwonk.com/p/japan-philippines-reciprocal-access-agreement

[16] Xem trả lời báo chí của Đại sứ Pháp Marie Fontanel tại Philippines tại https://www.gmanetwork.com/news/topstories/nation/904812/france-vfa-talks-may-02252024/story/#goog_rewarded

[17] Xem thông tin về thượng đỉnh Mỹ - Nhật Bản - Philippines tại Washington tại https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2024/04/11/joint-vision-statement-from-the-leaders-of-japan-the-philippines-and-the-united-states/

[18] Xem thông tin tại https://www.thejakartapost.com/world/2024/07/09/why-the-philippine-japan-defense-pact-matters.html

[19] Xem thông tin về Hiệp định VFA tại https://www.pna.gov.ph/articles/1143063

[20] Xem thông tin về Hiệp định SOVFA tại https://philippines.embassy.gov.au/mnla/medrel120726.html

[21] Tháng 6/2023, tại vùng biển Bataan của Philippines, Nhật Bản cùng Mỹ và Philippines đã triển khai hoạt động diễn tập Cảnh sát biển ba nước lần đầu tiên. Tháng 04/2024, Mỹ, Nhật Bản, Úc và Philippines cũng đã có diễn tập hải quân lần đầu tiên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Tháng 6/2024, Nhật Bản, Philippines, Mỹ và Canada tổ chức tập trận lần đầu tiên tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Dự kiến trong thời gian tới sẽ còn nhiều các hoạt động tập trận chung ở trên biển giữa Nhật Bản, Philippines cùng Mỹ và các đối tác khác.

[22] Một số học giả Trung Quốc bình luận trên Hoàn cầu Thời báo và trang Quân sự Trung Quốc cho rằng RAA giữa Nhật Bản - Philippines giống như dạng hợp tác "bán đồng minh"hay là "tiểu NATO" trong khu vực của Mỹ với Nhật Bản và Philippines nhằm kiềm chế Trung Quốc. Xem bài bình luận tại https://www.globaltimes.cn/page/202407/1315643.shtml và tại http://eng.chinamil.com.cn/OPINIONS_209196/Opinions_209197/16323593.html